Triết học Đông phương

Dẫn nhập vào tư tưởng Ấn Độ (1)


 

DẪN NHẬP VÀO TƯ TƯỞNG ẤN ĐỘ

 

LEO GABRIEL, WIEN

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 

... “Để cho tôi nhận thức được

cái gì nối kết thế giới trong

chỗ thâm để nhất của nó”...

(Goethe, Độc thoại của Faust)*

 

[ I ]

Có một sự nhận thức không nhắm đến một đối tượng nhất định hay một lãnh vực đối tượng bị giới hạn nào mà tập trung vào sự thống nhất [hay nhất thể] của những đối tượng, vào sự nối kết của chúng. [Loại] tư tưởng nhắm đến sự thống nhất ấy trước hết phải vượt lên trên những đối tượng và những quan hệ thường nghiệm riêng lẻ của chúng, nghĩa là phải siêu việt lên (transzendieren) để đạt được cái chân trời qua đó cái Toàn bộ đi vào trong tầm ngắm; việc đưa cái Toàn bộ “đi vào-trong-tầm-ngắm” này chính là bản chất của tư duy lý luận. Lịch sử tư tưởng con người, trong triết học cũng như trong các ngành khoa học, cho thấy có loại tư tưởng có được mối quan hệ này với cái Toàn bộ, cho thấy tư tưởng ấy không ngừng nỗ lực theo chiều hướng vươn tới sự thống nhất tối hậu và sự tổng trì cái Toàn bộ có thể nhận thức được. Còn liệu ở trong một sự nối kết nhất định nào đó về nhận thức, cái Toàn bộ hiện thực (Wirklichkeit)** có thể được nắm bắt một cách khách quan như là đối tượng (gegenständlich) hay không, lại là một vấn đề khác; vâng, có lẽ không còn là vấn đề nữa đối với ai nhìn nhận rằng bản thân cái Toàn bộ của những đối tượng thì không thể lại trở thành một đối tượng giữa những đối tượng khác được (1).

Thế nhưng, nếu cái Toàn bộ - với tư cách là đối tượng -, là không thể đạt đến được trên bình diện đối tượng khách quan [như Kant nói] và dù vậy, [cái Toàn bộ] vẫn là một chân lý mà Tư tưởng không bao giờ để cho bị tướt đoạt đi [như yêu sách của Hegel] (2), thì ắt phải đi một con đường khác, mà mục tiêu của nó không phải là những đối tượng nữa, trái lại, con đường ấy dẫn ta đi ra khỏi đối tượng để đi vào trong sự vận động siêu việt của tư duy; sự vận động ấy sẽ dẫn đến cái Toàn bộ của tồn tại một cách “siêu-đối tượng” (übergegenständlich).

Con đường này cũng có điểm đi và điểm đến, do đó, có hướng đi. Mục tiêu là cái Toàn bộ; còn điểm đi, từ đó khởi động hướng đi đến cái Toàn bộ, tức cái điểm từ đó tư tưởng phải xuất phát hầu, nói chung, có thể đi đến được cái Toàn bộ, chính là nền móng (Grund) và, đối với cái Toàn bộ rộng lớn nhất, là nền móng tối hậu hay là cái “Căn cơ” (“Urgrund”)*.

Chỉ từ trên chóp đỉnh cao nhất của hòn núi mới mở ra cái nhìn về toàn bộ cảnh quan. Công trình xây dựng càng to lớn thì nền móng của tòa nhà càng cần phải được đặt sâu hơn. Cho nên, một công trình xây dựng có nhiệm vụ bao trùm toàn bộ thế giới ắt phải có nền móng sâu nhất. Cây bám rễ thật sâu vào lòng đất thì mới lớn mạnh thành hình thể và cành lá sum suê. Giống như hình ảnh trên đây của núi, cây và công trình xây dựng đã cho thấy rõ, nền móng và cái Toàn bộ gắn liền với nhau. Cái Toàn bộ không thể có được nếu không có nền móng và ngược lại, nếu không có cái Toàn bộ thì nền móng không đặt nền cho cái gì cả. Chính sự gắn liền của chúng mới đào luyện nên cấu trúc của tư tưởng có khả năng “khai thông” hiện thực.

Liên quan đến vấn đề “nền móng” hay “cơ sở” (Grund), cần thiết nêu ra một lưu ý từ giác độ Lô-gíc học. Theo đó, tư duy không chỉ nỗ lực để nhận thức một đối tượng nhất định, nghĩa là xác định nó là cái gì (khái niệm, định nghĩa) và khẳng định rằng nó thực sự tồn tại (phán đoán) mà còn đặt cơ sở [nêu lý do] (begründen) tại sao nó tồn tại [như thế]. Tuy nhiên, tính toàn vẹn (Integrität) của các cấu trúc lô-gíc nêu trên của tư duy [làm các chức năng] xác định bằng khái niệm, phán đoán và đặt cơ sở sẽ bị phá hủy, nếu các hình thức này của [một bên là việc] kiến tạo ý nghĩa bằng tư duy và [bên kia là việc] trình bày bằng biểu tượng bị trộn lẫn với nhau. Tư duy làm nhiệm vụ xác định, định nghĩa và vạch ranh giới cho một đối tượng không thể được đặt ngang bằng hay đánh đồng cùng một lúc với nhiệm vụ đặt cơ sở, bởi từ đó sẽ làm nảy sinh một sự biến dạng (Deformation) về lô-gíc với tất cả mọi hậu quả của nó. Cho nên, sự phân biệt về cấu trúc lô-gíc giữa Tư duy-căn cơ và Tư duy-đối tượng là một tiền đề quan trọng cho việc hiểu được hình thức tư duy lý luận [có nhiệm vụ] trung giới [trung gian môi giới] (vermittelt) giữa Căn cơđối tượng.

Nhưng, chuỗi những cơ sở [hay nguyên nhân] phải được quy về cơ sở hay Căn cơ tối hậu mới có thể thỏa ứng được chức năng đặt nền móng của nó.

Không phải ngẫu nhiên mà bất cứ nơi đâu, khi cái Toàn bộ của tồn tại hay nói khác đi, Thế giới đi vào trong tầm nhìn của một tiến trình suy tưởng bao trùm thì đồng thời lại đặt ra câu hỏi về một Căn cơ tối hậu, tức về cái nền móng hay Căn cơ của Thế giới (Weltgrund). Thế giới, với tư cách là sự thống nhất hay nhất thể bao trùm, nói chung, chỉ có thể “nắm được-cái-đúng thật”* [của nó] là từ cái Căn cơ tối hậu này mà thôi. Cái “Căn cơ” này là cái căn cơ tối hậu, không còn được đặt cơ sở từ một cái gì khác hơn nữa; nó là vô-điều kiện; vậy, tự nền tảng (im Grunde), nó là bản thân cái Vô-điều kiện, là cái Tuyệt đối. Như thế, cái Căn cơ và cái Toàn bộ - cái Căn cơ tuyệt đối và cái Toàn bộ bao trùm nhất, mà ta gọi là Thế giới [hay Vũ trụ] - tự cho thấy là khế hợp với nhau, là gắn liền với nhau thành một mối tương quan (Bezug), trong đó Tư duy đạt được kích thước mô thức trọn vẹn, tròn đầy của mình. Cái Toàn bộ của sự hiện hữu – xét như là Thế giới - được và phải được không ngừng tìm cách chiếm lĩnh xuất phát từ một cái Tuyệt đối – xét như là cái Căn cơ. Bởi vì ta phải tự làm cho mình sáng tỏ rằng chính sự suy tư triệt để nhất (gründlichste) này trong một ý nghĩa tối hậu mới mang lại nền tảng (Basis) có tính lịch sử và tính nguyên tắc cho mọi tính thấu đáo (Gründlichkeit) về mặt hệ thống của Tư duy; tức tính thấu đáo được yêu sách phải có ở trong Triết học cũng như trong khoa học.

Quả là sự kiện mang tầm vóc lịch sử thế giới khi Tư duy này đã khai mở cấu trúc của nó lần đầu tiên trong các kinh sách minh triết của người Ấn Độ cổ đại, khi Tư duy ấy đã triển khai ở đó trước tiên và trải qua hình thái hiện thân đầu tiên của mình. Chính điều này nói lên ý nghĩa của tư tưởng Ấn Độ cổ đại, của “những sự máy động sớm nhất của tư duy triết học mà ta được biết” (G.Misch) với tư cách là khởi nguyên lịch sử của Triết học.

Không thể chối cãi rằng sự thống nhất hay nhất thể thâm để nhất và Căn cơ tối hậu của Thế giới là đề tài của tư biện tối cổ Ấn Độ. Cũng là một sự kiện có thật khi cho rằng sự tư biện này đã ra đời trong sự kết hợp chặt chẽ nhất với tôn giáo và đã tự phát triển từ mối quan hệ của nó với cái Tuyệt đối. Tất nhiên, về bất kỳ nền triết học nào, ta đều có thể khẳng định rằng nó gắn liền như một cam kết với tôn giáo trong ý nghĩa thời đại của sự ra đời của nó. Tuy vậy, mối quan hệ này cũng cho thấy những sự dị biệt đáng chú ý. Triết học Hy Lạp [cổ đại] hành xử một cách biện chứng với tôn giáo và tự phát triển từ sự đối lập lại với tôn giáo như là một thứ “tôn giáo khác” đã được tẩy sạch bằng lý tính của một nền tư tưởng đã được xây dựng thành hình thức khái niệm; nền tư tưởng ấy đã tạo ra ý niệm về Thượng đế mang tính triết học [“Thượng đế của triết gia”] một cách tự chủ, độc lập với tôn giáo ở trong Ý niệm về cái Thiện (Platon) và về “cái tạo ra Vận động mà bản thân không bị vận động” (“der unbewegte Beweger”) (Aristote). Tư tưởng Ấn Độ thì lại không như vậy. Tư biện Ấn Độ không lúc nào rời bỏ mảnh đất tôn giáo, trái lại, đúng hơn, không ngừng và trực tiếp nuôi dưỡng mình từ những nguồn sinh lực của mảnh đất mà nó không bao giờ tự làm cho mình bị bật rễ. Tuy nhiên, về phía mình, sự tư biện của Ấn Độ cổ đại lại cải tạo và phát triển cấu trúc của tôn giáo từ bên trong. Và đó chính là tiến trình đã dẫn thuyết đa thần thông qua thuyết độc thần đến thuyết phiếm thần tiêu biểu của Ấn Độ, tức đến sự thống nhất hay nhất thể của Thượng đế Thế giới. Tiến trình này – và đây là chỗ trùng hợp với triết học Hy Lạp – đã được khởi động bằng hình thức tư duy lý luận – siêu hình học, bằng lối tư duy nỗ lực thoát ly một cách tuyệt đối khỏi cái đa tạp thường nghiệm để hướng về sự nhất thể hóa triệt để, - tức hướng về sự thống nhất hay nhất thể ex radice [triệt để], hướng về sự thống nhất từ một gốc rễ tối hậu, hướng về một sự thống nhất tuyệt đối của cái đa tạp từ một nền móng tối hậu hay là từ cái Căn cơ (Urgrunde). Tư duy này khởi động ở đâu thì ở đó mọi sự đa dạng, mọi tính đa tạp của thế giới cảm tính đều rơi vào “cỗ cối xay” của sự hoài nghi và giải thể-tối hậu. Cái thế giới thường nghiệm này – trong tính nội tại (Immanenz) chặt chẽ, khép kín của nó như là “thế giới” – bị rung chuyển bởi sự trở thành đáng ngờ của tính đa tạp đầy màu sắc của nó, của sự phong phú những hình thái và bộ mặt của nó, tức của những gì đã và đang khống chế Tinh thần ngây thơ vốn chỉ xuất phát từ cái cảm tính. Và nay thì Tinh thần muốn tự giải thoát mình khỏi bạo lực áp chế này của sự phong phú và muốn thu hoạch cho mình một Mô thức (Form) về Thế giới không phải từ cái cảm tính (Sinnliche) mà từ ý nghĩa (Sinn). Tinh thần-phản tư đã thành công trong việc vượt qua cái đa tạp-cảm tính bằng sự thống nhất mang lại ý nghĩa; và, từ cái đa tạp-cảm tính, làm cho hình thành nên một cái Toàn bộ có ý nghĩa và, do đó, có thể hiểu được, với tư cách từ nay là “Thế giới” nói chung.

Tiến trình này của sự khủng hoảng [trong tư duy] tác động đến thế giới của giác quan, đến kinh nghiệm cảm tính trên toàn bộ bề rộng của nó, cho nên cũng tác động đến cả những hình thái biểu kiến [có thể trực quan được] của những vị thần linh trong nền tôn giáo đa thần. Khi Thần India [Thần Đế Thích Thiên], trong một bài ca (3), bị chế diễu như là một tay nát rượu đang khật khưỡng vì bị rượu (Somatrank?) làm cho say mềm thì bản thân tính thần linh cũng chao đảo trong vỏ hiện tượng của mình và tiêu biến đi cùng với Ngài. Sự khủng hoảng sâu sắc này của ý thức tôn giáo, trong đó ngay bản thân những hình tượng rực rỡ nhất của thế giới thần linh như Thần Indra - những vị thần còn lại thì, trong một bài ca, thấy mình bị chế nhạo như là những con ếch (4) – cũng không được miễn trừ, chỉ có thể được lý giải bằng sự đột phá của một tư duy đang kiến tạo thế giới một cách mới mẻ, của một tư duy có khả năng và có mong muốn trừu tượng hóa khỏi những vị thần linh riêng lẻ ấy (5). Tư duy này mở ra buổi bình minh bằng buổi hoàng hôn của những thần linh do nó đã tạo ra, và đẩy mặt trời của một “Thần linh” mới lên cao: ánh  sáng của mặt trời ấy còn tiếp tục rọi sáng chung quanh bản thân những hình tượng đã tiêu trầm của quá khứ. Sau đây, thiết nghĩ nên đi vào chi tiết để chứng minh rằng tư tưởng đột phá ở đây thật sự là tư tưởng thống nhất mang tính chất triết học siêu hình học.

 



Xin chú ý: dấu * là chú thích của người dịch; dấu (1) (2)... là chú thích của tác giả được đặt ở cuối bài; dấu [   ] là chỗ thêm vào của người dịch để câu hay ý được rõ hơn.

* J.W.Goethe: Kịch Faust, câu 343. (N.D).

** Ở đây, tác giả ám chỉ đến cách đặt vấn đề của Kant (xem chú thích (1) ở cuối bài), nên chữ “Wirklichkeit” được dịch là “hiện thực” theo nghĩa của Kant, để chỉ những gì có thật (wirklich) chứ không phải chỉ “đúng” ở trong tư tưởng, tức chỉ có tính “thực tại” (Realität) thuộc phạm trù chất (Qualität). (Xem: Kant, Phê phán Lý tính thuần túy, B106, BVNS dịch và chú giải, NXB Văn học 2004). (N.D).

(1) Theo “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của Kant [xem: Kant, Phê phán Lý tính thuần túy, B350 và tiếp], “cái Toàn bộ không bao giờ đã được mang lại, mà mãi mãi chỉ được đặt ra như một nhiệm vụ phải giải quyết”, tức không phải là đối tượng mà là mục tiêu, nghĩa là được xếp vào trong ý chí nỗ lực. Tư duy trở thành “hành động của giác tính”, lý thuyết trở thành thực tiễn của lý tính thuần túy, thành thành tích, thành việc làm của nó. J.Pipers nói về “khái niệm lao động” của việc nhận thức nơi Kant. Bi kịch của tư duy này là: tư duy thì “bị làm” còn việc làm thì “bị tư duy” - định mệnh Đức!

(2) “Chân lý của cái Toàn bộ” của Hegel.

* Chữ “Grund” trong tiếng Đức có nghĩa đen là “đáy”, “nền”, từ đó có nghĩa bóng là “nền tảng”, “căn cơ”, và, trong tư duy lô-gíc, có nghĩa là “nguyên nhân”, “cơ sở”, “lý do”. Khi trở thành tính từ: “gründlich”, vừa có nghĩa “tính nền tảng”, “có cơ sở”, vừa có nghĩa là “triệt để”, “cặn kẽ”, “thấu đáo”. Động từ “begründen” vừa có nghĩa là “đặt nền móng” (giống như chữ “grundbegen”) vừa có nghĩa là “nêu lý do”, “xác định nguyên nhân”. Ở đây, tác giả sẽ tận dụng các nghĩa trên của từ này để nêu rõ đặc điểm của tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Chúng tôi tạm dịch chữ “Urgrund” là cái “Căn cơ” (căn = gốc, sơ thủy = ur; cơ/nền móng = Grund) tức cơ sở, nền móng tối hậu, để tránh lẫn lộn với “căn nguyên” (Ursprung) (nguyên: nguồn), và chúng tôi sẽ dịch chữ Ursprung là “nguồn suối nguyên thủy” cho rõ hơn. (N.D).

* “wahr-zu-nehmen”: trong tiếng Đức, chữ “wahrnehmen” chỉ có nghĩa là “tri giác”; ở đây tác giả chơi chữ bằng cách chiết tự: “nắm lấy” (nehmen) cái đúng thật (das Wahre), giống như cách chơi chữ của Hegel trong Chương II (“Tri giác”) của quyển “Hiện tượng học Tinh thần”, dựa theo cách “chiết tự” của chữ la tinh: “per-cipio”. (Xem: Hegel, “Hiện tượng học Tinh thần”/Phänomenologie des Geistes; Chương II, BVNS dịch và chú giải (sắp xuất bản)). (N.D).

(3) Rgveda, 10, 119.

(4) Rg. 9, 91.

(5) Cái Tuyệt đối (Absolutio), việc “thoát-ly” khỏi tính đa tạp thường nghiệm, do đó, đồng thời là một cái Abstractio (cái trừu tượng). Con đường của tư duy này đến cái Tuyệt đối là sự trừu tượng. Và đó là tư duy triết học. [Chữ “tuyệt đối” nghĩa gốc là “thoát ly” khỏi cái có điều kiện].

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt