Triết học Đông phương

Địa vị lịch sử Phật giáo trong tư trào của Ấn Độ


 

ĐỊA VỊ LỊCH SỬ CỦA PHẬT GIÁO 

 TRONG TƯ TRÀO CỦA ẤN ĐỘ

 

KIMURA TAIKEN

 


Kimura TaikenĐại thừa Phật giáo tư tưởng luận. Thiên thứ nhất "Lịch sử tư tưởng của Đại thừa Phật giáo". Chương 1: "Tổng luận". Thích Quảng Độ dịchViện Đại Học Vạn Hạnh. 1969| Phiên bản điện tử: thuvienhoasen.org


 

Từ xưa, Ấn Độ là một nước tôn giáo, triết học và thi ca, cho nên trào lưu tư tưởng phát sinh và nảy nở ở Ấn Độ rất nhiều và dưới những hình thức khác nhau, nhưng tư trào rộng lớn hơn cả là tư trào Phật Giáo. Song, Phật Giáo đã chiếm một địa vị như thế nào trong những tư trào ở Ấn Độ? 

Trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, Phật Giáo là sản phẩm thuộc thời kỳ thứ tư. Thời kỳ thứ nhất là thời đại Lê-Câu-Vệ-Đà (Rg-veda - 1.500-1.000 trước T.L.) chuyên sùng bái các hiện trượng thiên nhiên và là thời đại của dân tộc Aryan mở đường tiến thủ. Đứng về phương diện tư tưởng, ta có thể cho đó là thời đại “thần thoại vũ trụ quan”. Thời kỳ thứ hai là Giạ-Nhu-Vệ-Đà - thời đại Phạm ngữ -(1.000-800 trước T.L.). Giống người Aryan từ các địa phương Ngũ Hà tiến vào lưu vực sông Hằng (Gange), thấy đất đai phì nhiêu mới sống cuộc đời định cư tại những khu vực dọc theo con sông ấy. Đó là thời đại mà chế độ hà khắc (bốn giai cấp) và những lễ nghi tôn giáo vô cùng phức tạp được thiết lập, tức là thời đại Bà La Môn giáo vậy. 

Tư tưởng Bà La Môn rất bao quát, dùng chế độ và lễ nghi là nền tảng cho vũ trụ luận, cho nên ta có thể cho thời kỳ này là thời đại “Tế đàn vũ trụ quan”. Thời kỳ thứ ba là thời đại U-Ba-Ni-Sát (Upanishad - 800-500 trước T.L.). Về phương diện hình thức, thời kỳ này tuy thừa kế tư trưởng thời kỳ trước, song đã dần dần thay đổi vàcuối cùng đã khai sáng một thời đại lấy con người làm trung tâm để giải quyết hết thảy, tức là thời kỳBản ngã triết học được thành lập. Do đó đến đây, ta có thể thấy một biến chuyển lớn lao đã xẩy ra trong tư tưởng giới Ấn Độ. 

Những trào lưu tư tưởng kể trên tuy triển khai qua ba thời kỳ khác nhau, nhưng chung quy cũng đều bắt nguồn từ tư tưởng Vệ-Đà. Đến tư trào thứ tư thì có rất nhiều điểm bất đồng. Chẳng hạn, nói về địa dư thì ba thời kỳ trước chủ yếu lấy thượng lưu sông Hằng làm trung tâm, mà thời kỳ thứ tư thì lại lấy khu vực hạ lưu sông Hằng làm cứ điểm phát huy tư tưởng. Nói về giai cấp thì những thời kỳ trước chỉ có giòng tăng Sĩ Bà La Môn là người biểu hiện và khai thác tư tưởng, đến thời kỳ thứ tư thì không những chỉ có tư tưởng Bà La Môn mà còn thấy cả hoạt động của giai cấp thống trị Sát-đế-lợi nữa. Do đó, nếu đứng về phương diện tư tưởng mà nói, thời kỳ này tuy cũng lấy tư tưởng truyền thống Bà La Môn của ba thời kỳ trước làm bối cảnh dùng mọi hình thức để mở rộng, song cái tư tưởng đầy sức sống ấy chính là tư tưởng tự do, coi thường truyền thống (phần nhiều trái với Bà La Môn). Đến đây, các giáo phái có chủ trương tín ngưỡng khác nhau lần lượt kế tiếp nhau mọc lên. Bởi thế ta có thể gọi thời kỳ này là thời đại cách mạng của các giáo phái (500-300 trước T.L.). Nhờ xu thế ấy mà trong thời kỳ này Phật Giáocũng quật khởi. Đứng trong tư trào thứ tư này mà nhận xét, thì đại khái Phật Giáo đã chiếm địa vị như sau: 

Như ta đã thấy trào lưu tư tưởng bộc phát trong thời kỳ thứ tư, tuy có nhiều xu hướng khác nhau, nhưng đại lược ta có thể chia thành hai hệ thống: Bà La Môn giáo hệ và Phi Bà Là Môn giáo hệ. Bà La Môn giáo hệ nhận uy quyền của thánh kinh Về-Đà và tính cách thiêng liêng của chủng tộc Bà La Môn, còn Phi Bà La Môn giáo hệ muốn hoàn toàn đứng trên lập trường tự do để giải thích và phê phán hết thảy. Hề thống này có thể được coi là đại biểu của thời kỳ thứ tư. Cũng có một vài giáo phái không những chỉ có ảnh hưởng trong thời đại đức Phật, mà cả đến những thế hệ sau vẫn còn có uy lực, chẳng hạn như sáu Lục Sư chính là một giáo phái tự do vậy. 

Song ảnh hưởng của những giáo phái ấy đối với nhân tâm và sự cảm hóa đương thời ra sao? Giáo hệ Bà La Môn vì theo quan niệm truyền thống, nên có nhiều điểm tuy đã ăn sâu vào nền tảng xã hội, nhưng với thời đại mới thì cũng đã có nhiều điểm không còn được thích ứng nữa. Còn phái tự do tân tiến tuy có ảnh hưởng lớn đối với lòng người khi đã bừng tỉnh nhưng vì thiếu tính chất kiện toàn trong việc hoạt động và lại đi quá đà, đến nỗi gây nguy hại cho thể đạo nhân tâm, theo trong kinh sách của Phật Giáođã chép thì đó là một sự thật hiển nhiên, không còn nghi ngờ. Nói tóm lại, tư tưởng giới thời bấy giờ, hệ thống cũ dần dần suy sụp, mà hệ thống mới vẫn chưa được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, cho nên đứng về phương diện này mà nhận xét thì thấy có sự tích cực hoạt động, nhưng ở một phương diện khác thì lại vô cùng hỗn độn, bởi vậy không khỏi khiến cho lòng người rơi vào một trạng thái bất an! 

Chính vào lúc lòng người bất an, tư tưởng hỗn loạn ấy mà đức Phật Thích Ca (560-480 trước T.L.), sau khi đã tự tìm ra chân lý, đem đạo Giác Ngộ truyền bá khắp nơi, và Phật Giáo đã thực sự bắt nguồn từ giai đoạn đó. Đứng về phương diện tư tưởng mà nói, tuy Phật Giáo dĩ nhiên không thuộc giáo hệ Bà La Môn giáo mà dung hòa, thống nhất, xa hẳng con đường cực đoan, theo lập trường trung đạo, sáng lậpmột nền đạo pháp vừa mới mẻ, vừa kiện toàn để dẫn đường cho thế gian, đó là đặc điểm vĩ đại nhất của Phật Giáo. Mặc dầu đứng ở địa vị độc đáo và có sức cảm hóa mãnh liệt, nhưng trong lúc trào lưu tư tưởng mới, cũ giao nhau, Phật Giáo cũng có thái độ tùy cơ, tùy thời và một tinh thần bao dung, quãng đại, và dần dần khiến cho lòng người quy hướng và ổn định. 

Lúc đầu, Phật Giáo chỉ là một trong những giáo phái chủ yếu, nhưng lần lần vượt xa hẳn các giáo pháikhác, có thế lực rất lớn trong xã hội. Đặc biệt trong lịch sử chính trị Ấn Độ có Hoàng đế A Dục (Ashoka)-(268-226 trước T.L) đã tận lực truyền bá Phật Giáo không những chỉ bành trướng ở Ấn Độ mà còn lan tràn ra các nước ngoài, đó chính là đầu mối của Phật Giáo thế giới vậy. Từ đây trở đi, phạm vi của Phật Giáo càng ngày càng được mở rộng, đồng thời về phương diện nội tại, Phật pháp thực thể tuy bất biếnsong vì muốn thích ứng với phong trào tư tưởng của mỗi thời đại, nên về hình thức và phương phápđược áp dụng để truyền đạo đã có thay đổi ít nhiều. Như trong bộ Tiểu thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận (cùng một tác giả) đã nói, từ Nguyên thủy Phật giáo tiến đến Bộ phái Phật giáo, rồi lại từ Bộ phái Phật giáo tiến đến Đại thừa Phật giáo, kết quả là thế lực của giáo hội Phật Giáo đã bành trướng khắp miền Tiểu Á. Cho đến thế kỷ thứ V, VI sau Tây Lịch thì tổ chức giáo lý lại càng phát đạt và đã hấp thụ tất cả tư tưởng tinh hoa của Ấn Độ (hấp thụ cả tệ đoan của thời đại cũng có) để nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo lớn nhất. Khởi thủy Phật Giáo tuy là một chi phái trong tư trào Ấn Độ, song bất luận về phương diện nào, nội dung cũng như hình thức, so với toàn bộ tư trào Ấn Độ, Phật Giáo vẫn có một ý nghĩa siêu việt hơn, điều đó là một sự thật hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận. 

Cũng vì Phật Giáo bao hàm một ý nghĩa như thế và cũng nhân chí khí của dân chúng Ấn Độ muốn trở lại chủ nghĩa truyền thống, vả lại cũng do phạm vi của Phật Giáo rộng rãi, không tránh khỏi sự hấp thụnhững tệ bệnh, cho nên từ thế kỷ thứ VIII, ngay trên lãnh thổ Ấn Độ bởi lẽ Phật Giáo được phát triển mạnh mẻ như vậy là nhờ ở tinh thần từ bi, bình đẳng, mà tinh thần ấy lại rất cần thiết cho sự đoàn kết của nhân dân Ấn Độ bất cứ về phương diện nào, xã hội hay chính trị. Khi họ trở lại với tinh thần truyền thống rồi, chế độ giai cấp hà khắc lại được tái lập, tinh thần đoàn kết dân tộc tan rã, đó là một trong những nguyên nhân khiến cho Ấn Độ phải chịu sự đô hộ của ngoại ban. Song Phật Giáo không phải hoàn toàn tiêu diệt ở Ấn Độ, về hình thức, Phật Giáo có vẻ suy vi, nhưng tinh thần Phật Giáo thì bất diệt. Mấy năm gần đây các phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Ấn Độ đã bắt đầu hoạt động mạnh cho nên rất có thể Phật Giáo lại có cơ phục hưng. 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt