Triết học Đông phương

Học-thuyết của Vương Dương-Minh. 2. Tâm

VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

TÂM

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com


 

 

Dương-minh định rõ nghĩa chữ tâm : « Tâm không phải là một khối huyết-nhục. Phàm chỗ tri-giác là tâm. Như tai mắt biết nghe biết trông, tay chân biết đau biết mỏi, cái tri-giác ấy là tâm vậy » (Ngữ-lục, III). Cái tâm của người ta thiêng-liêng sáng-suốt, vạn lý vạn sự đều căn-bản ở đó cả. Vậy nên nói rằng : « Hư linh bất muội, chúng lý cụ nhi vạn sự xuất. Tâm ngoại vô lý, tâm ngoại vô sự 虚靈不昧衆理具而萬事出心外無理心外無事 : Hư-linh không tối, các lý có đủ mà vạn sự đều bởi đó mà ra. Ngoài cái tâm không có lý, ngoài cái tâm không có sự ». (Ngữ-lục, I)

Muốn biết rõ cái tâm thì phải dụng công để hiểu rõ cái tính. Tính là nói cái bản-nhiên chi tính, như nói : thiên mệnh chi vị tính. Có nhiều người bàn về tính lầm ở chỗ ấy nên mới có thuyết nọ thuyết kia không giống nhau. Dương-minh nói tại làm sao mà các luận-giả hay sai-lầm : « Những kẻ luận tính phân đồng dị, là bởi đều nói cái tính, chứ không phải thấy rõ cái tính. Người đã thấy rõ cái tính, thì không thể nói có đồng dị » (Ngữ-lục, III). Người thấy rõ cái tính bản-nhiên thì hiểu tính với tâm là một.

Tính với tâm là một, nhưng vì cái địa-vị khác cho nên cái danh mới khác. « Tự kỳ hình-thể giã vị chi thiên, chủ-tể giã vị chi đế, lưu-hành giã vị chi mệnh, phú ư nhân giã vị chi tính, chủ ư thân giã vị chi tâm 自其形體也謂之天,主宰也謂之帝,流行也謂之命,賦於人也謂之性,主於身也謂之心 : tự là cái hình-thể thì gọi là trời, làm chủ-tể thì gọi là đế, lưu-hành thì gọi là mệnh, phú cho người thì gọi là tính, làm chủ ở thân thì gọi là tâm. » (Ngữ-lục, I)

Cái tâm phát ra mỗi việc một khác, việc nào có tên việc ấy, vô cùng vô tận, nhưng chung-qui chỉ có một cái tính mà thôi. Thí-dụ như cái tâm phát ra đối với cha thì gọi là hiếu, đối với vua thì gọi là trung v.v… Vậy hiểu rõ nghĩa chữ tính, thì vạn lý đều sáng rõ vậy.

Tính là bản-thể của tâm ; người ta đã biết rõ cái tâm, thì ngoài cái tâm ra, không còn có gì nữa. « Thân chi chủ-tể tiện thị tâm, tâm chi sở phát tiện thị ý, ý chi bản-thể tiện thị tri, ý chi sở tại tiện thị vật 身之主宰便是心,心之所發便是意,意之本體便是知,意之所在便是物 : cái chủ-tể của thân là tâm, cái sở-phát của tâm là ý, cái bản-thể của ý là tri, cái ý để vào đâu là vật. » (Ngữ-lục, I). Thí-dụ như ý để vào chỗ thờ cha mẹ, thì thờ cha mẹ tức là việc ; ý để vào chỗ thờ vua, thì thờ vua là một việc, ý để vào chỗ nhân-dân ái vật, thì nhân-dân ái vật là một việc ; bởi thế cho nên nói rằng : không có cái lý ở ngoài cái tâm, không cái việc ở ngoài cái tâm. Những điều gọi là lý, là nghĩa, là thiện, đều ở tâm cả. « Ở vật là lý, xử với vật là nghĩa, ở tính là thiện, rồi nhân khi trở về cái gì thì đặt ra tên khác, kỳ thực là ở tâm của ta hết cả ». Có người hỏi rằng : « Người ta ai cũng có tâm ấy, tâm tức là lý, thì sao lại có người làm điều thiện, có người làm điều bất thiện ? » Ông nói rằng : « Cái tâm của người bỏ mất cái bản-thể. » (Ngữ-lục, I). Vậy người ta ai giữ được cái tâm thuần-hồ thiên-lý là thiện, ai đem cái tư-dục vào làm mất thiên-lý là ác. Bởi vì thiện ác thường là bởi sự hiếu ố của tâm mà sinh ra. « Cái sinh ý của trời đất đối với cái hoa cái cỏ cũng như nhau cả, không có phân ra thiện-ác. Nhưng mình thích xem hoa, thì cho hoa là thiện, cho cỏ là ác ; đến như muốn dùng cỏ, thì lại cho cỏ là thiện. Cái thiện-ác ấy đều bởi lòng hiếu ố của mình mà sinh ra. » ; « Thế thì không có thiện, không có ác hay sao ? » Rằng : « Không có thiện, không có ác, là cái thể tĩnh của lý ; có thiện có ác, là cái thể động của khí. Không động ở cái khí, tức là không có thiện, không có ác, ấy thế gọi là chí thiện. » (Ngữ-lục, I)

Thiện với ác vốn không phải là hai vật có sẵn. Nguyên chỉ có một cái tâm mà thôi, cái tâm thuần-hồ thiên-lý là thiện, nếu có cái tư-dục che lấp đi thì thành ra ác. Thiên-lý là bản-thể của tâm, tức là cái của Trời phú cho, như là nói : thiên mệnh chi vị tính. Nhân-dục là cái lòng hiếu tài, hiếu sắc, hiếu lợi, hiếu danh, v.v… Bởi những lòng ấy cho nên cái tâm của ta mất cái chính mà thành ra thiên-lệch.

Tâm đã thuần-nhiên là thiên-lý, không có nhân-dục lẫn vào, thì biết rõ thế nào là nhân, là nghĩa, là lễ. Nhân : « Nhân thị tạo-hóa sinh sinh bất tức chi lý 仁是造化生生不息之理 : nhân là cái lý của tạo-hóa sinh sinh không thôi. » (Ngữ-lục, I). Bởi cái lẽ theo lý mà sinh sinh ra mãi, cho nên kẻ nhân-giả lấy thiên-địa vạn vật làm nhất thể. Nghĩa : « Tâm đắc kỳ nghi vi nghĩa 心得其宜為義 : tâm được cái phải là nghĩa. » (Văn-lục, II). Lễ : « Lễ tự tức thị lý tự 禮字即是理字 : chữ lễ tức là chữ lý. » (Ngữ-lục, I). Lễ là lý, thì điều gì hợp với tâm là lễ. Hễ trái với tâm mà lại nhắm mắt câu-nệ theo cổ, đó là phi lễ chi lễ.

Dương-minh cho là nhân, nghĩa, lễ, trí đều ở tính mà ra cả, cho nên nói rằng : « Lễ là lý vậy, lý là tính vậy, tính là mệnh vậy. Duy cái mệnh của Trời sâu-xa không cùng : ở ngoài ta thì gọi là tính, sán-nhiên mà có điều-lý gọi là lễ, thuần-nhiên thật là thiện gọi là nhân, tiệt-nhiên mà tài-chế gọi là nghĩa, chiêu-nhiên mà minh-giác gọi là trí. Cái mệnh ấy hồn-nhiên ở cái tính, thì cái lý có một mà thôi. Cho nên nhân là cái thể của lễ, nghĩa là cái phải của lễ, trí là sự thông-suốt của lễ. » (Văn-lục, IV)

Lý ấy, mệnh ấy, tính ấy, đều ở cái tâm, học-giả chỉ nên tìm ở cái tâm, thì hiểu rõ các vật lý. Vật lý không ngoài được cái tâm của ta, ngoài cái tâm của ta là không có vật lý gì cả. Thánh-nhân sở dĩ hơn người là vì có cái tâm thuần-nhiên là thiên-lý, lúc nào cũng như cái gương soi vào đâu cũng rõ. Cho nên nói rằng : « Thánh-nhân chi tâm như minh kính. Chỉ thị nhất cá minh, tắc tùy cảm nhi ứng, vô vật bất chiếu 聖人之心如明鏡。只是一箇明,則隨感而應,無物不照 : Cái tâm của thánh-nhân như cái gương sáng. Chỉ là một cái sáng, thì cứ tùy cảm mà ứng, không có vật gì là không chiếu rõ. » (Ngữ-lục, I). Cái tâm của thánh-nhân và cái tâm của người thường cũng một cái tâm, nhưng tâm của thánh-nhân như cái gương sáng, mà tâm của người thường thì như cái gương để bụi che mờ, chiếu không rõ nữa. Vậy nên sự học của người ta là phải giữ cái tâm, như phải lau cái gương luôn cho sáng, để có vật gì qua cũng thấy rõ. Đó là phần rất trọng-yếu trong cái học của thánh-nhân, cho nên nói rằng : « Thánh-nhân chi học, tâm-học giã 聖人之學心學也 : cái học của thánh-nhân là tâm-học vậy. » (Văn-lục, IV)”

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt