Triết học Đông phương

Học-thuyết của Vương Dương-Minh. 4. Sự giảng-dạy của Dương Minh

VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

SỰ GIẢNG-DẠY CỦA DƯƠNG-MINH

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com


 

 

Thời bấy giờ Nho-học rất thịnh, nhưng chỉ thịnh về đường từ-chương, học-giả đều đua nhau giong-ruổi ở chỗ hư-văn, chải-chuốt lời nói cho đẹp-đẽ để cầu lấy danh-lợi, chứ không có mấy người thực-tiễn những việc đạo-đức, cho nên mới thành ra văn thịnh thực suy. Người nào có chí ở việc học thì lại câu-nệ ở cái nghĩa chữ tuần-tự tiệm tiến 洵序渐進 của Chu-tử, nên chỉ trì-nghi không dám dũng-mãnh về đường tiến-thủ, thành ra nhu-nhược ti-thiển. Dương-minh từ khi ở Long-trường đã ngộ được cái đạo của thánh-hiền, muốn đem đạo ấy dạy người để chữa cái thời tệ. Ông bèn xướng lên cái thuyết tri hành hợp nhất. Sau ông thấy các học-giả vẫn theo lối thấp-hèn của tục-học, không hiểu rõ chỗ thiết-thực của đạo thánh-hiền, ông định tìm con đường cao-minh hơn để tiếp-dẫn những người có chí về việc học, và bảo các học-giả tĩnh tọa để tìm cái tâm. Sau ông thấy bọn học-giả dần dần đi vào con đường hư-không, trái với cái tông-chỉ của thánh-học, ông lại lấy sự tỉnh-sát khắc-trị省察克治 làm cái thực công mà dạy người ta giữ thiên-lý bỏ nhân-dục. Một hôm ông ngồi bàn với môn-nhân về cái công-phu của sự học, ông nói rằng : « Dạy người ta học, không nên cố-chấp về một điều thiên-lệch. Người ta lúc đầu, cái tâm cái ý không nhất-định, và cái tư-lự thường hay theo về một bên tư-dục, cho nên mới dạy cho phải ngồi im-lặng, và nghỉ hẳn cái tư-lự. Học như thế ít lâu, thì cái tâm cái ý tuy định, nhưng lại chỉ huyền-không tĩnh-thủ giống như cành cây khô, như đống tro nguội, lại là vô dụng. Bấy giờ nên dạy người ta tỉnh-sát khắc-trị. Cái công-phu tỉnh-sát khắc-trị thì không có lúc nào rỗi. Lúc vô sự thì đem những lòng hiếu sắc, hiếu tài, hiếu danh v.v… mà xét cho kỹ, cốt để trừ bỏ cho hết bệnh căn, khiến nó không phát ra nữa. Học-giả lúc ấy phải như con mèo rình chuột, mắt nhìn tai nghe, hễ thấy cái lòng tư mọc ra thì trị ngay đi, mãi cho đến khi không có chút lòng tư nào nữa, bấy giờ sẽ được ngay-chính. Tuy nói rằng : « hà tư, hà lự » nhưng không phải là việc lúc mới học. Lúc mới học phải lo tỉnh-sát khắc-trị, thì cái tư-lự mới thành-thực. Chỉ nghĩ có một cái thiên-lý, mà hễ đến được chỗ thiên-lý toàn thống hết cả, ấy thế là hà tư, hà lự » (Ngữ-lục, I)

Dương-minh lấy sự tồn thiên-lý, khử nhân-dục mà dạy người ta, nhưng vẫn chưa nói rõ ra được thiên-lý sở cứ vào ở đâu mà thể-nhân. Có ai hỏi đến điều ấy thì ông bảo tìm lấy. Ông thường nói chuyện với người ta rằng : « Ta muốn phát-huy điều ấy ra, biết nó chỉ có một lời, nhưng không phát ra được, lời ấy sẵn có ở trong miệng mà không nói ra thế nào được ». Sau ông lại nói : « Ta biết cái học ấy không có cái gì khác, chỉ có cái ấy thôi, hiểu được cái ấy là không có gì nữa. » Ông cứ lúng-túng mãi, không thể nói rõ thiên-lý ở trong người ta là cái gì. Đến khi ông bình xong giặc Thần Hào, lại bị bọn gian-thần chực làm hại, tính-mệnh nguy như trứng để đầu đẳng. Đoạn rồi ông mới nhận biết thiên-lý là lương-tri. Từ đó về sau ông chỉ lấy hai chữ « lương-tri » mà dạy người ta, và lập ra cái thuyết trí lương-tri.

Cái học của Dương-minh tuy cực tinh-vi, cực cao-minh và vẫn chủ lấy sự thực-tiễn. Ông thấy người đời sùng-thượng hư-văn, ngôn-hạnh bất tương cố, cho nên trước ông xướng lên cái thuyết tri hành hợp nhất để chữa cái tệ-tập của mạt học, sau ông phát-huy ra cái thuyết trí lương-tri để người ta thể-nhận được thiên-lý ở trong tâm. Đó là cách của ông thiết-giáo để tiếp-dẫn người ta vào đạo vậy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt