Triết học Đông phương

Học-thuyết của Vương Dương-Minh. 6. Trí lương tri

VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

TRÍ LƯƠNG-TRI

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com


 

 

Sau khi Dương-minh dẹp xong cái loạn Thần Hào rồi, lại bị những kẻ gian-thần tìm đủ cách để làm hại, thế mà ông cứ điềm-nhiên tin ở cái lương-tri, không hề lo sợ chút gì cả. Đến khi việc ấy yên rồi, ông viết thư cho người ta, nói rằng : « Cận lai tìm được ba chữ « trí lương-tri », thật là cái chính-pháp nhỡn tàng 正法眼藏 của thánh-môn. Mấy năm trước còn cái ngờ chưa hết, nay nhân có nhiều việc, chỉ có cái lương-tri ấy mà không có cái gì là không đủ, ví như đi thuyền nắm được cái tay lái, đi qua chỗ phẳng, chỗ sóng, chỗ nông, chỗ sâu, không đâu là không vừa ý, tuy gặp sóng gió, nhưng đã nắm được tay lái, thì khỏi được cái lo phải chìm-đắm vậy ». Ông thường thở-than. Môn-nhân là Trần Cửu-Xuyên hỏi rằng : « Tiên-sinh thở-than về việc gì ? » Ông nói rằng : « Cái lý ấy giản-dị minh-bạch như thế mà chìm lấp hằng mấy trăm năm ! » Trần Cửu-Xuyên nói : « Cũng vì Tống-nho theo cái giải-nghĩa của chữ tri, nhận thức-thần 識神 làm tính-thể 性體, cho nên sự văn-kiến càng ngày thêm nhiều, mà sự làm ngăn-lấp cái đạo càng ngày càng thêm sâu. Nay tiên-sinh phát-minh ra hai chữ lương-tri, ấy là cái diện-mục thật của loài người xưa nay, còn có điều gì là nghi-ngờ nữa ? ». Ông nói : « Phải. Ví như người nhận lầm mộ của người khác họ làm mộ tổ mình, làm thế nào mà phân-biệt được ? Chỉ có cách mở ra, rồi lấy máu con cháu mà thử phải hay không, rõ ra đó 7. Hai chữ lương-tri của ta thật là một giọt cốt huyết của các bậc thánh tương-truyền từ nghìn xưa ». Ông lại nói : « Ta đối với cái thuyết lương-tri là bởi chỗ bách tử thiên nạn mà tìm thấy được, bất-đắc-dĩ đem nói rõ ra, chỉ sợ học-giả cho là dễ, để ngắm chơi, chứ không chịu dùng công-phu mà thực-hành, thật là phụ mất cái biết ấy. » (Phụ-lục, II)

Hai chữ « lương-tri » nói ra thì dễ lắm, nhưng kỳ thực biết cho rõ rất là khó. Ta chớ nên khinh-thường mà không xét cho thật tường-tận. Cái thuyết trí lương-tri 致良知 căn-bản ở chữ trí tri 致知 của Khổng Tử và chữ lương-tri lương-năng 良知良能 của Mạnh-tử. Tri là cái minh-giác của tâm, mà lương-tri lương-năng là cái bản-thể của tri hành. Vậy chữ lương-tri của Dương-minh hàm cả cái nghĩa tri hành hợp nhất.

« Tâm chi bản-thể tức thiên-lý giã ; thiên-lý chi chiêu-minh linh-giác sở vị lương-tri giã 心之本體即天理也 ; 天理之昭明𩁻覺所謂良知也 : cái bản-thể của tâm là thiên-lý, cái chiêu-minh linh-giác của thiên-lý là lương-tri. » (Phụ-lục, III). Chữ lương-tri định nghĩa như thế, tức là lý, là đạo, tự nó rất sáng-suốt, rất linh-diệu, lưu-hành khắp vũ-trụ mà không bao giờ biến-đổi. Cho nên nói rằng : « Lương-tri ở tâm người ta suốt muôn đời, lấp vũ-trụ, mà bao giờ cũng thế : không nghĩ mà biết, không học mà hay, trước Trời mà Trời không trái được. » (Ngữ-lục, II). Trời đất quỉ-thần và vạn vật sở-dĩ có là nhờ có cái lương-tri ấy. Vậy nên lại nói : « Lương-tri là cái tinh-linh của tạo-hóa. Cái tinh-linh ấy trời sinh đất, thành quỉ, thành thần, cái gì cũng bởi đó mà ra, thật là cùng với vật mà không có vật nào sánh ngang với nó được. » (Ngữ-lục, III). Không có cái biết bản-nhiên là lương-tri, thì trời đất và vạn vật dẫu có cũng như không mà thôi. Lương-tri bao giờ cũng tự-nhiên tự-tại, linh-diệu vô cùng, mà vẫn khuyếch-nhiên thái-công : « Vô tri vô bất tri, cái bản-thể nguyên như thế. Ví như mặt-trời chưa từng có bụng soi sáng cho các vật, thế mà không có vật nào là không được soi sáng. Vô chiếu vô bất chiếu nguyên là cái bản-thể của mặt-trời như thế. Lương-tri vốn là vô tri, nay lại muốn cho là hữu tri ; vốn là vô bất tri, nay lại ngờ là có cái bất tri ; là bởi sự tin lương-tri chưa tới vậy. » (Ngữ-lục, III). Muốn biết lương-tri là có, thì trước hết ta phải tin nó có và chớ nên tự khi nó : « Hễ không tự khi thì lương-tri không có cái gì lừa-dối được, thế là thành 誠 vậy, thành thì minh 明 vậy ; tự tin thì lương-tri không có cái gì cám-dỗ được, thế là minh vậy, minh thì thành vậy. Minh thành tương sinh, cho nên lương-tri thường chiếu, thường giác, như cái gương sáng treo lên, vật gì đến cũng không giấu được cái đẹp cái xấu. » (Ngữ-lục, II). Lương-tri chỉ là một, tùy nó phát-hiện lưu-hành, tự nó nặng-nhẹ, dày-mỏng, không ai thêm-bớt được, cho nên mới gọi là cái trung 中 thiên-nhiên. Cái tri, cái giác của lương-tri vốn là tự-tại, mà không sao trắc-lượng được. Biết là có, mà đến khi biết thật rõ ra, lại không biết cái biết ấy ở đâu, thế mà phải biết mới được. Bởi vậy nói rằng : « Tri lai bản vô tri, giác lai bản vô giác, nhiên bất tri tắc toại luân-mai 知来本無知,覺来本無覺,然不知則遂淪埋 : tri ra vốn là vô tri, giác ra vốn là vô giác, nhưng không biết thì là chìm-lấp mất. » (Ngữ-lục, III)

Cái tri ấy vô hình, vô ảnh, vô phương-sở, nhưng không đâu là không có. Nó cứ tự-nhiên nhi-nhiên mà chiếu ra. Dẫu che-lấp thế nào cũng không làm mất đi được. Lương-tri ở trong tâm người ta, ví như cái ánh-sáng của mặt-trời ở trong không-gian. Khi ta ngồi vào chỗ tối, ta tưởng là không có ánh-sáng nữa, nhưng kỳ thực nó vẫn vằng-vặc trong khoảng trời đất. Chỗ tối ấy là vọng-niệm, là tư-dục, nó chỉ che được cái sáng, chứ không làm mất được cái sáng. Vậy nên nói rằng : « Tuy vọng niệm chi phát, nhi lương-tri vị thường bất tại, đãn nhân bất tri tồn, tắc hữu thời nhi hoặc phóng nhĩ. Tuy hôn-tắc chi cực, nhi lương-tri vị thường bất minh, đãn nhân bất tri sát, tắc hữu thời nhi hoặc tế nhĩ 雖妄念之發,而良知未常不在,但人不知存,則有時而或放耳。雖昬塞之極,而良知未常不明,但人不知察,則有時而或蔽耳 : tuy cái vọng-niệm phát ra mà cái lương-tri chưa từng không có, chỉ vì người ta không biết giữ cho còn, mới có lúc để buông sổng ra. Tuy cái mờ-tối che-lấp đến cực, mà cái lương-tri chưa từng không sáng, chỉ vì người ta không biết xét, mới có lúc để che mất. » (Ngữ-lục, II). Sự học là cốt bỏ cái tối, cái che đi, để thấy rõ cái sáng của lương-tri vậy.

Tâm của người ta kỳ thỉ không khác gì tâm của thánh-nhân, chỉ vì cái lòng hữu-ngã nó ngăn ra, cái che-lấp của vật-dục nó cách ra, làm lớn hóa nhỏ, không hóa tắc, mỗi người có một cái tâm riêng, đến nỗi có người xem cha con anh em như kẻ cừu-địch. Thánh-nhân lấy làm lo, mới suy ở cái nhân của thiên-địa vạn vật nhất thể ra mà dạy thiên-hạ, khiến ai nấy đều nén cái tư, bỏ cái bế-tắc để phục lại cái đồng-nhiên của tâm-thể. Đó là cái nghĩa : đạo tâm duy vi, duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết trung.

Thánh-nhân sở dĩ hơn người là giữ được hoàn toàn cái lương-tri mà hành-động, chứ không trầm-không thủ-tịch 沈空守寂 như lối Thiền-học của Phật-giáo, mà cũng không an-bài tư-cách 安排思 như lối học của phần nhiều những học-giả đời sau. Những lối ấy chính là lối tự-tư, dụng trí, làm mất cái lương-tri. Thánh-nhân cũng tư-lự, nhưng sự tư-lự của thánh-nhân là do sự phát-dụng của lương-tri, chứ không theo sự an-bài của tư-ý. Cái học mà chủ ở lương-tri thì chỉ dụng công ở chỗ phác-thực rồi tự hiểu được hết cả mọi sự. Hiểu được như thế thì quên cả trong ngoài, mà tâm với sự hợp làm một vậy.

Lương-tri là cái linh-căn của trời phú cho, tự nó sinh sinh bất tức, chỉ vì người ta gây thành cái tư-lụy, đem cái gốc thiêng-liêng ấy mà phá-hại và che-lấp đi, cho nên nó mới không phát-sinh ra được. Không biết rằng một điểm lương-tri ấy là cái chuẩn-tắc có sẵn ở ta, cái ý-niệm của ta ở chỗ nào mà phải, thì nó biết là phải, trái thì nó biết là trái, dẫu muốn lừa-dối nó chút nào cũng không được. Ta đừng lừa-dối nó, cứ thực-thà theo nó, thì cái thiện còn lại, cái ác phải mất đi. Như thế thì ổn-thỏa và vui-sướng là dường nào ! Đó là cái bí-quết của sự cách-vật, cái thực-công của sự trí-tri.

Lương-tri huyền-bí linh-diệu như thế cho nên Dương-minh lấy ba chữ trí lương-tri mà dạy người ta, nghĩa là dạy người ta phải học cho đến cái lương-tri. Học-giả có người cho là cái tâm-thể của người ta tuy là sáng-suốt nhưng còn có cái khí nó câu-thúc, có cái vật nó tế-tắc, thành ra thường hay bị mờ tối. Giả sử không có học, vấn, tư, biện, cho cùng cái lý của thiên-hạ, thì sao biết rõ thiện ác và thực giả. Nếu cứ nhiệm-tình tứ-ý há chẳng hại lắm hay sao ? » Ông nói rằng : « Cái lý của vạn sự vạn vật không ngoài được cái tâm của ta. Thế mà nói rằng phải cùng cái lý của thiên-hạ, ấy là ngờ cái lương-tri của ta chưa đủ, cho nên phải ra ngoài tìm chỗ rộng của thiên-hạ để bổ ích thêm vào. Như thế là tách cái tâm và cái lý ra làm hai vậy. Cái công học, vấn, tư, biện, dốc hành, tuy có sự cố-gắng đến : người ta một phần thì mình phải trăm phần, nhưng cái cùng-cực của sự khoáng-sung đến chỗ « tận tính tri thiên » cũng chẳng qua là trí cái lương tri của tâm ta mà thôi. Ngoài cái lương-tri há lại có thêm được chút gì nữa không ? Nay nói cùng lý của thiên-hạ mà không biết quay trở lại cầu lấy ở tâm, thì phàm cái mà gọi là cái cơ của thiện ác và sự biện-biệt của việc thực giả, nếu bỏ cái lương-tri của tâm đi, thì toan lấy gì mà đến chỗ xét cho rõ được ? Người ta sở dĩ nói khí câu, vật tế, là nói câu cái đó, tế cái đó mà thôi. Nay muốn bỏ cái che-lấp của cái ấy mà không dụng lực ở cái ấy, lại muốn đi tìm ở ngoài, thì có khác gì con mắt không sáng mà không vụ lấy sự phục thuốc để điều-trị con mắt, lại cứ đi tìm cái sáng ở ngoài, cái sáng há có thể lấy ở ngoài được hay sao ? Cái hại nhiệm-tình tứ-ý cũng là bởi không xét được kỹ cái thiên-lý ở lương-tri của tâm. Ấy thật là sai một hào-ly mà lầm đến nghìn dặm ». (Ngữ-lục, II)

Bởi lẽ ấy cho nên cái học của Dương-minh không nói cùng lý mà chỉ nói trí lương-tri. Ông lại lấy chữ trí-tri cách-vật trong sách Đại-học làm cơ-sở cho cái thuyết trí lương-tri của ông, nên nói rằng : « Ta nói trí-tri cách-vật, là trí cái lương-tri của tâm ta ở sự sự vật vật. Lương-tri của tâm ta tức là cái gọi là thiên-lý. Trí cái thiên-lý trong lương-tri của tâm ở sự sự vật vật, thì sự sự vật vật đều được cái lý. Trí cái lương tri của tâm ta là trí tri ; sự sự vật vật đều được cái lý là cách-vật. » (Ngữ-lục, II). Cái công-phu của sự trí lương-tri ở sự cách-vật. Cách-vật là khiến cho các sự-vật được đúng thiên-lý. Ông nói : « Ta dạy trí lương-tri là phải dụng công ở cách-vật, ấy là sự học-vấn có căn-bản, càng ngày càng tiến thêm, càng ngày càng biết rõ-ràng. Thế-nho thì dạy thì tìm-kiếm ở các sự-vật, ấy là sự học-vấn không có căn-bản, giống như cây không có gốc, lâu thành ra tiều-tụy. » (Ngữ-lục, III)

Cái gốc của vạn vật là thiên-lý. Người ta sinh ra, ai cũng có một phần thiên-lý, là phần thiêng-liêng sáng-suốt của ta, tức là lương-tri. Lương-tri thì người hiền kẻ ngu ai cũng có như nhau cả, chỉ khác là người hiền thì giữ được cái lương-tri sáng-suốt mà kẻ ngu thì để nó mờ-tối đi mà thôi. Bởi vậy nói rằng : « Phàm cái lương-tri, lương-năng thì đứa ngu-phu ngu-phụ cũng giống như thánh-nhân, nhưng thánh-nhân trí được cái lương-tri, mà ngu-phu ngu-phụ thì không trí được, ấy là thánh với ngu phân-biệt ra bởi ở đó. » (Ngữ-lục, II)

Theo cái thuyết ấy thì người ta ai cũng có thể làm thánh làm hiền được, miễn là biết trí cái lương-tri, thì các cái đức tự sáng ra. « Kẻ sĩ hôn-ám mà quả bay tùy sự tùy vật xét kỹ cái thiên-lý của tâm, để trí được cái lương-tri bản-nhiên, thì tuy ngu rồi hóa sáng, tuy mềm rồi hóa cứng. Cái gốc lớn đã dựng, cái đạt-đạo đã thành thì bao nhiêu những điều dạy ở trong các kinh Truyện có thể lấy cái một mà suốt hết cả, không sót gì. » (Ngữ-lục, II). Đó là cái đạo nhất quán của Khổng-tử đã dạy từ xưa. Ngài bảo thầy Tử-Cống : « Ngươi cho ta là học nhiều mà biết có phải không ? Không phải. Ta chỉ lấy cái một mà suốt hết cả đó. » Lấy cái một mà suốt hết cả, chẳng phải trí cái lương-tri là gì ?

Học theo cái thuyết trí lương-tri thì không cần phải biết nhiều nhớ nhiều, thế mà không có việc gì là không biết. Lương-tri không bởi kiến-văn mà có, mà kiến-văn nào cũng là cái dụng của lương-tri. Cho nên lương-tri không ứ-trệ ở kiến-văn mà cũng không xa-lìa kiến-văn. Khổng-tử nói : « Ta có biết gì không ? Không biết vậy ». Ngoài cái lương-tri ra thì có cái biết gì nữa. Cho nên lương-tri là cái mối đầu rất lớn của sự học-vấn. Ấy là cái nghĩa thứ nhất của thánh-nhân dạy người. Nay nói : « Chuyên cầu ở cái mối cuối của kiến-văn thì bỏ mất cái mối đầu, ấy là trụt xuống cái nghĩa thứ hai… Đại-để cái công-phu của sự học-vấn là chỉ chú-ý ở cái mối đầu. Nếu chú-ý ở cái mối đầu, chuyên lấy trí lương-tri là việc cốt-yếu, thì phàm đa văn đa kiến, không cái gì là không phải cái công của sự trí lương-tri » (Ngữ-lục, II). Sự học của thánh-nhân chỉ chủ ở sự tìm cho thấy rõ cái bản-sắc của lương-tri, chứ không có ý gì khác nữa. Cái hư-vô của lương-tri cũng như cái hư-vô của Thái-hư. Mặt trời, mặt trăng, gió-mưa, sấm-sét, núi-sông, dân-vật, phàm vạn hữu đều ở cả trong Thái-hư vô hình mà phát-động lưu-hành, mà chưa từng có vật nào làm ngại-trở cho Thái-hư. Thánh-nhân thuận cái phát-dụng của lương-tri, thì trời đất vạn vật đều ở trong sự phát-dụng lưu-hành của lương-tri, mà chưa có một vật nào ra ngoài lương-tri mà làm ngại-trở được. Song cái học quang-minh chính-đại ấy không phải là ai cũng hiểu rõ ngay được ; người nào có chí ở đạo, rồi hết sức cố-gắng tìm cho thấy đạo thì mới biết được cái chân-tướng của lương-tri. Bởi vậy, Dương-minh nói : « Duy những kẻ sĩ có đạo, thì thật thấy rõ cái chiêu-minh linh-giác của lương-tri, khuếch-nhiên thái-công cùng với Thái-hư đồng một thể. Trong Thái-hư thì vật gì cũng có, mà không có vật nào che lấp được Thái-hư. » (Phụ-lục, III)

La Niệm-am là người cao-đệ của Dương-minh, nói rằng : « Dương-minh tiên-sinh dạy cái lương-tri là gốc ở ba điều của Mạnh-tử : chợt thấy người sa xuống giếng, – đứa trẻ biết yêu biết kính, – sự hiếu ố bình-nhật của người ta. Ba điều ấy đều có sẵn trước lúc chưa phát ra, cho nên gọi là lương, cũng như Chu Hối-am gọi lương là cái tự-nhiên vậy. Khi có một điều gì phát-hiện ra mà chưa có thể làm được, thì phải phục ngay lại cái bản-thể, cho nên nói là « truật dịch 怵惕 », tất là để lấy sự khoáng-sung mà nối theo ; nói hiếu ố, tất là để lấy sự trưởng-dưỡng mà nối theo ; nói sự ái kính, tất là để lấy sự đạt ra thiên-hạ mà nối theo. Cái ý của Mạnh-tử thấy rõ lắm, mà Dương-minh tiên-sinh hiểu được cái ý ấy, cho nên không lấy cái lương-tri làm đủ, mà lại lấy trí-tri làm công-phu. » La Niệm-am giải rõ cái nghĩa chữ lương-tri, là cái thể tự-tại, cái trung chưa phát ra vậy. Cái thể ấy, cái trung ấy, vẫn có sẵn nhưng cái công-phu của học-giả là cốt ở chữ trí : có trí tới cái lương-tri để nối theo mà sung 充, mà dưỡng 養, mà đạt 達 thì mới có cái hòa. Đó là điều cốt-yếu trong cái thuyết trí lương-tri.

Đại-để cái thuyết trí lương-tri là tóm cả cái nghĩa cách-vật, thành ý vào chữ trí-tri mà vẫn không ra ngoài cái tông-chỉ tri hành hợp nhất và theo được đúng cái lý nhất dĩ quán chi của Khổng-học.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt