Triết học Đông phương

Học-thuyết của Vương Dương-Minh. 8. Giáo-điển của Dương-Minh

VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

HỌC-THUYẾT CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

GIÁO-ĐIỂN CỦA DƯƠNG-MINH

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com


 

 

Dương-minh dạy các môn-đệ thường lấy chương đầu sách Đại-học và sách Trung-dung mà chỉ rõ cái toàn công của thánh-học, khiến học-giả biết đường-lối mà vào. Ông cho là sự biết của tâm không ngoài được cái trung của « dân di vật tắc 民异物則 », mà cái công của sự của trí-tri không ngoài được việc tu, tề, trị, bình, nên chi ông lấy những điều ấy làm chỗ thực-địa dụng công. Sau môn-nhân chép những lời ông dạy làm thành một thiên gọi là Đại-học vấn 大學局, nghĩa là câu hỏi về sách Đại-học. Thiên ấy nói rút cái đại ý của Nho-học, cho nên phiên-dịch ra sau này - « Các tiên-nho cắt-nghĩa Đại-học là cái học của bậc đại-nhân, dám hỏi cái học của bậc đại-nhân sao lại cốt minh minh-đức ? »

Dương-minh-tử nói rằng : « Bậc đại-nhân là bậc người lấy trời đất muôn vật làm nhất-thể, coi thiên-hạ như một nhà, coi cả nước như một người. Nếu cho hình-hài là gián-cách mà chia ra nhĩ ngã, thế là tiểu-nhân vậy. Bậc đại-nhân có thể cho trời đất muôn vật làm nhất-thể, không phải là tự ý riêng mình, mà chính là cái nhân ở trong tâm người ta vốn như thế. Cái tâm cùng với trời đất muôn vật làm một, không phải chỉ là cái tâm của bậc đại-nhân ; tâm của kẻ tiểu-nhân cũng đều như thế cả. Chỉ tại kẻ tiểu-nhân tự cho cái tâm ấy nhỏ đi mà thôi. Bởi thế cho nên thấy đứa trẻ-con ngã xuống giếng, ắt có lòng băn-khoăn thương-xót, thế là lòng nhân cùng với đứa trẻ-con làm một thể vậy. Đứa trẻ-con còn là đồng loại với mình, chứ ngay thấy chim-muông kêu thương đau-đớn, ắt có lòng bất nhẫn, thế là lòng nhân cùng với chim-muông làm một thể vậy. Chim-muông còn là loài có tri-giác, chứ ngay thấy cỏ cây đổ gãy, ắt có lòng mẫn-tuất, thế là lòng nhân cùng với cỏ cây làm một thể vậy. Cỏ cây còn là loài có sinh ý, chứ ngay thấy ngói đá vỡ nát, cũng có lòng đoái-tiếc, thế là lòng nhân cùng với ngói đá làm một thể vậy. Như thế thì cái lòng nhân coi trời đất muôn vật làm nhất-thể, dẫu kẻ tiểu-nhân cũng phải có. Lòng ấy gốc ở cái mệnh của trời mà tự-nhiên thiêng-liêng sáng-suốt, cho nên gọi là minh-đức. Lòng kẻ tiểu-nhân dầu chia-cách, hẹp-hòi, song cái lòng nhân « nhất thể » vẫn không mờ-tối. Đó là kể những lúc chưa bị lòng dục làm lay-động, lòng tư làm che-lấp vậy. Đến khi lòng dục làm lay-động, lòng tư làm che-lấp, mà sự lợi-hại đánh lẫn nhau, sự tức-giận khích lẫn nhau, thì hại vật nát loài, không cái gì là không làm, rồi đến cả cốt-nhục tương tàn, mà cái nhân « nhất thể » mất vậy. Thế cho nên nếu không bị tư-dục che-lấp, thì tuy là cái tâm của kẻ tiểu-nhân, nhưng cái nhân “ nhất thể » cũng như cái tâm của bậc đại-nhân vậy ; nếu đã có tư-dục che-lấp, thì tuy là cái tâm của một bậc đại-nhân, nhưng sự chia-cách hẹp-hòi cũng như cái tâm của kẻ tiểu-nhân vậy. Bởi thế cái học của bậc đại-nhân cốt bỏ cái che-lấp của tư-dục, để tự sáng lấy cái đức sáng, phục lại cái gốc « thiên địa vạn vật nhất thể », mà không phải là ở ngoài cái bản-thể ấy có thể bù thêm được cái gì khác. »

- « Sao lại cốt ở thân dân ? »

Minh minh-đức là để lập cái thể « thiên địa vạn vật nhất thể » ; thân dân là để đạt cái dụng « thiên địa vạn vật nhất thể ». Cho nên sáng cái đức sáng cốt ở thân dân, mà thân dân là để sáng cái đức sáng vậy. Thân cha ta đến cha người, đến cha người thiên-hạ ; thân anh ta đến anh người, đến anh người thiên-hạ ; cái lòng của ta có nhân cùng phụ-huynh làm nhất thể như thế, thì rồi cái đức hiếu-đễ mới sáng vậy. Vua tôi, vợ chồng, bạn-hữu, cho đến núi sông, quỉ thần, chim muông, cỏ cây, không đâu là không có một cách thân, để đạt cái nhân « nhất thể » của ta. Nhiên-hậu cái minh-đức của ta mới không có chỗ nào không sáng, mà mới thật là lấy được trời đất muôn vật làm nhất thể vậy. Bởi thế gọi là sáng cái đức sáng ở thiên-hạ, thế gọi là nhà tề, nước trị mà thiên-hạ bình, thế gọi là tận tính.

- « Sao lại cốt ở chỉ ư chí thiện ? »

Chí thiện là cái cực-tắc của minh-đức và thân dân. Cái tính của mệnh trời tuy-nhiên chí-thiện, cái phần thiêng-liêng sáng-suốt không mờ-tối là cái phần phát-hiện của chí-thiện, thế là cái bản-thể của minh-đức mà tức là cái gọi là lương-tri vậy. Cái phần phát-hiện của chí-thiện, phải thì là phải, trái thì là trái, nhẹ nặng, dày mỏng, hễ cảm là ứng ngay, biến-động không ở một chỗ, thế mà vẫn có cái trung thiên-nhiên, đó là cái mực cùng-tột của « dân di vật tắc », mà không có thể nghĩ-nghị thêm bớt được chút nào. Đã hơi có nghĩ-nghị thêm bớt một chút, đều là cái ý riêng, cái trí nhỏ, mà không phải là chí-thiện vậy. Nếu không phải là bậc thận-độc [1], một mực duy tinh duy nhất thì làm thế nào mà tới được. Người sau chỉ vì không biết chí-thiện vốn ở tâm ta, mà dùng tư trí để lần-mò đo-lường ở ngoài, cho là sự sự vật vật đều có định-lý, cho nên sai-lầm cái mực trái-phải, chi-ly quyết-liệt, cái nhân-dục phòng-tứ mà thiên-lý mất, cái học minh-đức, thân dân bèn đại loạn ở trong thiên-hạ. Vốn đời xưa cũng có người muốn sáng cái đức sáng, nhưng không biết chỉ ư chí thiện mà đem lòng tư giong-ruổi ở chỗ quá cao, đến nỗi sai-lầm về sự hư-võng không-tịch, mà không ích-lợi gì cho nhà, nước, thiên-hạ, thế là cái lưu-phái của Phật và Lão vậy. Cũng có người muốn thân dân, nhưng không biết chỉ ư chí thiện, mà đem cái tư tâm đắm-đuối ở chỗ hèn-thấp nhỏ-mọn, đến nỗi sai-lầm về sự quyền-mưu, trí-thuật, mà mất cả cái lòng thành-thực nhân-yêu, thương-xót ; thế là cái tụi công-lợi của Ngũ Bá vậy. Chỉ ư chí thiện đối với minh-đức thân-dân cũng như qui-củ đối với vuông-tròn, xích-đạc đối với dài ngắn, quyền-hành đối với nặng-nhẹ. Vuông-tròn mà không có qui-củ, thì không có khuôn ; dài ngắn mà không có xích-đạc, thì không có ngữ ; nặng nhẹ mà không có quyền-hành, thì không có mực ; minh-đức thân dân mà không chỉ ư chí thiện, thì không có gốc.

- « Tri chỉ nhi hậu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc, là nghĩa thế nào ? »

« Chỉ vì người ta không biết chí thiện vốn ở tâm ta, mà lại cầu ở ngoài, cho là sự sự vật vật đều có định-lý, rồi tìm cái chí-thiện ở trong sự sự vật vật, đến nỗi chi-ly quyết-liệt, thác-tạp phân-vân, không biết cái phương-hướng nhất định. Nay đã biết chí thiện ở trong tâm ta, không phải tìm ở ngoài, thì cái chí có định-hướng mà không có cái lo về sự chi-ly quyết-liệt, thác-tạp phân-vân. Không có cái lo về sự chi-ly quyết-liệt, thác-tạp phân-vân, thì cái tâm không vọng-động mà có thể tĩnh được. Cái tâm không vọng-động mà có thể tĩnh được, thì trong khoảng nhật dụng thung-dung nhàn-hạ mà có thể yên được. Đã yên, thì hễ khi nào một niệm phát ra, một việc cảm đến, là chí-thiện hoặc không phải là chí-thiện, cái lương-tri ở tâm ta tự biết xem-xét kỹ-càng mà có thể nghĩ được ; đã nghĩ được thì chọn cái gì cũng tinh, xử cái gì cũng đáng, mà có thể tới được chí thiện vậy. »

« Vật hữu bản mạt », tiên-nho cho minh-đức là bản, tân dân là mạt, hai vật mà trong ngoài cùng đối nhau vậy. « Sự hữu chung thỉ », tiên-nho cho là tri chỉ là thỉ, năng đắc là chung, một việc mà đầu đuôi cùng theo nhau vậy. Như lời thầy nói, cho tân dân là thân dân, so với cái thuyết bản mạt của tiên-nho có đúng không ? »

« Cái thuyết thỉ chung, đại-lược như thế rồi, đến như cho tân dân là thân dân, mà nói rằng minh-đức là bản, thân dân là mạt, cái thuyết ấy cũng chưa phải là không phải ; chỉ không nên chia bản mạt ra làm hai vật. Gốc cây gọi là bản, ngọn cây gọi là mạt, vốn là một vật cho nên gọi là bản mạt ; nếu cho là hai vật thì gọi thế nào là bản mạt được. Cái ý tân dân đã cùng với thân dân không giống nhau, thì cái công minh-đức lại cùng với tân dân làm hai, chứ không phải làm một nữa ; nếu đã biết sáng cái minh-đức là để thân dân, mà thân dân là để sáng cái minh-đức, thì minh-đức và thân dân sao lại chia làm hai ? Cái thuyết của tiên-nho, vì không biết minh-đức, thân dân vốn làm một việc, cho nên dầu biết bản mạt vốn là một vật mà vẫn phải chia làm hai vật. »

« Từ câu « cổ chi dục minh minh-đức ư thiên-hạ giả » cho đến câu « tiên tu kỳ thân », lấy cái thuyết minh-đức, thân dân của thầy mà cắt, có thể hiểu được. Còn từ câu « dục tu kỳ thân » cho đến câu « tri tri tại cách vật », thì cái công-phu thứ đệ nên học thế nào ? »

" Đó chính là nói rõ cái công minh-đức, thân dân, chỉ ư chí thiện. Thân, tâm, ý, tri, vật, “đó là cái điều-lý để dùng công-phu, tuy mỗi cái có một chỗ riêng, nhưng kỳ thực chỉ là một vật. Cách, trí, thành, chính, tu, đó là cái công-phu để dùng điều-lý, tuy mỗi cái có một cái tên riêng, nhưng kỳ thực vẫn là một sự. Cái gì gọi là thân ? Thân là hình-thể của tâm, để vận-dụng cho tâm. Cái gì gọi là tâm ? Tâm là minh-linh của thân, để chủ-tể cho thân. Cái gì gọi là tu thân ? Tu thân là làm điều thiện mà bỏ ác. Nhưng tự mình ta có thể làm điều thiện bỏ điều ác được không ? Tất phải bởi cái tâm là linh-minh chủ-tể có muốn làm điều thiện bỏ điều ác, thì rồi cái thân là hình-thể vận-dụng mới có thể làm điều thiện mà bỏ điều ác. Cho nên muốn sửa mình trước hết phải chính tâm. Song cái bản-thể của tâm là tính ; tính không có điều gì là không thiện, thì cái bản-thể của tâm không có điều gì là không chính, thế thì cái công chính-tâm dùng vào chỗ nào ? Cái bản-thể của tâm vốn là chính, vì ý-niệm phát-động mà sau có điều không chính, cho nên muốn chính tâm, phải nhằm ngay vào cái chỗ ý-niệm phát-động mà chính. Hễ một niệm phát ra mà thiện, thì yêu thật là yêu, như yêu sắc đẹp ; một niệm phát ra mà ác, thì ghét thật là ghét, như ghét mùi hôi. Như thế thì có thể thành được ý mà chính được tâm. Song ý phát ra có thiện, có ác, nếu không chia rõ được thiện ác, thì hay dở sẽ lẫn-lộn dù muốn thành ý, tất phải ở trí-tri. Chữ « trí » nghĩa là đến, như chữ « trí » ở trong câu « tang trí hồ ai 喪致乎哀 : sự tang đến sự thương là hết » ; kinh Dịch nói : « tri chí, chí chi 知至,至之 », chữ « tri chí » ấy là nghĩa chữ « tri » ở đây ; chữ « chí chi » ấy là nghĩa là chữ « trí » ở đây. Nghĩa chữ « trí-tri » không phải như hậu-nho cho là mở rộng cái trí-thức ra đâu, mà chính là trí cái lương-tri của tâm ta. Cái lương-tri ấy, Mạnh-tử gọi là lòng phải-trái, ai cũng có ; cái lòng phải-trái không đợi nghĩ mà biết, không đợi học mà hay, thế gọi là lương-tri, ấy là cái tinh của thiên-mệnh, cái bản-thể của tâm ta, tự-nhiên linh-chiêu minh-giác. Phàm ý-niệm phát ra cái gì thì lương-tri tự biết hết cả. Thiện chăng ? lương-tri tự biết ; không thiện chăng ? lương-tri cũng tự biết ; cho đến như kẻ tiểu-nhân làm điều bất thiện, dở đến đâu cũng làm, thế mà khi thấy người quân-tử, vẫn che-đậy những điều dở, mà phô-bày những điều hay ra, thế đủ rõ rằng cái lương-tri nó vẫn không chịu tự nó làm mờ-tối đi vậy. Nay muốn phân-biệt thiện ác để thành ý, chỉ cốt ở sự noi đến cái chỗ biết của lương-tri vậy. Tại sao ? Vì rằng : ý-niệm phát ra cái gì mà lương-tri của tâm ta đã biết là thiện rồi, nếu không có cái thành để yêu điều thiện ấy, mà lại trái bỏ đi, thế là lấy điều thiện làm điều ác, mà tự làm tối cái lương-tri biết điều thiện. Ý-niệm phát ra cái gì mà lương-tri của tâm ta đã biết là ác rồi, nếu không có cái thành để ghét điều ác ấy, mà lại noi theo mà làm, thế là cho điều ác làm điều thiện, mà tự làm tối cái lương-tri biết điều ác vậy. Như thế, thì dẫu nói rằng biết, cũng như là không biết, thành thế nào được ý nữa. Nay đối với những điều thiện ác, mà lương-tri đã biết rồi, mà yêu ghét rất thành-thực, thế là không tự dối với lương-tri, mà có thể thành được ý vậy. Song muốn trí cái lương-tri của mình, há phải là hoảng-hốt như cái bóng, như tiếng vang, bâng-quơ không bấu-víu vào đâu hay sao ? Phải là có việc thực mới được, cho nên trí-tri cốt ở cách-vật. Vật là việc, hễ ý phát ra tất có việc, việc mà có ý ở đó gọi là vật, cách là chính. Chính những cái không chính để đem nó về chỗ chính ; chính những cái không chính là bỏ điều ác vậy, đem về chỗ chính là làm điều thiện ; như thế gọi là « cách » [2]. Kinh Thư nói rằng : « Cách ư thượng hạ ; cách ư Văn-tổ, cách kỳ phi tâm » ; 挌於上下 ; 挌於文祖 ; 挌於非心 ; chữ « cách » trong chữ « cách vật » gồm cả những nghĩa ấy nữa. Cái thiện mà lương-tri đã biết rồi, dù muốn dù thành, nhưng nếu không theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để làm thực ngay, thì vật ấy vẫn chưa cách, mà cái ý hiếu thiện vẫn chưa thành ; cái ác mà lương-tri đã biết rồi, dù ghét rất thành, nhưng nếu không theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để bỏ thực ngay, thì vật ấy vẫn chưa cách, mà cái ý ố-ác vẫn chưa thành vậy. Nay hết thảy cái gì là thiện, là ác, mà lương-tri đã biết rồi, theo ngay cái vật mà ý đã để đến, để cái gì thiện thì làm cho hết, cái gì ác thì bỏ cho hết, thế thì không có vật nào là không cách, mà cái biết của lương-tri không còn thiếu-thốn gì, cũng không bị cái gì che-lấp, và có thể đến được chỗ cùng-tột vậy. Như thế, thì tâm ta vui-sướng, không còn phàn-nàn cái gì nữa, mà tự khoan-khoái lắm vậy ; ý phát ra cái gì không bao giờ mình lại dối mình, mà có thể gọi là thành. Cho nên nói rằng : « Vật cách nhi hậu tri chí, tri chí nhi hậu ý thành, ý thành nhi hậu tâm chính, tâm chính nhi hậu thân tu. » Những điều ấy, về phần công-phu của điều-lý, tuy nói ra có trước sau thứ-tự, song cái duy-nhất của cái thể không có thể chia ra trước sau thứ-tự được ; về phần điều-lý của công-phu, tuy không chia ra trước sau thứ-tự, song cái duy tính của cái dụng không có thể thiếu-thốn được mảy-may chút nào. Ấy là cái thuyết cách, trí, thành, chính, cốt để mở cái chính-truyền của vua Nghiêu, vua Thuấn mà làm cái học tâm ấn của họ Khổng vậy. » (Tục-biên, I)

Thiết-tưởng học-giả nên xem kỹ thiên Đại-học vấn này, thì biết được đến phần uyên-thâm trong cái học của thánh-hiền và lại hiểu được rõ cái tông-chỉ của Dương-minh, chủ lấy lương-tri làm cái mối đầu sự học duy tinh duy nhất.

 



[1] Thận-độc 慎獨 theo cái nghĩa của Dương-minh là nói thận-trọng ở cái lý độc nhất trong vũ-trụ.

[2] Nghĩa chữ cách của chữ nho thường dùng là theo sự giải-thích của Chu-tử cho cách là cùng chí : cùng chí sự vật chi lý 窮至事物之理. Vì có cái nghĩa ấy mà thành ra cái học cùng lý.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt