Triết học Đông phương

Kinh học

 

KINH HỌC

 

CHU QUẾ ĐIỆN

PHẠM HƯƠNG LAN dịch

 


Trung Quốc Nho học, tr.14-16, Nxb. Trung tâm xuất bản Phương Đông, năm 1997 | Tạp chí Hán Nôm, số 6 (73) năm 205. http://www.hannom.org.vn 


 

Kinh học là cái học huấn giải, trình bày và nghiên cứu kinh điển Nho gia. Trung quốc cổ đại có Ngũ kinh, sau này mở rộng bổ sung thành Thập tam kinh. Khổng Tử dạy học dùng Lục nghệ làm tài liệu, chỉnh lí biên định Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Những sách này từ thời Chiến Quốc trở đi được học phái Nho gia dùng làm tài liệu cơ bản để giảng dạy, thầy trò cùng truyền, hình thành nên rất nhiều truyện kí, "Lục nghệ kinh truyện có hàng nghìn hàng vạn" (Tư Mã Thiên, Sử kí - Tự tự). Vì giải thích thuyết minh kinh sách, làm sáng tỏ kinh nghĩa, dựa vào truyện kí của kinh ngày càng nhiều, cho nên đến đời Hán chính thức ra đời tên gọi "Kinh học".

Kim văn kinh học là một học phái của Nho gia đời Hán, có sự đối lập với Cổ văn kinh học. Năm đầu thời Tây Hán, các kinh sách Nho gia đều được sử dụng theo lối viết Lệ thư thông dụng đương thời, do hàng loạt học giả giảng giải, hình thành một học phái gọi là Kinh học. Hà Gian Hiến, Vương Lưu Đức đã sưu tập thư tịch trong dân gian "những sách gom được đều là sách cổ văn thời Tiên Tần". Thời Hán Vũ Đế, Lỗ công Vương Lưu Dư để xây dựng mở rộng dinh thất, đã dỡ bỏ nơi ở cũ của Khổng Tử, từ trong bức tường phát hiện hàng loạt cổ tịch thời Tiên Tần, cũng toàn là cổ văn. Cuối thời Tây Hán, Lưu Tử Chính đề xướng số cổ văn này, hình thành nên một học phái khác của kinh học. Người đời sau gọi học phái của Lưu Tử Chính là "Kinh cổ văn học". Đó chỉ là cách gọi tương đối, trước đó kinh học đều lấy kinh sách kim văn làm gốc, được gọi là "Kinh kim văn học". Sau này hai phái lại phân biệt gọi là "Cổ văn kinh học" và "Kim văn kinh học".

Đại sư kinh học Đổng Trọng Thư tu sửa kinh Xuân thu, truyền Công dương học. Đây là Kim văn kinh học, giữa đời Tây Hán đã nhận được sự coi trọng của Hán Vũ Đế, lập Ngũ kinh bác sĩ, rất tôn quí. Các đại sư Kim văn kinh học đều nhậm chức Bác sĩ ở trong triều đình Tây Hán, các kinh sách của Kim văn kinh học cũng có phái khác biệt. Kinh Xuân thu có Công dương học, Cốc lương học. Cùng là Xuân thu công dương truyện, giữa Đổng Trọng Thư và Hồ Mẫu Tử cũng có sự bất tương đồng. Đổng Trọng Thư truyền cho Doanh công, Doanh công truyền cho Mục Mạnh, Mục Mạnh truyền cho Nghiêm Bành Tổ và Nhan An Lạc. Hai họ Nghiêm, Nhan nắm vững những điều được truyền, đến đời Đông Hán, học phái Công dương xuân thu có hai nhà Nhan, Nghiêm. Nhan An Lạc truyền cho Lãnh Phong, Nhậm Công, do đó nhà họ Nhan lại có cái học Lãnh, Nhậm, sau này lại có cái học Quản (Lộ), Minh (Đô). Ngoài 14 vị Bác sĩ đời Đông Hán trừ Xuân thu công dương của hai nhà Nhan, Nghiêm. Còn nói đến Dịch của bốn nhà Thi, Mạnh, Lương Khâu, Kinh Thị. Thư có ba nhà Âu Dương, Đại Phục Hầu, Tiểu Phục Hầu. Giảng Thi có ba nhà Tề, Lỗ, Hàn. Lễ có hai nhà Đại Đới và Tiểu Đới. Kim văn kinh học cho rằng sách Ngũ kinh đã được Khổng Tử cải biên qua, Khổng Tử đem tư tưởng của mình gửi gắm vào những con chữ của Ngũ kinh. Sử ký của nước Lỗ được Khổng Tử viết thành Xuân thu, mỗi một chữ đều ẩn chứa nội hàm sâu sắc, đều làm sáng tỏ một loại nghĩa lớn. Đây tức là "vi ngôn đại nghĩa". Các nhà Kim văn cho rằng Khổng Tử là nhà chính trị, vì xã hội đời Hán đã chế định một loạt hệ thống phép tắc, những phép tắc này đều bao hàm ở trong văn tự của Ngũ kinh. Các nhà Kinh văn muốn từ trongNgũ kinh lĩnh hội được tư tưởng của Khổng Tử, phát triển rộng rãi vào trong hiện thực xã hội. Đổng Trọng Thư thậm chí căn cứ vào đại nghĩa của kinh Xuân thu xét xử án kiện. Tác phẩm Xuân thu khuyết ngục là việc làm sáng tạo chưa từng có của ông ta. Kiến giải kinh văn một cách chủ quan, gán ghép Thiên nhân cảm ứng, điều đó khiến cho Kim văn kinh học dần suy vi, sau đời Đông Hán ngày càng sa sút. Hơn một nghìn năm sau, đến cuối thế kỉ XVIII lại một lần nữa được các học phái nghiên cứu tìm tòi Kim văn kinh học, sau đó Ngụy Nguyên, Dực Tự Trân đề xướng Kinh thế chí dụng, cùng với Kim văn kinh học có chỗ tương đồng, đã thúc đẩy sự phát triển của Kim văn kinh học. Những năm cuối triều Thanh, xã hội loạn lạc, chính trị hủ bại, những kẻ sĩ có tâm huyết đã nỗ lực từ trong cổ tịch tìm kiếm phương thức để điều trị các mối tệ bệnh của xã hội, những người như Sảm Bình, Bì Tích Thụy, Khang Hữu Vi đã nhận thấy giá trị của Kim văn kinh học, định lợi dụng nó để chuẩn bị cho biến pháp Mậu Tuất, mưu tính cải cách xã hội, thực hiện mục đích dân giàu binh mạnh. Những tác phẩm Kinh học thông luận, Kinh học lịch sử của Bì Tích Thụy; Tân học ngụy kinh khảo, Khổng Tử cải chế khảo, Xuân thu Đổng thị học của Khang Hữu Vi đều là những tác phẩm trọng yếu ở giai đoạn cuối Thanh đến Dân quốc của Kim văn kinh học. Những trước tác này đối với giới học thuật đương thời có ảnh hưởng rất lớn, và đối với biến cách xã hội cũng có tác dụng thúc đẩy nhất định. 

Cổ văn kinh học là một học phái của Nho gia đời Hán, đối lập với Kim văn kinh học. Giữa thời Tây Hán sau khi triều đình độc tôn Nho thuật, các sách kinh điển Nho gia sao chép lối viết Lệ thư đang thông dụng ở đời Hán. Hà Giản Hiến, Vương Lưu Dư sưu tập cổ tịch trong dân gian, những sách ấy đều là cổ văn của thời Chiến Quốc. Thời Hán Vũ Đế, Lỗ Cung Vương Lưu Dư, phát hiện ra một loạt thư tịch cổ văn thời Tiên Tần. Cuối đời Tây Hán, Lưu Hâm Hiệu, Lí Mật Tịch, phát hiện ra Cổ văn kinh truyện, từng kiến nghị triều đình chế đặt chức quan Bác sĩ cho Cổ văn thượng thư, Mao thi, Dật lễ, Xuân thu tả truyện, nhưng gặp phải sự phản đối đồng loạt của các vị học quan Bác sĩ phái Kim văn kinh học. Di thư nhượng thái thường bác sĩ của Lưu Hâm căn cứ vào lí lẽ để tranh luận, từ đó nổ ra cuộc tranh luận giữa Kim văn kinh học và Cổ văn kinh học

Cổ văn kinh học tôn Chu Công là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư, lấy điển tịch Nho gia làm tư liệu lịch sử, mối quan hệ của nó đối với chính trị xã hội không có tác dụng to lớn. Họ nghiên cứu điển tịch là để làm rõ bộ mặt vốn có, để khôi phục Chu lễ, không phải là để biến cách xã hội. Lúc Vương Bôn còn đương chính, đã đề xướng khôi phục cổ văn, từng một phen đem Cổ văn kinh học lập học quan, đặt Bác sĩ. Cổ văn kinh học cho rằng điển tịch Nho gia chỉ là ghi chép lại sự thực lịch sử, Khổng Tử là nhà sử học "Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ" tịnh không vì nhà Hán chế định qui tắc hoạt động xã hội gì, cũng không công nhận trong kinh sách có cái gì gọi là "Vi ngôn đại nghĩa". Cổ văn kinh học cũng không đề xướng tư tưởng Thiên nhân cảm ứng, khá thành thực trong việc lí giải kinh sách. Bắt đầu sau thời Tây Hán, rất nhiều nhà tư tưởng không tuân theo lối học chương cú đã không hài lòng với các sách sấm vĩ đang thịnh hành đương thời, và đối với Kim văn kinh học có những chỗ phê bình. Cùng với sự suy thoái của Kim văn kinh học, sự suy nhược của nền thống trị Tây Hán, Cổ văn kinh học ngày càng hưng khởi. Các học giả nổi tiếng đương thời như Lưu Hâm ra sức cổ súy Cổ văn kinh học. Những học giả như Dương Hùng, Vương Sung, Cổ Quỳ cũng đều nghiêng về phía Cổ văn kinh học, sau này có đại sư kinh học là Mã Dung và Trịnh Huyền. Từ sau đời Đông Hán, Cổ văn kinh học ngày dần hưng khởi, sức ảnh hưởng của sách Tả truyện thuộc phái Cổ văn kinh học đã vượt qua cả Cốc lương truyện, Công dương truyện của phái Kim văn kinh học, tuy nhiên "Tam truyện" đều nằm ở trong Thập tam kinh. Triều Thanh học phái Càn Gia đã nghiên cứu kinh sách, tôn sùng Trịnh Huyền, Hứa Thận; tinh thông tiểu học, giỏi việc khảo chứng danh vật, tìm tòi nghiên cứu điển chương chế độ, chú ý Huấn hỗ, gọi là "Hán học". Cận đại, Chương Thái Viêm, Lưu Sư Bồi là đại sư của Cổ văn kinh học có làm Quốc cố luận hành.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt