Triết học Đông phương

Lão tử

BÁCH GIA CHƯ TỬ

 

Lão Tử

 

TRẦN VĂN HẢI MINH

 


Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991. tr. 234-252.


 

Lão Tử là người của phái Đạo gia tôn sùng, nhưng cũng có người cho rằng Lão Tử là người khai tổ cho Bách Gia Chư Tử.

Gần đây, Giang Tuyền, trong sách "Đọc tử hộ ngôn" có một thiên: "Luận về Đạo gia, và Bách gia cũng từ đó mà ra... " tức là suy tôn Lão Tử là người khai tổ cho Bách Gia Chư Tử.

Giang Tuyền đã viết : "Đời thượng cổ, tam đại, học ở nhà quan, mà không học ở đâu, người dân quê mùa không biết làm sao để lên chỗ "đại nhã"  được...[đến chỗ có học tập] duy chỉ có Lão Tử, đời đời làm sử quan, trong tay nắm được chìa khóa kho học mấy ngàn năm, giữ quyền mở đóng, cho nên khi Lão Tử ra, là tiết lộ được cái chất chứa bí mật của trời, đất, gom góp được cái đại thành của cổ kim, học giả noi theo, và thiên hạ cũng cúi đầu theo. Cái học của Đạo gia đã đông, rồi lại chia ra nhiều nhánh, mỗi người nắm được một mối của thầy, diễn ra mà thành cái học của 9 phái, rồi thành tên gọi là Cửu lưu vậy...

Thật ra, đời xưa, việc học ở vua quan, các nhà học giả đều công nhận điều đó, Lão Tử làm quan giữ kho sách nhà Châu, nắm chìa khóa kho học, điều đó có sách Sử ký làm căn cứ...nhưng gọi là "đời đời làm sử quan" đó chỉ là suy tưởng theo chế độ thế cha truyền con nối của thời xưa mà thôi.

Lão Tử không có như Khổng Tử, mở trường dạy học, thì "học giả noi theo...thiên hạ cúi đầu..." và "cái học của Đạo gia bèn phổ cập trong dân gian", "môn đệ của Đạo gia đã đông... Mỗi người nắm được một mối của thầy", v.v...đó chỉ là ức thuyết.

Và "Phân ra từng phái mà đi...diễn thành cái học của 9 nhà"...lại càng không có gì để làm bằng chứng xác đáng cả.

Họ Giang đã nói: "Từ đại gia mà suy diễn ra cái học của 9 môn phái, như thế tức là muốn nói 10 phái trong Bách Gia Chư Tử, trừ phái Đạo gia vậy".

Trong Hán Chí gọi là Cửu lưu, thì lại là trong số 10 môn phái, trừ ra phái Tiểu thuyết gia, họ Giang chỉ ước đoán, lập luận thiếu bằng chứng xác đáng, nên không có gì đáng tin.

*

Trong sách Sử ký có chép tên Lão Tử, vậy Lão Tử là người như thế nào? Những tài liệu đã chép có xác thực, có đáng tin hay không? Điều đó còn cần phải tìm hiểu thêm.

Trong Sử ký, Lão Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Hàn Phi đồng viết chung trong một truyện, sau đây xin chép lại phần Lão Tử truyện khảo của tiên nho Kiến Hầu, tìm hiểu Lão Tử qua Lão Tử tài liệu của sách Sử ký.

Lão Tử Truyện Khảo

Trong sách Sử ký, Lão Trang, Thân Hàn liệt truyện được sắp vào phần thứ 3, trong sách Sách Ẩn thi sắp Bá Di liệt truyện vào phần 1, và Lão Tử, Trang Tử, Hàn Phi đồng truyện vào phần 3, nhưng trong sách Chánh nghĩa thì lại sắp Lão Tử, Trang Tử vào phần đầu của liệt truyện, với lời chú: "Vào năm khai nguyên thứ 23, Lão Tử và Trang Tử được phụng sắc lên phần đầu liệt truyện, đứng trước Bá Di."

Lão Tử...

[Về phần danh xưng Lão Tử có nhiều giả thuyết khác nhau:

1. Giải thích theo người đời trước thì căn cứ theo Thần tiên truyện, và Huyền diệu nội thơ, cho rằng Lý mẫu mang thai 81 năm mà sanh, sanh ra đầu đã bạc, cho nên mới gọi là Lão Tử.

Thuyết nầy thật là hoang đường, không có gì đáng tin cả.

2. Sách Chánh nghĩa dẫn lời Trương quân Tướng viết: "Lão Tử là hiệu chớ chẳng phải tên, Lão là khảo, tìm hiểu, khảo sát, Tử là chăm, chăm học, tức là người tìm hiểu nhiều và dạy dỗ, đạt thành cho nhiều người khác... nhờ đó mà sanh ra vạn vật, giúp đỡ sự hóa sanh cho muôn loài mà không sót một ai."

Thuyết nầy thật là ba hoa, rỗng tuếch, không có một ý nghĩa gì đáng tin được.

Dưới thời Châu Tần, học giả được gọi là "Tử" đó là việc phổ thông của thời ấy, tại sao lại giải thích chữ "Tử" thành ra là "nhiều" "chăm" hay là "siêng năng"?

3. Ngụy Nguyên có viết : Trang Tử nói Lão Tử ở đất Bái, Bái là đất của Tống, mà nước Tống có dòng họ Lão, như thế Lão Tử là người đất Bái mà họ " Tử " chăng ? Rồi chữ " Tử " lại chuyển thành chữ Lý vì âm vận và hình trạng chữ giống nhau chăng ?

Thuyết nầy cũng còn có thể nghe được, nhưng nếu vốn là họ Lý thì tại sao không thấy viết là Lý Tử ?

4. Có thuyết cho rằng ông trường thọ, cho nên mới gọi là Lão Tử. Đời trước cho rằng Lão Tử sống lâu, chớ không phải vì tu tiên, dưỡng thọ mà đặc biệt sống lâu đến 160 hay 200 tuổi.

Lão Tử là người ẩn sĩ, ông thích ở ẩn, vô danh, không muốn chường mặt với đời, cho nên không ai biết tánh danh ông là gì, chỉ thấy ông tuổi già, có học thức, nên mới gọi là Lão Tử].

Dưới thời Châu Tần, học giả được gọi là "Tử" bắt đầu từ Khổng Tử. Khổng Tử thường làm quan Tư Khấu nước Lỗ, cho nên đệ tử mới gọi là "Tử", sau đó được quan dùng để tôn xưng với thầy, cho nên ngày nay chữ Tử được xem như là tiên sinh... là thầy... Thế thì Lão Tử cũng như "Lão tiên sinh", đó không phải là một tên riêng.

Ông là người Khúc nhơn Lý, làng Lệ, huyện Khổ nước Sở.

[Khổ huyện trước kia thuộc nước Tống, dưới thời Xuân Thu, Sở diệt Trần, Khổ huyện lại thuộc Sở, cho nên mới gọi Sở, Khổ huyện.

Sách Chánh nghĩa viết : "Lệ (lệ hương) đọc là Lại, sách Tấn Thái Khương địa lý có viết: Thành Đông Khổ huyện có Lại hương Từ, là chỗ Lão Tử sanh ra.

Cố thành Khổ huyện ngày nay thuộc tỉnh Hà nam, huyện Lộc ấp, cách phía Đông 10 dặm.

Sách Thúy kinh chú dẫn lời của Vương Phụ đời Đông Hán chép theo Lão Tử thánh mẫu bia cho rằng Lão Tử sanh ở vùng Khúc Oa. Theo Lão tử Minh, thì Lão Tử là người đất Tương, còn theo sách Trang Tử thì chép Lão Tử là người đất Tương của nước Trần... Theo Diêu Đỉnh thì có lần Dương Châu đã đến đất Bái để gặp Lão Tử, vì thế có thuyết cho rằng Lão Tử là người đất Bái thuộc nước Tống.

Theo Bá Tiềm, trong sách Thủy kinh chú có viết: "Phía Đông Nam đến đất Bái có sông Oa thủy. Oa thủy lại chảy về phía đông qua phía nam thành Khổ huyện, tức là đất Tương dưới thời Xuân Thu.

Dưới thời Vương Mãng đất ấy lại đổi tên thành Lại Lăng, con sông lại chảy về phía đông qua phía nam thành Lại Hương, rồi lại chảy về phía bắc, qua phía đông miếu Lão Tử, qua phía nam thành của Tương huyện.

Tương huyện bị hoang phế, bấy giờ thuộc Khổ huyện, Lão Tử sanh ở chỗ ngoặc của sông Oa [Khúc Oa]. Chữ Lệ và chữ Lại, âm giống nhau, Lệ hương tức Lại hương, như vậy thì Khúc nhơn Lý, có phải ngay tại chỗ quanh của sông Oa chăng? [Khúc Oa].

Sách Hậu Hán thơ, phần Quận quốc chí có chép "Huyện Khổ, dưới thời Xuân Thu gọi là Tương".

Tương cũng thuộc về nước Trần rồi sau thuộc về Sở, thành cũ của Tương huyện nay ở phía Đông cách 15 dặm của Lộc ấp huyện. Như thế thì 3 địa điểm Khổ, Tương, Bái, cách nhau không bao xa vậy].

Ông họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, được tên thụy là Đam.

[Trong Sách Ẩn có viết: Cát Huyền nói: "Lý mẫu sanh ông, nhơn đó lấy theo họ mẹ"...Sanh ra mà chỉ cây Lý, nhơn đó lấy làm họ luôn.

Hứa Thận viết: Đam là lỗ tai dài... cho nên tên là Nhĩ mà tự là Đam... gọi là Bá Dương là không đúng.

Diêu Đinh, trong Lão Tử chương nghĩa đã viết: Bái là đất nước Tống, như thế thì Lão Tử là người Tống và Tử có phải là họ không?

Chữ Tử và chữ Lý âm cũng gần nhau... đó là một thuyết nói về Lão Tử họ Lý... so với thuyết trên nói ông theo họ mẹ, hay là "chỉ cây Lý" thì có phần hữu lý hơn.

Theo sách Ẩn, trong nguyên văn pho Sử ký, không thấy có 4 chữ "Bá Dương, thụy là..." mà chỉ viết có tên Nhĩ, tự Đam mà thôi.

Lương ngọc Thằng trong sách Sử ký chí nghi có viết: "Cổ thơ thời Tiên Tần, không thấy gọi Lão Tử là Bá Dương. Vương niệm Tôn trong Đọc thơ tạp chí cũng viết : Lão Tử tên Nhĩ, tự là Đam...". Nhưng trong thiên Chư Tử của sách Văn Tâm Điêu Long có viết: "Bá Dương coi về việc Lễ, mà Trọng Ni đến hỏi, để đạo đức có thứ lớp dạy dỗ trăm dân... như thế thì dưới thời nhà Lương, có ai đã thêm vào pho Sử ký 4 chữ : "Bá Dương...thụy là..." đã kể trên].

Dưới thời nhà Châu, làm quan giữ kho sách.

[Trong thiên Thiên vấn, sách Trang Tử viết "Trưng tàng sử" chữ trưng có nghĩa là gom góp... Thời xưa, sách vở chỉ được chứa ở nhà vua quan, có quan lo riêng về việc đó.

Sách Trương thang truyện có viết: "Lão Tử làm trụ hạ sử" là vì lúc hội triều, ngôi vị là ở dưới trụ, cầm thẻ, ghi việc...cũng như ngày nay, người làm thơ ký ghi chép những lời bàn bạc trong hội nghị vậy].

Khổng Tử qua nhà Châu, đến vấn Lễ với Lão Tử. Lão Tử nói: "Các người mà ông nói đó, người và xương đều mục hết cả rồi, duy lời nói của người ấy thì còn tại đây.

Người quân tử đắc thời thì đi xe, chẳng đặng thời thì đầu rối mỏi mệt mà đi bộ, tôi có nghe, người buôn bán giỏi, chứa hàng hóa kỹ, mà xem như trống rỗng, người quân tử chứa đầy đức mà dung mạo như ngu.

Hãy bỏ cái ngạo khí và cái nhiều lòng dục của ông, bỏ luôn cái sắc làm cao và cái chí, cái dâm, vì những cái ấy đều không có ích gì đối với thân ông.

Tôi nói với ông, chỉ có bấy nhiêu mà thôi!"

Khổng Tử ra về, bảo với đệ tử:

"Con chim... ta biết nó bay như thế nào, con cá, ta biết nó lội như thế nào, con thú, ta biết nó chạy như thế nào, nó chạy ta có thể làm lưới, nó lội, ta có thể dùng câu, nó bay ta có thể dùng tên, còn như rồng, ta không thể biết được nó cỡi mây bay mù lên trời, hôm nay ta ra mắt Lão Tử, ông ấy cũng như rồng vậy".

[Chuyện Khổng Tử hỏi Lễ với Lão Tử, cũng thấy trong phần Khổng Tử thế gia trong Sử ký.

Thiên "Tăng Tử vấn" trong Lễ ký, ghi ngôn, hạnh của Lão Tử có 4, tất cả đều có liên quan đến Lễ... như thế thì việc Khổng Tử đến hỏi Lễ với Lão Tử là đáng tin được.

Thiên Tăng Tử chế ngôn trong sách Đại đái có viết: "Người đi buôn giỏi chứa kín mà như không có gì... Người quân tử có nền giáo dục cao mà như không".

Thiên Ngoại vật trong sách Trang Tử có chép: Lão lai tử nói với Khổng Tử: Khâu ơi! Thân hình ngươi kiêu và cái dung nhan ngươi ra dáng người trí...như thế là quân tử sao?

Câu nầy với đoạn ghi lời nói của Lão Tử đại đồng tiểu dị... Những lời ghi trong sách Trang Tử, cũng thấy trong thiên Kháng chí sách Khổng tòng tử, nhưng lại cho Khổng Tử là Tử Tư.

Tử Tư đâu có thể là Khổng Tử được, biết đâu Lão lai tử nói với Tử Tư mà người ta lại lầm lẫn là Lão tử nói với Khổng Tử chăng?

Trong thiên Thiên Vận lại có viết: "Khổng Tử ra mắt Lão Đam, ra về, 3 ngày không trò chuyện gì cả.

Đệ tử thưa:

- Phu Tử ra mắt Lão Tử... có nhìn thấy được gì chăng?

Khổng Tử đáp:

- Bây giờ ta mới thấy rồng, rồng hợp mà thành "thể", tan mà thành "chương", cỡi lên khí mây mà dưỡng bởi âm dương...ta mở miệng mà không thể ngậm lại được...ta có tìm thấy được gì ở Lão Tử đâu?

Sách Lão Tử truyện, được tán duơng là như rồng, là do theo ý Trang Tử].

Lão Tử trau dồi dạo đức, cái học của ông chuyên về tự ẩn, không danh.

Ông ở nhà Châu lâu, thấy nhà Châu suy, liền ra đi, đến cửa ải, quan lịnh doãn là Hỉ nói:

- Thầy sắp đi ẩn chăng? Vậy hãy cố gắng vì tôi mà viết sách.

Vì thế Lão Tử liền viết sách, gồm 2 thiên thượng, hạ, nói cái ý đạo đức hơn 5000 chữ, rồi đi.

Sau đó, không ai biết ông như thế nào.

[Sách Sách Ẩn và Chánh Nghĩa, chữ "quan, cửa ải" đây là Hàm cốc quan hay là Tán quan, chưa có tài liệu nào chắc chắn để xác định được.

Tán quan thì ở vùng Trần thương đất Kỳ Châu, không phải là con đường từ nhà Châu vào đất Tần, còn Hàm cốc quan thì ở vùng Đào lâm đất Thiểm Châu, đó là con đường từ nhà Châu vào đất Tần, như thế thì chắc chắn phải là Hàm cốc quan.

Cửa Hàm cốc quan không biết được đặt vào năm nào, nhưng vào thời Khổng Tử, đất Nhị hao còn thuộc nước Tần, nếu Lão Tử đồng thời với Khổng Tử, như vậy thì lúc đó chưa có Hàm cốc quan.

Quan doãn là chức quan giữ cửa ải, lịnh doãn là một chức quan của Sở, nhưng ở đó không phải là đất Sở, như thế thì chữ "lịnh" ở đây sai.

Theo hơi văn ở đây thì quan doãn nhìn thấy Lão Tử đến nên mừng, nhưng người đời sau lại nói quan doãn tên Hỉ, rồi lại có quyển sách để tên quan doãn Hỉ viết, lại càng sai hơn...

Nói về đạo đức đến hơn 5000 chữ, tức là quyển Lão Tử còn cho đến ngày nay.

Quyển sách ấy có phải tự tay Lão Tử viết ra không? Điều đó còn phải suy xét cho thật kỹ.

Mặc dù lúc đó đã có phong trào tư nhơn viết sách, nhưng dùng dao khắc, bôi sơn vào tre, trong lúc trên đường đi, chỉ trong một thời gian ngắn để thành một pho sách đến 5000 chữ thật là một điều khó tin... hơn nữa, thể tài của quyển sách, so với các quyển của Chư Tử đương thời thì không giống nhau.

Giọng văn của sách ấy y như những câu cách ngôn được gom góp quyết không phải do một người, trong một thời gian nào đó đã sáng tác ra. [Xem thêm phần dưới quyển sách nầy, đoạn tìm hiểu về tác phẩm của Lão Tử].

Lão Tử đã cố ý tự ẩn, vô danh, hơn nữa, sắp đi lánh đời, tại sao lại giữa đường còn hấp tấp cố gắng để viết cho quan doãn một quyển sách? Tóm lại, về phương diện tình lý, không có chỗ nào đáng tin cả... Câu nói: "Không một ai biết sau đó ông như thế nào "đã chỉ rõ ý lánh đời của ông...và cũng vì thế mà phương sĩ đời sau mới có truyền thuyết" Lão Tử đi qua phía Tây đến Lưu sa hà [sa mạc] rồi hóa ra người Hồ..." như thế lại lầm thêm là Lão Tử đã qua Ngọc môn quan.

Thiên Dưỡng sanh chủ trong sách Trang Tử chép Lão Đam chết, Tần Thất đi điếu, v.v...

Sách Trang Tử, phần nhiều là ngụ ngôn, nhưng lại không ghi "sau đó không biết ông ấy như thế nào" như thế đã thấy rõ chuyện Lão Tử qua Lưu sa hà là không có thật.

Đến như các việc trong sách Sách Ẩn, Liệt dị truyện, Liệt tiên truyện ghi rằng "Tử khí từ phương Đông đến", "Cỡi trâu xanh qua cửa ải" đều là những chuyện hoang đường do các phương sĩ đời sau ngụy tạo ra mà thôi.]

Hoặc có người nói: Lão lai tử cũng ngưòi nước Sở, viết sách 15 thiên... nói cái dụng ý của Đạo gia, cùng đồng thời với Khổng Tử...

[Chữ "hoặc" ở đây có ý muốn nói Lão lai tử là Lão Tử, trong sách Hán chí, phần Đạo gia, chép: có sách Lão lai tử 16 thiên, có thuyết nói: đồng thời với Khổng Tử.

Nhưng theo Khổng Tòng Tử thì đồng thời với Lão lai tử là Tử Tư phần trước đã có trình bày.

Trong bài tựa của Đạo đức kinh, Tất Ngươn có viết: trong Tả truyện có "Lai câu", Lai là họ, để chữ Lão lên trên là vì có tuổi thọ, cũng như sư phụ của Liệt Tử là Lão Thương thị vậy.

Trong Hán chí, tuy ghi số thiên trong sách ấy, có nhiều hơn một thiên, nhưng cũng là quyển sách ấy.

Phần đầu của phần khảo cứu về truyện Lão Tử có viết: "Lão Tử là người ở Khúc nhơn Lý, Lệ hương, huyện Khổ, nước Sở" cho nên ở đoạn nầy có viết: "cũng người nước Sở".

Sách Lão Tử khảo dị, nghi tài liệu nầy cho rằng Lão Tử là người nước Sở, là vì lầm lẫn với Lão lai tử, nhận xét như thế, có phần đúng, vì theo truyền thuyết, người ta thường lầm lẫn Lão lai tử và Lão Tử, cho là một người, cho nên Sử ông mới ghi đoạn nầy có chữ "hoặc" ở trên.]

Lão Tử mà thọ đến hơn 160 tuổi, hoặc có người nới đến hơn 200 tuổi, là vì ông ta dưỡng mà được thọ đến mức ấy.

[Đoạn nầy trong sách Sử ky sắp lầm, nên dời vào đoạn văn sau mới đúng].

Từ sau khi Khổng Tử mất 129 năm, mà sử nhà Châu, Thái sử Chiêm ra mắt Tần Hiếu Công nói:

- Ban đầu nước Tần hợp với nhà Châu rồi chia ra 500 năm rồi sau lại hợp, hợp 70 năm mà Bá vương xuất hiện.

Hoặc có kẻ nói:

- Chiêm tức là Lão Tử

Cũng có kẻ nói:

- Không phải.

Là vì Lão Tử thọ hơn 160 tuổi, hay có kẻ nói hơn 200 tuổi [là vì trau dồi đạo mà duỡng được thọ].

[Đoạn nầy lại ghi thêm một thuyết khác, nói rằng Thái sử Chiêm của nhà Châu, vào nước Tần gặp Hiếu Công, tức là Lão Tử.

Trong thiên Bất nhị của Lã thị Xuân Thu, ghi chung Lão Đam, với Khổng Tử, Mặc Địch, Quan doãn và Lão Đam là Lão Tử.

Sách Thuyết văn chép : " Đam tức là tai dài, thòng xuống "lại chép: "Chiêm, cũng là tai thòng, ở phương Nam là nước Chiêm nhĩ". Như thế thì nghĩa các chữ Đam và Chiêm giống nhau.

Lý Nhĩ tức Đam, thường làm chức Thủ tàng sử nhà Châu, chữ Chiêm và chữ Đam lại giống nhau, mà Chiêm cũng từng làm Thái sử nhà Châu, cho nên có thể lẫn lộn là một người.

Chiêm vào nước Tần ra mắt Hiếu Công theo Tần Bản Kỷ thì vào năm thứ 11 đời Hiếu Công, mà Hàm cốc quan được dựng lên trước năm ấy tức là năm 10 đời Hiếu Công, như thế người đi về phía Tây, qua cửa ải là Thái Sử Chiêm nhà Châu, chớ không phải Thủ tàng sử nhà Châu là Lý Nhĩ... Bằng chứng như thế là khá chính xác.

Theo Bá Tiềm, việc Thái Sử Chiêm đến Tần Hiếu Công thấy có chép trong Châu Bản Kỷ và Tần Bản Kỷ. Châu Bản Kỷ chép "Hợp 17 năm" chép "70 năm" là sai lầm vì đảo ngược chữ trong Tần Bản Kỷ lại chép "Hợp 77 năm" như thế là dư một chữ "Thất" [7].

Chuyện nầy, Bản Kỷ chép xảy ra vào năm Liệt Vương thứ hai, còn Tần Bản Kỷ thì vào năm Hiếu Công thứ 11, lúc đó sau ngày Khổng Tử mất đến 53 năm, mà ghi là "Khổng Tử mất, cho đến nay là 129 năm" thì là sai].

Lão Tử là một ẩn quân tử, con Lão Tử tên là Tôn, Tôn làm tướng nước Ngụy, được phong đất Đoạn can.

Con Tôn là Chú, con Chú là Cung, huyền tôn của Cung là Giả, Giả làm quan dưới thời Hán Văn đế.

Con của Giả là Giải làm thái phó cho Giao tây Vương là Cung, vì thế cất nhà luôn ở đất Tề.

[Lão Tử là một "ẩn quân tử" nhưng lại chép tên con cháu của ông rất rõ ràng, Lão Tử chỉ thích lánh đời, không chường mặt, lại ra cửa ải, đi về phía Tây và mất tích luôn.

Truyền thuyết ấy dễ làm cho các phương sĩ dễ thêu dệt thành những chuyện hoang đường.

Dưới thời Võ đế, ông nầy rất thích bọn phương sĩ, và các chuyện về thần tiên, thế nên Sử công cố ý chép đoạn nầy rõ ràng để chứng minh Lão Tử là một người thường như mọi người khác, mà không phải là một thần tiên gì cả.

Dụng ý của Sử công thật là sâu sắc].

Người đời, hễ học Lão Tử, thì chê Nho học, học Nho thì lại chê Lão Tử [Đạo không đồng, thì không bàn luận với nhau] như thế là phải chăng?

[Lý Nhĩ vô vi, tự hoá và thanh tịnh để tự chánh].

[Đoạn nầy nói về việc Nho và Đạo gia vì đạo bất đồng mà chê lẫn nhau để kết luận. Còn "Đạo không đồng, thì không bàn luận với nhau", đó là dùng câu của Khổng Tử [trong thiên Vệ linh Công sách Luận Ngữ].

Câu cuối cùng, cùng với đoạn văn trên không nối tiếp ý nhau, và cũng không phải là câu dùng để kết luận, nghi là người đời sau đọc sách Sử ký ngẫu nhiên ghi thêm vào, làm cho người sau lầm lẫn đó là chánh văn. Nên bỏ cho hợp lý].

*

Lão Tử truyện trong sách Sử ký đến đây là chấm dứt, trong truyện có chép tên 3 người:

1. Thủ tàng thất sử nhà Châu là Lý Nhĩ, Khổng Tử có đến hỏi về việc Lễ.

 2. Ẩn sĩ người nước Sở là Lão lai Tử. 

3. Châu Thái sử Chiêm vào nhà Tần ra mắt Hiếu Công... 

Ba người ấy đều khác nhau, nhưng truyền thuyết lại lầm mà hợp lại làm một, nhưng xét lại kỹ các đoạn văn dẫn chứng trên, thì tất cả 3 người ấy đều không phải là Lão Tử của phái Đạo gia, vì Lão Tử là một tên chung, nhưng không phải là một danh từ riêng, chỉ dùng để gọi những học giả lớn tuổi, cũng như ngày nay chúng ta gọi là "Lão tiên sinh" vậy, vì thế cho nên chúng ta cũng có thể dùng tên Lão Tử để gọi Lý Nhĩ, Lão lai Tử và Thái sử Chiêm.

Người đời sau không tìm hiểu cho chính xác nên lầm lẫn, hợp ba người ấy làm một, làm cho lộn xộn thêm, càng khó phân biệt.

Về Trang Tử, trong thiên Thiên hạ, người gọi là Lão Đam là một "bác đại chơn nhơn" của thời xưa, do nhóm Đạo gia truyền thuyết suy tôn..., đó là một nhân vật lý tưởng được đặt để ra mà thôi, thuyết trên đây, trong các sách Thù tứ khảo tín lục và Trung Quốc Triết học sử của Phùng hữu Lan đều có đề cập đến.

Như thế thì quyển Lão Tử còn đến ngày nay, đó là một quyển sách góp những thành ngữ và cách ngôn được truyền tụng của phái Đạo gia dưới thời Chiến quốc [xem thêm phần lược khảo tác phẩm của ở đoạn sau] mà chẳng phải là một tác phẩm của Lão Tử viết ra khi qua Hàm cốc quan.

Trong quyển Lão Tử có những lời trái ngược hẳn với đạo Nho, nếu đó là tác phẫm của Lão Tử người đồng thời với Khổng Tử, tất nhiên thế nào cũng bị Mạnh Tử sau nầy đã kích dữ dội, nhưng trong quyển Mạnh Tử ta không hề thấy điều đó.

Tóm lại, quyển Lão Tử, không phải chính do Lão Tử viết ra, mà đó là một tác phẩm gom góp của một số học giả cao niên viết ra, và Đạo gia lấy đó làm tôn chỉ của mình.

Lão Đam là một nhân vật truyền thuyết, do tưởng tưọng mà có, như thế mà cho Lão Tử là người khai tổ cho Chư Tử là một điều hết sức không hợp lý.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt