Triết học Đông phương

Lý luận và sự thực thuộc về chữ "Học" của Đức Khổng tử

 

LÝ LUẬN VÀ SỰ THỰC THUỘC VỀ CHỮ “HỌC”

CỦA ĐỨC KHỔNG TỬ

 

PHAN BỘI CHÂU (1867 – 1940)

 


Phan Bội Châu. Khổng Học Đăng. Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1973.


 

Nghĩa chữ “Học” là làm sao? Học có phải đọc nhiều sách, biết nhiều chữ mà thôi rư? Học có phảỉ cắp sách vở đi nhà trường là xong rư? Học có phải nhái cái miệng ông thầy, đùa theo những đồ ăn thức mặc của các bạn trong trường mà được rư? Không phải! Không phải!

Chữ “Học” có ba nghĩa:

1) Học nghĩa là bắt chước - Hễ người nào tự xét trong mình hãy còn là người hậu giác, tất phải bắt chước những việc người tiên giác đã làm. Tiên giác là người hiền nhân quân tử có đạo đức, phẩm hạnh, tài năng sinh trước mình, biết trước mình, thứ nhất là người đồng thì với mình; nếu không, thời những bậc thánh hiền đời xưa lại đúng với hạng tiên giác lắm. Mình đã là người hậu giác tất phải bắt chước những người tiên giác ấy. Đó là nghĩa thứ nhất ở trong chữ “Học”.

2) Học nghĩa là học để cho biết - Nghĩa này lại cặp kè với chữ “Tri”

Người ta vì sao mà phải học? Bởi vì trời sinh ra ta, chỉ có cho ta một bộ óc thiêng, một tấm lòng tốt, chứ đến như sự lý ở trong thiên hạt nhỏ từ nhất sự nhất vật, lớn đến tình hình một xã hội, một quốc gia, một thế giới thời tuyệt không có một người nào sinh ra mà biết được ngay. Chính giữa mình đức Khổng Tử, ngài cũng tự nói: “Ngã phi sinh nhi tri giả” (我非生而知者), nghĩa là ta chẳng phải là người đẻ ra mà biết được liền. Ngài lại nói: ''Học chi bất yểm” (學之不嚴), “vi chi bất yểm” (為之不嚴) trong thiên Thuật Nhi, Thế thời “Học nhi trí chi” nghĩa là phải học mà cầu cho bìết, là nghĩa thứ hai của chữ “Học”.

3) Học để mà làm - Nghĩa này lại cặp kè với chữ “Hành”. Hành, nghĩa là làm. Người ta vẫn thường có lời nói cặp nhau: “học hành”. Bởi vì có học mới hay hành; muốn hành, tất trước phải học. Đường mình chưa đi, công việc mình chưa thạo, bảo nhắm mắt làm bướng tất không thế nào làm nên, cần phải có học. Có học mới biết; biết tất phải có làm, Học tới bao nhiêu thời làm tới bấy nhiêu. Vậy nên nói chữ “Học” tất phải kèm với chữ “Hành”.

Chúng ta muốn chứng minh cho rõ nghĩa ấy, thời xin nhận kỹ những lời đức Khổng Tử nói [về] chữ “học”.

Ngài nói chữ “học” tất bao la rộng lớn, nhưng tóm tắt lại có thể chia ra làm ba thời kỳ:

1) Học chỉ thỉ (學之始)

2) Học chi trung (學之中)

3) Học chi chung (學之终).

Tức như chương thứ nhất ở đầu sách Luận Ngữ có nói:

Tử viết: Học nhi thì tập chi, bất diệc duyệt hồ! Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ! Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ!

子曰:學而時習之,不亦悦乎!有朋自遠方來,不亦樂乎!人不知而不慍,不亦君子乎!

Chương này chia làm ba tiết, tức ba thời kỳ của người học:

a) Tiết thứ nhất là thời kỳ ở đầu trong việc học, ngài bảo rằng: Hễ những đạo lý gì, công việc gì mà ta đã học đến, tất phải thường thường cứ buổi mà học tập mãi mãi thời ngày càng thục luyện, tháng càng thấm nhuần, nhân đó mà nảy ra thú vị hay, chẳng thỏa thích trong lòng lắm hay sao?

Nói tóm lại, học tất phải có tập (tập nghĩa là làm lại để thí nghiệm cái học của mình có đúng không); tập tất phải cứ thì thi, như thế tất phải duyệt (duyệt tức là thích ở trong lòng, ví như ăn mà đụng được miếng ngon) là công hiệu của học tập.

Hai chữ “thì tập” rất nên chú ý: “thì” nghĩa là là buổi, là mùa, mỗi giờ mỗi tập, mỗi buổi mỗi tập, mỗi mùa mỗi tập, tất không việc gì không hay; đã hay, tất nhiên phải nghiện, nên nói rằng “duyệt”. Tiết này là “Học chi thỉ”.

b) Tiết thứ hai là thời kỳ chính giữa trong việc học:

Chúng ta làm việc học, há phải mục đích chỉ ở một mình mà thôi đâu! Mình biết rồi, tất muốn bầy bạn mình thảy biết; mình hay rồi, tất muốn cho bầy bạn mình thảy đều hay, Trước kia mình học những gì, mình tập những gì, mình sơ duyệt những điều gì, lợi ích cho mình đã xong, còn muốn lợi ích cho anh em dòng họ mình nữa kia! Quả nhiên đến khi sự học tập mình đã thuần thục, tinh thần mình đã no đủ, tức khắc tiếng lành đồn xa, khí tương cầu, thanh tương ứng mà bầu bạn tự ở đất nước phương xa tới với mình. Đến lúc bấy giờ mình mới lấy những điều mình đã học, đã tập đó mà nghiên cứu những điều hơn lẽ kém với các bầy bạn mình; bầy bạn mình nhờ mình mà được lợi ích chung; mình cũng nhờ bầy bạn mà thêm được trí thức mới. Hai bên tương đắc tương thành với nhau thời cả tinh thần và vật chất sung sướng biết chừng nào! Chẳng vuỉ vẻ lắm hay sao? Nên nói rằng “Lạc”. “Lạc” nghĩa là vui vẻ hiện ra ở ngoài.

Tiết này nên nhận chữ “bằng”, chữ “viễn phương”: “Bằng” nghĩa là người đồng một loài với mình (đồng loại vi bằng 同類爲朋); “viễn phương” nghĩa là những phương xa xôi, chẳng hạn ở trong làng, trong nước, dầu đến người nước khác cũng gọi bằng “viễn phương”. Sở dĩ được người viễn phương tới là vì có đạo đức học vấn của mình làm môi giới cho người tới với mình, vậy nên mình mới vui. Như thế là “Học chi trung”.”

c) Tiết thứ ba là thời kỳ cuối cùng ở trong việc học

Như hai tiết trên kia đã nói, học tập mà duyệt là công việc tín tấn tu nghiệp ở giữa mình đã đầy đủ rồi. “Bằng tự viễn phương lai” là công việc họp bầy nhóm bạn cũng đã phát đạt rồi.

Tuy nhiên, mục đích của chúng ta làm việc học là cốt cho hoàn toàn một người quân tử. Đã là người quân tử, tất phải nhân cách rất cao thượng, tâm địa rất thánh hiền, tới đó mới đạt được mục đích của mình làm việc học. Trước kia mình học, mình tập, mình duyệt, mình được bằng hữu lai, há phải vì cầu danh đâu? Há phải vì cầu vua chúa yêu chuộng mình đâu? Há phải vì cầu thế tục yêu chuộng mình đâu? Chỉ vì vun trồng lấy nhân cách mình mà học, nào có cần gì người biết đến mình?

Nếu tới lúc bấy giờ, ví dầu tai trần mắt tục không biết đến mình, trong lòng mình vẫn không tí gì ngậm hờn trữ giận. Nên ngài lại dạy: “Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?” (人不知而不慍,不亦君子乎!), nghĩa là dầu người đời không biết mình mà mình không ngậm ý giận, như thế mình chẳng phải là quân tử hay sao?

Tiết này nên chú trọng ở chữ “Quân tử”. Chữ “quân tử” nghĩa là làm sao? Là một người rất tốt.

Vì cớ sao một người rất tốt gọi là quân tử? Bởi vì người ấy đạo đức đã cao, tài năng cũng giỏi, nhân cách lại rất hoàn toàn, nếu đem ra gánh việc xã hội thời đáng làm một người chủ, nên có chữ “quân”. Quân nghĩa là ông chủ. Nếu đem ra gánh việc loài người thời càng cung cấp được việc cho loài người, cũng như con thờ cha, nên có chữ “tử”, nghĩa là con. Góp xáp cả hai ý nghĩa như trên ấy mới đặt tên bằng ''quân tử”. Cái mục đích của học giả chỉ cốt cho nên một người quân tử mà thôi, nên đặt vào tiết thứ ba. Tiết này là “học chi chung”, là hấng đỡ cả hai tiết trên, chính là thời kỳ thành công của việc học.

Chúng ta nhận kỹ ba tiết ấy thời đại khái của việc học cũng không thiếu kém gì. Nhưng mà các điểu kiện chi tiết ở trong việc học còn nhiều lắm, xin xem các bài sau.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt