Triết học Đông phương

Mạnh Tử

BÁCH GIA CHƯ TỬ

 

MẠNH TỬ

 

TRẦN VĂN HẢI MINH

 


Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991. tr. 214-225.


 

 

Sau Khổng Tử, Mạnh Tử đáng tôn là bực Nho gia đại sư.

Về Mạnh Tử, trong sách Sử ký có chép Mạnh Tử và Tuân Khanh liệt truyện, trong đoạn đầu phần Mạnh Tử có viết:

"Thái sử công nói rằng: Ta đọc Mạnh Tử, đến thiên Lương Huệ Vương, hỏi về chuyện lấy gì làm "lợi" cho nước, mà buông sách than thở và nói rằng: "Hỡi ôi! Lợi là cái bắt đầu cho loạn vậy!"

Phu Tử mà ít nói đến chuyện lợi là đề phòng cái nguồn hại đó... cho nên mới nói: Buông lung theo lợi mà làm thì gây ra nhiều oán.

Từ bực thiên tử cho đến thứ dân, cái tệ của ham lợi cũng có khác gì nhau đâu!"

*

"Mạnh Kha là người đất Trâu, môn nhơn thọ nghiệp với Tử Tư, đạo đã thông mà đi du thuyết đến Tề Tuyên Vương, Tuyên Vương không dùng mà qua nước Lương.

Lương Huệ Vương không tin chắc lời nói của ông, cho rằng đó là những chuyện xa vời. Lúc đó, Tần dùng Thương quân, nước giàu quân mạnh, Sở, Ngụy dùng Ngô Khởi, chiến thắng những nước nhỏ, Tề Uy Vương, Tuyên Vương dùng Tôn Tử, Điền Kỵ, mà các nước chư hầu day mặt về phía Đông chầu nước Tề, trong thiên hạ chạy theo kế hiệp tung, liên hoành để công phạt lẫn nhau và xem đó là kế hoạch hay nhứt.

Trong khi đó thì Mạnh Tử thuật cái đức của Đường, Ngu, Tam Đại vì thế cho nên không hợp. Ông liền rút lui cùng với Vạn Chương, Công Tôn Sửu, thuật lại ý Trọng Ni mà viết quyển Mạnh Tử gồm 7 thiên". Đây là truyện Mạnh Tử theo sách Sử ký, chỉ gồm có trên dưới 220 chữ.

Hơn nữa lại có những đoạn như "Thái sử Công nói: "Chuyện ấy có lạ gì" hay là "vào lúc ấy", v.v... Nếu lược bỏ những đoạn ấy ra thì số tài liệu còn dùng được chẳng còn lại bao nhiêu.

Các vì Tiên nho, khảo cứu về sanh bình của Mạnh Tử, thì có Trình phúc Tâm với quyển "Mạnh Tử biên niên lược; Đàm trinh Mặc với quyển "Mạnh Tử sự tích đồ phổ"; Nhiêm khải Vận với "Mạnh Tử khảo lược", Tào chi Thăng với "Mạnh Tử niên phổ"; Định Tử Kỳ với "Mạnh Tử biên niên"... Diêm Nhược Cừ với "Mạnh Tử sanh, tốt, niên nguyệt khảo"; Châu quảng Nghiệp với "Mạnh Tử tứ khảo"; Thôi Thuật với "Mạnh Tử sự tích khảo", đây là quyển sách nổi tiếng hơn hết.

Kiến hầu Công cho rằng tài liệu trong quyển Sử ký quá đơn sơ cho nên không dùng theo nguyên văn ấy để khảo sát mà gom góp các thuyết đáng tin cậy của nhiều tác giả để làm tài liệu lược khảo như sau:

Mạnh Tử lược khảo

Mạnh Tử tên Kha, người đất Trâu.

(Theo sách Hán chí, Triệu Kỳ viết: Chưa nghe ai nói tự là gì... Tương truyền gọi là Tử Dư, nhưng không có gì làm chắc.

Triệu Kỳ cũng viết: Mạnh Tử là công tộc nước Lỗ, hậu duệ của Mạnh Tôn, cho nên Mạnh Tử làm quan ở Tề, mẹ mất mà về để tang ở Lỗ.

Con cháu Tam Hoàn suy vi, nên phân tán ra các nước...

Diêm nhược Cừ viết: Mạnh Tử là hậu duệ của Mạnh Tôn, dòng công hầu ở Lỗ, rồi không biết ra đi đến đất Trâu lúc nào mà trở thành người ở Trâu... rồi sau về để tang ở Lỗ.

Khảo sát mộ bia của Mạnh mẫu, chúng ta cũng tìm thêm được một vài tài liệu. Mộ ở phía Bắc Trâu huyện, cách 20 dặm, phía Đông núi Mã Yên Sơn, ở đó không phải là nước Lỗ, chỉ nghi rằng hồi xưa thuộc về nước Lỗ, hiện nay nằm trong vùng Trâu huyện, vì hai nước ở sát bên nhau... Có sách chép mộ Mạnh mẫu ở cách không xa mộ Mạnh Tử, có thể nghi rằng cố lý của Mạnh Tư ûở vùng giáp giới Trâu-Lỗ.)

Ông sanh vào năm thứ tư đời Châu Liệt Vương.

Sách Sử ký, Sách Ẩn viết: Mạnh Tử chết vào năm Châu Noãn Vương năm thứ 26 (Nhâm Thân) thọ 84 tuổi, sách Địch thị biên niên theo thuyết trên và lại ghi thêm sanh vào ngày mùng 2 tháng 4.

Đời Châu Liệt Vương năm thứ tư nhằm năm 372 trước Tây lịch.

Thuở còn nhỏ, ông được nền giáo dục nghĩa phương của mẹ.

(Kinh Dịch viết: Còn nhỏ thì phải dưỡng cái "chánh". Ngạn ngữ cũng có nói: "Dạy con dạy thuở còn thơ", vì mẫu giáo ảnh hưởng đến con cái rất lớn.

Tương truyền Mạnh mẫu là Chưởng thị dạy con có nghĩa phương. Sách Liệt nữ truyện, thiên Mẫu nghi, sách Hàn thi ngoại truyện, có chép chuyện bà dời nhà 3 lần, và cắt đoạn lụa đang dệt để dạy con, cho đến ngày nay vẫn còn truyền làm giai thoại.

Sách Sử ký bổn truyện không có đề cập đến phụ mẫu của Mạnh Tử, nhưng sách Đề từ của Triệu Kỳ có viết: Cha chết sớm.

Mạnh Tử mất cha sớm, rồi sau mất mẹ, trong thiên Lương Huệ Vương sách Mạnh Tử có chép.

Sách Khuyết lý chí của Trần Oa, sách Tứ thơ nhân vật khảo của Tiết ứng Kỳ đều có viết: Mạnh Tử 3 tuổi, mồ côi cha, nhưng lại không biết căn cứ vào đâu.

Sách Địch thị biên niên, lại viết Mạnh mẫu là Lý thị, cha là Khích, tự Công Nghi.

Sách Liệt nữ truyện có chép: Lúc Mạnh mẫu cắt ngang đoạn lụa có nói: "Mẹ dệt mà có ăn. Nếu nửa đường bỏ mà không làm, thì đâu có thể có cho chồng mặc, và đâu có thể có ăn lâu dài". Như thế thì lúc đó phụ thân của Mạnh Tử vẫn còn sống, nhưng vì Mạnh mẫu hiền, dạy con có phương pháp, nên vai trò của người cha bị lu mờ, người đời sau lầm lẫn mà cho là ông mất sớm khi Mạnh Tử còn nhỏ.

Khi ông lớn, thọ nghiệp với môn nhơn của Tử Tư và thành Đại Nho.

Ban đầu ông dạy học, rồi sau đi châu du, rồi sau cùng trở về quê hưởng tuổi già, trọn đời, việc làm rất giống Khổng Tử, ông đến gặp chư hầu, bắt đầu từ Trâu Mục Vương, lúc đó ông được 41 tuổi.

(Từ năm 40 tuổi trở về trước, Mạnh Tử chỉ dạy học, từ năm 40 về sau, đi châu du các nước, và sau 60 tuổi trở về an dưỡng tuổi già, như thế thì ông đi châu du các nước trong thời gian không quá 20 năm).

Ông từ nước Trâu qua Nhiệm, rồi từ Bình lục qua Tề, dưới thời Uy Vương làm quan ở Tề, chưa bao lâu, từ chức mà về quê.

Lúc qua Tống, gặp thế tử Đằng, sau thế tử lên ngôi, là Văn Công, Văn Công rước Mạnh Tử, Mạnh Tử từ Trâu qua Đằng rồi tìm cách bỏ nước Đằng qua Lương, ra mắt Lương Huệ Vương.

Huệ Vương mất, Tương Vương lên ngôi, Mạnh Tử rời nước Lương lại qua Tề. Rồi làm tân sư cho Tuyên Vương.

(Tân sư là lãnh tiền luơng mà không lãnh chức tước. Cho nên trong thiên Công Tôn Sửu, Mạnh Tử đã nói: "Không giữ chức quan thì không có trách nhiệm".

Sung Ngu lại có nói: Làm quan mà không nhận lãnh chức tước. Lúc đó chức Tắc Hạ học sĩ ở Tề rất thạnh, không làm quan chức mà nghị luận về việc chánh, gọi đó là "Liệt Đại phu"Mạnh Tử cũng là một Liệt Đại phu).

Vua nước Yên là Khoái, nhường nước cho tôi là Tử Chi, trong nước loạn, Tề Tuyên Vương phạt Yên, lấy nước. Người Yên nổi lên chống Tề.

Người nước Tề cho rằng Mạnh Tử khuyên vua phạt Yên... Mạnh Tử liền bỏ nước Tề ra đi.

Yên Vương Khoái nhường nước, nhằm năm thứ 5 đời Thận Tịnh Vương, và năm đầu Noãn Vương. Nước Yên nội loạn, Tuyên Vương thừa cơn loạn kéo binh sang đánh, 5 tuần mà lấy nước Yên.

Người Yên nổi lên chống Tề.

Lúc ban đầu, Đại phu nước Tề là Trầm Đồng hỏi Mạnh Tử, nước Yên có thể đánh không? Mạnh Tử đáp: "Được".

Tề đã thắng Yên, Tuyên Vương hỏi: Nước Yên có thể lấy không ? Mạnh Tử đáp: Nếu dân Yên đồng ý thì có thể lấy, còn dân Yên không đồng ý thì không nên.

Tề đã lấy Yên, chư hầu mưu tính việc cứu Yên, Mạnh Tử khuyên Tuyên Vương bàn với người Yên lập vua mới. Đến lúc người Yên nổi lên chống lại, đa số người nước Tề đều đổ lỗi cho Mạnh Tử khuyên Tề đánh Yên, Mạnh Tử liền quyết ý rời bỏ Tề, mà bọn Thuần vu Khôn, Doãn Sĩ lại mỉa mai, nên chỉ có 3 đêm mà ra khỏi đất Hoạch, Tuyên Vương lại không cầm ông lại, nên Mạnh Tử dứt khoát ra về). [Xem thiên Công Tôn Sửu].

Từ đó ông qua nước Tống, nước Tiết, gặp lúc nước Lỗ khiến đệ tử Mạnh Tử là Nhạc chánh Khắc làm việc chánh, Mạnh Tử liền đến nước Lỗ, sau cùng lại bị Tàng Thương là người được vua sủng ái ngăn trở, ông lại trở về nước Trâu và an hưởng tuổi già.

(Khổng Tử mặc áo vải dẫn đệ tử đi châu du liệt quốc lúc cuối thời Xuân Thu, mở ra phong trào đi du thuyết, đến thời Mạnh Tử thì phong trào du thuyết đã thạnh hành.

Mạnh Tử đi châu du rất giống như Khổng Tử, nhưng Khổng Tử thì bị uy hiếp ở Khuôn, bị nguy ở Tống, bị tuyệt lương ở Trần, thường bị mỉa mai, còn Mạnh Tử thì có mấy mươi chiếc xe đi theo hộ tống, kẻ tùy tùng có đến mấy trăm, được chư hầu cung phụng đầy đủ.

Sở dĩ có chỗ khác nhau là vì hoàn cảnh, thời thế không giống nhau. Về chuyện du thuyết của Mạnh Tử, có rất nhiều nhà khảo cứu, nhưng cũng còn nhiều chỗ sai lầm về không gian và thời gian).

Năm Châu Noãn Vương thứ 26 ông mất, thọ 84 tuổi.

(Trong Sử Ký, sách Ẩn có ghi năm sanh và năm mất của Mạnh Tử. Trong Địch thị biên niên ghi Mạnh Tử mất vào ngày rằm tháng giêng.

Trong Niên Phổ của Tào chi Thăng, căn cứ theo cổ bia viết: Mạnh Tử mất vào ngày Đông chí. Người nước Trâu vì khóc Mạnh Tử mà bỏ lễ Đông chí, nhơn đó mà thành tục luôn. Vì nghi ngày Đông chí ấy không phải ở tháng Giêng nên đổi lại là ngày 15 tháng 11, v.v...

Theo lịch của nhà Châu thì tháng Giêng là tháng 11 của năm trước theo lịch nhà Hạ. Như thế, Đông chí tức là ở giữa tháng 11 của lịch nhà Hạ, nhưng tóm lại, Mạnh Tử mất vào ngày nào, tháng nào, năm nào, chỉ là truyền thuyết mà không có bằng chứng gì chắc chắn cả.

Mộ của Mạnh Tử hiện nay ở tỉnh Sơn đông, huyện Trâu, phía Bắc, cách 30 dặm, mộ nằm ở phía Đông núi Tứ Cơ sơn.

Dưới thời nhà Tống, Khổng đạo Phủ thú Đái Châu, tìm gặp mộ, liền sửa sang lại và cất miếu thờ, rồi Tôn Phục có làm bài ký về việc ấy.

Sách Mạnh Tử Tứ khảo của Châu quảng Mục có viết phía Bắc Đường khẩu sơn có mộ của Mạnh Tử, tức là mộ nầy.

Sách Sơn đông tỉnh chí có viết: Cố lý của Mạnh Tử ở Trâu huyện, hiện là Bác thôn, ở phía Bắc 30 dặm, trước nhà có Mạnh mẫu từ, như thế thì mộ ở cách ngôi nhà xưa không bao xa.

Hiện nay ở phía Nam Trâu huyện có Mạnh Tử miếu, là do huyện lịnh Châu Nhạc dưới thời Tống Huy Tôn, đời Tuyên Hòa dựng lên (1125 T.L.)

Sách Tục Văn hiến thông khảo chép: Vợ Mạnh Tử là Điền thị, con tên là Trạch. Sách Tam thiên chí viết: Con Mạnh Tử tên là Trọng Tử. Mạnh Tử niên phổ viết: Mạnh Trọng Tử tên là Trạch.

Con cháu của Khổng Tử, trong thiên Khổng Tử thế gia sách Sử ký ghi rất rõ, còn con cháu của Mạnh Tử không thấy có tài liệu nào ghi chép cả). Mạnh Tử đã mất, bọn đệ tử là Vạn Chương, Công Tôn Sửu liền biên thuật những lời nói của ông, gom lại thành bộ Mạnh Tử 7 thiên.

(Sách Hán chí, phần Nho gia, có ghi Mạnh Tử gồm 11 thiên. Triệu Kỳ, trong chú bổn của ông lại có 7 thiên, giống với bổn Mạnh Tử ngày nay.

Theo Sử ký bổn truyện và Triệu Kỳ đề từ, thì dường như 7 thiên ấy là do Mạnh Tử viết ra, nhưng thật là chỉ do đệ tử ghi chép lại mà thôi, trong phần sau, khi lược khảo về các tác phẩm, sẽ có những chứng cớ tường tận hơn.

Từ sau khi đệ tử Khổng Tử biên tập bộ Luận Ngữ, đệ tử của Mặc Tử biên tập lời nói của thầy để thành bộ Mặc Tử, cho đến đời Mạnh Tử thì thành thói quen.

Về đệ tử của Khổng Tử, thì sách Sử ký có ghi, còn đệ tử Mạnh Tử thì không thấy tài liệu nào ghi chép cả.

Trong sách nầy ghi tên những người ấy, hoặc có tên họ đủ, như Vạn Chương, Công Tôn Sửu, hay chỉ gọi là "Tử" như Nhạc Chánh Tử, Công Đô Tử, có khi cũng ghi là Trần Trăng hay là Trần Tử. Ngoài ra như Tào Giao, Cao Tử hay Cao Tẩu, Cao Tử là người đồng thời và lớn tuổi hơn, tất cả những người nầy đều không phải là đệ tử của Mạnh Tử.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt