Triết học Đông phương

[Sách] Lão Tử

BÁCH GIA CHƯ TỬ

 

[SÁCH] LÃO TỬ

 

TRẦN VĂN HẢI MINH

 


Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.


 

 

Sách của phái Đạo gia, pho Lão Tử* là nổi tiếng hơn hết. Tương truyền pho Lão Tử, là lúc Lão Tử vào nước Tần, khi qua cửa ải viết cho Quan Doãn 5 ngàn lời.

Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự Đam, làm quan Thủ tàng thất sử cho nhà Châu, Khổng Tử qua nhà Châu xem sách, thường hỏi Lễ với ông.

"Lão Tử"

(Mã Vương Đôi bạch thư)

Nguồn: wikipedia

Lão Tử thường nêu mẫu mực cho Khổng Tử và Khổng Tử cũng thường khen Lão Tử. Sách Sử ký, phần Lão Tử truyện và Khổng Tử Thế Gia đều có ghi việc ấy.

Theo các chứng cớ ấy thì dường như Lão Tử và Khổng Tử đồng thời, mà tuổi đời và đức của Lão Tử cao hơn Khổng Tử, như thế thì quyển Lão Tử phải ra đời trước quyển Luận Ngữ rất lâu... và mở đầu cho phong trào sáng tác tư nhân, và là người khai tổ cho Chư Tử.

Nhưng Lão Tử chỉ là một tên gọi chung, và quyển Lão Tử được mọi người thích đọc chỉ là tác phẩm của một nhân vật truyền thuyết mà không phải là của Lão Lai Tử, của Thái sử Chiêm nhà Châu, hay là của Lý Nhĩ như phần trên đã nói.

Về quyển Lão Tử thì không phải do Lão Tử viết mà do người thời Chiến Quốc gom góp những lời truyền tụng của phái Đạo gia, rồi cũng có trích ở các sách khác, góp lại mà thành.

Quyển sách ấy ra đời sau pho Luận Ngữ rất xa, sau đây là phần lược khảo về pho Lão Tử.

*

Trong Hán Chí, phần Chư Tử lược, về phái Đạo gia, thì có quyển Lão Tử, có 4 quyển khác nhau:

1. Quyển Lão Tử Lân thị kinh truyện, 4 thiên, với lời chú: "Ông họ Lý, tên Nhĩ, Lân thị truyền học thuyết của ông".

2. Quyển Lão Tử Phó thị kinh thuyết, 37 thiên, với lời chú: "Thuật học thuyết của Lão Tử, v.v...".

3. Quyển Lão Tử Từ thị kinh thuyết, 6 thiên, với lời chú: Tự Thiếu Quí, người đất Lâm Hoài, truyền học thuyết Lão Tử.

4. Quyển "Thuyết Lão Tử" của Lưu Hướng, 4 thiên.

Bốn quyển kể trên đều là bổn chú của Lão Tử, với những câu: "Kinh truyền..." hay "Kinh thuyết rằng ..." là vì trong thời kỳ đầu Tây Hán, Hoàng Lão rất được sùng thượng, suy tôn quyển Lão Tử là "Kinh"... cho nên gọi quyển Lão Tử là "Kinh"... để truyền thuật học thuyết.

Sách của Lưu Hướng, sở dĩ không viết "Lão Tử nói..." là vì Lưu Hướng gốc là người phái Nho, mà lại nói về thuyết Lão Tử, thì có khác với các họ Lân, Phó và Từ đã kể trên.

Ngày nay, còn được quyển Lão Tử 81 chương, phân làm 2 thiên thượng, hạ. Thượng thiên 37 chương, gọi là Đạo Kinh. Hạ thiên 44 chương gọi là Đức Kinh. Hợp chung gọi là Đạo Đức kinh.

Đạo Tòng bản có quyển Đạo Đức chú tập giải của Đổng Tư Tịnh đời Tống, trong lời tựa có viết: Lưu Hướng định ra 2 thiên 81 chương, như thế thì khi Lưu Hướng hiệu đính đã phân ra thượng, hạ kinh, nhưng số chương trong các thiên lại không giống với bổn ngày nay.

Lại có quyển Hỗn Ngươn thánh kỷ của Tạ Thủ Hạo đời Tống dẫn lời quyển Thất lược viết: "Lưu Hướng hiệu đính sách Lão Tử 2 thiên, sách Thái sử 1 thiên, và riêng sách của ông 2 thiên, tất cả 5 thiên, 143 chương, trừ những chỗ trùng 3 thiên gồm 62 chương, định ra làm 2 thiên và 81 chương: Thượng kinh đệ nhứt 37 chương, Hạ kinh đệ nhị 44 chương".

Như vậy Thượng, Hạ kinh và chương số giống với bổn còn hiện nay.

*

Sách Lão Tử, Thượng thiên, câu đầu viết: "Đạo khả đạo, phi thường đạo" và câu đầu Hạ thiên là: "Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức". Trong Đạo Đức kinh, dường như lấy chữ đầu trong 2 câu đầu 2 thiên để làm tên, như thế là tiêu đề không có nghĩa, vì chỉ dùng những chữ đầu trong các thiên ghép lại chớ không nêu nội dung quyển sách.

Trong sách Sử ký, phần Bổn truyện chép: Lão Tử viết sách gồm Thượng, Hạ thiên, nói cái ý của Đạo, Đức" vì thế quyển sách mới gọi là Đạo Đức kinh, đó là cái ý của toàn thể quyển sách chớ không phải vì tên của 2 thiên đầu mà đặt ra.

Sách Tùy Chí có viết: "Vương Bật chú Đạo Đức kinh 2 quyển. Triệu dĩ Đạo, trong lời bạt của quyển sách Vương Bật có viết: "Bật đề tên quyển sách là Đạo Đức kinh..." như thế thì Vương Bật đã đề tên cho quyển sách.

Nhưng Vương Bật không đề tên 2 thiên là Đạo kinh và Đức kinh. Trong phần Lão Tử thích văn của quyển kinh điển thích văn Lục thị đã ghi là căn cứ theo bổn của Vương Bật, và trong quyển sách đã phân ra Đạo kinh và Đức kinh. Nhưng trong quyển sách, quyển thượng lại có tên là Âm nghĩa, với chữ đầu Đạo đức... rồi giải thích...

Nếu đã phân thiên, thì phần Âm nghĩa ấy chỉ phải giải thích có chữ Đạo thôi.

Do đó, tuy Vương Bật đã đề toàn bộ quyển sách là Đạo Đức kinh, nhưng thật ra chưa phân ra 2 thiên Đạo kinh và Đức kinh, tóm lại, sở dĩ quyển sách có tên là Đạo Đức kinh là vì quyển sách nói cái ý Đạo Đức.

Đạo Đức là ý chính yếu của học phái Lão Tử, cho nên phái ấy cũng gọi là Đạo Đức gia, mà quyển sách của Lão Tử lại may mắn có 2 thiên, nên có kẻ mới phân đề ra làm Đạo kinh và Đức kinh, chớ không phải lúc ban đầu đã có phân đề rồi sau mới hợp lại thành Đạo Đức kinh.

*

Các sách của Chư Tử, lúc ban đầu, đa số đều không phải do chính tay người ấy viết ra. Sách Lão Tử là do người thời Chiến Quốc gom góp lại mà thành. Bằng chứng về lời nhận xét nầy có tất cả 6 điểm.

1. Luận Ngữ là do hậu học của Khổng Tử biên soạn, mỗi người đều có ghi riêng lời nói của thầy, và đến cuối đời Xuân Thu gom lại mà soạn.

Lúc đầu thời Chiến Quốc, văn chương còn đơn giản chất phác, những chương không liền nhau. Văn trong quyển Lão Tử cũng đơn sơ chất phác, mỗi đoạn lại không liền nhau, giống như sách Luận Ngữ, nhưng Luận Ngữ thì viết theo thể văn ký ngôn, cho nên mỗi chương đều ghi tên người phát ngôn, còn sách Lão Tử thì chỉ là những đoạn cách ngôn, không phải thể văn ký ngôn, khác hẳn với Luận Ngữ. Đó là bằng chứng thứ nhứt.

2. Trong sách Luận Ngữ, chưa bao giờ có đề cập đến Lão Tử, Khổng Tử đã từng đến thọ giáo, hỏi về việc Lễ, với tinh thần khâm phục, tại sao lúc bình thường lại không nhắc đến Lão Tử một câu nào cả?

Trong các sách Mặc TửMạnh Tử, cũng có những lời phê phán Lão Tử, trong sách Lão Tử cũng có những luận điệu phản đối Nho, Mặc, như thế là quyển Lão Tử đã viết sau các quyển Luận Ngữ, Mặc Tử Mạnh Tử.

Đó là bằng chứng thứ 2.

3. Sách Luận Ngữ không phải do một người biên soạn, cho nên thỉnh thoảng có những đoạn trùng nhau, trong quyển Lão Tử, những đoạn trùng lại càng nhiều hơn, như thế là không phải do một mình Lão Tử viết, không phải viết ra trong lúc ông đi ngang qua cửa ải.

Đó là bằng chứng thứ 3.

4. Toàn bộ sách Luận Ngữ không có vần, trong Mạnh Tử tuy thỉnh thoảng có những đoạn vần, nhưng rất ít, nhưng trong sách Lão Tử thì lại rất nhiều, khác hẳn với sách Luận NgữMạnh Tử.

Thiên Hồng Phạm trong kinh Thơ, các thiên Văn Ngôn, Hệ Từ trong kinh Dịch, những câu vần cũng rất nhiều, loại văn xuôi nghị luận mà xen có vần như trong sách Lão Tử không phải là loại văn của thời xưa, đây là bằng chứng thứ 4 rất dễ nhận.

5. Chương thứ 38 sách Lão Tử có viết: "Cho nên mất đạo mà sau đức, mất đức mà sau nhơn, mất nhơn mà sau nghĩa, mất nghĩa mà sau lễ... và lễ là cái bạc của trung tín, và cũng là mối đầu của loạn" và "người biết trước là cái văn vẽ bên ngoài của đạo và cũng là cái bắt đầu của điều ngu...".

Lập luận nầy rất đúng với sự diễn biến của đạo đức dưới thời Chiến Quốc qua các học phái của Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, nếu Lão Tử là người của thời Xuân Thu thì làm sao có được lập luận như thế ?

Đó là bằng chứng thứ 5.

6. Những câu trong Lão Tử, thấy rất nhiều trong sách Trang Tử, và cũng có những câu của Pháp gia, Binh gia, Tung Hoàng gia, rõ ràng đây là một pho sách gom góp.

Đó là bằng chứng thứ 6.

*

Căn cứ theo 6 bằng chứng kể trên, chúng ta có thể quả quyết rằng pho Lão Tử không phải do một người viết trong một thời gian nào đó, mà do một số người trong thời Chiến Quốc gom góp những câu hay truyền tụng trong phái Đạo gia [vì những câu có vần trong pho sách là những câu như cách ngôn dễ nhớ, dễ đọc, dễ truyền tụng trong dân chúng], rồi cũng có những câu hay trích lục từ trong các sách khác, rồi gán cho Lão Tử.

Dưới thời Hán sơn, vua chúa, hoàng hậu và đại thần rất say mê quyển Lão Tử vì thế mới tôn là "Kinh" rồi học giả lại a dua theo biến quyển sách thành tác phẩm của Chư Tử và được tôn lên hàng đầu.

*

Bổn chú của Lão Tử, bổn xưa nhứt, bây giờ còn là quyển Lão Tử chú của Hà thượng Công. Sách Tùy chí có viết : "Lão Tử Đạo Đức Kinh 2 quyển, dưới thời Hán văn Đế, Hà thượng Công chú ...".

Sách Sử ký, phần Nhạc nghị truyện có viết: "Nhạc thần chuyên tâm học Hoàng Đế, Lão Tử, Bổn sư là Hà thượng trượng nhơn nhưng không biết ông là người từ đâu đến... Hà thượng trượng nhơn dạy An kỳ Sanh, An kỳ Sanh dạy Mao hấp Ông, Mao hấp Ông dạy Nhạc hà Công, Nhạc hà Công dạy Nhạc thần Công, Nhạc thần, Công dạy Cái Sanh, Cái Sanh dạy Cao mật Tây, Cao mật Tây làm quốc sư cho Tào tướng".

Tào tướng quốc là Tào Tham, dường như từ Hà thượng trượng nhơn đến Tào Tham, việc truyền thọ rất phân minh, bảy lần truyền mà đến đời Hán sơ, như thế thì Hà thượng trượng nhơn là người thời Chiến Quốc.

Kinh điển Thích văn tự lục có viết: "Hà thượng Công viết sách Chương cú 4 quyển, vua Văn Đế triệu, không đến, Văn Đế liền đến trách ông. Hà thượng Công liền nhảy lên không trung, Văn Đế nghiêm chỉnh tạ lỗi, ông liền trao cho Văn Đế quyển Lão Tử chương cú gồm 4 quyển.

Sách Thuyết văn đã dẫn lời trong quyển Lão Tử tự quyết, và Lão Tử tự quyết chép ở Đạo Tòng Bản, Đạo Đức chơn kinh tứ gia tập chú, tương truyền quyển nầy do Cát Hồng hay Cát Huyền soạn, cho nên chuyện thần thoại Hà thượng Công hợp với truyện thần tiên của Cát Hồng...

Hà thượng trượng nhơn dưới thời Chiến Quốc, tức là Hà thượng Công thời Hán Văn Đế. Trong sách Tùy chí có nói đến quyển Lão Tử chú, tức là bản Lão Tử còn đến ngày nay, và nếu như Hà thượng Công đã trao cho Văn Đế bản Lão Tử chú ấy, thì tự nhiên ông phải cất giữ kỹ trong cung cấm, tại sao lúc Lưu Hướng hiệu đính các sách cho vua lại không có quyển sách ấy? Và luôn cả sách Thất lược, Hán Chí cũng không thấy ghi vào? Hơn nữa sự tích và hành động của Hà thượng Công lại quá lờ mờ, không có gì rõ rệt, rõ ràng, đó chỉ là lời thêu dệt của bọn phương sĩ mà thôi.

Vì thế mà Lưu Tri Cơ sau nầy chỉ đề cập đến quyển Lão Tử với lời chú của Vương Bật, chớ hề nhắc đến quyển chú của Hà thượng Công.

Trong Thích Văn tự lục mặc dù đã ghi chuyện Hà thượng Công, nhưng đến phần Lão Tử thích văn cũng chỉ căn cứ đến quyển chú của Vương Bật mà thôi.

*

Về chú bổn quyển Lão Tử, chỉ có quyển của Vương Bật là đáng chú ý hơn hết. Vương Bật là người nước Ngụy, rất giỏi về truyền ngôn, lại tinh thông Dịch lý, cho nên có thể bài bác những lời hoang đường của bọn phương sĩ tìm hiểu được chỗ tinh vi, huyền diệu của pho Lão Tử.

Sách Lưu Đường chí có ghi quyển Huyền ngôn tân kỷ đạo đức 2 quyển, đó chỉ là tập chú Đạo Đức kinh của Vương Bật.

Sách Tân Đường chí lại cho rằng đó là quyển sách do Vương Túc soạn chớ không phải quyển chú của Vương Bật.

Dưới thời nhà Minh có Tiêu Hoằng viết quyển Lão Tử dực, tập trung tất cả tài liệu của Hàn Phi trong các thiên Giải Lão, Dụ Lão cho đến các tập chú Lão Tử khác, cọng tất cả tài liệu của 64 người.

Quyển nầy tài liệu tham khảo rộng rãi, đầy đủ, việc lựa chọn cũng chính xác, tinh vi, phương pháp biên soạn phỏng theo Lý Đảnh Tộ trong Châu Dịch tường giải, nên đây là một quyển đáng chú ý.

Ngoài ra cũng còn quyển Lão Tử thuyết lược của Trương Nhĩ Kỳ đời Thanh, Nhĩ Kỳ là người chuyên môn về cổ học rất đáng tin cậy, kế đó là quyển Lão Tử của Mã Di Sơ... tiếp theo lại còn rất nhiều bản chú khác không sao kể cho hết được.

 



* In nghiêng tên các tác phẩm do triethoc.edu.vn thực hiện.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt