Triết học Đông phương

Sách Trang Tử

BÁCH GIA CHƯ TỬ

 

SÁCH TRANG TỬ

 

TRẦN VĂN HẢI MINH

 


Thảo Đường cư sĩ Trần Văn Hải Minh. Bách gia chư tử. Các môn phái triết dưới thời Xuân thu Chiến quốc. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp. Hồ Chí Minh, 1991.


 
 

Dưới thời nhà Hán, nói đến Đạo gia là đề cập đến Hoàng Lão mà không nói đến Lão Trang. Đối với quyển Lão Tử, sách Hán Chí cho là "Kinh", còn sách Trang Tử thì không được trích lục những chú bổn, là vì lúc đó Trang Tử chưa được các học giả tôn trọng.

Học thuyết của Trang Tử được trọng là bắt đầu từ thời Ngụy, Tấn và được sắp chung với kinh Dịch và Lão Tử, gọi là "Tam huyền" và cũng từ đó mới được gọi chung là Lão Trang.

Trang Tử được tôn lên làm "Kinh" là bắt đầu từ thời Đường Huyền Tôn, sách Tân Đường Chí có viết: "Đầu năm Thiên Bảo, hạ chiếu gọi quyển Trang Tử là Nam Hoa chơn kinh".

Trong quyển "Viên Thuần Đường bút ký" của Diêu Phạm có viết: Tên Nam Hoa không hiểu xuất phát từ đâu...

Sách Tùy Chí có nhắc đến các quyển Nam Hoa Luận, Nam Hoa Luận Âm của Lương Khoáng... và gọi Trang Tử là Nam Hoa chơn nhơn, quyển Trang Tử là Nam Hoa chơn kinh, từ đời Đường Khai Nguyên năm thứ 25, như thế thì tên Nam Hoa, trước đời nhà Đường đã có rồi.

Đường Huyền Tôn tôn sùng Trang Tử với một lý do không đâu, và sách Trang Tử liền thành một quyển sách quan trọng trong phái Đạo gia, giá trị còn hơn quyển Lão Tử.

Sau đây, xin lược khảo về quyển Trang Tử :

Trong Hán Chí, phần Chư Tử lược, phái Đạo gia, có quyển Trang Tử 52 thiên, nhưng quyển Trang Tử ngày nay có 33 thiên, so với Hán Chí thì ít hơn 19 thiên, như thế thì quyển sách còn ngày nay là bổn đã bị mất mát.

33 thiên trong sách Trang Tử kể ra như sau:

Nội thiên gồm 7 thiên: Tiêu diêu Du, Tề vật Luận, Dưỡng sanh Chủ, Nhơn gian Thế, Đức sung Phù, Đại tôn Sư, Ứng đế Vương.

Ngoại thiên gồm 15 thiên: Biền Mẫu, Mã Đề, Khư Kịp, Tại Hựu, Thiên địa, Thiên đạo, Thiên vận, Khắc ý, Thiện tánh, Thu thủy, Chí lạc, Đạt sanh, Sơn Mộc, Điền tử Phương, Tư Bắc Du.

Tạp thiên gồm 11 thiên: Canh tang Sở, Từ vô Quỉ, Đạo Chích, Thuyết kiếm, Ngư phù, Liệt ngự khấu, Thiên hạ.

Trong Nội thiên, các thiên đều có tiêu đề có nghĩa, còn trong Ngoại thiên và Tạp thiên, thì dường như hầu hết các tiêu đề đều không có ý nghĩa.

Về 19 thiên bị mất, thì không rõ mất vào lúc nào, theo sách Kinh điển thích văn tự lục có ghi, thì dưới thời Tấn, có 5 nhà chú thích quyển Trang Tử, nhưng số thiên của mỗi quyển lại nhiều ít khác nhau.

Sau đây là mấy quyển ấy:

1. Bản chú của Tư Mã Bưu 21 quyển, 52 thiên, Nội thiên gồm 7 thiên, Ngoại thiên 28 thiên, Tạp thiên 14 thiên, Giải Thuyết 3 thiên, nhưng sách đã bị mất.

2. Bản chú của Mạnh Thị 18 quyển, 52 thiên, không biết có chia làm Nội, Ngoại, Tạp thiên hay không, sách Thích văn không có ghi. Bản nầy cũng bị mất.

3. Bản chú của Thôi Soạn, 10 quyển, 27 thiên, Nội thiên 7 thiên và Ngoại thiên 20 thiên.

Quyển nầy đã mất.

4. Bản chú của Quách Tượng: 33 quyển, 33 thiên, Nội thiên 7 thiên, Ngoại thiên 15 thiên, Tạp thiên 11 thiên, Âm: 1.

Bản nầy hiện nay còn nhưng sửa lại làm 10 quyển.

Trên đây là bản chú của 5 người, 2 bản của Tư Mã và Mạnh Thị thì số thiên đồng với Hán Chí. Ba bản của Thôi, Hướng, Quách thì số thiên lại ít hơn.

Xét ra, cũng đồng một thời nhà Tấn tại sao lại có bản bị mất đi đến một phần ba số thiên? Hai bản chú của Thôi và Hướng đã bị mất, nhưng tìm hiểu kỹ bản của họ Quách hiện nay còn, so sánh với bản khác, thì dưới thời nhà Tấn, các nhà chú thích có cắt xén và gom lại nên mới còn ít thiên.

Sách Thích văn tự lục có viết: Trang Tử tài rộng, dạy đời lời nói thâm thúy, thú vị, nói ngay mà như ngược, cho nên khó có ai thông được... người đời sau thêm bớt làm cho mất lần lần cái chân chính của ông, cho nên Quách Tử Huyền có nói: "Có những người đa sự thêm bớt, làm cho có những thiên bị mất bản sắc cũ đến 3 phần 10".

Sách Hán thơ Nghệ văn chí, ghi quyển Trang Tử 52 thiên, tức là bản chú của Tư Mã Bưu và Mạnh Thị. Lời chú của ông hoang đường, hoặc giống như Sơn Hải Kinh, hoặc giống như sách bói, mộng...

Chỉ có bản chú của Tử Huyền và Quách Tượng chiếm đến 3 phần 10 quyển sách, chỗ nào nghi ngờ là do kẻ đời sau thêm vào, không đúng với ý của Trang Tử, là Quách Tượng cắt bỏ để giữ cho đúng ý, y như sách Triệu Kỳ đã chú sách Mạnh Tử, cắt bỏ 4 thiên ngoại thơ, thành ra bị mất luôn.

Sách Bắc Tề thơ, phần Đỗ Bật truyện, có viết : Bật đã từng chú thích thiên Huệ Thi sách Trang Tử. Có lẽ bổn Trang Tử ngày nay nửa phần sau từ chỗ "Huệ Thi đa phương" trở về sau, trước kia là 1 thiên riêng, mà những nhà chú thích gom lại thành 1 thiên vì thế mới có thuyết là quyển Trang Tử ngày nay ít thiên hơn là do lý do ấy.

Những đoạn bị mất trong sách Trang Tử, có chỗ còn thấy trong sách Liệt Tử và Hoài Nam Tử, tuy chưa tìm hiểu được những đoạn ấy thuộc về thiên nào, nhưng biết chắc đó là những đoạn bị các nhà chú thích bỏ bớt.

Nội thiên sách Trang Tử, các bản chú thích đều giống nhau là 7 thiên, như thế là các đoạn cắt bỏ thuộc về Ngoại thiên và Tạp thiên.

Nhưng trong phần Nội thiên cũng có những chỗ bị cắt xén hay thay đổi vị trí, quyển Trang Tử ngày nay còn chẳng những số thiên đã ít mà các câu có nhiều đoạn cũng khác với bản cũ.

Vì thế, chúng ta có thể suy đoán, trong số 52 thiên của sách Trang Tử trước kia, nội dung rất bao la, tạp nhạp, và sách ấy không phải do chính Trang Tử viết, mà chỉ do những người hậu học Trang Tử biên soạn, gom góp và việc biên soạn cũng không phải trong một thời gian nhứt định, một lần mà xong, có nhiều người, nhiều lần đã viết thêm vô.

Bản Trang Tử 33 thiên còn lại ngày nay tự nhiên là đã mất mát rất nhiều, và đại bộ phận đã được các nhà chú thích Thôi Soạn, Hưóng Tú, Quách Tượng thêm bớt sửa chữa nhiều lần.

Năm bản chú thích của đời Tấn đã kể trên, bây giờ chỉ còn có một bổn của Quách Tượng, như thế thì "chân diện mục" trước kia của pho Trang Tử như thế nào, chúng ta không có cách gì để biết được cả.

*

Bản chú thích sách Trang Tử còn cho đến ngày nay, bản của Quách Tượng là xưa hơn hết. Bản Quách Tượng tương truyền là đã cóp theo bản Trang Tử của Hướng Tú.

Vụ án đạo văn nầy bắt dầu từ thiên Văn học trong pho Thế thuyết tân ngữ.

Trong thiên Văn học của pho sách trên có chép Hướng Tú chú thích pho Trang Tử chỉ đến 2 thiên Thu Thủy và Chí Lạc, nhưng chưa xong là qua đời.

Phía dưới lại viết tiếp: "Con của Hướng Tú còn nhỏ nhưng lại giữ được 1 bổn chú của cha. Quách Tượng là người kém hạnh thấy bản chú của Hướng Tú chưa lưu hành, liền lấy làm của mình, còn những thiên khác Hướng Tú chưa chú thích thì Quách Tượng chỉ định văn và chấm câu mà thôi.

Sau đó quyển chú của Hướng Tú được lưu hành, cho nên ngày nay có 2 bản của Hướng Tú và Quách Tượng, tuy là 2 bản, nhưng lại giống nhau.

Sách Tấn thơ trích Quách Tượng truyện, và Tiền Tăng trong quyển "Đọc thơ mẫn cầu ký" có viết: "Tôi đọc sách Thích văn của họ Lục, có dẫn lời chú của Hướng Tú nhiều chỗ, như thế là Hướng Tú có một quyển chú Trang Tử lưu hành, thời đại cách nhau quá xa, lời nói truyền nhau có khi bị sai lạc, những lời trong sách Tấn thơ đã nói, cũng chưa chắc là đúng...".

Đó là những lời biện bạch, minh oan cho Quách Tượng.

Trong phần Thơ mục đề yếu của sách Tứ Khố Toàn Thơ có viết: "Về bản chú của Hướng Tú, Trần Chấn Tôn cho biết đến đời nhà Tống đã bị mất, nhưng còn thấy rải rác những đoạn trong sách Thích Văn của họ Lục. Đem những đoạn ấy so sánh, như câu " Hữu bồng chi tâm " trong thiên Tiêu diêu Du... thì thấy 2 bản đều khác nhau, như câu: "Thánh nhơn bất tử, đại đạo bất chỉ" trong thiên Khư Kịp, hai bên cũng không giống... ngoài ra cũng còn nhiều đoạn không giống nhau.

Trương Trạm trong bản Liệt Tử chú, có những đoạn giống Trang Tử, và cũng có dẫn lời của Hướng Tú và Quách tượng v.v...

Theo sách Thế Thuyết Tân Ngữ thì Hướng Tú chú 2 thiên Thu Thủy và Chí Lạc mà chưa xong rồi chết, nếu Quách Tượng có "cóp" theo thì cũng chỉ một đoạn ngắn ấy thôi, chớ không phải toàn bộ quyển sách.

Tiêu Hoằng cũng có pho Trang Tử dực, cũng gom góp những lời chú của người trước, từ Quách Tượng trở đi, tổng cộng có lối 22 người, có thể nói đây là pho tập chú rộng rãi và đầy đủ. Rồi phần sau lại thêm phần Trang Tử khuyết ngộ gom góp những chỗ sai biệt từ pho Nam Hoa kinh giải của Lục Cảnh Ngươn đời Tống đến các tài liệu trong Sử ký, sách Trang Tử luận của Nguyễn Tịch, Vương An Thạch, sách Trang Tử từ đường ký của Tô Thức v.v... tóm lại, hầu hết sách của các học giả về Trang Tử, ông đều có đọc và trích lục đầy đủ.

Về những pho Trang Tử chú bổn, dưới đời Thanh có pho Trang Tử tập giải của Quách Khánh Phiên, chú thích rõ ràng, bản Trang Tử tập giải của Vương Tiên Khiêm rất giản dị dễ đọc, bản Trang Tử nghĩa chứng của Mã Di Sơ vừa rộng mà lại vừa dễ tóm lược, bản của Mã Di Sơ gồm được những sở trường của Quách Khánh Phiên và Vương Tiên Khiêm, rất đáng cho đọc giả chú ý.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt