Triết học Đông phương

Sự học-tập của Vương Dương-Minh

VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

SỰ HỌC-TẬP CỦA VƯƠNG DƯƠNG-MINH

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Vương Dương Minh. Nxb. Tân Việt. 1960. | Phiên bản điện tử: tusachtiengviet.com


 

 

Khi Dương-minh mới 17 tuổi, đến Giang-tây cưới vợ rồi lúc trở về đi thuyền qua huyện Quảng-tín có lên bái-yết Lâu Nhất-trai 尞一齋, nghe cái học cách vật của Tống nho. Nhất-trai nói rằng : « Người ta có thể học đến làm thánh-nhân được ». Ông rất lấy làm khế-hợp. Từ đó ông về lấy sách của Chu Hối-am ra học. Một hôm ông nghĩ rằng : tiên-nho bảo mọi vật có trong ngoài và tinh thô, một cỏ một cây đều có đủ cái lý. Ông lấy cây trúc chẻ ra xem, nghĩ mãi không thấy cái lý, lấy làm buồn-bực, đến nỗi thành bệnh. Ông tự an-ủy rằng làm bậc thánh-hiền là phải có phận, bèn theo đời mà học từ-chương.

Sau khi ông đỗ hương-thi, ông vào thi hội không đỗ, về nghĩ-ngợi, cho sự học từ-chương không đủ làm cho mình suốt đến đạo được. Năm 27 tuổi, một hôm ông đọc bài sớ của Chu Hối-am dâng cho vua Quang-tông nhà Tống có nói rằng : « Phải lấy sự cư-kính và trì chí làm cái gốc của sự đọc sách, phải lấy sự theo tuần-tự cho đến chỗ tinh-vi làm cái phép của sự đọc sách. » Ông mới hối rằng : « Khi trước ta dùng sức tuy cần mà chưa tầng theo tuần-tự để đến chỗ tinh-vi, cho nên không có cái sở-đắc ». Từ đó ông cứ tuần-tự mà nghĩ-ngợi, song càng nghĩ càng thấy vật-lý và tâm của mình như là chia ra làm hai vậy, trong bụng vẫn bàng-hoàng không biết tự xử ra làm sao, rồi trầm-uất và bệnh cũ lại phát ra. Thấy thế, ông lại càng tin là làm thánh-hiền phải có phận. Chợt nghe có kẻ đạo-sĩ bàn cái thuật dưỡng sinh, ông bèn nghĩ bỏ đời vào núi ở.

Năm 28 tuổi, ông thi đỗ đệ-nhị giáp tiến-sĩ, rồi ra làm quan, mà vẫn vơ-vẩn nghĩ đến sự xuất gia. Một hôm rảnh việc quan, đi đến chơi ở núi Cửu-hoa, ở đó có người đạo-sĩ tên là Sài-bồng-đầu hay bàn việc tu tiên. Ông đến yết-kiến mà bàn đạo. Sau lại nghe ở động Địa-tạng có một dị-nhân thường ngồi nằm ở dưới gốc cây thông, không dùng hỏa thực, ông không ngại đường hiểm-trở, đi tìm đến nơi để bàn đạo. Sau ông trở về kinh gặp những bạn cũ, ai nấy đều lấy tài-danh trì sính ở chỗ cổ-học văn-thi. Ông than rằng : « Ta sao nỡ đem cái tinh-thần có hạn làm cái hư-văn vô dụng ». Ông bèn cáo bệnh xin về đất Việt, làm nhà ở trong động Dương-minh, học cái thuyết đạo dẫn của Đạo-gia.

Ông học cái thuật đạo dẫn ấy đã giỏi. Một hôm có mấy người bạn đến chơi, ông biết trước, cho người đi đón, nói rõ lai-lịch. Ai nấy đều kinh-dị, tưởng là ông đã đắc đạo. Được ít lâu, ông nghĩ lại mà hối rằng : « Cái thuật ấy không phải là chính đạo, không đủ học ». Rồi ông bỏ thuật ấy và muốn lìa nhà trốn đi nơi xa, nhưng lại nghĩ nhà còn tổ mẫu và còn cha, thành ra lần-lữa chưa quyết-định. Sau ông hối-ngộ rằng : « Cái bụng yêu đấng thân-sinh ra từ lúc thơ-bé, cái bụng ấy mà bỏ đi, thì không khác gì đoạn tuyệt cái chủng-tính của mình ». Ông lại có ý ra ứng-dụng ở đời.

Năm sau ông đi chơi ở vùng sông Tiền-đường và Tây-hồ xem các chùa-chiền. Ở đó có một hòa-thượng ngồi tọa-thiền ba năm không nói, không trông. Ông đến chơi và nói rằng : « Vị hòa-thượng kia cả ngày miệng nói cái gì, mắt trông cái gì ? ». Vị hòa-thượng mở mắt ra ngồi nói chuyện. Ông hỏi : « ở nhà còn có ai nữa không ? » Hòa-thượng thưa rằng : « còn có mẹ ». Ông hỏi : « thế có nghĩ đến không ? » Thưa rằng : « không thể không nghĩ đến được ». Ông bèn cùng ngồi giảng cái đạo yêu kẻ thân, hòa-thượng phải dỏ nước mắt ra. Hôm sau ông đến hỏi, thì người hòa-thượng ấy đã trở về nhà rồi.

Năm 34 tuổi ông lại vào kinh làm quan, có nhiều người đến xin học. Ông thấy ai cũng đắm-đuối ở chỗ từ-chương ký-tụng, mà không biết đến cái học quan-hệ và tâm thân. Ông bèn bảo cho môn-nhân biết cái chí học để làm thánh-nhân. Song lúc ấy cái đạo sư-hữu đã bỏ mất lâu ngày, ai cũng cho cái học ấy là cái học lập dị hiếu danh. Duy chỉ có Trạm Nhược-Thủy 湛若水 là cùng đồng ý với ông. Cho nên hai người đều cùng lấy việc phát-minh thánh-học làm việc của mình.

Xem như thế, thì từ thuở Dương-minh mới đi học cho đến thuở gần 35 tuổi, vẫn có cái chí học để làm bậc thánh-nhân, nhưng vẫn vơ-vẩn, cứ xuất-nhập ở Nho, Lão và Phật, mà ý-chí cứ mang-nhiên, không có định-kiến gì cả. Kế đến khi ông phải đày ra ở trạm Long-trường, đêm ngày ông nghĩ rằng : « Ví phỏng thánh-nhân gặp phải cảnh-ngộ ấy, thì tất có cái đạo để tự khiển ». Một hôm nửa đêm ông chợt tỉnh-ngộ ra cái nghĩa cách-vật trí-tri. Trong lúc mơ-màng như là có người nói rõ cái nghĩa ấy ra, bất giác ông kêu to lên và múa nhảy như người cuồng vậy.

Từ đó ông thấy rõ cái đạo của thánh-nhân đủ cả ở trong tính người ta và cho là nếu ai tìm cái lý ở sự-vật là lầm. Ông bèn nhớ lại những lời nói trong năm kinh và đem ra chứng-nghiệm thì không có chỗ nào là không đúng. Ông đã thấy rõ đạo rồi, chuyên tâm trí ý làm cho đạo ấy sáng rõ ra, và dạy người ta tìm chỗ nhập đạo. Đó là việc của ông đảm-nhận trong khoảng hơn 20 năm về sau, dù trong khi phải lo việc đánh-dẹp, hoặc phải chống-giữ với những kẻ gian-nịnh dèm-pha, lắm lúc rất là nguy-hiểm mà không lúc nào ông thôi việc giảng-dạy.

Trước khi bàn đến cái học-thuyết và sự giảng-dạy của Dương-minh, ta nên biết rằng cái học của ông tuy có nhiều cái đặc kiến về đường tâm-học, nhưng vẫn là ở trong cái phạm-vi lý-học của Tống-nho. Ông nhân lý-học mà suy-nghĩ đến chỗ uyên-áo của đạo thánh-hiền. Ông vẫn phục Trình Y-xuyên và Chu Hối-am là người rất có công với đạo học, song ông rất tôn-sùng Chu Liêm-khê, Trình Minh-đạo và Lục Tượng-sơn. Ông cho cái học của Chu Hối-am tuy có phần tinh-vi, nhưng vì cái học ấy cốt tìm lý ở ngoài tâm cho nên thành ra chi-ly, không bằng cái học của Lục Tượng-sơn chủ ở cái lý nhất quán trong tâm người ta. Bởi vậy các học-giả cho cái học của ông với cái học Lục Tượng-sơn là một mối. Cái phần đặc biệt của ông là cái thuyết trí hành hợp nhất và cái thuyết trí lương-tri. Hai thuyết ấy đều căn-bản ở sự tâm-học. Ông cho sự học cần phải có sự thực-hành. Biết ở trong ý và làm ở việc vẫn là một. Song sự biết và sự làm vẫn chú-trọng ở cái tâm ; ngoài cái tâm ra là không có sự-vật gì khác nữa. Tâm là phần thiêng-liêng sáng-suốt của người ta. Phần thiêng-liêng sáng-suốt ấy là thiên-lý, là lương-tâm. Đó là cái căn-bản sự học của ông.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt