Triết học Đông phương

Tâm học triết lý của Mạnh tử

 

TÂM HỌC TRIẾT LÝ CỦA MẠNH TỬ

 

TRẦN TRỌNG KIM

 


Trần Trọng Kim. Nho giáo (Quyển thượng và hạ). Bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1971.


 

 

Tính thiện. Cái học uyên nguyên của Mạnh Tử là ở tâm học, trước sau chú trọng ở chữ tâm và chữ tính. Ông lý hội được lời Khổng Tử nói ở thiên Hệ từ trong Kinh Dịch rằng: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi dã tính dã 一陰一陽之謂道,繼之者善也,成之者性也” và ở sách Luận Ngữ rằng: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã 性相近也,習相遠也” và ở sách Trung Dung rằng: “Thiên mệnh chi vị tính 天命之謂性”mà biết rằng tuy Ngài không nói tính thiện hay tính ác, nhưng đã gọi tính là cái của Trời phú cho, thì tính tất là phải thiện. Đây ta phải hiểu rõ chữ tính của Khổng giáo khác nghĩa chữ tính của người ta thường dùng. Người ta thường nói tính là nói gồm tất cả các nết tốt, nết xấu tự nhiên ở trong tâm thần của một vật nào, tức là nói cả cái toàn thể sinh hoạt của vật ấy. Khổng giáo không hiểu như thế nào, cho tính là cái phần thiên lý của Trời phú cho, có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tức là cái minh đức nói ở đầu sách Đại Học. Mạnh Tử theo cái ý chỉ ấy mà lập ra thuyết tính thiện.

Thuở ấy có người nói: “Hữu tính thiện, hữu tính bất thiện 有性善,有性不善: Có tính thiện, có tính bất thiện”. Có người lại nói: “Tính khả dĩ vi thiện, khả dĩ vi bất thiện 性可以為善,可以為不善: Tính có thể làm thiện, có thể làm bất thiện”. Cáo tử thì nói: “Tính vô thiện, vô bất thiện 性無善,無不善也: Tính không thiện, không bất thiện”, nghĩa là tính không thiện không ác gì cả. Cáo tử lại nói: “Sinh chi vị tính 生之謂性: Sinh hoạt ở đời là tính”, và lại ví: “Tính do kỷ liễu dã, nghĩa do bôi quyền dã, Dĩ nhân tính vi nhân nghĩa, do dĩ kỷ liễu vi bôi quyền 性,猶杞柳也;義,猶桮棬也. 以人性為仁義,猶以杞柳為桮棬: Tính như cây kỷ, cây liễu, nghĩa như cái chén, cái thìa, lấy tính người làm việc nhân, việc nghĩa, cùng như lấy cây kỷ, cây liễu làm cái chén, cái thìa”. Cái cây mọc lên, lớn lên, theo lẽ tự nhiên, rồi ta chặt cây gỗ làm các thứ đồ dùng; dùng làm cái gì thì nó ra cái ấy, cũng như là tính thì cứ theo lẽ tự nhiên mà sinh trưởng, rồi bắt theo nhân nghĩa thì là nhân nghĩa, bắt theo bạc ác thì là bạc ác. Cáo tử lại ví tính như nước: “Tính do thoan thủy dã, quyết chư đông phương, tắc đông lưu, quyết chư tây phương, tắc tây lưu 性,猶湍水也,決諸東方則東流,決諸西方則西流: Tính như nước chảy, khiến chảy về phương đông, thì chảy về phương đông, khiến chảy về phương tây, thì chảy về phương tây”. Vậy tính không phân thiện hay bất thiện gì cả (Cáo tử, thượng).

Mạnh Tử phản đối những ý kiến ấy và nói: “Nếu sinh hoạt ở đời là tính, thì tính con chó cũng như tính con trâu, tính con trâu cũng như tính người hay sao? Nếu ví tính như cây kỷ, cây liễu, nhân nghĩa như cái chén, cái thìa, thì có chặt đẽo cây kỷ, cây liễu mới làm được cái chén, cái thìa, cũng như phải chặt đẽo người ta mới làm được việc nhân, việc nghĩa. Như thế chẳng hại cho nhân nghĩa lắm ru? Nếu ví tính như nước, thì tuy nước không phân đông, tây, nhưng có phân cao, thấp không? Tính người ta làm lành như nước chảy xuống chỗ thấp vậy: Người không ai là không thiện, nước không lúc nào là không chảy xuống chỗ thấp (Nhân tính chi thiện dã, do thủy chi tựu hạ dã. Nhân vô hữu bất thiện, thủy vô hữu bất há 人性之善也,猶水之就下也。人無有不善,水無有不下). Giá có vẩy lên thì nước có thể té lên quá trán, ngăn lại thì có thể ở trên núi được. Đó là bị cái thế ép, chứ không phải là cái tính của nước. Tính người cũng vậy, có thể khiến làm điều bất thiện được”.

Ông giải rõ cái nghĩa tại sao mà nói là tính thiện: “Nải nhược kỳ tình, tắc khả dĩ vi thiện hỹ, nãi sở vị thiện dã. Nhược phù vi bất thiện, phi tài chi tội dã 乃若其情,則可以為善矣,乃所謂善也。若夫為不善,非才之罪也: Cứ theo cái bản năng của người ta, thì ai cũng có thể làm lành, cho nên mới nói là thiện. Nếu có làm điều bất thiện là không phải cái tội ở cái bản năng của người ta”. “Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, ai cũng có lòng tu ố, ai cũng có lòng cung kính, ai cũng có lòng thị phi. Lòng trắc ẩn là nhân, lòng tu ố là nghĩa, lòng cung kính là lễ, lòng thị phi là trí. Nhân nghĩa, lễ, trí, không phải là ở ngoài mà đúc lên đâu, ta vốn có sẵn cả, chỉ vì không nghĩ đến mà thôi. Cho nên nói rằng: ‘Tìm thì thấy, bỏ thì mất’. Có người hay hơn hoặc dở hơn gấp hai, gấp năm, gấp không kể được, đều là vì không biết dùng hết cái bản năng của mình vậy. Năm được mùa, thì con em làm điều hay, năm mất mùa thì con em làm điều bậy. Đó không phải Trời phú cho cái bản năng khác nhau như thế, chỉ tại ta để cái tâm của ta hãm đắm vào vật dục, cho nên mới hóa ra thế. Xem như gieo hạt lúa xuống đất rồi bón xới vào, hạt lúa cũng ở một chỗ, cùng gieo một lúc, mọc lên ngùn ngụt, đến ngày hạ chí, đông chí, đều chín cả. Nếu có hạt tốt, hạt xấu là tại màu đất, mưa móc và công việc người ta làm không đều. Phàm vật đồng loại, thì giống như nhau cả, sao đến người thì lại ngờ là không giống. Bậc thánh nhân với ta cũng là đồng một loại như nhau. Bởi vậy Long tử nói: ‘Không trông thấy chân người ta mà làm giày, thì biết là không làm cái sọt. Giày mà giống nhau, là vì chân người ta ai cũng thế cả’.

“Miệng đối với vị ngon đều giống nhau, người sành ăn như Dịch Nha là người biết trước cái thích của miệng ta. Nếu khiến cái miệng của Dịch Nha đối với vị ngon mà lại không giống như mọi người, tựa như giống chó, giống ngựa, không đồng loại với ta, thì sao đối với vị ngon thiên hạ lại theo cái sành ăn của Dịch Nha? Đối với vị ngon mà thiên hạ theo Dịch Nha là vì cái miệng thiên hạ thích vị ngon ai cũng như ai. Cái tai nghe cũng vậy. Như tiếng âm nhạc thì ai cũng theo người giỏi đàn như Sư Khoáng. Vì rằng cái tai người ta ai cũng như ai. Cái mắt trông cũng vậy. Đẹp như Tử Đô thì thiên hạ ai cũng chẳng biết là đẹp. Người mà không biết Tử Đô là đẹp là người không có mắt. Bởi vậy cho nên nói: ‘Miệng đối với vị ngon thì đều thích như nhau, tai đối với tiếng đàn hay thì đều nghe như nhau, mắt đối với sắc đẹp thì đều trông thấy như nhau’. Thế mà có một tâm lại không giống nhau là có sao? Những cái mà tâm của người đều thích như nhau là những cái gì? Là cái lý, cái nghĩa. Thánh nhân là bậc đã tìm được trước ta những cái mà tâm của ta đều thích. Cho nên lý và nghĩa làm cho thích cái tâm của ta, cũng như thịt giống thú ăn cỏ, ăn cám, làm cho thích miệng ta vậy.

“Xưa kia những cây ở trên núi Ngưu Sơn thường rườm rà rất đẹp. Vì núi ấy ở vào cõi một nước lớn, rìu búa chặt mãi đi, thế thì những cây ấy có đẹp được nữa không? Những cây ấy đã bị chặt đi rồi, ngày đêm nghỉ ngơi, mưa móc tưới vào, lại đâm chồi ra. Song trâu dê lại đến phá hại, cho nên núi ấy mới trụi đi như ngày nay. Người ta thấy núi ấy trụi cả cây, bảo là núi ấy không mọc cây được. Há có phải là cái tính của núi như thế hay sao?

“Người ta dẫu thế nào mà lại không còn cái bụng nhân nghĩa. Người nào để bỏ mất cái lương tâm thì cũng như lấy rìu búa mà chặt cây vậy. Cứ ngày ngày chặt phá đi thì cây còn đẹp thế nào được nữa. Cái lương tâm của người ta ví như mầm cây, ngày đêm nghỉ ngơi và lại có cái khí yên lặng buổi sáng thì lòng hiếu, ố của mình cũng hơi gần như của mọi người. Song những việc làm trong ban ngày lại làm hư hỏng đi, rồi cứ hỏng đi, hỏng lại mãi, thì cái khí ban đêm không đủ mà giữ cho còn lại được. Đến khi cái khí ban đêm không giữ còn lại được nữa, thì người với cầm thú có xa gì. Người ta thấy giống như cầm thú thì cho là không có cái bản năng gì. Há có phải là bản tính của người ta như thế hay sao?

“Cho nên, nếu được cái nuôi, thì không có vật gì là không lớn lên; nếu mất cái nuôi, thì không có vật gì là không mất đi. Khổng Tử nói: ‘Thao tắc tồn, xả tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hương 操則存,舍則亡。出入無時,莫知其鄉: Giữ lấy thì còn, bỏ đi thì mất, ra vào không có thời, không biết ở nhất định chỗ nào’. Đó là ngài nói cái lương tâm của người ta vậy” (Cáo tử, thượng).

Nói rút lại là Mạnh Tử cho cái tính của Trời phú cho người ta là thiện. Nếu có thành ra bất thiện là vì người ta không biết giữ lấy cái bản tâm, chứ cái nguồn gốc của tính là không thể không thiện được. Ông nói: “Nhân giai hữu bất nhẫn chi tâm 人皆有不忍之心: Người ta ai cũng có lòng thương người... Giá bất thình lình người ta trông thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng, thì ai cũng có lòng bồn chồn thương xót. Bồn chồn thương xót không phải là vì trong bụng có ý muốn cầu thân với cha mẹ đứa trẻ ấy, không phải là vì muốn cho người làng xóm, bạn bè khen, không phải là sợ người ta chê cười. Xem như thế, thì ai không có lòng trắc ẩn không phải là người; ai không có lòng tu ố không phải là người; ai không có lòng từ nhượng không phải là người; ai không có lòng thị phi không phải là người. Lòng trắc ẩn là cái mối của nhân, lòng tu ố là cái mối của nghĩa, lòng từ nhượng là cái mối của lễ, lòng thị phi là cái mối của trí. Người ta có bốn mối ấy như có tứ thể vậy. Có bốn mối ấy mà tự bảo không sửa mình được là tự mình hại mình vậy. Đã có bốn mối ấy ở trong mình mình, mà biết mở rộng ra cho thông, thì như lửa mới bắt đầu cháy, như suối mới bắt đầu chảy” (Công Tôn Sửu, thượng).

Đã nói ở trên rằng Mạnh Tử nói tính thiện là nói cái bản ngnyên tinh thần, tức là cái thiên lý của Trời phú cho, chứ không phải là nói cái tính gồm cả tình dục của người ta.

Những nhà tâm lý học nay xét cái tính của khí chất, cho nên mới nói cái tính của người ta có sẵn cả thiện đoan và ác đoan. Thiện đoan là lòng vị tha bác ái, lòng yêu sự hay, sự đẹp và sự thực; ác đoan là lòng vị kỷ, lòng thị dục, v.v. Theo cái học ngày nay thì người thiện hay ác là tùy cái giáo dục, cái tập quán và cái hoàn cảnh làm cho thiện đoan phát triển ra, hay là ác đoan bành trướng lên.

Cùng một chữ tính, song chữ tính của ta dùng có nghĩa khác. Nếu xét không kỹ thì ta không hiểu rõ cái thuyết của Mạnh Tử.

Mạnh Tử sở dĩ nói tính thiện là vì tin có cái thiên lý chí thiện, mà tính người ta là một phần thiên lý ấy, tất là phải thiện. Sự giáo dục phải lấy cái thiện căn ấy làm căn bản, rồi giữ cho nó không mờ tối đi và trau dồi cho nó phát triển ra mà thành người lành, người tốt. Nếu nói rằng người có tính ác, hay là không thiện không ác, thì không hợp với cái thuyết thiên lý chí thiện, và về đường giáo dục tất phải dùng cái sức mạnh ở ngoài mà ép người ta làm điều lành, bỏ điều ác, như thế lại thành ra một lối giáo dục khổ khắc, không tự nhiên nữa. Thiết tưởng đó là toàn thể học thuyết của Mạnh Tử căn cứ ở tính thiện của Trời phú cho người ta.

Tâm. Mạnh Tử cho tính là bản nguyên của Trời phú cho tức là thiên lý chí linh, chí diệu. Bởi cái lý tưởng ấy mà ông lập ra cái tâm học triết lý rất cao. Ông cho là người có tính ấy, tất là có tâm ấy. Tâm với tính là một vậy. Tâm là phần chủ tể trong người ta. Hễ hiểu rõ cái tâm, thì ta biết rõ cái tính, biết rõ cái tính, thì biết rõ trời đất và vạn vật, tức là cách vật tri tri đó vậy. Ông nói rằng: “Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính tắc tri thiên hỹ. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã. Yểu, thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mệnh dã 盡其心者,知其性也。知其性,則知天矣。存其心,養其性,所以事天也。夭壽不貳,修身以俟之,所以立命也: Biết hết cái tâm của mình là biết cái tính của mình vậy. Biết cái tính của mình là biết trời vậy. Giữ cho còn cái tâm của mình, nuôi cái tâm của mình, là để thờ Trời vậy. Yểu thọ không thay đổi, sửa mình mà đợi là để lập mệnh vậy” (Tận tâm, thượng).

Tâm là cái thần minh có đủ mọi lý để ứng với vạn sự, tính là cái lý hoàn toàn của tâm, Trời là nguồn gốc của lý ấy. Người ta có tâm ấy mà hiểu hết được cái toàn thể của nó, đừng để cái tư ý che lấp mất, thì ta biết rõ cái tính; biết rõ cái tính là biết rõ Trời vậy. Biết rõ tính là biết nhân và lễ là cái đức “nguyên” và đức “hanh” của Trời, nghĩa với trí là cái đức “lợi” và đức “trinh” của Trời. Biết rõ bốn đức ấy là đạt được cái diệu dụng của Trời.

Tâm là cái thần minh của Trời, Trời cho ta cái tâm ấy để làm tâm, thì tâm của ta với Trời là một thể. Đó thực là cái đạo nhất quán của Khổng Tử.

Biết cái tâm của ta là Trời, giữ cái tâm cho ngay chính, nuôi cái tính cho hoàn toàn sáng suốt, nhất động nhất tĩnh đều thuận cái thiên lý tự nhiên. Ấy là sự chân thực thờ Trời vậy.

Ta đã biết tính, biết Trời, thì ta chỉ chuyên nhất ở sự nuôi tính và sự sửa mình cho toàn cái của Trời đã phú cho ta, rồi cứ an vui mà đợi mệnh Trời, chứ không lấy sự thọ, yểu mà hại cái bản nguyên chí thiện. Ấy là cách lập mệnh.

Lập mệnh là lập theo cái chính mệnh, chứ không phải làm càn, làm bậy mà gọi là lập mệnh. Mạnh Tử nói: “Ở trong thiên hạ không có việc gì là không có mệnh Trời, ta thuận mà theo cái chính. Người biết theo mệnh là người không đứng dưới cái tường sắp đổ, nhưng cố sức làm cho hết đạo mà chết, thế là chính mệnh. Người làm điều gian ác để đến nỗi gông cùm mà chết không phải là chính mệnh”. Học để giữ lấy cái tâm, nuôi lấy cái tính, biết rõ lẽ trời mà theo cái chính mệnh của mình, ấy là cái tinh thần của Nho giáo.

Bởi cái học duy tâm ấy, cho nên Mạnh Tử rất chú trọng sự tồn tâm, tồn tính, dưỡng khí và trì chí.

Tồn tâm. Người ta sở chủ có cái tâm. Vạn sự hay dở đều ở cái tâm cả. Vậy nên sự học của quân tử cần phải tồn tâm: Nghĩa là giữ cho còn cái bản tâm hư linh của mình. “Quân tử sở dĩ dị ư nhân giả, dĩ kỳ tồn tâm dã. Quân tử dĩ nhân tồn tâm, dĩ lễ tồn tâm 君子所以異於人者,以其存心也。君子以仁存心,以禮存心: Quân tử sở dĩ khác người ta là chỉ có sự giữ cho còn cái tâm mà thôi. Quân tử lấy nhân mà giữ cho còn cái tâm, lấy lễ mà giữ cho còn cái tâm” (Ly Lâu, hạ). Giữ lấy cái tâm rồi nuôi nó lên cho càng ngày càng sáng suốt. Muốn nuôi cái tâm thì không gì bằng quả dục: “Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả, quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn yên giả, quả hỹ 養心莫善於寡欲。其為人也寡欲,雖有不存焉者,寡矣。其為者,寡矣: Nuôi cái tâm thì không gì hay hơn quả dục. Làm người mà quả dục thì tuy có người không giữ được cái tâm, nhưng ít lắm. Làm người mà đa dục, thì tuy có người giữ được cái tâm, nhưng cũng ít lắm” (Tận tâm, hạ).

Cái tâm của Mạnh Tử nói đây là cái lương tâm của người ta. Có lương tâm thì mới biết điều nhân, điều nghĩa, lẽ phải, lẽ trái. Có lương tâm là có lương năng và lương tri, tức là cái giỏi, cái biết rất tự nhiên, rất mẫn tiệp. “Nhân chi sở bất học nhi năng giả, kỳ lương năng dã. Sở bất lự nhi tri giả, kỳ lương tri dã 人之所不學而能者,其良能也。所不慮而知者,其良知也: Người không học mà giỏi là lương năng; không suy nghĩ mà biết là lương tri”. Hãy xem như đứa trẻ con ẵm trên tay, không đứa nào là không biết yêu cha mẹ nó. Đến lúc lớn lên, không đứa nào là không biết kính anh nó. Thân yêu cha mẹ là nhân, kính trọng kẻ huynh trưởng là nghĩa. Khắp trong thiên hạ đâu đâu cũng thế. Vậy nhân nghĩa là vốn có sẵn trong lương tâm của người ta. Chỉ vì ta đắm đuối vào vật dục, cho nên cái lương tâm mới mờ tối đi, thành thử ta bỏ mất nhân nghĩa. Bởi thế cho nên người quân tử lấy sự giữ cái tâm hồn nhiên thuần hậu như cái tâm của đứa trẻ con làm quý. “Đại nhân giả, bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã 大人者,不失其赤子之心者也: Bậc đại nhân không bỏ mất cái tâm hồn nhiên của đứa con đỏ” (Ly Lâu, hạ).

Theo lý thuyết ấy thì sự học vấn cần nhất là phải tìm lấy cái tâm của mình đã để sổ ra mất. Người ta để con gà, con chó sổ ra thì biết đi tìm về, lẽ nào mình để cái tâm của mình sổ ra mà không tìm hay sao? Bởi vậy Mạnh Tử nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hỹ 學問之道無他,求其放心而已矣: Cái đạo học vấn không có điều gì khác, chỉ có tìm cái tâm đã sổ ra mà thôi” (Cáo tử, thượng). Sự: “cầu kỳ phóng tâm” của Mạnh Tử cũng như sự: “tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố 寂然不動,感而遂通天下之故” của Khổng Tử, đều theo một lý tưởng, chủ lấy sự giữ cái bản nguyên cho hoàn toàn để có cái minh giác linh diệu mà ứng với vạn sự cho hợp đạo trung.

Đạo nhất nhi dĩ hỷ. Mạnh Tử để cho cái tâm là một, thì dẫu thánh nhân với người thường cũng không khác nhau. Có người bảo ông rằng: “Vua nước Tề sai người đi dò xem quả thật ông có điều gì khác hơn người không. Ông nói rằng: “Hà dĩ dị ư nhân tai, Nghiêu Thuấn dữ nhân đồng nhĩ 何以異於人哉?堯舜與人同耳: Ta có gì khác người đâu, vua Nghiêu, vua Thuấn cũng giống như mọi người vậy” (Ly lâu, hạ). Dẫu vua Nghiêu, vua Thuấn là bậc thánh nhân, nhưng cùng bẩm thụ một lý, một khí, tức là cùng đồng một tâm như mọi người cả, chỉ có một điều là những bậc ấy giữ được cái bản tính tinh thần và cái khí hạo nhiên mà thôi. Vậy, nếu ai cũng giữ được như thế, thì chắc là chẳng khác gì những bậc ấy. Cái thuyết ấy có thể khiến người ta lúc nào cũng nghĩ đến cái bản thể hoàn toàn của mình, làm cho ai cũng có lòng tự tin rằng mình có thể hay hơn tốt hơn được. Người ta đã có cái lòng tự tin ấy, thì rồi cái phần sáng suốt, ngay chính càng ngày càng phát triển ra, mà cái phần mờ tối, tà khúc dần dần biến cải đi. Thật là một lối giáo hóa có cái chủ nghĩa lạc quan, khuyến miễn mọi người ai cũng cố sức cho thành người hoàn toàn.

Mạnh Tử tin rằng người hiền, kẻ ngu chỉ khác nhau có một điều là giữ được cái tâm hay không mà thôi. Người ta sở dĩ không làm được điều nhân nghĩa như bậc thánh hiền là vì ta để vật dục làm hại mất cái tâm. “Người đói thì ăn gì cũng ngon, người khát thì uống gì cũng ngon, như thế chưa phải là biết rõ cái thực ngon của sự ăn uống, vì sự đói sự khát làm hại vậy. Có phải là sự đói sự khát chỉ làm hại cái miệng, cái bụng mà thôi đâu, nó làm hại đến cả cái tâm nữa. Nếu người nào không để cho cái hại của sự đói sự khát làm hại được cái tâm, thì dẫu không kịp người cũng không lấy làm lo” (Tận tâm, thượng).

Cái tâm đã là một thì cái đạo cũng là một. Cho nên mới nói: “Phù đạo nhất nhi dĩ hỹ 夫道一之已矣: Đạo có một mà thôi”. Đạo có một, thì ai cũng có đạo lý ở trong tâm cả. Nếu ai cũng biết như thế, rồi cứ theo thiên lý mà tu dưỡng, mà hành động, thì không ai hơn ai cả. Ông đem những lời của các hiền giả đời trước để làm chứng, như lời Thành Nghiễn bảo Tề cảnh công rằng: “Bỉ trượng phu dã, ngã trượng phu dã, ngô hà úy bỉ tai! 彼丈夫也,我丈夫也,吾何畏 彼哉!: Thánh hiền là trượng phu, ta là trượng phu, ta sợ gì không được như thánh hiền!”; và lời Nhan Hồi nói rằng: “Thuấn hà nhân dã, dư hà nhân dã, hữu vi giả diệc nhược thị 舜何人也?予何人也?有為者亦若是: Vua Thuấn là người nào, ta là người nào, ai theo đạo mà làm, thì cũng thế cả” (Đằng Văn Công, thượng). Thánh nhân là bậc hoàn toàn trong vạn vật, mà ta với thánh nhân là đồng một thể, thì cái phần tinh tú của vạn vật đều đủ cả ở trong mình ta. Nếu ta tự xét mình ta mà tu dưỡng lấy cái căn bản, thì sự học không phải tìm ở đâu xa. Ông nói: “Vạn vật giai bị ư ngã hỹ. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên; cưỡng thứ nhi hành, cầu nhân mạc cận yên 萬物皆備於我矣,反身而誠,樂莫大焉。 強恕而行,求仁莫近焉: Muôn vật đều đủ cả ở trong người ta vậy. Ta tự xét mình ta mà thành thực thì có vui thú nào lớn hơn nữa. Ta cố sức làm điều lành, như ta muốn người làm cho ta, thì tìm cái nhân có gì gần hơn nữa” (Tận tâm, thượng).

Người đã như nhau cả, thì sao lại có đại nhân và tiểu nhân? Mạnh Tử trả lời; “Thể hữu quý, tiện, hữu tiểu, đại. Vô dĩ tiểu hại đại, vô dĩ tiện hại quý, Dưỡng kỳ tiểu giả vi tiểu nhân; dưỡng kỳ đại giả vi đại nhân體有貴賤,有小大。無以小害大,無以賤害貴。養其小者為小人;養其大者為大人: Trong thân thể người ta có phần quý, có phần tiện, có phần lớn, có phần nhỏ, đừng lấy phần nhỏ hại phần lớn, đừng lấy phần tiện hại phần quý. Nuôi phần nhỏ thì làm tiểu nhân, nuôi phần lớn thì làm đại nhân”. Phần lớn là tâm của mình, phần nhỏ là tai mắt của mình. “Tai mắt của người ta không phải để suy nghĩ, mà lại hay bị ngoại vật che tối, và chỉ là vật nọ giao với vật kia rồi tiếp dẫn nhau mà thôi. Tâm là để suy nghĩ. Suy nghĩ thì được, nghĩa là biết rõ đạo lý. Không suy nghĩ thì không được, nghĩa là không biết đạo lý. Trong những cái của Trời phú cho ta, trước hết ta phải gây dựng lấy cái lớn, thì cái nhỏ không lấn lên được, bởi thế mới làm đại nhân”. Ý Mạnh Tử là cho cái phẩm giá tôn quý của người ta chỉ ở cái tâm để tư tưởng mà thôi. Ngoài cái tâm ra thì không có gì đáng quý cả. Bởi vậy ông nói: “Hữu thiên tước giả, hữu nhân tước giả. Nhân, nghĩa, trung, tín, lạc thiện bất quyện, thử thiên tước dã. Công khanh, đại phu, thử nhân tước giả 有天爵者,有人爵者。仁義忠信,樂善不倦,此天爵也。公卿大夫,此人爵也: Có cái tước của Trời cho, có cái tước của người cho. Nhân, nghĩa, trung, tín, vui làm điều lành không mỏi là cái tước của Trời cho; công khanh, đại phu là cái tước của người cho”. “Người đời xưa lo sửa cái thiên tước, thì cái nhân tước theo sau. Người đời nay lo sửa cái thiên tước để cầu lấy cái nhân tước, khi đã được cái nhân tước rồi thì bỏ cái thiên tước, như thế thật là mê hoặc lắm vậy, sau thành ra mất hết cả”. “Lòng muốn cái tôn quý thì ai ai cũng như nhau cả. Thế mà người ta ai cũng có cái tôn quý ở trong mình mình mà không nghĩ đến. Cái tôn quý của người ta cho không phải là thật tôn quý, những người mà người Triệu Mạnh đã cho được tôn quý thì người Triệu Mạnh có thể làm cho đê tiện được” (Cáo tử, thượng). Vậy ta nên cầu cái tôn quý của Trời cho, tức là ta cầu lấy nhân nghĩa đạo lý để làm cho tôn cái phẩm giá của ta. Cái phẩm giá ấy không ai cho được ta mà cũng không ai cướp được của ta. Song muốn có cái phẩm giá ấy, thì tự ta phải tìm lấy, chứ nếu ta tự hại, tự bỏ đi, thì không bao giờ có được. Vậy nên mới nói: “Tự bạo giả, bất khả dữ hữu ngôn dã; tự khi giả, bất khả dữ hữu vi dã 自暴者,不可與有言也;自棄者,不可與 有為也: Không thể nói chuyện được với người tự hại mình; không thể làm điều lành được với người tự bỏ mình”. “Nói không phải lễ nghĩa, gọi là tự hại mình. Thân ta không ở chỗ nhân, không theo điều nghĩa, gọi là tự bỏ mình, Nhân cái nhà của người ta ở yên, nghĩa là con đường chính của người ta đi. Bỏ vắng cái nhà yên mà không ở, bỏ con đường chính mà không đi, thế có thảm không?” (Ly Lâu, thượng).

Người ta làm điều nhân, điều nghĩa, cũng như người đi trên rừng, có đi luôn thì mới thành đường được. Cho nên mới nói: “Sơn kinh chi khê gian, giới nhiên dụng chi nhi thành lộ. Vi gian bất dụng, tắc mao tắc chi hỹ 山徑之蹊間,介然用之而成路.為間不用,則茅塞之矣: Ở giữa khoảng rừng núi, chỗ nào đi luôn thì thành đường. Hễ bỏ vắng không đi, thì cỏ mọc lấp mất” (Tận tâm, hạ). Người học giả cũng thế, lúc nào cũng phải để chí mà làm điều nhân, điều nghĩa. Phải biết rằng: “Sát nhất vô tội, phi nhân dã; phi kỳ hữu nhi thủ chi, phi nghĩa dã. Cư ô tại? Nhân thị dã; lộ ô tại? Nghĩa thị dã. Cư nhân do nghĩa, đại nhân chi sự bị hỹ 殺一無罪,非仁也;非其有而取 之,非義也。居惡在?仁是也。路惡在?義是也。 居仁由義,大人之事備矣: Giết một người không có tội, không phải là nhân; không phải của mình mà lấy không phải là nghĩa. Chỗ mình ở là đâu? Là chỗ nhân; đường mình đi là đâu? Là chỗ nghĩa. Ở chỗ nhân, đi theo chỗ nghĩa, như thế là việc của bậc đại nhân đủ vậy” (Tận tâm, thượng).

Tồn tính, dưỡng khí và trì chí. Tính là cái lý toàn nhiên ở trong tâm người ta, tức là cái phần tinh thuần của Trời phú cho. Ta nhờ có tính mới biết nhân nghĩa, biết phải, trái, cho nên trước hết ta phải nuôi lấy cái tính, đừng để cho nó mờ tối đi. Người mà hơn loài cầm thú là chỉ ở sự giữ được cái tính bản nhiên mà thôi. Nếu ta bỏ mất cái tính ấy đi, thì người với cầm thú không khác nhau gì cả. “Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả, cơ hy: thứ dân khứ chi, quân tử tồn chi 人之所以異於禽獸者,幾希;庶民去之,君子存之: Người ta sở dĩ khác loài cầm thú là chỉ có một chút mà thôi; kẻ thứ dân thì bỏ đi, người quân tử thì giữ còn (Ly Lâu, hạ). Vậy tính là phần tối linh diệu của Trời phú cho người để hiểu biết đạo lý. 

Song có tính phải có khí, thì mới có hình thể và mới có sinh trưởng.

Khí là sự vận dụng của lý, lưu hành khắp cả vũ trụ, ngưng tụ lại thành ra hình, tức là thành ra vạn vật. Vạn vật sinh trưởng là nhờ có khí lưu hành trong các thân thể. Vậy khí là để nuôi sự sinh hoạt của vạn vật. Song khí phải tùy từng cái chí. Chí là cái ý hướng của tâm, mà tâm là chủ tể trong cả vạn vật. Hễ có chí là có khí, cho nên mới nói rằng: “Chí chí yên, khí thứ yên 志至焉,氣次焉: Chí đến vậy, khí cũng đến vậy” (Mạnh Tử: Công Tôn Sửu, thượng).

Người ta phải có cả chí và khí thì mới sinh hoạt được điều hòa, Vậy nên ta phải: “Trì kỳ chí, vô bạo kỳ khí 持其志,無暴其氣: Giữ cho bền cái chí, mà không làm hại cái khí”. Cái bản thể của khí là hạo nhiên rất lớn, rất mạnh, ở khắp cả khoảng trời đất. Ta phải theo lẽ tự nhiên mà nuôi cái khí hạo nhiên, để cho tính và khí điều hòa với nhau, thì sự hành động của người ta mới hợp với thiên lý. Người quân tử sở dĩ hơn người thường là chỉ biết cách “Thiện dưỡng hạo nhiên chí khí 善養浩然之氣: Khéo nuôi cái khí hạo nhiên” (Công Tôn Sửu, thượng).

Nuôi cái khí hạo nhiên thì phải thế nào? Phải làm luôn luôn những việc hợp nghĩa lý, nhưng cứ theo lẽ tự nhiên mà làm, không sao nhãng, không gián đoạn lúc nào, mà cũng không mong cho chóng thành hiệu. Làm như thế, thì cái khí hạo nhiên ấy càng ngày càng tươi tốt thêm ra, cho nên mới nói: “Thị tập nghĩa sở sinh giả, phi nghĩa tập nhi thủ chi dã 是集義所生者,非義襲而取之: Là để nghĩa họp lại mà sinh ra, chứ không phải lấy nghĩa mà chụp lấy được”. Nghĩa là cứ theo đạo nghĩa để nuôi cái khí hạo nhiên, rồi khí ấy tự nó sinh nó ra, chứ không phải lấy cái nghĩa mà chụp lấy khí ấy.

Bởi vậy cho nên mới nói: “Tất hữu sự yên, nhi vật chính, tâm vật vong, vật trợ trưởng dã 必有事焉,而勿正,心勿忘,勿助長也: Ắt có việc vậy, mà chớ cho là được ngay, tâm chớ quên, chớ trợ trưởng vậy” (Công Tôn Sửu, thượng). Nghĩa là có công việc thì chớ cho là được ngay, phải thận trọng để tâm đến luôn, nhưng cũng đừng mong chóng tốt, chóng hay, thì rồi tự khắc nó tốt và hay.

Có việc mà bỏ sao nhãng hay là muốn cho chóng tốt, chóng hay, thì lại là làm hại cái khí hạo nhiên. Đừng bắt chước như một người nước Tống lo cây lúa mọc không được chóng lớn, đem nhổ gốc lên cho cao, thành ra lúa chết cả.

Sự tu dưỡng cũng vậy, cứ phải từ từ mà nuôi cái khí hạo nhiên lên cho tốt. Đừng bỏ quên, đừng vội vàng, thì ắt có ngày trông thấy cái hiệu quả mỹ mãn.

Tự đắc. Cái học của Mạnh Tử là cần phải theo thiên lý mà tự cường tự động, để cầu lấy sự tự đắc, nghĩa là cầu lấy được cái vui về đạo. Cho nên nói rằng: “Quân tử thâm tháo chi dĩ đạo, dục kỳ tự đắc chi dã, Tự đắc chi, tắc cư chi yên; cư chi yên, tắc tư chi thâm: tư chi thâm, tắc thủ chi tả hữu, phùng kỳ nguyên; cố quân tử dục kỳ tự đắc chi dã 君子深造之以道,欲其自得之也。自得之,則居之安;居之安則資之深;資之深則取之左右,逢其原;故君子欲其自得之也: Quân tử theo đạo mà hiểu cho sâu cái đạo, là muốn tự mình riêng được cái vui về đạo. Đã tự mình riêng được cái vui về đạo, thì ở với đạo lúc nào cũng yên; đã ở với đạo lúc nào cũng yên thì cái vốn sẵn có nhiều; cái vốn sẵn có nhiều, thì lấy ở với đạo lúc nào cũng yên; đã ở với đạo lúc nào cũng yên thì cái vốn sẵn có nhiều; cái vốn sẵn có nhiều, thì lấy ở bên tả, bên hữu, chỗ nào cũng nhằm cái gốc; cho nên quân tử muốn tự mình riêng được cái vui về đạo” (Ly Lâu, hạ). Ai muốn được cái vui về đạo ấy thì tự mình phải cố gắng rèn tập và suy nghĩ sâu xa, để hiểu cho rõ cái đạo. Đã hiểu rõ được cái đạo, thì tự khắc được cái vui về đạo. Cũng vì thế cho nên những người cực khổ hay bị những cảnh gian nan bất buộc phải suy nghĩ luôn, thường là người hiểu suốt đến cái đạo. Bởi vậy mới nói rằng: “Nhân chi hữu đức, tuệ, thuật, trí giả, hằng tồn hồ chẩn tật. Độc cô thần, nghiệt tử, kỳ tháo tâm dã nguy, kỳ lự hoạn dã thâm, cố đạt 人之有德慧術知者,恒存乎疢疾。獨孤臣,孽子,其操心也危,其慮患也深,故達: Những người có đức, tuệ, thuật, trí, thường là bởi có hoạn nạn khổ sở. Chỉ có những kẻ cô thần, nghiệt tử lúc nào cũng cầm cái lòng như nguy hiểm lắm, cái bụng lo nghĩ sâu xa, cho nên mới đạt được sự lý” (Tận tâm, thượng). Người cố lo nghĩ thì cái tâm mới mở rộng ra, cái trí mới sáng suốt, mới biết được rõ các mối đạo lý. Bởi thế cho nên sự học phi tự mình phải cố gắng mà hiểu lấy, thì sự dạy bảo dẫu thế nào cũng không có ích gì.

Sự giáo hối. Mạnh Tử nói: “Nhân chi hữu đạo dã, bão thực, noãn y, dật cư nhi vô giáo, tắc cận ư cầm thú 人之有道也,飽食暖衣,逸居而無教,則近於禽獸: Người ta tuy có đạo lý, nhưng cứ ăn no, mặc ấm, ngồi rồi mà không dạy bảo, thì gần như giống cầm thú”. Thánh nhân đời trước lấy điều ấy làm lo, đặt quan tư đồ coi việc giáo hóa, dạy cho dân biết rõ nhân luân, để cha con có tình thân, vua tôi có nghĩa, vợ chồng phân biệt, lớn trẻ có trật tự, bầu bạn có tin (Đằng Văn Công, thượng).

Những điều luân thường đạo lý tuy không phải là điều khó, song vì người đời thường không suy xét: “Hành chi nhi bất trứ yên, tập hỹ nhi bất sát yên, chung thân do chi, nhi bất chi kỳ đạo giả, chúng dã 行之而不著焉,習矣而不察焉,終身由之而不知其道者,眾也: Nhiều người làm mà không biết, tập quen mà không xét, suốt đời theo mà không rõ cái đạo” (Tận tâm, thượng). Thành thử: “Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn; sự tại dị, nhi cầu chư nan 道在邇,而求諸遠;事在易,而求諸難: Đạo ở gần mà đi tìm ở xa; việc ở cái dễ mà đi tìm ở cái khó” (Ly Lâu, thượng). Vậy muốn cho nhân dân ai cũng hiểu điều phải, điều trái, việc hay, việc dở thì phải có sự giáo hối. Ở trong xã hội thì phải “Trung dã dưỡng bất trung, tài dã dưỡng bất tài 中也養不中,才也養不才: Người trung chính dạy người không trung chính, người có tài dạy người không có tài năng” (Ly Lâu, hạ). Ai là người có tài, có đức, thì cũng phải như Y Doãn: “Thiên chi sinh tư dân dã, sử tiên tri giác hậu tri, sử tiên giác giác hậu giác 天之生斯民也,使先知覺後知,使先覺 覺後覺: Trời sinh ra người, khiến kẻ tiên tri dạy kẻ hậu tri, khiến kẻ tiên giác dạy kẻ hậu giác” (Vạn chương, hạ).

Sự giáo hóa cần phải lấy những khuôn phép của thánh hiền làm tiêu chuẩn. Vì rằng: “Nếu có cái sáng của Ly Lâu, cái khéo của Công Thân Tử, mà không có cái thước tròn và cái thước vuông thì không làm được cái hình tròn, cái hình vuông; nếu có cái tai nghe suốt như Sư Khoáng mà không có sáu luật, thì không chính được năm âm; nếu có cái đạo vua Nghiêu, vua Thuấn, mà không làm điều nhân chính, thì không bình trị được thiên hạ. Đã có đạo lý và khuôn phép của thánh hiền đã định ra, thì ta nên nhân đó mà học tập, mà hành động”. Thánh nhân đã trông hết cái sức của con mắt, lại lấy cái thước tròn, cái thước vuông, cái thăng bằng và cái dây để làm cái tròn, cái vuông, cái mặt bằng và cái mặt thẳng, dùng mãi không xuể; đã nghe hết cái sức của tai, lại lấy sáu luật để chính năm âm, dùng mãi không xuể; đã xét hết sự nghĩ ngợi của cái tâm, lại dùng cái chính sự thương người, khiến cho lòng nhân che khắp thiên hạ” (Ly Lâu, thượng). Vậy ta phải theo cái đạo của thánh hiền mà dạy người.

Người dạy học và người đi học phải như người Hậu Nghệ dạy người ta bắn, tất phải dạy để chí vào sự kéo dây cũng cho thẳng, mà người học bắn cũng phải để chí vào sự kéo dây cũng cho thẳng; người thợ giỏi dạy người làm thợ, tất phải dạy cách dùng thước tròn, thước vuông, mà người học làm thợ cũng phải học cách dùng thước tròn, thước vuông (Nghệ chi giáo nhân xạ, tất chí ư cấu, học giả diệc tất chi ư cấu. Đại tượng hối nhân, tất dĩ quy củ, học giả diệc tất dĩ quy củ 羿之教人射,必志於彀;學者亦必志於彀。大匠誨人,必以規矩;學者亦必以規矩) (Cáo tử, thượng). Nghĩa là dạy điều gì, thì phải chuyên tâm trì chí mà theo cho đúng những cái quy mô đã định.

Mạnh Tử cho sự giáo hối có nhiều lối. Ông nói: “Giáo diệc đa thuật hỹ, dư bất tiết chi giáo hối giả, thị diệc giáo hốt chi nhi dĩ hỹ 教亦多術矣。予不屑之教誨也者,是亦教誨之而已矣: Dạy cũng có nhiều thuật, có người ta không thèm dạy bảo cho, ấy cũng là dạy bảo đó vậy” (Tận tâm, thượng). Thường thì người quân tử có năm cách dạy người là: Hữu như thời vũ hóa chi giả, hữu thành đức giả, hữu đạt tài giả, hữu đáp vấn giả, hữu tư thục ngải giả 有如時雨化之者,有成德者,有達財者,有答問者,有私淑艾者: Có cách như trời mưa xuống mà hóa đi, có cách là cho thành tựu cái đức, có cách làm cho đạt cái tài, có cách trả lời cho những câu hỏi, có cách học riêng với một người mà thành” (Tận tâm, thượng).

Cái phương pháp giáo hối của người quân tử cốt ở sự chỉ dẫn cho người ta để ai thích học thì tự phải cố gắng mà học lấy. Cho nên mới nói: “Quân tử dẫn nhi bất phát, dược như dã. Trung đạo nhi lập, năng giả tòng chi 君子引而不發,躍如也。中道而立,能者從之: Quân tử dạy người như dạy bắn, chỉ kéo thẳng cái dây cũng mà không buông tên ra. Tuy không dạy cho biết hết cái hay, nhưng cái lý sở đắc đã hoạt động như là nhẩy nhót ở trước mặt vậy. Cứ giữa đạo mà đứng, ai theo được thì theo” (Tận tâm, thượng).

Cái phương pháp của Mạnh Tử có nhiều điều rất thích hợp với phép sư phạm ngày nay. Ông nói: “Bác học nhi tường thuyết chi, tương dĩ phản thuyết ước dã 博學而詳說之,將以反說約也 : Học rộng mà phân giải ra cho rõ ràng rồi nói lại mà tóm hết cả các đại yếu”. Phàm sự học là chủ ở cái tinh thần hoạt động và học điều gì thì phải suy nghĩ mà phê bình cho hợp lý, chứ không phải cứ nhắm mắt mà theo sách: “Tận tín thư bất như vô thư 盡信書,則不如無書: Đọc sách mà tin cả ở sách, thì không bằng không có sách” (Tận tâm, hạ).

Người quân tử bao giờ cũng phải học, không lúc nào dám tự cậy mình là hoàn toàn, không cần phải học gì nữa. Cho nên nói rằng: “Nhân chi hoạn, tại hiếu vi nhân sư 人之患,在好為人師: Cái bệnh của người ta là ở sự thích làm thầy người ta” (Ly Lâu, thượng). Nếu mình cho là tự mãn tự túc chỉ muốn đi dạy người, chứ không học nữa là một điều rất dở. Vì người như thế thì còn tiến hóa sao được?

Người đi học thì trước hết phải giữ mình cho chính rồi mới sửa được người, “Uổng kỷ giả, vị hữu năng trực nhân giả dã 枉己者,未有能直人者也: Mình cong queo không thể nào sửa cho người ngay thẳng được”. Vậy muốn sửa mình thì phải có lòng sỉ, nghĩa là biết xấu hổ về việc mình làm điều bậy. Ông nói: “Sỉ chi ư nhân, đại hỹ. Vi cơ biến chi xảo giả, vô sở dụng sỉ yên. Bất sỉ bất nhược nhân, hà nhược nhân hữu?恥之於人大矣。為機變之巧者,無所用恥焉。不恥不若人,何若人有?: Lòng biết xấu hổ đối với người ta là quan trọng lắm. Người mà khéo dùng cơ mưu, quyền biến để lừa dối người ta là không biết nghĩ đến cái lòng biết xấu hổ vậy. Không bằng người ta mà không biết xấu hổ, thì có bằng người ta sao được”. Bởi vậy cho nên: “Nhân bất khả dĩ vô sỉ. Vô sỉ chi sỉ, vô sỉ hỹ 人不可以無恥。無恥之恥,無恥矣: Người ta không thể không có lòng xấu hổ về điều mình làm bậy. Nếu ai đã có lòng biết xấu hổ về điều vô sỉ, thì không có điều gì đáng xấu hổ nữa” (Tận tâm, thượng).

Về đường giáo dục, Mạnh Tử cho cái tập khí của hoàn cảnh có thể cảm hóa được tâm tính người ta. Ông nói: “Cư di khí, dưỡng di thể, đại tai cư hồ! 居移氣,養移體,大哉居乎!: Chỗ ở biến đổi cái khí tượng, sự ăn uống biến đổi cái thân thể, chỗ ở quan trọng lắm vậy ôi!” (Tận tâm, thượng).

Nói về cách xem xét người ta thì Mạnh Tử cho là không gì bằng trông ở con mắt. Con mắt là cái gương phản chiếu cái tinh thần ra ngoài. Cho nên nói rằng: “Tồn hồ nhân giả, mạc lương ư mâu tử. Mâu tử bất năng yểm kỳ ác. Hung trung chính, tắc mâu tử liệu yên; hung trung bất chính, tắc mầu tử mạo yên. Thính kỳ ngôn dã, Quan kỳ mâu tử, nhân yên sưu tai! 存乎人者,莫良於眸子,眸子不能掩其惡。胸中正,則眸子瞭焉;胸中不正,則眸子眊焉。聽其言也,觀其眸子,人焉瘦哉!: Cái còn ở trong người ta chẳng gì thật bằng con ngươi. Vì rằng con ngươi không thể giấu được cái ác của người ta. Trong bụng ngay thẳng thì con ngươi trông sáng tỏ rõ ràng; trong bụng tà khúc, thì con ngươi mờ đục tối tăm. Khi nghe lời nói mà xem con ngươi thì không giấu được người vậy” (Ly Lâu, thượng).

Ấy là nói tóm các quan niệm của Mạnh Tử về đường giáo dục. Xét ra có lắm điều rất hệ trọng, kẻ học giả nên chú ý mà ngẫm nghĩ cho kỹ, tưởng cũng có phần bổ ích cho sự học vậy.

Quân tử. Mạnh Tử cũng theo như Khổng Tử lấy người quân tử mà đại biểu bậc người hoàn toàn trong nhân loại. Có khi ông dùng chữ đại trượng phu hay chữ đại nhân để thay chữ quân tử. Người quân tử của Khổng Tử và người quân tử của Mạnh Tử đều là người cao minh hoằng đại, song mỗi người có khí tượng đặc biệt là: Người quân tử của Khổng Tử thì hồn nhiên, lúc nào cũng ôn hoà, thuần hậu, mà người quân tử của Mạnh Tử thì khuê giốc, nghĩa là cứng cỏi, có góc, có cạnh.

Mạnh Tử cho là người quân tử bao giờ cũng phải lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, làm tông chỉ. Ông nói: “Đất rộng, dân nhiều, đó là sự muốn của người quân tử, nhưng chưa phải là cái vui của người quân tử. Đứng đầu trong thiên hạ, định được sự hòa bình cho dân bốn bể, đó là cái vui của người quân tử, nhưng chưa phải là cái mà người quân tử cho là bản tính của mình. Cái mà người quân tử cho là bản tính của mình, thì tuy làm việc to lớn cũng không thêm lên được, mà tuy phải khổ sở cũng không bớt đi được, là vì cái đó Trời đã định phận rồi. Cái mà người quân tử cho là bản tính của mình là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, căn bản ở trong tâm người ta. Những cái ấy sinh sản ra, thì trông thấy rõ ở mặt, thấy sáng ở lưng, thấy hiện ra ở chân tay. Chân tay không nói mà tự khắc hiểu, nghĩa là tự nhiên hiển hiện ra ở sự cử chỉ hành động” (Tận tâm, thượng). Người quân tử lúc nào cũng cứ ngay thẳng mà làm điều lành điều phải, chứ không phải vì tư tâm tư lợi mà hại đạo lý. “Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chính vị, hành thiên hạ chi đại đạo. Đắc chí, dữ dân do chí; bất đắc chí, độc hành kỳ đạo; phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu 居天下之廣居,立天下之正位,行天下之大道;得志與民由 之,不得志,獨行其道;富貴不能淫,貧賤不能移,威武不能屈。此之謂大丈夫: Ở cái chỗ ở rộng trong thiên hạ, đứng giữa cái ngôi chính trong thiên hạ, đi con đường lớn trong thiên hạ. Đắc chí thì cùng với dân mà theo đạo, không đắc chí thì một mình mình theo đạo; giàu sang không thể làm cho đãng được cái lòng của mình, nghèo hèn không thể làm cho đổi được cái chí của mình, uy quyền võ lực không thể làm cho khuất được cái khí của mình, ấy thế mới gọi là đại trượng phu” (Đằng Văn Công, hạ). Chỗ ở rộng trong thiên hạ là nhân, ngôi chính trong thiên hạ là lễ, đường lớn trong thiên hạ là nghĩa.

Người quân tử bao giờ cũng “Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân 仰不愧於天,俯不怍於人: Ngưỡng lên không xấu với Trời, cúi xuống không thẹn với người” (Tận tâm, thượng). “Cùng bất thất nghĩa, đạt bất ly đạo 窮不失義,達不離道: Cùng khổ không mất nghĩa, hiển đạt không lìa đạo. Khi đắc chí ra đương việc nước, thì đem cái ơn rải khắp muôn dân; không gặp thời, không làm được gì, thì sửa mình cho rõ ra ở đời. “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ 窮則獨善其身;達則兼善天下: Cùng khổ thì một mình mình làm hay cho mình, hiển đạt thì làm hay cho cả thiên hạ” (Tận tâm, thượng).

Người quân tử phải biết phân biệt thực giả để hành động cho hợp đạo trung. “Phi lễ chi lễ, phi nghĩa chi nghĩa, đại nhân phất vi 非禮之禮,非義之義,大人弗為: Lễ không phải là lễ, nghĩa không phải là nghĩa, bậc đại nhân không làm” (Ly lâu, hạ). Đạo làm người quý nhất là nhân với nghĩa, dẫu đến bậc vua có quyền thế mà không có nhân nghĩa cũng là khinh, cho nên người quân tử không thấy người giàu sang mà muốn, không thấy mình nghèo hèn mà sợ, “Bỉ dĩ kỳ phú, ngã dĩ ngô nhân, bỉ dĩ kỳ tước, ngã dĩ ngô nghĩa, ngô hà khiểm hồ tai! 彼以其富,我以吾仁;彼以其爵,我以吾義,吾何慊乎哉!: Kẻ kia cậy ở cái giàu có của nó, ta đây cậy ở cái nhân của ta, kẻ kia cậy ở cái tước của nó, ta đây cậy ở cái nghĩa của ta, có điều gì bất mãn vậy thay!” (Công Tôn Sửu, hạ). Người quân tử tôn quý cái đạo, chứ không chuộng cái thế lực. “Lạc kỳ đạo nhi vong nhân chi thế 樂其道而忘人之勢: Vui về cái đạo của mình mà quên cái thế lực của người ta” (Tận tâm, thượng).

Người ta phải biết thế nào là nhân, thế nào là nghĩa. “Nhân giai hữu sở bất nhẫn, đạt chi ư kỳ sở nhẫn, nhân dã; nhân giai hữu sở bất vi, đạt chi ư kỳ sở vi, nghĩa dã 人皆有所不忍,達之於其所忍,仁也;人皆有所不為,達之於其所為,義也: Người ta ai cũng có điều bất nhẫn, đem điều bất nhẫn ấy mà thi ra ở những điều mình sở nhẫn, thế là nhân; người ta ai cũng biết có điều không nên làm, đem điều ấy mà thi ra ở những điều mình làm, thế là nghĩa” (Tận tâm, hạ). Hễ biết rõ nhân, rõ nghĩa, thì cứ tùy thời, tùy cảnh ngộ mà hành động cho hợp đạo, chứ không phải là cổ nhân làm thế nào cứ làm như thế mới được: “Quân tử diệc nhân nhi dĩ hỹ, hà tất đồng 君子亦仁而已矣: Người quân tử chỉ có theo đạo nhân mà thôi, hà tất phải giống nhau?” (Cáo tử, hạ).

Cái đức của người quân tử to lớn mênh mông, cho nên: “Quân tử sở quá giả hóa, sở tồn giả thần, thương hạ dữ thiên địa đồng lưu 君子所過者化,所存者神,上下與天地同流: Quân tử đi đâu là hóa được người ta, làm điều gì là thần diệu, trên dưới cùng đồng lưu với trời đất” (Tận tâm, thượng). Người quân tử phải có lòng tin ở đạo để làm chuẩn đích cho sự hành vi của mình. “Quân tử bất lượng, ô hồ chấp? 君子不亮,惡乎執?: Người quân tử không có lòng tin, thì giữ cái gì làm cốt?” (Cáo tử hạ). Người quân tử đã có lòng tin ở đạo, thì dẫu chết cũng không bỏ. “Sinh diệc ngã sở dục dã, nghĩa diệc ngã sở dục dã. Nhị giả bất khả đắc kiêm, xả sinh nhi thủ nghĩa giả dã 生,亦我所欲也;義,亦我所欲也。二者不可得兼,舍生而取義者也: Cái sống ta cũng muốn, điều nghĩa ta cũng muốn. Giá ta không thể giữ được cả hai, thì ta bỏ cái sống mà giữ lấy điều nghĩa vậy” (Cáo tử, thượng). Người quân tử cứ hết lòng theo đạo mà ở đời, được thế nào đã có Trời. “Quân tử hành pháp dĩ sĩ mệnh nhi dĩ hỹ 君子行法,以俟命而已矣: Quân tử theo phép của trời đất mà làm để đợi mệnh mà thôi” (Tận tâm, hạ).

Đại để, sự học của Mạnh Tử chủ giữ lấy bản tâm cho tinh thuần, không để tư dục làm mai một mất cái tính chí thiện của Trời đã phú cho. Kẻ học giả theo được cái tông chỉ ấy là thành người quân tử có cái đức lớn, hiểu rõ thiên lý chí công, chí chính và cứ an ở cái mệnh mà làm việc nghĩa. Cái mục đích của sự học ấy, cốt gây thành cái tâm học rất sâu xa và có cái đức tính rất mạnh mẽ, khiến người ta ở vào địa vị nào, hay cảnh ngộ nào, cũng giữ được phẩm giá tôn quý, không phụ cái tiếng làm người đứng trong trời đất.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt