Triết học Đông phương

Tổng quan học thuyết Lão Tử

 

TỔNG QUAN HỌC THUYẾT LÃO TỬ

 

Thu Giang

NGUYỄN DUY CẦN

 


Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Lão Tử tinh hoa. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.


 

Đạo Đức Kinh, theo nhiều học giả Đông Phương cũng như Tây Phương, là một quyển sách thuộc về Tâm linh Đạo học, dành cho những người đi theo con đường Huyền Học và siêu thoát.

Nhưng theo một cách khách quan, ta phải nhìn nhận rằng Đạo Đức Kinh, trước hết, là một quyển sách dường như viết ra để kêu gọi các nhà cầm quyền và chánh khách dùng Đạo mà trị nước. Lão Tử thực ra là một hiền giả đã cố gắng đem Đạo học vào chánh trị, do những kinh nghiệm tâm linh của ông mà lập thành một hệ thống triết học. Lịch sử nhân loại cận đại, chỉ thấy có một Gandhi là người duy nhất đã cố gắng đem áp dụng đạo học vào chánh trị, nhưng tiếc thay, ông mất trong lúc công cuộc thực nghiệm chính sách bất tranh nhi thiện thắng” đang thành công trong bước đường đầu.

Có kẻ cho rằng Lão Tử không siêu thoát bằng Trang Tử. Nói thế không đúng. Thực sự thì trong Đạo Đức Kinh, ta thấy Lão Tử ít nói về vấn đề siêu thoát, mà bàn rất nhiều về phương trị nước, tức là về phần chính trị. Sở dĩ Lão Tử ít nói đến phần tâm linh siêu thoát, chẳng phải vì ông không biết sự quan trọng của vấn đề ấy, mà vì ông muốn đem Đạo vào chánh trị, mục đích duy nhất của ông trong khi trước tác. Cho nên, có người khuyên ta nên đọc Trang trước Lão sau, thiết nghĩ cũng không phải là không có lý do chánh đáng. Người muốn áp dụng được phương pháp “Vô vi nhi trị” hay “Dĩ bất trị, trị thiên hạ” cần phải trước nhất thực hiện được ít nhiều cái Đạo nơi mình, nghĩa là cần phải là một bậc chân nhân “vô kỷ, vô công, vô danh” tức là người không còn tư tâm tư dục nữa. Đọc Trang trước Lão sau, tức là thực hiện Đạo theo từng giai đoạn: tự giác nhi giác tha. Hai học thuyết ấy bổ túc cho nhau. Trước phải “thoát tục” rồi sau mới “hoàn tục” để mà cứu dân cứu nước. Dù là Thích Ca hay Jesus cũng không làm khác hơn.

 

A. Đạo là gì?

Có lẽ Lão Tử là người đầu tiên trong các triết gia Trung Quốc đã dùng chữ Đạo 道 để chỉ cái nguyên lý tuyệt đối của Vũ Trụ đã có từ trước khi khai thiên lập địa, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm. Đạo có thể quan niệm dưới hai phương diện:  無 và Hữu 有. Vô, thì Đạo là nguyên lý của trời Đất, nguyên lý vô hình. Hữu, thì Đạo là nguyên lý hữu hình, là Mẹ sinh ra vạn vật: Vô danh thiên Địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu (無名天地之始, 有名萬物之母).

Đạo, là một nguyên lý hoàn toàn huyền diệu siêu hình và bất khả tư nghị. Người ta không thể định danh nó, cho nên gượng mà dùng đến danh từ ấy để tạm chỉ định. Hễ dùng đến danh từ để chỉ định, tức là vật được chỉ định đã bị hạn định, cho nên dùng đến danh, là chỉ để áp dụng cho những phần tử của Đạo bị “phá” ra mà thôi. Nghĩa là chỉ để ám chỉ một khía cạnh nào, một bề mặt hay bề trái nào của cái Đạo Một, cái Đạo “không thể phân chia”.

Cho nên muốn được Đạo, không còn thể dùng đến Lý trí, hiểu biết bằng sự so sánh, mà chỉ có thể hiểu biết được khi nào chính mình thực hiện được nó nơi bản thân: “Đạo mà nói ra được, không còn phải là Đạo “thường” nữa, Danh mà gọi ra được, không còn phải là Danh “thường” nữa” (道可道非常道, 名可名非常名) (chương 1).

Như vậy, định cho Sự vật một cái tên (名) đó chỉ làm cho ta lìa xa với cái “chân diện mục” 真面目 của chúng, tức là cái Chân lý toàn diện của sự vật.

Trong giới sắc tướng, thẩy đều biến động không dừng, không có sự vật nào mà không thay đổi hoặc mau hoặc chậm. Hay nói một cách khác, sự vật là vô thường 無常. Bởi vậy hạn định nó trong một danh từ “tịnh” là sai. Ở đây ta thấy Lão Tử chống lại với thuyết “chính danh” của Khổng Tử, và đề xướng thuyết “Vô danh”. Nghĩa là Lão Tử quan niệm sự vật trong đời theo sự “thực hiện” của sự vật, nghĩa là cái nhân sinh quan của ông là nhân sinh quan động (dynamique), không còn phải là nhân sinh quan tịnh (statique) nữa.

Không có một danh từ nào, không có một ý tưởng nào, cũng không có một sự phán đoán về giá trị nào mà có thể gọi là Tuyệt đối cả. Thảy đều tương đối, nghĩa là bao giờ cũng có phần đối đãi của nó, tốt và xấu, thiện và ác, thị và phi, dài và ngắn, cao và thấp…

Hữu vô tương sanh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thinh tương hòa, tiền hậu tương tùy” (有無相生, 難易相成, 長短相形, 高下相傾, 音聲相和, 前後相隨) (chương 2).

Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ” (天下皆知美之為美, 斯惡已; 皆知善之為善, 斯不善已).

(Thiên hạ đều biết tốt là tốt, thì đã có xấu rồi. Đều biết lành là lành, thì đã có cái chẳng lành rồi).

Cặp tương đối ấy luôn luôn nằm sẵn trong mọi sự mọi vật, và bất cứ trong đời sống ta lúc nào cũng thấy nó hiện lên và thường gây cho lòng ta nhiều tranh chấp vì mâu thuẫn. Ta há không nhận thấy rằng lòng ta là cả một cái gì “mâu thuẫn” hay sao? Vừa thương mà cũng vừa không thương, vì trong thâm tâm ta cảm thấy mất tự do khi bắt đầu yêu ai một cách tha thiết. Biết bao lần khi lòng thì thuận, mà miệng thì chối từ, hoặc miệng thì “ừ”, mà lòng không thuận! Cái gì đã khiến cho ta vừa cười vừa khóc, và tiếng khóc tiếng cười thường lại giống nhau?… Phải chăng vì cảm xúc của ta mà lên đến cực độ lại càng giống nhau không thể phân biệt, nhất là trong sự yêu ghét! “Thương nhau lắm, cắn nhau đau”: tình yêu tha thiết thường lại dường như giống với sự oán thù! Cho nên mới nói: “ghét là cái bề trái của cái thương” và thương ghét, tựu trung là một. Đời sống nội tâm của con người khi Đạo bị chia lìa là một bầu “mâu thuẫn”, và vì thế “Sống là khổ”, bởi “thương” là khổ mà “ghét” cũng khổ. Và chỉ khi nào lòng ta không còn chia rẽ nữa, trở về sống được trong cái Sống Một, thì mới mong giải quyết được vấn đề phân chia Nhĩ Ngã.

Cho nên, đó là cái học chạy theo thị phi, thiện ác, cái học chi li phân tán, cái học nhị nguyên, cái học mà người muốn trở về với Đạo phải “vứt bỏ”. Chương 20 có viết: “Tuyệt học vô ưu, duy chi dữ a, tương khứ kỷ hà? Thiện chi dữ ác, tương khứ nhược hà?” (絕學無憂, 唯之與阿, 相去幾何? 善之與惡, 相去若何?). Lão Tử khuyên ta, nếu muốn được Đạo, đừng có nhìn sự vật bằng cập mắt nhị nguyên chia phân nhĩ ngã, mà phải nhìn thấy thẩy đều là Một. Con người mà càng chạy theo cái học phân tán sẽ bị tâm hồn rối loạn vì hay phân biệt và biện biệt.

Cũng vì nhìn đời với cập mắt nhị nguyên nên gặp phúc thì mừng, gập họa thì buồn, mà không hay rằng phúc đấy họa đấy cũng không chừng, hay họa đấy phúc đấy cũng biết đâu! “Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề học chi sở phục" (禍兮福之所倚, 福兮禍之所伏) (Chương 58). Ôi! Phúc rồi họa, họa rồi phúc… sự vật bao giờ cũng phản biến. Nghĩa là hễ biến, thì biến thành cái đối đích của nó. Tục ngữ của dân gian có câu: “Nay cười, mai khóc”. Và có nhận rõ được cái luật phản biến ấy của sự vật trên đời, thì được không nên vội mừng, mất không nên vội buồn… Nhờ vậy mà lòng mới bình tĩnh thản nhiên trước mọi biến cố của cuộc đời.

Cái mà Lão Tử chống đối là sự nhìn cuộc đời bằng Lý Trí, tức là nhìn cuộc đời bằng khối óc chia phân Thiện Ác, Vinh Nhục, Thị Phi, Cao Thấp… Cho nên, muốn được Đạo, muốn có hạnh phúc thật sự, phải bỏ cái óc chia phân sự vật, mà Lão Tử gọi là “giải kỳ phân” (解其分) để mà thấy được sự “huyền đồng” (玄同) của tất cả sự vật.

Cái lập trường chống Lý trí của Lão Tử, là do nơi kinh nghiệm thuần túy tâm linh của ông. Tri thức không bao giờ đạt đến cái lẽ Tuyệt đối. Nguyên lý cùng tột của Vũ trụ Vạn Vật, tức là Đạo. Cho nên, những kẻ dùng đến Trí để mà hiểu Đạo là người Ngông. Đó là ông chống đối cái học la tập, cái học chủ Trí của người đời. Bậc Thánh nhân sở dĩ đạt đến trạng thái Tuyệt đối chỉ vì nhờ biết rõ mình là kẻ mắc cái “bệnh” nhị nguyên, cái “bệnh” phân tán, nên phòng ngừa mà tỉnh ngộ: “Phù duy bệnh bệnh, thị dĩ bất bệnh” (夫唯病病, 是以不病) (chương 71). Phương pháp giải thoát, theo Lão Tử, là phương pháp tiêu cực: đừng sa vào cái tập niệm nhị nguyên, tức là gần được với Đạo rồi đấy. Và như vậy, cái mà theo Lão Tử gọi là cái học cao nhất lại giống như sự ngu dốt. Chương 45 ông nói: “Đại trực nhược khuất, đại xảo nhược chuyết, đại biện nhược nột” (大直若屈, 大巧若拙, 大辯若訥). Hai chữ “dường như” cần phải nên chú ý. Dùng lời nói danh từ của giới nhị nguyên để diễn tả cái mà ta không thể phân chia (là Đạo) thật là một việc rất khó. Bởi vậy, Lão Tử thường phải mượn lối nghịch thuyết để nói về chân lý. Như khi ông nói: “Hữu sinh ư Vô” 有生於無hoặc “đại thành nhược khuyết” 大成若缺, “đại doanh nhược xung” 大盈若沖. Và đây là lối mà các đại triết gia biện chứng Tây Phương cũng thường dùng để miêu tả cái chân lý “động” và “trở nên” không phút nào im lặng, như Heraclite (Hy Lạp), trong câu: “Những cuộc đại thắng là những cuộc đại bại[1].

Câu “đại doanh nhược xung” (đầy tràn, lại dường như trống không) là chỗ mà Lão Tử muốn bảo Đạo trùm lắp Trời Đất Vũ Trụ, nhưng không làm sao thấy được, nên gần như “không có” gì cả. Để diễn tả cái chỗ “không không” đó và công dụng của nó, ở chương 11, ông ví nó như cái ổ trục” của bánh xe, cái khoảng “không” của chén bát, cái chỗ “trống” của buồng the: “Tam thập phúc, cộng nhất cốc, đương kỳ vô, hữu xa chi dụng. Duyên thực dĩ vi khí, đương kỳ vô, hữu khí chi dụng. Tạc hộ dĩ vi thất, đương kỳ vô, hữu thất chi dụng…” (三十輻, 共一轂, 當其無, 有車之用. 埏埴以為器, 當其無, 有器之用. 鑿戶牖以為室, 當其無, 有室之用. 故有之以為利, 無之以為用).

Đạo, thì hư vô, nhưng mà cái Đức của nó thì là nguồn gốc sinh ra trời đất vạn vật. Chữ Đức 德 ở đây có nghĩa là “mầm sống ngấm ngầm” theo nguyên nghĩa của nó, chứ không còn phải với cái nghĩa luân lý thông thường nữa. Thật vậy, ông nói: “Khổng Đức chi dung, duy Đạo thị tùng” (Dáng của Đức lớn, thì theo cùng với Đạo) 孔德之容, 惟道是從.

Một chỗ khác, ông nói: “Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng chi dục chi, đình chi độc chi, dưỡng chi phúc chi…” 道生之, 德畜之, 長之育之, 亭之毒之, 養之, 覆之…

Đạo thì sinh mà Đức thì nuôi nấng và đùm bọc. Bởi vậy mới thường gọi là Huyền tẫn 玄牝 (mẹ nhiệm mầu).

 

B. Cái Động của Đạo

Trời đất vạn vật do Đạo mà ra, nhưng rồi đều trở về với Đạo.

Chương 40 ông nói: “Phản giả đạo chi Động” 反者道之動 (Trở lại là cái động của Đạo). Đó là con đường đi về. Còn con đường đi ra thì “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bảo Dương. Xung khí dĩ vi hòa” 道生一, 一生二, 二生三, 三生萬物. 萬物負陰而抱陽, 沖氣以為和 (Đạo sinh Một, Một sinh Hai, Hai sinh Ba, Ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không vật nào mà không cõng Âm và bồng Dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa nhau).

Nhất đây, là cái thể duy nhất của Đạo. Nhị, là trỏ vào hai khí âm dương, tức là hai nguyên lý mâu thuẫn nhau, nhưng bổ túc nhau đồng có ở trong mỗi vật, và vì thế mới có nói “trong vạn vật không vật nào không cõng âm và bồng dương”. Giữa sự xô xát, xung đột nhau của hai nguyên lý mâu thuẫn ấy, lại có Một cái nắm giềng mối và làm cho nó phải sống chung và dung hòa với nhau mà không thủ tiêu nhau, cái đó là nguyên lý thứ ba; cái mà Lão Tử gọi là cái Dụng của Đạo. “Xung khí dĩ vi hòa” (沖氣以為和). Tức là cái nguyên lý làm cho cái khí xung đột giữa hai nguyên lý mâu thuẫn kia điều hòa với nhau. Đến khi được cái số Ba đó, thì vạn vật mới thành hình, nên mới gọi là “Tam, sinh vạn vật” (三, 生萬物).

Như vậy, ta thấy rằng Lão Tử có thể đã căn cứ vào Dịch học: “Thái cực sinh lưỡng nghi” để lập thành cái học “Nhất sinh Nhị” của ông. Nhưng ông chỉ mượn cái Đạo “đi ra” của Dịch, vì Dịch chủ trương Âm Dương để diễn tả cái Đạo biến đổi mà thôi. Lão Tử nhân đó, bàn về cái đạo “trở về” (phản phục), nghĩa là ông vượt cái học nhị nguyên của Dịch để chủ trương cái Đạo “quy Chân phản Phác” 歸真反樸. Theo Lão Tử, vạn vật đều động chuyển theo hai khuynh hướng nghịch nhau: Đi Ra, rồi Trở Về. Chương 16 ông nói: “Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn…” 萬物並作, 吾以觀復. 夫物芸芸, 各復歸其根…

(Vạn vật cùng đều sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc; ôi, mọi vật trùng trùng, đều trở về cội rễ của nó). Mà trở về cội rễ, tức là trở về gốc Tịnh của nó (tức là trở về với Vô Vi): “Quy căn viết Tịnh, thị vị viết Phục Mạng, Phục Mạng viết Thường” 歸根曰靜, 是謂復命. 復命曰常. “Trở về cội rễ, gọi là Tịnh, ấy gọi là Phục Mạng. Mà Phục Mạng gọi là Thường”. Thường 常 tức là Đạo 道 vậy.

Nhân quan niệm về chữ “Thường”, tức là một cái gì bất di bất dịch nắm cả giềng mối Vạn Vật Vũ Trụ, nên Lão Tử mới nghĩ đến một cái gì như là một thứ Định Mạng trong sắc giới: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất” 天網恢恢, 疏而不失. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà chẳng lọt. “Lưới trời”, tức là cái luật tự nhiên mà không vật nào trong Vũ Trụ thoát khỏi. “Thiên Đạo vô thân” 天道無親 Đạo trời không thân ai cả (Chương 79).

Trong tất cả các luật của Tạo Hóa, thì cái luật lớn nhất và quan trọng nhất là luật “Phản Phục” 反復: hễ: “Vật cùng tắc phản”, “Vật cực tắc biến”…

Chương 25 nói: “Thệ viết viễn, viễn viết phản” (逝曰遠, 遠曰反). Nghĩa là mỗi vật, khi mà đi đến cực độ thì phải biến; mà biến, thì lại biến trở về cái đối đích của nó. Phải biến Quấy, Nên biến Hư, Sống biến Chết, Lạnh biến Nóng, Vinh biến Nhục, Thiện biến Ác… hoặc trái ngược lại.

Đó là một cái luật “Thường” 常, bất di bất dịch của Tạo Hóa: Cái gì lên cao, thì xuống thấp. Cho nên “hòng muốn thu rút, là sắp mở rộng đó ra, hòng muốn làm yếu đó, là sắp làm đó mạnh lên, hòng muốn vứt bỏ đó, là sắp làm hưng khởi đó, hòng muốn cướp đoạt đó, là sắp ban thêm cho đó. Ấy là ánh sáng huyền vi, mềm yếu thắng cứng mạnh” 將欲歙之, 必固張之. 將欲弱之. 必固強之. 將欲廢之, 必固興之. 將欲奪之, 必固與之. 是謂微明. 柔弱勝剛強 (Tương dục hấp chi, tất cố trương chi. Tương dục nhược chi, tất cố cường chi. Tương dục phế chi, tất cố hưng chi. Tương dục đoạt chi, tất cố dữ chi. Thị vị vi minh, nhu nhược thắng cương cường) (chương 36).

Tóm lại, những câu như: “Ít thì lại được, nhiều thì lại mê” 少則得, 多則惑 (thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc) (Chương 22); “Gió lốc không thổi suốt một buổi mai. Mưa dào, không mưa suốt một ngày trường..” 飄風不終朝, 驟雨不終日 (Phiêu phong bất chung triêu, sậu vũ bất chung nhật) (Chương 23); “Cái rất mềm của thiên hạ, thắng cái rất cứng trong thiên hạ” 天下之至柔馳騁天下之至堅 (Thiên hạ chi chí nhu, trì sính thiên hạ chi chí kiên). (Chương 43); “Bớt là thêm, thêm là bớt” 損之而益, 益之而損 (Tổn chi nhi ích, ích chi nhi tổn) (chương 42)… đều là do cái luật Phản Phục 反復 mà ra cả! Nhưng đối với người thường, thì lại thấy rất là trái ngược, mâu thuẫn! Bởi vậy, ở chương 41, Lão Tử mới nói: “Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi” 下士聞道大笑之. Kẻ sĩ bậc thấp mà nghe nói đến Đạo, sẽ cả cười mà bỏ qua!

Tuy vậy, nếu bảo rằng “vật cực tắc phản” thì chữ cực 極 đây phải hiểu như thế nào? Đâu là chỗ cùng cực của mỗi vật? Không thấy Lão Tử bày giải chỗ nào cả. Không nói ra, có lẽ là vì Lão Tử hiểu rằng mọi vật, vật nào cũng có cái cùng tận của nó, không có một mực độ cùng tận nào có thể làm mực độ chung cho vạn sự vạn vật trong đời. Cho nên ông mới nói: “Tri túc chi túc thường túc hĩ” 知足之足常足矣. Biết đủ trong cái đủ, thì luôn luôn đủ. Cái gọi là đủ, không thể giống nhau đối với mọi người. Có khi cái mà người này thấy đủ, lại không đủ với người kia: hoàn cảnh, địa vị, sức khỏe, lớn nhỏ, thời buổi… đều khác nhau, không sao đưa ra một số lượng nào gọi là số lượng mẫu và đầy đủ cho cho tất cả mọi người mọi vật. Cái đủ của người mạnh không giống với cái đủ của người yếu. Cái vừa đủ đối với người khỏe, không còn là cái vừa đủ nữa đối với người đau, và ngay đối với chính bản thân của mình cũng vậy, cái mà hôm nay cho là đủ, ngày mai sẽ là thiếu không chừng! Lấy ngay trong việc ăn uống cũng đủ thấy rõ: cái mà ta thường gọi là món ăn vừa đủ cũng phải tùy… tùy tuổi tác, tùy sức khỏe, tùy chất bổ nhiều ít của món ăn, không sao nhất luật đặng.

Đó là những cái mà Lão Tử gọi là “Thường” 常, nghĩa là bất biến, và luôn luôn đúng với tất cả vạn vật. Cho nên người sáng suốt phải là người thông suốt những cái luật ấy mà tuân theo: “Tri thường viết minh” 知常曰明 (Kẻ nào biết những luật “Thường” ấy là người sáng suốt).

Và trái lại, kẻ nào không biết đến nó, sẽ bị tai họa suốt đời: “Bất tri thường, vọng tác hung” 不知常, 妄作凶. Không biết Đạo “thường” ấy, là gây hung họa (cho mình). Cho nên ai mà được Đạo “thường” ấy, suốt đời không nguy: “một thân bất đãi” 没身不殆 (Chương 16).

 

C. Huyền Đồng 玄同

Trong khi nói Đạo là mẹ nuôi của muôn loài: “Hữu danh vạn vật chi mẫu” 有名萬物之母, ta thấy hình ảnh của một Bà Mẹ là đầu mối của học thuyết Lão Tử, và Lão Học là là cái học chú trọng về phần Âm. “Thiên hạ có nguồn gốc, dùng làm Mẹ của thiên hạ. Hễ giữ được Mẹ, thì biết được con. Đã biết được con, trở về với Mẹ: thân đến chết không nguy” 天下有始, 以為天下母. 即得其母. 以知其子, 即知其子, 復守其母, 沒身不殆 (Thiên hạ hữu thủy, dĩ vi thiên hạ mẫu. Ký đắc kỳ mẫu, dĩ tri kỳ tử. Ký tri kỳ tử, phục thủ ký mẫu. Một thân bất đãi) (Chương 52).

Đã biết được con, trở về với Mẹ”, là nghĩa làm sao? “Con” đây là ám chỉ vạn vật. Sau khi cái học của mình về cái học trục vật mà đi đến cùng tột rồi thì con người lại “trở về với Đạo” (復守其母). Cũng như văn minh vật chất mà đến mức tột cùngt rồi, bèn sẽ xoay về tinh thần. Bởi vậy mới có người bảo rằng cái học nguyên tử ngày nay của Tây Phương “trở lại” gặp gỡ với Huyền học của Đông phương. Vấn đề đồng nhất của Tâm và Vật, Vật chất và Tinh thần… trước những phát minh về nguyên tử lực không còn phải là một vấn đề siêu hình nan giải nữa.

Cái số kiếp con người, cũng như của vạn vật là sớm muộn phải “trở về với Đạo”: “các phục quy kỳ căn” 各復歸其根 (mọi vật trùng trùng, đều trở về với cội rễ của nó cả). Trở về được với Đạo, thì người ta mới được” trường cửu”, hay nói một cách khác, người ta mới thực hiện được cái Chân Tánh của mình, tức là cái mà Lão Tử gọi “Tử nhi bất vong” 死而不亡 (Ch.33).

Nhưng làm sao thực hiện được sự Huyền Đồng ấy với Đạo? Phải “kiến tố, bảo phác”, và “thiểu tư, quả dục”, nghĩa là trở về với đời sống giản dị tự nhiên, ít tư riêng, ít tham dục. Công việc này chỉ là bước đường đầu: con đường “tâm trai”, gột sạch lòng vị kỷ đủ mọi phương diện: “Vi Đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư Vô Vi” 為道日損, 損之又損, 以至於無為 (48) (Theo Đạo, càng ngày ngày càng bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi). Vô Vi đây là vô dục vậy. Phải dứt bỏ: dứt bỏ cả lề lối suy tư theo “la tập” nhị nguyên, dứt bỏ cả lòng ham muốn riêng tư, dứt bỏ cả cái học trục vật, chạy theo danh lợi bên ngoài… Dứt bỏ cả cái lòng đèo bòng tham muốn theo những tánh phận bên ngoài… Tóm lại, phải dứt bỏ cái “ta” nhân tạo, giả dối để trở về với cái “ta” đồng nhất với Đạo, trở về “thanh tĩnh” và “vô vi”.

Khi mà giai đoạn đầu này được thực hiện đầy đủ, thì mới bước qua giai đoạn” ngộ Đạo”. Hễ “trí hư cực, thủ tĩnh đốc” 致虛極, 守靜篤. Bấy giờ mới có thể “hoát nhiên đại ngộ” 豁然大悟!

Lão Tử không thấy nói về giai đoạn này, vì ông cho rằng “tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri" 知者不言, 言者不知 nhưng ông chỉ cho ta biết rằng trong cái trạng thái “huyền đồng” ấy, tất cả mọi sự mọi vật đều hòa lẫn nhau không còn thấy riêng tư, phân biệt nữa. Trước con mắt của người đã thực hiện được sự huyền đồng, thì tất cả đều là Một. “Giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần – thị vị Huyền Đồng” 解其紛, 和其光, 同其塵. 是謂玄同 (Bỏ chia phân, hòa ánh sáng, đồng bụi bậm, ấy gọi là Huyền Đồng). Trong những câu như: “Đại phương vô ngung, đại khí vãn thành,đại âm hi thanh, đại tượng vô hình” 大方無隅, 大器晚成, 大音希聲; 大象無形 (Vuông lớn, không góc; chậu lớn muộn thành; âm lớn, ít tiếng; tượng lớn, không hình) (Ch.41); hoặc: “kỳ thượng bất kiểu, kỳ hạ bất muội”… “vô vật chi tượng, thị vị hốt hoảng”… “nghinh chi bất kiến kỳ thủ, tùy chi bất kiến kỳ hậu”… vân vân… đều là những chân lý mà ông gượng miêu tả trong những khi huyền hóa, tức là những lúc ông “kiến độc” và “tiêu triệt”.

Sự “huyền đồng” với Đạo mưu cho con người được một sự yên tĩnh và khoan khoái tâm hồn mà không còn có một khoái lạc nào khác trên đời so sánh kịp… Không phải là một thứ vui sướng, nhưng là một cái gì nhẹ nhàng lâng lâng khác thường mà chỉ có ai đã “nếm” qua mới ý thức được đôi phần. “Đạo chi xuất khẩu… đạm hồ ký vô vị. Thị chi bất túc kiến, thính chi bất túc văn, dụng chi bất túc ký” 道之出口, 淡乎其無味, 視之不足見, 聽之不足聞, 用之不足既 (Đạo ra cửa miệng, lạt lẽo vô vị, nhìn không đủ thấy, lắng không đủ nghe, nhưng mà dùng nó không hết) (Ch.35). Mùi vị của Đạo, đối với những khoái lạc nồng nhiệt trong đời, thì thấy như là lạt lẽo vô vị, “nhìn không đủ thấy, lắng không đủ nghe”, nghĩa là không thể nào tả được.

Sự “huyền đồng” với Đạo có đem lại cho con người quyền lực nào chăng? Có làm cho người được pháp lực phi thường nào không? Đó là thắc mắc của số đông người học Lão Trang tự hỏi. Bởi vậy, về sau để trả lời câu hỏi ấy, nhóm Đạo gia mới bày ra những câu chuyện Thần Tiên, trong đó Lão Tử được tôn làm Thái Thượng Lão Quân, và Trang Tử được tôn làm Nam Hoa Đại Lão Chân Tiên.

Thực ra vấn đề này không thấy Lão Tử bàn đến, người ta chỉ biết Lão Tử đặt kẻ “đắc” đạo như một “đứa anh nhi” tuy không làm gì cả mà “độc trùng không cắn được, thú dữ không ăn được, ác điểu không xớt được” 含德之厚, 比於赤子. 毒蟲不螫, 猛獸不據, 攫鳥不搏 (Ch.55). Toàn là những lời nói bóng mà ta phải hiểu như thế này: người đã được Đạo, giống cái đức của trẻ sơ sinh “kẻ mà đức dày giống như con nhỏ” 含德之厚 比於赤子. Chữ “xích tử” đây là ám chỉ cái tâm trạng của đứa trẻ sơ sinh, không dục vọng, bình thản đối với ngoại vật, nên ngoại vật không động được tâm và làm thương sinh. Cho nên mới nói “độc trùng không cắn được”…

Những danh từ hư ảo, mập mờ ấy khiến người ta hiểu lầm và cho là “quyền phép lạ lùng”, nhân đó mới có việc tin tưởng bâng quơ sau này của phái “thần tiên”… Tuy vậy, kẻ “huyền đồng” được với Đạo, dù không biết được họ có quyền lực gì khác người chăng, song chắc chắn họ sẽ không giống người đời, từ tư tưởng, tình cảm và hành vi. Và chắc chắn họ là người không còn đau khổ nữa, vì chỉ có Bản Ngã mới là nguồn gốc của đau khổ mà thôi. Mà kẻ huyền đồng với Đạo là người không còn sống cho mình nữa!

Làm cách nào để nhận biết một người đã bắt chước Đạo? Đã theo con đường của Đạo? Lão Tử nói: “Lời nói của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm. Thế mà, thiên hạ không ai hiểu, không ai làm” 吾言甚易知, 甚易行. 天下莫能知, 莫能行 (Ch.70).

Tại sao dễ hiểu, dễ làm – mà thiên hạ phần đông lại không chịu hiểu, không chịu làm? Phải chăng vì làm theo Đạo, thì lại chạm đến lòng vị kỷ của mình, nên không ai muốn làm?

Theo Đạo thì phải biết “dừng”, biết “đủ”, mà lòng vị kỷ thì không biết sao “dừng” được dù Lão Tử thường căn dặn “họa mạc đại ư bất tri túc”! 禍莫大於不知足! Cho nên theo Đạo, khó!

Theo Đạo thì phải biết” làm mà không cậy công, công thành rồi không nên ở lại, không để cho ai thấy cái tài hiền của mình”. (Vi nhi bất thị, công thành nhi bất xử, bất dục kiến hiền). Mà tình đời thì làm ít lại muốn hưởng nhiều, chỉ sợ người khác không biết ân, cho nên làm 1 mà kể công 10, công thành rồi thì ở mà hưởng, hưởng đến đời con, đời cháu cũng chưa vừa lòng, suốt đời chỉ lo sợ không ai biết đến tài hay trí cả của mình! Cho nên theo Đạo càng khó!

Theo Đạo thì phải “như cây cung mà giương lên: chỗ cao thì ép xuống, chỗ thấp thì nâng lên (có dư thì bớt đi, không đủ thì bù vào). Bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu”. 天之道其猶張弓與: 高者抑之, 下者擧之. 有餘者損之, 不足者補之. 天之道損有餘而補不足 (Ch.77). Nhưng mà lòng của nhân thế thì sao? “Đạo của người thì không vậy, bớt chỗ thiếu, bù chỗ dư!” (人之道則不然, 損不足以奉有餘). Thường hay vị thân, vị kỷ, kết phe với kẻ đắc thời, cầu thân với người đắc thế… để dựa vào đó mà bóc lột, lợi dụng những kẻ vô cô, bất hạnh! Cho nên theo Đạo rất khó!

Theo Đạo, thì phải hạ mình, làm kẻ thấp, sống trong bóng tối, “không tự xem mình là sáng… không tự cho mình là phải… không tự hào và khoe khoang” 不自見… 不自是… 不自伐… 不自矜… (Ch.22), như vậy, thì cái lòng “hiếu danh” chỉ suốt đời nơm nớp sợ không ai biết đến tên tuổi của mình và mong mỏi được “lưu danh ư hậu thế”, muốn cho ai ai cũng phải thờ kính và phục tùng theo cái lẽ phải của mình vì “đời đục cả, một mình ta trong”, “đời say cả, một mình ta tỉnh”… phải dựa vào đâu mà tồn tại? Cho nên theo Đạo thật là vô cùng khó vậy!

Lại nữa, theo Đạo phải biết “dĩ đức báo oán” 以徳報怨 (Ch.63), và phải biết “với kẻ lành, thì lấy lành mà ở, với kẻ chẳng lành, cũng lấy lành mà ở, với kẻ thành tín, thì lấy thành tín mà ở, với kẻ không thành tín, thì cũng lấy thành tín mà ở 善者吾善之, 不善者吾亦善之 (…) 信者吾信之, 不信者吾亦信之 (Ch.49) – như vậy, thì làm sao mà hả được cái lòng căm thù của mình, và ít ra, nếu người ta “móc mình một con mắt” thì mình cũng phải biết “nằm gai nếm mật” để “ân” thì đền, mà “oán” phải trả, “móc họ lại một con mắt” mới hợp Công Bình chứ! Vậy thì, theo Đạo, quả là không thể nào làm được, đừng nói là khó làm!

Tóm lại, Đạo của Lão Tử không có gì là khó hiểu, khó làm… Người ta sở dĩ không chịu hiểu, không chịu làm, là vì tâm hồn con người quá hẹp hòi ích kỷ. Và vì vậy mà từ xưa đến nay, tiếng nói của ông, tuy xét theo Lý thì rất xác đáng, mà theo Tình thì không mấy ai chịu làm theo! Cho nên Thích Ca mới bảo: “Đời là bể khổ!”, mà Lão Tử cũng đã phải than:

Người đời vui vẻ,

Như hưởng thái lao,

Như lên xuân đài,

Riêng ta im lặng,

Chẳng dấu vết chi,

Như trẻ sơ sinh,

Chưa biết tươi cười,

Rũ rượi mà đi,

Đi không chỗ về,

Người đời có dư,

Riêng ta thiếu thốn,

Lòng ta ngu dốt vậy thay,

Mỏi mệt chừ!

Người đời phân biện,

Riêng ta hỗn độn,

Điềm tĩnh dường tối tăm,

Vùn vụt dường không lặng,

Người đời đều có chỗ dùng,

Riêng ta ngu dốt, thô lậu,

Ta riêng khác người đời…

(Chương 20)”

 

D. Chính trị

Như đã nói trước đây, Đạo Đức Kinh sở dĩ viết ra là để cho những nhà trị nước, hay những kẻ sắp ra cầm quyền trị nước. Có lẽ vì mục kích hỗn trạng cực kỳ thê thảm thời Xuân Thu, Chiến Quốc mà Lão Tử, cũng như Khổng Tử, Mặc Tử cùng các Pháp gia thời ấy, cố ý đưa ra một giải pháp an bang tế thế. Thật vậy, ông nói: “dân chi cơ, dĩ kỳ thượng thực thuế chi đa, dân chi nan trị, dĩ kỳ thượng chi hữu vi; dân chi kinh tử, dĩ kỳ cầu sinh chi hậu” (民之飢, 以其上食稅之多, 民之難治, 以其上之有為, 民之輕死, 以其求生之厚) (Ch.75). Dân mà đói, là vì trên bắt thuế nhiều…, dân mà khó trị, là vì trên dùng đạo hữu vi…, dân mà coi thường cái chết, vì quá trọng cầu cái sống). Bởi vậy, dù có đem cái chết mà dọa dân chúng, cũng không ích gì cả, trong khi dồn họ vào nơi tuyệt vọng… (民不畏死, 奈何以死懼之?) “dân chi úy tử, nại hà dĩ tử cụ chi”. (Dân không sợ chết, làm sao lấy chết dọa đó!) (Ch.74).

Như vậy, ta thấy trị nước, Lão Tử chống lại với những hình phạt tru lục của Pháp gia thời đó. Ham sống, sợ chết là thiên tính của loài người. Nhưng làm cho dân không sợ chết nữa, là vì đã quá dùng cái chết mà sát phạt nó. Đó là một chân lý, dù mới xem dường như là trái ngược với lẽ thường.

Trong những chế độ hà khắc bạo ngược, hay dùng đến cực hình, dân chúng hàng ngày thường sống trong cảnh không có ngày mai… Thét rồi, họ không còn sợ chết nữa. Dân mà không còn sợ chết nữa, thì dùng cái chết mà dọa chúng có ích gì? Các nhà xã hội học ngày nay cũng chứng nhận rằng: cực hình càng tăng, số tội ác càng thêm!

Thời Chiến Quốc, giặc giã liên miên, người ta chết, thây nằm chật đất, bởi vậy, không có tai họa nào lớn trong đời bằng cái họa chiến tranh. Cho nên ông khuyên: “Kẻ lấy Đạo thờ vua không nên dùng đến binh mà bức thiên hạ” 以道佐人主者, 不以兵強天下 (Ch.30)

Đối với những tai họa đã kể trên, người trị nước phải làm cách nào? Đồng ý với Khổng Tử, Lão Tử cũng chủ trương cần phải có một bậc Hiền để cầm quyền thiên hạ. Nhưng người cầm quyền trị nước, theo Khổng thì có khác với người cầm quyền trị nước theo Lão. Trong khi theo Khổng thì người trị nước phải hành theo Đạo hữu vi, nghĩa là chế Lễ, tác Nhạc và “làm” rất nhiều… còn bậc trị nước theo Lão, trái lại, càng làm ít càng hay, và không làm gì cả lại càng tốt hơn! Là vì, theo Lão Tử: việc đời mà đa đoan, việc người mà rối rắm, chẳng phải vì những việc người ta đã lo cho đời quá ít, mà chính vì những việc mà người ta đã lo cho đời quá nhiều.

Ông nói: “thiên hạ đa kỵ húy, nhi dân di bần. Dân đa lợi khí, quốc gia tư hôn. Nhân đa kỹ xảo, kỳ vật tư khởi. Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu” (天下多忌諱而民彌貧, 民多利器 國家滋昏. 人多伎巧, 其物滋起; 法令滋彰, 盜賊多有) (Thiên hạ mà nhiều kiêng kỵ, thì dân chúng càng nghèo. Nhân dân nhiều lợi khí, thì nước nhà càng tối tăm. Người người nhiều tài khéo, vật lạ càng nẩy sinh. Pháp lệnh càng rõ rệt, trộm cướp càng sinh nhiều) (Ch.57).

Cho nên bậc Thánh nhân trị nước phải lo “đứt thánh bỏ trí, dân lợi trăm phần. Dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại thảo lành. Dứt xảo bỏ lợi, trộm cướp không có” (絕聖棄智, 民利百倍. 絕仁棄義, 民復孝慈. 絕巧棄利, 盜賊無有).”

"Một nơi khác ông cũng nói: “không tôn bậc hiền tài, khiến cho dân không tranh, không quý của khó đặng, khiến cho dân không trộm cướp, không phô điều muốn, khiến lòng dân không loạn. Vì vậy, cái trị của Thánh nhân là làm cho dân hư lòng, no dạ, an (yếu) chí, mạnh xương. Thường khiến cho dân không biết, không ham, khiến cho kẻ trí không dám dùng đến cái khôn của mình. Làm theo Vô Vi, ắt không có gì là không trị được” 不尚賢, 使民不爭. 不貴難得之貨, 使民不為盜. 不見可欲, 使 民心不亂. 是以聖人之治, 虛其心, 實其腹, 弱其志, 強其骨. 常使民無知無欲, 使夫智者不敢為也, 為無為, 則無不治 (Bất thượng hiền, xử dân bất tranh. Bất quý nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo. Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn. Thị dĩ Thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ cốt. Thường sử dân vô tri vô dục, sử phù trí giả bất cảm vi dã. Vi vô vi, tắc vô bất trị) (Chương 3).

Đó là dùng phương pháp tiêu cực, thủ tiêu mọi nguyên nhân gây lòng tham dục của con người trước hết, thì nó lấy đâu mà bùng cháy? “Bậc hiền tài” cũng như “của khó đặng”, là những cái mồi làm cho lòng dân sanh loạn. Nó có khác nào những chất củi khô làm bổi cho ngọn lửa tham dục dấy lên. Cho nên “trị loạn” sao bằng “phòng loạn”, rút củi ra thì lửa tắt đi.

Trẻ con, lòng ít tham dục, nên đời sống của nó còn tự nhiên chất phác, giản dị… Cho nên Lão Tử mới nói: “hàm đức chi hậu, tỉ ư xích tử” 含德之厚, 比於赤子, nghĩa là đem “kẻ đức dầy” mà ví với “đứa con đỏ” (Ch.55). Bậc thánh nhân trị nước, vì vậy, xem dân như đứa trẻ: “thánh nhân giai hài chi” 聖人皆孩之 (Ch49), và không làm cho nó “sáng”, mà làm cho nó “ngu”: “Cổ chi thiện vi Đạo giả, phi dĩ minh dân, tương dĩ ngu chi” (古之善為道者, 非以明民, 將以愚之) (Bậc Thánh nhân trị nước mà khéo thi hành Đạo, thì không làm cho dân sáng mà làm cho dân Ngu). Chữ “minh dân” và “ngu dân” ở đây không còn có cái nghĩa thông thường của nó nữa. “Minh dân” không có cái nghĩa là mở rộng óc thông minh, “ngu dân” cũng không có nghĩa là làm cho đầu óc con người trở nên ngu đần. Chữ “minh” đây, là “đa kiến xảo trá”, và chữ “ngu” đây là “thuần hậu thật thà”.

Cái đạo trị nước hay nhất để đem lại hạnh phúc cho nhân dân là đưa họ trở về 1 đời sống thật thà và giản dị.

 



[1] Les plus grandes victoires sont, en même temps, les plus grandes défaites (Héraclite).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt