Triết học xã hội

Ai nên cai trị? Mở đầu

MỤC LỤC

 

NHẬP MÔN TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ

 

AI NÊN CAI TRỊ?

 

Mở đầu

 

JONATHAN WOLFF

(Giáo sư, Đại học University College London)

BÙI XUÂN LINH dịch

 


Jonathan Wolff.  An Introduction to Political Philosophy. Oxford Oxfordshire: Oxford University Press. 2015. | Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Bùi Xuân Linh gửi cho triethoc.edu.vn


 

"Dân tộc Anh nghĩ mình được tự do; họ mắc phải sai lầm lớn lao; họ chỉ được tự do trong lúc bầu cử các Thành viên của Nghị viện; ngay sau khi những người này được bầu, họ bị biến thành nô lệ, họ không là gì cả. Việc họ sử dụng tự do của mình trong những khoảnh khắc ngắn ngủi mà họ có được biện minh đầy đủ cho việc họ đánh mất nó."

Rousseau, “Khế ước Xã hội”, trong Khế ước Xã hội và những trứ tác chính trị về sau ([1762], Cambridge: Cambridge University Press, 1997), t. III, ch. 15, 114.

 

Dù chúng ta có cảm thấy nhà nước được biện minh hay không, thực tế là chúng ta có một nhà nước. Và, từ vị trí lịch sử hiện nay của chúng ta, thật khó để thấy điều này đã từng có thể thực sự thay đổi như thế nào. Do đó, mọi người, ngay cả những người chủ trương vô chính phủ về mặt triết học, đều có sự quan tâm đến câu hỏi chúng ta nên có loại nhà nước và chính phủ nào. Chính phủ này phải như thế nào? Ai nên cai trị? Một giả định phổ biến là chỉ có một chế độ dân chủ mới có thể hoàn toàn chính đáng. Bất cứ điều gì khác – một chế độ chuyên chế, quí tộc, hay quân chủ tuyệt đối – đều thiếu sự biện minh. Nhưng chế độ dân chủ là gì? Có phải nó thực sự hấp dẫn đến như vậy?

Dân chủ, chúng ta được bảo, là chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Chính quyền vì dân là ý tưởng rằng chính quyền tồn tại vì lợi ích của các công dân của nó, chứ không phải vì lợi ích của các nhà cai trị. Các chính quyền dân chủ cai trị “vì quyền lợi của những người bị cai trị”, sử dụng những lời của Bentham. Nhưng rồi những loại chính quyền khác cũng có thể làm như vậy. Voltaire biện luận bênh vực cho “chế độ độc tài nhân đức”, trong đó một nhà chuyên chế được khai sáng, không cần phải tham khảo ý kiến của dân chúng, sẽ cai trị vì lợi ích của họ. Trái lại, chế độ dân chủ là, một cách hiển nhiên nhất, một hệ thống trong đó dân chúng cai trị: sự tự cai trị tập thể. Vì vậy, điều này là một giải thích về ý nghĩa của việc nói rằng dân chủ là chính phủ “vì dân” và “do dân”. Cụm từ đầu tiên trong bộ ba ban đầu – chính phủ “của dân” – mới đầu có vẻ là một ý tưởng khá trống rỗng: chính phủ không của dân sẽ như thế nào? Tình trạng vô chính phủ? Nhưng người ta nghĩ rằng một nhà nước dân chủ chỉ có quyền lực đối với những người tạo nên toàn bộ cử tri. Việc cai trị một giai cấp hoặc lãnh thổ phụ thuộc được cho là trái ngược với những lý tưởng thực sự của dân chủ.

Tất cả các lý thuyết gia hiện đại ít nhất cũng hoàn toàn đồng ý rằng chế độ dân chủ về lý tưởng nên thỏa mãn lời mô tả ba thành phần. Nhưng ngoài vấn đề này, có rất nhiều tranh cãi về ý nghĩa của dân chủ. Trong nền chính trị hiện đại tồn tại một giả định chung rằng dân chủ là một 'điều tốt'. Địa vị của chế độ dân chủ thường được coi là một phép thử quyết định cho tính hợp pháp của các chế độ. Nếu một chính phủ hay nhà nước bị cho là phi dân chủ, nó sẽ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Ngay cả từ “dân chủ” cũng được tranh cãi, và đã được áp dụng bởi các chế độ có vẻ không dân chủ. Sau Thế chiến II, khi nước Đức bị phân chia, những người Sô-Viết từng bắt buộc phân chia đã ngay lập tức tuyên bố Đông Đức là “Cộng hòa Dân chủ Đức”. Các lực lượng Đồng minh đã phải bằng lòng với tên “Cộng hòa Liên bang Đức” cho Tây Đức mặc dù, ít nhất đối với các nhà bình luận Tây phương, rõ ràng là nó rất gần với những lý tưởng dân chủ của họ.

Nhưng liệu chế độ dân chủ có thực sự xứng đáng với danh tiếng hiện nay của nó? Xét cho cùng, đối với phần lớn lịch sử loài người chế độ dân chủ đã bị hầu hết khắp nơi căm ghét. Nó đã phát triển rực rỡ trong các thời gian gần đây, và đã có một cuộc sống ngắn ngủi ở Cổ Hy Lạp – mặc dù trong một hình thức rất giới hạn – nhưng trong khoảng 2.000 năm ở giữa khó mà tìm thấy một quốc gia dân chủ. Nếu dân chủ thực sự hấp dẫn như thường được cho là vậy, tại sao quá nhiều nhà tư tưởng trong suốt dòng lịch sử đã bác bỏ nó?

Ngoài ra, không phải tất cả các lý thuyết gia hiện đại đều thấy chế độ dân chủ quá hấp dẫn. Họ không đến nỗi nghi ngờ giá trị của nó cho bằng phủ nhận tính mạch lạc của nó. Đôi khi người ta nói, “dân chủ” không phải là tên gọi của một hệ thống chính trị, mà là một thuật ngữ khen ngợi. Theo quan điểm này không có một lý thuyết mạch lạc duy nhất về dân chủ. Không có một hệ thống chính trị có thể được chấp thuận bởi tất cả những ai tuyên bố ủng hộ chế độ dân chủ.  

Loại chỉ trích này có thể là một sự cường điệu, nhưng không nghi ngờ gì là nó có một số cơ sở. Lý thuyết dân chủ chứa đựng những tình trạng căng thẳng nghiêm trọng, và sẽ có ích nều chúng ta thăm dò một số các vấn đề cơ bản nhất này trong việc hình thành lý thuyết dân chủ trước khi xem xét những lập luận ủng hộ và chống đối chính chế độ dân chủ. 

Một tình trạng căng thẳng trong lý thuyết dân chủ là giữa ý tưởng dân chủ như một hệ thống của “sự cai trị của đa số”, và ý tưởng dân chủ về “sự quan tâm đến các cá nhân”. Khi có ai đó, để phản đối, nói rằng nói rằng “Tôi nghĩ đất nước này được cho là một nền dân chủ”, thì điều cô ta thường muốn nói là cô ta cho rằng mình đã bị đối xử bất công theo một cách nào đó. Có lẽ nhà của cô ấy đã phải tuân theo một lệnh mua bắt buộc, chẳng hạn, để mở đường. Có thể một sân bay mới đã được lên kế hoạch cách đó không xa, hoặc con cô ấy đã bị từ chối nhận vào một trường công ở địa phương. Dù chi tiết có thế nào, cơ sở của lời than phiền là rằng những lợi ích hay quyền của một cá nhân đã bị đối xử một cách thiếu tôn trọng. Và điều này được người ta cho là phi dân chủ.

Nhưng có đúng vậy không? Giả sử 51 phần trăm dân chúng cần có con đường, hoặc sân bay, hoặc từ chối đứa trẻ. Lúc ấy dân chủ, như một nguyên lý về sự cai trị của đa số, dường như hàm ý rằng không có gì phi dân chủ trong việc đối xử này với các quyền lợi của cô ta. Đa số đã phán quyết chống lại cô ta.

Ở đây chúng ta nhìn thấy một tình trạng căng thẳng tại trung tâm của lý thuyết dân chủ. De Tocqueville đã đưa ra vấn đề một cách xuất sắc trong cách diễn đạt về “sự chuyên chế của đa số”. Phát triển ý tưởng này, John Stuart Mill chỉ ra rằng trước khi các chế độ dân chủ được thiết lập trên quy mô lớn, người ta thường cho rằng nếu nhân dân cai trị vì lợi ích của họ, thì áp bức chính trị sẽ không thể tồn tại. Vì nếu nhân dân tự cai trị, thì việc quái gì họ lại thông qua những luật lệ đàn áp? Nhưng như Mill chỉ ra, sự sai lầm ở đây là nghĩ về dân chúng như một khối đồng nhất với một quyền lợi duy nhất, mỗi người chịu tác động bởi mỗi chính sách theo cùng một cách. Vì chúng ta không phải như vậy, chúng ta có những mục đích, quyền lợi, và kế hoạch khác nhau; chúng ta sống tại những nơi khác nhau và có những tuổi đời khác nhau – khá dễ dàng nhìn thấy làm thế nào một đa số đã có thể thông qua một đạo luật có những tác động rất xấu đối với thiểu số. Việc này có phi dân chủ hay không? Có, nếu bạn nghĩ rằng một nhà nước dân chủ là nhà nước phải bảo vệ tất cả các cá nhân; không, nếu bạn nghĩ rằng dân chủ đơn giản là sự cai trị của đa số. 

Mill tin rằng phải thực hiện các bước để ngăn ngừa sự chuyên chế của đa số nắm quyền. Chúng ta sẽ xem xét chi tiết quan điểm của ông trong Chương 4. Vấn đề lúc này đơn giản là nhà lý thuyết về chế độ dân chủ phải quyết định liệu dân chủ chủ yếu là một nguyên lý khá thô thiển về sự cai trị của đa số, hay là chúng ta phải noi theo “quan điểm Madison” (theo James Madison, 1751-1804, thường được biết như là “cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ”) rằng dân chủ đòi hỏi việc bảo vệ các cộng đồng thiểu số.

Một cuộc tranh luận thứ hai liên quan đến các mô hình “đại nghị” và “trực tiếp” của chế độ dân chủ. Trong một nền dân chủ trực tiếp các cử tri bỏ phiếu ủng hộ hoặc chống lại các luật lệ hoặc chính sách, hơn là các ứng viên. Một cách lý tưởng, mọi vấn đề quan trọng được đưa ra trước toàn bộ cử tri, dưới hình thức trưng cầu dân ý. Mặt khác, một chế độ dân chủ đại nghị là hệ thống quen thuộc hơn trong đó các công dân bỏ phiếu bỏ phiếu để quyết định ai sẽ đại diện cho họ ở cấp chính phủ. Chính những người đại diện này sau đó tiếp tục làm ra luật lệ. Có vẻ như hệ thống trước đúng với tinh thần dân chủ thuần túy hơn, dù vậy nó hầu như không được biết đến trong thế giới hiện đại. Các chế độ dân chủ hiện đại gắn liền với mô hình đại nghị, trong đó những cuộc tuyển cử được sử dụng để xác định ai sẽ thành lập chính phủ, hơn là quyết định những vấn đề trọng tâm hiện hữu. Nhưng nếu hệ thống đại nghị này được cho là phi dân chủ, thì hầu như không có chế độ dân chủ nào đã từng tồn tại trên qui mô rộng. Kết luận này được rút ra bởi các nhà phê bình chế độ “dân chủ tự do” hiện đại. Dân chủ sẽ là một điều tốt đẹp, họ nói, giá như chúng ta có nó.

Hai cuộc tranh luận – sự cai trị của đa số chống lại những quyền của cá nhân, và các mô hình đại nghị chống lại mô hình trực tiếp – là những vấn đề cơ bản đối với việc hình thành một lý thuyết về dân chủ. Nhưng chúng còn lâu mới làm kiệt sức những lĩnh vực tranh cãi. Ví dụ, giữa những người Hy Lạp đôi khi người ta cho rằng bầu cho các ứng viên là phi dân chủ: nó mang lại cho ứng viên ít được lòng dân một cơ hội ít bình đẳng hơn! Do đó các nhà cai trị nên được bầu bằng cách rút thăm. Các lý thuyết gia khác đã gợi ý rằng chúng ta nên tìm những cách để đo lường và tính đến sức mạnh của sở thích của các cá nhân khác nhau. Theo quan điểm này, một thiểu số có sở thích mãnh liệt nên được ưu tiên hơn đa số thờ ơ. Ngoài ra, chúng ta không nên bỏ qua các câu hỏi về việc xác định ai được quyền bỏ phiếu. Trong các nền dân chủ Hy Lạp cổ đại, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ dân số được quyền bỏ phiếu: phụ nữ, nô lệ và người nước ngoài bị loại trừ, thậm chí cả những người có gia đình đã sống trong lãnh thổ của thị quốc qua nhiều thế hệ. Trong thế giới hiện đại, phụ nữ không được đối xử trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng tại Vương quốc Anh cho đến trễ nhất là năm 1928, và nhiều quốc gia vẫn còn loại trừ những người “khách công nhân” khỏi quyền đi bầu.

Ở một mức độ khác, chúng ta quen thuộc với những cuộc tranh cãi có phần ít cơ bản hơn, dù là phức tạp hơn, về thủ tục bỏ phiếu. Nhiều quốc gia châu Âu đã tranh luận từ lâu về câu hỏi liệu họ nên có một hệ thống đại diện theo tỉ lệ, trong đó số lượng đại biểu tỉ lệ với toàn bộ những lá phiếu bầu, như được sử dụng trong những cuộc bầu cử vào Nghị viện Châu Âu, hay một hệ thống “first-past-the-post”[1] trong mỗi khu vực bầu cử, như tại Vương quốc Anh. Dĩ nhiên, những cuộc tranh luận như thế có tầm quan trọng vô cùng, và việc lựa chọn hệ thống nào sẽ có những hậu quả lâu dài. Chẳng hạn, người ta thường nói Hitler đã có thể nắm được quyền lực chỉ vì nước Đức có một hệ thống đại diện dựa theo tỉ lệ. Nhưng từ một quan điểm mang tính triết học hơn, những nhiệm vụ cấp bách là phải rõ ràng về việc dân chủ được cho là gì, và tại sao nó có thể được xem là có giá trị. Trong nỗ lực đầu tiên để giải quyết những công việc này, chúng ta sẽ xem xét một trong những lập luận chống dân chủ mạnh mẽ nhất: đó là của Plato, trong cuốn Cộng hòa, thường được cho là được viết giữa các năm 380 và 360 TCN. Bằng cách nhìn vào sự công kích đầy hoài nghi này đối với giá trị của chế độ dân chủ, chúng ta sẽ bắt đầu thấy liệu nó có xứng đáng với những lời khen ngợi mà nó thường nhận được hay không.

 



[1] First-past-the-post: Hệ thống bỏ phiếu trong đó một người được bầu vì họ nhận được nhiều phiếu bầu hơn bất kỳ ai khác trong khu vực mà họ muốn đại diện.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt