Triết học xã hội

Bom H

BOM H

BERTRAND RUSSELL trả lời phỏng vấn Woodrow Wyatt

 

MỤC LỤC

  1. Triết lý là cái gì vậy?
  2. Tôn giáo
  3. Chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình
  4. Xã hội chủ nghĩa và tư bản
  5. Luân lý “ta bu”
  6. Quyền hành
  7. Thế nào là hạnh phúc?
  8. Chủ nghĩa quốc gia
  9. Nhiệm vụ của cá nhân
  10. Cuồng tín và bao dung
  11. Bom H
  12. Tương lai nhân loại

Thưa Huân tước Russell, nếu xảy ra chiến tranh bom H thì theo cụ, sẽ ra sao?

BERTRAND RUSSELL: Câu hỏi đó cực kì khó trả lời – và tôi không muốn đoán càn vì không biết được sự thực sẽ ra sao. Nhưng xét cái nguy hại của cấc chất phóng xạ rớt xuống thì có thể chiến tranh bom H sẽ diệt trọn dân chúng Bắc bán cầu và một phần lớn dân chúng Nam bán cầu. Trong hoàn cảnh như vậy, không một người nào có thể thỏa mãn những nhu cầu của mình. Thế là tiêu hết những cái mà chúng ta có thể quí và tha thiết.

Cụ muốn nói rằng chiến tranh đó sẽ không có kẻ thắng?

B.R: Nhất định vậy, trừ phi ông có một định nghĩa mới về sự chiến thắng. Dĩ nhiên, ở khối Tây có thể sống sót được sáu người, ở Nga sống sót được bốn, Trung Hoa bốn, vậy khối Đông được đa số rõ ràng. Ông có thể coi vậy là một chiến thắng.

Cụ có tin rằng chiến tranh bom H xảy ra được không?

B.R: Tôi biết lòng mong rằng nó không xảy ra, nhưng theo tôi, nếu tình trạng cứ kéo dài như vậy thì nó có thể xảy ra lắm. Nguyên nhân chính là các quân nhân nhất định muốn là phải chuẩn bị sẵn sàng để hễ bên kia tấn công là mình trả đũa được tức thì – đứng về quan điểm của họ, thì thái độ đó hoàn toàn tự nhiên. Cái đó thực là nguy hiểm cho chúng ta: chỉ một sự hiểu lầm (của một bên nào đó), có thể rằng chỉ một hiện tượng tự nhiên, cũng đủ làm cho người ta tung tất cả các bửu bối ra. Và những kẻ ở bên kia, tưởng rằng “địch” đã cố ý gây chiến, cũng lại tung tất cả các bửu bối ra nữa. Cái đó không phải là không xảy ra được.

Có những kẻ nói rằng hai bên mà cứ đua nhau chế tạo khí giới, tăng cường võ bị thì chiến tranh không sao tránh được. Cụ có nghĩ vậy không?

B.R: Tôi không ưa cái tiếng “không sao tránh được”. Nhưng xét chung thì đúng, sự đua nhau chế tạo khí giới sẽ đưa tới chiến tranh. Trong lịch sử đã có nhiều trường hợp chuẩn bị binh khí, rốt cuộc là choảng nhau. Xét về tâm lí, điều đó rất là tự nhiên, vì kẻ địch mà tăng cường vũ khí thì tất làm cho mình sợ, căm thù rồi muôn tăng cường vũ bị lên nữa; địch đâu có chịu thua, thế là khí giới cứ mỗi ngày mỗi chất cao thêm, mà con người thì mỗi ngày mỗi bị căng thẳng hơn về thần kinh; tới khi sự căng thẳng đó không sao chịu nổi nữa thì hai bên chỉ còn có mỗi một giải pháp là chiến tranh. Hậu quả đó của sự đua nhau chế tạo vũ khí, đã xảy ra trước năm 1914 rồi đấy.

Năm 1951, Tây phương hăm hở thực hiện một chương trình tái võ trang đại qui mô. Cụ thấy biện pháp đó có thể ngăn cản người Nga được không? Làm sao cho họ cảm thấy rằng họ không dễ gì thắng Tây phương, thắng mau được mà họ sẽ nản chí?

B.R: Có thể như vậy được. Không gì khó bằng đoán được các nhà cằm quyền Nga nghĩ gì, có định gây chiến tranh xâm lăng hay không. Dù sao, tôi cũng có thể nói rằng nếu các chính quyền không tìm được cách nào khác, mà cứ tiếp tục đua nhau võ trang thì bất quá chỉ có thể hoãn lại cuộc xung đột thêm một thời gian thôi. Trước năm 1914, người ta đã thấy những cuộc khủng hoảng giống cuộc khủng hoảng của chúng ta ngày nay, do chính sách “đi men theo vực thẳm” gây ra; mãi đến năm 1914, các cuộc khủng hoảng đó mới làm cho chiến tranh nổ. Thời đó người ta bảo nhau” “Cứ giữ cho lực lượng hai bên quân bình với nhau thì sẽ tránh được chiến tranh”. Nhưng người ta đã lầm, và tôi ngại rằng ngày nay các chính quyền cũng lại lầm nữa.

Ít nhất người ta cũng có thể nói rằng bom H có cái ích lợi này là làm cho các chính quyền đâm hoảng, nên các chính quyền đã tìm mọi cách để tránh tai họa – ngay cả trong các cuộc khủng hoảng ở Berlin - ; nếu không có bom H đe dọa thì họ đã có thể gây ra một cuộc chiến tranh rồi, cụ có nghĩ vậy không?

B.R: Ông có thể giữ ý kiến của ông. Còn tôi, tôi xin nhắc lại, tôi nghĩ rằng lịch sử chứng tỏ rằng ý kiến ông sai. Ai cũng biết rằng ông là người hăng hái bênh vực hòa bình, mà chính ông, trước đó, đã chế tạo ra chất cốt mìn. Ông ta tưởng rằng chết cốt mìn làm cho chiến tranh hóa ra rùng rợn quá, và không ai còn dám gây chiến tranh nữa. Hậu quả có được như ông ta mong đâu, và tôi ngại rằng bom H ngày nay thì cũng vậy.

Nhưng có điều này là bom H là một vũ khí có một tính cách hoàn toàn mới mẻ. Nó không phải chỉ là một vũ khí mạnh hơn trong một loạt vũ khí đồng tính cách đã có từ trước, nó là một cái gì hoàn toàn khác hẳn.

B.R: Đúng vậy, nhưng con người dễ quen với mọi tình trạng một cách đáng sợ. Khi người ta liệng bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, khắp thế giới đều kinh hoảng, tự như: “Cái đó mới thật là gớm khiếp”. Bây giờ đây, bom nguyên tử đã thành một vũ khí chiến thuật chẳng làm cho ai mất ngủ cả. Nó đã thành lỗi thời thảm hại, như cung và tên vậy.

Theo cụ, người ta có thể làm được gì trong thực tế để đương đầu với cái nguy bom H?

B.R: Có thể làm được nhiều. Việc thứ nhất, dễ nhất là ngưng lại cuộc thí nghiệm. Như vậy là tiến được một bước lớn rồi. Trước hết, chất phóng xạ rớt xuống nữa, mà các chất đó có hại hơn là các nhà chuyên môn đã bảo – như vậy đã là một điểm lành rồi. Nhưng điểm quan trọng hơn là hễ ngưng các cuộc thí nghiệm thì ngăn được các nước khác chế tạo bom H. Ông dễ dàng nhận thấy rằng nếu bất kể chánh quyền nào cũng có phương tiện để làm một điều vô trách nhiệm thì nỗi nguy sẽ kinh khủng như điên. Vả lại, nếu không ngưng ngay thì càng ngày càng khó ngăn cấm sự chế tạo các vũ khí đó. Cho nên tôi bảo rằng điều quan trọng nhất là phải thỏa thuận với nhau để ngưng các cuộc thử bom H lại. Quan điểm đó có tính cách thực tiễn về chính trị và hiện nay người ta đã để ý tới. Rồi phải thỏa thuận với nhau để cho không một quốc gia nào khác có thể có được bom H. và nếu để cho hiệp ước đó dễ thành, Anh có cần phải bỏ bom H của mình đi thì tôi nghĩ cũng là điều sáng suốt.

Làm sao đạt được một hiệp ước như vậy? Làm sao ngăn cấm nước Pháp và nhiều nước trình độ kĩ nghệ đã cao, không chế tạo bom H cho họ?

B.R: Mĩ và Nga có thể thỏa hiệp với nhau, dùng sức mạnh kinh tế và tuyên truyền của họ để thuyết phục các nước chư hầu theo con đường đã vạch.

Theo cụ, Anh phải đơn phương từ bỏ bom H ư?

B.R: Phải, nhưng chỉ từ bỏ với điều kiện rằng Mĩ Nga thỏa hiệp với nhau. Nếu chỉ hai cường quốc đó được giữ bom H thì Anh có thể bảo: “Được, chúng tôi sẽ đứng về phe các tiểu quốc”.

Như vậy là cụ đề nghị một cuộc thương lượng: nếu Anh từ bỏ bom H thì các nước khác cũng sẽ từ bỏ, còn Mĩ, Nga thì coi chừng, cảnh giới để mọi nước theo đúng như vậy?

B.R: Được thế là khôn. Nhưng đó chỉ mới là bước đầu. Sự thỏa thuận đó chưa bảo đảm được những kết quả mong muốn, nhưng ít nhất cũng là một tiến bộ.

Nhưng cụ không nghĩ rằng để cho Mĩ, Nga giữ bom H là điều nguy hiểm sao?

B.R: Dĩ nhiên là nguy hiểm; phải nhận rằng nếu chưa có những biện pháp mới về chính trị thì nỗi nguy vẫn còn. Dù không nước nào có bom H chăng nữa, thì người ta cũng đã biết cách chế tạo nó rồi. Hễ chiến tranh phát ra là hai bên sẽ bắt đầu chế tạo bom đó túc thì. Muốn diệt nỗi nguy đó thì phải dùng mọi cách tránh chiến tranh, tôi nghĩ nguy cơ chiến tranh sẽ giảm nhiều nếu chỉ có hai nước đó có bom H thôi. Chiến tranh xảy ra vì cái nguy này ít xảy ra hơn, còn giảm được cái nguy này nữa: không có một chính quyền điên nào tưởng rằng chiến tranh có thể có lợi cho mình. Xét chung thì (nếu Mĩ, Nga có bom H thôi), sự thương thuyết sẽ dễ dàng hơn nhiều, và có thể đưa tới một sự điều đình vững bền hơn.

Từ trước tới nay chúng ta đứng về phạm vi thực tế, phạm vi những hành vi mà các chính khách, chính quyền có thể làm được, và nên thuyết phục cho họ làm. Cụ đương bước vào một phạm vi khác, xét thế nào là lí tưởng, nếu các nhà đó muốn thực hiện, phải vậy không?

B.R: Chưa đâu. Mới gần tới đó thôi, nhưng tôi nghĩ tới một điều cực kì quan trọng và rất có thể thực hành được. Là hai phe đều nhận thấy rằng cái lợi ra sao một khi thỏa hiệp với nhau. Từ 1945, Đông và Tây không hề nghĩ cách làm sao thỏa hiệp với nhau; bên nào cũng chỉ lo đưa ra những đề án kế hoạch mà họ biết là bên kia không sao chấp nhận được, mà hễ bên kia bác bỏ thì mang tiếng là khả ố. Như vậy dĩ nhiên là không đưa tới kết quả gì hết. Nếu có thể giảng cho hai chính quyền đó hiểu rằng điều quan trọng không phải là thương thuyết chỉ để thương thuyết, mà cần nhất là phải đạt tới một thỏa hiệp, được vậy thì là tiến bộ nhiều lắm rồi. Điều đó ở trong phạm vi thực tế của các chính trị gia.

Rốt cuộc, vấn đề do bom H gây ra và phải giải quyết chính là vấn đề này: phải tránh cho được chiến tranh vì một khi chiến tranh đã phát sinh rồi thì người ta sẽ dùng bom H hoặc chế tạo nó, dù là trước kia người ta đã bỏ hay hủy bỏ nó.

B.R: Chính vậy. Cho nên những sự thỏa hiệp về việc không dùng tới khí giới hạch tâm chẳng quan trọng gì lắm như một số người nghĩ đâu. Cái lợi chính của những thỏa hiệp đó là giảm sự căng thẳng đi, tạo điều kiện thuận tiện cho một sự thỏa hiệp lâu bền. Sự thực là trong hiện tình của thế giới, chẳng những có các vũ khí hạch tâm mà còn có các vũ khí sinh vật và hóa học nữa, tác động cũng tai hại không kém vũ khí hạch tâm, trong hiện lâu nếu không tìm được cách chắc chắn để ngăn cản chiến tranh.

Theo cụ, cách đó có thể ra sao?

B.R: Tôi chỉ thấy mỗi một cách là thành lập một chính quyền quốc tế, giữ độc quyền sử dụng các vũ khí quan trọng vào cỡ đó. Một chính quyền quốc tế mà nhiệm vụ là xét mọi sự xung đột giữa các quốc gia, đưa ra một giải pháp, và nếu cần thì bắt thực hiện giải pháp đó; một chính quyền có một sức mạnh mà không một quốc gia ngỗ nghịch nào có thể đương đầu nổi.

Như vậy thì lục quân, hải quân, không quân của mỗi quốc gia sẽ ra sao?

B.R: Sẽ chỉ vừa đủ để giữ trật tự trong nước. Có đủ phương tiện để giữ nhiệm vụ công an, bắt dân phải thi hành các quyết định của chính quyền trên phương diện quốc gia, mà không có đủ phương tiện để tấn công lân bang.

Cụ muốn bảo rằng lúc đó Mĩ, Anh có thể dẹp một cuộc nổi loạn trong nước, mà không thể chế ngự những xứ không thực là quốc gia của họ, như xứ Rhodesie chẳng hạn?

B.R: Chính vậy. Việc của các người Rhodesie hoặc của một dân tộc nào khác thuộc về quyền của cơ quan quốc tế, chứ khôn gphair của một quốc gia nào. Mỗi quốc gia có những khuynh hướng đặc biệt chống lại với khuynh hướng các quốc gia khác. Những vấn đề vào loại đó phải để cho một quyền uy quốc tế giải quyết, chứ không nên để cho một quốc gia mạnh hơn giải quyết.

Nếu một quốc gia không chịu tuân phán quyết của chính quyền quốc tế đó, thì theo cụ có nên dùng tới khí giới hạch tâm không?

B.R: Vấn đề đó cực kì tế nhị nên tôi không muốn bày tỏ ý kiến. Tôi nghĩ rằng gặp trường hợp thực là cần thiết, không làm sao khác được thì có thể dùng vũ khí đó được. Điểm khó nghĩ là thứ vũ khí hạch tâm chẳng chỉ phá hủy riêng xứ đó, mà còn gây tai hại cho khắp các xứ khác trên thế giới nữa, không chừa một nơi nào. Nó khác các vũ khí xuất hiện trước nó ở chỗ đó.

Cụ có lạc quan nghĩ rằng các dân tộc, các chính quyền sẽ giải quyết được vấn đề bom H đó không?

B.R: Có lúc tối lạc quan, có lúc không. Không ai có thể biết chắc được các nhà cầm quyền có lương tri tới mức nào. Nhưng chúng ta có thể hi vọng rằng lần lần họ sẽ hiểu được những vấn đề họ phải giải quyết.

 


Nguồn: Bertrand Russell. Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại, Nguyễn Hiến Lê dịch Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996, tr. 109-121. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt