Triết học xã hội

Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ TÔN GIÁO

 VLADIMIR ILYICH LENIN (1870-1924)

 

Xã hội hiện đại hoàn toàn xây dựng trên sự bóc lột của một thiểu số không đáng kể dân cư, thuộc các giai cấp địa chủ và tư bản, đối với quảng đại quần chúng giai cấp công nhân. Đó là một xã hội của bọn chủ nô, vì công nhân "tự do" suốt đời lao động cho tư bản chỉ "có quyền" có những tư liệu sinh hoạt cần thiết để nuôi sống tấm thân nô lệ sản xuất ra lợi nhuận, để đảm bảo chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa và làm cho chế độ đó tồn tại mãi.

Sự áp bức công nhân về mặt kinh tế nhất định gây nên và đẻ ra mọi hình thức áp bức chính trị đối với quần chúng, làm cho địa vị xã hội của quần chúng thấp kém đi, làm cho đời sống tinh thần và đạo đức của quần chúng mê muội và tối tăm. Công nhân có thể giành được ít nhiều tự do chính trị để đấu tranh nhằm tự giải phóng về mặt kinh tế; nhưng chừng nào chính quyền của tư bản chưa bị lật đổ, thì không có một thứ tự do nào giải thoát được họ ra khỏi cảnh bần cùng, thất nghiệp và áp bức cả. Tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về tinh thần, luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đè nặng lên quần chúng nhân dân khốn khổ vì phải lao động suốt đời cho người khác hưởng, vì phải chịu cảnh bần cùng và cô độc. Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, cũng giống  y như sự bất lực của người dã man trong cuộc đấu tranh chống  thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào  thần thánh, ma quỷ, vào những phép mầu, v. v.. Đối với những ai suốt đời vẫn lao động và sống trong cảnh thiếu thốn, tôn giáo dạy họ phải sống theo tinh thần cam chịu và nhẫn nhục trong cuộc sống dưới trần gian, bằng cách làm cho họ hy vọng sẽ được đền đáp khi lên thiên đường. Còn đối với những kẻ sống bằng lao động của người khác, tôn giáo dạy họ hãy làm điều thiện ở thế gian, biện hộ một cách rất rẻ tiền cho toàn bộ cuộc đời bóc lột của chúng, và bán rẻ cho chúng những tấm thẻ để lên thiên đường của những người hạnh phúc. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Tôn giáo là thứ rượu tinh thần, làm cho những người nô lệ của tư bản mất phẩm cách con người và quên mất hết những điều họ đòi hỏi để được sống một cuộc đời đôi chút xứng đáng với con người.

Nhưng người nô lệ khi đã hiểu rõ cái thân nô lệ của mình và đã đứng dậy đấu tranh để tự giải phóng, thì như vậy là đã thoát vòng nô lệ được một nửa. Người công nhân giác ngộ hiện nay, được nền đại công nghiệp nhà máy giáo dục, được cuộc sống ở thành thị giúp thêm kiến thức, đã vứt bỏ một cách khinh bỉ những thiên kiến tôn giáo, để thiên đường cho các giáo sĩ và bọn giả nhân giả nghĩa tư sản hưởng thụ, và đấu tranh để giành lại cho bản thân mình một cuộc đời tốt đẹp hơn trên trái đất này. Giai cấp vô sản hiện đại đứng về phía chủ nghĩa xã hội, là chủ nghĩa đưa khoa học vào cuộc đấu tranh chống các đám mây mù tôn giáo và làm cho công nhân khỏi tin vào một cuộc đời ở thế giới bên kia, bằng cách đoàn kết họ lại vì cuộc đấu tranh thực sự nhằm giành lấy một cuộc đời tốt đẹp hơn trên trần thế.

Tôn giáo phải được tuyên bố là một việc tư nhân,  đó là câu nói mà người ta thường dùng để chỉ thái độ của những người xã hội chủ nghĩa đối với tôn giáo. Nhưng cần  xác định rõ ý nghĩa của câu nói đó để khỏi gây ra mọi sự hiểu lầm. Chúng ta đòi hỏi rằng, đối với nhà nước mà nói, tôn giáo phải là một việc tư nhân, nhưng đối với đảng của chính  chúng ta, thì bất luận thế nào, chúng ta không thể coi tôn giáo là một việc tư nhân được. Nhà nước không được dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền nhà nước. Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích, hoặc không thừa nhận một tôn giáo nào, nghĩa là được làm người vô thần, như bất cứ người xã hội chủ nghĩa nào cũng thường là người vô thần. Mọi sự phân biệt quyền lợi giữa những công dân có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau đều hoàn toàn không thể dung thứ được. Trong các văn kiện chính thức tuyệt đối phải vứt bỏ thậm chí mọi sự nhắc đến tôn giáo nào đó của công dân. Nhà nước không được chi bất cứ một khoản phụ cấp nào cho quốc giáo, cũng như cho các đoàn thể giáo hội và các đoàn thể tôn giáo, những đoàn thể này phải là những hội của những công dân cùng theo một tôn giáo, những hội hoàn toàn tự do và độc lập với chính quyền. Chỉ có triệt để thực hiện những yêu sách đó, mới có thể chấm dứt được cái quá khứ nhục nhã và đáng nguyền rủa, khi giáo hội ở trong cảnh phụ thuộc theo kiểu nông nô vào nhà nước, và những công dân Nga ở trong cảnh phụ thuộc theo kiểu nông nô vào quốc giáo; khi những luật pháp thời trung cổ của toà án tôn giáo còn tồn tại và được thi hành (những luật pháp này đến nay vẫn còn tồn tại trong hình luật và quy chế hình sự của chúng ta), những luật pháp đó đã truy tố người ta về tội tín ngưỡng hay về tội vô thần, đã cưỡng bức lương tâm của con người, đã đem quyền cao chức trọng và bổng lộc gắn liền với việc nhà nước và giáo hội đem phân phát một thứ rượu tinh thần. Giáo hội và nhà nước hoàn toàn tách khỏi nhau, - đó là điều mà giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa đòi nhà nước và giáo hội hiện đại phải thực hiện. 

Cách mạng Nga phải thực hiện yêu sách đó, coi đó là một bộ phận cấu thành cần thiết của quyền tự do chính trị. Về mặt này, cuộc cách mạng Nga có được những điều kiện đặc biệt thuận lợi, vì chủ nghĩa quan liêu đáng ghét của chế độ  chuyên chế nông nô - cảnh sát đã gây nên tình trạng bất mãn, tinh thần sôi sục và lòng công phẫn ngay cả trong các giới tăng lữ. Dù dốt nát, ngu muội nhưng bản thân giới tăng lữ chính thống Nga ngày nay cũng đã thức tỉnh trước cảnh sụp đổ ầm ầm của chế độ cũ, của chế độ trung cổ ở Nga. Chính ngay giới tăng lữ ấy cũng tán thành yêu sách đòi tự do và phản đối chế độ quan liêu và sự độc đoán của bọn quan lại, phản đối việc theo dõi kiểu cảnh sát mà "những người thờ phụng Chúa" bị ép buộc phải làm. Chúng ta, những người xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải ủng hộ phong trào ấy, bằng cách làm cho những yêu sách của những người trong giới tăng lữ trung thực và thành tâm được thực hiện triệt để, bằng cách nắm ngay lấy những lời họ nói đến tự do, đòi họ phải kiên quyết đập tan mọi sự liên hệ giữa tôn giáo và sở cảnh sát. Hoặc là các người thành thật, thì các người cần phải tán thành chủ trương giáo hội hoàn toàn tách khỏi nhà nước, nhà trường hoàn toàn tách khỏi giáo hội, và đòi phải hoàn toàn và dứt khoát tuyên bố tôn giáo là một việc tư nhân. Hoặc là các người không thừa nhận những yêu sách triệt để đòi tự do đó, thì như vậy các người vẫn bị lệ thuộc vào những truyền thống của tòa án tôn giáo; các người vẫn chạy theo quyền cao chức trọng và bổng lộc; các người không tin ở sức mạnh tinh thần của vũ khí của các người; các người vẫn tiếp tục nhận tiền đút lót của chính quyền nhà nước, - thì khi đó, công nhân giác ngộ của toàn nước Nga sẽ thẳng tay tuyên chiến với các người.

Đối với đảng của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa, tôn giáo không phải là một việc tư nhân. Đảng ta là một tổ chức  gồm những chiến sĩ tiên phong và giác ngộ đấu tranh  giải phóng giai cấp công nhân. Một tổ chức như thế không thể và không được thờ ơ trước tình trạng thiếu giác ngộ, dốt nát hoặc mê muội mà  biểu hiện là những tín ngưỡng tôn giáo. Chúng ta đòi phải hoàn toàn tách giáo hội khỏi nhà nước, phải phá tan đám mây mù tôn giáo, bằng vũ khí thuần  túy tư tưởng và chỉ thuần túy tư tưởng thôi, bằng báo chí của chúng ta, bằng lời nói của chúng ta. Song chúng ta đã thành lập được tổ chức của chúng ta, tức Đảng công nhân dân chủ-xã hội Nga, cũng chính là để tiến hành cuộc đấu tranh đó chống lại mọi sự mê hoặc công nhân bằng tôn giáo. Đối với chúng ta, đấu tranh tư tưởng không phải là một việc tư nhân, mà là một việc của toàn đảng, của toàn thể giai cấp vô sản.

Nếu như thế, tại sao chúng ta lại không tuyên bố, trong cương lĩnh của chúng ta, rằng chúng ta là những người vô thần? tại sao chúng ta lại không cấm những tín đồ Thiên chúa giáo và những người tin ở Chúa, gia nhập đảng ta? 

Giải đáp câu hỏi đó, tức là phải cắt nghĩa vì sao có sự khác nhau rất quan trọng trong cách đặt vấn đề tôn giáo của một bên là những người dân chủ tư sản, và một bên khác là những người dân chủ-xã hội.

Cương lĩnh của chúng ta hoàn toàn dựa trên một thế giới quan khoa học, hơn nữa một thế giới quan duy vật. Tất nhiên việc giải thích cương lĩnh của chúng ta cần phải bao gồm việc giải thích căn nguyên lịch sử và kinh tế thực sự của đám mây mù tôn giáo. Công tác tuyên truyền của chúng ta tất nhiên cũng phải bao gồm công tác tuyên truyền chủ nghĩa vô thần; công tác xuất bản những sách báo khoa học thích hợp với công tác tuyên truyền đó, mà cho đến nay chính quyền nhà nước nông nô-chuyên chế vẫn cấm đoán và truy tố nghiêm khắc, thì nay phải trở thành một trong những ngành hoạt động của đảng ta. Chúng ta nhất định phải tuân theo lời Ăng-ghen khuyên những người xã hội chủ nghĩa Đức là: dịch và truyền bá rộng rãi những trước tác của các nhà khai sáng và các nhà văn vô thần Pháp hồi thế kỷ XVIII[1].

Nhưng bất luận thế nào, chúng ta cũng không được vì thế mà đi đến chỗ đặt vấn đề tôn giáo một cách trừu tượng, duy tâm chủ nghĩa, "xuất phát từ lý tính", ở bên ngoài đấu tranh giai cấp, - đó là cách đặt vấn đề mà những người dân chủ cấp tiến của giai cấp tư sản vẫn thường áp dụng. Trong một xã hội dựa trên sự áp bức vô hạn và chính sách ngu dân đối với quần chúng công nhân, sẽ thật là vô lý, nếu tưởng rằng người ta có thể đánh tan được những thiên kiến tôn giáo chỉ bằng tuyên truyền không thôi. Nếu quên rằng ách tôn giáo đè nặng trên loài người chẳng qua chỉ là sản phẩm và là phản ánh của ách áp bức kinh tế trong xã hội mà thôi, thì như thế là có đầu óc thiển cận tư sản. Không có sách vở nào, cũng không có sự tuyên truyền nào mà lại có thể giáo dục được giai cấp vô sản, nếu họ không được giáo dục bởi quá trình đấu tranh của chính mình chống những thế lực đen tối của chủ nghĩa tư bản. Đối với chúng ta, sự thống nhất của cuộc đấu tranh thật sự cách mạng đó của giai cấp bị áp bức để sáng tạo nên một cảnh cực lạc trên trái đất, là quan trọng hơn  sự thống nhất ý kiến của những người vô sản về cảnh cực lạc trên thiên đường.

Bởi vậy, trong cương lĩnh của chúng ta, chúng ta không tuyên bố và chúng ta không nên tuyên bố chủ nghĩa vô thần của chúng ta; bởi vậy, đối với những người vô sản nào còn giữ những tàn tích nào đó của những thiên kiến cũ của mình, thì chúng ta không cấm và cũng không nên cấm họ gần gũi đảng ta. Chúng ta bao giờ cũng sẽ tuyên truyền thế giới quan khoa học; chúng ta cần phải đấu tranh chống tính chất không triệt để của một số "tín đồ Thiên chúa giáo" nhưng như thế không hề có nghĩa là phải đưa vấn đề tôn giáo lên hàng đầu, vì đó không phải là chỗ của nó, và cũng không có nghĩa là vì những vấn đề không quan trọng hoặc những chuyện hão huyền, là những cái, do chính quá trình phát triển kinh tế, sẽ nhanh chóng mất hết mọi ý nghĩa chính trị và sẽ rất mau bị bỏ xó, mà phải phân tán những lực lượng tham gia cuộc đấu tranh chính trị và kinh tế thật sự cách mạng.

Khắp nơi, bọn tư sản phản động đã chú trọng, và ở  nước ta hiện nay chúng cũng bắt đầu chú trọng khêu lên những sự thù hằn tôn giáo, để làm cho quần chúng chú ý về phía đó, khiến họ không để ý đến những vấn đề chính trị và kinh tế thật sự quan trọng và  chủ yếu, những vấn đề mà giai cấp vô sản toàn nước Nga, - thực tế đoàn kết lại với nhau trong cuộc đấu tranh cách mạng của mình, - hiện đang giải quyết. Cái chính sách phản động nhằm chia rẽ các lực lượng vô sản, ngày nay đang biểu hiện chủ yếu trong những cuộc tàn sát của bọn Trăm đen, thì ngày mai có lẽ sẽ đi tới những hình thức mới còn tinh vi hơn nữa. Còn chúng ta, vô luận thế nào, chúng ta cũng sẽ đối phó lại chính sách đó bằng một cuộc tuyên truyền bình tĩnh, kiên trì và nhẫn nại, không khêu lên bất cứ ý kiến bất đồng thứ yếu nào, tức là bằng việc tuyên truyền tinh thần đoàn kết vô sản và thế giới quan khoa học.

Giai cấp vô sản cách mạng nhất định sẽ đạt đến mục đích là làm cho tôn giáo thật sự trở thành một việc tư nhân đối với nhà nước. Và dưới chế độ chính trị đã được quét sạch những tàn dư thối nát thời trung cổ ấy, giai cấp vô sản sẽ tiến hành một cuộc đấu tranh rộng rãi và công khai nhằm xóa bỏ tình trạng nô lệ về mặt kinh tế, nguồn gốc thật sự của sự mê hoặc nhân loại bằng tôn giáo.

 

"Đời sống mới", số 28, ngày 3 tháng Chạp 1905  

Ký tên: N. Lê-nin

 

Theo đúng bản in trên báo

"Đời sống mới"

 

 


Nguồn: V.I Lê-nin Toàn tập - tập 12. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 169-175.



[1] Xem bài báo của Ph. Ăng-ghen “Sách báo của những người lưu vong” (C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Nga, t. XV, 1935, tr. 228).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt