Triết học xã hội

Phân tích các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại

 

PHÂN TÍCH CÁC TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG PHƯƠNG TÂY ĐƯƠNG ĐẠI

XING BENSI & JIANG TAO

Nội dung tóm tắt

Bài viết cho rằng các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại với tính cách là sự thống nhất của hình thái lý luận và hình thái tâm lý là sự khúc xạ tinh thần của những mâu thuẫn của xã hội tư bản chủ nghĩa đương đại, phản ánh yêu cầu và lợi ích của các giai cấp xã hội cụ thể. Đặc trưng chủ yếu của nó biểu hiện ở sự chú ý phân tích xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, màu sắc phi duy lý chủ nghĩa đậm đà, quan tâm đến các vấn đề toàn cầu và tương lai của loài người. Nghiên cứu các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại cần có thái độ khoa học thực sự cầu thị, đồng thời với việc nhận rõ sai lầm căn bản về mặt lý luận của nó, còn cần nhìn thấy nó nêu ra rất nhiều vấn đề mới, quan niệm mới đáng chú ý, mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, phản ánh sự tiến triển của khoa học hiện đại và nền văn minh nhân loại, bao hàm một số nhân tố hợp lý. Nghiên cứu các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại là yêu cầu của việc kiên trì và phát triển chủ nghĩa Marx, của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, cũng là yêu cầu của việc hiểu chủ nghĩa tư bản đương đại, lợi dụng những thành quả văn minh của nó. Cần dùng tinh thần của chủ nghĩa Marx để đối xử với các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại, cũng cần dùng tinh thần của chủ nghĩa Marx để đối xử với chính chủ nghĩa Marx.

 

Chúng ta đang ở nơi bước ngoặt chuyển giao thế kỷ. Chúng ta đứng trước một vấn đề có ý nghĩa thế giới, tức là từ bối cảnh lớn của sự phát triển toàn thế giới để khảo sát địa vị, vai trò và ý nghĩa của lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Marx, dùng tinh thần phê phán khoa học của quan niệm duy vật về lịch sử để đối xử với các trào lưu tư tưởng phương Tây và từ đó phân tích và giải thích một cách chuẩn xác các trào lưu tư tưởng trên toàn thế giới, học tập những thành phần tư tưởng ưu tú có liên hệ tất yếu với lực lượng sản xuất tiên tiến trong xã hội công nghiệp phương Tây hiện đại, từ đó thông qua việc tiếp thu có chọn lọc văn hóa phương Tây hiện đại mà làm cho công cuộc xây dựng hiện đại hóa của Trung Quốc chuyển sang một trạng thái mới cao hơn, đó chính là một trong những nội dung quan trọng của vấn đề này.

Trào lưu tư tưởng xã hội: Sự thống nhất giữa hình thái lý luận và hình thái tâm lý

Trong dòng sông lớn của đời sống xã hội loài người lúc nào cũng dấy lên những làn sóng của trào lưu tư tưởng xã hội, chúng là những dòng của đời sống xã hội đang biến động, là những xu thế tư tưởng hay trào lưu tư tưởng mà vào thời kỳ nào đó được truyền bá rộng rãi trong một xã hội nào đó và có ảnh hưởng ở mức độ nào đó đối với đời sống xã hội. Từ một tầng diện, chúng phản ánh đời sống xã hội, có ảnh hưởng khác nhau về tính chất, trình độ đối với tinh thần của mọi người và sự phát triển của xã hội. Chúng biến đổi cùng với thời gian, là phong vũ biểu của đời sống xã hội. Thông qua biến động của các trào lưu tư tưởng xã hội, chúng ta có thể nắm bắt được hiện trạng đời sống xã hội và xu hướng của nó.

Trào lưu tư tưởng xã hội vừa có hình thái lý luận vừa có hình thái tâm lý. Hình thái lý luận lấy một học thuyết nhất định làm chủ thể, biểu hiện thành hệ thống khái niệm, dùng lý tính chinh phục lòng người; hình thái tâm lý lại lấy một niềm tin nào đó làm chủ thể, biểu hiện thành sự xung động không hệ thống không định hình, dùng tình cảm kích động lòng người, dùng tính tự phát phi lý tính ảnh hưởng đến mọi người. Chúng lấy lý luận tư tưởng nhất định làm chủ đạo, lại kết hợp với tâm lý xã hội của mọi người, biểu đạt tình cảm và nguyện vọng của một nhóm người nhất định, do đó có thể sản sinh hiệu ứng trực tiếp đối với sự biến động của đời sống xã hội. Chúng vừa phản ánh nhu cầu tình cảm của người ta, vừa trực tiếp ảnh hưởng đến sự biến đổi tâm lý của nhân quần. Trào lưu tư tưởng xã hội, với tính cách là một lý luận đã cấu thành trào lưu tư tưởng, luôn cần được những người thuộc tầng lớp hay nhóm nhất định, trong một lĩnh vực hay phạm vi nhất định thừa nhận và tiếp thu, có tính rộng rãi và tính quần chúng ở mức độ nào đó. Do đó bất cứ trào lưu tư tưởng nào cũng đều đụng chạm đến 2 tầng diện tâm lý xã hội và hình thái ý thức xã hội, đều là sự thống nhất giữa hình thái lý luận và hình thái tâm lý.

Đó là do, với tính cách là trào lưu tư tưởng xã hội, nó cần được sự thừa nhận ở mức độ tương đối của xã hội, được truyền bá trong phạm vi nhất định cùa xã hội, và ở mức độ tương đối được các cá thể xã hội tiếp thu và chuyển hóa thành tư tưởng, tình cảm, ý nguyện, hứng thú và nhu cầu của họ. Đó là tính cộng hưởng xã hội của trào lưu tư tưởng xã hội. Phân tích về mặt tâm lý học, cá thể tiếp thụ một tư tưởng nào đó tức là đã nội hóa tư tưởng ngoại lai. Sự nội hóa này có 2 mặt: vừa có mặt lý tính, vừa có mặt tình cảm. Nội hóa lý tính là tiếp thụ lý luận. Sự nội hóa này đòi hỏi sự tự giác và tri thức bối cảnh tương đối của chủ thểl chủ thể thiếu tự giác hoặc không có tri thức bối cảnh tương đối rất khó thực hiện sự nội hóa lý tính. Nội hóa cảm tính lại là sự cảm ứng đối với những quan điểm cá biết, rời rạc, hoặc nói cách khác, là sự phù hợp về mặt tình cảm, nó vừa không cần sự tự giác của chủ thể, cũng không cần tri thức bối cảnh, do đó có tính phổ cập, tính đột phá và tính xung động tương đối lớn. Sự cộng hưởng của trào lưu tư tưởng xã hội đòi hỏi sự nội hóa lý tính, cũng đòi hỏi sự nội hóa tình cảm. Bởi vì có thể thực sự hiểu và truyền bá một lý luận vẫn chỉ là một số ít người trong xã hội; chỉ khi nào khơi dậy tình cảm của số đông quần chúng lý luận này mới tạo ra cộng hưởng xã hội và chuyển hóa thành trào lưu tư tưởng xã hội. Do vậy, trào lưu tư tưởng xã hội một khi hình thành thì sẽ không chỉ là lý luận mà tất yếu pha tạp nhiều yếu tố tình cảm, ý nguyện, tất yếu là một trào lưu tư tưởng dung hòa làm một hình thái lý luận và hình thái tâm lý.

Trào lưu tư tưởng xã hội sở dĩ gây ra sự cộng hưởng xã hội, điều đó không tách rời tính mục tiêu trong định hướng giá trị của nó. Một tư tưởng chỉ khi tương quan với mục tiêu mà một số lượng tương đối đông thành viên xã hội theo đuổi, từ đó gây ra sự chú ý của một số tương đối đông người trong xã hội nó mới hình thành trào lưu tư tưởng có sức hấp dẫn (trào lưu tư tưởng tiêu cựu thậm chí phản động sở dĩ có tính mê hoặc nào đó cũng là do nó có sức hấp dẫn nhất định). Xét từ ý nghĩa này, trào lưu tư tưởng xã hội có ảnh hưởng quan trọng đối với chính trị, kinh tế và văn hóa của xã hội. Có một số trào lưu tư tưởng xã hội có thể gây nhiễu loạn tư tưởng mọi người, phá hoại ổn định xã hội, có một số trào lưu tư tưởng có thể thúc đẩy xã hội tiến bộ, tăng cường sức hội tụ tư tưởng, thúc đẩy xã hội phát triển.

Chính là dựa trên sự phân tích như trên về thành phần, đặc trưng và sức ảnh hưởng xã hội của trào lưu tư tưởng xã hội mà chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại là rất cần thiết. Xét trên một ý nghĩa nào đó, sự truyền bá rộng rãi các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại ở Trung Quốc có tương quan mật thiết với tình hình kinh tế, chính trị của Trung Quốc và quan niệm giá trị của quần chúng nhân dân Trung Quốc.

Các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại có rất nhiều trường phái, nội dung rộng lớn phức tạp, lưu động biến thiên nhanh chóng. Học thuyết lý luận của nó đụng chạm đến nhiều lĩnh vực triết học, chính trị học, kinh tế học, xã hội học, tôn giáo học…; ảnh hưởng của nó đã mở rộng tới các nước Âu – Mỹ, và ở mức độ khác nhau cũng mở rộng tới Trung Quốc. Các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây chủ yếu tương đối có ảnh hưởng ở Trung Quốc những năm gần đây là:

Chủ nghĩa hiện sinh với điểm xuất phát là sự tồn tại của cá nhân, với nội dung chủ yếu là luận điểm về “tồn tại có trước bản chất”, “lựa chọn tự do của cá nhân”, “bản chất của con người là tự do tuyệt đối”; chú giải học triết học với quan điểm chủ yếu là luận điểm cho rằng lý giải và ngôn ngữ là phương thức tồn tại cơ bản của con người, “kinh nghiệm thế giới” là bản thể của sự tồn tại của con người; triết học xã hội nhân đạo chủ nghĩa với nội dung chủ yếu là luận điểm về “xã hội lành mạnh” nhân đạo hóa, về vô thức xã hội và phê phán xã hội; thuyết đụng độ văn minh với luận điểm chủ yếu cho rằng sự đụng độ giữa các nền văn minh sẽ là giai đoạn mới nhất trong quá trình diễn biến xung đột thế giới hiện đại; chủ nghĩa hậu hiện đại với nội dung lý luận chủ yếu là “sự cáo chung của tính hiện đại”, “sự cáo chung của con người”, “sự cáo chung của triết học”.

Chủ nghĩa tự do mới với quan điểm chủ yếu cho rằng tự do là mục đích trung tâm và căn cứ luân lý của dân chủ, tự do kinh tế là bảo đảm của tự do chính trị; chủ nghĩa bảo thủ mới với nội dung chủ yếu là quan điểm cho rằng phạm vi của chính phủ cần hữu hạn, quyền lực cần phân tán, chủ trương thực hiện dân chủ ở mức độ thích hợp, trên cơ sở bình đẳng về cơ hội mà lý giải tự do; chủ nghĩa xã hội dân chủ với nội dung chủ yếu là cổ xúy cho thế giới quan đa nguyên luận, chủ trương chế độ đa đảng và thể chế “kinh tế hỗn hợp” cùng tồn tại nhiều chế độ sở hữu kinh tế.

Chủ nghĩa tự do kinh tế với chủ trương lấy cạnh tranh tự do và lực lượng thị trường tự do để điều hòa hoạt động kinh tế xã hội, thúc đẩy tư hữu hóa doanh nghiệp quốc hữu, giảm thuế và giảm chi phúc lợi xã hội, xây dựng chế độ “kinh tế chia hưởng”; chủ nghĩa sự can thiệp của nhà nước với chủ trương chính sách chủ yếu là phản đối thả nổi tự do, chủ trương mở rộng chức năng của chính phủ, hạn chế kinh tế tư nhân, nhà nước tiến hành can thiệp và khống chế hoạt động kinh tế xã hội; chủ nghĩa tiền tệ với mệnh đề hạt nhân cho rằng tiền tệ là nhân tố chủ yếu nhất giải thích sự biến động của sản lượng, việc làm và vật giá; lý luận lựa chọn công cộng với quan điểm chủ yếu là dùng đặc điểm của chính phủ và chính quá trình quyết sách chính trị để giải thích sự “mất hiệu nghiệm của chính phủ”.

Lý luận hiện đại hóa lấy “thuyết lưỡng cực” phát triển xã hội của xã hội học cổ điển làm điểm xuất phát, lấy phân hóa làm nội dung trung tâm của phân tích hiện đại hóa; trào lưu tư tưởng toàn cầu hóa lấy “làng toàn cầu”, “sự duỗi dài thời gian – không gian”, “sự co hẹp thời gian – không gian”, “sự co hẹp thế giới và sự tăng cường ý thức toàn cầu” làm nội dung chủ yếu; trào lưu tư tưởng thông tin hóa lấy xã hội thông tin với việ xây dựng ngành thông tin là chủ đạo làm mục tiêu cuối cùng.

Lý luận khủng hoảng chủ nghĩa tư bản vãn kỳ lấy việc phân tích và phê phán khủng hoảng 4 tầng (khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tính hợp lý, khủng hoảng hợp pháp hóa, khủng hoảng nhân tố động lực) của chủ nghĩa tư bản đương đại làm nội dung chủ yếu; lý luận chủ nghĩa xã hội thị trường lấy việc tìm hiểu mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường công cộng, tự trị xí nghiệp kinh tế hỗn hợp hay xã hội hóa làm nội dung chủ yếu; lý luận chủ nghĩa Marx phân tích dùng phương pháp phân tích ngữ nghĩa của triết học phân tích để nghiên cứu lý luận lịch sử của chủ nghĩa Marx; lý luận chủ nghĩa Marx sinh thái học với quan điểm chủ yếu cho rằng khủng hoảng sinh thái là khủng hoảng chủ yếu của chủ nghĩa tư bản đương địa, tha hóa tiêu dùng là tha hóa chủ yếu của chủ nghĩa tư bản đương đại, mục tiêu phát triển là xây dựng kinh tế sinh thái xã hội chủ nghĩa; lý luận phụ thuộc với quan điểm hạt nhân cho rằng sự phụ thuộc kinh tế của các nước không phát triển vào các nước phát triển là nguyên nhân căn bản tạo thành sự lạc hậu kinh tế của các nước không phát triển, muốn thoát khỏi sự phụ thuộc này cần đi con đường xã hội chủ nghĩa.

Tất cả những trào lưu này, với tính cách là trào lưu tư tưởng xã hội, đều không chỉ có quan điểm lý luận riêng, mà còn có nội dung tình cảm phù hợp với tâm lý xã hội. Thí dụ, chủ nghĩa hiện sinh sở dĩ có thể một thời trở thành triết học thời thượng nhất trong thế giới tư bản chủ nghĩa phương Tây, hình thành một trào lưu tư tưởng lớn mạnh cơ hồ bao trùm toàn Âu – Mỹ, một nguyên nhân chủ yếu là quan điểm lý luận của nó không giới hạn ở lĩnh vực triết học chuyên nghiệp, mà mở rộng ra các hình thái ý thức như văn học, nghệ thuật, xã hội học, đạo đức, giáo dục, tôn giáo và các mặt đời sống xã hội. Ở Pháp, các nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh như Satre, Camus không những viết rất nhiều chuyên luận lý luận, mà còn viết nhiều tác phẩm văn học và chính luận như tiểu thuyết, kịch, truyện ký, bình luận văn học, ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh cảu Satre sản sinh nhiều hơn từ các tác phẩm văn học của ông. Ở Trung Quốc, chủ nghĩa hiện sinh cũng không phải được truyền bá với tính cách một lý luận thuần túy, nhiều người chưa từng đọc các tác phẩm của chủ nghĩa hiện sinh hay tiến hành nghiên cứu có hệ thống về triết học hiện sinh chủ nghĩa, nhưng vấn đề mà triết học hiện sinh chủ nghĩa nêu ra lại gây sự cộng hưởng phổ biến trong phạm vi toàn xã hội, “tự thiết kế”, “tự lựa chọn” một thời trở thành lời cửa miệng của một số người và thực sự đã ảnh hưởng tới định hướng giá trị của họ. Đối với phần lớn những người tôn sùng chủ nghĩa hiện sinh, tiếp thụ chủ nghĩa hiện sinh chỉ là một sự nội hóa tình cảm, tức là cảm ứng những quan điểm cá biệt. Bất luận ở phương Tây hay ở Trung Quốc, chủ nghĩa hiện sinh với tính cách là một trào lưu tư tưởng xã hội đều chứng tỏ một cách rõ ràng, điển hình sự thống nhất giữa hình thái lý luận và hình thái tâm lý. Các trường phái khác trong trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây cũng hoặc nhiều hoặc ít thể hiện sự thống nhất này.

Trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại: sự khúc xạ tinh thần các mâu thuẫn xã hội tư bản chủ nghĩa

Với tính cách là sự thống nhất giữa hình thái lý luận và hình thái tâm lý, trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại là sản phẩm của xã hội tư bản chủ nghĩa phương Tây đương đại, là khúc xạ tinh thần các mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa. Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx, Engels chỉ ra rằng “ý thức ngay từ đầu đã là sản phẩm của xã hội, và chừng nào con người còn tồn tại, nó sẽ vẫn là sản phẩm này”. Trào lưu tư tưởng xã hội là biểu hiện của ý thức văn hóa xã hội, cũng là sản phẩm của xã hội, một trào lưu tư tưởng nào đó đều hình thành tự phát trong tâm lý xã hội của quần chúng trên cơ sở tổng hòa những điều kiện xã hội, kinh tế, chính trị lúc bấy giờ. Nguồn gốc của trào lưu tư tưởng xã hội là đời sống kinh tế của xã hội, là xung đột mâu thuẫn trong đời sống chính trị xã hội do sự phát triển kinh tế xã hội gây ra. Trong xã hội có giai cấp, với tính cách là sự phản ánh điều kiện kinh tế, chính trị xã hội, các trào lưu tư tưởng xã hội đều mang dấu ấn giai cấp rõ nét. Điều đó làm cho sự nổi lên của bất kỳ một trường phái nào thuộc các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại đều không phải là ngẫu nhiên, quan điểm lý luận của nó đều có thể tìm thấy căn cứ trong mâu thuẫn kinh tế, chính trị của chủ nghĩa tư bản hiện đại, đều phản ánh lợi ích và yêu cầu của các giai cấp xã hội cụ thể.

Trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại có rất nhiều trường phái, học thuyết, không chỉ có trào lưu tư tưởng văn hóa triết học, mà còn có trào lưu tư tưởng kinh tế, trào lưu tư tưởng chính trị và trao lưu lịch sử xã hội… Trong mỗi một trào lưu tư tưởng lại có các trường phái, học thuyết. Các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại sở dĩ khiến người ta chú ý là do chủ nghĩa tư bản có những biến đổi mới, khác nhiều với xã hội trước đây: Trước hết, các mặt đời sống xã hội tư bản chủ nghĩa biến đổi nhanh hơn. Marx, Engels chỉ ra rằng, “sự biến đổi không ngừng của sản xuất, sự chấn động không ngừng của mọi quan hệ xã hội, sự mất ổn định và biến động vĩnh viễn, đó là chỗ mà thời đại giai cấp tư sản khác với mọi thời đại trước kia”. Đời sống xã hội biến động gấp gáp đó tất yếu tạo ra chấn động mạnh mẽ về tinh thần của con người, các trào lưu tư tưởng xã hội chính là biểu hiện của sự chấn động tinh thần này. Thứ hai, xã hội tư bản chủ nghĩa có lớp lớp mâu thuẫn. Chủ nghĩa tư bản làm cho lực lượng sản xuất xã hội đạt được sự phát triển chưa từng có, lại làm cho sự phân hóa 2 cực của xã hội đạt tới cực điểm, đối lập giàu nghèo thêm gay gắt; chủ nghĩa tư bản nhờ khoa học kỹ thuật đạt được thành tựu huy hoàng về mặt chinh phục tự nhiên, nhưng ngược lại lại làm sâu sắc thêm sự đối lập giữa con người và tự nhiên; chủ nghĩa tư bản tạo ra sự tiến bộ to lớn của nền văn minh vật chất, lại làm cho con người cảm thấy trống rỗng bội phần về tinh thần. Chủ nghĩa tư bản đã đóng vai trò cách mạng to lớn trong lịch sử, nhưng mỗi tiến bộ của nó đều bao hàm mặt trái của mình. Khi người ta đã có thể giải quyết các vấn đề của giới tự nhiên, người ta lại phát hiện mình sức cùng lực kiệt trước việc giải quyết các vấn đề tự thân của xã hội loài người, thế giới vẫn tràn đầy mâu thuẫn và khổ đâu. Các trào lưu tư tưởng xã hội chính đã biểu đạt được nỗi lo âu phiền muộn nội tâm của con người. Thứ ba, chủ nghĩa tư bản đẩy con người và tự nhiên, cá nhân và xã hội, tri thức và tín ngưỡng, chân lý và giá trị, lý tính và tình cảm tới 2 cực đối lập, rơi vào mâu thuẫn không thể giải thoát. Các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây chính là sự lựa chọn lưỡng nan đau khổ trước đủ mọi loại quan hệ đối lập này. Chủ nghĩa duy khoa học  và chủ nghĩa nhân bản trong các trào lưu tư tưởng triết học, chủ nghĩa thả nổi tự do và chủ nghĩa can thiệp của nhà nước trong các trào lưu tư tưởng kinh tế, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bi quan trong trào lưu tư tưởng lịch sử, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa phi duy lý trong trào lưu tưởng văn hóa, tất thảy đều là biểu hiện của sự khổ đau tinh thần trong sự lựa chọn lưỡng nan này.

Đặt biệt là hai cuộc thế chiến ở thế kỷ XX đã khiến loài người phải chịu thảm họa chưa từng có. Nhưng vết thương đau cũ còn chưa lành miệng thì mối đe dọa mới lại giáng xuống nhân gian. Đe dọa hạt nhân giống như “thanh kiếm Damocles” treo lơ lửng trên đầu loài người. Sinh thái tồi tệ đi, dân số bùng nổ, tài nguyên cạn kiệt, kinh tế đình đốn lạm phát, thất nghiệp nghiêm trọng, đạo đức suy đồi, tội phạm tăng mạnh… đi kèm loài người như bóng với hình, đuổi không đi, dường như loài người nhất định phải chịu sự khổ nạn vạn kiếp không thoát khỏi này. Tất cả những điều đó đều là nguyên nhân xã hội làm cho các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây nổi lên. Mà tư tưởng của những người chế tạo ra chúng không thể vượt qua giới hạn của điều kiện lịch sử mà họ sống. “Nhiệm vụ mà họ rút ra được và quyết định mà họ đạt tới được về lý luận cũng là nhiệm vụ và quyết định mà lợi ích vật chất và địa vị xã hội của họ trong đời sống thực tế đã dẫn đưa họ rút ra được, đạt tới được”. Họ hoặc là chống chọi, hoặc là ta thán, hoặc là biện hộ, hoặc là đưa ra phương thuốc cứu thế, nhưng đều chẳng giúp ích gì cho xã hội phương Tây hiện đại giải quyết mâu thuẫn, thoát ra khỏi cảnh ngộ khó khăn một cách căn bản.

Thí dụ, sự nổi lên của các trào lưu tư tưởng triết học như chủ nghĩa duy ý chí và chủ nghĩa hiện sinh đã tập trung phản ánh những tình cảm không tín nhiệm đối với lý tính, lẩn trốn hiện thực, bi quan thất vọng tất yếu sản sinh khi giai cấp tư sản độc quyền không thể thoát ra khỏi mâu thuẫn và khủng hoảng cố hữu của chủ nghĩa tư bản, cũng phản ánh tâm lý không bình thường được ăn cả ngã về không nhằm thoát khỏi những mâu thuẫn và khủng hoảng này. Chẳng hạn sự mất đi tính cách mạng của giai cấp tư sản Đức giữa thế kỷ XIX đã thai nghén và sản sinh chủ nghĩa bi quan của Schopenhauer; sự phình ra nhanh chóng của đại tư bản đi tới độc quyền cuối thế kỷ XIX đã sản sinh ý chí điên cuồng của triết học Nietzsche; xã hội tư bản chủ nghĩa bệnh lý những năm 50 – 60 của thế kỷ XX đã sản sinh chủ nghĩa hiện sinh, thứ triết học khủng hoảng phản ánh hiện tượng tha hóa toàn diện của thời đại khủng hoảng. Những năm 1920, chủ nghĩa hiện sinh sở dĩ hình thành ở Đức là do nó thích ứng với tâm trạng tiêu cực suy đồi sau khi bị va vấp trong Thế chiến thứ nhất của giai cấp tư sản Đức lúc bấy giờ. Khi đảng Nazi của Hitler chính thức lên nắm quyền, giai cấp tư sản Đức lại một phen đắc chí, trào lưu tư tưởng hiện sinh chủ nghĩa liền mất đi thị trường. Sau Thế chiến thứ hai, trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh chuyển sang Pháp, điều đó có quan hệ rất lớn với tình trạng kinh tế chính trị của giai cấp tư sản Pháp. Trong Thế chiến thứ hai, trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh chuyển sang Pháp, điều đó có quan hệ rất lớn với tình trạng kinh tế chính trị của giai cấp tư sản Pháp. Sau chiến tranh tuy Pháp thoát khỏi trạng thái bị chiếm đóng, sản xuất và kinh tế xã hội cũng được khôi phục và phát triển, nhưng mâu thuẫn, khủng hoảng cố hữu của chủ nghĩa tư bản không những không mất đi, trái lại trầm trọng thêm, phản kháng của đông đảo giai cấp vô sản và các phần tử trí thức, thanh niên học sinh tiểu tư sản đối với hiện tượng tha hóa con người do chế độ tư bản chủ nghĩa tạo ra càng mạnh mẽ hơn so với trước đây. Trào lưu tư tưởng hiện sinh chủ nghĩa nêu chiêu bài thoát khỏi tha hóa chính là phù hợp với tâm trạng này, phản ánh định hướng giá trị này, do đó nhất thời trở thành trào lưu nóng. Lý luận phê phán xã hội của trường phái Frankfurt vốn chủ yếu là một trường phái tư tưởng của giới học thuật Đức và Mỹ, những năm 60 của thế kỷ XX phong trào “phái tả mới” của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển phương Tây đẩy nó lên tuyến trước của mặt trận tư tưởng, khiến cho ảnh hưởng của nó vượt xa ngoài giới học thuật. Lý luận này phản ánh sự chán ghét, phản cảm của phái tả mới đại biểu cho lợi ích của giai cấp trung tiểu tư sản đối với nền văn minh tư bản chủ nghĩa hiện đại và nguyện vọng của họ lật đổ nền văn minh này. Những năm 1970 trở lại đây, thuyết giải cấu trúc lưu hành ở phương Tây, với tính cách là trào lưu tư tưởng văn hóa triết học của chủ nghĩa hậu hiện đại, nó đặc biệt thu hút sự chú ý của mọi người. Nó đề ra khẩu hiệu “ý nghĩa giải cấu trúc”, “giá trị giải cấu trúc”, “quyền uy giải cấu trúc”…, công kích mãnh liệt vào quan niệm giá trị lưu hành ở phương Tây. Điều đó trên thực tế phản ánh trạng thái tinh thần vừa bất mãn vừa bất lực của người phương Tây đối với văn minh phương Tây.

Nếu nói rằng sự phản ánh của các trào lưu tư tưởng triết học, văn hóa đối với chính trị, kinh tế còn tương đối gián tiếp thì sự nổi lên của các trào lưu tư tưởng chính trị, kinh tế lại phản ánh tình trạng hiện thực của chính trị, kinh tế xã hội. Trong thế kỷ XX, có chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa tự do thả nổi trực tiếp phản ánh các mâu thuẫn kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại, chủ nghĩa xã hội dân chủ và chủ nghĩa bảo thủ mới trực tiếp phản ánh mâu thuẫn chính trị của chủ nghĩa tư bản hiện đại… Hệ thống lý luận và chủ trương chính sách của Keynes sản sinh sau khi chế độ tư bản chủ nghĩa bước vào độc quyền cao độ, nhằm thích ứng với đòi hỏi bức thiết của sự chuyển biến nền thống trị chủ nghĩa tư bản độc quyền tư nhân sang chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Chính sách nhà nước can thiệp kinh tế mà chủ nghĩa Keynes cầu cứu, như tài chính bội chi, lạm phát và bành trướng ra bên ngoài đều là lý luận và phương án có tính đối sách được tìm kiếm nhằm giải quyết khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp sau khủng hoảng kinh tế thế giới tư bản chủ nghĩa phương Tây những năm 1930 đặng chữa trị những vết thương trầm trọng của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Những năm 1970 về sau, “đơn thuốc” kinh tế của chủ nghĩa Keynes ngày càng mất hiệu nghiệm, kinh tế phương Tây với sự kích thích của học thuyết Keynes xuất hiện hiện tượng trì trệ và lạm phát mới, chính phủ các nước lâm vào cảnh ngộ tiến thoái lưỡng nan. Tình hình này buộc giai cấp tư sản độc quyền không thể không tìm đối sách khác. Thế là các trường phái mới đối lập với chủ nghĩa Keynes như chủ nghĩa tiền tệ, trường phái trọng cung… được dịp ra đời. Những lý luận kinh tế này hợp thành trào lưu tư tưởng chủ nghĩa tự do thả nổi (hay chủ nghĩa tự do kinh tế mới), mục đích chủ yếu của nó là giải quyết hiện tượng lạm phát đình đốn của kinh tế tư bản chủ nghĩa, tìm đối sách mới để hòa hoãn mâu thuẫn kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nhưng chủ nghĩa tự do thả nổi và chủ nghĩa Thatcher, chủ nghĩa Reagan lấy nó làm cơ sở lý luận chỉ lưu hành mấy năm, cuối cùng do sự suy thoái trở lại của kinh tế phương Tây mà giật gấu vá vai chẳng đặng.

Ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng xã hội đa tạp phương Tây đương đại đối với Trung Quốc là vô cùng phức tạp. Một bộ phận tương đối trong đó có tác động tiêu cực đối với sự phát triển xã hội và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Thí dụ sự lưu truyền của trào lưu tư tưởng hiện sinh chủ nghĩa ở Trung Quốc từng làm cho không ít người nhấn mạnh không thỏa đáng tự do cá nhân, phản đối sự chế ước xã hội. Trào lưu tư tưởng này cũng đã một thời trở thành cơ sở lý luận của “tự thiết kế”, “tự gây dựng”. Trong “cơn sốt Freud” những năm 1980 ở Trung Quốc, một số quan điểm của phân tâm học từng trở thành căn cứ lý luận để một số người vứt bỏ lý tưởng đạo đức xã hội, đối lập cái tôi và xã hội, ảnh hưởng của chủ nghĩa duy ý chí mở đầu cho chủ nghĩa phi duy lý phương Tây hiện đại đối với xã hội Trung Quốc càng lớn. Ngay từ những năm 20 – 30 của thế kỷ này nó đã truyền vào Trung Quốc, những năm 1980 lại cùng chủ nghĩa hiện sinh và phân tâm học Freud lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc, đến mức tiếp theo “sốt Satre”, “sốt Freud” lại hình thành cơn “sốt Nietzsche”. Một số quan điểm của Nietzsche và người tiên phong của ông ta Schopenhauer từng trở thành một trong những căn cứ lý luận của tâm thái không lành mạnh một thời lây lan ở Trung Quốc như chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa hư vô văn hóa, chủ nghĩa cá nhân cực đoan… Trong cơn sốt so sánh văn hóa Trung Quốc và phương Tây xuất hiện một số năm trước đây, một số người chịu ảnh hưởng của quan niệm hình thái văn hóa về lịch sử ở phương Tây, làm ngơ trước tinh hoa bao hàm trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, dẫn đến xuất hiện chủ nghĩa hư vô văn hóa.

Nếu như ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng trên đây chủ yếu phát sinh trong phạm vi văn hóa tư tưởng thì có một số trào lưu tư tưởng lại trực tiếp dẫn đến những hậu quả chính trị, kinh tế. Chẳng hạn, mượn quan điểm xã hội học tôn giáo của Weber để hạ thấp lý luận của chủ nghãi Marx; mượn chủ nghĩa xã hội dân chủ để phủ định chủ nghĩa xã hội khoa học; mượn chủ nghĩa khoa học để xóa nhòa sự khu biệt bản chất giữa 2 chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa; và mượn chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa tự do thả nổi để xuyên tạc chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.

Đương nhiên ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đối với Trung Quốc sẽ gặp phải sự sàng lọc của tình hình chính trị kinh tế của Trung Quốc, ảnh hưởng của bất kỳ tư tưởng ngoại lai nào ở Trung Quốc đều có thể tìm thấy nguyên nhân ở chính chúng ta. Những tư tưởng ngoại lai không phản ánh được yêu cầu chính trị kinh tế trong giai đoạn lịch sử nào đó của Trung Quốc sẽ không sản sinh ảnh hưởng trọng đại ở Trung Quốc. Xét theo ý nghĩa đó, tính chất của ảnh hưởng xã hội của các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đối với Trung Quốc không đơn thuần được quyết định bởi chính học thuyết lý luận; trong những điều kiện lịch sử khác nhau, cùng một học thuyết thường sẽ sản sinh ảnh hưởng xã hội có tính chất khác nhau. Do vậy, cần thiết phải phân biệt chính trào lưu tư tưởng với ảnh hưởng xã hội của nó, nắm chuẩn xác ảnh hưởng xã hội của trào lưu tư tưởng.

Các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại, xét về bản chất, về chỉnh thể, là hệ tư tưởng của giai cấp tư sản, tiểu tư sản, là phản ánh của chính trị, kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nó đại biểu cho lợi ích, yêu cầu của giai cấp tư sản hiện đại. Những thứ tiêu cực, lạc hậu và mục nát trong các trào lưu tư tưởng phương Tây như chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa lợi kỷ, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa phi lý tính chúng ta cần kiên quyết loại bỏ. Nhưng các trào lưu tư tưởng phương Tây cũng thực sự có một số nội dung phản ánh khoa học kỹ thuật hiện đại, văn minh công nghiệp hiện đại và phản ánh quy luật chung của kinh tế thị trường, trong một số vấn đề cụ thể, còn biểu hiện tính sâu sắc tương đối. Tuy có lúc chúng đẩy những ý kiến đúng đắn cá biệt tới cực đoan, từ đó biểu hiện tính phiến diện cực lớn, tuy chúng không thể giải quyết một cách căn bản những tệ nạn xã hội hiện thực, nhưng vấn đề mà chúng nêu ra và luận chứng mà chúng thực hiện lại cung cấp những manh mối để suy nghĩ thêm cho việc giải quyết những vấn đề này.

Ngày nay nhân dân Trung Quốc đang tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện bước chuyển từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp hiện đại rồi xã hội hậu công nghiệp. Muốn vậy một mặt cần tiếp thụ những thành quả văn minh ưu tú mà các nước phát triển phương Tây tạo ra, mặt khác lại cần phê phán và chống lại hệ tư tưởng mục nát của xã hội tư bản chủ nghĩa phương Tây. Đúng như đồng chí Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra, “chủ nghĩa tư bản đã có lịch sử mấy trăm năm, khoa học và kỹ thuật mà dưới chế độ tư bản chủ nghĩa nhân dân các nước đã phát triển, các loại tri thức và kinh nghiệm hữu ích đã tích lũy đều là những thứ chúng ta cần kế thừa và học tập. Chúng ta cần du nhập có kế hoạch, có lựa chọn kỹ thuật tiên tiến và những thứ khác hữu ích đối với chúng ta của các nước tư bản chủ nghĩa, nhưng chúng ta quyết không du nhập chế độ tư bản chủ nghĩa, quyết không học tập và du nhập những thứ xấu xa suy đồi. Nếu các nước tư bản chủ nghĩa phát triển thoát khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa, kinh tế văn hóa của chúng chắc chắn còn có tiến bộ lớn hơn. Do đó tất cả các lực lượng chính trị đòi hỏi tiến bộ xã hội trong các nước tư bản chủ nghĩa cũng đang ra sức nghiên cứu và tuyên truyền chủ nghĩa xã hội, ra sức đấu tranh tiêu diệt các hiện tượng không công bằng không hợp lý trong xã hội tư bản chủ nghĩa, thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần giới thiệu cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên những thứ tiến bộ và hữu ích trong các nước tư bản chủ nghĩa, phê phán những thứ phản động và mục nát trong các nước tư bản chủ nghĩa”.

Hệ thống mâu thuẫn phức tạp đa biến: đặc trưng chung của các trào lưu tư tưởng phương Tây

Với tính cách là hệt thống quan niệm phức tạp, mâu thuẫn, các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại chứa đầy mâu thuẫn giữa xung đột và dung hợp, đa nguyên và thống nhất, lưu biến và ổn định, là quá trình vận động mâu thuẫn phức tạp. Do những trào lưu tư tưởng này đều từ những khía cạnh khác nhau phản ánh tình hình chính trị và kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong các thời kỳ, do đó chúng lại có tính chung, hình thái lý luận thể hiện ra tuy có khác nhau nhưng lại có đặc trưng chung. Đặc trưng chung của chúng chủ yếu là:

Thứ nhất, chú ý mổ xẻ xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại. Các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại, với tính cách là sản phẩm của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, đã phản ánh tập trung tình hình chính trị kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại qua các thời kỳ. Bất luận là sự xung đột, dung hợp của các trào lưu tư tưởng hay sự phát triển, suy vi của chúng đều bắt nguồn từ mâu thuẫn chính trị kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại. Chẳng hạn qua màu sắc bi quan của trào lưu tư tưởng duy ý chí chủ nghĩa và hiện sinh chủ nghĩa toát lên tâm lý tiêu cực suy đồi mà giai cấp tư sản phương Tây bộc lộ ra trước khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa tư bản. Đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh, trong học thuyết của nó đã miêu tả và bộc lộ rõ ràng hiện tượng tha hóa trong xã hội tư bản chủ nghĩa, sự áp chế vật chất tinh thần mà những người sống trong xã hội tư bản chủ nghĩa phải chịu đựng cùng với đủ loại khủng hoảng và mâu thuẫn trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Những người hiện sinh chủ nghĩa vì vậy tuyên bố mình là “dũng sĩ” biểu thị sự kháng nghị trước sự tha hóa của con người, là nhà nhân đạo chủ nghĩa cấp tiên liên quan đến sự phát triển tự do cá tính con người. Trong đủ loại phương án của chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa tự do thả nổi toát lên đủ loại tình cảnh khó khăn của kinh tế tư bản chủ nghĩa đương đại. Sau Thế chiến thứ hai, thế giới phương Tây nhiều lần bùng nổ khủng hoảng kinh tế, các nhà kinh tế học phương Tây, khi không thể không thừa nhận hiện tượng có tính quy luật của khủng hoảng và ba động chu kỳ của nền kinh tế, đã từ các giác độ riêng của mình tiến hành tìm tòi nguyên nhân sản sinh khủng hoảng kinh tế và đối sách tránh sản sinh khủng hoảng, chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa tự do thả nổi chính là 2 trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng nhất rong lý luận kinh tế phương Tây đương đại.

Thứ hai, chú ý chuyển sang thế giới đời sống hiện thực. Sự biến đổi triết học – văn hóa phương Tây hiện đại trước tiên xung phá quan niệm thực thể và lý tính siêu hình của triết học truyền thống, từ đó hướng sang thế giới đời sống hiện thực và lối tư duy triết học – văn hóa nhìn thẳng vào chính sự vật. Tự thân triết học đã thực hiện sự chuyển hướng thế tục hóa, cụ thể hóa từ khách thể sang chủ thể, từ lý tính sang phi lý tính, từ trừu tượng sang cụ thể. Con người và khoa học trở thành chủ đề quan tâm của triết học. Thế giới đời sống là thế giới của con người, thế là sự tồn tại và giá trị của con người, tình cảm, ý chí, trực giác, tín ngưỡng phi lý tính của con người và ý thức, hành động của con người trở thành đối đối tượng nghiên cứu văn hóa – triết học. Hiện sinh luận được sự quan tâm cháy bỏng chưa từng có của triết học trước cả bản thể luận và nhận thức luận, ngôn ngữ thường nhật và phương thức nói chuyện của nó – trước cả khoa học và triết học, niềm tin và trực giác đời sống thường nhật – trước cả logic và lý luận. Có thể nói việc văn hóa – triết học phương Tây hiện đại chuyển sang thế giới đời sống và thể nghiệm đời sống là chủ đề của biến đổi triết học phương Tây hiện đại ở thế kỷ XX. Triết học phương Tây hiện đại chính là trong sự biến đổi thế giới đời sống mà đạt được cơ sở của thế giới đời sống mới, và qua sự giải cấu trúc đối với triết học cũ mà đạt được trở lại sự lý giải triết học đối với thế giới đời sống. Từ quan niệm chuyển sang ngôn ngữ, từ khoa học và lý tính chuyển sang phi lý tính và nhân văn, từ logic chuyển sang thể nghiệm đời sống và kinh nghiệm nguyên thủy, đó là những con đường khác nhau mà theo đó triết học phương Tây hiện đại chuyển sang thế giới đời sống, những sự chuyển hướng này cùng thể hiện địa vị ưu tiên của thế giới đời sống. Husserl, Heidegger, Wittgenstein  đã có cống hiến có tính quyết định cho sự biến đổi của triết học phương Tây hiện đại chuyển sang thế giới đời sống.

Thứ ba, màu sắc phi duy lý chủ nghĩa đậm đà. Đặc trưng phi duy lý chủ nghãi của trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại trước hết thể hiện trong triết học phương Tây hiện đại, sau đó ảnh hưởng tới một số lĩnh vực của tâm lý học, văn hóa học, xã hội và chính trị học. Trào lưu tư tưởng nhân bản phương Tây hiện đại vứt bỏ lý tính, lấy ý chí, tình cảm, trực giác phi lý tính làm con đường duy nhất để lĩnh hội bản chất tồn tại. Khi phản đối quan điểm của những người theo chủ nghĩa duy lý cổ điển cho rằng bản chất của con người là ở lý tính, người sáng lập trào lưu tư tưởng nhân bản chủ nghĩa, nhân vật đại biểu hàng đầu của chủ nghĩa duy ý chí Schopenhauer đã quy bản nguyên của thế giới và bản chất của con người về “ý chí sinh tồn”. Về sau, Nietzsche tiến thêm một bước quy bản nguyên của thế giới và bản chất con người về ý chí quyền lực: “Thế giới này là ý chí quyền lực – há còn có gì khác nữa! Chính các bạn cũng là ý chí quyền lực này – há còn có gì khác nữa!”. Một người sáng lập khác của trào lưu tư tưởng nhân bản chủ nghĩa, nhà tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh Kierkegaard cho rằng triết học duy lý chủ nghĩa truyền thống về căn bản đã bỏ qua sự tồn tại của con người, bỏ qua nội dung căn bản nhất của cuộc sống con người, chủ trương lấy “cá thể cô độc” làm xuất phát điểm của triết học, lấy cái tôi phi duy lý làm nội dung chủ yếu của triết học. Về sau triết học sinh mệnh phi duy lý chủ nghĩa thế hệ 2 và chủ nghĩa hiện sinh phi duy lý chủ nghĩa thế hệ 3 đều kế thừa và phát triển quan điểm cơ bản của Schopenhauer và Kierkegaard… Triết học sinh mệnh coi “xung động sinh mệnh” và “dòng sinh mệnh” phi duy lý là tồn tại chân thực nhất, là bản nguyên của vạn vật và bản chất của vũ trụ. Sartre coi tồn tại cá nhân cô độc là điểm xuất phát của toàn bộ lý luận triết học và từ đó quy sự tồn tại của con người thành hoạt động ý thức thuần túy phi lý tính.

Thứ tư, thể hiện tính đa dạng và tính khả biến có nhiều trường phái, biến đổi rối rắm. Đặc trưng này đầu tiên biểu hiện ở sự tiến bộ phồn vinh của  khoa học kỹ thuật, xã hội văn hóa, sự tiếp cận lẫn nhau, giao lưu lý luận, đối thoại bên trong các trường phái và giữa các trường phái từ thế kỷ XX, đặc biệt là 20, 30 năm gần đây, đã xuất hiện xu thế thâm nhập, phân hóa và dung hợp. Cục diện 2 trào lưu tư tưởng lớn là chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa nhân bản cùng tồn tại đã bị phá vỡ. Nhiều trường phái đã có biến đổi về tư tưởng, quan điểm và hình thức tồn tại, bên trong các trường phái và giữa các trường phái lại dung hợp hay phân hóa thành nhiều trường phái, trong cùng một trường phái lại có nhiều học thuyết khác nhau rất lớn về tư tưởng, quan điểm, phương pháp. Do đó rất khó xác định một trường phái nào đó là trường phái thực dụng chủ nghĩa hay triết học phân tích. Đại biểu điển hình nhất về mặt này là triết học phân tích được coi là dòng chính của triết học phương Tây thế kỷ XX. Nói chặt chẽ ra, triết học phân tích không phải là một trường phái, mà là một trào lưu tư tưởng, trong sự phát triển của nó, đặc trưng dung hợp và phân hóa rất nổi bật; thứ hai, biểu hiện ở sự nổi lên của chủ nghĩa hậu hiện địa, hậu văn hóa, đối tượng văn hóa cũng chuyển từ các vấn đề của khoa học và con người sang quan tâm tới toàn xã hội, nhãn quan nghiên cứu cũng mở rộng ra toàn xã hội. Nhiều vấn đề về khoa học, con người, xã hội, văn hóa đều trở thành đối tượng nghiên cứu. Chủ nghĩa hậu hiện đại có sự biến đổi thêm một bước về phương thức tư duy, xuất hiện hiện tượng diện nghiên cứu rộng hơn, nội dung nghiên cứu chi tiết hơn, làm cho triết học, văn hóa phương Tây hiện đại càng phong phú, đa dạng về nội dung nghiên cứu, trạng thái tồn tại, phương thức biểu đạt lý luận và phương pháp nghiên cứu. Khuynh hướng “tiêu giải” của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với triết học, văn hóa truyền thống và khuynh hướng đa nguyên hóa tương đối chủ nghĩa, phản trung tâm chủ nghĩa về lý luận cũng làm cho đặc trưng tính đa dạng, tính khả biến, tính mới mẻ của các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây thế kỷ XX càng thêm rõ nét.

Thứ năm, chú trọng các vấn đề toàn cầu, dự báo tương lai loài người. Mấy mươi năm gần đây, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự biến đổi tăng tốc do vi điện tử học và kỹ thuật sinh học gây ra một mặt mở ra viễn cảnh rộng lớn hơn cho sự phát triển lực lượng sản xuất, mặt khác cũng tạo ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự sinh tồn của loài người, hơn nữa những vấn đề này lại liên kết, ràng buộc lẫn nhau, rất khó phân giải, về quy mô chúng có tính toàn cầu, về tính chất chúng đụng chạm đến lợi ích của toàn thể loài người, khi giải quyết đòi hỏi sự nỗ lực hiệp đồng nhất trí trên phạm vi toàn thế giới, do đó được gọi là các “vấn đề toàn cầu”. Đối với những “vấn đề toàn cầu” này, trào lưu tư tưởng duy khoa học chủ nghĩa đã có sự phản ánh đầy đủ, trong đó tiêu biểu nhất là một loạt báo cáo của Câu lạc bộ Roma. Những báo cáo này chuyển tầm nhìn vào toàn cầu, từ giác độ vĩ mô tìm hiểu những vấn đề chung mà loài người đang phải đối mặt, đó là đặc điểm mới, trạng thái mới mà sự phát triển mới về kinh tế, chính trị thế giới đem lại cho các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại. Dù trong quan điểm lý luận của trào lưu tư tưởng này có khuynh hướng sai lầm khuếch đại hậu quả tiêu cực đặc hữu vốn do tiến bộ khoa kỹ thuật trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đem lại thành vấn đề phổ biến có tính toàn cầu, nhưng những tài liệu có nội dung phong phú mà chúng cung cấp lại rất đáng quý. Trào lưu duy khoa học chủ nghĩa là một giai đoạn mới khi trào lưu tư tưởng chủ nghĩa vị lai phương Tây phát triển tới đương đại. Từ sau Thế chiến thứ hai, một số học giả phương Tây phóng tầm mắt vào tương lai của làoi người, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, dự báo của người ta về sự phát triển tương lai của loài người ngày càng dựa trên khoa học kỹ thuật hiện đại, dần dần hình thành 2 trào lưu tư tưởng là chủ nghĩa lạc quan kỹ thuật và chủ nghĩa bi quan kỹ thuật. Hai trào lưu tư tưởng này đều biểu hiện tính vượt trước và tính dự báo. Đây là một đặc điểm mới của trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại.

Tầm nhìn thế giới rộng lớn: Ý nghĩa của việc nghiên cứu các trào lưu tưởng phương Tây đương đại

Nhìn theo “tầm nhìn lịch sử thế giới” của Marx thì cái gọi là hiện đại hóa chính là thế giới hóa, là phải làm cho sự phát triển của xã hội dân tộc tiếp quỹ đạo với lịch sử thế giới mà đại công nghiệp đã “lần đầu tiên mở ra”; cái gọi là hiện đại hóa con người phải làm cho “cá nhân có tính khu vực chật hẹp của xã hội truyền thống được thay thế bằng cá nhân có tính lịch sử thế giới, thực sự phổ biến”. Do đó Marx đặc biệt nhấn mạnh “tầm nhìn lịch sử thế giới” của loài người và tính lịch sử thế giới của loài người, phản đối mọi tính phiến diện và tính cục bộ dân tộc. Trung Quốc muốn xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, muốn tiếp cận quỹ đạo với chuẩn mực quốc tế thể hiện trật tự quốc tế của kinh tế thị trường, cần có tầm nhìn thế giới thừa nhận quan niệm giá trị hiện đại của tính chung toàn nhân loại. Điều này có nghĩa là ý nghĩa văn hóa của việc xây dựng kinh tế thị trường vượt xa ý nghĩa kinh tế mà chính nó vốn có, có nghĩa là người Trung Quốc sẽ từ cá nhân có tính khu vực chật hẹp trở thành cá nhân thực sự phổ biến, có tính lịch sử thế giới mà Marx nói. Thực tiễn cải cách mở cửa vĩ đại của nhân dân Trung Quốc chính là động lực lớn mạnh nhất thúc đẩy hiện đại hóa và thế giới hóa tinh thần dân tộc.

Tăng cường nghiên cứu và gạn lọc các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại là một nội dung quan trọng của xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Né tránh, bao vây hay chống lại một cách tiêu cực các trào lưu tư tưởng phương Tây là điều không thể được. Thái độ đúng đắn là vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Marx, phân tích sâu vào nội dung tư tưởng của các trào lưu tư tưởng phương Tây, vừa chú ý phân biệt phương hướng chính trị, vừa chú ý phân tích sự đúng sai về lý luận, và còn cần nhận rõ tính khách quan và tính tất yếu của sự lưu hành của mỗi trào lưu tư tưởng tại Trung Quốc, vừa ngăn chặn hữu hiệu trào lưu tư tưởng sai lầm bất lợi cho chủ nghĩa xã hội, vừa hấp thu hữu hiệu nội dung hữu ích của nó. Nói cụ thể, ý nghĩa của việc nghiên cứu và nắm bắt các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại chủ yếu có:

Thứ nhất, có thể nâng cao hữu hiệu năng lực phân biệt chính trị và tính nhạy bén chính trị của chúng ta đối với các trào lưu tư tưởng. Cần nhận thấy rằng, các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại tuy có những sai lầm về tổng thể, về căn bản, nhưng lại có tính hợp lý cục bộ. Những tính hợp lý này có thể cho chúng ta những gợi mở. Thái độ khoa học thực sự cầu thị khi nghiên cứu các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại chính là không những cần nhìn thấy sai lầm có tính căn bản của nó, mà còn cần nhìn thấy chỗ hợp lý cục bộ của nó. Chỉ có thông qua sự nghiên cứu này đối với trào lưu tư tưởng mới có thể nâng cao năng lực phân tích, phân biệt của chúng ta đối với các trào lưu tư tưởng, học cách đối xử đúng đắn với trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại. Khái quát lại, khi đối xử với các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại, đồng thời với việc biện minh khuynh hướng chính trị của nó, nhận rõ sai lầm có tính căn bản về lý luận của nó, còn cần nhận thấy: 1) Nó nêu ra nhiều vấn đề mới, quan niệm mới khiến người ta chú ý, mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới. Chẳng hạn chủ nghĩa duy ý chí, chủ nghĩa hiện sinh và phân tâm học đã mở ra lĩnh vực nghiên cứu phi lý tính trong ý thức loài người, có sự tìm tòi khá sâu về các hiện tượng tâm lý như ý chí, tình cảm, dục vọng của loài người, đặc biệt là học thuyết phân tâm học đã mở đầu cho việc nghiên cứu hệ thống hiện tượng vô thức. Những nghiên cứu này tuy không hoàn toàn xác đáng, luận chứng không thật đầy đủ, thậm chí có một số là sai lầm, nhưng những vấn đề mới, quan niệm mới như vậy là kết quả của sự tìm tòi nghiêm túc của tư duy loài người, phản ánh bước tiến triển của khoa học hiện đại và văn minh loài người, rất có ý nghĩa gợi mở. 2) Trong những luận điểm sai lầm của chúng thường bo hàm những nhân tố hợp lý nào đó, chẳng hạn việc nhà xã hội học phương Tây Max Weber coi những nhân tố phi kinh tế như tôn giáo… là nhân tố quyết định sự phát triển xã hội rõ ràng là sai lầm, nhưng nhấn mạnh thích đáng những nhân tố phi kinh tế lại là hợp lý; quan điểm của chủ nghĩa duy khoa học tuyệt đối hóa tiêu chuẩn của ngành kỹ thuật, bỏ qua quan hệ sản xuất mà chỉ lấy văn minh để phân chia hình thái xã hội là sai lầm, nhưng giác độ mới trong phân chia hình thái xã hội của nó lại có ý nghĩa gợi mở; lời ai thán của chủ nghĩa bi quan kỹ thuật về ngày tàn của thế giới là không có căn cứ, nhưng lời khuyến cáo mà nó nêu ra về “vấn đề toàn cầu” là rất đáng quý. 3) các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại có ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội, đồng thời lại tạo điều kiện cho sự phát triển ở tầng thứ sâu hơn của xã hội về sau. Phép biện chứng của lịch sử cho thấy, sự phát triển của xã hội là một sự vận động mâu thuẫn giữa ổn định và không ổn định. Xung đột xã hội hiện nay thường là khúc dạo đầu đi tới sự ổn định ở cấp độ sâu hơn. Trước rất nhiều trào lưu xã hội, người ta có thể nhất thời lúng túng, mù quáng chạy theo. Nhưng sau nhiều suy nghĩ, so sánh, có sự lý giải sâu sắc về nội dung của các trào lưu tư tưởng và hậu quả xã hội của chúng, sẽ có sự phán đoán xã hội tương đối chuẩn xác về chúng và nâng cao năng lực phân biệt và năng lực phòng ngừa đối với các trào lưu tư tưởng xã hội, sẽ không còn chạy theo mù quáng nữa. Do vậy, không nên lúng túng e ngại khi nhiều trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại dồn dập ào tới. Chỉ cần nghiêm túc đối xử, phân tích khoa học, hoàn toàn có thể chống lại khuynh hướng sai lầm, ngăn ngừa hậu quả tiêu cực, phát huy tác động tích cực, và dùng nó để nâng cao chính bản thân mình. 4) Giúp ích cho chúng ta nhận thức từ tầng sâu lý luận đặc trưng cơ bản và hình thái văn hóa của xã hội phương Tây đương đại. Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, hướng ra thế giới, giao lưu trên các lĩnh vực với các nước phương Tây ngày càng nhiều thêm, cần biết mình lại cần biết người. Các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại vừa có khái quát lý luận về tiến triển khoa học kỹ thuật, văn hóa, kinh tế và xã hội của phương Tây, vừa khúc xạ sâu sắc mâu thuẫn và vấn đề của xã hội phương Tây đương đại, nắm sâu sắc những tình hình này không những có thể làm cho chúng ta mở rộng tầm nhìn, phóng tầm mắt ra toàn cầu, mà còn trực tiếp hay gián tiếp có ích cho chúng ta tiến hành công tác thực tế trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao…

Thứ hai, nghiên cứu các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại còn có ích cho việc làm giàu và phát triển chủ nghĩa Marx, tăng cường hơi thở thời đại của lý luận. Sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa Marx không tách rời con đường lớn văn minh thế giới, mà là hấp thu những thành quả văn hóa ưu tú của làoi người để làm giàu chính mình. Nếu không hiểu nhiều tổng kết và bình luận sâu sắc củ Marx, Engels từ triết học cổ Hy Lạp, La Mã đến triết học cổ điển Đức sẽ khó lý giải những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx tự lớn lên qua đối thoại và tranh luận với các trường phái triết học cùng thời đại, đáp lại các loại thách thức. Phân tích một cách chính xác thành tựu lý luận và lệch lạc của các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại, chính điều đó làm cho chúng ta qua rèn luyện năng lực tư duy lý luận mà kiên trì và vận dụng chủ nghĩa Marx, lĩnh hội sâu sắc hơn tính khoa học của nó.

Nội dung có tính xây dựng bao hàm trong những chỗ hợp lý cục bộ nào đó của các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại có thể cho chúng ta những gợi mở, giúp chúng ta mở rộng lĩnh vực nghiên cứu lý luận hiện có, làm sâu sắc thêm lý luận hiện có. Chẳng hạn hiện tượng phi duy lý mà chủ nghĩa duy ý chí, chủ nghĩa hiện sinh và phân tâm học nghiên cứu là lĩnh vực mà lý luận chủ nghĩa Marx kinh điển chưa từng đụng chạm đến, tư liệu mà triết học phương Tây hiện đại tích lũy được về mặt này đã cung cấp sự gợi mở hữu ích cho phát triển lý luận nhận thức của chủ nghĩa Marx. Trào lưu tư tưởng duy khoa học chủ nghĩa, khi nghiên cứu mối quan hệ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển xã hội, cũng đặt ra nhiều vấn đề mới đáng nghiên cứu. Chẳng hạn, Toffler trong Làn sóng thứ ba đã tìm hiểu, không những từ quan hệ vĩ mô giữa các lĩnh vực khác nhau, mà còn từ quan hệ vi mô bên trong mỗi lĩnh vực, ảnh hưởng của làn sóng văn minh đối với toàn bộ kết cấu xã hội. Điều đó không những gợi ý chúng ta cần chú ý nghiên cứu nhiều khâu trung gian giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng, mà còn gợi ý chúng ta quan tâm nghiên cứu mối quan hệ rối rắm phức tạp giữa các hiện tượng xã hội. Sự coi trọng cao độ của trào lưu tư tưởng duy khoa học chủ nghĩa đối với giá trị tri thức, sự nghiên cứu quy luật biến đổi kết cấu chiều ngang kinh tế xã hội “kinh tế tự nhiên – kinh tế hàng hóa – kinh tế sản phẩm” và sự phân chia hình thái xã hội theo đặc trưng ngành sản xuất và đặc trưng kỹ thuật…, đều đặt ra những vấn đề mới cho phát triển lý luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Xã hội học và quan niệm hình thái văn hóa về lịch sử của Weber cũng từ một khía cạnh nào đó tiến hành sự tìm tòi hữu ích đối với vấn đề động lực phát triển xã hội. Tuy bao hàm một số thành quả nhân thức có giá trị, khi suy xét lại sự phát triển khoa học kỹ thuật, văn hóa và xã hội các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại có thành phần hợp lý, hoặc đã tương đối sớm mở ra một số lĩnh vực nghiên cứu mới, nêu ra một số vấn đề triết học quan trọng, có ích cho chúng ta thúc đẩy việc nghiên cứu một số khâu yếu, nhưng rút cục chúng là những “bông hoa không kết trái” trên cây nhận thức của loài người. Qua việc nghiên cứu phê phán có sức thuyết phục những lý luận sai lầm trong các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại cũng có thể làm sâu sắc, phát triển lý luận marxist.

Thứ ba, có thể giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại, với tính cách là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, học thuyết lý luận của nó tất thảy đều trực tiếp hay gián tiếp phản ánh tình hình chính trị, kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Nghiên cứu các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại có thể giúp chúng ta làm sâu thêm hiểu biết về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Chẳng hạn, trào lưu tư tưởng duy khoa học chủ nghĩa đưa tới cho chúng ta thông tin về cách mạng công nghệ mới, thông qua học thuyết lý luận của các trào lưu tư tưởng này, chúng ta có thể hiểu được những biến đổi sâu sắc mà cách mạng công nghệ mới đem lại cho kết cấu ngành và đời sống xã hội của các nước công nghiệp phát triển, hiểu được nhiều thực tế, số liệu và luận điểm mà trước đây chúng ta chưa thật hiểu, từ đó không những mở rộng tầm nhìn của chúng ta mà còn giúp chúng ta nghiên cứu sâu thêm ý nghĩa xã hội của cách mạng công nghệ mới để áp dụng những đối sách và biện pháp tương ứng, nắm chắc cơ hội có lợi, nghênh đón thách thức, phát triển kinh tế ở Trung Quốc. Lý luận phê phán xã hội của trường phái Frankfurt đã cung cấp cho chúng ta những tài liệu hữu quan để phân tích kết cấu xã hội của chủ nghĩa tư bản hiện đại tuy có thiên lệch, “thuyết đồng hóa giai cấp” mà có cổ xúy tuy là sai lầm, nhưng nhiều tình hình mà nó nêu ra, như một loạt biến đổi diễn ra ở giai cấp lao động trong khu vực văn minh công nghiệp lại có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn kết cấu giai cấp của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, rất có giá trị tham khảo. Chủ nghĩa duy ý chí, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa tự do kinh tế cũng đều cung cấp manh mối cho chúng ta nghiên cứu mâu thuẫn chính trị kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Thứ tư, có lợi cho việc xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc. Sự phát triển của văn hóa Trung Quốc là tiêu chí quan trọng của sức mạnh tổng hợp của đất nước, không thể tách rời thành quả chung của nền văn minh loài người. Ngày nay các loại văn hóa tư tưởng trên phạm vi thế giới va đập lẫn nhau, lý luận triết học và văn hóa phương Tây đương đại đã được giới thiệu, đã thâm nhập tương đối nhiều tại Trung Quốc, chỉ có lý giải nghiên cứu một cách đúng đắn chúng mới có thể kiên trì phương châm “ta là chủ, dùng cho ta”, vừa thu nạp rộng rãi có phân tích chỗ mạnh của văn hóa các nước, vừa chống lại ảnh hưởng của văn hóa tư tưởng tiêu cực mục nát. Di thực, lai ghép một cách máy móc văn hóa phương Tây sẽ làm cho văn hóa bản địa đình đốn, rạn vỡ. Khi xây dựng văn hóa mới của Trung Quốc cần bắt rễ vào thực tiễn chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, kiên trì lấy chủ nghĩa Marx làm chỉ đạo, bằng thái độ xem xét kỹ “Trung Quốc và nước ngoài, xưa và nay” để kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa ưu tú Trung Hoa, dung hòa những thành quả văn hóa ngoại lai hợp lý, qua “đổi mới tổng hợp” mà sáng tạo ra văn hóa của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc trung Quốc tươi đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu tiến bộ toàn diện của xã hội và phát triển toàn diện con người, cống hiến xứng đáng cho văn minh loài người. Ngoài ra, nghiên cứu các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại là một trong những bộ phận hợp thành quan trọng của việc lợi dụng chủ nghĩa tư bản, phát triển văn minh tinh thần của chủ nghĩa xã hội. Lợi dụng chủ nghĩa tư bản không những cần coi trọng phần cứung, tức là coi trọng một số thứ thuộc tầng diện vật chất như vốn, tài nguyên, kỹ thuật, mà còn cần coi trọng phần mềm, tức là coi trọng nội dung ở tầng diện tư tưởng. Phần học thuyết lý luận của các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại, với tính cách là hiện tượng văn hóa của xã hội phương Tây đương đại, là bộ phận hợp thành quan trọng của văn minh thế giới hiện đại. Giống như chủ nghĩa Marx phát triển lên trên cơ sở hấp thu rộng rãi thành quả văn minh thế giới, sự phát triển của văn hóa xã hội chủ nghĩa đương đại cũng không tách rời việc hấp thu rộng rãi thành quả văn minh thế giới hiện đại, trong đó đương nhiên không thể thiếu việc hấp thu những nhân tố hợp lý trong học thuyết lý luận của các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại.

Nói tóm lại, nghiên cứu các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại là yêu cầu của việc kiên trì và phát triển chủ nghĩa Marx, là yêu cầu của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, là yêu cầu của việc hiểu chủ nghĩa tư bản hiện đại, cũng là yêu cầu của việc lợi dụng thành quả văn minh của chủ nghĩa tư bản, tăng cường xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa. Khi nghiên cứu một cách thực sự cầu thị các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây hiện đại, cần khắc phục thái độ cực đoan phủ định hoàn toàn hay khẳng định hoàn toàn. Trong một thời gian tương đối dài trước kia, chúng ta từng áp dụng thái độ phủ định hoàn toàn đối với các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại, nguyên nhân chủ yếu tạo ra tình hình này là chịu ảnh hưởng của tư tưởng chỉ đạo “tả”. Sau Hội nghị Toàn thể 3 Ủy ban Trung ương khóa 11 Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với sự khôi phục đường lối tư tưởng phương Tây đương đại có môi trường chính trị tốt đẹp và đạt được thành quả bước đầu. Cùng với việc tăng cường mở cửa ra bên ngàoi, số người tiếp xúc với nguyên tác lý luận phương Tây ngày càng nhiều, tiến hành phân tích một cách khoa học các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại ngày càng trở thành nhận thức chung của nhiều người. Nhưng cũng có một số ít người đi tới một cực đoan khác, giữ thái độ khẳng định hoàn toàn các trào lưu tư tưởng phương Tây, tiếp nhận không phân tích các quan điểm của chúng. Hai khuynh hướng sai lầm khẳng định hoàn toàn và phủ định hoàn toàn đều cần nghiêm túc khắc phục.

Nghiên cứu một cách thực sự cầu thị các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại còn cần đối xử đúng đắn với chính chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình hoàn toàn không đóng kín chân lý. Chỉ có vận dụng thật tốt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx, giải quyết tình hình mới và vấn đề trong nước và quốc tế trước mắt và căn cứ vào thành quả mới của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để khái quát nên những nguyên lý và phạm trù mới hặc đưa ra cách giải thích mới đối với những nguyên lý vốn có nhằm làm sâu thêm, phong phú thêm những nguyên lý vốn có, thổi vào chính lý luận hơi thở thời đại thì mới có thể kiên trì và phát triển tốt hơn chủ nghĩa Marx. Các trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây đương đại có không ít tác dụng gợi mở này có thể phát sinh hiệu quả là đối xử đúng đắn với chính chủ nghĩa Marx. Cần dùng tinh thần của chủ nghĩa Marx để đối xử với các trào lưu tư tưởng phương Tây đương đại, cũng cần dùng tinh thần của chủ nghĩa Marx đẻ đối xử với chính chủ nghãi Marx. Đây là nguyên tắc của chúng ta, kết luận của chúng ta.

Từ năm 1848 đến nay, Trung Quốc từng ở trong nghịch cảnh bị khinh rẻ, chịu khuất nhục. Hiện nay Trung Quốc đã thoát khỏi nghịch cảnh này. Một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa lớn mạnh, khiến mọi người chú ý đang tiến những bước dài tới thế kỷ XXI. Lịch sử đã chứng minh và sẽ tiếp tục chứng minh tính chân lý của luận điểm Đặng Tiểu Bình rằng cải cách mở cửa là lối ra duy nhất cùa xã hội Trung Quốc. Thành quả tư tưởng phong phú nhiều màu sắc của thế giới loài người đã cung cấp ngọn nguồn không cạn cho sự phát triển chủ nghĩa Marx, thực tiễn của loài người đương đại càng cung cấp ngọn nức đầu nguồn cực kỳ tươi mới cho chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx phải biết hấp thu nguồn dinh dưỡng mới, tổng kết kinh nghiệm mới từ trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội  (cũng bao gồm những nhân tố tích cực của các trào lưu tư tưởng phương Tây) và thực tiễn. Chúng ta tin rằng, chỉ cần làm được như vậy, chủ nghĩa Marx nhất định có thể không ngừng tiến bộ cùng với sự tiến bộ của thời đại, từ đó mãi mãi duy trì sức sống của mình.

VIỄN PHỐ dịch


Nguồn: TN 2000 – 119 & 120. Phiên bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt