Triết học xã hội

Triết học chính trị của John Locke

 

TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ CỦA JOHN LOCKE

 

JONATHAN WOLFF

(Giáo sư, Đại học University College London)

BÙI XUÂN LINH dịch

 


Jonathan Wolff. An Introduction to Political Philosophy. Oxford Oxfordshire: Oxford University Press. 2015. | Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Bùi Xuân Linh gửi cho triethoc.edu.vn


 

 

Trạng thái Tự nhiên và Trạng thái Chiến tranh, mà một số Người đã nhầm lẫn, khác xa nhau như Trạng thái Hòa bình, Thiện chí, Tương trợ và Bảo tồn khác xa với Trạng thái Thù địch, Ác tâm, Bạo lực và Hủy diệt Lẫn nhau.

                    John Locke, Chuyên luận thứ hai về Chính quyền Dân sự, Nxb. Peter Laslett ([1689], bản dành cho sinh viên, Cambridge: Cambridge University Press, 1988), Phần 19, 280

 

Đây là một vấn đề tranh luận của giới học thuật – liệu Locke có nghĩ đến Hobbes một cách rõ ràng khi ông viết đoạn văn này hay không. Mục tiêu chính thức của ông là quan điểm của Sir Robert Filmer (1588-1653), một người bảo vệ cho học thuyết Thần Quyền của các Vì Vua: Rằng nhà vua cai trị với thẩm quyền được Thiên Chúa ban cho. Tuy nhiên, khó mà phủ nhận rằng, ở một số điểm, Locke dường như đang tranh cãi với Hobbes, là người mà tác phẩm hẳn đã được ông biết đến. Như chúng ta sẽ thấy, việc so sánh hai lời giải thích về trạng thái tự nhiên sẽ dọi ánh sáng lên cả hai người.

Như chúng ta thấy, trong khi Hobbes đồng nhất trạng thái tự nhiên với tình trạng chiến tranh, thì Locke sôi nổi nhấn mạnh rằng đây là một sai lầm. Locke cho rằng nhìn chung vẫn có thể sống một cuộc sống chấp nhận được ngay cả khi không có chính quyền. Câu hỏi của chúng ta phải là Locke đã xoay sở để rút ra kết luận này như thế nào. Hoặc, nói một cách khác, theo Locke thì Hobbes đã sai ở chỗ nào?

Chúng ta hãy bắt đầu ở chỗ bắt đầu. Trạng thái tự nhiên, Locke nói, thứ nhất là một trạng thái tự do hoàn toàn; thứ hai, một trạng thái bình đẳng, và thứ ba, bị buộc chặt bởi một Luật của Tự nhiên. Dĩ nhiên, về mặt ngôn từ, điều này nghe như quan điểm của Hobbes, nhưng mỗi một trong số ba yếu tố này được Locke đưa ra một lời giải thích khá khác biệt. Nguyên tắc bình đẳng của Hobbes là một tuyên bố đạo đức về các quyền: không người nào được có quyền tự nhiên bắt bất cứ người nào khác phải lệ thuộc mình. Lời khẳng định này rõ ràng nhằm chống lại những ai, kể cả Filmer, chấp nhận quan điểm phong kiến về một hệ thống cấp bậc tự nhiên, dẫn đầu bởi một vị chúa tể, cai trị bởi sự chỉ định thần thánh. Filmer biện luận rằng Đức Chúa Trời đã chỉ định Adam làm vị vua đầu tiên, và các vị vua đương thời có thể dò ngược tước vị của mình lên sự ban cấp đầu tiên của Thiên Chúa. Đối với Locke, hiển nhiên là không ai có quyền cai trị một cách tự nhiên, theo nghĩa là không ai đã được Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm nhà cai trị. Mặc dù Hobbes đã không có ý này qua việc ông giả định về sự bình đẳng, ông cũng sẽ chấp nhận quan điểm của Locke ở đây. Hobbes cho rằng trên thực tế dù bất cứ ai thực thi quyền lực lên cộng đồng thì, vì lý do ấy, sẽ được công nhận làm chúa tể của nó.    

Tuy nhiên, có sự bất đồng to lớn hơn giữa hai người về tự nhiên và nội dung của Luật của Tự nhiên. Đối với Hobbes, Luật cơ bản của Tự nhiên là đi tìm hòa bình, nếu những người khác đang làm vậy, nhưng bằng cách khác khi sử dụng những lợi thế của chiến tranh. Điều này, và mười tám Qui luật khác của Hobbes, được cho là “những định lý của lý trí”. Locke cũng tin Luật của Tự nhiên có thể được khám phá bởi lý trí, nhưng Luật của Locke có một sắc thái thần học không tìm thấy nơi những Luật của Hobbes. Luật, Locke nói, là không ai được làm hại tính mạng, sức khỏe, tự do, hoặc tài sản của người khác. Theo Locke, lý do là vì trong lúc chúng ta không có những bậc bề trên dưới trần gian, chúng ta có một đấng ở trên trời. Nói cách khác, tất cả chúng ta là những tạo vật của Thượng Đế, là tài sản của Người, được đặt trên mặt đất như những tôi tớ của người, “được tạo nên để tồn tại trong niềm vui của ngài, chứ không phải của nhau.” Do đó “Mọi người … bị buộc phải tự duy trì, và không được tự ý rời khỏi vị trí của mình; vì vậy, bởi lý do tương tự khi sự Duy trì của chính hắn không gặp cạnh tranh, hắn phải, hết sức có thể, duy trì phần còn lại của Nhân loại” (Chuyên luận Thứ hai, phần 6, 271). Đối với Locke, Luật của Tự nhiên đơn giản là ý tưởng rằng nhân loại phải được duy trì càng nhiều càng tốt. Do đó, Locke biện luận, chúng ta có một bổn phận rõ ràng là không làm hại những người khác trong trạng thái tự nhiên (ngoại trừ những mục đích tự vệ giới hạn), và thậm chí chúng ta có bổn phận giúp đỡ những người khác nếu có thể làm thế mà không gây thiệt hại cho chính mình. 

Thế thì rõ ràng là Hobbes và Locke có những quan điểm khác biệt nhau đáng kể về bản chất và nội dung của các Luật của Tự nhiên. Một khác biệt còn lớn lao hơn nữa nằm ở chỗ họ sử dụng cụm từ “tự do tự nhiên”. Chúng ta thấy, với Hobbes, khi nói chúng ta có quyền tự do tự nhiên là nói rằng điều đó thường có thể hoàn toàn hợp lý, và vượt ra ngoài sự chỉ trích đạo đức, làm bất cứ điều gì thích hợp để giúp bảo đảm sự sống còn của chính chúng ta, ngay cả khi điều này có nghĩa là tấn công những người vô tội. Locke hiểu điều này rất khác, cho rằng mặc dù trạng thái tự nhiên “là một trạng thái Tự do, nhưng nó không phải là một trạng thái Phóng túng … Trạng thái tự nhiên có một Luật của Tự nhiên chi phối nó, và mang tính bắt buộc đối với mọi người” (Chuyên luận thứ hai, Phần 6, 270-1).   

Theo quan điểm của Locke, quyền Tự do Tự nhiên không hơn gì quyền tự do làm điều gì Luật của Tự nhiên cho phép. Có nghĩa là chúng ta được ban cho quyền tự do làm những gì được cho phép về mặt đạo đức. Do đó, chẳng hạn, mặc dù Luật của Tự nhiên của Locke ngăn cấm tôi xâm phạm tài sản của người khác, điều này không có nghĩa là một sự giới hạn đối với tự do của tôi. Chắc chắn Locke sẽ không đồng ý với tuyên bố của Hobbes rằng trong trạng thái tự nhiên mọi người có quyền đối với mọi thứ, ngay cả đối với thể xác của nhau (mặc dù ông chấp nhận rằng chúng ta có những quyền tự vệ đáng kể). 

Liệu những bất đồng giữa Hobbes và Locke này có bổ sung đủ để thiết lập nên kết luận của Locke rằng trạng thái tự nhiên không cần thiết là một trạng thái chiến tranh? Rõ ràng điều quan trọng đối với Locke là ngay cả trong trạng thái tự nhiên, chúng ta có bổn phận đạo đức để hạn chế hành vi của mình. Thế nhưng việc này tự nó dường như không đủ để chứng tỏ rằng trong trạng thái tự nhiên lo sợ và nghi ngờ sẽ không tồn tại. Và, như Hobbes biện luận, chính tâm lý lo sợ và nghi ngờ khiến cho trạng thái tự nhiên rơi vào chiến tranh. Để tránh điều này, Locke không chỉ yêu cầu trạng thái tự nhiên phải chịu sự đánh giá về mặt đạo đức, mà còn bằng cách này hay cách khác con người sẽ bị thúc đẩy để hành động theo chỉ thị của Luật của Tự nhiên.  

Điều này gợi ý một chiến lược để chống lại kết luận bi quan của Hobbes. Hobbes lập luận rằng con người sẽ bị thúc đẩy bởi việc tìm kiếm hạnh phúc (sự thỏa mãn liên tục những ham muốn của họ), và điều này, ít nhất là ban đầu, dẫn họ đến xung đột. Nếu Hobbes đã mô tả sai về động cơ của con người – giả sử con người thực sự rất vị tha – thì hòa bình có thể đạt được một cách dễ dàng. Đó sẽ là một con đường dẫn đến kết luận của Locke. Đó có phải là con đường mà Locke chọn không? Locke không đưa ra một cách rõ ràng lý thuyết về động lực của con người trong Hai chuyên luận, nhưng dường như rõ ràng là ông không nghĩ con người sẽ tự động được thúc đẩy tuân theo quy luật đạo đức. Thật vậy, ông có giọng điệu rất gần với Hobbes: “Vì Luật của Tự nhiên, cũng như tất cả các Luật khác liên quan đến Con người trên Thế giới này, sẽ vô ích, nếu không có cơ quan nào trong Trạng thái Tự nhiên, có một Quyền lực Thực thi Pháp luật và do đó bảo vệ người vô tội và kềm chế kẻ phạm tội” (Chuyên luận Thứ hai, Phần 7, 271). Nói cách khác, Luật của Tự nhiên, giống như mọi luật lệ, cần có người thi hành pháp luật. Không có một người như vậy, nó sẽ trống rỗng.   

Hobbes hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận rằng trong trạng thái tự nhiên những Luật của Tự nhiên của ông không có tác dụng. Tuy nhiên, không như Hobbes, Locke không thể chấp nhận rằng Luật của Tự nhiên có thể vô ích: xét cho cùng, theo quan điểm của Locke nó là luật của Thượng Đế, đấng được cho là không làm điều gì vô ích. Do đó phải có một cách để thực thi luật: một người nào đó thi hành nó. Nhưng tất cả chúng ta đều bình đẳng trong trạng thái tự nhiên, nên nếu có ai có được quyền ấy thì tất cả mọi người cũng phải có nó. Do đó Locke kết luận, phải có một quyền tự nhiên, do mỗi người nắm giữ, nhằm trừng phạt những kẻ vi phạm Luật của Tự nhiên. Mỗi người trong chúng ta có quyền trừng phạt những kẻ xâm hại sinh mạng, tự do, hay tài sản của người khác.  

Quyền trừng phạt không giống như quyền tự vệ. Nó là quyền không đơn giản chỉ cố ngăn ngừa hoặc tránh đỡ một hành vi gây tai hại hoặc thiệt hại cụ thể, mà còn khiến cho bất cứ ai vượt quá Luật của Tự nhiên phải trả giá cho sự vi phạm của họ. “Học thuyết lạ lùng” này, như Locke gọi, đóng một vai trò rất quan trọng trong sự hình thành quan điểm của ông về trạng thái tự nhiên. Nếu Luật của Tự nhiên có thể được thi hành, chúng ta có lý do vững chắc để hy vọng cuộc sống đã có thể tương đối yên ổn. Những kẻ vi phạm có thể bị trừng phạt để sửa chữa, và kềm chế và ngăn chặn chúng, cùng những kẻ khác, khỏi những hành vi tương tự trong tương lai. “Mỗi sự Vi phạm có thể bị trừng phạtđến mức độ ấy, và đủ Nghiêm khắc để biến nó thành một món hời xấu đối với Kẻ vi phạm, mang lại cho hắn ta lý do để ăn năn và răn đe những người khác không làm những điều tương tự” (Chuyên luận thứ hai, Phần 12, 275). Điều quan trọng là quyền tự nhiên trừng phạt này không chỉ dành cho cá nhân gánh chịu hành vi sai trái. Nếu là như vậy thì, thật tai hại, những kẻ phạm tội giết người sẽ không bị trừng phạt. Nhưng, quan trọng hơn, nạn nhân có thể không có đủ sức mạnh hoặc quyền lực để khuất phục, và đòi hỏi được báo thù kẻ phạm tội. Do đó Locke biện luận rằng những kẻ vi phạm pháp luật là một mối đe dọa cho tất cả chúng ta, vì chúng có khuynh hướng phá hoại cảnh hòa bình và an toàn của chúng ta, và do đó mọi người trong trạng thái tự nhiên được ban cho điều mà Locke gọi là “Quyền Thực thi Luật của Tự nhiên”. Locke có trong tâm trí ý tưởng rằng những công dân tuân thủ pháp luật, bị xúc phạm bởi hành vi phạm tội, sẽ hợp tác với nạn nhân để đưa kẻ thủ ác ra trước công lý, và cùng nhau họ sẽ có đủ sức mạnh cần thiết để làm điều đó. 

Locke nhận ra lời tuyên bố rằng tất cả chúng ta đều có quyền tự nhiên để trừng phạt kẻ phạm tội có vẻ đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, để ủng hộ quan điểm của mình, ông tuyên bố rằng, nếu không có nó, thật khó để thấy làm thế nào vị chúa tể, hay quốc vương của bất kỳ quốc gia nào có thể có quyền trừng phạt một người nước ngoài không tôn trọng luật pháp. Nếu người nước ngoài không đồng ý với luật pháp của quốc vương, trong trường hợp đó người đó không chấp nhận rằng mình phải chịu hình phạt vì vi phạm chúng. Do đó, một người như vậy không thể bị trừng phạt một cách chính đáng, trừ khi có một thứ quyền tự nhiên nào đó để trừng phạt. Thực ra, vị chúa tể ở trong trạng thái tự nhiên với người ngoại quốc, và vì vậy hành vi của ông ta được qui định không phải bởi luật đất đai, mà bởi Quyền Hành pháp của Luật của Tự nhiên.  (Trên thực tế, chúng ta sẽ thấy trong Chương 2 rằng Locke có một chiến lược rành mạch hơn để giải thích quyền của quốc vương: rằng người nước ngoài tuân theo luật pháp như một chiến thuật.)

Nếu Luật của Tự nhiên có thể có hiệu lực, thì một số những quyền khác có thể được bảo đảm, ngay cả trong trạng thái tự nhiên. Đối với Locke, quan trọng nhất trong số này là quyền tư hữu. Chúng ta đã có thể thấy hình thức cơ bản của luận cứ này phải là gì. Chúa đặt chúng ta trên trái đất, và thật vô lý nếu nghĩ rằng Ngài đặt chúng ta ở đây để chết đói. Nhưng chúng ta sẽ chết đói trừ khi chúng ta có thể tiêu thụ chính đáng những vật như táo và quả sồi; hơn nữa, chúng ta sẽ còn làm tốt hơn nếu các cá nhân có thể sở hữu một cách an toàn các lô đất và loại trừ những người khác một cách chính đáng. Khi ấy chúng ta có thể canh tác đất đai, và yên tâm thưởng thức các sản vật của nó. (Chúng ta sẽ xem xét lập luận này chi tiết hơn trong Chương 5.)

Đối với độc giả hiện đại, việc Locke luôn viện dẫn đến Chúa và những mục đích của Chúa có lẽ gây bối rối. Chắc chắn là có thể xem xét các câu hỏi của triết học chính trị bên ngoài một khuôn khổ thần học? Tuy nhiên, Locke cũng kêu gọi đến “lý trí tự nhiên” khi thiết lập tiền đề cho các lập luận của ông, ngay cả khi ông cho nó một vai trò ít quan trọng hơn. Do đó, chẳng hạn, ông cho rằng thật vô lý và đi ngược lại lý trí tự nhiên, khi cho rằng con người không thể sử dụng trái đất mà không có sự cho phép của tất cả những người khác, vì nếu như vậy chúng ta sẽ phải chết đói. Lập luận thay thế này chắc chắn có vẻ hợp lý, và vì vậy một số người theo Locke đã chuẩn bị từ bỏ nền tảng thần học trong quan điểm của ông để ủng hộ cách tiếp cận “lý trí tự nhiên” này.

Quay trở lại lập luận chính, cho đến nay sự khác biệt trung tâm giữa Hobbes và Locke dường như là Locke nghĩ rằng, ngay cả trong tình trạng tự nhiên, vẫn có một luật đạo đức có hiệu lực và có thể đem thi hành, được hỗ trợ bởi quyền trừng phạt tự nhiên, trong khi Hobbes sẽ rất nghi ngờ về tuyên bố này. Chúng ta có thể tưởng tượng Hobbes sẽ trả lời Locke như thế nào. Theo Hobbes, cách duy nhất để khuất phục bất kỳ quyền lực nào là thông qua việc thực thi một quyền lực lớn hơn. Vì vậy, tất cả chúng ta có thể kết giao với một kẻ ác để yêu cầu sửa chữa và ngăn chặn những hành vi như vậy trong tương lai. Nhưng sau đó kẻ ác – là kẻ cũng có thể không biết điều với những người bạn cùng chí hướng – có thể quay trở lại, trang bị vũ khí, với các lực lượng đoàn kết, để trả thù.Những suy nghĩ như vậy có thể gây thoái chí mạnh mẽ đối với những người nghĩ đến việc thực hiện quyền hành pháp của họ đối với qui luật tự nhiên. Nếu bạn muốn tránh những chuyện không thú vị trong tương lai thì đừng can dự vào. Vì vậy, Hobbes có lẽ sẽ lập luận rằng ngay cả khi mọi người có quyền tự nhiên để trừng phạt những kẻ phạm tội, điều này hiếm khi được sử dụng với bất kỳ tác dụng nào trừ khi tồn tại một thẩm quyền duy nhất, ổn định: ví dụ, trong một bộ lạc hoặc một nhóm, một thủ lĩnh được thừa nhận để phân xử các tranh chấp và thi hành các kết quả phán xử. Nhưng đó đã là một trạng thái non trẻ. Vì vậy, trong trạng thái tự nhiên, ngay cả khi có quyền trừng phạt, thì điều này cũng sẽ không hiệu quả như một phương tiện để có hòa bình.

Tuy nhiên, vẫn còn một điểm khác biệt dường như quan trọng giữa Hobbes và Locke mà tôi chưa đề cập đến. Hãy nhớ rằng đối với Hobbes, một trong những yếu tố then chốt khiến cho con người xung đột là sự khan hiếm hàng hóa tự nhiên. Hai người sẽ thường ham muốn cùng một thứ, và điều này sẽ biến họ thành những kẻ thù. Mặt khác, Locke có vẻ đưa ra một giả định rất khác biệt; tự nhiên đã ban cho mọi thứ rất hào phóng. Đất đai dồi dào trong tự nhiên, và có nhiều chỗ cho mọi người, đặc biệt là “trong những Thời đại đầu tiên của Thế giới, khi Con người có nhiều nguy cơ bị lạc trong Vùng hoang dã rộng lớn lúc bấy giờ của Trái đất do lang thang khỏi tập thể của họ, hơn là bị túng quẫn vì thiếu chỗ để trồng trọt. (Chuyên luận Thứ hai, Phần 36, 293). Do đó, Locke ngụ ý, dưới những điều kiện này có rất ít lý do để xung đột và tranh chấp. Có lẽ hầu hết mọi người muốn cày cấy mảnh đất riêng của họ hơn là xâm phạm đất của hàng xóm, và vì vậy chúng ta có thể mong đợi một bầu không khí tương đối hòa bình và ít nguồn cơn cãi vã. Nếu điều này là đúng, thì hòa bình trong trạng thái tự nhiên không chỉ được bảo đảm bởi quyền tự nhiên được trừng phạt, mà quan trọng không kém – cũng bởi thực tế rằng nó hiếm khi phải được sử dụng.

Việc này có vẻ hợp lý như thế nào? Hobbes chắc chắn sẽ chỉ ra rằng sự phong phú của đất đai không loại trừ việc khan hiếm các hàng hóa tiêu dùng và hoàn thiện. Thường sẽ ít rắc rối hơn khi lấy sản phẩm của người khác bằng cách lén lút so với việc đi cày, gieo hạt và thu hoạch. Hơn nữa, nếu người khác cũng có những ý nghĩ tương tự thì tôi đang lãng phí năng lực khi canh tác mảnh đất của mình, vì, như Hobbes biện luận, bất cứ thứ gì tôi sản xuất cũng sẽ kết thúc trong tay của kẻ khác. Đối với Locke, để bác bỏ điều này ông phải hoặc cho thấy rằng quyền tự nhiên trong việc trừng phạt có thể được sử dụng một cách hiệu quả, hoặc con người có động cơ khá mạnh mẽ nào đó để tuân theo luật đạo đức. Nếu không, một vài cá nhân chống xã hội có thể hủy hoại mọi thứ cho mọi người.

Sự thực, Locke đi gần đến chỗ công nhận rằng trạng thái tự nhiên có lẽ không yên bình như ban đầu ông nghĩ. Rốt cuộc, ông phải cẩn thận không vẽ nên nó với những sắc màu điền dã, vì lúc ấy sẽ rất khó giải thích tại sao chúng ta đã phải rời bỏ nó và tạo nên nhà nước. Locke nhận thấy lỗi chính là ở việc thi hành công lý. Điều này không phải như chúng ta tranh giành hàng hóa, mà là tranh giành những thứ mà công lý đòi hỏi. Nói cách khác, chúng ta sẽ bất đồng nhau về cách giải thích Luật của Tự nhiên. Con người sẽ bất đồng về việc liệu có xảy ra một sự vi phạm hay không. Họ sẽ bất đồng về chính sự trừng phạt và đền bù của nó. Và họ có thể không có quyền lực để đòi hỏi những gì họ tin là hình phạt thích đáng của nó. Vì vậy, nỗ lực thực thi công lý, ngay cả giữa những người sẽ tuân thủ pháp luật, chính nó là một nguồn tranh chấp mạnh mẽ. Điều này Locke xem như là sự “bất tiện” chính của trạng thái tự nhiên. Điều duy nhất ngăn chặn rắc rối nghiêm trọng là suy nghĩ rằng, với sự dồi dào ban đầu của đất đai, tranh chấp sẽ rất ít.

Nhưng Locke nhìn thấy sự dồi dào ban đầu của đất đai cuối cùng quay sang khan hiếm: không phải do việc phát triển dân số ồ ạt, nhưng qua lòng tham và sự “phát minh” ra đồng tiền. Trước khi có đồng tiền không ai có lý do gì để lấy nhiều đất đai hơn sự cần thiết cho sự tồn tại của gia đình họ. Nếu bạn trồng trọt nhiều hơn bạn có thể sử dụng, nó sẽ đơn giản trở nên lãng phí, trừ khi bạn có thể đổi nó để lấy thứ gì lâu bền hơn. Nhưng một khi tiền tệ xuất hiện, những vụ trao đổi như thế trở nên dễ dàng, và người ta có thể dành dụm những số tiền khổng lồ mà không có nguy cơ sẽ bị hư hỏng. Việc này mang lại cho người ta một lý do để canh tác trên nhiều đất đai nhằm sản xuất ra nhiều hàng hóa có thể đem bán. Đổi lại, điều này dẫn đến áp lực về đất đai mà sau đó và chỉ vì lý do này, Locke cho rằng trở nên khan hiếm. Giờ đây Locke không nói rằng sự khan hiếm như thế đưa đến trạng thái chiến tranh của Hobbes, nhưng ông nhận ra rằng một khi đất đai bị thiếu hụt và đang bị tranh chấp, những bất tiện của trạng thái tự nhiên sẽ sinh sôi nảy nở. Việc thiết lập chính quyền dân sự trở nên khẩn thiết. Do đó, ngay cả với Locke, mặc dù trạng thái tự nhiên ban đầu bình yên nhưng cuối cùng trở nên hầu như không thể chịu đựng được. 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt