Chủ nghĩa hiện sinh

Niềm hy vọng bây giờ - 1. Vượt lên sự thất bại

 

KỶ NIỆM 120 NĂM JEAN-PAUL SARTRE

 

 

NIỀM HY VỌNG BÂY GIỜ

ĐỐI THOẠI NĂM 1980

 

Jean-Paul Sartre

Benny Lévy

 

 

1. VƯỢT LÊN SỰ THẤT BẠI[1]

 

Benny Lévy: Dạo gần đây, ông thường đặt vấn đề về niềm hy vọng và sự tuyệt vọng. Đây là những chủ đề mà trước kia ông hiếm khi đề cập trong các tác phẩm của mình.

 Jean-Paul Sartre: Dù sao thì, không phải theo cách như bây giờ. Bởi tôi vẫn luôn nghĩ rằng mỗi người đều sống với một niềm hy vọng, tức là tin rằng một điều gì đó mà người ấy đã khởi sự, hoặc có liên hệ đến người ấy, hoặc liên hệ đến nhóm xã hội mà người ấy thuộc về, đang dần trở thành hiện thực, sẽ trở thành hiện thực và sẽ mang lại điều thuận lợi cho chính người ấy cũng như cho những người cùng cộng đồng với mình. Tôi cho rằng hy vọng là một phần của con người; hành động của con người mang tính siêu việt, tức là nó luôn hướng đến một đối tượng tương lai kể từ hiện tại, nơi ta hình dung và cố gắng thực hiện hành động ấy; nó đặt mục đích, tức là sự thành tựu của nó, vào trong tương lai; và trong cách thức hành động ấy, có sự hy vọng, tức là chính việc đặt ra một mục đích như thể nó sẽ được thực hiện.

Benny Lévy: Ông đã nói rằng hành động của con người hướng đến một mục đích trong tương lai, nhưng ngay sau đó, ông lại thêm rằng hành động ấy là vô ích. Rằng niềm hy vọng tất yếu sẽ bị phản bội. Giữa một anh bồi bàn, một kẻ dẫn dắt dân tộc – Hitler hay Staline –, một tay bợm rượu Paris[2], một người chiến sĩ cách mạng theo chủ nghĩa Marx và Jean-Paul Sartre, giữa tất cả những con người đó dường như có một điểm chung: rằng tuy ai nấy đều tự đặt ra cho mình những mục đích, nhưng tất cả, không sót ai, đều thất bại.

Jean-Paul Sartre: Tôi không nói chính xác như vậy đâu, ông đã phóng đại rồi. Tôi chỉ nói rằng họ không bao giờ đạt được đúng hoàn toàn điều mà họ đã tìm kiếm, rằng luôn luôn có một sự thất bại nào đó…

Benny Lévy: Ông đã khẳng định rằng hành động của con người phóng chiếu một mục đích vào tương lai, nhưng đồng thời cũng nói rằng chuyển động siêu việt đó dẫn đến thất bại.[3] Ông đã mô tả cho chúng tôi, trong Tồn tại và Hư vô, một sự hiện hữu phóng chiếu những mục đích hoàn toàn vô ích, mặc dù với một óc nghiêm trọng tuyệt đối. Con người tự đặt ra cho mình những mục đích, đúng vậy, nhưng rốt cuộc, mục đích duy nhất mà con người khao khát lại là trở thành Thượng Đế, điều mà ông gọi là “tự mình là nguyên nhân của chính mình”. Và từ đó, tất nhiên, là thất bại.

Jean-Paul Sartre: Vậy thì, tôi vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ ý tưởng về sự thất bại, dù nó mâu thuẫn với chính ý niệm về hy vọng. Không được quên rằng khi viết Tồn tại và Hư vô, tôi chưa từng nói đến hy vọng. Và chính về sau này, dần dần tôi mới có được ý niệm về giá trị của hy vọng. Tôi chưa bao giờ xem hy vọng như một ảo tưởng lãng mạn. Ngay cả khi không nói về nó, tôi vẫn luôn xem hy vọng là một cách để nắm lấy mục đích mà tôi đặt ra cho mình, như một điều có thể được thực hiện.

Benny Lévy: Có thể lúc ấy ông không nói về hy vọng, nhưng ông đã nói về sự tuyệt vọng.

Jean-Paul Sartre: Đúng, tôi đã nói về sự tuyệt vọng, nhưng như tôi đã nhiều lần khẳng định, đó không phải là điều đối lập với hy vọng. Tuyệt vọng là niềm tin rằng những mục đích nền tảng của tôi không thể đạt được, và do đó, trong thực tại con người [réalité humaine] một sự thất bại có tính bản chất đã ở sẵn đó rồi. Và rốt cuộc, vào thời kỳ Tồn tại và Hư vô, tôi chỉ xem sự tuyệt vọng như một cái nhìn tỉnh táo về thân phận con người.

Benny Lévy: Có lần ông đã nói với tôi: “Tôi nói về sự tuyệt vọng, nhưng đó chỉ là chuyện đùa, tôi nói về nó vì người ta nói đến nó, vì đó là mốt thời ấy: người ta đọc Kierkegaard.”

Jean-Paul Sartre: Đúng vậy, bản thân tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, cũng chưa từng xem sự tuyệt vọng, dù gần hay xa, là một phẩm chất có thể thuộc về tôi. Do đó, quả thật Kierkegaard đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều trong vấn đề này.[4]

Benny Lévy: Thật lạ, vì ông vốn đâu thật sự thích Kierkegaard.

Jean-Paul Sartre: Đúng, nhưng dù sao tôi vẫn chịu ảnh hưởng của ông ấy. Đó là những từ ngữ mà tôi cảm thấy có thể mang một thực tại nào đó đối với người khác. Vậy nên tôi muốn xét đến chúng trong triết học của mình. Đó là trào lưu lúc bấy giờ: cái ý niệm rằng có điều gì đó còn thiếu trong sự hiểu biết cá nhân về bản thân tôi, điều mà tôi không thể rút ra được để hình thành sự tuyệt vọng. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, nếu người khác nói về điều ấy, thì hẳn nó phải có tồn tại đối với họ. Nhưng ông hãy để ý rằng, từ thời điểm đó trở đi, người ta hầu như không còn thấy bóng dáng của tuyệt vọng trong các tác phẩm của tôi nữa. Đó chỉ là một khoảnh khắc. Tôi thấy điều này xảy ra với nhiều triết gia: về tuyệt vọng cũng như về bất kỳ ý niệm triết học nào, họ nói về nó theo lối truyền miệng, trong giai đoạn đầu của hành trình triết học, họ gán cho nó một giá trị quan trọng, rồi dần dần họ không còn nói đến nó nữa, bởi họ nhận ra rằng nội dung ấy không thực sự tồn tại đối với họ, rằng họ đã vay mượn nó từ người khác.

Benny Lévy: Còn điều đó cũng đúng với cảm thức lo âu chăng?

Jean-Paul Sartre: Tôi chưa bao giờ có cảm thức lo âu. Đó là những khái niệm then chốt trong triết học giai đoạn 1930 đến 1940. Nó cũng xuất phát từ Heidegger, là những khái niệm người ta dùng suốt, nhưng đối với tôi thì chẳng tương ứng với điều gì cả. Dĩ nhiên, tôi có biết đến nỗi lạc lõng hay sự buồn chán, cảnh khốn cùng, nhưng…

Benny Lévy: Cảnh khốn cùng…

Jean-Paul Sartre: Ừ thì, tôi biết đến nó qua người khác, tôi thấy nó, nếu ông muốn gọi thế. Nhưng cảm thức lo âu và sự tuyệt vọng thì không. Thôi, ta không nên quay lại chuyện này nữa, vì nó không liên quan đến điều chúng ta đang tìm hiểu.

Benny Lévy: Không, điều đó vẫn quan trọng chứ: cần biết rằng ông đã không nói về hy vọng, và rằng khi ông nói về sự tuyệt vọng thì rốt cuộc đó không phải là tư tưởng thực sự của ông.

Jean-Paul Sartre: Tư tưởng thì đúng là tư tưởng của tôi, nhưng cái nhãn mà tôi gán cho nó, sự “tuyệt vọng”, lại xa lạ đối với tôi. Điều quan trọng nhất đối với tôi, là ý niệm về thất bại. Ý niệm về thất bại liên quan đến cái mà ta có thể gọi là một mục đích tuyệt đối. Tóm lại, điều không được nói ra trong Tồn tại và Hư vô theo cách diễn đạt như thế này, đó là mỗi con người, vượt lên trên các mục đích lý thuyết hay thực hành mà họ có trong từng khoảnh khắc – chẳng hạn như những vấn đề chính trị hay giáo dục, v.v. –, vượt lên trên tất cả những điều đó, mỗi con người đều có một mục đích, một mục đích mà tôi sẽ gọi, nếu ông muốn, là siêu việt hoặc tuyệt đối; và tất cả những mục đích thực tiễn chỉ có ý nghĩa khi được quy chiếu về mục đích ấy. Do đó, ý nghĩa hành động của một con người chính là mục đích ấy, vốn khác nhau tùy theo từng người, nhưng điểm đặc biệt là nó mang tính tuyệt đối. Và hy vọng gắn liền với mục đích tuyệt đối ấy, cũng như thất bại vậy, bởi lẽ thất bại đích thực là thất bại liên quan đến mục đích đó.

Benny Lévy: Và thất bại đó là điều không thể tránh khỏi sao?

Jean-Paul Sartre: Ở đây, ta chạm đến một mâu thuẫn mà tôi vẫn chưa thoát ra, nhưng tôi nghĩ mình sẽ thoát ra được thông qua những cuộc đối thoại này. Một mặt, tôi vẫn giữ ý niệm rằng đời sống của một con người biểu hiện như một thất bại: những gì anh ta cố gắng thực hiện thì không thành công. Anh ta thậm chí không thể suy nghĩ đúng điều mình muốn nghĩ, hay cảm nhận đúng điều mình muốn cảm nhận. Điều đó, rốt lại, dẫn tới chủ nghĩa bi quan tuyệt đối. Đây không phải là điều tôi từng khẳng định trong Tồn tại và Hư vô, nhưng giờ đây tôi buộc phải thừa nhận như thế. Và mặt khác, kể từ năm 1945, tôi ngày càng suy nghĩ, và hiện tại thì tôi hoàn toàn xác tín, rằng một đặc tính thiết yếu của hành động được khởi sự, như tôi đã nói với ông lúc nãy, chính là hy vọng. Và hy vọng có nghĩa là tôi không thể bắt tay vào hành động nếu không tính đến việc tôi sẽ thực hiện được nó. Và tôi không cho rằng, như tôi vừa nói, hy vọng là một ảo tưởng lãng mạn; nó thuộc về bản chất của hành động. Tức là, hành động, bởi đồng thời là một sự hy vọng thì về nguyên tắc không thể bị kết án là một thất bại tuyệt đối và chắc chắn. Điều đó không có nghĩa là nó nhất thiết phải đạt được mục đích, nhưng nó phải tự hiện diện như một sự thực hiện của mục đích đã được đặt ra như tương lai. Và trong bản thân hy vọng đã hàm chứa một kiểu tất yếu. Ý niệm về thất bại hiện nay không còn nền tảng sâu sắc nơi tôi; ngược lại, chính hy vọng – trong chừng mực nó là mối liên hệ giữa con người với mục đích của mình, một mối liên hệ tồn tại ngay cả khi mục đích không đạt được – mới là điều hiện diện mạnh mẽ nhất trong tư tưởng của tôi lúc này.

Benny Lévy: Hãy lấy một ví dụ: Jean-Paul Sartre. Khi còn bé, ông quyết định sẽ trở thành người trước tác, và quyết định ấy là một sự hiến dâng cho sự bất tử.[5] Vậy Sartre nói gì khi đến buổi xế chiều của sự nghiệp, ông nói gì về quyết định ấy? Sự lựa chọn tối hậu đó, vốn là của ông, có phải là một thất bại?

Jean-Paul Sartre: Tôi đã nhiều lần nói rằng đó là một thất bại trên bình diện siêu hình học. Ý tôi là, tôi đã không tạo ra một tác phẩm gây chấn động, kiểu như của Shakespeare hay Hegel, và vì thế, so với điều mà tôi từng mong muốn thì đó là một thất bại. Nhưng câu trả lời đó, tôi thấy thật là sai lạc. Tất nhiên, tôi không phải là Shakespeare, và tôi cũng không phải là Hegel, nhưng tôi đã viết nên những tác phẩm mà tôi chăm chút hết mức có thể, có những tác phẩm thất bại, chắc chắn là vậy, có những tác phẩm ít thất bại hơn, và có những tác phẩm là thành công. Và thế là đủ rồi.

Benny Lévy: Nhưng tổng thể thì sao, so với quyết định của ông?

Jean-Paul Sartre: Tổng thể là thành công. Tôi biết mình đã không luôn nói như vậy, và về điểm này, giữa chúng ta có sự bất đồng, vì tôi cho rằng những mâu thuẫn của tôi không mấy quan trọng, rằng rốt cuộc, tôi vẫn luôn giữ một đường hướng liên tục.

Benny Lévy: Đó chính là cái gọi là “chủ đích ngay thẳng”! Như vậy là ở đây ông không còn cho rằng thất bại là điều tất yếu gắn liền với việc đặt mục đích trong yếu tố tuyệt đối nữa.

Jean-Paul Sartre: Tôi không nghĩ như vậy. Hơn nữa, nếu muốn đẩy vấn đề đến mức tồi tệ nhất thì có thể cho rằng tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ điều đó đúng với bản thân mình, dù tôi vẫn nghĩ rằng nó đúng với người khác. Tôi thấy họ đã lầm lạc thế nào, thấy rằng ngay cả khi họ tưởng mình đã thành công, thì đó vẫn là một thất bại hoàn toàn. Còn về phần tôi, tôi tự nhủ rằng chính việc nghĩ ra điều đó và viết nó ra, tôi đã thực hiện được, và nói chung, tôi đã thực hiện được sự nghiệp của mình.[6] Tất nhiên, tôi đã không nghĩ điều đó một cách rõ ràng; nếu nghĩ rõ, hẳn tôi đã nhận ra cái mâu thuẫn to lớn ấy, nhưng tôi vẫn đã nghĩ như vậy.

 

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Nguồn: Jean-Paul Sartre & Benny Lévy. L'espoir maintenant - Les entretiens de 1980. Verdier, 1991, pp. 17-22.


 

[1] Việc đặt các tiêu đề xen đoạn là sáng kiến của Benny Lévy.

[2] “Mọi hoạt động của con người đều ngang bằng như nhau – vì tất cả đều có xu hướng hy sinh con người để làm xuất hiện nguyên nhân tự thân – và […] tất cả, về nguyên tắc, đều tất yếu thất bại. Do đó, say rượu một mình hay dẫn dắt các dân tộc thì cũng như nhau.” (Tồn tại và Hư vô, sđd, tr. 721; bản “Tel”, tr. 691).

[3] [Xem, chẳng hạn, Tồn tại và Hư vô, sđd, tr. 127 và 684.]

[4] [Xem S. Kierkegaard, Khái niệm về lo âu, Gallimard, 1935.]

[5] [Xem Chữ nghĩa, sđd, tr. 115 và 193.]

[6] [Xem Chữ nghĩa, sđd, tr. 211.]

 

KỶ NIỆM 120 NĂM JEAN-PAUL SARTRE

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt