Chủ nghĩa hiện sinh

Sartre - Cuộc đời và tác phẩm

KỶ NIỆM 120 NĂM JEAN-PAUL SARTRE

------ o0o ------

 

SARTRE

CUỘC ĐỜI VÀ TÁC PHẨM

 

Tác giả: GARY COX

Người dịch: Đinh Hồng Phúc

 

 

Diễn giả chính tại Hội nghị Hiệp hội Sartre Vương quốc Anh năm 2011 ở London là Annie Cohen-Solal, nhà viết tiểu sử hàng đầu về Sartre và là tác giả cuốn Jean-Paul Sartre: một cuộc đờinổi tiếng (Cohen-Solal 2005). Chủ đề mà bà chọn là một loạt các bài giảng công khai mà Sartre đã thực hiện vào đầu những năm 1930, trong thời gian ông làm giáo viên trung học ở Le Havre. Giai đoạn Sartre sống ở Le Havre thường được mô tả như những năm tháng "ẩn dật" của ông, một sinh viên xuất sắc của trường École Normale Supérieure danh giá tại Paris bị "lưu đày" về tỉnh lẻ, không được đánh giá cao, không có tác phẩm xuất bản, và bất hạnh. Thế nhưng, đây cũng là những năm tháng có tính định hình sâu sắc và đầy sáng tạo đối với Sartre: một kỳ nghỉ nghiên cứu kéo dài chín tháng tại Berlin vào năm 1933 để học hiện tượng học của Edmund Husserl, và quá trình chỉnh sửa không ngừng một tác phẩm về tính ngẫu nhiên, vốn sau này trở thành tiểu thuyết kinh điển của chủ nghĩa hiện sinh Buồn nôn (Nausea, Sartre 1938, 1965a).

Chủ đề mà Sartre lựa chọn cho loạt bài giảng công khai của mình là văn học. Cũng giống như người bạn thân thiết và là người đối thoại tri thức suốt đời của ông, Simone de Beauvoir, Sartre quan tâm đến văn học Anh và Mỹ đương đại; đặc biệt là các tiểu thuyết của Virginia Woolf, James Joyce, Aldous Huxley, John Dos Passos và William Faulkner. Các bản thảo ghi chú gốc của Sartre cho loạt bài giảng này đã thất lạc, nhưng may mắn thay, Annie Cohen-Solal hiện có trong tay các bản photocopy của một số trang. Cô kể lại cho hội nghị đang chăm chú lắng nghe rằng, một buổi sáng nọ, cô được de Beauvoir gọi đến, bà xuất hiện trước cửa căn hộ của chính mình ở Paris, với một trong những chiếc khăn xếp đặc trưng của mình. Bà không mời Cohen-Solal vào nhà, mà chỉ đưa cho cô một tập tài liệu, kèm theo lời dặn nghiêm khắc rằng phải hoàn trả trước cuối ngày. Cohen-Solal liền vội vã chạy đến máy photocopy gần nhất.

Các bản photocopy, một phần trong số đó được Cohen-Solal chuyền tay cho những người tham dự, cho thấy nét chữ rõ ràng, ngay ngắn của de Beauvoir ở phía bên trái, và những dòng chữ viết nguệch ngoạc của Sartre ở bên phải. Rõ ràng de Beauvoir đã dịch các đoạn văn của những nhà tiểu thuyết kể trên để Sartre phân tích. Trong các bài giảng của mình, Sartre khảo sát các kỹ thuật mà các nhà tiểu thuyết Anh và Mỹ ấy sử dụng, đặc biệt là cách họ sử dụng “dòng ý thức” nhằm phơi bày chiều sâu của đời sống vô thức. Trong các bài giảng của mình, Sartre suy tư theo lối triết học về văn học, và thông qua đó, ông phát triển chính ông trong tư cách là một nhà triết học, nhà tiểu thuyết và nhà phê bình văn học. Không kém phần quan trọng, ông cũng đã gieo những hạt mầm đầu tiên cho lý thuyết phân tâm học hiện sinh của mình sau này.

Sartre nổi tiếng với khả năng đọc rộng và đọc nhiều một cách đáng kinh ngạc. Suốt đời, ông ngấu nghiến hàng ngàn văn bản, luôn tìm cách nuôi dưỡng những lý thuyết của chính mình, và vào những năm đầu sự nghiệp, ông có thể tạo ra một lý thuyết mới, hoặc cải biến lý thuyết cũ mỗi ngày, thậm chí ba lần mỗi ngày. Ông hoàn toàn không dành sự tôn trọng nào cho các ranh giới phân môn truyền thống giữa triết học, tâm lý học và văn học, và có khuynh hướng xem mỗi lĩnh vực đều trở nên trì trệ khi bị tách rời khỏi những lĩnh vực còn lại. Luôn là một nhà tư duy liên ngành ở bậc cao nhất, ông cổ vũ cho một thứ tâm lý học mang tính triết học hơn, và một thứ triết học mang tính văn chương hơn. Trong tác phẩm Phác thảo cho một lý thuyết về xúc cảm (Sartre 1939a, 2002), chẳng hạn, ông lập luận rằng tâm lý học thuần túy chỉ có thể thực sự tiến bộ khi nó tiếp thu những thức nhận của triết học, hay cụ thể hơn là của hiện tượng học. Trong khi đó, Buồn nôn cho thấy rằng một số thức nhận triết học sâu sắc nhất về tình cảnh con người chỉ có thể đạt được thông qua văn học, mà đặc biệt là thông qua hình thức tiểu thuyết. Sartre là một nhà triết học theo nghĩa rộng nhất, chân thực nhất và tốt đẹp nhất của từ này: một kẻ yêu mến minh triết, bất kể nó được biểu đạt ở đâu và bằng cách nào.

Sartre đã thành công trong việc phá vỡ nhiều ranh giới truyền thống vốn mang tính kìm hãm giữa các chủ đề trí tuệ, và bằng cách đó, ông đã mở ra nhiều lãnh địa mới cho hoạt động tư duy. Có lẽ đây chính là đặc điểm ấn tượng nhất trong toàn bộ sự nghiệp trí tuệ của ông. Càng nghiên cứu ông lâu, ta lại càng thấy hiện ra thêm nhiều “lãnh địa” mới. Có lẽ những lãnh địa ấy không thể nào liệt kê dứt khoát, bởi ngay cả khi Sartre chưa kịp khai phá một lĩnh vực đến mức biến nó thành của riêng mình, thì ông vẫn đã chỉ ra con đường dẫn tới đó, hoặc mời gọi người khác đào sâu những thức nhận còn phác thảo của ông.

Ở một nghĩa nào đó, số lượng các lãnh địa Sartre mà ta có ngày nay dường như phụ thuộc vào việc các học giả Sartre muốn theo đuổi thức nhận nào trong vô vàn thức nhận mà ông đã để lại. Vẫn còn rất nhiều công việc phải làm, chẳng hạn, trong việc phát triển các khía cạnh đạo đức của lý thuyết về tính đích thực của Sartre dưới ánh sáng của việc công bố sau khi ông mất cuốn Sổ tay cho một nền đạo đức (Sartre 1983b, 1992). Nghiên cứu này không thể bỏ qua Sartre như một người kế thừa Kant, Sartre như một nhà Marxist, hay thậm chí là Sartre như một nhà lý thuyết về đức hạnh theo hướng hậu-Aristotle. Và bất kỳ thành quả nào nảy sinh từ công trình trí tuệ đặc thù ấy chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu về phân tâm học hiện sinh của Sartre, và do đó, đến thực hành tư vấn hiện sinh. Ngày nay, chỉ cần kể một vài lĩnh vực đang được khảo cứu, đã có những học giả Sartre khám phá các ý tưởng của ông về hữu thể học, ý thức, trí tưởng tượng, chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa thực dân, cách mạng, tiểu sử học, văn học Pháp, tự do và nguỵ tín. Chỉ cần nhìn vào sự đa dạng về chủ đề được khảo sát trong tập sách này cũng đủ để nhắc ta nhớ đến chiều rộng phi thường trong tư tưởng của Sartre.

Như đã gợi ý trước đó, nhiều lãnh địa khác nhau của Sartre không nên được xem là những khu vực riêng biệt mà ông lần lượt lựa chọn để khám phá vào từng thời điểm trong sự nghiệp lâu dài của mình. Thay vào đó, những lãnh địa ấy cần được hiểu như những vùng đan kết trong cùng một một cảnh quan rộng lớn và xuyên suốt. Hoặc, ta hãy sử dụng một ẩn dụ địa hình hơi khác một chút (và hy vọng là gợi mở hơn): toàn bộ trước tác đồ sộ của ông là một nỗ lực nhằm kiến tạo sơ đồ toàn diện cho cảnh quan phức tạp của tình cảnh con người, với độ chính xác, trung thực và tỉ mỉ chẳng khác gì một tấm bản đồ đo đạc kiểu Ordnance Survey.

Nhu cầu mãnh liệt nơi Sartre trong việc hiểu, hình thành lý thuyết, giải thích và khiêu khích, bằng bất kỳ phương tiện văn chương nào phục vụ tốt nhất cho mục đích của ông, chỉ có thể sánh được với sự thôi thúc viết lách không ngơi nghỉ của chính ông. Trái với huyền thoại phổ biến, Sartre không nghiện ma tuý. Ông thích uống rượu và hút thuốc lá, nhưng chỉ dùng chất gây ảo giác đúng một lần trong đời, vào năm 1935, như một phần của một thí nghiệm y học có kiểm soát. Ông muốn trải nghiệm một ảo giác thực sự để có thể mô tả lại nó trong cuốn Trí tưởng tượng (Sartre 1940, 2004a). Còn về sở thích nổi tiếng của ông đối với chất kích thích, thì ở tuổi già, Sartre đã dùng quá nhiều viên Corydrane, một loại thuốc từng được bán hợp pháp, gồm hỗn hợp aspirin và amphetamine. Mục đích của ông không phải để tìm cảm giác phê, mà là để chống lại cơn mệt mỏi, nhằm duy trì khối lượng viết đồ sộ của mình. Khó mà tin rằng ông có thể hoàn thành Phê phán lý tính biện chứng (Sartre 1960b, 1985b), bộ tổng hợp hai tập đồ sộ giữa thuyết hiện sinh và chủ nghĩa Marx, nếu không có sự hỗ trợ của loại thuốc ấy. Vì vậy, Sartre không nghiện ma tuý, mà nghiện viết. Và như một nhà phân tâm học hiện sinh có thể lập luận,giống như nhiều người bị gọi là “con nghiện”, Sartre đã dùng thuốc chỉ để nuôi dưỡng một cơn nghiện sâu xa hơn rất nhiều.

Từ thuở nhỏ, Sartre đã viết sáu tiếng mỗi ngày gần như suốt cả đời. Như ông viết trong cuốn tự truyện Chữ nghĩa (1964): “Những mệnh lệnh của tôi đã được khâu vào da thịt tôi: nếu tôi trải qua một ngày không viết, vết sẹo ấy thiêu đốt tôi; mà nếu tôi viết quá dễ dàng, nó cũng lại thiêu đốt tôi” (Sartre 2000a: 104). Sartre cũng nói trong Chữ nghĩa rằng sách của ông “nồng nặc mùi mồ hôi và nỗ lực” (sđd.: 103), nhưng sự thật là, với một chút trợ lực của chất hoá học khi về già, ông thường xuyên có được một trạng thái trôi chảy liền mạch, cho phép ông viết mà không cần ngừng lại: ý tưởng kế tiếp, câu văn kế tiếp, lúc nào cũng sẵn sàng được ghi ra giấy ngay khi cần. Sartre thường lập luận rằng thiên tài là hành động của thiên tài, và quả thật ông có lý khi cho rằng thiên tài của một nhà văn lớn nằm ở chính tác phẩm của người ấy. Như ông viết trong Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản: “Thiên tài của Proust chính là toàn bộ tác phẩm của Proust; thiên tài của Racine chính là loạt tác phẩm bi kịch của ông ta, ngoài những thứ đó, không còn gì nữa” (Sartre 1993a: 41–42). Việc hình thành nên thiên tài của Sartre dưới dạng toàn bộ di sản trước tác của ông, tuy vậy, hẳn đã được hỗ trợ đáng kể nhờ vào tài năng hiếm có của ông trong việc đạt đến trạng thái lưu loát trọn vẹn. Như người ta vẫn nói: hoặc bạn có điều đó, hoặc không có, và ông thì có nó, một cách dư dả.

Sartre có thể miễn cưỡng thừa nhận rằng ông có một năng khiếu bẩm sinh về khả năng viết trôi chảy, nhưng ông sẽ kiên quyết khẳng định rằng điều quan trọng nhất chính là ông đã lựa chọn sử dụng năng khiếu ấy như thế nào, và chính lựa chọn ấy mới làm cho nó trở thành hiện thực. Nếu không có sự lựa chọn và quyết định từ chính bản thân ông để viết, thì năng khiếu bẩm sinh ấy cũng chỉ là con số không.

Điều này không có nghĩa là những gì Sartre viết ra không cần phải biên tập và chỉnh sửa kỹ lưỡng. Khi ông bị mù vào năm 1973, ông nói rằng mình không còn có thể viết được nữa, bởi ông không còn khả năng thực hiện những chỉnh sửa cần thiết mà ông cho là thiết yếu để truyền đạt một số ý tưởng theo một phong cách nhất định. Ông không hài lòng với việc chỉ đơn thuần đọc lại tư tưởng của mình cho người khác ghi chép. Sartre thời trẻ, với sự hỗ trợ đáng kể từ de Beauvoir, sẵn sàng viết lại và mài giũa văn bản với một sự chú ý đến chi tiết đã làm nên Buồn nôn, kiệt tác về mặt phong cách của ông. Tuy nhiên, khi về già, bận rộn hơn, và ngày càng dấn thân trực tiếp vào các hoạt động chính trị trên toàn thế giới, phần lớn những gì ông viết ra không còn được biên tập kỹ lưỡng như trước.

Một đặc điểm khác trong trước tác của Sartre giai đoạn về già là số lượng đáng kể những công trình quan trọng nhưng vẫn còn dang dở mà ông để lại. Sartre vốn luôn thích làm nhiều dự án cùng lúc, nên việc không hoàn tất mọi thứ mình khởi sự là điều hầu như không thể tránh khỏi. Không chỉ vậy, một lý thuyết cũ thường sẽ bị thay thế bởi một lý thuyết mới; một nhà văn Pháp này bỗng chốc lại trở nên xứng đáng hơn một nhà văn khác để trở thành đối tượng cho một cuốn tiểu sử. Nhưng khi càng về già, Sartre càng có nguy cơ không hoàn thành bất cứ thứ gì. Tuy vậy, lời trách cứ này xem ra có phần bất công, bởi ngay cả tác phẩm Phê phán lý tính biện chứng còn dang dở của ông cũng đã là hai tập sách khổng lồ, trong khi Kẻ ngốc trong gia đình (1971–1972), một cuốn tiểu sử về Gustave Flaubert vẫn chưa hoàn thành, cũng đã lên tới ba tập đồ sộ, với tổng cộng 2.081 trang. Sartre càng lớn tuổi lại càng có nhiều điều muốn nói, ít nhất là cho đến biến cố chấn động khi ông bị mù vào năm 1973. Ông là một con người vội vã, một người bị ám ảnh bởi khát vọng khai phá những lãnh địa trí tuệ mới, khi vẫn còn đủ trí lực và thị lực để thực hiện điều đó. Việc trau chuốt tỉ mỉ từng chi tiết trong mọi thứ ông viết ra lẽ ra sẽ đòi hỏi một lượng thời gian mà ông đơn giản là không có.

May mắn thay, không phải tất cả các tác phẩm giai đoạn cuối đời của Sartre đều dang dở hoặc thiếu trau chuốt. Chữ nghĩa, đặc biệt, là một tác phẩm hoàn chỉnh, được viết với phong cách giàu tính nghệ thuật; một tác phẩm có thể sánh ngang với Buồn nôn hoặc Tồn tại và Hư vô (Sartre 1943a, BN1, BN2). Chữ nghĩa đã mang lại cho Sartre lời đề nghị trao giải Nobel Văn học năm 1964, nhưng ông đã lịch thiệp từ chối với lý do: “Người viết phải từ chối để mình không bị các thiết chế làm cho thay đổi, dù đó có là những thiết chế danh giá nhất” (Tuyên bố báo chí của Sartre gửi Carl-Gustav Bjurström, ngày 22 tháng 10 năm 1964).

Chữ nghĩa không phải là một cuốn tự truyện đồ sộ như người ta vẫn có thể kỳ vọng từ một con người từng sống qua những biến cố trọng đại và lịch sử, trải dài qua hai cuộc thế chiến, và đã quen với việc viết nên những bộ sách đồ sộ như Tồn tại và Hư vô hay bộ ba Những nẻo đường tự do(Sartre 1945a, 1945c, 1949a). Là một tập sách mỏng một cách đáng ngạc nhiên, Chữ nghĩa vẫn chứa đựng đầy ắp những ý tưởng súc tích, những quan sát dí dỏm, những mỉa mai sắc sảo và những rung cảm tinh tế. Giống như mọi tiểu sử mà Sartre từng viết, Baudelaire (1947b), Thánh Genet (Saint Genet, 1952, 1963) và Kẻ ngốc trong gia đình, đây là một thực hành phân tâm học hiện sinh. Đây hẳn là nơi lý tưởng để khám phá xem, theo chính Sartre, điều gì thực sự vận hành nơi Sartre.

Khi cha qua đời thì Sartre chỉ mới hơn một tuổi. Mẹ ông và ông ngoại hết mực nâng niu và đề cao đứa trẻ, xem ông như một tồn tại “được sinh ra là đã có ý nghĩa”. Tuy nhiên, đứa trẻ ấy không bị huyền thoại về sự tất yếu của chính mình đánh lừa, và ngay từ khi còn rất nhỏ, điều đáng ngạc nhiên là ông đã cảm thấy rằng sự hiện hữu của mình là phi lý và vô nghĩa. Ông mơ thấy mình đang đi trên chuyến tàu của đời sống mà không có vé, không có sự biện minh, không có mục đích. Chẳng bao lâu, ông nhận ra rằng chỉ có chính mình mới có thể trao cho mình một mục đích, và ông đã chọn viết như là raison d’être [lý do tồn tại] của bản thân. Ông nuôi hoài bão trở thành một nhà văn Pháp vĩ đại sau khi khuất bóng, mặc dù tất nhiên ông biết rằng trước tiên mình phải sống một cuộc đời tương đối dài mới có thể đạt được mục tiêu đó. Đó là sự lựa chọn nền tảng cho chính ông, một lựa chọn nguyên khởi của cái tôi, lựa chọn này đã chi phối mọi lựa chọn tiếp theo, và nhờ vậy định hình toàn bộ cuộc đời ông.

Ý niệm về sự lựa chọn nền tảng như là cơ sở cho dự phóng nền tảng trong đời sống của mỗi người là trung tâm trong thuyết hiện sinh của Sartre, trong triết học cũng như tâm lý học của ông về tình cảnh con người. Cảm thức từ thuở thiếu thời của ông rằng con người không là gì khác ngoài những gì mà chính họ lựa chọn trở thành đã được củng cố thêm qua quá trình học hỏi triết học. Từ Kant, Hegel, Husserl, Bergson và Heidegger, ông học được rằng ý thức không phải là một thực thể độc lập mà là một thực tại có tính quan hệ; rằng nó chỉ hiện hữu như là một ý thức mang tính thời gian về thế giới, và không có gì vượt ra ngoài điều đó. Những nguyên lý trung tâm trong thế giới quan của Sartre được khai triển một cách rõ ràng từ tiền đề nền tảng cho rằng ý thức là hư vô.

Vì về bản chất, chúng ta là hư vô nên bất kỳ những gì ta là, thì ta đều phải lựa chọn để trở thành nó. Chúng ta mang lấy trách nhiệm thường trực phải lựa chọn; hay như Sartre diễn đạt: chúng ta “bị kết án phải tự do” (BN1: 439; BN2: 462). Tất nhiên, có những cái đã cho sẵn: thân thể của ta, hoàn cảnh vật lý trước mắt, và cái chết tất yếu. Sartre gọi những cái đã cho sẵn này là kiện tính. Kiện tính không giới hạn tự do, bởi tự do không phải là làm bất cứ điều gì ta tưởng tượng, mà là việc phải liên tục lựa chọn khi đối mặt với kiện tính: lựa chọn làm gì với thân thể của mình, với hoàn cảnh của mình, với quãng đời hữu hạn của mình; lựa chọn ý nghĩa sẽ trao cho tất cả những thứ ấy. Việc không ngừng phải lựa chọn mình là gì thông qua việc mình làm gì khiến chúng ta lo âu. Ta muốn được hoàn tất, muốn trở thành một tồn tại đồng nhất với chính mình, thay vì là một tồn tại không ngừng hướng đến sự hoàn tất trong một tương lai không bao giờ với tới. Vì thế, hầu hết chúng ta, nếu không phải là tất cả, ở một mức độ nào đó đều rơi vào nguỵ tín: tự đánh lừa chính mình rằng mình là những thực thể cố định, rằng mình không cần, hoặc không thể, lựa chọn. Chúng ta sử dụng tự do của mình để tìm cách xóa bỏ tự do ấy, bằng cách lựa chọn không lựa chọn. Nhưng như Sartre chỉ ra: “Không lựa chọn, trên thực tế, chính là lựa chọn [việc mình] không lựa chọn” (BN1: 481; BN2: 503).

Nguỵ tín không thể đạt được mục đích của nó, và người sống trong nguỵ tín thì sống trong sự phủ nhận, từ chối khẳng định tự do của mình một cách tích cực. Chén thánh hiện sinh mà người theo thuyết hiện sinh hướng tới là tính đích thực hàm nghĩa rằng con người phải vượt qua tình trạng nguỵ tín của họ, nhận ra rằng mình vốn dĩ là tự do bất khả chuyển nhượng [inalienably free], và sống cuộc đời của mình tương ứng với sự thật đó. Trên thực tế, điều này đòi hỏi ta phải sống một cuộc đời không hối tiếc, không bào chữa; một đời sống dấn mình vào từng tình cảnh, đối mặt trực tiếp với những đòi hỏi của nó. Như Sartre viết trong Nhật ký thời chiến:

Sống đích thực là thấu suốt được tồn-tại-trong-tình-cảnh của chính mình, bất kể tình cảnh ấy là gì... Điều này tiền giả định một sự khảo sát kiên trì về những gì mà tình cảnh đòi hỏi, và sau đó là một cách thế dấn mình vào nó và tự quy định chính mình như là “tồn-tại-cho” tình cảnh ấy. (Sartre 2000b: 54)

Sartre nhận thức rõ rằng con người vốn đầy những khiếm khuyết, và mục tiêu đạt đến tính đích thực vì thế là điều vô cùng khó khăn. Quả thực, ông có thừa nhận mình đã thất bại trong việc đạt tới nó: “Tôi sống không đích thực. Tôi đã dừng lại ngay ngưỡng cửa của những miền đất hứa. Nhưng ít nhất tôi chỉ ra con đường đi đến đó, và những người khác có thể bước vào” (sđd: 62). Có thể cho rằng, cái chén thánh tính đích thực được duy trì bền bỉ là điều quá khó đối với bất kỳ ai, bởi nó đòi hỏi phải được gìn giữ từng khoảnh khắc một, trong khi đời sống lại đầy rẫy những cám dỗ kéo ta trượt ngược trở lại nguỵ tín. Cũng giống như người ta không thể  bất kỳ điều gì, mà chỉ có thể đóng vai như thể mình là điều đó, người ta cũng không thể đơn giản  đích thực được. Tin rằng mình là người đích thực, giống như hòn đá  hòn đá, thì cũng chỉ là một hình thức nguỵ tín khác mà thôi. Tuy nhiên, tính đích thực vẫn là một mục tiêu đáng để ta hướng tới, nếu ta muốn sống một cuộc đời viên mãn và tiến gần đến việc phát huy được toàn bộ tiềm năng của mình.

Quả vậy, cuộc đời của Sartre là cuộc đời của một con người không ngừng chống lại nguỵ tín, dưới ánh sáng của sự thức nhận thường trực rằng mình là tự do bất khả chuyển nhượng. Ngay từ thời thơ ấu, ông đã biết rằng mình chẳng là gì ngoài chính điều mình chọn để trở thành, rằng ông không có số phận nào khác ngoài số phận mà chính ông phải kiến tạo cho mình. Ông viết là để kiến tạo một bản sắc cho mình từ trong hư vô, và mục tiêu trung tâm của hành vi viết, vượt lên trên cả việc cứu rỗi bản thân, là để nhắc nhở người ta về chính sự hư vô mang tính bản chất của họ, cũng như về tự do bất khả chuyển nhượng của họ; về nhu cầu vĩ đại và khẩn thiết phải biết tôn trọng tự do nơi chính mình và nơi người khác. Cuối tác phẩm Chữ nghĩa, ông viết: “Tôi chưa bao giờ xem mình là kẻ may mắn có được một tài năng”; điều duy nhất khiến tôi bận tâm là phải cứu lấy chính mình – không có gì trong tay, không có gì trong túi – chỉ bằng lao động và niềm tin” (Sartre 2000a: 158). Những lời ấy như vọng lại từ một đoạn văn trong vở kịch Kean (1954, 1994). Giống như Sartre, và như tất cả chúng ta, người diễn viên vĩ đại của kịch Shakespeare, Edmund Kean, không là gì khác ngoài những vai diễn mà ông đảm nhận: “Tôi sống từng ngày trong một trong tâm thế nhập vai tự huyễn. Không một xu dính túi, tay trắng, túi rỗng, nhưng tôi chỉ cần búng tay là có thể triệu gọi các linh hồn từ thinh không.” (Sartre 1994: hồi 2, tr. 31).

 

Đọc thêm

Cox, G. 2009. Sartre and Fiction. London: Continuum.

Manser, A. 1981. Sartre: A Philosophic Study. Oxford: Greenwood Press.

Murdoch, I. 1968. Sartre: Romantic Rationalist. London: Fontana.

Webber, J. 2009. The Existentialism of Jean-Paul Sartre. London: Routledge.

 


Nguồn: Steven Churchill & Jack Reyholda. (2014). Jean-Paul Sartre – Key Concepts. tr. 5-11. London: Routledge.


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt