KỶ NIỆM 120 NĂM JEAN-PAUL SARTRE
NIỀM HY VỌNG BÂY GIỜ ĐỐI THOẠI NĂM 1980
Jean-Paul Sartre - Benny Lévy
VỀ CON NGƯỜI Benny Lévy: Trước sự khó khăn trong việc suy nghĩ và sống cùng lúc với thất bại và ý nghĩa, trước những rủi ro của sự chệch hướng, ta có thể ưu tiên bỏ qua ý niệm về mục đích cuối cùng. Jean-Paul Sartre: Vậy tại sao phải sống? Benny Lévy: Tôi thích nghe ông nói như vậy. Nhưng hôm nay, ý niệm về mục đích cuối cùng này trình bày ra sao? Jean-Paul Sartre: Qua con người. Benny Lévy: Hãy làm rõ! Jean-Paul Sartre: Tôi muốn nói rằng ta có thể chứng minh được con người là gì. Trước hết, ông biết đấy, đối với tôi, không có bản chất tiên nghiệm, vì vậy con người là gì vẫn chưa được xác lập. Chúng ta không phải là những con người hoàn thiện. Chúng ta là những tồn tại đang vật lộn để đạt được các quan hệ nhân loại và một định nghĩa về con người. Chúng ta đang trong một cuộc chiến đấu ngay lúc này và nó sẽ có lẽ kéo dài nhiều năm nữa. Nhưng cần phải định nghĩa cuộc chiến này: chúng ta đang cố gắng sống cùng nhau, như những con người và trở thành con người. Vì vậy, chính qua việc tìm kiếm định nghĩa này và hành động thực sự đúng tính người này, vượt qua thuyết nhân bản, đương nhiên, chúng ta mới có thể xem xét nỗ lực và mục đích của mình. Nói cách khác, mục đích của chúng ta là đạt được một xã hội hợp thành thực sự ở đói mỗi người sẽ là con người và các cộng đồng cũng sẽ là nhân loại. Benny Lévy: Trước 1939, ông nói với chúng tôi rằng thuyết nhân bản là thứ vớ vẩn. Vài năm sau, mà chúng tôi không nhận ra sự thay đổi của ông, ông có một bài diễn thuyết và đặt ra câu hỏi: Thuyết hiện sinh có phải là một thuyết nhân bản không? Ông trả lời có. Và rồi vài năm sau, vào thời điểm chiến tranh thuộc địa, ông sẽ giải thích với chúng tôi rằng thuyết nhân bản là một cái bình phong cho chủ nghĩa thực dân; cuối cùng, hôm nay ông nói với chúng tôi rằng: phải tạo ra con người, nhưng điều đó không liên quan gì đến thuyết nhân bản. Jean-Paul Sartre: Trong thuyết nhân bản, tôi ghét cách thức mà con người tự ngưỡng mộ chính mình. Đó là điều mà nhân vật Tự học trong Buồn nôn phải làm nổi bật. Tôi luôn từ chối thuyết nhân bản kiểu đó và tôi vẫn từ chối nó. Có thể tôi đã quá quyết đoán. Những gì tôi nghĩ là, khi con người thực sự và hoàn toàn tồn tại, các mối quan hệ giữa anh ta với người khác và cách thức tồn tại của anh ta với chính mình có thể trở thành đối tượng của một thứ mà ta có thể gọi là thuyết nhân bản, nghĩa là nói một cách đơn giản, đó sẽ là cách thức tồn tại của con người, mối quan hệ của anh ta với người khác, và cách thức tồn tại nơi chính mình của anh ta. Nhưng chúng ta chưa đến lúc đó, chúng ta là những con người chưa thực là người [sous-hommes], nếu muốn gọi như vậy, tức là những sinh vật chưa đạt được một mục đích, mà có thể sẽ không bao giờ đạt được, nhưng chúng ta đang tiến về phía đó. Lúc đó, thuyết nhân bản có thể có ý nghĩa gì? Nếu ta coi các tồn tại như là những toàn thể hữu hạn và khép kín thì thuyết nhân bản là điều không thể có trong thời đại của chúng ta. Nhưng nếu ta coi rằng những thực thể chưa thành nhân có trong bản thân họ những nguyên lý mang tính nhân bản, tức là những mầm mống hướng về con người và vượt lên trên chính tồn tại của họ với tư cách là những thực thể chưa thành nhân, thì suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người với con người qua những nguyên lý đang chi phối ngày nay có thể được gọi là một thuyết nhân bản. Về cơ bản, đó là đạo đức của mối quan hệ với người khác. Đây là một chủ đề đạo đức sẽ còn lại khi con người thực sự là con người. Do đó, một chủ đề như vậy có thể dẫn đến một khẳng định nhân bản. Benny Lévy: Marx cũng đã nói rằng cuối cùng thì con người cũng sẽ trở nên toàn diện thực sự. Với lý lẽ như vậy, người ta đã lấy con người chưa thực là người làm chất liệu để xây dựng con người mới toàn diện và hoàn chỉnh. Jean-Paul Sartre: Ah! Vâng, nhưng lúc này thì thật là vô lý. Chính cái khía cạnh nhân bản nằm trong con người chưa thực là người, chính những nguyên lý này hướng về con người, và chính chúng đặt ra trong bản thân chúng sự cấm đoán việc sử dụng con người như một chất liệu hoặc công cụ để đạt được một mục đích. Chính ở đây là chúng ta đang ở trong đạo đức. Benny Lévy: Vào những lúc khác, chẳng phải ông đã lên án việc áp dụng đạo đức này như là hình thức trống rỗng hoặc, tệ hơn, như đạo đức tư sản sao? Chúng ta đã chơi trò đó rồi. Ông nói với chúng tôi về sự cấm đoán, ông nói về tính nhân bản, tất cả những điều đó ngày xưa sẽ làm ông phải cười nhạo! Vậy điều gì đã thay đổi? Jean-Paul Sartre: Như ông biết, có rất nhiều điều mà chúng ta sẽ trình bày ở đây. Dù sao đi nữa, vâng, tôi đã cười nhạo, tôi đã nói về đạo đức tư sản, nói tóm lại, tôi đã đùa cợt. Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, dựa trên các sự kiện và dựa trên những con người chưa thực là người xung quanh chúng ta, và mà chúng ta chính là những sinh thể ấy, trực tiếp, mà không cần xét đến bản chất tư sản hay vô sản của chúng ta, thuyết nhân bản chỉ có thể được thực hiện, được sống, bởi những con người, và chúng ta, những người đang ở trong một giai đoạn trước đó, những người đang tiến gần đến con người mà chúng ta phải trở thành hoặc con người mà những thế hệ kế tiếp của chúng ta sẽ là, chúng ta chỉ thực hành thuyết nhân bản như là điều tốt nhất trong chúng ta, nghĩa là nỗ lực của chúng ta để vượt lên chính mình, trong vòng tròn của con người. Những con người mà chúng ta có thể hình dung qua những hành động tốt nhất của mình.
Đinh Hồng Phúc dịch
Nguồn: Jean-Paul Sartre & Benny Lévy. L'espoir maintenant - Les entretiens de 1980. Verdier, 1991.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC