Thuyết Duy tâm Đức

Bách khoa thư các khoa học triết học: Từ tham vọng hệ thống đến học thuyết về chân lý và tự do (4)

 

BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC

MỤC LỤC

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
                                                 

 

“BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC”:

TỪ THAM VỌNG HỆ THỐNG 

ÐẾN HỌC THUYẾT VỀ CHÂN LÝ VÀ TỰ DO

1 2 3 4 5      

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


G.W.F. Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học 1: Khoa học lôgíc (Logik der Enzyklopädie). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. LXV-LXXVII. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

II.3: Học thuyết về Bản chất

Ta chào nhau trong ảo mộng đêm Rằm[1].

-    Tồn tại là vẻ ngoài, là “ánh tượng” (Schein); chân lý của Tồn tại là Bản chất, như là “Tồn tại đã đi vào trong mình hay đang tồn tại ở trong mình” (§112). Với một “định nghĩa” suông như thế, thật khó hiểu Hegel muốn nói gì! Chính Hegel cũng bảo rằng học thuyết về Bản chất là phần “khó nhất” trong Lôgíc học. “Khó nhất” không chỉ có nghĩa là khó hiểu mà còn chủ yếu ở chỗ: khó khắc phục sự “ngoan cố” (§113) của giác tính, cứ bám chặt vào Tồn tại, đối lập nó với Bản chất mà không thấy mối quan hệ chặt chẽ của cả hai.

     Qua “định nghĩa” trên đây, ít nhất cũng rõ một điều là: Tồn tại đã không “tiêu biến” (như “sự trở thành” đã tiêu biền) mà bị hạ thấp xuống thành “vẻ ngoài”, “ánh tượng”. Nó chỉ còn là vẻ ngoài của cái mà nó muốn làm: một tồn tại nhất định, độc lập tự tồn. Chân lý (hay “sự thật”) lại là: nó chỉ là một mômen không thể tách rời của Bản chất, và, đối diện với Bản chất, nó không còn có thể tự khẳng định mình như là cái gì khác biệt hẳn với Bản chất. Vì sao? Vì sự quan hệ (sự tương quan / Beziehung), sự trung giới đã tự chứng tỏ là cái gì “đi trước” tất cả những gì tồn tại trực tiếp. Bản thân sự trực tiếp (tồn tại-đơn thuần) chỉ còn là vẻ ngoài, và Lôgíc học của Bản chất không gì khác hơn là việc tiến hành phê phán đối với vẻ ngoài này. Mà phê phán – tức là sự phủ định nhất định đối với cái bản thân đã được xác định như là sự phủ định – chính là “việc phủ định cái phủ định” (§112), do đó, là khẳng định, là tự-quan hệ (Selbstbeziehung).

-    Trong tồn tại-hiện có, quan hệ của nó với chính mình được phân biệt với quan hệ với cái khác, và cả hai (tồn tại-hiện có và cái khác) đều giống nhau ở chỗ cùng là cái khác đối với nhau, do đó chỉ có kết quả là sự tồn tại-cho-mình trừu tượng: sự tự-quan hệ trực tiếp với mình và loại trừ cái khác. Còn bây giờ, ở cấp độ Bản chất, ta có một sự tự-quan hệ mang tính chất của sự trung giới, nghĩa là: bao hàm cái khác ở trong mình như là cái khác của mình. Quan hệ ấy chính là Bản chất với tư cách là sự phản tư, như là hành vi đặt quan hệ: “Quan điểm của Bản chất nói chung là quan điểm của sự phản tư” (§112, Giảng thêm). Sự phản tư là vận động trong đó Tư duy tự mình thiết định nên sự đối lập với thế giới sự vật, tiền-giả định (hay tiền-thiết định) thế giới này, đồng thời, lại trung giới với nó, nhằm xác định nó tương ứng với các hình thức của tư duy. Vậy, Tư duy thiết định một sự khác biệt (phân biệt), đồng thời tương đối hóa hay tương quan hóa (relativiert) (§114) sự khác biệt ấy. Thế nhưng, khi làm như thế, Tư duy vẫn chưa nhận ra rằng cái khác của tư duy là cái khác của chính nó, rằng đó là bản thân nó trong hình thái của cái khác; nghĩa là chưa có “sự phản tư về sự phản tư”, một yêu cầu vượt khỏi năng lực của Tư duy về Bản chất. Vì thế, vấn đề của Hegel là trình bày sự hữu hạn của Tư duy và đồng thời phê phán nó. Sự hữu hạn ấy thể hiện ở chỗ: bản thân Tư duy tự định ra giới hạn cho mình đối với thế giới sự vật, đồng thời hình thái của bản thân tư duy luôn đặt những khái niệm bên cạnh nhau một cách cô lập thay vì nắm bắt chúng như là sự nối kết sống động. Vậy, sự phản tư là chủ đề của toàn bộ Lôgíc học về Bản chất.

-    Bây giờ, ta thử xem “phản tư” thực sự có nghĩa là gì? Sự phản tư (Reflektion) – nguyên nghĩa là sự phản chiếu, sự khúc xạ – nói lên việc lấy một khoảng cách của tư duy, tức tư duy không hành xử với đối tượng hay nội dung của mình một cách trực tiếp, trái lại, quay về lại với chính mình, hướng sự chú ý đến sự khác biệt của sự vật cũng như đến sự khác biệt của chính mình với sự vật. Trong ngôn ngữ thông thường, ta bảo con người “phản tư” là con người đã xác lập trong tư duy sự khác biệt giữa mình và thế giới của mình, nghĩa là, không “đánh mất mình” trong thế giới. Chính vì thế, sự phản tư trở thành tiêu ngữ của thời hiện đại như là sự tự-xác tín của con người chủ thể, của tác nhân quy định thế giới.

     Hegel cũng xuất phát từ nhận định ấy, nên, trong các tác phẩm thời trẻ, ông gọi triết học của thời đại ông là “triết học-phản tư”, đồng thời phê phán nó đã cố định hóa “sự phân đôi”, sự “giằng xé”, sự “tha hóa” của con người với chính mình và với thế giới. Tuy nhiên, theo ông, cũng thật là ảo tưởng nếu muốn đi tìm một “nhất thể nguyên thủy” giữa cái tôi và thế giới ở bên ngoài Tư duy; vì thế, khẩu hiệu hành động của ông là phải có một sự phản tư về sự phản tư. Sự phản tư phải lấy chính mình (phản tư) làm đối tượng, nhận rõ rằng việc định ranh giới là việc định ranh giới của chính mình thay vì thiết định nó một cách tuyệt đối. Nói cách khác, vấn đề không phải là “tìm lại” sự thống nhất đơn giản giữa cái Tôi và thế giới mà là đặt cơ sở mới mẻ cho tư tưởng của sự phản tư. Chính sự phản tư phải “vượt bỏ” (phủ định – bảo lưu – nâng cao) giới hạn của sự phản tư (được ông đồng nhất hóa với “giác tính” / Verstand) để trở thành lý tính (Vernunft). Với Hegel, dứt khoát không phải là sự quay trở lại với sự “bất phân biệt” nguyên thủy theo kiểu “lãng mạn” hay “huyền học về nhất thể” mà là đi đến lý tính như là việc tự thấu hiểu của giác tính về chính việc làm của mình.

-    Vậy, Lôgíc học Bản chất trình bày vận động của sự phản tư-phê phán đối với giác tính, và như đã nói, đây là việc “khó nhất” vì phải đương đầu với sự “ngoan cố” (§113) của giác tính luôn cố thủ trong tính đồng nhất đơn giản của việc thiết định, cố định hóa những sự khác biệt như là những gì độc lập-tự tồn. Xác định “tính tương đối” (“tính tương quan”) của giác tính, cũng có nghĩa cho thấy sự bất lực của giác tính trong việc suy tưởng về sự đối lập, trong việc suy tưởng về Khái niệm vốn là cái hợp nhất sự đối lập ấy trong chính mình. Hegel không chút ngại ngần trước một yêu sách… “vô-hạn độ” như thế!

II.3.1: Bản chất như là cơ sở của sự hiện hữu

-    Những phạm trù của Lôgíc học Bản chất cũng chính là những phạm trù của Lôgíc học Tồn tại, nhưng bây giờ đã được phát triển, đã được chuyển dịch thành những quy định của sự phản tư. Ðó là những quy định mà quan hệ của chúng với sự đối lập của chúng không phải là ngoại tại mà là bộ phận cấu thành nội tại cho ý nghĩa tích cực, khẳng định của chúng. Trong [Ðại] Khoa học Lôgíc, Hegel viết rất mạnh mẽ: “Một trong những nhận thức quan trọng nhất thuộc bản tính của những quy định phản tư là: chân lý của chúng chỉ có trong mối quan hệ của chúng với nhau, và do đó, là ở chỗ phải nhận ra và phải nắm vững rằng mỗi quy định, trong bản thân khái niệm của nó, đều chứa đựng quy định khác. Không có nhận thức này thì thực sự không thể tiến được bước nào cả trong triết học” (II, 6, 73).

-    Ðọc Phê phán lý tính thuần túy, ta đã nhớ đến sự cảnh báo của Kant trước “tính nước đôi” (Amphibolie) của các quy định phản tư, tức trước việc lẫn lộn giữa những quy định của giác tính với những quy định của trực quan cảm tính, bởi nó sẽ dẫn tới “cuồng vọng” về một thứ “hệ thống trí tuệ [thần trí] về thế giới”[2]. Nhưng, với Hegel, sự cảnh báo này không hiệu nghiệm, trái lại, Hegel xem đó là sự “nhút nhát” không dám rời khỏi bình diện của cảm năng và không thừa nhận rằng hệ thống thuần túy không hề có ranh giới nào ngăn cách nó với trực quan cảm tính!

-    Quy định đầu tiên của Lôgíc học Bản chất là quy định về sự đồng nhất, con đẻ của “tồn tại thuần túy” trước đây. Hegel phản bác quan niệm về sự đồng nhất “kiểu giác tính”, vì thế, ông viết: “Tất cả đều ở trong sự đối lập. Trong thực tế, không có gì ở trên trời, dưới đất, trong thế giới tự nhiên lẫn tinh thần lại là cái “hoặc là-hoặc là” trừu tượng như giác tính thường khẳng định. Tất cả những gì tồn tại đều là một cái cụ thể, do đó, là cái được phân biệt nội tại và tự-đối lập” (§119, Giảng thêm 2). Như thế, theo Hegel, sự đồng nhất không phải là quy định lặp thừa của A = A, trái lại, như đã nói, sự đồng nhất của bất kỳ cái gì sở dĩ có được là nhờ sự quan hệ với cái đối lập lại với nó. Bởi, sự khác biệt nhất định chính là yếu tố cấu tạo nên sự đồng nhất chứ không phải là do sự khác nhau (Verschiedenheit / diversity) dửng dưng của việc “giống nhau” hay “không-giống nhau” trong một số phương diện nào đó. Ta gặp lại ở đây luận điểm then chốt của Hegel: sự đồng nhất không phải là điều kiện khả thể cho sự khác biệt mà ngược lại, chính sự khác biệt với những cái khác mới mang lại sự đồng nhất. Lập luận này không chỉ nhằm chống lại “tư duy-giác tính” cố thủ vào sự đồng nhất trừu tượng mà còn nhằm phản bác một thứ “Triết học-đồng nhất” (Identitätsphilosophie) (ở đây chủ yếu hướng đến Schelling, người bạn cũ và chính việc phản bác này đã làm đổ vỡ tình bạn lâu năm!). “Triết học-đồng nhất” nỗ lực suy tưởng về một sự “bất phân biệt” nguyên thủy, có trước, làm nền tảng cho mọi sự phân biệt, khác biệt, tức một cái Tuyệt đối mà chân lý nguyên thủy của nó không bị vẫn đục bởi sự dị biệt (Differenz). Hegel có cái nhìn khác: sự đồng nhất không phải là một sự “trong sạch, thuần túy” kiểu như thế! Trong một tác phẩm thời trẻ, ông viết: “Lý tính mà không có giác tính [làm công việc phân biệt, thiết định] thì không là gì hết, nhưng giác tính vẫn là giác tính mà không [cần] có lý tính. Không thể dẹp bỏ giác tính được”[3]. Hoạt động của giác tính làm công việc “quy định”, “xác định” là điều ta cần và có thể đẩy đến cùng, trong khi một cái Tuyệt đối hiểu như cái Bất-phân biệt thì chỉ là một hố thẳm trống rỗng trong đó mọi tính quy định của tư duy đều tiêu tán cả.

     Do đó, cơ sở (Grund) – như Lôgíc học Bản chất xác định – không phải là cái hố thẳm (Abgrund) này của cái Tuyệt đối mà chính là: cái gì đấy có “tồn tại của nó ở trong một cái khác” (§121). Khi ta hỏi về (các) cơ sở của sự vật thì bản thân câu hỏi cho thấy ta không chịu dừng lại ở những gì nó trình hiện trực tiếp cho ta mà đi tìm sự đồng nhất (hay bản sắc) của nó trong cái gì khác biệt với nó. Ðiểm quyết định ở đây là: cơ sở được tìm kiếm ấy không phải là cái gì ta có thể tách rời một cách trừu tượng với cái được nó đặt cơ sở, vì cái được-đặt-cơ-sở, tức, cái đang-hiện-hữu (Existierende) bản thân nó cũng có thể là cơ sở cho một cái đang hiện hữu khác: “Bản thân cơ sở là sự hiện hữu” (§123).

     Một lần nữa, ở đây, Hegel triệt để phê phán học thuyết về “hai thế giới”. Sự hiện hữu của sự vật tuyệt nhiên không có nghĩa là một vẻ ngoài hời hợt, rồi cơ sở là cái gì “nằm bên dưới nó”, là “chân lý tự tồn độc lập” để cho ta đi tìm, trái lại, cơ sở sự hiện hữu: “Sự hiện hữu – là cái xuất đầu lộ diện từ cơ sở – chứa đựng cơ sở ở bên trong nó, và cơ sở không còn ẩn giấu ở phía sau sự hiện hữu, trái lại, nó chính là tiến trình này của việc tự-thải hồi và được “phiên dịch” (Übersetzen / translation) thành sự hiện hữu” (§123, Giảng thêm).

II.3.2: Sự vật

“Thế giới” là những sự vật-đang-hiện hữu; chúng là cơ sở cho nhau, tức, một thế giới của sự tương quan (Relativität). Và từ đây, ông phê phán mô hình của Kant về “vật-tự thân” (xem: §§40-60 và Chú giải dẫn nhập cho §§19-78). Theo ông, mô hình này muốn rút bỏ sự vật ra khỏi sự tương quan, tách rời nó với cái toàn bộ mang tính tiến trình. Kant đã hiểu “vật-tự thân” như là khái niệm giới hạn (Grenzbegrift), nghĩa là, nó đánh dấu ranh giới của nhận thức của ta, đồng thời dành cho sự vật quyền tồn tại ở bên ngoài sự quy định của các hình thức nhận thức của ta. Trong khi đó, Hegel dùng chữ “tự-thân” hay “tự-mình” (an sich) theo nghĩa là cái gì chưa được triển khai, là khả thể chưa được hiện thực hóa, chẳng hạn: “đứa bé thoạt đầu chỉ là tự-mình – tức là một bản chất tự do và lý tính – và sẽ phải trở thành “cho-mình” (§124, Giảng thêm). Như thế, hai khái niệm về cái “tự-mình” hay “tự thân” của Kant và Hegel bắt nguồn từ hai viễn tượng hoàn toàn khác nhau. Một bên (Kant) muốn nói đến một cái gì ở bên ngoài tư duy, ở bên ngoài sự nhận thức, bên kia (Hegel) muốn nói đến một cấp độ chưa phát triển của tính quy định của tư duy, đồng thời cũng là một cấp độ của tính quy định của tồn tại (đứa bé còn phải hiện thực hóa tiềm năng còn “tự-mình”). Ngày nay, người ta thường nói về hai mô hình tư duy khác nhau về cơ bản giữa Kant và Hegel buộc ta phải lựa chọn (giữa sự hữu hạn và sự vô hạn của nhận thức), nhưng đó là chuyện không bàn ở đây. Ðiều cần tìm hiểu là động cơ khiến Hegel (không phải muốn đi thụt lùi so với Kant) triệt để hóa mô hình của Kant. Có sự tiếp nối nào đó giữa hai đại triết gia chứ không đơn giản là người sau bỏ qua hay khinh thường việc định ranh giới có tính phê phán của người trước.

-    Phê phán của Hegel (vượt khỏi vấn đề “Vật tự thân”) chủ yếu nhắm đến phạm trù “Sự vật” nói chung. Sự vật, hiểu như “giá đỡ” đơn giản cho những thuộc tính của nó thì chỉ là một cơ chất (Substrat) trống rỗng, và việc hình dung một thế giới gồm những sự vật đang có sẵn là hình dung về một thế giới chết, bởi mọi hiện thực, mọi nội dung của mối tương quan sống động đều đã bị gạt bỏ hết. Theo Hegel, “sự vật”, trong chân lý của nó, chỉ là tên gọi cho một sự tương quan hay một mối quan hệ đầy mâu thuẫn, tự vượt bỏ chính mình: đó là tương quan giữa sự vật với các thuộc tính của nó. Ðặt sự vật đối lập với các thuộc tính của nó (như trong hình thức thông thường của mệnh đề là: “A là…”) tức là đánh mất sự cụ thể của nó, trở thành không thể phân biệt được, do đó, không còn là một sự vật nhất định nữa. Còn nếu xem nó như là tổng thể các thuộc tính, thì các thuộc tính sẽ trở thành những “chất liệu” độc lập, mất đi tính quy định vốn chỉ có khi tồn tại trong sự vật. Là sự tập hợp đơn giản những chất liệu khác nhau, chúng sẽ mất đi ranh giới của chúng, tồn tại dửng dưng bên cạnh nhau, trở thành ngoại tại đối với hình thức vốn là tính quy định của sự vật: “Sự vật chia thành chất liệu và hình thức” (§129), đồng thời là sự thống nhất của cả hai, tức là một mâu thuẫn đang hiện hữu. Tồn tại đơn thuần của sự vật, kiện tính tưởng như hiển nhiên của sự vật tự thải hồi, tự thể hiện như là vẻ ngoài (Schein): “Cái trực tiếp không phải như ta tưởng về nó; nó không phải là một cái độc lập-tự tồn và chỉ dựa vào chính mình” (§131, Giảng thêm). Sự vật trở thành vẻ ngoài (Schein) nhưng không phải là “ảo tượng” theo nghĩa ở đàng sau còn ẩn giấu một chân lý, trái lại, vẻ ngoài này là vẻ ngoài của bản thân Bản chất. Bản thân Bản chất phải xuất hiện ra, phải tự mang lại cho mình hình thái của sự trực tiếp. Vậy, sự trực tiếp ấy là do Bản chất thiết định nên, thay vì là một cái gì “có sẵn đó” đơn thuần.

II.3.3: Sự vật là hiện tượng

Khác với Kant (ta chỉ có thể nhận thức sự vật như nó xuất hiện ra cho ta), Hegel cho rằng: sở dĩ sự vật “chỉ là hiện tượng vì đó là bản tính riêng của bản thân thế giới khách quan một cách trực tiếp” (§131, Giảng thêm).

Ta chú ý chữ: “một cách trực tiếp” (unmittelbar). Ý nó muốn nói: mọi cái hữu hạn không có sự tồn tại của nó ở nơi chính mình mà ở chỗ là mômen của tiến trình biểu lộ ra (Manifestation) của Bản chất. Và việc “tương đối hóa” (= tương quan hóa) này đối với cái hữu hạn cũng có nghĩa rằng sự hữu hạn của con người không bao giờ có thể là trung tâm của suy tưởng triết học (khác với Kant, Heidegger…). Nhận thức được tiến trình trung giới tuyệt đối của Bản chất đồng nghĩa với việc không còn thừa nhận rằng, về nguyên tắc, tính hữu hạn (của sự vật lẫn của con người) là một cái gì tuyệt đối.

Ngược lại, với Hegel, Chân lý chỉ hiện hữu như là sự thể hiện ra bên ngoài của bản thân Chân lý. Vì thế, nhận thức sự vật trong chân lý của chúng không phải là nhìn vào tính hư vô trong sự hữu hạn của chúng. Trái lại, sự vật chỉ được nhận thức trong mối quan hệ, không phải ngẫu nhiên mà chính là cái tạo ra sự hiện hữu của chúng: “Tất cả những gì đang hiện hữu là ở trong mối quan hệ, và quan hệ này là cái đúng thật của bất kỳ sự hiện hữu nào. (§135, Giảng thêm). Ý nghĩa của sự vật là ở đó chứ không phải ở trong sự tồn tại đơn thuần “có sẵn đó” hay ở trong một cái “bên trong” bí hiểm và ẩn giấu nào đó. Không có một cái “bên trong” độc lập với sự biểu hiện ra bên ngoài của nó. Bản chất chỉ tồn tại trong hiện tượng của nó.

-    Áp dụng vào con người cũng thế. Ta hãy nghe ông nói ở §140, (Nhận xét, và nhất là trong phần Giảng thêm của nó): “Phương thức [hành xử] của một con người ra bên ngoài, nghĩa là, trong những hành vi (chứ tất nhiên không phải chỉ trong tính ngoại tại đơn thuần của thân xác) chính là những gì ở bên trong nội tâm của người ấy; và nếu chỉ là đức hạnh hay luân lý v.v… ở bên trong, nghĩa là, chỉ như thế trong những ý đồ và tố chất, còn hành vi bên ngoài không đồng nhất với chúng, thì cái trước cũng rỗng tuếch như cái sau”.

Đối tượng phê phán trong câu trên đây rõ ràng là Kant. Trong đạo đức học, Kant từ khước một quan niệm chất liệu về cái Thiện, nghĩa là, ông cho rằng chất lượng luân lý của một con người là đồng nhất với “ý chí thiện” trong nội tâm và nghi ngờ việc suy ra “ý chí” ấy từ hành động bề ngoài của con người. Với Hegel, tất cả những điều ấy là biểu hiện của việc bám chặt lấy một cái “bên trong”, ngại tiếp xúc với cái “bên ngoài” hòng tránh bị ô nhiễm (trong Hiện tượng học Tinh thần, Hegel đặt cho nó tên gọi: “tâm hồn đẹp”). Hegel chủ trương một “thuyết lạc quan siêu hình học”: Bản chất không chỉ cần biểu hiện ra thành hiện tượng, mà, chính việc làm ấy là tất yếu để tự hiện thực hóa. Như thế, hiện thực / Wirklichkeit, với Hegel, không phải là bề ngoài hời hợt theo nghĩa giả tạo và lừa dối. Chính trong hành động (hiện thực) tôi mới thể hiện một cách tất yếu tôi là ai (cái Tôi được hiện thực hóa). Còn một cái “bên trong” được tôi giữ kín cho riêng mình, với Hegel, chỉ là một khẳng quyết vô bằng, rỗng tuếch. Một tư tưởng hay một con người chỉ là “hiện thực” trong chừng mực đủ năng lực để tự-phô bày.

II.3.3: Hiện thực

-    Người ta thường cho rằng Hegel “bảo thủ”, “bảo vệ hiện trạng”. Nghĩ như thế là “oan” cho ông, khi ta hiểu rằng Hegel không bao giờ “bảo vệ” cái gì “đang có sẵn đó”, trái lại, toàn bộ triết học của ông là nhằm chống lại lòng tin ngây thơ của “lý trí con người lành mạnh” vào “sức mạnh của cái “kiện tính trần trụi” (Faktizität). Điều ông luôn đòi hỏi là sức mạnh đích thực của Bản chất tự mang lại hình thái cho chính mình, và, như thế, hiện thực phải được hiểu theo cách khác chứ không phải như là cái vô-chân lý, cái gì “tồi tàn và phi-lý tính” (§142, Giảng thêm), bởi, nếu thế, là vẫn duy trì một ranh giới tuyệt đối giữa chân lý và vô-chân lý, giữa bản chất và vẻ ngoài, nói khác đi, một thuyết “hai-thế giới”.

Vì thế, “hiện thực” là đỉnh cao của học thuyết về Bản chất, là một khái niệm “quy phạm” hay như Hegel nói, một khái niệm phải được hiểu theo nghĩa “mạnh mẽ” (emphatisch) (§142, cuối phần Giảng thêm). Vì sao? Vì hiện thực, theo cách hiểu của Hegel, là “sự thống nhất của bản chất và sự hiện hữu hay giữa cái bên trong và cái bên ngoài” (§142).

“Tính bản chất” (Wesenlichkeit / essentiality) ấy của mọi hiện thực phải đương đầu với kinh nghiệm về cái bất tất, ngẫu nhiên. Phải chăng việc hiện thực hóa không bị cái ngẫu nhiên quy định? Biết bao sự việc xảy ra mà ta không thấy sự “tất yếu”, sự “thống nhất giữa bên trong và bên ngoài” ở đâu cả! Hegel không phủ nhận điều đó, thậm chí xem việc muốn loại trừ cái ngẫu nhiên bất tất ra khỏi “vương quốc của chân lý” là “một trò chơi trống rỗng và một trò lên gân của sự thông thái rởm mà thôi” (§145, cuối phần Giảng thêm). Vấn đề không phải là xua đuổi nó ra mà phải “hội nhập” nó vào! Điều này xảy ra trong quy định của ông về mối quan hệ giữa khả năng (khả thể) và hiện thực. Ở đây khả năng, trong sự đối lập với hiện thực, không được hiểu theo kiểu cổ điển như là cái gì có thể được suy tưởng mà không có mâu thuẫn, nhưng chưa và không nhất thiết phải trở thành hiện thực. Theo Hegel, bản thân nó cũng là hiện thực theo nghĩa là cái bất tất, có thể có mà cũng có thể không, tức cái gì tồn tại không từ chính mình và, do đó, không tất yếu. Vậy, sự đối lập giữa khả năng và hiện thực được Hegel hiểu như là sự đối lập giữa hai hiện thực: trong sự đối lập này, cái hiện thực thoạt đầu chỉ là cái bên ngoài đối lập lại với cái bên trong là khả năng (khả thể) của nó. Như thế, cả hai đều là những hiện thực hữu hạn, là một cái ngẫu nhiên. Trong khi đó, hiện thực – đúng nghĩa là hiện thực của bản chất – thoạt đầu tỏ ra như là một chuỗi vô tận của những sự vật và sự kiện, trong đó cái này là khả thể cho hiện thực của cái kia, là điều kiện của cái kia. Thế nhưng, chính “tiến trình này của hiện thực” (§146, Giảng thêm) – như là việc “tự chuyển dịch cái bên trong thành cái bên ngoài và cái bên ngoài thành cái bên trong” (§147) là một vận động của sự trung giới sẽ tạo ra sự tất yếu. Tất cả những gì tồn tại, đều là cái đã trở thành từ cái khác, tức từ khả thể của nó như là điều kiện của nó. Nhưng, khi nó trở thành, nó hiện thực hóa khả thể này, vượt bỏ nó ở trong chính mình và, do đó, là “hiện thực vô-điều kiện”: “nó là thế, bởi nó là thế” (§149), “nó là cơ sở của chính nó”: “hiện thực của nó là bản thân khả thể của nó và khả thể này ở trong nó và chỉ ở trong nó. Ðó là lý do tại sao nó “là thế thôi” (§149). Hegel gọi đó là “bản thể đã trở thành”, và cũng gọi “bản thể” (Substanz) là “quan hệ tuyệt đối”.

-    Sự tất yếu tự hiện thực hóa như là sự tất yếu của một bản thể không mang các tùy thể ở bên ngoài, trái lại, chỉ là hiện thực như là sức mạnh của việc trung giới của nó, của việc hội nhập thành một toàn bộ. Cái vô-điều kiện không phải là cái bắt đầu tuyệt đối của một chuỗi những cái có-điều kiện mà là bản thân chuỗi này, được hiểu trong hình thái đúng thật của nó: một “vòng tròn của những quy định” (§147) mà nội dung của nó tự quy định từ sự trung giới lẫn nhau giữa những quy định.

-    Khái niệm “bản thể” (Substanz) – hiểu như “quan hệ tuyệt đối” – không chỉ là một hiện thực mà là hiện thực nói chung. Vì, trong tính vô-điều kiện của nó, bản thể dường như chỉ là một bản thể bên cạnh những bản thể khả hữu khác, do đó bản thân là bất tất, thay vì chứng tỏ là sức mạnh của sự trung giới như là cái Toàn bộ của chân lý. Hegel đã phê bình Leibniz ở chỗ Leibniz không đặt được cơ sở cho sự nối kết của những bản thể riêng lẻ và, trong sự lúng túng, phải cần viện đến một sự “hòa điệu tiền lập”. Hegel đi xa hơn khi chủ trương rằng: “sức mạnh bản thể” không phải là sức mạnh của một bản thể riêng lẻ mà là sức mạnh của cái Tuyệt đối buộc những cái cá biệt phải quay trở lại với chân lý (hay sự thật) của chúng để trở thành – không phải những bản thể – mà là những mômen của tính tương quan của cái Tuyệt đối. Sức mạnh này là hoạt động của một sự đặt quan hệ, đưa bất kỳ sự hiện hữu cô lập nào vào trong sự vận động của sức mạnh này. Trong sự “thu hút” ấy, quan hệ nhân quả (§153) sẽ trở thành quan hệ của sự tương tác (§154) và sau cùng, trở thành quan hệ của một sự tự-quan hệ vô hạn (§157): cái này là nguyên nhân của một cái kia; cái kia được quy định một cách tất yếu, nhưng, với tư cách là kết quả, nó không phải là một nội dung xa lạ mà là hình thái mới, nhất định do cùng một nội dung đồng nhất mang lại cho chính mình. Vậy, hiện thực là sự thay đổi hình thái vô hạn này, trong đó không có gì trở thành mà không được trung giới bởi một cái khác theo cách ấy.

-    Chính trong bối cảnh của dạng thức về “tính quan hệ tuyệt đối” này, Hegel đã đề xướng luận điểm có vẻ rất nghịch lý: sự đồng nhất giữa Tự do và Tất yếu. Sự đồng nhất này sẽ dẫn Lôgíc học về Bản chất sang Lôgíc học về Khái niệm. Ở đây, tính nhân quả không còn là khái niệm-đối lập đối với sự Tự do nữa, vì, trong khuôn khổ của quan hệ-bản chất, việc được nguyên nhân quy định không còn mang tính cách của việc bị quy định từ bên ngoài, từ cái xa lạ. Tôi tự do, theo Hegel, không phải bằng cách “tự phát” lấy chính mình làm một nguyên nhân thứ nhất (Kant: “Tự do là quan năng tự mình bắt đầu một trạng thái”, Phê phán lý tính thuần túy, B561) mà là thấu hiểu tiến trình của nguyên nhân-kết quả như là tiến trình của một sự tự-tạo hình thái của cái Tuyệt đối bao trùm cả tôi. Một sự tự do chống lại điều ấy, tìm cách tự khẳng định như là tự do của cá nhân riêng lẻ đối lập lại với tiến trình của hiện thực, với Hegel, là sự tùy tiện (Willkür), sự khoác lác (Eitelkeit) trước sức mạnh vốn chỉ thừa nhận sự ngẫu nhiên của hiện hữu của tôi như là điều kiện bất tất cho việc tự-tạo hình thái của nó. Tự do không có nghĩa là lấy cái tồn tại-hiện có (Dasein) bất tất của mình ra làm thước đo cho cái hiện thực, mà ngược lại, chính vẻ ngoài xa lạ của một sự tất yếu đối với tôi là tiền đề để tôi nhận ra không gian cho hiện thực của tôi. Trong khi đó, một sự tự do thoát ly khỏi “sự xuất nhượng” (Entäußerung) này, với Hegel, là không-hiện thực, là tính “bên trong” đơn thuần. Tự do “bản thể học” của Hegel (khác với Tự do siêu nghiệm của Kant: tự do chỉ có thể suy tưởng được chứ không thể chứng thực được) hứa hẹn rằng: hiện thực là không gian trong đó tôi “có thể ở-trong-nhà-của-mình nơi cái khác” (“im Anderen bei mir Selbst” / “at home with myself in the other” / “être chez-soi dans de l’Autre”), rằng tự do của cá nhân riêng lẻ tự hiện thực hóa như là tự do của thế giới trong đó cá nhân hiện hữu.

-    Lôgíc học của Khái niệm sở dĩ gọi là “Lôgíc học chủ quan (hay chủ thể”) là vì nó lấy sự tự do được hiểu như trên làm cơ sở. Khái niệm không còn đối lập với một “tính khách quan” nào nữa cả như thể đối lập với cái gì có đủ sức tự khẳng định như một cái ở bên ngoài sức mạnh (đặt)-quan hệ của Khái niệm. Bản thể (quan hệ-tuyệt đối) thể hiện trong Chân lý của nó như là Chủ thể: một nhất thể (Einheit / unity) nhưng đồng thời là toàn thể (Totalität / totality), còn sự quy định của nó là sự tự-quy định độc lập-tự chủ (Selbstbestimmung / autodetermination).



[1] Bùi Giáng

[2] Kant, Phê phán lý tính thuần túy, B316 và tiếp, BVNS, Sđd, tr. 543 và tiếp. Theo Kant, sự phản tư siêu nghiệm là cần thiết bởi những khái niệm phản tư (đồng nhất / khác biệt; nhất trí / đối lập; bên trong / bên ngoài; chất thể / mô thức) vốn có “tính nước đôi” dễ lừa dối ta:

-     những gì đối với giác tính (khái niệm thuần túy = phạm trù) là “đồng nhất” thì có thể là khác biệt khi chúng giữ những vị trí khác nhau trong không gian-thời gian (trong cảm năng).

-     một sự “đối lập hiện thực” không thể có nơi những đối tượng của giác tính, nhưng lại có thể có nơi những “hiện tượng” (của cảm năng), bởi tác động của chúng có thể hạn chế hoặc triệt tiêu lẫn nhau.

-     chỉ có một đối tượng của giác tính thuần túy (phạm trù) mới có thể có những “quy định bên trong”, trong khi một đối tượng của giác quan (cảm năng) thì chỉ là “tổng thể của toàn là những mối quan hệ”.

-     đối với giác tính thuần túy, chất thể đi trước mô thức, trong khi nơi những đối tượng của trực quan cảm tính thì mô thức (không gian và thời gian) đi trước chất thể (cảm giác). Theo Kant, Locke và Leibniz đã bị tính nước đôi nói trên của các khái niệm-phản tư đánh lừa và dẫn dắt vào sai lầm, vì họ không phân biệt rõ ràng giữa cảm năng và giác tính, không thấy vai trò độc lập và không thể quy giản của cảm năng đối với nhận thức của con người, và vì thế, không nhận ra rằng ta chỉ có thể hiểu biết về những “hiện tượng”, chứ không phải về những “vật-tự thân”.

[3] Hegel, Các tác phẩm ở Jena / Jenaer Schriften 1801-1807, Suhrkamp, Tác phẩm 20 tập, tập 2, tr. 551.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt