Thuyết Duy tâm Đức

Chương II. Tri giác - Chú giải dẫn nhập (§§111-131)

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§111-131)

--------o0o-------

 

CHƯƠNG II: TRI GIÁC

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§111-131)

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

Từ Chương II này, phần Chú giải dẫn nhập, do khuôn khổ của nó, không thể tiếp tục đi vào phân tích chi ly như đã thử làm đối với Chương I, trái lại, tự giới hạn ở việc tóm tắt các ý chính, tìm hiểu một số từ khó và, nếu có thể, minh họa bằng một số ví dụ cho dễ hiểu. Bằng cách so sánh phần toát yếu với nguyên bản, bạn đọc có thể tự mình tái dựng lại các “bước” của tiến trình vận động biện chứng nơi mỗi hình thái của ý thức.

4. TRI GIÁC: “TRÒ CHƠI” CỦA NHỮNG CÁI TRỪU TƯỢNG:

4.1. §§ 111-127: Sự xác tín cảm tính (Chương I) đã cố gắng nắm lấy tính cá biệt của một sự vật như là sự xác tín của ý thức. Nhưng, như đã thấy, nó chỉ nói lên được sự vật [“tồn tại”] chứ không nói được sự vật ấy là gì. Bây giờ, cái “tồn tại thuần túy” (= tồn tại đơn thuần) của hình thái ý thức đầu tiên đã được vượt qua. Sau sự kiểm tra “cái này” là gì nơi tự thân nó (an sich) và là gì cho-một-cái khác (für-ein-anderes) (hay “cho tôi”), sự xác tín cảm tính nhận ra rằng “cái này” (vd: vật đang ở trong tay tôi) thực ra là cái gì mang tính phổ biến, tức là một khái niệm, trong trường hợp này ví dụ là khái niệm quả chanh. Ta đồng ý rằng khái niệm “quả chanh” là phổ biến hơn nhiều so với “cái này” riêng lẻ “ở đây và bây giờ” trong tay tôi.

Trước đây, các giác quan cho ta biết cái gì đang tồn tại, nên hình thái đầu tiên của cái biết (xác tín cảm tính) là “tiếp thu”, “thụ nhận”. Bây giờ là hình thái thứ hai: ý thức liên hệ với sự vật trong tính phổ biến của nó; nó “nắm lấy” cái phổ biến như là “sự thật”, tức là “tri giác”, (theo nghĩa chiết tự của từ này trong tiếng Đức: Wahrnehmen: wahr: đúng thật; nehmen: nắm lấy), nhưng đồng thời vẫn “bảo lưu” kinh nghiệm [của sự xác tín] cảm tính và nâng cao nó lên đúng theo nghĩa của chữ “vượt bỏ” (Aufheben) vừa đề cập ở trên. (Xem: 3.4.3.2.f).

Trong tri giác, sự vật (với sự bảo lưu kinh nghiệm cảm tính) mới bắt đầu có góc cạnh, có “sự phong phú... của sự phủ định, [tức] sự phân biệt hay tính đa tạp nơi bản chất của nó” (§112) (sự phủ định: xem 3.4.3.2.a), vì sự vật “hiện nguyên hình” là cái gì mang nhiều thuộc tính; nói cách khác, ý thức tri giác nơi đối tượng những quy định, những sự phân biệt. Nó gán những thuộc tính nhất định cho “sự thật” của đối tượng, vì nếu không thế, sự vật vẫn tiếp tục là “không được quy định”, tức “không có thuộc tính” = tồn tại “thuần túy”.

Như thế, tư duy (ý thức) đã đi tới chỗ phân biệt giữa đối tượng với các thuộc tính của nó. Thật vậy, các thuộc tính tất yếu thuộc về một đối tượng phải được phân biệt với bản thân đối tượng (vd: vị chua, với tư cách thuộc tính tất yếu thuộc về quả chanh, phải được phân biệt với quả chanh, nhờ đó tôi mới có được khái niệm quả chanh). Ở giữa §113, Hegel viết: “Tồn tại là một cái phổ biến nhờ có bên trong nó sự trung giới hay là sự phủ định”. Câu quan trọng này mở ra cả tiến trình biện chứng của tri giác. Như đã có nói qua ở 3.4.32.a, câu này có nghĩa là: bất kỳ sự vật nào của tri giác cũng mang trong mình – hay phải chịu đựng – một mâu thuẫn nội tại. Nó là cái Một, trong chừng mực tự phân biệt với những sự vật khác (cái Một của quả chanh là ở chỗ khác với những quả chanh khác và không phải là quả táo). Nhưng nó đồng thời cũng là một cái phổ biến, vì nó phân hóa ra “cho-tôi” (“cho-một-cái khác”) thành vô số tính quy định (quả chanh có các thuộc tính phổ biến, chẳng hạn vị chua là có chung nơi nhiều sự vật khác: dấm, quả khế...). Sự mâu thuẫn này được xem xét bằng hai bước: giữa các thuộc tính với nhau và giữa đối tượng với bản thân các thuộc tính của nó:

-  giữa các thuộc tính với nhau: chúng vừa cho thấy như là “dửng dưng” với nhau: vd của Hegel: hạt muối là trắng, là mặn, đồng thời cũng có hình lập phương..., trong chừng mực đó, dường như chúng không mâu thuẫn với nhau và được Hegel gọi dễ hiểu là cái CŨNG dửng dưng, hay, khó hiểu hơn: tính phổ biến khẳng định (positive Allgemeinheit) (§§113-114). Nhưng bên cạnh đó, các thuộc tính lại cũng cho thấy một tính phổ biến phủ định (negative Allgemein-heit): mặn loại trừ ngọt, vuông loại trừ tròn...

- giữa đối tượng với các thuộc tính của nó: chính sự mâu thuẫn ở đây làm cho tiến trình tri giác bị vấp ngã: có hai khả năng để xác định bản chất của một đối tượng, tức để tri giác nó (“nắm lấy cái đúng thật”):

+  Khả năng 1: bản chất của một đối tượng là tính nhất thể (tồn tại như là cái Một (Einssein). Trong trường hợp này, sở dĩ đối tượng xuất hiện ra cho ý thức như là được phân hóa thành nhiều thuộc tính là do “sai lầm” của chủ thể tri giác.

+ Khả năng 2: bản chất của đối tượng là tính đa thể (Vielheit) của các thuộc tính, vì các thuộc tính ấy – với tư cách là các cái phổ biến – cũng thuộc về những đối tượng khác. Vậy, cũng chính do “sai lầm” của chủ thể tri giác mới tập hợp cái đa tạp ấy thành một nhất thể.

Vậy khả năng nào đúng ? Tất nhiên, không khả năng nào đúng cả, vì sự đối lập giữa nhất thể/đa thể; cá biệt/phổ biến là mâu thuẫn thuộc về bản thân sự vật. Cuối §122, ông viết: “sự vật chứa đựng bên trong bản thân nó một [tính] chân lý đối lập”. Tri giác hình thành từ mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa sự vật và thuộc tính, giữa các thuộc tính với nhau. Rồi đối với cái “toàn bộ của sự tri giác”, ta lại thấy sự phát triển tiếp tục của các quan hệ đầy mâu thuẫn giữa những sự vật với nhau. Thông qua những thuộc tính khác nhau của mình, một sự vật vừa gắn liền, vừa tách biệt với những sự vật khác.

4.2. §§128-130: “Tồn-tại-tự-mình”; “Tồn-tại-cho-mình”: từ tất cả những vận động mâu thuẫn ấy, ý thức nhận ra mối quan hệ biện chứng giữa cái “tồn-tại-tự-mình” [cái bản chất] của sự vật với cái “tồn-tại-cho-mình” của nó. Đúng là thoạt đầu có cái “tồn-tại-tự-mình” của đối tượng, nhưng rồi đã có nhiều mô-men (Momente) chủ quan được chủ thể tri giác đưa vào trong cái “tự mình” này: rằng nó là phổ biến, rằng tính phổ biến này khi thì có tính khẳng định, khi thì phủ định; và nhất là: tính nhất thể mang theo nó tính dị biệt v.v.. Theo nghĩa đó, có thể nói đối tượng cũng có một đời sống riêng “cho-mình” giống như một chủ thể. Nói cách khác: Cái Tự-mình trở thành Cho-mình khi cái Tự-mình đã được chuyển hóa thành Khái niệm.

Không thể không có cái Tự-mình của đối tượng, nhưng đối tượng chỉ có thể được suy tưởng trong cái tồn-tại-cho-mình của nó. Đó là ý nghĩa của câu viết khá bí hiểm của Hegel ở đầu §128: “... đối tượng, trong một và cùng một phương diện, là cái đối lập của chính nó; đối tượng là cho-mình, trong chừng mực nó tồn tại cho-cái khác, và tồn tại cho-cái khác, trong chừng mực là tồn-tại-cho-mình”. Nói đơn giản hơn: sự vật tách biệt với sự vật khác chính là ở chỗ có quan hệ với sự vật khác ấy.

Nhân đây, ta nên làm quen sơ qua với mấy ý nghĩa cơ bản của các thuật ngữ riêng biệt này của Hegel, xét như các bộ phận cấu thành của tư duy biện chứng:

- “Tồn tại-tự mình” (An-sich-Sein): cái đang tồn tại; tồn tại trong sự tự tồn (Bestehen) đơn giản của nó; tồn tại đứng yên ở trong chính mình; cái đồng nhất với chính mình mà không có sự phản tư; những sự vật tự nhiên (gỗ, đá, thú vật...); cái bản chất của sự vật (1).

- “Tồn tại-cho cái khác” (Für-andere-Sein): cái tồn tại-khác đối lập lại với cái cái Tự-mình, nhưng không có nghĩa là cái Tự mình trở thành sai lầm; sự phủ định thứ nhất đối với cái tồn tại-tự mình; sự xuất hiện ra (thành hiện tượng) của sự vật.

- “Tồn tại-cho mình” (Für-sich-Sein): sự phủ định đối với cái phủ định tbứ nhất: cái tự-mình bị phủ định và cái đối lập được phủ định của nó (cái tồn tại-cho cái khác) được nhận thức và thống nhất thành nhất thể. Cái tồn tại-cho mình vừa là sự phủ định, vừa là nhất thể được tạo ra bởi cái biết ở trong khái niệm; là cái gì được cái biết nắm bắt như thể đối tượng là một chủ thể; là cái Tự-mình được chủ thể nắm bắt (1).

- “Tồn tại-tự mình-và-cho mình” (An-und-für-sich-Sein): hợp nhất cái “tự mình” và cái “cho mình”, ý nghĩa của nó giao động từ cái tồn tại-cho mình được thiết định như cái Tự-mình mới cho tới “Bản thể tinh thần” (geistige Substanz) (1).

4.3. §131: Hegel đi đến kết quả là: tri giác tuy có nâng cái biết cảm tính của ta lên một bước nhưng đồng thời bản thân nó bị “đẩy vào vòng xoáy” trong “trò chơi của những cái trừu tượng” [trống rỗng] (“tính phổ biến”, “tính cá biệt”, cái “Cũng”, cái “Một”...), không biết “kết hợp chúng lại và vượt bỏ chúng”, nên bị chúng dẫn dắt “từ sai lầm này đến sai lầm khác”. Đoạn §131 cho thấy sự bất lực của tri giác khi nó tìm cách “ra sức tránh né việc làm này [kết hợp chúng lại và vượt bỏ chúng] bằng cách bám chặt vào các chỗ dựa là sử dụng các cách nói “ngụy biện”: “trong chừng mực”, “các phương diện khác nhau”, hoặc là tự nhận trách nhiệm về một ý tưởng để tách rời ý tưởng ấy với những ý tưởng khác và duy trì nó như là ý tưởng đúng thật”.

Ý thức cảm tính không dừng lại ở sự  “lẩn quẩn” phiến diện của tri giác mà tiếp tục tiến lên để tìm cách “giải thích” đối tượng. Đó sẽ là công việc của Chương III: Giác tính.

 



(1) Chữ “tự-mình” (an sich) trở thành thuật ngữ triết học từ C. Wolff để dịch chữ Hy Lạp “Kath’hauto” của Aristote (chỉ sự vật xét như là sự vật, một cách tuyệt đối, nghĩa là tách rời với quan hệ của nó với cái khác; vd: con ngựa chạy “tự-mình” (Kath’hauto), còn người cưỡi ngựa chỉ “chạy” theo) và để dịch “mô thức” hay “ý niệm” của Platon (vd: cái đẹp là đẹp tự-mình). Với Kant, vật-tự thân hay tự mình là sự vật thoát ly khỏi quan hệ của nó với nhận thức của ta và với phương thức nó xuất hiện ra như là hiện tượng cho ta. Kant cũng dùng chữ “cho mình” (für sich) trong trường hợp này: vật-tự thân hiện hữu “cho mình, ở bên ngoài ta” (tức độc lập). Theo nghĩa này, “tự-mình” không trái nghĩa với “cho-mình” (für sich) mà trái nghĩa với “cho ta” (für uns) hay “ở trong ta” (in uns).

Hegel thường dùng chữ “tự mình” trái nghĩa với “cho mình” và với “tự mình và cho mình”. Theo ông, một vật hữu tận chỉ có một bản tính nhất định là nhờ các mối quan hệ của nó với những sự vật khác hoặc nhờ sự phủ định đối với/hay bởi những sự vật khác. (“Vật-tự thân” của Kant, tách rời với nhận thức, cũng là hữu tận!). Như thế, một sự vật, xét về mặt tự mình, là không có tính quy định, cùng lắm là có tính chất ở dạng tiềm năng và tính chất này chỉ được hiện thực hóa do những mối quan hệ của nó với những sự vật khác. Vd: một đứa trẻ là có lý tính về mặt tự-mình nhưng chỉ là tiềm năng, chưa “hiện thực”, nghĩa là chưa “cho một cái khác” hay còn gọi là: chưa “ở nơi nó” (an ihm) (xem chú thích: (223)). Trong nghĩa này, “tự mình” không trái nghĩa với “cho ta” như cách hiểu trước: lý trí của đứa trẻ là “cho ta”, vì ta có thể thấy tiềm năng có lý tính nơi nó mà bản thân nó chưa biết. Cho nên, Hegel thường dùng cách nói: “tự mình hay cho ta” (an sich oder für uns” để chỉ một điều gì chỉ mới là tiềm năng, chưa được bản thân nó biết đến mà chỉ được ta (triết gia hay người quan sát) biết đến mà thôi. (Tất nhiên, ở đây, ta biết đứa trẻ về mặt “tự mình” không theo nghĩa “tự thân” của Kant, vì đứa trẻ không hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ với những sự vật khác để, từ một số biểu hiện “hiện thực” của nó, ta có thể suy ra những tiềm năng của nó).

(1) Thuật ngữ “tồn tại-cho mình” phức tạp hơn vì có nhiều tầng ý nghĩa:

a) Vd: một người thợ may ở trong mối quan hệ với nhiều điều khác: nghề thợ may phải được thừa nhận như là một nghề, được phân biệt với những nghề khác (nếu ai cũng là thợ may thì không ai là thợ may cả!) và bản thân anh ta phải được thừa nhận như một thợ may. Như thế, anh ta tồn tại “cho-cái khác”. Nhưng, anh ta cũng là người thợ may tự-mình không theo nghĩa tiềm năng như nói ở trên mà là có những tài năng nhất định và có những đặc điểm để là một thợ may chứ không phải là một thợ mộc. Vậy, tồn tại như là “thợ may” là sự tương tác giữa tồn tại “tự mình” và tồn tại “cho cái khác”. Nhưng, anh ta còn là một con người, không đơn thuần là kẻ chỉ đóng một vai trò. Anh ta có thể giữ khoảng cách với vai trò người thợ may và suy tưởng về mình như là cái “Tôi cá nhân”. Khi làm như thế, anh ta không còn tồn tại “cho những người khác” nữa mà là “cho-mình” (für sich), vì, tuy Tự-ý thức của anh ta có thể tiền-giả định sự thừa nhận của những người khác, nhưng “cái Tôi” thì không phải là một vai trò: bất kỳ ai cũng là một “cái Tôi”. Theo nghĩa ấy, cái Tôi không có tính chất nhất định: sự tồn tại của anh ta chỉ ở sự tồn tại cho-mình, có ý thức về chính mình, thoát ly hay cô lập với những người khác. (Trong “Khoa học lô-gíc”, Hegel còn xem cái “Một” – tức đơn vị hay nguyên tử – chỉ tồn tại cho-mình là nhờ dựa vào sự phân biệt số lượng chứ không dựa vào chất nhất định nào cả).

b) Tồn tại “cho-mình” là có ý thức về chính mình dẫn đến ý tưởng rằng: một thực thể có thể có những đặc điểm “tự-mình” nhưng không phải “cho-mình” (vd: đứa trẻ “tự mình” là có lý tính nhưng không phải “cho mình” vì nó chưa ý thức về điều ấy).

c) Khi một người không có ý thức về một đặc điểm của mình, đặc điểm ấy là chưa được phát triển hay chưa được hiện thực hóa hoàn toàn. Trong nghĩa ấy, “tự mình” và “cho-mình” có nghĩa là “tiềm năng” và “hiện thực” và có thể được áp dụng cho cả vật vô tri vô giác (vd: sự phát triển của một cái cây), không xét đến việc có ý thức hay không có ý thức. (Song trường hợp này, chữ “tự mình” thường đối lập với chữ “được thiết định”/“gesetzt” hơn là với chữ “cho-mình”). Một thực thể hiện thực (đã phát triển hoàn toàn) có đủ sự ổn định nội tại thì hiện hữu “cho-mình”, độc lập ở mức độ nào đó với những thực thể khác.

d) Con người có thể cảm thấy đã trở thành “cho mình” những gì vốn là “tự mình”, nhưng không phải lúc nào cũng được như thế. Người ấy tuy tồn tại “cho mình” nhờ vào hình ảnh do người khác tạo ra hay nhờ vào thành quả, công trình của mình, nhưng vẫn có thể không nhận ra được chính mình ở trong đó. Nghịch lý ở đây là: con người chỉ trở thành “cho mình” ở trong thành quả của mình nhưng đồng thời cần có thêm những điều kiện về nhận thức lẫn thực hành để tìm thấy chính mình hay tìm thấy “cái Tự mình” (“Bản chất”) của mình ở trong đó.

(1) “Tồn tại-tự mình và -cho mình”: các ý tưởng trên về “tự mình” và “cho mình” dẫn đến “giai đoạn” thứ ba, hợp nhất chúng lại, với các ý nghĩa sau:

a) Người thợ may tự thoát ra khỏi vai trò nghề nghiệp của mình để suy tưởng về chính mình (phủ định), rồi tiến tới “hòa giải” chính mình với nghề nghiệp của mình (phủ định của phủ định) hoặc tìm một nghề khác để được tồn tại “như ở trong nhà nơi chính mình” (bei sich sein);

b) Đứa trẻ có thể nỗ lực để đưa trình độ lý tính còn chưa hoàn thiện của mình đến chỗ phù hợp với cái “Tự-mình” (cái “bản chất”) của chính mình;

c) Sự phát triển là sự trở về lại với cái khởi đầu hay với cái “Tự mình” ở mức độ cao hơn. (Vd: cây cối lại tạo ra những hạt giống mới; tuổi già đi từ tính thích xung đột của tuổi trẻ trở lại với tính hồn nhiên, thân thiện của tuổi ấu thơ...);

d) “Tồn tại tự mình và cho mình” thường đồng nghĩa với “tồn tại như trong nhà nơi chính mình” (Beisichsein),  “đi đến với chính mình (zu sich) ở trong cái khác” hay “ở trong chính mình” (in sich), “đi vào trong chính mình” (in sich gehen), đối lập với “bên ngoài chính mình”, “ra khỏi chính mình” (ausser sich). Theo nghĩa đó, nó tương tự với chữ “tính vô tận” (Unendlichkeit) (xem: chú thích 270). Tóm lại, chữ “mình” (sich) của Hegel có nhiều nghĩa mềm dẻo, biến hóa, cần xem xét và tìm hiểu tùy theo văn cảnh.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt