Thuyết Duy tâm Đức

Lực và Giác tính: [Thế giới] hiện tượng và thế giới siêu cảm tính (§142- §149)

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

(A)

Ý THỨC

 

III

LỰC VÀ GIÁC TÍNH

[THẾ GIỚI] HIỆN TƯỢNG VÀ

THẾ GIỚI SIÊU-CẢM TÍNH

 

II. Cái Bên trong

1 2

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

§ 142

[II. Cái Bên trong:]

Trong chừng mực ta xem cái phổ biến thứ nhất như là Khái niệm của giác tính, trong đó Lực chưa hiện hữu cho-mình, thì bây giờ, [ta xem] cái phổ biến thứ haibản chất của Lực như nó đang tự thể hiện ra tự-mình-và-cho-mình. Hay nói ngược lại, nếu ta xem cái phổ biến thứ nhất như là Cái trực tiếp, là cái đã được giả định là đối tượng hiện thực cho ý thức, thì cái thứ hai này lại được xác định như là cái phủ định đối với Lực có tính đối tượng khách quan cảm tính kia: vì nó là Lực, nhưng như là Lực trong bản chất đúng thật của nó, tức chỉ như là đối tượng [suy tưởng] của giác tính. | Cái phổ biến thứ nhất có thể là Lực đã bị đẩy ngược lại trong chính nó, tức là Lực [hiểu] như là bản thể [thực thể], còn cái phổ biến thứ hai này lại [được hiểu] như là bản chất nội tại của những sự vật, tức như là cái Bên trong (Inneres) [có tính tư tưởng, tính phổ biến] đồng nhất với Khái niệm [về Lực] xét như là Khái niệm(255).

§ 143

[1. Thế giới siêu-cảm tính:

a) Cái Bên trong; Hiện tượng, Giác tính:]

Bây giờ, bản chất đúng thật này của những sự vật có đặc tính là: nó không hiện hữu trực tiếp cho ý thức, mà đúng hơn, ý thức có mối quan hệ được trung giới [gián tiếp] với cái Bên trong; và với tư cách là giác tính, ý thức nhìn vào cơ sở phía sau (Hintergrund: hậu cảnh) đúng thật của sự vật, thông qua trung giới của sự tương tác của các Lực. Cái trung giới [cái hạn từ thứ ba] tập hợp hai đối cực – tức là tập hợp giác tính và cái Bên trong – chính là sự tồn tại đã phát triển của Lực; sự tồn tại này từ nay, đối với giác tính, là một tiến trình đang tiêu biến đi [đang tự phủ định] (ein Verschwinden)(256). Vì thế, sở dĩ sự “tồn tại” này được gọi là HIỆN TƯỢNG (ERSCHEI-NUNG) bởi vì ta gọi sự tồn tạivẻ ngoài (Schein) khi cái tồn tại ấy, một cách trực tiếp nơi chính nó (unmittelbar an ihm selbst), là một cái không-tồn tại. Nhưng, sự tồn tại này không chỉ là một vẻ ngoài, mà là hiện tượng, là một cái Toàn bộ của vẻ ngoài (ein Ganzes des Scheins). Cái toàn bộ này – với tư cách là cái toàn bộ hay cái phổ biến – chính là cái tạo nên cái [thế giới] Bên trong [của sự vật], tạo nên sự tương tác của các Lực như là sự phản tư của sự tương tác này vào trong chính nó(257). Đó là nơi ý thức có trước mắt mình những sự vật của tri giác – trong hình thức đối tượng [khách quan] – nhưng như chúng được thiết định [đúng thật] tự-mình, tức là, như những yếu tố – không có sự ngừng nghỉ hay sự tồn tại độc lập – chuyển hóa trực tiếp sang cái đối lập của chúng: cái Một chuyển hóa trực tiếp thành cái Phổ biến; cái bản chất thành cái không-bản chất và ngược lại. Vì thế, sự tương tác này của các Lực là cái phủ định đã phát triển, nhưng tính chân lý đúng thật của cái phủ định này lại là cái khẳng định, đó là cái Phổ biến, cái đối tượng tồn tại tự-mình.

Sự tồn tại của đối tượng này cho ý thức là được trung giới thông qua sự vận động của hiện tượng, qua đó cái tồn tại [nội dung] của tri giác và [thế giới] đối tượng cảm tính nói chung chỉ có được ý nghĩa tiêu cực [phủ định]. | Vì thế, từ sự vận động này, ý thức tự phản tư vào trong chính mình như là vào trong cái Đúng thật; thế nhưng, với tư cách là ý thức, nó lại biến cái đúng thật này thành một cái Bên trong bị khách quan hóa, và phân biệt sự phản tư này của những sự vật với sự phản tư của chính ý thức vào trong ý thức: cũng giống như tiến trình trung giới, đối với ý thức, vẫn còn là một quá trình khách quan [của đối tượng](258). Vì thế, cái Bên trong này vẫn còn là một cái đối cực ngược lại với ý thức; tuy nhiên, sở dĩ nó vẫn là cái đúng thật đối với ý thức, vì lẽ trong cái Bên trong, giống như trong cái tự-mình (das Ansich) [cái Bản chất đúng thật], ý thức đồng thời có được sự xác tín về chính bản thân mình, hay có được yếu tố của cái tồn tại-cho-mình của ý thức. | Nhưng, nó chưa có ý thức về cái cơ sở (Grund) này [sự-tự tồn tại của ý thức], vì sự tồn tại-cho-mình [sự độc lập] – mà cái Bên trong đã được giả định là có được trong chính nó – ắt sẽ không gì khác hơn là chính tiến trình vận động phủ định. | Tuy nhiên, tiến trình vận động phủ định này, – đối với ý thức –, vẫn còn là hiện tượng khách quan đang tiêu biến đi [tự phủ định] chứ chưa phải là sự tồn tại-cho-mình của chính ý thức. | Do đó, rõ ràng cái Bên trong [đã được ý thức nắm lấy] như là Khái niệm, nhưng ý thức chưa nhận biết được bản tính tự nhiên (Natur) của Khái niệm.

 

§ 144

Chính ở trong cái đúng thật [được hiểu] như cái bản chất bên trong của sự vật hay như cái phổ biến một cách tuyệt đối [vô-điều kiện] này – đã được tẩy sạch khỏi sự đối lập giữa cái phổ biến và cái cá biệt và đã trở thành đối tượng cho giác tính – mà một thế giới siêu-cảm tính từ nay được mở ra như là thế giới chân thật, nằm bên trên thế giới cảm tính [được xem] như là thế giới hiện tượng. | Nằm bên trên thế giới bên này (Diesseits) [vô thường] luôn bị tiêu biến đi là thế giới bên kia (Jenseits) hằng cửu, – một thế giới tự-mình (ein Ansich) [tự-thân] – là hiện tượng đầu tiên và vì thế, cũng là hiện tượng chưa hoàn thiện của Lý tính (Vernunft); nghĩa là: thế giới siêu-cảm tính mới đơn thuần là môi trường thuần túy (das reine Element), trong đó sự thật (chân lý) có được bản chất của nó.

 

§ 145

Đối tượng của chúng ta từ nay có hình thái của sự SUY LUẬN (DER SCHLUSS), với hai cái đối cực: một bên là cái Bên trong của sự vật, bên kia là giác tính, còn cái [hạn từ thứ ba] trung giới là thế giới hiện tượng. | Nhưng, tiến trình vận động của Suy luận này sẽ còn tiếp tục mang lại sự quy định [phong phú hơn] về những gì giác tính nhận biết về cái Bên trong thông qua trung giới của thế giới hiện tượng và mang lại kinh nghiệm mà giác tính sẽ trải qua về mối quan hệ được nối kết chặt chẽ giữa ba hạn từ này [thế giới bên trong – thế giới hiện tượng – giác tính] với nhau.

§ 146

[b) Cái siêu-cảm tính như là hiện tượng:]

Như vậy, đối với ý thức, cái Bên trong là cái [thế giới] bên kia thuần túy, vì ý thức chưa tìm thấy chính bản thân mình trong đó. | Cái bên trong là trống rỗng bởi nó chỉ là cái hư vô của hiện tượng và là cái phổ biến đơn giản, nếu hiểu theo nghĩa tích cực. Phương cách tồn tại của cái “Bên trong” như vậy ắt lập tức tán thành những ai cho rằng cái Bên trong của sự vật là không thể nhận thức được(259), nhưng cơ sở của khẳng định này phải được hiểu cách khác. Chắc hẳn không một nhận thức nào có thể có được về cái Bên trong này – theo nghĩa của nó ở đây một cách trực tiếp –, không phải bởi lý tính quá thiển cận hay bị giới hạn hoặc có đặc tính nào khác tùy ý ta gán cho nó (thực ra, ở cấp độ hiện nay, ta chưa có hiểu biết gì về bản chất của lý tính vì ta chưa đi sâu đến mức ấy), mà là do tính chất đơn giản của bản thân sự việc, đó là: trong cái trống rỗng thì không ai nhận thức được chút gì cả, hay nói theo phương diện khác, là do cái Bên trong này được xác định như là nằm ở phía “bên kia” của ý thức. [tức vượt ra khỏi phạm vi nhận thức của ý thức](260).

Thật vậy, kết quả đương nhiên là như nhau, khi đặt một người mù đứng trước vẻ phong phú của thế giới siêu-cảm tính – bất kể sự phong phú là nội dung riêng của thế giới ấy, hay bản thân ý thức mới là kẻ tạo ra nội dung này – ; hoặc đặt một người sáng mắt trước bóng tối tuyệt đối hay trước ánh sáng tuyệt đối – nếu giả thiết thế giới siêu cảm tính là “ánh sáng tuyệt đối” này –. Người sáng mắt cũng không thể thấy được gì trong bóng tối hay ánh sáng tuyệt đối, chẳng khác gì người mù trước sự phong phú vô hạn đang bày ra trước mắt. Vậy, nếu không thể làm được gì nhiều hơn đối với cái Bên trong và với cái “tồn tại” được nối kết với nó thông qua trung gian của thế giới hiện tượng(261), thì chỉ còn cách dừng lại ở thế giới hiện tượng, nghĩa là, lấy một cái gì đó làm cái đúng thật dù ta biết rằng nó không phải là cái đúng thật. | Hoặc, để đạt được một cái gì đấy trong cái trống rỗng này – cái trống rỗng thoạt đầu được hiểu như trạng thái vắng mặt của các đối tượng khách quan nhưng vì nó là sự trống rỗng tự-thân, nên cũng được hiểu là thiếu vắng cả mọi mối quan hệ và mọi sự phân biệt có tính tinh thần của ý thức xét như là ý thức – ; cũng như để đạt được cái gì đấy trong cái trống rỗng toàn bộ này – cái trống rỗng toàn bộ còn được gọi tôn lên là cái Linh Thánh (das Heilige)(262) – thì chỉ còn cách lấp đầy nó bằng các mộng huyễn (Träumereien) – các “hiện tượng” – do bản thân ý thức sản sinh ra. | Nó buộc phải đành lòng với sự đối xử tồi tệ như thế đối với mình, bởi nó chẳng xứng đáng được đối xử tốt hơn, vì dù sao mộng huyễn vẫn là cái gì khá hơn là sự trống rỗng của nó.

 

§ 147

          Nhưng, cái Bên trong hay cái Bên kia siêu-cảm tính này là được hình thành nên; nó đến từ thế giới hiện tượng và hiện tượng là sự trung giới của nó; hay nói cách khác, hiện tượng là bản chất và trong thực tế, là sự lấp đầy của nó(263). Cái siêu-cảm tính là cái cảm tính và cái được tri giác, được thiết định đúng như chúng trong sự thật; nhưng sự thật của cái cảm tính và cái được tri giác là phải tồn tại như là hiện tượng. Vì thế, cái siêu cảm tính là Hiện tượng [xét] như là Hiện tượng. Tuy nhiên, nếu vì thế lại hiểu rằng cái siêu-cảm tính chính là thế giới cảm tính, hay là thế giới như nó đang tồn tại cho sự xác tín cảm tính trực tiếp và tri giác, thì đó là một cách hiểu ngược ngạo [sai lầm], vì đúng ra, hiện tượng không phải là thế giới của cái biết cảm tính và của tri giác như nó đang hiện hữu (als seiende), mà nó là cái biết cảm tính và tri giác được thiết định như là đã bị vượt bỏ (aufgehoben) hay được thiết định trong sự thật của chúng như là những cái bên trong. Người ta thường bảo rằng, thế giới siêu-cảm tính không phải là hiện tượng, nhưng hiện tượng được hiểu ở đây không phải là Hiện tượng mà đúng hơn là thế giới cảm tính, như bản thân hiện thực thực tồn (selbst reelle Wirklichkeit)(264).

 

§ 148

[c) Quy luật như là sự thật (hay chân lý) của hiện tượng:]

          Giác tính – đối tượng [quan sát] của ta ở đây – đang ở vị trí này, đó là, với nó, cái Bên trong chỉ mới trở thành một cái tồn tại tự-mình phổ biến và còn chưa được lấp đầy. | Sự tương tác của các Lực chỉ mới đơn thuần có ý nghĩa phủ định của một cái không là gì cả về mặt tự-mình; còn ý nghĩa tích cực [khẳng định] của nó thì mới chỉ là cái giữ vai trò trung giới, nhưng lại nằm ở bên ngoài giác tính. Thế nhưng, [thực ra] quan hệ nối kết của giác tính với cái Bên trong thông qua tiến trình của sự trung giới chính là tiến trình vận động của bản thân giác tính, nhờ đó cái Bên trong sẽ tự lấp đầy nội dung cho giác tính.

Cái [hiện diện] trực tiếp cho giác tính là sự tương tác của các Lực; nhưng cái đúng thật đối với giác tính là cái Bên trong đơn giản, do đó, tiến trình vận động của Lực cũng, nói chung, là cái đúng thật nhưng chỉ như là cái gì đơn giản. Thế nhưng, về sự tương tác này của các Lực, ta đã thấy đặc điểm của nó chính là ở chỗ: Lực bị kích thích bởi một Lực khác thì, đến lượt nó, cũng chính là Lực kích thích cho Lực kia, vì chỉ qua đó, bản thân Lực kia mới trở thành Lực kích thích. Ở đây, trong tiến trình này [sự tương tác của các Lực], chỉ có sự đổi chỗ trực tiếp hay sự giao hoán tuyệt đối [hoàn toàn] của tính quy định tạo nên nội dung duy nhất của cái đang xuất hiện ra [cho ta]: nghĩa là làm cho nó hoặc như là “môi trường” phổ biến hoặc như là nhất thể [cái Một] phủ định. Cái gì xuất hiện với một tính cách nhất định, nó lập tức ngưng không còn là cái như lúc nó xuất hiện: khi xuất hiện trong hình thức nhất định này, nó kích thích cái kia để cái kia tự biểu hiện ra, tức là, cái kia bây giờ lập tức là cái mà cái trước đã được giả định phải trở thành. Cả hai mối quan hệ này – một bên là mối quan hệ kích thích và bị kích thích, và bên kia là mối quan hệ của hai nội dung đối lập nhau, mỗi bên, cho chính mình – đều là tiến trình tuyệt đối của việc tự đảo ngược và tự chuyển hóa [tính quy định]. Nhưng, cả hai mối quan hệ này đều là một và cùng một quan hệ; và sự phân biệt về hình thức (cái bị kích thích và cái kích thích) là đồng nhất với sự phân biệt về nội dung, (tức sự phân biệt giữa một bên là cái bị kích thích xét như là môi trường bị động, với bên kia là cái kích thích, xét như là môi trường chủ động, là nhất thể phủ định hay là cái Một). Với điều này, mọi sự phân biệt giữa các Lực đặc thù – đã được giả định là có mặt và đối lập nhau trong tiến trình vận động này – đều biến mất cả, bởi chúng đều chỉ dựa vào các sự phân biệt trên đây; và cùng với cả hai sự phân biệt này, sự phân biệt giữa các Lực cũng sụp đổ vào chung một sự phân biệt duy nhất. Trong sự thay đổi, biến dịch (Wechsel) tuyệt đối này, không còn có Lực cũng không còn có việc kích thích và bị kích thích, cũng không còn tính quy định như là môi trường tự tồn và như là nhất thể được phản tư vào trong chính mình; không còn một cái gì cá biệt hiện hữu cho-mình, cũng không còn những cái đối lập khác nhau. | Trái lại, cái được tìm thấy trong sự thay đổi tuyệt đối này chỉ là SỰ PHÂN BIỆT (DER UNTER-SCHIED) như là một sự phân biệt phổ biến, hay như là sự phân biệt, trong đó nhiều sự đối lập được quy giảm lại(265). Vì thế, sự phân biệt này, – với tư cách là sự phân biệt phổ biến – là cái “đơn giản” trong sự tương tác của Lực và là cái đúng thật (das Wahre) của tiến trình tương tác này. | Sự phân biệt này là QUY LUẬT VỀ LỰC(266).

 

§ 149

Thông qua mối quan hệ với tính đơn giản của cái Bên trong hay của giác tính, hiện luôn thay đổi, biến dịch một cách tuyệt đối trở thành sự phân biệt hay dị biệt đơn giản (einfacher Unterschied). Cái Bên trong thoạt đầu chỉ là cái phổ biến tự-mình (an sich) [implizit: mặc nhiên, chưa phát triển]. | Nhưng, về bản chất, cái phổ biến đơn giản, tự-mình này cũng tuyệt đối là sự dị biệt phổ biến, vì nó là kết quả của bản thân sự thay đổi biến dịch, hay, sự thay đổi biến dịch là bản chất của nó. | Tuy nhiên, sự thay đổi biến dịch – khi được đặt vào trong cái Bên trong như được đặt vào trong tính chân lý đúng thật của nó, thì nó được tiếp thu vào trong cái Bên trong này như là sự dị biệt cũng có tính phổ biến một cách tuyệt đối, và, do được làm cho ổn định, bây giờ trở thành ngang bằng (đồng nhất) với chính mình. Nói khác đi, sự phủ định là yếu tố bản chất của cái phổ biến; và sự phủ định hay sự trung giới trong cái phổ biến chính là sự dị biệt phổ biến (allgemeiner Unterschied). Sự dị biệt phổ biến này được diễn đạt trong QUY LUẬT như là hình ảnh ổn định về hiện tượng luôn bất ổn định. Như thế, thế giới siêu-cảm tính là một “VƯƠNG QUỐC YÊN TĨNH CỦA NHỮNG QUY LUẬT”, và tất nhiên những quy luật là nằm ở “phía bên kia” của thế giới được tri giác, bởi vì thế giới được tri giác chỉ biểu thị quy luật thông qua sự biến dịch không ngừng, nhưng những quy luật cũng đồng thời hiện diện (gegenwärtig) trong thế giới ấy và là bản sao [hay sự phản ánh] (Abbild) trực tiếp, yên tĩnh của thế giới được tri giác(267).

 



(255) Giác tính đạt được Lực như là Khái niệm, nghĩa là, như sự phủ định (vượt bỏ) đối với thực tại cảm tính của Lực. Sự phủ định này là “cái Bên trong” hay là “nền tảng của những sự vật”. Cái “Bên trong” này tuy không còn có tính khách quan cảm tính nữa, nhưng vẫn còn là đối tượng cho giác tính, tức đối tượng được “nhìn ngắm” thông qua tiến trình “tương tác giữa các Lực”.

(256) Lực tiêu biến đi và sự tiêu biến này là sự ra đời của “cái Bên trong”.

(257) “Erscheinung” “Schein” (“Hiện tượng” “vẻ ngoài”): Một sự phân biệt quan trọng và phức tạp trong thuật ngữ Hegel:

a)  Ta biết rằng Kant đã phân biệt giữa hiện tượng (Erscheinung/Phänomena)ảo tượng (Schein), theo đó: “hiện tượng” là cái gì ta tri giác được tương ứng với các mô thức của cảm năng và giác tính của ta, ngược lại với “Noumenon” là thực tại siêu-cảm tính hay vật-tự thân, không thể nhận thức được. (Khác với Fichte khi cho rằng “hiện tượng” là sản phẩm của hành động của cái “Tôi”, theo Kant, hiện tượng tiền giả định có cái gì đó “xuất hiện ra” và bản thân cái này không phải là hiện tượng). Còn “ảo tượng” (Schein), ngược lại, là ảo tượng do sự phán đoán sai về hiện tượng hay về vật-tự thân gây ra. (Xem: Kant: Phê phán Lý tính thuần túy. BVNS dịch và chú giải).

b) Hegel bác bỏ sự phân biệt trên của Kant (cũng như bác bỏ “vật-tự thân” của Kant và thuyết duy tâm chủ quan của Kant – là cơ sở cho sự phân biệt ấy – lẫn của Fichte). Hegel cho rằng, “hiện tượng” của Kant thực ra là Schein (vẻ ngoài) hơn là Erscheinung (hiện tượng) theo cách hiểu của ông. Hegel phân biệt như sau:

-  Schein không phải là “ảo tượng” mà là “vẻ ngoài” (J.H: apparence; Miller: a surface show), đối ứng với bản chất (Wesen/Anh-Pháp: essence): Bản chất tỏ lộ ra (scheint), nhưng bản thân nó vẫn ẩn giấu đàng sau “vẻ ngoài”. Trong trường hợp ấy, tồn tại (Sein: cái gì ta trực tiếp quan hệ) là vẻ ngoài (Schein) theo cả hai nghĩa: nó phụ thuộc vào cái gì khác, tức vào bản chất và không hoàn toàn thể hiện bản chất. Ngoài ra, Schein và (động từ) scheinen còn có nghĩa “soi rọi”, “tia chiếu” gắn liền với từ Reflexion (“phản tư”). Bản chất “soi rọi” ở bên trong mình hay vào chính mình, như thể bản thân bản chất và sự phân biệt của nó với “vẻ ngoài” cũng được cấu tạo theo tiến trình tương tự như khi nó “tỏ lộ” bản thân nó ra bên ngoài: chỉ khi “tỏ lộ” (scheint) ra bên ngoài (vd: nước sôi thì sủi bọt) rồi thu hồi “vẻ ngoài” này (“soi rọi vào bên trong”) thì bản chất mới cấu tạo nên bản thân nó như là bản chất. (Xem: Khoa học Lô-gíc, Meiner, II, tr. 7-9).

-  Hiện tượng (Erscheinung) (J.H: manifestation, phénomène; Miller: appearance (!) và động từ: erscheinen (xuất hiện ra) khác với Scheinscheinen ở nhiều mặt:

a) “Hiện tượng” cũng là sự xuất hiện ra của một bản chất, nhưng bản chất hoàn toàn thể hiện chính mình trong “hiện tượng” và không giữ điều gì ẩn giấu phía sau cả.

b) “Hiện tượng”, cũng như “vẻ ngoài” (Schein), đều có tính phụ thuộc, nhưng hiện tượng không, hoặc ít ra, không trực tiếp phụ thuộc vào bản chất mà phụ thuộc vào “hiện tượng” khác. Do đó, “hiện tượng”, khác với “vẻ ngoài”, là một toàn bộ phụ thuộc lẫn nhau hay là thế giới (hiện tượng). (Xem: §147).

c) “Hiện tượng” không chủ yếu đối lập với bản chất mà với “Khái niệm” (Begriff) hay với “Hiện thực” (Wirklichkeit) (như cái gì hiện thân trọn vẹn cho Khái niệm), do đó, là bất tất hơn là tất yếu, ổn định và “hợp lý”. (Vd: môn tâm lý học thường nghiệm chỉ nghiên cứu “hiện tượng” của tâm hồn, còn môn tâm lý học siêu hình chỉ nghiên cứu Khái niệm về tâm hồn, trong khi đó, theo Hegel, cách tiếp cận đúng là phải xem Khái niệm về tâm hồn tự hiện thực hóa như thế nào trong “hiện tượng”. Hay: tội ác chỉ là “vẻ ngoài” (Schein) vì nó xung đột với bản chất là luật pháp, vì thế luật pháp tự khôi phục bằng cách phủ định (tức: trừng phạt) “vẻ ngoài” này; còn một bản hợp đồng đặc thù là “hiện tượng” (Erscheinung) vì nó không xung đột với luật pháp mà chỉ là một “hiện tượng” bất tất của luật pháp (xem: Triết học pháp quyền, §82; và Khoa học Lô-gíc, II, tr. 126-138). (Tất nhiên, hai chữ này có khi được Hegel dùng lẫn lộn, do đó, tùy văn cảnh mà xem chữ ấy đối lập với cái gì).

Ngoài ra, về phê phán của Hegel đối với Kant (“hiện tượng” của Kant thực ra chỉ là “vẻ ngoài”), ta thấy rằng: tuy Kant cho rằng “vật-tự thân” (hay “bản chất”) là không thể nhận thức được, nhưng ông không hề “đối lập” triệt để giữa hiện tượng và vật-tự thân. “Không nhận thức được” chỉ là xét trong quan hệ với nhận thức của con người, là “khái niệm ranh giới” (Grenzbegriff) về phương pháp chứ không phải là khái niệm siêu hình học để chỉ cái thế giới “chân thực” giấu mình ở phía sau hiện tượng, còn hiện tượng chỉ là vẻ ngoài hời hợt. Kant luôn chống lại sự “nhân đôi” thế giới theo nghĩa bản thể học. Theo nghĩa đó, Kant bảo rằng “vật-tự thân là điều ta không biết và không cần biết”; nói khác đi, ta vẫn có thể hiểu rằng, với Kant, hiện tượng là sự bộc lộ hoàn toàn của “vật-tự thân”, không khác gì quan niệm của Hegel. (Xem: Kant: Phê phán Lý tính thuần túy, B335, 563, 604...).

(258) Cùng một tiến trình giống như ở đầu chương. Đối tượng tuy không còn là một đối tượng cảm tính nữa, nhưng vẫn còn là “đối tượng” cho giác tính như là cái Bên trong. Ý thức không biết chính mình ở trong đó (không biết đó là sản phẩm của chính mình), vì cái “phủ định đã phát triển”, đối với ý thức, không phải là cái tồn tại-cho mình của chính ý thức mà là Hiện tượng (Erscheinung), nghĩa là vận động ra đời và mất đi trong tính toàn thể của nó, một vận động vẫn còn ở bên ngoài, ngoại tại đối với ý thức.

(259) Chú thích của bản Meiner (tr. 580) cho rằng ở đây Hegel ám chỉ quan điểm của Kant. (Xem: Kant: “Phê phán lý tính thuần túy”, B333 và tiếp) và một ý thơ của A.v.Haller (thi sĩ Thụy Sĩ) trong bài: “Die Falschheit menschlicher Tugenden, (1730)” (Sự sai lầm của đức hạnh con người):

“Ins Innre der Natur dringt kein erschafner Geist,

Zu glücklich, wann sie noch die äußre Schale weis’t;”

(Không Tinh thần thụ tạo nào thâm nhập vào được bản chất bên trong của Tự nhiên,

Biết được lớp vỏ ngoài đã là may mắn lắm!)

Xem: Albrecht von Haller: Versuch Schweizerischer Gedichte. Ấn bản lần thứ 6, 1751, trang 100.

J.H còn cho rằng: khi xem cái Bên trong như là cái “trống rỗng tuyệt đối” hay như cái “ở phía bên kia” thì không thể nhận thức được. Ở đây, cái Bên trong là “cái hư vô của hiện tượng”, tức được định nghĩa bằng sự phủ định thế giới hiện tượng. Sự phủ định mà bị tách rời với cái nó phủ định thì chỉ có thể là cái trống rỗng; giống như “cái Tuyệt đối” của Schelling là “cái đêm tối trong đó mọi con bò đều là bò đen cả”. (Xem: Lời Tựa §16).

(260) Bản Meiner: Lại ám chỉ sự giới hạn đối với cái biết của lý tính lý thuyết trong “Phê phán lý tính thuần túy” của Kant. (Xem: Kant, Sđd, BXXIV và tiếp).

(261) tức: giác tính.

(262) Có lẽ Hegel muốn ám chỉ và phê phán quan niệm của C.A. Eschenmayer về “cái Linh Thánh” (das Heilige). Xem: Eschenmayer: “Der Eremit und der Fremdling”, (“Kẻ ẩn sĩ và người khách lạ”) trang 25: “Cái Linh Thánh là cái không hề có quan hệ trực tiếp nào với nhận thức ở trong biểu tượng và trong Ý niệm cũng như với những hành vi của con người cả. Nếu bạn cho rằng điều tôi nói quá tối tăm thì hãy nghĩ rằng: để gợi lên được nơi bạn một trực quan và một cảm xúc tương tự [về cái Linh Thánh], tôi chỉ biết dùng những ngôn từ trống rỗng, và, để tìm thấy được cái Tối Thượng, tôi không được phép vay mượn chút gì từ cái thấp kém và phụ thuộc, trái lại, phải cách ly tất cả những điều này ra khỏi cái Linh Thánh tối thượng”... (dẫn theo bản Meiner).

(263) “Hiện tượng là bản chất và trong thực tế, là sự lấp đầy của nó [của bản chất]”. Xem lại: quan niệm của Hegel về “hiện tượng” (Erscheinung), chú thích 257 cho §143. Biện chứng ở đây là: cái Bên trong đến từ thế giới cảm tính, từ sự tương tác của các Lực, là sự “vượt bỏ” thế giới cảm tính. Cái siêu-cảm tính có hiện tượng làm nội dung của nó; hay nói cách khác, cái siêu-cảm tính là hiện tượng được thiết định như là hiện tượng.

(264) Ám chỉ sự phân biệt của Kant giữa “Phaenomena” và “Noumena”. Xem: Kant, Sđd, B294-315.

(265) “Sich reduziert haben”: “đã tự quy giảm lại”, cũng có thể hiểu là “đã được giải quyết”, “đã được hợp nhất lại”.

(266) Từ sự “năng động” được cụ thể hóa thành các Lực thực tồn, ta bước vào “vương quốc của những quy luật” (§149). Quy luật chuyển sự tương tác giữa các Lực thành một sự phân biệt phổ biến; và sự phân biệt được “hấp thu” vào trong cái Bên trong này bây giờ trở thành đối tượng của giác tính.

(267) Quy luật là hình ảnh yên tĩnh, bất biến của hiện tượng biến dịch, vì thế, hiện tượng vẫn là một phương diện bản chất-không được “tiếp thu” (hay “hấp thu”) vào trong cái Bên trong; nói cách khác, chính tính biến dịch, tính bất ổn định không ngừng này của hiện tượng không còn ở trong quy luật nữa. Toàn bộ biện chứng tiếp theo đây là nỗ lực đưa tính năng động vào trong Khái niệm tĩnh tại này về quy luật để làm cho quy luật tương xứng trọn vẹn (adequat) với hiện tượng. Phải đưa “sự sống” hay “đời sống” (của hiện tượng) vào trong tư tưởng (tức vào trong “quy luật” của giác tính), và điều này chỉ có thể đạt được ở trong Khái niệm về “tính vô tận” (Unendlichkeit) như sẽ thấy ở cuối chương (§§160-165).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt