Thuyết Duy tâm Đức

Bước ngoặt ngữ nghĩa học của Kant

 

BƯỚC NGOẶT NGỮ NGHĨA HỌC CỦA KANT

ZELJKO LOPARIC(*)

 

1. Dẫn luận

Trong những mục đầu của bài viết này, tôi tái dựng lại dự án phê phán về lý tính thuần túy thực hành của Kant bằng cách chỉ ra rằng khi lần đầu tiên phát biểu nó trong Phê phán lý tính thuần túy (1781) mục đích của ông là làm sáng tỏ những điều kiện dưới đó các vấn đề của lý tính lý thuyết thuần túy có thể giải quyết được. Học thuyết về tính có thể giải quyết các vấn đề này cần phải trả lời cho câu hỏi, được Kant xem là nhiệm vụ cơ bản của sự phê phán về lý tính lý thuyết, sau đây: Làm thế nào các phán đoán tổng hợp lý thuyết tiên nghiệm có thể có được? Nói cách khác, dưới những điều kiện nào mà các phán đoán này có thể được coi là đúng hay sai một cách xác định? Nhiệm vụ này được tiến hành trong hình thức của một lý thuyết tiên nghiệm về sự quy chiếu và nghĩa của các khái niệm lý thuyết tiên nghiệm và về chân lý của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Tôi xét thấy rằng lý thuyết này có thể và phải được lý giải như là một ngữ nghĩa học tiên nghiệm hay siêu nghiệm.

Dần dần Kant mở rộng chương trình phê phán lý tính lý thuyết của mình đến các vấn đề triết học nói chung. Phù hợp với sự mở rộng này, nhiệm vụ cơ bản của triết học siêu nghiệm là giải quyết vấn đề: Làm thế nào các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm nói chung là có thể có được? Để lập tài liệu các phương diện then chốt của sự phát triển này trong dự án của Kant, tôi sẽ bình luận ngắn gọn quan niệm của ông về khả thể của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm trong Học thuyết về pháp quyền.

Điều tôi phải nói ở đây được dựa trên những kết quả có được trước đó, một số trong các kết quả ấy được đề cập trong những cước chú của bài viết này. Cái mới ở đây là việc đặt những kết quả ấy trên căn cứ các phân tích văn bản có tính cách bổ sung.

2. Những vấn đề không  thể giải quyết của lý tính lý thuyết: động lực cho dự án phê phán lý tính thuần túy của Kant

Dự án phê phán lý tính thuần túy của Kant, như đã nói trên, bắt đầu từ việc ông quan tâm đến năng lực của lý tính con người giải quyết các vấn đề riêng của nó. Trang mở đầu cho ấn bản A của Phê phán lý tính thuần túy (PPLTTT) bắt đầu như sau: “Lý tính con người, trong một [chủng] loại nhận thức của nó, có số phận đặc biệt: nó bị quấy rầy bởi những câu hỏi không thể chối từ, bởi chúng được đưa ra [như một nhiệm vụ phải giải quyết] do bản tính tự nhiên của lý tính, nhưng lý tính cũng không thể trả lời được bởi chúng vượt khỏi mọi quan năng của lý tính con người” (A vii).

Loại nhận thức bàn đến ở đây là nhận thức siêu hình học về tự nhiên. Thực vậy, ngay trong giai đoạn tiền-phê phán, một trong những quan tâm của Kant là sự bất lực của siêu hình học truyền thống trong việc đưa ra một câu trả lời khẳng định hay phủ định cho các vấn đề triết học mà nhận thức này có liên quan đến. Theo Kant, sự bất lực này tự bộc lộ ra là những mâu thuẫn và những tối tăm mà ta thường thấy trong các cuộc tranh biện giữa các triết gia.

Một minh họa cho những mâu thuẫn này của lý tính giáo điều là cuộc tranh cãi nổi tiếng giữa Leibniz và Clark về các thuộc tính của thế giới vật chất được xét như là một toàn bộ. Những cuộc tranh biện này được xem một cách đúng đắn là nguồn suối lịch sử của bốn nhóm vấn đề mà Kant gọi là “các nghịch lý” (“antinomies”) của lý tính thuần túy lý thuyết. Trong phần Biện chứng pháp siêu nghiệm, các vấn đề này được cho thấy là các vấn đề cần thiết của lý tính thuần túy, và chúng được diễn dịch từ các nguyên tắc mô thức (lôgíc) và chất liệu (ngữ nghĩa) của thuyết giáo điều siêu hình học truyền thống. Nghịch lý thứ nhất, chẳng hạn, có thể được phát biểu như là vấn đề của việc quyết định xem đâu là mặt đúng trong sự phân đôi sau đây: hoặc thế giới là hữu hạn trong không gian và thời gian hoặc thế giới là vô hạn trong không gian và trong thời gian.[1]a Dựa trên nguyên tắc bài trung, theo cách hiểu truyền thống, sự phân đôi đó là một phán đoán phân tích. Thế nhưng mỗi một sự phân đôi có thể được quy giản thành sự phi lý – đây chính là điều mà Kant cố thực hiện trong chứng minh mà ông đưa ra. Do đó, nỗ lực của lý tính giáo điều nhằm giải quyết vấn đề tất yếu có tính cách đặc thù này dẫn đến một sự vi phạm của nguyên tắc bài trung, vốn là một quy luật của bản thân lý tính. Vì thế ở đây ta có một ví dụ về sự xung đột giữa lý tính giáo điều với bản thân nó, mà thực tế cũng là một sự mâu thuẫn.

Một ví dụ cho tình trạng tối tăm là những cuộc tranh cãi về diễn trình của lịch sử nhân loại. Vấn đề ở đây là phải đưa ra những lý do thuyết phục cho sự lựa chọn giữa luận đề giáo điều do Epicurus nêu ra, luận đề phát biểu rằng trật tự nội tại của các Nhà nước và các Dân tộc diễn ra bởi sự thay đổi ngẫu nhiên, và một luận đề khác, là luận đề phát biểu – cũng có tính cách giáo điều – rằng các hành động của con người đi theo một diễn trình đều đặn theo một trong hai hướng: hoặc là “dẫn dắt chủng loài của ta từ cấp độ động vật lên đến cấp độ cao nhất của nhân tính”, hoặc là “dọn đường cho địa ngục của những cái ác” (1784, Ak 8: 25 [tr. 48]). Các cuộc tranh biện này có thể được quy giản thành việc quyết định xem mặt nào trong các phân đôi sau đây là đúng: lịch sử nhân loại có được là do những thay đổi ngẫu nhiên không theo một quy tắc nào hay nó đi theo những sự điều hành và tuân theo những quy tắc nào đó. Với mặt thứ hai của sự phân đôi, ta vẫn cần phải xác định xem lịch sử được định hướng theo cái tốt nhất hay cái tồi nhất, và cái tốt nhất và tồi nhất đó được định nghĩa như thế nào.[2] Vấn đề này, không phải là thường nghiệm nhưng là tất yếu và tiên nghiệm – do nó nảy sinh từ bản thân lý tính khi nó xử lý vấn đề là ta có thể xác định một cách tiên nghiệm cái tiến trình tự nhiên[3] làm phát sinh lịch sử nhân loại – và vẫn còn chưa được giải quyết trong triết học truyền thống, là một trường hợp điển hình cho những tình trạng tối tăm mà lý tính rơi vào nếu nó không chịu sự phê phán.

3. Định lý về tính có thể quyết định về các vấn đề lý thuyết của lý tính thuần túy

Mục tiêu chính của chương trình phê phán lý tính thuần túy của Kant, nói cho chính xác, là nhằm tránh loại phạm trù này. Để đạt được mục tiêu đó, ông đề cập đến một sự phân biệt giữa vấn đề có thể giải quyết và vấn đề không thể giải quyết bởi lý tính con người. Thật vậy, phê phán của Kant về lý tính thuần túy tất yếu tỏ ra là một lý thuyết về tính có thể giải quyết (tính có thể quyết định) của các vấn đề tất yếu của lý tính thuần túy.[4]

Kant bắt đầu bằng những vấn đề lý thuyết. Kết quả chính của sự phê phán của ông về năng lực giải quyết vấn đề của lý tính thuần túy có thể được diễn tả trong luận đề rằng lý tính có thể phải đi đến “… sự xác tín rằng có hay không có sự hiểu biết về các đối tượng, tức là hoặc đưa ra quyết định [entscheiden]  về các đối tượng của các câu hỏi của Siêu hình học, hoặc về năng lực và sự bất lực của lý tính trong việc phán đoán về các đối tượng ấy; nói khác đi, hoặc mở rộng lý tính thuần túy của ta một cách đáng tin cậy hoặc phải đặt ra cho nó các giới hạn nhất định và chắc chắn” (B 22, tôi in nghiêng).

Nói cách khác, lý tính con người phải có khả năng quyết định với sự xác tín cao nhất xem một vấn đề lý thuyết của siêu hình học là hoàn toàn có thể giải quyết được hay không, và nếu nó có thể giải quyết được, thì ta cần phải có năng lực tìm ra giải pháp. Tôi sẽ gọi luận đề này là định lý của Kant về tính có thể quyết định của các vấn đề lý thuyết của siêu hình học.[5] Thực tế là Kant áp dụng luận đề này cho tất cả các vấn đề lý thuyết, kể cả các vấn đề không phải triết học và khoa học.[6] Do đó ta có thể nói đến định lý của Kant về tính có thể quyết định của các vấn đề lý thuyết nói chung, và định lý về tính có thể quyết định do Kant khái quát hóa.

Vì Siêu hình học truyền thống không đưa ra siêu-vấn đề về tính có thể giải quyết của các vấn đề lý thuyết – tức là, vì nó vẫn còn mang tính giáo điều, nên nó không thể đối diện với các vấn đề không thể giải quyết. Siêu hình học mới của Kant, dựa trên lý thuyết của ông về năng lực giải quyết vấn đề của lý tính thuần túy, có đặc điểm phân biệt là nó có thể bảo đảm rằng hoặc là một vấn đề có thể giải quyết được hoặc là nó có thể được chỉ ra một cách chắc chắn và bảo đảm rằng nó không thể nào vượt khỏi ranh các ranh giới của lý tính thuần túy được. Kant nói: “Không trả lời tức là đã trả lời” (B 507). Dựa trên định lý của mình về tính có thể quyết định, Kant chủ trương thay thế siêu hình học truyền thống về tự nhiên, vốn chỉ đưa ra những câu trả lời không thể quyết định cho các giả-vấn đề, bằng một tập hợp các nguyên tắc siêu hình học mới của khoa học tự nhiên – được trình bày trong một công trình được xuất bản vào năm 1786 dưới chính nhan đề này – tức là bộ môn chứa đựng các câu trả lời có thể biện minh một cách thuần lý cho các vấn đề có thể giải quyết.

4. Tính có thể giải quyết và ngữ nghĩa học siêu nghiệm

Vấn đề lý thuyết nào là có thể giải quyết còn vấn đề nào là không? Câu trả lời của Kant rất đơn giản: “không có vấn đề nào liên quan đến đối tượng của lý tính thuần túy mà không thể được giải quyết bằng chính lý tính ấy của con người” (B 505; tôi in nghiêng). Trái lại, nếu “không có đối tượng nào tương ứng với nó” thì “câu hỏi đó không là gì cả” (B 506, cước chú). Điều đó có nghĩa là “một câu hỏi về những đặc điểm của một cái mà không ai có thể hình dung được thuộc tính nào của nó cả – vì nó hoàn toàn nằm ngoài lĩnh vực (Sphäre) các đối tượng có thể được mang lại cho ta, – là điều hoàn toàn vô nghĩa và trống rỗng” (B 507, cước chú; tôi in nghiêng). Nói rằng một câu hỏi là vô nghĩa và trống rỗng cũng chính là nói rằng nó sử dụng những thuộc tính không xác định, tức là những khái niệm không có nội dung trong lĩnh vực (“phạm vi”) của các đối tượng của kinh nghiệm khả hữu. Ở đây tôi nhớ đến định luật (dictum) nổi tiếng của Kant: “những tư tưởng không có nội dung” – được hiểu là không có những nội dung của trực quan – “thì trống rỗng” và “điều thiết yếu như nhau là phải làm cho những khái niệm trở thành cảm tính (tức thêm vào cho chúng đối tượng trong trực quan) để tạo ra sự sử dụng nhận thức về chúng trong một phán đoán (B 75)[7].

Giờ ta đã đi đến một điểm rất quan trọng. Như trong triết học phân tích đương đại, các câu hỏi ngữ nghĩa học của Kant là độc lập và đi trước các câu hỏi của khoa học luận. Đương nhiên, một câu hỏi được phát biểu bằng những tư tưởng không có nội dung thì không thể giải quyết. Nói cách khác, nó không thừa nhận một câu trả lời có sử dụng những thuộc tính xác định và, vì lý do này, không thừa nhận câu trả lời ấy là đúng hay sai trong lĩnh vực của kinh nghiệm khả hữu. Tính có thể giải quyết của các vấn đề lý thuyết vì thế về cơ bản có thể được quy về hai điểm có tính riêng biệt hơn: (1) Các khái niệm có thể có nội dung trong lĩnh vực của các đối tượng có thể được mang lại cho ta không? Và (2) các phán đoán có thể được sử dụng trong những câu trả lời cho các vấn đề lý thuyết mà chân lý hay sự sai lầm của chúng đã được xác định trong cùng một lĩnh vực không?[8]

Không cón nghi ngờ gì nữa, các vấn đề này thuộc về “Lôgíc học siêu nghiệm” của Kant. Khác với môn Lôgíc học hình thứcb  – là môn “trừu tượng hóa, như ta đã thấy, khỏi mọi nội dung của nhận thức, tức là khỏi mọi quan hệ của nhận thức với đối tượng, và chỉ xem xét hình thức lôgíc trong mối quan hệ giữa các nhận thức với nhau” (B 79) – Lôgíc học siêu nghiệm là một môn khoa học tiên nghiệm chỉ liên quan đến các quy luật của giác tính và của lý tính “trong chừng mực chúng được quan hệ với các đối tượng một cách tiên nghiệm” (B 81). Lôgíc học siêu nghiệm xuất phát một cách hoàn toàn tiên nghiệm, không nhờ đến kinh nghiệm. Nó sử dụng cái gọi là nhận thức “siêu nghiệm” qua đó ta biết “tại saobằng cách nào một số biểu tượng”, kể cả các khái niệm, “chỉ được hay chỉ có thể được áp dụng một cách tiên nghiệm” (B 80; tôi in nghiêng). Vì lý do này, Lôgíc học siêu nghiệm có thể được lý giải như là một lý thuyết tiên nghiệm về nghĩa của các khái niệm và về chân lý của các phán đoán trong lĩnh vực của sự lý giải bao gồm các hiện tượng tự nhiên có thể tiếp xúc bằng trực quan. Theo biệt ngữ đương đại, nó là một ngữ nghĩa học tiên nghiệm hay siêu nghiệm của loại hình cấu tạo luận.[9]

Ta có thể dễ dàng hiểu tại sao “cảm năng học” là một phần của môn Lôgíc học siêu nghiệm. Vì một vấn đề chỉ có thể giải quyết được nếu ta chỉ sử dụng những thuộc tính có thể quy chiếu đến những đối tượng có thể được mang lại cho ta để phát biểu về nó, lý thuyết về “tính chất được mang lại” của các đối tượng của nhận thức là một phần thiết yếu của lý thuyết về các thuộc tính xác định. Đối với Kant, một đối tượng là “có thể được mang lại (dabile) – và, theo nghĩa này, là khả hữu – nếu kinh nghiệm có thể tiếp xúc được nó, tức là đối tượng ấy có thể được mang lại trong trực quan cảm tính bên ngoài hay bên trong; không thể có một đối tượng được mang lại cho ta, như Descartes giả định, trong trực quan trí tuệ. Trong sự lý giải hiện nay, lý thuyết cho rằng Kant gọi “cảm năng học siêu nghiệm” mang lại cho ta lĩnh vực lý giải về các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm lý thuyết: phạm vi của kinh nghiệm khả hữu.[10]

Để làm rõ điểm này, tôi xin trích một đoạn văn quan trọng tóm tắt những phương diện chính yếu của những yêu cầu của Kant cho sự hình thành khái niệm: “Đối với mỗi khái niệm, trước hết đòi hỏi phải có mô thức lôgíc của một khái niệm nói chung (của tư duy), và thứ hai, khả năng mang lại cho nó một đối tượng để nó áp dụng vào. Thiếu cái sau, khái niệm không có ý nghĩa (Sinn), hoàn toàn trống rỗng về nội dung”  (B 298).

Vả lại, một đối tượng không thể được mang lại cho một khái niệm bằng cách nào khác hơn là trong trực quan thường nghiệm. Cho dù trực quan thuần túy có thể có một cách tiên nghiệm trước khi có đối tượng, ngay cả khi nó “có được đối tượng, do đó có giá trị khách quan là nhờ thông qua trực quan thường nghiệm, còn bản thân nó chỉ là mô thức đơn thuần thôi” (sđd.).

Lý thuyết của Kant về tính có thể xác định hay khả thể của các thuộc tính và các phán đoán trong lĩnh vực này chủ yếu là đi theo phương pháp qua đó cả sự quy chiếu và nghĩa của các khái niệm toán học lẫn chân lý hay sự sai lầm của các phán đoán toán học được xác lập. Kant viết: “Người ta chỉ cần lấy các khái niệm của toán học làm ví dụ, trước hết trong các trực quan thuần túy của nó: “Không gian có ba chiều”, “Giữa hai điểm chỉ có một đường thẳng”, v.v.. Dù tất cả các nguyên tắc [toán học] này, và biểu tượng về đối tượng mà toán học nghiên cứu đều hoàn toàn có thể được tạo ra một cách tiên nghiệm trong tâm thức, nhưng chúng cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu ta không diễn tả được nội dung của chúng bằng những hiện tượng (tức những đối tượng thường nghiệm). Do đó, một khái niệm trừu tượng đòi hỏi phải được biến thành cảm tính (sinnlich), tức là phải diễn tả đối tượng tương ứng với nó trong trực quan, vì không như vậy, khái niệm (như người ta thường nói) sẽ vô nghĩa (Sinn) và vô nội dung” (B 299).

Các nhà toán học, theo nghĩa truyền thống, thỏa mãn được “những đòi hỏi này bằng sự cấu tạo nên các hình thể là một hiện tượng hiện diện đối với giác quan (tuy được hình thành một cách tiên nghiệm)” (B 299). Theo một nghĩa nào đó, một sự cấu tạo là đầy đủ, vì các khái niệm toán học, như khái niệm “đại lượng”, là tiên nghiệm trong nguồn gốc và vì thế là “những nguyên tắc hay công thức tổng hợp được rút ra từ những khái niệm ấy” (sđd.). Tuy nhiên, các cấu tạo toán học lại không bảo đảm, bởi bản thân chúng, cho sự sử dụng thường nghiệm của các khái niệm toán học, cũng như cho việc sử dụng chúng hay quan hệ của chúng với các vật thể tự nhiên.

Quy cách cảm tính hóa (Versinnlichung) này về các khái niệm và các nguyên tắc – bắt đầu bằng sự cấu tạo nên các hình thể và các đại lượng trong các trực quan thuần túy và kết thúc bằng một sự áp dụng các khái niệm được cảm tính hóa theo phương cách ấy đối với bản thân các đối tượng thường nghiệm – được các nhà toán học thực hành ngay từ Hy Lạp cổ đại. Kant cải tiến nó để tạo ra, theo ngữ cảnh môn Lôgíc học siêu nghiệm, một lý thuyết tiên nghiệm về sự quy chiếu và nghĩa của các khái niệm lý thuyết tiên nghiệm nói chung (tức các khái niệm triết học, toán học và vật lý học thuần túy). Chẳng hạn, ta không thể đưa ra một “định nghĩa hiện thực” về một phạm trù, tức là, ta không thể định nghĩa ngay cả một phạm trù cá biệt “nếu ta không lập tức cầu viện đến những điều kiện của cảm năng” (B 300). Khi điều kiện này bị loại bỏ thì “mọi nội dung, tức là, mối quan hệ với đối tượng sẽ mất đi, và người ta sẽ không còn thông qua ví dụ nào để tự làm cho mình hiểu rõ khái niệm ấy thực sự muốn nói đến sự vật nào” (sđd.). Nói ngắn gọn, nếu không có các quy tắc để áp dụng  (Anwendung) các phạm trù cho cảm năng, ta sẽ không thể biết được làm thế nào “chúng có thể có được một ý nghĩa và giá trị khách quan” (A 242).[11]

Lý thuyết về sự cảm tính hóa các phạm trù, phần cốt lõi của nó là thuyết niệm thức siêu nghiệm, được bổ sung bằng một lý thuyết về chân lý của các phán đoán lý thuyết tiên nghiệm của cả triết học lẫn không phải triết học (các phán đoán loại sau là các toán học và các khái niệm thuần túy của khoa học tự nhiên mà Kant đã đồng nhất với Vật lý học Newton). Lý thuyết này cũng dựa trên một sự cảm tính hóa của các phán đoán ấy. Vấn đề cốt lõi ở đây là phải xác định những điều kiện dưới đó các phán đoán sử dụng những thuộc tính xác định tự chúng có thể có được, theo nghĩa là giá trị khách quan của chúng – chân lý hay sai lầm – có thể được xác định trong lĩnh vực của các dữ kiện thường nghiệm. Theo hệ thuật ngữ đương đại, vấn đề ở đây là phải tìm ra những điều kiện chân lý của các phán đoán lý thuyết tiên nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, theo ấn bản B của PPLTTT, “nhiệm vụ phổ biến” (allgemeine Aufgabe) của triết học siêu nghiệm là như sau: Làm thế nào để các phán đoán lý thuyết tiên nghiệm có thể có được”[12] Cùng với việc không ngừng thực hiện chương trình phê phán về lý tính, câu hỏi về khả thể của siêu hình học, toán học thuần túy và của khoa học tự nhiên thuần túy không hề đề cập tới lý thuyết về các quan năng của tâm thức. Nó được trình bày lại trong một lý thuyết về các phán đoán.

Giải pháp của Kant cho nhiệm vụ phổ biến của triết học siêu nghiệm về cơ bản chính là nói rằng một phán đoán là có thể có được nếu sự nối kết suy lý giữa các khái niệm được phát biểu trong nó có thể được quan hệ một cách phù hợp với kinh nghiệm khả hữu, tức là, được cảm tính hóa trong kinh nghiệm; nói cách khác là nếu nó có thể được trình bày (dargestellt) bằng một sự tổng hợp trong trực quan. Một sự cảm tính hóa như thế được bảo đảm hoặc là bằng những ví dụ hoặc là bằng “những cấu tạo” tiên nghiệm và hậu nghiệm. Các cấu tạo hậu nghiệm là các thí nghiệm; các cấu tạo tiên nghiệm là các sản phẩm của trí tưởng tượng siêu nghiệm, tức là, chúng là những niệm thức tiên nghiệm, hoặc có tính “cấu tạo” hoặc chỉ đơn thuần là “điều hành” (hỗ trợ phát hiện). Chẳng hạn, trong trường hợp phán đoán dựa trên phạm trù lý thuyết (của hình thức S là P) sự cảm tính hóa tạo ra một yếu tố thứ ba làm trung gian để phán đoán có thể nối kết khái niệm của chủ từ với khái niệm của thuộc từ lại. Trong trường hợp các phán đoán dựa trên phạm trù hậu nghiệm, yếu tố thứ ba này là yếu tố hậu nghiệm. Nhưng trong các phán đoán dựa trên phạm trù tiên nghiệm (tức các phán đoán triết học, toán học hay vật lý học), ngoài việc là các phán đoán có yếu tố cảm tính và lý thuyết (phán đoán nhận thức), yếu tố thứ ba này phải là yếu tố tiên nghiệm. Đây chính xác là cái đồng nghĩa với một niệm thức siêu nghiệm của một phạm trù.

Kant bổ sung ngữ nghĩa học siêu nghiệm của ông bằng một lý thuyết về các phương pháp tiên nghiệm để giải quyết các vấn đề. Phương pháp luận của ông chính là một lý thuyết chứng minh, mà ông thêm vào đó một chương trình tiên nghiệm của việc nghiên cứu khoa học, cung cấp cho các nhà khoa học (i) những quy cách phương pháp (procedures) để đưa ra những hư cấu thuần lý hữu ích trong việc tìm kiếm và tổ chức các sự kiện thường nghiệm, và (ii) những quy cách phương pháp để tìm ra những giải thích thường nghiệm (những giả thuyết giải thích) cho các sự kiện ấy. Phương pháp chứng minh của Kant về cơ bản là phương pháp nối kết giữa sự phân tích và sự tổng hợp.[13] Các đặc điểm của chương trình nghiên cứu này thay đổi theo bản tính tự nhiên của các vấn đề liên quan. Y như các vấn đề triết học, các vấn đề của toán học thuần túy và vật lý học thuần túy chỉ có thể được giải quyết bằng các quy cách phương pháp tiên nghiệm, trong khi đó các vấn đề thường nghiệm trong lĩnh vực của khoa học tự nhiên lại có thể được giải quyết bằng việc nghiên cứu sự kiện.

5. Một đề cương về giải pháp của Kant cho nghịch lý thứ nhất

Chính trong ngữ cảnh ngữ nghĩa học và phương pháp luận này mà Kant cung cấp cho ta một phương tiện, mà ông coi là đảm bảo, để giữ lý tính khỏi rơi vào những mâu thuẫn và tình trạng tối tăm bên trong nó.

Giải pháp của ông cho nghịch lý thứ nhất, chẳng hạn, chủ yếu là một “định nghĩa hiện thực” về các khái niệm được dùng trong cách diễn đạt của mình, tức là các khái niệm: thế giới, thời gian, không gian, hữu tận, vô tận. Các khái niệm này lần lượt được lý giải trong lĩnh vực của kinh nghiệm khả hữu, dựa theo những kết quả của cảm năng học siêu nghiệm. Khái niệm “thế giới” được hiểu theo nghĩa là một thế giới khả giác, khái niệm “thời gian” và “không gian” đều được hiểu theo nghĩa là một mô thức tiên nghiệm của trực quan; và các khái niệm “hữu tận” và “vô tận” được coi là các quy định của thời gian và không gian cảm tính. Không một khái niệm nào nói trên quy chiếu đến lĩnh vực các vật-tự thân, như trong siêu hình học truyền thống. Dưới ánh sáng của ngữ nghĩa học này về các khái niệm được bao hàm, và với nội dung được bảo đảm của chúng, Kant chỉ ra rằng chính đề của nghịch lý (“thế giới có một khởi đầu trong thời gian và cũng bị bao bọc trong các ranh giới, về không gian”) là sai và phản đề (“thế giới không có một khởi đầu và không có ranh giới trong không gian, nhưng là vô tận về thời gian lẫn không gian”) là đúng. Giải pháp này cứu vãn giá trị hiệu lực của nguyên tắc bài trung, cho dù chỉ trong lĩnh vực của kinh nghiệm khả hữu, và giữ lý tính khỏi rơi vào mâu thuẫn với chính mình.

Vấn đề thứ hai được nói ở trên, về diễn trình lịch sử tự nhiên của con người, được Kant giải quyết vào năm 1784 trong khung khổ của mục đích luận của ông về tự nhiên như đã được làm sáng tỏ trong PPLTTT. Áp dụng vào lịch sử, học thuyết này đưa ra một loạt các nguyên tắc “như thể” (“as if”) theo đó ta có thể quan niệm lịch sử như thể nó là một tiến trình tự nhiên đang xảy ra với một mục đích. Trong ngữ cảnh này, mục đích ấy được Kant quan niệm như sau: là một kế hoạch (khôn ngoan) của giới Tự nhiên, mục đích tối hậu của nó là hiện thực hóa một trật tự công khai dựa trên một hiến pháp dân sự có thể tự bảo tồn như là một hệ thống tự vận hành (như hệ mặt trời). Các nguyên tắc này, chỉ là những nguyên tắc có tính cách phản tư và không xác định – và vì thế không đúng cũng không sai – phù hợp với việc được sử dụng như là những manh mối (Leitfaden) tiên nghiệm, tức như là những chương trình tiên nghiệm của việc nghiên cứu thường nghiệm trong lĩnh vực của lịch sử con người, dự kiến đến một sự trình bày có hệ thống về tiến trình như là đang tiến đến một mục đích thuần lý riêng biệt (1784, Ak 8: 30 [tr. 53]). Trong chương trình này, Kant bác bỏ sự tư biện giáo điều của Epicurus, không phải vì nó sai mà vì nó không tương thích với “học thuyết mục đích luận về tự nhiên” – như đã nói trên, học thuyết này được biện minh trong quyển PPLTTT như là một sự phát biểu về những yêu cầu nảy sinh từ sự tiết kiệm nội tại của lý tính con người chứ không phải như là một phần rời của sự nhận thức đúng thật một cách khách quan. Luận đề đối lập, khẳng định rằng sự tiến bộ là tiến đến cái tốt nhất, được chấp nhận không phải như là một phán đoán đúng thật một cách xác định, mà như là một nguyên tắc thuần lý của sự phản tư về những gì xảy ra đối với chủng loại con người.

6. Sự phát triển của dự án phê phán lý tính thuần túy

Một trong những áp dụng đầu tiên và có ý nghĩa nhất của ngữ nghĩa học siêu nghiệm và của lý thuyết chứng minh dựa trên ngữ nghĩa học này có thể được nhận thấy trong Những cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên (Metaphysische Anfangsgründe der Naturwissenschaft, 1786). Ở đây Kant đề ra các quy tắc để xác định “thực tại khách quan, tức là, nghĩa và chân lý” của các khái niệm và các mệnh đề cơ bản của siêu hình học về tự nhiên (Ak 4: 478).

Kant muốn đưa ra, theo như lời ông, một sự giúp đỡ “tuyệt vời và không thể thiếu được” cho siêu hình học này bằng cách nêu “những ví dụ” (những trường hợp cụ thể) để hiện thực hóa những khái niệm và những mệnh đề của siêu hình học”, tức là, những ví dụ trong đó ta mang lại một mô thức đơn thuần của tư duy cho nghĩa và ý nghĩa (Sinn und Bedeutung)]” (sđd.). Sự “hiện thực hóa” các khái niệm và các định lý của siêu hình học về tự nhiên, đến lượt nó, là cơ sở cho những chứng minh tiên nghiệm về các định lý cấu tạo nên bộ phận thuần túy của vật lý học Newton như Kant đã tái dựng lại.

Vả lại, trong Đặt cơ sở cho Siêu hình học đức lý (1785), Kant hỏi về khả thể của các phán đoán tổng hợp-thực hành tiên nghiệm của loại hình mệnh lệnh nhất quyết, lần đầu tiên được phát biểu trong chính công trình này. Cho dù ông không giải quyết vấn đề này ở đây (giải pháp của ông chỉ được trình bày vào năm 1788 trong Phê phán lý tính thực hành, trong ngữ cảnh của lý thuyết về sự kiện của lý tính)[14] nhưng ông đã bước đầu cố gắng bao gộp toàn bộ triết học thuần túy vào trong lĩnh vực của triết học siêu nghiệm. Điều này có nghĩa là Kant nêu ra ở đây vấn đề về khả thể của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm nói chung. Thực vậy, trong các bài viết về sau, Kant trình bày và cố gắng giải quyết vấn đề về khả thể của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm của mỹ học (các phán đoán về sở thích và cái cao cả), cũng như các phán đoán của học thuyết về pháp quyền, đức hạnh, và về lịch sử[15].

Để chứng minh luận đề này tôi muốn phân tích một cách ngắn gọn những phương diện nào đó trong cách xử lý của Kant về vấn đề khả thể của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm của học thuyết pháp quyền, một học thuyết xác định cái gì là của tôi hay của anh một cách hợp pháp. Theo Kant giai đoạn sau, triết học thực hành chính là một “siêu hình học về đức lý” và là một “nhân loại học đức lý” (1797, Ak 6: 217). Phần đầu chứa đựng những nguyên tắc “khách quan” tiên nghiệm về “tự do trong việc sử dụng sự lựa chọn cả bên trong lẫn bên ngoài” (1797, Ak 6: 214), vốn đã được xử lý trong Các nguyên tắc siêu hình học đầu tiên của học thuyết pháp quyền. Kant chỉ phác thảo một đề cương cho phần hai, nhân loại học đức lý, xác lập rằng bộ môn này phải xử lý “những điều kiện chủ quan trong bản tính tự nhiên của con người gây trở ngại hay giúp con người thực hiện những quy luật của một siêu hình học về đức lý”. Nó cũng phải xử lý “sự phát triển, việc truyền bá và việc củng cố các nguyên tắc luân lý (bằng sự giáo dục trong các trường học và bằng kiến thức phổ cập), và xử lý các lời giáo huấn và các điều lệnh tương tự khác” (1797, Ak 6: 217).[16]

Sự phân biệt này là tương đối mới đối với PPLTTT, trong đó Kant đối lập triết học thực hành, nhất là triết học thuần túy luân lý – vốn là bộ phận triết học xử lý các nguyên tắc “xác định mọi hành vi (phải làm và không được làm) một cách tiên nghiệm và tất yếu” – với nhân loại học, được quan niệm là một lý thuyết thường nghiệm về một tính chất khoa học. Ông phát biểu rằng “Siêu hình học về đức lý là đạo đức học duy nhất có tính thuần túy vì không dựa vào hay nghiên cứu các căn cứ nhân loại học hoặc thường nghiệm khác” (B 869-70). Luận đề này được giữ lại trong Các nguyên tắc siêu hình học đầu tiên về học thuyết pháp quyền, được xuất bản như là phần đầu của Siêu hình học về đức lý (1797). Nhưng trong công trình này vấn đề về căn cứ và giá trị hiệu lực của các nguyên tắc siêu nghiệm trong học thuyết pháp quyền và học thuyết đức hạnh được phát biểu dựa theo những kết quả đạt được trong Phê phán lý tính thực hành (1788), và đòi hỏi cần phải chứng minh tính khả dụng nội tại của các quy luật thực hành, tức là của khả thể mà các quy luật này có hiệu lực trong lĩnh vực của các hành động có thể thực thi một cách hiện thực qua các tác nhân con người tự do. Sự thay đổi này được phản ánh trong sự quan sát nhận thấy rằng “một siêu hình học về đức lý không thể dựa trên nhân loại học, nhưng có thể vẫn được áp dụng cho nhân loại học” (1797, Ak 6: 217). Một trong những điểm mới mẻ quan trọng nhất của học thuyết về quy luật, được khởi hứng bởi quyển Phê phán thứ hai, chính là bổ sung thêm lĩnh vực của những hành động có thể thực hiện một cách tự do vào cho lĩnh vực của các đối tượng khả hữu đã được quyển Phê phán thứ nhất xác định rõ, vì thế nó mở ra phương cách để một lý thuyết tiên nghiệm, tức là một ngữ nghĩa học tiên nghiệm với tư cách là một bộ phận thiết yếu trong triết học thực hành của Kant, áp dụng các khái niệm và các quy luật của siêu hình học đức lý cho lĩnh vực sau. Đây là một nhiệm vụ không thể chối từ. Kant viết: “Nhưng cũng giống như việc phải có những nguyên tắc trong siêu hình học về tự nhiên để áp dụng các nguyên tắc phổ quát nhất nói chung này cho các đối tượng của kinh nghiệm, siêu hình học về đức lý không thể bỏ qua những nguyên tắc áp dụng, và ta sẽ phải thường xuyên xem bản tính đặc thù của con người, vốn chỉ được nhận thức bằng kinh nghiệm, là đối tượng nghiên cứu để chỉ ra trong đó cái gì có thể được rút ra từ các nguyên tắc luân lý phổ quát” (1797, Ak 6: 216-7).

Vì vậy, yếu tố nền tảng của siêu hình học đức lý, như được đặt ra trong Các nguyên tắc siêu hình học đầu tiên về học thuyết pháp quyền, hàm ý như là một nhiệm vụ phụ nhưng cần thiết, đó là phác thảo những nguyên tắc để áp dụng những mệnh đề nền tảng của siêu hình học về đức lý cho lĩnh vực của những hành động của con người.[17] Yêu cầu này được Kant quan niệm là phải song hành sít sao với nhiệm vụ, được thực hiện trong Các nguyên tắc siêu hình học về khoa học tự nhiên (1786), là gán nghĩa và ý nghĩa cho các cấu trúc suy lý (“các mô thức tư duy”) của siêu hình học về tự nhiên.[18] Sự tương tự này không loại bỏ, mà đúng hơn là nó nhấn mạnh một sự dị biệt đầy ý nghĩa giữa lý thuyết của Kant về “nghĩa và ý nghĩa” của các khái niệm tự nhiên tiên nghiệm và luân lý tiên nghiệm: trong khi khái niệm trước được lý giải dựa trên các đối tượng của kinh nghiệm nhận thức thì khái niệm sau lại quy chiếu tới những hành động có thực thực hiện một cách tự do chỉ có thể tiếp xúc trong một kinh nghiệm cũng có thể được gọi là [kinh nghiệm] luân lý khi nó giữ vai trò như là những cơ sở cho nhân loại học đức lý. Điều này mở ra một diện trường nghiên cứu hấp dẫn, vẫn còn được khai thác rất ít nhưng lại thiết yếu để bổ sung một lối đọc ngữ nghĩa học về dự án phê phán của Kant.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

KANT, Immanuel 1781/1787: Critique of Pure Reason, trans. and ed. by Paul Guyer and Allan Wood. Cambridge: Cambridge University Press, 1998.

————. 1784: Idea for a Universal History with a Cosmopolitan Future. In: H. S. Reiss (ed.), Kant: Political Writings. Cambridge: Cambridge University Press, 2000.

————. 1785: Groundwork of the Metaphysics of Morals, trans. by Mary J. Gregor. In: Mary J. Gregor (ed.), Practical Philosophy. Cambridge: Cambridge University Press, 1996.

————. 1786: Metaphysical Foundations of Natural Science, trans. by Michael Friedman. In: Henry Allison and Peter Heath (eds.), Theoretical Philosophy after 1781. Cambridge: Cambridge University Press, 2002.

————. 1788. Critique of Practical Reason, trans. by Mary J. Gregor. In: Mary J. Gregor (ed.), Practical Philosophy. Cambridge: Cambridge University Press, 1996.

————. 1793: Critique of the Power of Judgment, trans. by Paul Guyer and Eric Matthews, ed. by Paul Guyer. Cambridge: Cambridge University Press, 2000.

————. 1795: Toward Perpetual Peace, trans. by Mary J. Gregor. In: Mary J. Gregor (ed.), Practical Philosophy. Cambridge: Cambridge University Press, 1996.

————. 1797: Metaphysical First Principles of the Doctrine of Right. In: Mary J. Gregor (ed.), Practical Philosophy. Cambridge: Cambridge University Press, 1996.

————. 1798: Anthropology from a Pragmatic Point of View, ed. by Robert B. Louden. Cambridge: Cambridge University Press, 2006.

————. 1968: Immanuel Kants Werke in Sechs Bänden, ed. by W. Weischedel. Darmstadt: Wissenschaftliche Buchgesellschaft.

LOPARIC, Zeljko 1988: “System-Problems in Kant”, Synthese 74 (1): 107-40.

————. 1990: “The Logical Structure of the First Antinomy”, Kant-Studien 81(3): 280-303.

————. 2001: “Das Faktum der Vernunft – eine semantische Auslegung”. In: Akten des IX. Internationalen Kant-Kongresses, vol. 3, pp. 63-71. Berlin: Walter de Gruyter.

————. 2002: A semântica transcendental de Kant. 2nd ed. Campinas: CLE/Unicamp.

————. 2003a: “As duas metafísicas de Kant”, Kant e-Prints 2(5): 1-10.

————. 2003b: “O problema fundamental da semântica jurídica de Kant”. In: Smith, Plínio J. and Wrigley, Michael B. (eds.) 2003: O Filósofo e a sua História: Uma homenagem a Oswaldo Porchat, pp. 477-520. Campinas: CLE/Unicamp.

ĐINH HỒNG PHÚC dịch


Nguồn: Zenjko Loparic. “Kant’s semantic turn”. In: Kant e-Prints. Campinas, Série 2, v. 2, n.1, p. 105-115, jan.-jun. 2007. Bản điện tử: ftp://ftp.cle.unicamp.br/pub/kant-e-prints/zloparic-2-2-1-2007.pdf



(*) Giáo sư, Tiến sĩ Triết học. Đại học Unicamp, São Paulo, Brazil.

[1] Đoạn văn này về nghịch lý thứ nhất được dựa trên sự tái dựng lại về hình thức lôgíc của nó được trình bày trong Loparic 1990. Nguyên văn lời phát biểu của Kant như sau: “Thế giới có một khởi đầu trong thời gian, và cũng bị bao bọc trong các ranh giới, về không gian” (B 454). Phản đề: “Thế giới không có một khởi đầu và không có ranh giới trong không gian, nhưng là vô tận về thời gian lẫn không gian” (B 455). Vấn đề là quyết định xem trong hai luận đề trên luận đề nào là đúng.

a Về các đoạn trích dẫn tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy của Kant trong bài viết này, chúng tôi sử dụng bản dịch của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, Nxb. Văn học, 2004 (ND).

[2] Những cuộc tranh biện triết học về vấn đề này, ta có thể truy ngược đến tận Epicurus và Platon, có thể mang hình thức các bàn luận thần học về việc liệu ta có thể biết rằng lịch sử nhân loại thực hiện những ý đồ của một đấng sáng tạo, ngự trị và phán xét thế giới, hay nếu lịch sử ấy chỉ là một kết quả của sự thay đổi ngẫu nhiên và không cho thấy bất cứ một thứ ý nghĩa thuần lý (rational meaning) nào.

[3] Ở đây tôi xét khái niệm của Kant về lịch sử nhân loại như nó được khai triển trong Ý tưởng về một lịch sử phổ quát với một mục đích là công dân thế giới (1797). Khái niệm duy nhiên luận về lịch sử này sau này sẽ bị Kant gạt sang bên để nhường chỗ cho một khái niệm được xác định trong các thuật ngữ được nêu ra trong Học thuyết về pháp quyền (1797).

[4] Lý thuyết này cho phép Kant thông báo về một sự kết thúc của những cuộc tranh biện không thể quyết định và sự xác lập “nền hòa bình vĩnh cửu” trong triết học (xem Kant 1796).

[5] Định lý này được bàn luận chi tiết hơn trong Loparic 2002, ch. 1.

[6] Các vấn đề không phải triết học do các nguyên tắc cấu tạo của bản thân lý tính mang lại. Vì thế chúng là tất yếu. Các vấn đề khoa học là kết quả của những mối quan tâm ngẫu nhiên, và do đó là có tính lựa chọn. Các vấn đề sau có thể được chia thành thuần túy (thuộc về toán học và vật lý học thuần túy) và thường nghiệm.

[7] Như ta có thể thấy, luận đề rằng những khái niệm nào không trở thành cảm tính (versinnlicht) thì trống rỗng mật thiết gắn với quan niệm của Kant về các câu hỏi trống rỗng, một điểm ít được chú ý trong các tái kiến tạo truyền thống về dự án phê phán của ông.

[8] Để có một phân tích thấu đáo hơn về lý thuyết của Kant về các vấn đề, xem Loparic 1988.

b Kant gọi là môn “Lôgíc học phổ biến” (ND).

[9] Một nghiên cứu cặn kẽ về Lôgíc học siêu nghiệm của Kant như là một sự quy chiếu của các khái niệm và về chân lý của các phán đoán trong lĩnh vực của kinh nghiệm khả hữu, ta có thể xem trong Loparic 2002.

[10] Do đó, đây không phải là một câu hỏi của tâm lý học thường nghiệm, cũng không phải của tâm lý học tiên nghiệm.

[11] Nguyên bản là: “irgendeine Bedeutung und objektive Gültigkeit”.

[12] Xem B 73. Ta thấy rõ ràng là việc chứng minh khả thể của một phán đoán (tức là nó có thể là chân lý hay sai lầm trong lĩnh vực của kinh nghiệm khả hữu) không đồng nghĩa với việc chứng minh nó là đúng hay sai. Việc làm trước thuộc về ngữ nghĩa học (thuần túy hay thường nghiệm), việc làm sau thuộc về khoa học luận.

[13] Xem Loparic 2002, nhất là chương 2.

[14] Luận đề này được trình bày và bảo vệ trong Loparic 2001.

[15] Điểm này đã được bàn chi tiết trong Loparic 2003b.

[16] Rõ ràng là môn nhân học đức lý, như được Kant thiết kế trong học thuyết pháp quyền của ông, nên được phân biệt với cả môn tâm lý học thường nghiệm lẫn môn nhân loại học “tự nhiên”. Môn học sau, như là bộ phận của khoa học lý thuyết về tự nhiên, “có liên quan đến việc nghiên cứu của con người về việc tự nhiên hình thành từ cái gì”, trong khi đó môn học trước lại thuộc về dụng hành học (pragmatics), một khoa học mà đối tượng của nó là những gì mà con người, “với tư cách là một hữu thể hành động-tự do hiểu về chính mình, hay có thể và nên hiểu về chính mình” (1797, Ak 7: 119).

[17] Vấn đề khả thể của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm về các quy luật được xử lý chi tiết trong Loparic 2003b.

[18] Về sự song hành này, xem Loparic 2003a.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt