Thuyết Duy tâm Đức

Về việc sử dụng giác tính nói chung một cách logic

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

CHƯƠNG I

VỀ MANH MỐI (LEITFADEN) ĐỂ PHÁT HIỆN

TẤT CẢ CÁC KHÁI NIỆM THUẦN TÚY

CỦA GIÁC TÍNH

 

TIẾT 1

VỀ VIỆC SỬ DỤNG GIÁC TÍNH

NÓI CHUNG MỘT CÁCH LÔ GÍC

 

IMMANUEL KANT  (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


 Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

 

Trước đây, giác tính đã được định nghĩa một cách đơn thuần tiêu cực (negativ): như một quan năng nhận thức phi cảm tính. Nhưng độc lập với cảm năng, ta không thể dự phần vào bất kỳ một trực quan nào. Vậy, giác tính không phải là quan năng của trực quan. Tuy nhiên, ngoài bằng trực quan ra, không còn phương cách nhận thức nào khác hơn là bằng những khái niệm. Cho nên nhận thức của mọi giác tính – ít nhất là của giác tính con người – là một nhận thức bằng những khái niệm, không có tính trực quan, mà là suy lý (diskursiv). Mọi trực quan – vì là cảm tính – nên dựa vào những sự kích động [những cảm xúc] (Affektionen), còn những khái niệm dựa vào những CHỨC NĂNG (FUNKTIONEN). Tôi hiểu CHỨC NĂNG là sự thống nhất [Einheit, nhất thể] của hành vi sắp xếp những biểu tượng khác nhau dưới một biểu tượng chung. Vậy, những khái niệm dựa trên tính tự khởi của tư duy cũng giống như những trực quan cảm tính dựa trên tính thụ nhận của những ấn tượng. Giác tính không thể sử dụng những khái niệm này cho việc gì khác hơn là dùng chúng để phán đoán. Vì lẽ không có biểu tượng nào,– ngoại trừ trực quan – quan hệ trực tiếp được với đối tượng, nên một khái niệm không bao giờ quan hệ trực tiếp với một đối tượng, trái lại chỉ quan hệ với bất kỳ một biểu tượng nào khác về đối tượng (biểu tượng được quan hệ ấy có thể là trực quan hay bản thân đã là một khái niệm).

Vậy, PHÁN ĐOÁN (DAS URTEIL) là nhận thức gián tiếp [trung giới] về một đối tượng, do vậy, biểu tượng của một biểu tượng về đối tượng. Trong bất kỳ phán đoán nào cũng có một khái niệm có giá trị cho nhiều cái và trong cái Nhiều này bao gồm một biểu tượng được cho, biểu tượng sau cùng này có quan hệ trực tiếp với đối tượng. Chẳng hạn, trong phán đoán: “Mọi vật thể đều khả phân”, khái niệm về “khả phân” có thể quan hệ với nhiều khái niệm khác nhau, nhưng ở đây, nó quan hệ đặc thù với khái niệm về “vật thể”, quan hệ [sau cùng] này gắn liền với một hiện tượng [vật thể] nào đó đang xuất hiện ra cho ta. Vậy là những đối tượng này được hình dung một cách gián tiếp thông qua khái niệm về tính khả phân. Như thế, mọi phán đoán đều là những chức năng mang lại tính thống nhất cho những biểu tượng của ta, bởi thay vì một biểu tượng trực tiếp thì một biểu tượng cao hơn – bao hàm biểu tượng này lẫn nhiều biểu tượng khác – được sử dụng để mang lại nhận thức về đối tượng và qua đó, nhiều nhận thức có thể có được tập hợp lại thành MỘT nhận thức. Ta có thể quy mọi hành vi của giác tính vào những phán đoán, khiến cho giác tính nói chung có thể được hình dung như là một quan năng để phán đoán (ein Vermưgen zu urteilen). Vì như đã nói, giác tính là quan năng để suy tưởng. Suy tưởng là nhận thức bằng những khái niệm. Nhưng những khái niệm – với tư cách là những vị ngữ [thuộc từ] (Prädikate) của những phán đoán khả hữu – quan hệ với một biểu tượng nào đó về một đối tượng chưa được xác định. Khái niệm về một vật thể biểu thị một cái gì đó, chẳng hạn kim loại, là cái có thể được nhận thức bằng khái niệm trên. Vậy khái niệm chỉ trở thành khái niệm là nhờ trong nó có chứa đựng các biểu tượng khác để thông qua các biểu tượng ấy, khái niệm có thể quan hệ được với những đối tượng. Vậy nó là vị ngữ cho một phán đoán khả hữu, chẳng hạn phán đoán: “Kim loại là một vật thể”.

Tóm lại, tất cả mọi chức năng của giác tính đều có thể được tìm ra, nếu người ta có thể trình bày hoàn chỉnh những chức năng mang lại tính thống nhất trong những phán đoán (die Funktionen der Einheit in den Urteilen). Điều này là hoàn toàn có thể làm được như Tiết sau đây sẽ cho thấy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt