Thuyết Duy tâm Đức

Hiện tượng học Tinh thần. Lời dẫn nhập. Chú giải 2.4. Nhận thức triết học – Chân lý triết học – Phương pháp triết học

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

--------o0o-------

 

LỜI DẪN NHẬP

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§73-89)

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả.


 

2. “LỜI DẪN NHẬP” (§§73-89): BIỆN CHỨNG CỦA NHẬN THỨC

 

2.4 Nhận thức triết học – Chân lý triết học – Phương pháp triết học

Cuối mục 1.2 của chú giải, ta đã đề cập sơ qua ba đặc điểm của “hình thức khoa học” của triết học là: khái niệm, chứng minhhệ thống để soi sáng câu nói then chốt của Hegel: “góp phần đưa triết học đến gần với hình thức của khoa học – mục đích để nơi đó triết học có thể trút bỏ danh xưng là sự “yêu mến cái biết” để trở thành “Tri thức hiện thực” – chính là điều tôi đã tự đặt ra cho mình” (§5). Mười năm sau, trong Lời Tựa cho lần xuất bản thứ hai bộ “Bách khoa thư các khoa học triết học” (1827), Hegel lại viết: “Nói chung, điều mà tôi đã và đang hướng đến trong những nỗ lực triết học của mình chính là nhận thức khoa học về chân lý” (VIII, 14). Hai câu trên đây có thể hướng dẫn ta tìm hiểu khái niệm của Hegel về “triết học” trong ba phương diện của nó: nhận thức (triết học), chân lý (triết học) và phương pháp (triết học). Sau những gì đã trình bày, thiết tưởng đã đến lúc cần và có thể có cái nhìn “sơ kết” về ba vấn đề then chốt ấy như về ba “hòn đá tảng” của triết học Hegel. (Để làm việc này, ngoài Lời Tựa và Lời dẫn nhập ở đây, ta tham khảo thêm Bách khoa thư (viết tắt: BKT) I (§§1-83)).

2.4.1 “Nhận thức triết học” là gì?

Như đã biết, nếu triết học là “nhận thức khoa học về chân lý” thì ba đặc điểm của nó là (hình thức) khái niệm, chứng minh và hệ thống. Câu hỏi đặt ra là: không phải tất cả những gì được trình bày như là nhận thức khoa học về chân lý đều đã là “triết học” cả, vậy đặc điểm riêng có của nhận thức triết học là gì?

Hegel trả lời: “Trước hết, triết học nói chung có thể được định nghĩa như là cái nhìn suy tưởng (denkende Betrachtung) về những đối tượng” (BKT I, §2). “Cái nhìn suy tưởng” không gì khác hơn là thuật ngữ “sự tư biện” (Spekulation) đã bàn trước đây (xem: Chú giải: I. 4). Ông còn nói thêm: “triết học là một phương cách riêng có của tư duy, qua đó tư duy trở thành nhận thức, trở thành nhận thức thấu hiểu bằng khái niệm” (begreifendes Erkennen) (nt). Cách tốt nhất để hiểu thế nào là “cái nhìn suy tưởng” hay “nhận thức bằng khái niệm” nơi Hegel là hãy so sánh nó với quan niệm về nhận thức nơi Kant. Hai ông có quan niệm trái ngược nhau về ba mối quan hệ: a) giữa tư duy (suy tưởng) và trực quan, b) giữa tư duy và nhận thức, c) giữa tính tự khởi (Spontaneität) và tính thụ nhận (Rezeptivität):

a) – Kant: tư duy và trực quan (hay: giác tính và cảm năng) là hai nguồn nhận thức độc lập, bình đẳng, cần đến nhau nhưng không phải là một: giác tính thì không trực quan, còn trực quan thì không suy tưởng (Kant, PPLTTT, B75 và tiếp).

Hegel: những phân biệt quen thuộc (kiểu Kant) giữa cảm giác, tri giác, trực quan, tư duy bị quy thành sự phân biệt đơn thuần hình thức bên trong bản thân tư duy (Denken). Hegel không phủ nhận sự dị biệt giữa chúng nhưng xem chúng đều do tư duy tác động và chỉ là “chưa xuất hiện ra trong hình thức của tư tưởng” mà thôi: “tất cả những gì thuộc về con người sở dĩ và chỉ mang tính người là vì chúng được tư duy tác động” (BKT I, §2) (quan niệm này đã có nguồn gốc từ phái khắc kỷ cổ đại và từ Descartes). Hegel viết rõ hơn: “Tư duy có mặt trong mọi trực quan của con người, cũng như Tư duy là cái phổ biến trong mọi biểu tượng, hồi ức, và nói chung, trong bất kỳ hoạt động tinh thần nào, trong mọi ý chí, mong muốn v.v. Tất cả chúng đều chỉ là những sự dị biệt hóa (Spezifikationen) của tư duy. Nếu ta hiểu tư duy như thế thì tư duy xuất hiện ra trong một mối quan hệ khác hơn là khi ta đơn thuần bảo rằng: ta có quan năng suy tưởng trong sốbên cạnh các quan năng khác như là trực quan, hình dung, ham muốn v.v..” (BKT I: 82). (Xem thêm: Chú thích 149, 150 cho §§69-70).

b) – Kant: Kant phân biệt triệt để giữa “tư duy” và “nhận thức”. Tư duy thì tha hồ nhưng nhận thức thì có điều kiện: phải có chất liệu do cảm năng mang lại. Vì không phải những gì có thể được suy tưởng đều là có thật cả, nên Kant phê phán loại “nhận thức của lý tính thuần túy chỉ xuất phát từ những khái niệm đơn thuần”.

Hegel: Hegel biết rõ sự phân biệt ấy nhưng cho rằng đó là đặc điểm của lối “tư duy phản tư” (xem: chú thích 1 cho Chú giải 3.4.3.1) của giác tính, chỉ tạo ra và bám chặt lấy những quy định phổ biến, trừu tượng. Nhận thức như thế chỉ là một sự tổng hợp ngoại tại giữa cái cảm tính và giác tính. Để chứng minh khả năng chuyển từ “tư duy trừu tượng” như thế sang “nhận thức bằng khái niệm”, Hegel nhấn mạnh đặc điểm của tư duy là sự “tự quan hệ với chính mình” (Selbstbeziehung) (có nguồn gốc từ St. Augustin, Descartes), theo đó, ý thức (cogitatio, pensée) là “cái tồn tại trong ta mà được ta ý thức một cách trực tiếp” (Descartes, “Những suy niệm”, 145). Vì thế, Hegel phê phán quan niệm nổi tiếng của Kant về cái “Tôi-tư duy” như là “phải có thể đi kèm theo mọi biểu tượng của tôi” (PPLTTT, B131) là làm mất đi sự “tự-quan hệ với chính mình”, và Hegel chuyển sự “đi kèm theo” đơn thuần này thành “cái Tôi là sự quan hệ thuần túy với chính mình” (BKT I, 74). Nói rõ hơn, “cái Tôi tự-quan hệ” chính là “Tư duy với tư cách là chủ thể, và khi Tôi đồng thời tồn tại trong mọi cảm giác, biểu tượng, trạng thái… của tôi, thì tư tưởng có mặt khắp nơi và xuyên suốt mọi sự quy định này với tư cách như là Phạm trù” (nt, 75). Nói gọn: tư duy có mặt trong mọi nội dung và trạng thái chứ không phải là cái gì được “thêm vào”. Đối với nhận thức, điều này sẽ có nghĩa: nhận thức không phải là việc áp dụng tư duy vào cái gì không phải là tư duy một cách ngoại tại (như Kant) mà chính là chuyển cái gì vốn bao giờ cũng đã là tư duy một cách tự-mình, mặc nhiên (an sich, implizit), – tức toàn bộ nội dung của ý thức – thành hình thức minh nhiên (explizit) của tư duy. Đó chính là điều được Hegel gọi là “cái nhìn suy tưởng về đối tượng” hay “nhận thức bằng khái niệm”. Nói cách khác, tư duy là tư duy về cái vốn tự-mình (an sich) đã là tư duy, hay “tư duy về tư duy” (nt, §19). (Chính “tư duy về tư duy” này sẽ là chủ đề và “môi trường” của Khoa học Lô-gíc, được Hegel xem là “khoa học nền tảng” có tham vọng thay chỗ cho “triết học siêu nghiệm” của Kant).

c) – Kant: Tính thụ nhận và tính tự khởi được “chia phần” rõ rệt: tính thụ nhận thuộc cảm năng hay trực quan; tính tự khởi thuộc giác tính hay tư duy. Cái cảm tính được mang lại một cách trực tiếp cần phải được tư duy (hay giác tính) “xử lý”, “sắp xếp”, “tổng hợp” bằng các phạm trù mới trở thành phán đoán hay “nhận thức của kinh nghiệm”, khác với phán đoán tri giác đơn thuần chưa có giá trị nhận thức (vd: tôi cảm thấy nặng # vật thể nặng).

Hegel: Tính thụ nhận (cảm năng) và tính tự khởi (giác tính, tư duy) đều là các mô-men (Momente) của bản thân tư duy. Sự phân biệt giữa chúng chỉ là một sự phân biệt hình thức của bản thân nội dung. Tư duy là sự thống nhất giữa tư duy (giác tính) và không-tư duy (cảm năng), nên “nội dung” này không phải là cái cảm tính được mang lại một cách trực tiếp (như ở Kant) mà “tự mình” đã là “tư tưởng”: thoạt đầu nội dung này là “ở trong cảm giác, trực quan, biểu tượng” (BKT I, §22), nhưng đã được biến đổi bởi tư duy, qua đó “bản tính đúng thật của đối tượng đi đến với ý thức” (nt).

Kết quả: tính thụ nhận và tính tự khởi đều “rơi vào trong” tư duy, là “bản tính đúng thật”, nghĩa là: bản chất của đối tượng ở trong tư duy đồng thời là “sản phẩm” của tư duy, của “Tinh thần của tôi” hay của sự “Tự do của tôi” (nt, 80). Tư duy là tự do, vì nó thỏa ứng yêu cầu của Tự do là “tồn tại nơi chính mình ở trong cái tồn tại khác”: nó nắm bắt “bản tính của đối tượng” như là thành quả của chính mình, như là ở nơi chính mình (bei sich) trong đối tượng. Ông gọi kết quả ấy là “những tư tưởng khách quan” (nt, 24) và chính chúng tạo nên cơ sở cho sự thống nhất giữa Lô-gíc học và Siêu hình học. (Nếu Siêu hình học cổ truyền, – bị Kant phê phán – là “khoa học về những sự vật được nắm bắt trong những tư tưởng, và diễn đạt những tính bản chất (Wesenheiten) của sự vật, thì Khoa học Lô-gíc của Hegel sau này cũng không khác mấy: nó là khoa học về “những tư tưởng khách quan”).

Từ quan niệm về “những tư tưởng khách quan” dẫn đến hai luận điểm quan trọng:

* “Bảo giác tính, lý tính tồn tại trong thế giới là đồng nghĩa với những gì chứa đựng trong thuật ngữ “tư tưởng khách quan” (nt, §24) = giác tính, lý tính không chỉ là những gì xuất hiện nơi phía chủ thể nhận thức mà ở ngay trong đối tượng. (Xem: quan niệm về “lý tính” của Hegel, chú giải: 7.2).

* “Thuật ngữ tư tưởng khách quan biểu thị chân lý, tức biểu thị cái gì phải là “đối tượng tuyệt đối” [của triết học] chứ không phải đơn thuần là mục tiêu [vươn tới mãi mà không bao giờ đạt được] của triết học” (nt, §25) = quan niệm của Hegel về chân lý, sẽ được bàn ở mục sau: 2.4.2).

Tóm lại, ta hãy nghe chính Hegel phát biểu về “nhận thức triết học” hay “nhận thức bằng khái niệm” của ông: “Phương thức hoàn hảo nhất của nhận thức là ở trong hình thức thuần túy của tư duy. Ở đây, con người thực sự hành xử một cách tự do. Vậy, khẳng quyết của triết học nói chung là: hình thức của tư duy là hình thức tuyệt đối, và, chân lý [sẽ] xuất hiện trong hình thức ấy đúng như là chân lý tự-mình và cho-mình” (nt, 87). (Chữ “thuần túy” ở đây không theo nghĩa của Kant là đã được tẩy sạch hết mọi cái gì thường nghiệm của cảm năng, trái lại, “thuần túy” có nghĩa là không chứa đựng cái gì không phải là tư duy). Làm sao biện minh cho quan niệm rằng: “tư tưởng khách quan” là “giác tính, lý tính tồn tại ở trong thế giới”? Đó chính là quan niệm của ông về “chân lý”.

2.4.2 “Chân lý” (triết học) là gì?

Quan niệm của Hegel về chân lý khác với quan niệm thông thường của chúng ta. Ta thường xem chân lý chỉ là một đặc điểm của nhận thức, bởi, nếu không có đặc điểm này, nhận thức, nhất là nhận thức khoa học, chỉ còn là tư kiến hay sự tưởng thật chủ quan. Trái lại, Hegel phân biệt giữa “nhận thức” và “chân lý”, xem chân lý không chỉ là một đặc điểm mà là: a) đối tượng của nhận thức; b) là một cái đơn nhất (ein Singular) [chỉ có Một chân lý] và c) là cái toàn bộ. Nhiệm vụ của triết học là nhận thức về cái toàn bộ ấy:

a) Đối tượng của khoa học (triết học) là gì? Hegel trả lời thật đơn giản và dễ hiểu: đó là chân lý (nt, 68). Xem “chân lý như là đối tượng” có nghĩa là nó tồn tại khách quan. Chữ “khách quan” ở đây không phải là “có giá trị khách quan”, đối lập với “chủ quan” mà là tồn tại khách quan như bất kỳ đối tượng nào khác cần phải được nhận thức. Hegel cho rằng định nghĩa cổ điển về chân lý như là sự trùng hợp giữa nhận thức và đối tượng là “một định nghĩa có giá trị lớn lao, thậm chí có giá trị cao nhất” (Khoa học Lô-gíc I, 266), nhưng rồi lập tức cải biến nó: thông thường ta quen gọi chân lý là sự trùng hợp giữa một đối tượng với biểu tượng của ta… Trái lại, trong nghĩa triết học, chân lý – diễn đạt một cách trừu tượng nói chung – chính là sự trùng hợp của một nội dung với chính bản thân nó” (BKT I, 86). Ông cho ví dụ để ta dễ hiểu: “Ý nghĩa sâu xa (có tính triết học) về chân lý vốn phần nào đã có mặt trong ngôn ngữ thường ngày. Chẳng hạn khi ta nói về một người bạn đích thực và hiểu đó là một người bạn mà cách cư xử là phù hợp với khái niệm về tình bạn và cũng như thế, khi ta nói đến một tác phẩm nghệ thuật đích thực… Trong nghĩa ấy, một nhà nước tồi tệ là một nhà nước không-đúng thật, và, cái tồi tệ và cái không đúng thật nói chung là nằm ngay trong sự mâu thuẫn giữa sự quy định hay khái niệm với sự hiện hữu của đối tượng ấy” (nt). Nói khác đi, “sự trùng hợp của một nội dung với chính bản thân nó” đồng nghĩa với sự trùng hợp giữa khái niệm và sự hiện hữu của nội dung ấy.

Quan niệm này có dính líu đến AristoteKant. Chính Aristote là người đề ra công thức nhận thức luận về sự trùng hợp giữa sự vật và tư duy (adequatio rei et intellectus), bây giờ Hegel biến công thức nhận thức luận ấy thành một mô hình thực tại luận. Còn Kant? Kant đã chê công thức này vì nó dẫn ta vào một “vòng lẩn quẩn thảm hại” (PPLTTT, B82) vì biết thế nào là “trùng hợp” và sự “trùng hợp” này lại cần một “sự trùng hợp” khác kiểm chứng cho đến vô tận. Kant tìm ra lối thoát khỏi vòng lẩn quẩn bằng “cuộc cách mạng Copernic”: những đối tượng (như là những hiện tượng được mang lại trong kinh nghiệm) phải hướng theo phương cách nhận thức của ta mới tạo ra được chân lý; nói rõ hơn, chân lý chỉ có khi cái được mang lại lấp đầy và tương ứng với những điều kiện chủ quan tạo nên tính đối tượng, đó là các mô thức của trực quan và của tư duy. Sự trùng hợp ấy sẽ không còn dẫn ta vào vòng lẩn quẩn nữa, vì ta, với tư cách là người nhận thức, đã biết rõ về tổng thể những điều kiện nhận thức chủ quan một cách tiên nghiệm và có thể khẳng định (không lẩn quẩn!) liệu hiện tượng có thỏa ứng với các điều kiện này hay không. Điều quan trọng ở đây là: Hegel đã “giải phóng” sự giới hạn về định nghĩa chân lý của Kant trong phạm vi “hiện tượng”, chuyển định nghĩa ấy thành khách quan: không phải chỉ có những đối tượng của kinh nghiệm (theo nghĩa của Kant) mà mọi đối tượng đều có thể là “đúng thật” theo nghĩa chúng trùng hợp với khái niệm về chúng trong sự hiện hữu của chúng! “Nhận thức” trở thành “khái niệm” khi “nhận thức” không còn được hiểu như là nhận thức đơn thuần của chúng ta, nói khác đi, “khái niệm” không chỉ là khái niệm do ta tạo ra về một đối tượng theo nghĩa thông thường mà là bản chất [được thấu hiểu bằng] khái niệm của bản thân đối tượng. Như thế, sự trùng hợp giữa đối tượng và khái niệm – Hegel gọi là “sự trùng hợp của một nội dung với chính nó” (nt, 86) – là một sự kiện khách quan mà ta có thể nhận thức được như đối với bất kỳ sự kiện nào. Chính trong ý nghĩa “khách quan” này mà Hegel đã tuyên bố: chân lý là đối tượng của nhận thức triết học. Còn chữ “đúng thật” (wahr) mà ta quen dùng – để chỉ một biểu tượng phù hợp của ta về đối tượng hay sự việc – chỉ được Hegel gọi là “đúng” (richtig; Anh: right, correct) mà thôi. Nếu gọi một biểu tượng “đúng” của ta về một đối tượng là “đúng thật” khi bản thân đối tượng không trùng hợp với chính nó hay với khái niệm của nó, thì đó là một mâu thuẫn! Ông giải thích: “Ta có thể có một hình dung đúng (richtig) về một đối tượng tồi tệ, nhưng nội dung của bản thân biểu tượng này lại là một cái không-đúng thật trong bản thân nó (in sich Unwahres). Những điều “đúng” nhưng đồng thời lại “không đúng thật” ấy, ta có hàng khối trong đầu óc!” (nt, tr. 86). Vậy, nhận thức đúng thật (chân lý) chỉ có thể là nhận thức về cái đúng thật, tức về chân lý khách quan, với tư cách là đối tượng của triết học.

b) Chân lý, với tư cách là “đối tượng tuyệt đối” của triết học, chỉ có thể là… giống cái, số ít! (chữ “chân lý” trong tiếng Đức, Pháp mang… giống cái), nghĩa là, chỉ có thể có “một” chân lý mà thôi và tên gọi của nó, như ta đã biết, là “cái Tuyệt đối”: “chỉ duy có cái Tuyệt đối mới là đúng thật và chỉ duy có cái Đúng thật mới là tuyệt đối” (§75), hay = “Thượng đế”: “cả hai [triết học và tôn giáo] đều có đối tượng là chân lý, và theo nghĩa tối cao, Thượng đế là Chân lý và chỉ có Thượng đế mới là Chân lý” (BKT I: §1). Lý do: “chỉ có Thượng đế mới là sự trùng hợp đúng thật giữa Khái niệm và Thực tại, còn mọi sự vật hữu tận đều có một sự vô-chân lý tự mình (an sich); chúng có một khái niệm và một sự hiện hữu, nhưng hiện hữu này không trùng hợp với khái niệm” (nt, tr. 86). Tính không trùng hợp ấy chính là tính hữu tận, tức sự vật phải có một ranh giới, phải kết thúc, tiêu vong như là biểu hiện của bản thân “tính vô-chân lý” này. Gốc gác của quan niệm này về “tính hữu tận” là quan niệm của Platon về cái “óntos òn”, tức cái “Hữu thể đang tồn tại” (das seiend Seiende/“cái Tồn tại một cách đang tồn tại”!), theo nghĩa cái đang tồn tại (sự hiện hữu) hoàn toàn tương ứng với khái niệm của nó (là cái gì phải “tồn tại”)! Chỉ có cái gì “tồn tại một cách tồn tại” – nơi Platon, đó là “Ý niệm”/Idee – mới “tồn tại” theo nghĩa đích thực: nó loại trừ sự không-tồn tại, sự tồn tại-khác, sự ra đời và tiêu vong ra khỏi nó, nên bản thân nó không tiêu vong và là vĩnh hằng. Tuy xuất phát từ mô hình ấy, nhưng Hegel đồng thời cho thấy: cái Đúng thật duy nhất này không đứng bên cạnh những sự vật hữu tận và không-đúng thật. Những sự vật hữu tận chỉ có được chân lý của mình ở bên trong cái Chân lý duy nhất kia; và, trong viễn tượng ấy, chúng không đúng thật, không tương ứng với khái niệm của mình, là hữu tận, tiêu vong; chân lý của chúng là cái-không chân lý.

c) Như đã nói (xem: 2.1), cái Đúng thật (Tuyệt đối) không đứng bên cạnh hay bị cô lập với những sự vật hữu tận, không-đúng thật. Hegel hiểu cái Tuyệt đối cả theo nghĩa là cái Tuyệt đối hay Chân lý của những sự vật hữu tận. Hegel khác với truyền thống Platon (có nguồn gốc từ Parmenides) trước hết ở chỗ: ông hiểu cái Đúng thật như là sự thống nhất giữa cái Đúng thật và cái Không-đúng thật. Ông không khẳng định rằng chỉ có cái “óntos òn” là “tồn tại”, còn mọi cái khác đều không tồn tại, trái lại, chúng “tồn tại” ở trong cái “óntos òn”, cho dù chúng là hữu tận, tiêu vong. Ta nhớ lại mô hình tư biện của Hegel: cái Tuyệt đối là sự thống nhất của cái Vô tận và cái Hữu tận, làm nền tảng cho quan niệm nổi tiếng: “cái Đúng thật là cái Toàn bộ” (§20). Cũng như trong quan niệm về ý thức, Hegel cũng chủ trương một thuyết toàn bộ về chân lý, không thừa nhận cái Đúng thật nào ở bên ngoài cái Toàn bộ đúng thật.

Từ đó, ta có thể hiểu chính xác hơn thuật ngữ “thuyết duy tâm tuyệt đối” của Hegel. Cái Đúng thật duy nhất là cái Hợp lý tính-hiện thực/hay nói ngược lại cũng thế: là cái Hiện thực-hợp lý tính (nhớ đến câu nổi tiếng nhất của Hegel trong Triết học pháp quyền: “Cái gì hợp lý tính là hiện thực và cái gì hiện thực là hợp lý tính”). Cái đó được Hegel gọi là “Ý niệm” (Idee), và “Ý niệm” chính là đối tượng của triết học. Chữ “thuyết duy tâm” (Idealismus) là từ chữ “Ý niệm” (Idee) mà ra, theo nghĩa là sự thống nhất giữa Khái niệm và Hiện thực. Vì thế, ông phân biệt “thuyết duy tâm”, hay đúng hơn, “thuyết Ý niệm” của ông với các dạng “thuyết duy tâm” chủ quan hay khách quan khác, vì nó bao hàm cả cái chủ quan lẫn cái khách quan trong một nhất thể. Thuyết của ông là “khoa học về “Ý niệm tuyệt đối” và vì thế, là “thuyết duy tâm tuyệt đối”: “... chỉ duy có Ý niệm tuyệt đối là Tồn tại, là Sự sống thường hằng, là chân lý tự biết về chính mình và là tất cả Chân lý. Nó là đối tượng duy nhất và là nội dung của triết học” (Khoa học lô-gíc, I)(1).

2.4.3 Phương pháp tuyệt đối: “phép biện chứng”

Ta đã tìm hiểu sơ qua về “phương pháp” trong 2.3. Bây giờ ta cần đi sâu hơn một chút về vấn đề quan trọng này, bằng cách đặt nó vào trong bối cảnh “thuyết duy tâm tuyệt đối” của Hegel. Nếu cái Đúng thật là cái Toàn bộ thì phương pháp nhận thức về cái Toàn bộ này không phải là cái gì ở bên ngoài cái Toàn bộ hay có thể được trình bày độc lập với việc trình bày về đối tượng. Song, từ đó cũng không thể đơn giản bảo rằng vấn đề phương pháp là thừa, không quan trọng và ta chỉ cần thụ động “chạy theo” con đường có sẵn của sự việc (Hy Lạp: hódos: con đường; Latinh: méthodos: đi theo [con đường]). Hegel chỉ phê phán cách hiểu quen thuộc về phương pháp như là quyết định chủ quan, để dẫn ta trở về lại với quan niệm “khách quan” về phương pháp (vốn là nền tảng cho huyền thoại ẩn dụ về cái hang của Platon)(1).

2.4.3.1 Phê phán “thuyết phê phán”

“Thuyết phê phán” (Kritizismus) là danh hiệu chung để gọi mọi lập trường khẳng định rằng muốn triết lý một cách nghiêm chỉnh thì trước đó phải có sự phản tư phê phán về bản thân quan năng nhận thức (từ giữa thế kỷ 19, “thuyết phê phán” được gọi là “nhận thức luận” hay “lý luận về nhận thức”). Hegel xem Kant là khuôn mặt tiêu biểu của “thuyết phê phán”. Trong “Các bài giảng về lịch sử triết học” mấy mươi năm sau, Hegel vẫn giữ vững cách phê phán đối với quan niệm này như đã làm trong “Lời dẫn nhập” quyển HTHTT: … “Nhận thức được hình dung như là một công cụ, như phương cách và thể thức mỗi khi ta muốn làm chủ chân lý, do đó, trước khi bản thân có thể đi đến với chân lý, trước hết ta phải biết rõ về bản tính và phương thức của công cụ của mình (…) Điều này giống như ta có thể dùng lao và gậy để tấn công vào chân lý (…). Đòi hỏi của nó là: ta phải biết về quan năng nhận thức trước khi ta nhận thức. | Đòi hỏi này cũng giống hệt như muốn [biết] bơi trước khi xuống nước” (tập 3, XX, tr. 333 và tiếp). (Nietzche sau này cũng mỉa mai nhận thức luận cổ điển là “muốn thử một que diêm mà không chịu đốt nó lên”!).

Ý Hegel muốn nói rằng phương pháp không thể bị tách rời khỏi đối tượng của triết học, một chủ trương có sức hấp dẫn lớn như đã nói. Tuy nhiên, công bình mà xét, việc biện minh cho phương pháp triết học dưới giác độ nhận thức luận không phải hoàn toàn là vô nghĩa như là “đặt cày trước trâu”, vì bản thân việc làm ấy cũng đã là triết học, nhất là khi nó thuộc về một “loại” nhận thức khác so với loại nhận thức được kiểm tra, phê phán. Kant gọi loại nhận thức ấy là sự “khảo sát siêu nghiệm” (PPLTTT, B25 và tiếp).

2.4.3.2 Phương pháp tuyệt đối

Từ sự phê phán đối với “thuyết phê phán”, Hegel rút ra kết luận: bản thân sự nhận thức là lý luận tốt nhất về nhận thức! Không phải ông chủ trương một thứ nhận thức không-phê phán, mà là muốn đưa ra một “phản-đề nghị”: … “không phải những hình thức của tư duy là không cần phải được nghiên cứu [phê phán], mà bản thân việc nghiên cứu này đã là một sự nhận thức. Như vậy, hoạt động của các hình thức tư duy và sự phê phán nó phải được hợp nhất lại ở trong việc nhận thức” (BKT I, 114). Nói khác đi, phương pháp triết học đích thực bao hàm cả sự phản tư phê phán về phương pháp của chính nó. Ông không đơn giản bác bỏ “thuyết phê phán” mà lưu ý đến hậu quả khi tưởng rằng có thể tách rời nhận thức và sự phê phán về nhận thức.

“Phương pháp triết học như là sự thống nhất giữa nhận thức và phê phán nhận thức” chính là cách tiếp cận đầu tiên đối với cái gọi là “phép biện chứng” (Dialektik) của Hegel. “Lời dẫn nhập” của HTHTT là nơi Hegel lần đầu tiên phác họa đặc điểm cấu trúc của sự hợp nhất ấy: kinh nghiệm của ý thức được trình bày như một tiến trình, trong đó ý thức và đối tượng, chủ thể và khách thể điều chỉnh và sửa sai cho nhau (xem lại: 2.3.1). Nếu ta hiểu quyển HTHTT như là “nhận thức luận” của Hegel thì đó chính là “khoa học về kinh nghiệm của ý thức” trong viễn tượng của một nhà quan sát “lý thuyết” (Hy Lạp: theoría: nhìn ngắm, quan sát) đứng ngắm nhìn chủ thể được quan sát tự trải nghiệm lấy kinh nghiệm của mình mà không làm thay. Ta đã biết, Hegel gọi việc để yên cho ý thức tự trải nghiệm lấy (xác tín, rồi hoài nghi về cái biết của mình, tiến đến chỗ thất vọng, tuyệt vọng để tự mình vươn lên cấp độ cao hơn) là “thuyết hoài nghi tự thực hiện trọn vẹn” (xem: 2.3.2).

Kinh nghiệm là một “tiến trình vận động biện chứng” ngụ ý rằng nó chứa đầy những mâu thuẫn trong lòng nó. “Biện chứng” ở đây không còn theo nghĩa của Platon là “nghệ thuật đối thoại” (Hy Lạp: dialégesthai: nói chuyện với nhau) nữa mà là tiếp nối “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của Kant trong PPLTTT. Hegel luôn thừa nhận công lao của Kant đã phát hiện phép biện chứng như là một “Moment” tất yếu, không thể tránh khỏi của lý tính, đồng thời cho rằng Kant đã “sợ hãi” trước phát hiện này, do đó không đi tới được bước thứ ba, tức bước “lý tính khẳng định” hay “tư biện” của lý tính sau bước “biện chứng” hay “lý tính phủ định” (xem: 1.4.2.2).

Thoạt tiên, ông áp dụng mô hình này vào “kinh nghiệm” của ý thức (tức HTHTT): sự điều chỉnh và sửa sai có nghĩa là phát hiện và vượt bỏ mâu thuẫn giữa ý thức và đối tượng, giữa cái biết và chân lý. Sau đó, trong Khoa học lô-gíc, ông mang “vận động biện chứng” này của kinh nghiệm vào trong cấu trúc lô-gíc của nó. Lý do: nếu phương pháp của triết học nói chung là “nhận thức một cách suy tưởng”, thì cấu trúc của “vận động biện chứng” – vốn thoạt đầu được quyển HTHTT soi sáng cho tiến trình kinh nghiệm – phải được minh nhiên hóa cho “tư duy thuần túy”, bởi “Lô-gíc học là Khoa học về Ý niệm thuần túy, tức của Ý thức trong môi trường trừu tượng của Tư duy” (nt, 67). (hình thức tiền thân của nó, như đã biết, là học thuyết về “mệnh đề tư biện” trong Lời Tựa HTHTT).

Tóm lại, “nhu cầu của triết học” là phải “phiên dịch” (übersetzen) nội dung của ý thức (trực quan, tưởng tượng, ý chí… vốn tự mình đã là tư duy) thành hình thức minh nhiên của Tư duy, tức thành “những tư tưởng”. Khác với Kant, Hegel cho rằng bước chuyển này không phải là sự “nhào nặn” một nội dung được mang lại từ bên ngoài, trái lại, sự dị biệt (Unterschied) về nguyên tắc của Kant giữa cảm năng “thụ nhận” và giác tính “nhào nặn” chỉ là sự khác biệt (Verschiedenheit) về hình thức trong bản thân Tư duy vốn bao hàm cả cảm năng và giác tính. Ta đã biết qua “ba phương diện” của Tư duy biện chứng (khẳng định – phủ định biện chứng – khẳng định tư biện). Chúng không phải là ba “bộ phận” tồn tại tách rời mà là các “Momente” (gắn liền nhau nhưng được xem xét tuần tự) của bất kỳ cái Hiện thực-Lôgíc (jedes Logisch-Reelle) (BKT I, 168) nào. Cái “Hiện thực-Lôgíc” này là gì? Chẳng gì khác hơn là sự trùng hợp giữa Lý tính và Hiện thực (xem: 7.2), và, bất kỳ Khái niệm nào (theo nghĩa của Hegel), bất kỳ cái Đúng thật nào cũng là một sự trùng hợp như thế. Do đó, Khoa học Lô-gíc (tiếp sau HTHTT) không chỉ bàn về hình thức của Chân lý như cách hiểu thông thường về chữ “Lô-gíc học” mà bàn về bản thân Chân lý, cho dù trong hình thức của Tư duy thuần túy, trong “môi trường trừu tượng của Tư duy”.

Như thế, phép biện chứng không phải là một việc làm chủ quan của tư duy theo nghĩa có thể không làm cũng không sao, trái lại, nó là việc “đi ra ngoài một cách nội tại” (immanentes Hinausgehen) (BKT I, 172) của những quy định [cứng nhắc] của giác tính đối với chính chúng và đối với những gì được nắm bắt ở trong chúng. Hegel gọi đó là “linh hồn vận động của sự thăng tiến khoa học” (nt, 173) hay, bí hiểm hơn: “sự vận động tự thân của khái niệm” (HTHTT, 71), tức đồng thời là sự vận động của bản thân đối tượng. Nói cách khác, lý giải của Hegel về “biện chứng” cũng đồng thời là lý giải về “phương pháp”: hợp nhất nhận thức và sự phê phán nhận thức. Nhờ đó, ông mới có thể đi tới các khẳng định đại loại: “Mọi cái hữu tận là ở chỗ tự-thủ tiêu [tự-vượt bỏ] chính mình (sich aufheben)” (BKT I, 172 và tiếp), và: “Tôi khẳng định rằng chỉ duy nhất trên con đường [phương pháp] tự kiến tạo lấy chính mình ấy thì triết học mới có năng lực là một khoa học khách quan, được chứng minh”. (Khoa học Lô-gíc, I, 17).

 



(1) ) “Theo triết học Kant thì những sự vật mà ta biết được chỉ là những hiện tượng cho ta, còn cái Tự mình của chúng vẫn là một cái Bên kia không thể vươn đến được đối với ta. Ý thức ngây thơ có lý khi bắt đầu với thuyết duy tâm chủ quan này, theo đó cái tạo nên nội dung cho ý thức của ta chỉ là cái của chúng ta, chỉ là cái do ta thiết định nên. Trong khi đó, tình hình đích thực lại là: những sự vật mà ta biết một cách trực tiếp đều là những hiện tượng đơn thuần, không chỉ cho ta mà còn tự mình và chính đó là sự quy định riêng có của những sự vật hữu tận vốn có cơ sở cho sự tồn tại của chúng không phải ở trong chính chúng mà ở trong Ý niệm phổ biến thần linh. Quan niệm này về sự vật tuy cũng được gọi là thuyết duy tâm, nhưng, khác với thuyết duy tâm chủ quan của triết học phê phán nói trên, cần phải mệnh danh là “thuyết duy tâm tuyệt đối”. (BKT I, tr. 122 và tiếp).

(Một “chuyện cười” thế kỷ 19: “Con: Thượng đế tạo ra thế gian phải không? Cha: đúng!; - Thế đã tạo xong chưa?; - Xong rồi!; - Thế còn việc gì để làm nữa không?; - Còn. Còn phải ngồi làm mẫu cho Fichte, Schelling, Hegel vẽ chân dung về cái Tuyệt đối!”/Peter Kauder, Hegel beim Billard, München 2000, tr. 133).

(1) Quan niệm “khách quan” này về phương pháp có sức hấp dẫn lớn đối với triết học hiện đại (Heidegger, Gadamer, Adorno…) khi họ phê phán sự ưu tiên hay tính thứ nhất (Primat) dành cho phương pháp so với “sự việc” của thời cận đại (Bacon, Descartes, Kant…) như là biểu hiện của quan niệm muốn “thống trị tự nhiên và thế giới” từ phía chủ thể một cách “chủ quan chủ nghĩa”. Nhưng, vấn đề khó khăn là: làm sao đặt nền tảng cho “phương pháp khách quan” mà không cần tiền-giả định một “thuyết duy tâm tuyệt đối, toàn bộ” như nơi Hegel?

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt