Thuyết Duy tâm Đức

Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất (1817)

 

BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC 1

MỤC LỤC

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LỜI TỰA

CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ NHẤT (1817)

 

GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


G.W.F. Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học 1: Khoa học lôgíc (Logik der Enzyklopädie). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 1-5. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

1.  Nhu cầu cung cấp cho những người nghe một hướng dẫn để theo dõi các khóa giảng triết học của tôi là cơ hội trực tiếp nhất khiến tôi cho ra mắt tập sách tổng quan này về toàn bộ phạm vi của triết học sớm hơn dự định.

2.  Tính chất của một tập sách đại cương tất nhiên không bao gồm một sự trình bày cặn kẽ những ý tưởng xét về mặt nội dung mà nhất là còn bị giới hạn ở việc trình bày sự diễn dịch có hệ thống về chúng; tức một sự trình bày phải chứa đựng những gì thường được gọi là sự chứng minh[1], vốn thiết yếu đối với một môn triết học [xứng danh là] khoa học. Nhan đề của tập sách này, một mặt, cho thấy toàn thể phạm vi của một [Hệ thống] toàn bộ, nhưng mặt khác, lại cho thấy ý định của tôi là dành việc lý giải chi tiết cho phần trình bày bằng miệng.

3.  Vả chăng, trong một tập Đại cương [theo cách hiểu thông thường], khi nội dung là những gì đã được tiền giả định và đã quen thuộc cũng như phải được trình bày trong một khuôn khổ ngắn gọn, thì mục đích của nó là sắp xếp nội dung ấy sao cho phù hợp một cách ngoại tại. Song, bộ sách này lại không phải như thế. | Nó nhằm trình bày một sự cải tiến mới mẻ về triết học, dựa theo một phương pháp mà tôi hy vọng là sẽ được thừa nhận như là một phương pháp duy nhất đúng thật, một phương pháp hoàn toàn đồng nhất với nội dung của nó. | Vì thế, nếu hoàn cảnh cho phép, tôi nghĩ sẽ có lợi nhiều hơn cho người đọc khi mang lại cho độc giả một công trình cặn kẽ hơn về các bộ phận khác của triết học [triết học về Tự nhiên và triết học về Tinh thần, tức hai tập II và III của Bộ Bách khoa thư] dựa theo mô hình của Lôgíc học đã được tôi công bố như là phần nghiên cứu về bộ phận thứ nhất của cái Toàn bộ [hệ thống]. Tuy nhiên, tôi tin rằng, cho dù trong bộ sách này, [hai] phần nội dung nói trên – vốn gần gũi với sự hình dung bằng biểu tượng(a) và với những gì đã quen thuộc về mặt thường nghiệm – buộc phải chịu giới hạn về độ dài, tôi vẫn cố làm rõ rằng, đối với những sự quá độ [sang Tự nhiên và Tinh thần] – vốn chỉ có thể là một sự trung giới diễn ra thông qua Khái niệm[2] –, thì phương pháp của sự vận động tiến lên [của chúng] hoàn toàn khác với cả hai điều sau đây: vừa khác với trình tự ngoại tại như các ngành khoa học khác đòi hỏi, vừa khác với “kiểu làm dáng” đã trở nên khá quen thuộc trong việc xử lý các đối tượng triết học[3]. | “Kiểu làm dáng” thời thượng này tiền-giả định một sơ đồ(b), rồi sử dụng sơ đồ ấy để xác lập các sự song hành với chất liệu [nghiên cứu] một cách cũng ngoại tại và thậm chí còn tùy tiện hơn so với phương cách ngoại tại của các ngành khoa học khác, và, do một sự ngộ nhận kỳ lạ nhất, nó tỏ ra hài lòng về sự tất yếu của Khái niệm với toàn là những sự nối kết tùy tiện và bất tất.

4.  Ta cũng đã thấy sự tùy tiện tương tự đang chiếm lĩnh nội dung của triết học, bộc lộ sự phiêu lưu của tư tưởng[4] và đè nặng một thời gian khá dài lên nỗ lực của những đầu óc nghiêm túc và chân thành, mặc dù, ở phía khác, nó bị xem là sự ngông cuồng đã đạt tới tột đỉnh của sự điên rồ[5]. Nhưng, bất chấp vẻ oai vệ hay điên rồ, thực chất của nó cho ta thấy ngày càng rõ những sáo ngữ quen thuộc cũng như cho thấy rõ hình thức của nó chỉ đơn thuần là trò làm dáng của một mánh khóe cố ý, dễ học, thiện nghệ trong việc liên tưởng kiểu “baroque” [hoa mỹ, lố bịch] với sự rối rắm đầy vất vả. | Nói thật, đây chỉ là sự tự lừa bịp chính mình và lừa bịp công luận đằng sau tấm mặt nạ trịnh trọng mà thôi. Nhưng, ở phía ngược lại, ta cũng thấy sự nông cạn của việc thiếu vắng tư tưởng bị đóng đinh thành một thuyết hoài nghi tưởng như hiền minh lắm dưới mắt họ và thành một thứ triết học phê phán rất khiêm tốn trong các yêu sách của nó đối với lý tính[6]; tư tưởng của họ càng rỗng tuếch bao nhiêu thì lòng kiêu ngạo và huênh hoang của họ càng lớn lên bấy nhiêu! – Trong một thời kỳ khá dài, hai luồng tư tưởng này đã học đòi tính nghiêm chỉnh của nước Đức, nhưng lại làm mỏi mệt nhu cầu triết học sâu xa hơn của nó. | Hậu quả là sự bàng quan, dửng dưng, vâng, thậm chí là một sự khinh rẻ đối với triết học xét như là một khoa học, khiến cho ngày nay, một sự khiêm tốn tự xưng như thế tưởng rằng mình có quyền ăn nói, bàn thảo về những vấn đề sâu xa nhất của triết học và có quyền phủ nhận nhận thức thuần lý đối với triết học, một nhận thức vốn thường được hiểu dưới hình thức của những “luận cứ chứng minh”.

5.  Trong hai hiện tượng đã đề cập thì hiện tượng thứ nhất có thể phần nào được xem như là nhiệt tình của tuổi trẻ trước thời đại mới và đã bộc phát trong lĩnh vực khoa học cũng như chính trị. Nếu lòng nhiệt tình này say sưa đón mừng buổi bình minh của Tinh thần-đã-tươi-trẻ-lại, lập tức thưởng thức Ý niệm mà không cần lao động vất vả gì hết, thỏa thích ít lâu trong niềm hy vọng và viễn tượng do buổi bình minh này đã mở ra, ta dễ dàng thông cảm với sự cuồng nhiệt quá đáng của nó, bởi tận nền tảng, vẫn có một hạt nhân [chân lý] nơi nó, còn lớp sương mù ban mai đang che phủ chân tướng của nó ắt sẽ sớm tự tan đi[7]. Nhưng, chính hiện tượng thứ hai mới là đáng kinh tởm hơn, bởi ta thấy rõ sự cạn kiệt và bất lực nơi nó cho dù nó cố ngụy trang và tỏ vẻ là bậc thầy tư tưởng cho muôn thế hệ triết gia, nhưng lại không hiểu họ là ai và nhất là không biết cả chính mình là gì.

6.  Tuy nhiên, vẫn có một điều đáng vui mừng hơn khi nhận ra và cần nhắc đến, đó là: khác với hai xu hướng trên, sự quan tâm đối với triết học và tình yêu nghiêm chỉnh dành cho sự nhận thức cao hơn [do sự quan tâm ấy tạo ra] vẫn không suy suyển và không hề khoa trương. Cho dù sự quan tâm này đôi khi còn buộc mình quá chặt trong hình thức của một cái Biết trực tiếp và của tình cảm, song, nó vẫn biểu lộ động lực mạnh mẽ bên trong để hướng tới sự thức nhận hợp lý tính, một sự thức nhận duy nhất mang lại phẩm giá cho con người. | Trên hết, nó biểu lộ được điều này, bởi người ta đạt tới quan điểm [hay chỗ đứng] về cái Biết trực tiếp chỉ như là kết quả của cái Biết triết học, khiến cho cái Biết triết học – mà nó dường như khinh rẻ – chí ít cũng đã được nó thừa nhận như là một điều kiện[8]. – Dành cho sự quan tâm này đối với việc nhận thức về Chân lý, tôi xin nỗ lực cung cấp một sự dẫn nhập hay một đóng góp để thỏa mãn nó. Mong rằng một mục đích như thế sẽ được sự quan tâm này đón nhận một cách thuận lợi.



[1] Theo Hegel, “Chứng minh”, cùng với “Khái niệm” và “Hệ thống”, là một trong ba tiêu chuẩn của “Hệ thống khoa học”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Hegel luôn phản đối phương pháp “chứng minh” triết học bằng cách mô phỏng phương pháp của toán học vốn thịnh hành lúc đương thời. Xem thêm: Lời Tựa cho Hiện tượng học Tinh thần.

(a) Vorstellung / Anh: representative awareness

[2] Khi Hegel đối lập “Khái niệm” với “sự hình dung bằng biểu tượng và những gì đã quen thuộc về mặt thường nghiệm”, ông không muốn nói đến một hệ thống khái niệm trừu tượng, một “trật tự ngoại tại” thâu gồm cái thường nghiệm theo cách hiểu thông thường, trái lại, muốn nói đến Lôgíc học tư biện vạch rõ sự hạn chế của mọi tính bất tất và tùy tiện, để cho bản thân Sự việc tự thể hiện ra trong tiến trình “quá độ” và “tiến lên” từ Khái niệm này sang Khái niệm kia.

[3] “Kiểu làm dáng”: ám chỉ trường phái Schelling (H. Steffens, J. Görres, J. J. Wagner…) (đã bị Hegel phê phán trong Lời Tựa quyển Hiện tượng học Tinh thần (viết tắt: HTHTT) mười năm trước), biến “triết học về sự đồng nhất” thành một “sơ đồ”. (Xem HTHTT, §15, BVNS dịch và chú giải, NXB Văn học 2006, tr. 26 và tiếp).

(b) ein Schema voraussetzt / presupposes a schema.

[4] Ám chỉ “kiểu làm dáng” nói trên.

[5] Ám chỉ Jean Paul (trong tiểu thuyết Titan) tìm nơi trú ẩn bằng cách chìm đắm vào việc nghiên cứu “triết học đồng nhất”.

[6] Ám chỉ phái hoài nghi (còn gọi là “phái Common Sense) của G. E. Schulze và W. T. Krug và nhất là môn “Tâm lý học thường nghiệm” (của Jacob Friedrich Fries) (xem HTHTT, Sđd, tr. 246 và chú thích 200 của N.D). Xem thêm: Chú giải dẫn nhập cho Lời Tựa I.

[7] Dù sao, Hegel vẫn xem phái “Triết học đồng nhất” (hay còn gọi là phái “tri thức trực tiếp”, “phái Lãng mạn”) chung quanh Schelling và Jacobi là có “hạt nhân chân lý” vì gần gũi với triết học tư biện của ông, trong khi ông xem phái hoài nghi là “nguy hại” hơn. (“Lòng nhiệt tình say sưa” ám chỉ yêu sách xem “Chân lý là đám rước cuồng nhiệt thần Bacchus” trong “Buổi bình minh của Tinh thần-đã-tươi-trở-lại”. Xem HTHTT, §§11, 47).

[8] Nhận xét khá thiện cảm về “cái biết trực tiếp” (ám chỉ Jacobi), vì Hegel xem lập trường của Jacobi là sự quá độ từ thuyết duy nghiệm phê phán của phần lớn những người chịu ảnh hưởng của Kant sang “triết học tư biện”. (Xem: Chú giải dẫn nhập tiếp theo đây và Chú giải dẫn nhập cho §§61-78).

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt