Thuyết Duy tâm Đức

Sự xác tín cảm tính, hay là "cái này" và "sự cho rằng" [tư kiến của tôi về "cái này"] (4)

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

(A)

Ý THỨC

 

I

SỰ XÁC TÍN CẢM TÍNH,

HAY LÀ “CÁI NÀY” VÀ “SỰ CHO RẰNG”

[TƯ KIẾN CỦA TÔI VỀ “CÁI NÀY”]

1 2 3 4

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

§ 103

[III. Bước kiểm tra thứ ba: tính cá biệt ở trong sự tiếp xúc trực tiếp:]

          Vậy, sự xác tín cảm tính trải qua kinh nghiệm rằng, bản chất của nó không ở trong đối tượng, cũng không ở trong cái Tôi; và tính trực tiếp cũng không phải là một tính trực tiếp của cái này lẫn cái kia, vì nơi cả hai, điều mà tôi “cho rằng” hóa ra là một cái không bản chất, và đối tượng lẫn cái Tôi đều là các cái phổ biến, trong đó bất kỳ cái Bây giờ, cái Ở đây, và cái Tôi mà tôi “cho rằng” đều không đứng vững được hay đều không tồn tại. Bằng con đường này, ta đi đến kết quả là, ta phải thiết định (setzen) cái toàn bộ (das Ganze) của bản thân sự xác tín cảm tính mới như là cái bản chất của nó, chứ không còn thiết định chỉ một [trong hai] mô-men (Moment) của nó như đã diễn ra trong hai trường hợp trước đây, trong đó trước tiên, cái đối tượng-đối-lập-với-cái-Tôi, rồi sau đó tới lượt cái Tôi phải là tính thực tại [bản chất] của nó. Vậy, chỉ có bản thân toàn bộ sự xác tín cảm tính mới bám chặt vào nơi nó với tư cách là tính trực tiếp, và qua đó, loại trừ ra khỏi bản thân nó tất cả mọi sự đối lập vốn đã có chỗ ở bên trong các yếu tố trước đây(195).

 

§ 104

          Thế là, tính trực tiếp thuần túy này không còn liên quan gì nữa với [sự kiện có] cái tồn tại-khác (das Anderssein), của cái Ở đây [trong hình thức] là cái cây chuyển hoá (übergeht) thành một cái Ở đây không phải là cây; của cái Bây giờ là ban ngày chuyển hoá sang cái Bây giờ là ban đêm; hoặc với [cái tồn tại khác của cái Tôi thành] một cái Tôi khác có một cái khác là đối tượng. Sự thật [chân lý] của xác tín này đứng vững như là mối quan hệ tự-ngang bằng với chính mình; mối quan hệ ấy không tạo nên sự phân biệt về tính bản chất và tính không-bản chất giữa cái Tôi và đối tượng; và vì thế trong quan hệ này, nói chung, không một sự phân biệt nào có thể thâm nhập vào được. Vậy, cái Tôi này khẳng định [“cho rằng”] cái Ở đây là cái cây và không quay mặt đi để cho cái Ở đây có thể trở thành một cái không-phải-cây đối với Tôi; tôi cũng không hề muốn biết đến việc một cái Tôi khác thấy cái Ở đây là một cái-không-phải-cây; hoặc cũng không hề biết việc bản thân cái Tôi, vào một lúc khác, thấy cái Ở đây như là cái-không-phải-cây, thấy cái Bây giờ như là cái-không-phải-ban-ngày; trái lại, cái Tôi là trực quan thuần túy [tôi đang nhìn thấy đây]: cái Tôi vẫn tồn tại đây đối với tôi, cái Bây giờ ban ngày hay cái Ở đây cây cũng đang tồn tại đây; tôi không so sánh bản thân cái Ở đây và cái Bây giờ với nhau, trái lại, bám chặt lấy MỘT mối quan hệ trực tiếp: cái Bây giờ là ban ngày.

 

§ 105

          Tuy nhiên, vì lẽ sự xác tín này hoàn toàn không chịu đi ra ngoài chính nó nữa, khi ta lưu ý với nó rằng cũng có một cái Bây giờ là ban đêm hay cũng có một cái Tôi mà đối với cái Tôi ấy, bây giờ là ban đêm, nên ta đi đến thẳng với nó và yêu cầu nó chỉ ra (zeigen) cho ta xem cái Bây giờ được nó khẳng định. Ta buộc phải yêu cầu chỉ ra (zeigen) cho ta, vì sự thật của mối quan hệ trực tiếp này là sự thật của cái Tôi này, tự giới hạn mình vào một cái Bây giờ hay một cái Ở đây. Giả thử một thời gian sau ta mới hỏi tới sự thật này, hoặc giữ một khoảng cách với nó, ắt sự thật này chẳng có ý nghĩa gì cả, bởi như thế là ta đã thủ tiêu tính trực tiếp vốn có tính bản chất đối với nó. Do vậy, ta phải bước vào trong cùng một thời điểm hay cùng một vị trí trong không gian để chỉ ra cho ta các điểm này, tức là ta để cho mình đồng nhất hóa hay biến thành kẻ giống hệt như cái Tôi cá biệt này, là kẻ đang có cái biết với sự xác tín [cảm tính]. Vậy, bây giờ ta hãy xem cái trực tiếp được chỉ ra cho ta đó có đặc điểm gì.

 

§ 106

          Cái Bây giờ được chỉ ra: cái Bây giờ này. [Nhưng], cái Bây giờ đã ngưng không còn tồn tại nữa khi nó được chỉ ra; cái Bây giờ đang tồn tại là một cái khác với cái Bây giờ được chỉ ra, và ta thấy rằng cái Bây giờ vừa mới là cái này, thì trong khi nó tồn tại, đã không còn tồn tại nữa. Cái Bây giờ, – như nó được chỉ ra cho ta – là một cái Bây giờ đã qua [đã tồn tại]; và cái sau này mới chính là sự thật của nó, chứ nó không có tính chân lý của sự tồn tại. Vậy, đúng thật rằng nó đã tồn tại. Nhưng cái gì đã tồn tại [đã qua] thì trong thực tế, không phải là cái bản chất [cái thực tồn](196); nó không tồn tại; trong khi vấn đề ở đây [đối với sự xác tín cảm tính] lại là liên quan đến sự tồn tại.

 

§ 107

          Vậy, trong việc “chỉ ra” (Aufzeigen) này, ta chỉ thấy duy nhất một sự vận động với tiến trình như sau: 1. Trước hết, tôi chỉ ra cái Bây giờ, và nó được khẳng định [cho rằng] như là cái đúng thật. | Tuy nhiên, tôi chỉ nó ra như cái đã qua hay như một cái đã bị thủ tiêu, [tức] tôi thủ tiêu cái sự thật thứ nhất. | 2. Bước thứ hai, bây giờ tôi khẳng định nó như là sự thật thứ hai, rằng nó là cái đã qua, đã bị thủ tiêu. 3. Nhưng cái đã qua [đã tồn tại] thì không tồn tại; tôi thủ tiêu cái tồn tại-đã qua hay cái tồn tại-đã-bị-thủ-tiêu ấy, tức thủ tiêu cái sự thật thứ hai, do đó, tôi phủ định sự phủ định của cái Bây giờ, và bằng cách ấy tôi quay trở lại với khẳng định thứ nhất, rằng cái Bây giờ đang tồn tại. Như thế, cái Bây giờ và việc chỉ ra cái Bây giờ có đặc điểm là: cả cái Bây giờ lẫn việc chỉ ra cái Bây giờ đều không phải là một cái đơn giản trực tiếp mà là một sự vận động [một tiến trình] với nhiều bước (Momente) khác nhau trong đó(197): Một cái Này được thiết định, nhưng đúng ra là một cái khác được thiết định, hay là cái Này bị thủ tiêu; rồi cái tồn tại khác này, – hay là bản thân việc thủ tiêu của cái thứ nhất – cũng lại bị thủ tiêu, và bằng cách như thế quay trở lại với cái thứ nhất. Nhưng, cái thứ nhất được-phản tư-vào-trong-chính-nó ấy [phủ định của phủ định] không phải hoàn toàn chính xác giống như cái ban đầu, tức cái biết một cái trực tiếp –, mà cũng là một cái đã được phản tư vào trong chính mình (ein in sich Reflektiertes)(198), hay là cái đơn giản (Einfaches) vẫn mãi tồn tại như chính nó trong cái tồn tại khác của nó: một cái Bây giờ là nhiều cái Bây giờ một cách tuyệt đối, và đó mới là cái Bây giờ đúng thật; cái Bây giờ như là cái Ban ngày đơn giản có trong nó nhiều cái Bây giờ: các giờ; rồi một cái Bây giờ như thế, – một giờ –, cũng có nhiều các phút như thế và cái Bây giờ [phút] cũng có nhiều cái Bây giờ tương tự và v.v.. Vậy, bản thân việc “chỉ ra” [cái Bây giờ] chính là một tiến trình vận động diễn đạt cái Bây giờ là gì trong tính đúng thật [tính chân lý] của nó; đó là: cái Bây giờ là một kết quả hay là một đa thể (Vielheit) của cái Bây giờ được tập hợp chung lại [và được hợp nhất]. | Tóm lại, việc Chỉ ra chính là sự trải nghiệm rằng: cái Bây giờ là cái phổ biến.

 

§ 108

          Cái Ở đây được chỉ ra mà tôi bám chặt cũng là một Cái Ở đây này; nhưng trong thực tế không phải là cái Ở đây này mà là một cái Trước và Sau; một cái Trên và Dưới; một cái Bên phải và Bên trái. Ngay riêng cái Ở trên thì bản thân nó cũng giống vậy, tức cũng là cái tồn tại khác đa tạp này với cái ở trên, ở dưới v.v.. Cái Ở đây phải được chỉ ra thì tiêu biến trong những cái Ở đây khác, và những cái khác này, đến lượt chúng, cũng tiêu biến giống như thế. | Cái được chỉ ra, được bám chặt, và vẫn còn lại, là một cái Này phủ định, và sở dĩ [cái phổ biến mang tính phủ định này] tồn tại như vậy chỉ là do những cái Ở đây được nắm lấy như chúng phải là, nhưng trong đó chúng lại tự thủ tiêu nhau, vậy nó [cái Này phủ định] là một phức hợp đơn giản (eine einfache Komplexion) của nhiều cái Ở đây. Cái Ở đây được “cho rằng” [trong xác tín cảm tính] tưởng là điểm [phải nhắm tới], nhưng cái điểm lại không tồn tại, trái lại, khi nó được chỉ ra như là đang hiện hữu, thì sự “chỉ ra” cho thấy bản thân không phải là một cái biết trực tiếp mà là một quá trình vận động, xuất phát từ cái Ở đây được “cho rằng” [xác tín lúc đầu] thông qua nhiều cái Ở đây rồi đi tới cái Ở đây phổ biến, tức là một đa thể đơn giản của cái Ở đây, tương tự như ban ngày [trong cái “Bây giờ”] là một đa thể đơn giản của cái Bây giờ(199).

 

§ 109

          Vậy rõ ràng là: phép biện chứng của sự xác tín cảm tính không gì khác hơn là lịch sử đơn giản của tiến trình vận động hay của kinh nghiệm của nó; và bản thân sự xác tín cảm tính không gì khác hơn chỉ là lịch sử này. Vì thế, ý thức tự nhiên bao giờ cũng tự mình đi đến kết quả này, tức đến với cái đúng thật trong trường hợp xác tín cảm tính và luôn luôn nếm trải kinh nghiệm về quá trình như thế, song, nó lúc nào cũng vội quên ngay đi và bắt đầu tiến trình vận động từ đầu. Cho nên thật đáng ngạc nhiên khi bất chấp kinh nghiệm này, có người lại nêu ra “kinh nghiệm phổ biến” khác, với tư cách là khẳng quyết triết học, thậm chí với tư cách là kết quả [nghiên cứu] về thuyết hoài nghi, để cho rằng thực tại hay sự tồn tại của những sự vật bên ngoài trong chừng mực chúng là những “cái Này” hay những đối tượng cảm tính là có tính chân lý tuyệt đối đối với ý thức. | Một khẳng quyết như vậy quả là không biết tự mình nói gì, nó không biết rằng nó đang nói cái ngược lại với điều nó muốn nói(200). Sự thật [chân lý] của những Cái Này-cảm tính dành cho ý thức đã được khẳng quyết nói trên cho là “kinh nghiệm phổ biến”, nhưng thực ra chính cái ngược lại mới là kinh nghiệm phổ biến: bất kỳ ý thức nào cũng tự mình liên tục thủ tiêu một “sự thật” như thế, chẳng hạn: cái Ở đây là một cái cây hay cái Bây giờ là buổi trưa và nói ra cái ngược lại: cái Ở đây không phải là một cái cây mà là một ngôi nhà; và nội dung ở trong khẳng định [thứ hai] này – vì đã thủ tiêu khẳng định đầu tiên – cũng lại là một khẳng định về một cái Này cảm tính, nên ý thức cũng lập tức thủ tiêu, và trong mọi sự xác tín cảm tính thì, trong tính chân lý của nó, chỉ có sự trải nghiệm về điều ta đã thấy, đó là: cái Này chỉ như là một cái phổ biến, tức, cái trái ngược lại với điều mà khẳng quyết trên đây cam kết là “kinh nghiệm phổ biến”.

          Đối với việc viện dẫn đến “kinh nghiệm phổ biến” này, thiết tưởng ta có thể được phép dự đoán (antizipieren) trước quá trình sẽ diễn ra trong lãnh vực “thực hành” (das Praktische) bằng sự xem xét sau đây: trong mối quan hệ về phương diện này [thực hành], ta có thể bảo những ai khẳng quyết tính chân lý và sự xác tín về thực tại của những đối tượng cảm tính rằng, họ cần được gửi ngược lại đến trường học sơ cấp nhất về minh triết, đó là các bí nhiệm Eleusis (về thần Ceres và thần Bacchus) và phải khởi đầu học về bí nhiệm của việc ăn bánh và uống rượu, bởi lẽ kẻ tín đồ trong các bí nhiệm này không chỉ đạt đến chỗ hoài nghi (Zweifel) về sự tồn tại của những sự vật cảm tính mà còn đến chỗ tuyệt vọng (Verzweiflung) nữa; vì khi quan hệ với những sự vật này, kẻ tín đồ vừa một mặt tự mình hoàn thành tính hư vô của chúng, vừa mặt khác, chứng kiến chúng tự hoàn thành [tự quy giảm thành] tính hư vô. Ngay cả thú vật cũng không bị loại trừ ra khỏi sự minh triết này, trái lại chúng tỏ ra là được thụ giáo sâu sắt nhất, bởi chúng không chịu dừng lại trước những sự vật cảm tính như thể trước các sự vật đang hiện hữu tự-mình, trái lại trong cơn tuyệt vọng về tính thực tại này và với sự xác tín hoàn toàn về tính hư vô [phủ định] của sự vật, chúng không ngần ngừ gì mà không vồ lấy và ăn sạch. | Và toàn bộ giới tự nhiên, cũng như lũ thú vật đều hoan hỉ tung hô các huyền nhiệm đã được khai mở này, vì đã dạy cho chúng biết thế nào là sự thật của những sự vật cảm tính!(201).

 

§ 110

          Vậy, chính những kẻ nêu lên khẳng quyết như vừa nói thì bản thân họ – dựa theo các nhận xét của ta trên đây – lại trực tiếp nói ra điều ngược lại với những gì họ “cho rằng”; một hiện tượng có lẽ đủ sức mạnh nhất để khiến họ phải suy nghĩ lại về bản tính tự nhiên của sự xác tín cảm tính. Họ nói về sự hiện hữu (Dasein) của những đối tượng bên ngoài và, [theo họ], chúng có thể được xác định chính xác hơn như là những sự vật hiện thực, tuyệt đối cá biệt, hoàn toàn đơn lẻ, không cái nào giống cái nào; [nói ngắn], sự hiện hữu ấy có tính xác tín và tính chân lý tuyệt đối. Họ m uốn nói đến tờ giấy này mà tôi đang viết đây hoặc tờ giấy mà tôi đã viết, nhưng họ không nói ra được điều họ muốn nói [“cho rằng”]. Nếu họ thực sự muốn nói ra tờ giấy này mà họ nghĩ tới, họ không thể nào làm được, vì lẽ cái Này cảm tính được họ “cho rằng” là không thể nào đạt tới được (unerreichbar) bằng ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ là thuộc về ý thức, tức thuộc về cái gì tự mình là cái phổ biến. Do đó, ngay trong lúc nỗ lực thực sự để nói ra về nó, nó đã tan vỡ ngay; những ai đã bắt đầu mô tả nó đều không thể đi đến hoàn tất, mà đành phải dành lại cho những người khác, rồi tự những người khác này rút cục cũng phải thú nhận là đang nói về một sự vật không tồn tại. Quả thật, họ muốn nói đến tờ giấy này, tức tờ giấy hoàn toàn khác với tờ giấy trên kia, nhưng họ nói ra [toàn những từ như] về “các sự vật hiện thực”, “các đối tượng bên ngoài” hay “các đối tượng cảm tính”, “cái tồn tại tuyệt đối cá biệt” v.v.., tức họ chỉ nói được cái phổ biến về chúng; do đó, cái gì được gọi là cái “không nói ra được” ắt không gì khác hơn là cái không-thật (das Unwahre), cái vô-lý tính, cái “được cho rằng” đơn thuần.

          Nếu không có gì để nói thêm về một sự vật ngoại trừ bảo rằng nó là “một sự vật hiện thực”, “một đối tượng bên ngoài”, – thì tức là làm cho nó trở thành cái phổ biến nhất trong mọi sự vật có thể có, và như thế là nói về sự ngang bằng [sự đồng nhất] của nó với mọi sự vật khác chứ không phải nói về tính dị biệt của nó. Nếu tôi nói “một sự vật cá biệt”, tức thì tôi cũng đang nói về nó như cái hoàn toàn phổ biến bởi mọi sự vật đều là một sự vật cá biệt; và cũng thế, “sự vật này” là mọi sự vật và là bất kỳ sự vật nào người ta muốn. Nói một cách chính xác hơn, chẳng hạn “tờ giấy này” thì mọi tờ giấy và bất kỳ tờ giấy nào cũng là “một tờ giấy này” và tôi lúc nào cũng chỉ nói một cái phổ biến. Nhưng nếu tôi không cho việc nói ra được lên tiếng bằng ngôn từ nữa – vì việc nói ra có bản tính mầu nhiệm là đảo ngược trực tiếp cái “cho rằng” thành một cái gì khác – bằng phương cách cứu vãn là [dùng tay] chỉ ra tờ giấy này, thì tôi lại sẽ nếm trải kinh nghiệm trong thực tế về tính chân lý của sự xác tín cảm tính: tôi chỉ nó ra như một cái Ở đây, nhưng đó là một cái Ở đây của những cái Ở đây khác, hay nơi bản thân cái Ở đây đã là một tập hợp đơn giản (ein einfaches Zusammen) của nhiều cái Ở đây, nghĩa là một cái phổ biến. | [Bây giờ] Tôi tiếp thu (aufnehme) cái phổ biến này đúng như là nó trong sự thật, và, thay vì biết về một cái trực tiếp, tôi “NẮM LẤY CÁI ĐÚNG THẬT”, tức tôi tri giác(202).



(195) Bước kiểm tra thứ ba: Tính trực tiếp không ở trong đối tượng, cũng không ở trong cái Tôi mà ở trong mối quan hệ của cả hai như một tính toàn thể cá biệt. Đó là sự tiếp xúc giữa cả hai hầu đạt được tính trực tiếp trọn vẹn. Bước thứ ba này có tính “cụ thể”, nghĩa là toàn diện hơn hai bước trước đây. Ta hãy theo dõi xem kết quả ra sao.

(196) “Cái đã qua” (Gewesen) và “cái bản chất” (Wesen).

(197) Mối quan hệ tưởng là trực tiếp thì thực ra là một sự vận động, một tiến trình, tức chứa đựng sự trung giới: hành vi “chỉ ra” (aufzeigen) là tiến trình khẳng định cái phổ biến như là được điều kiện hóa bởi cái gì đã bị thủ tiêu. (Xem thêm: Phép biện chứng của Thời gian trong “Jenenser Logik”/“Lôgíc học thời kỳ ở Jena”, W. XVIIIa, tr. 203).

(198) “Phản tư vào trong chính mình”: Xem: Chú giải dẫn nhập 3.4.3.

(199) Chính cái kết quả, cái “tồn tại-đã-phản tư-vào trong chính mình” – tức cái đa thể đơn giản – sẽ là đối tượng mới cho cái biết ở giai đoan sau: ý thức tri giác. Như sẽ thấy, theo Hegel, sự phong phú về nội dung mà ý thức cảm tính “tưởng rằng” mình có được, thực ra là thuộc về ý thức triết học; trong khi ý thức cảm tính lại khinh thường ý thức triết học, “cho rằng” nó là “cao xa, trừu tượng”.

(200) Ám chỉ Jacobi (bàn về David Hume, khẳng định lòng tin vào sự hiện hữu của những đối tượng cảm tính bên ngoài) hoặc ám chỉ thuyết hoài nghi của G.E. Schulze mà Hegel xem là đối lập lại với thuyết Hoài nghi cổ đại trong bài đã dẫn ở thời kỳ Jena: “Verhältnis des Skepticismus zur Philosophie”/“Mối quan hệ của thuyết Hoài nghi với triết học”. Hegel đã luận chiến với hai tác giả này (quyển “David Hume” của Jacobi và quyển “Kritik der theoretischen Philosophie”/“Phê phán triết học lý thuyết” của Schulze) trong “Kritische Journal der Philosophie”. (Xem: Hegel: Toàn tập, tập 4, trang 197, 347 và tiếp). Các đoạn liên quan của Jacobi Schulze như sau:

- Friedrich Heinrich Jacobi: “David Hume über den Glauben oder Idealismus und Realismus. Ein Gespräch”/“David Hume bàn về lòng tin hay thuyết duy tâm và thuyết duy thực. Một cuộc trao đổi”. Breslau 1787, trang 64: “Tôi biết rằng tôi tồn tại và biết cái gì đó đang tồn tại ở bên ngoài tôi trong cùng một giây phút không thể chia cắt được. (...) Không có biểu tượng nào, không có suy luận nào làm vai trò trung giới cho sự khai mở lưỡng diện ấy cả”.

- Gottlob Ernst Schulze: (“Kritik der theoretischen Philosophie”), tập 1, Hamburg, 1801, trang 62: “Vậy, nói gọn lại: khi trực quan về sự hiện hữu của những đối tượng, chủ thể-đang-trực-quan không chỉ tri giác các trạng thái riêng của mình hay các quy định có mặt nơi chính mình trước, rồi nhờ thông qua trung giới của chúng, những đối tượng mới hiện hữu cho chủ thể. | Trái lại, chủ thể nhận thức những đối tượng này và sự hiện hữu của chúng một cách trực tiếp, tuyệt đối và như là cái gì tự tồn, độc lập với những tác động của năng lực biểu tượng và cũng hiện hữu hệt như là chủ thể nhận thức cũng đang tự tồn và hiện hữu cho chính mình”.

Và, trang 63: “Khi thông qua xúc giác để tri giác điều gì đó (...), người ta không chỉ đơn thuần nhận thức các thuộc tính mà chủ thể đang thiếu...; trái lại, người ta cảm nhận một cái gì tự tồn, hay có thể nói, cái gì hoàn toàn tự “chống đỡ” chính mình và hiện hữu một cách tuyệt đối [...]. (dẫn theo bản Meiner). (Xem thêm: Chú giải dẫn nhập: 6.3.2, chú thích 2).

(201) “Vồ lấy và ăn sạch” là chỉ “sự ham muốn” (die Begiende). Đây là mối quan hệ “thực hành” trực tiếp giữa ý thức và đối tượng sẽ chỉ bắt đầu được phân tích ở đầu Chương IV: “Tự-ý thức” §167 và tiếp.

(202) Hegel chơi chữ bằng cách chiết tự: tiếng Đức: tri giác (wahrnehmen) được Hegel chiết tự thành “nắm lấy (nehmen) cái đúng thật (das Wahre) hay nắm lấy một cách đúng thật” (wahr) (La tinh: per-cipio), vì theo ông, tri giác (khác với việc lãnh hội không có tính khái niệm = (Auffassen) về những cái cá biệt cảm tính của sự “xác tín cảm tính”) nắm lấy chúng đúng như chúng trong sự thật (tức như cái phổ biến). Thật ra, cách chiết tự này không đúng hẳn: chữ “wahr” trong “wahrnehmen”, về mặt từ nguyên, không phải là “wahr” (“đúng thật”) mà là “bewußt” (“có ý thức”) tương tự như chữ “aware” trong tiếng Anh. (Xem: A Hegel Dictionary, M. Inwood, 1994: 146).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt