Thuyết Duy tâm Đức

Tri giác hay là sự vật và sự lừa dối [của nó]: II. Sự tri giác đầy mâu thuẫn về sự vật

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

(A)

Ý THỨC

 

II

TRI GIÁC

HAY LÀ

SỰ VẬT VÀ SỰ LỪA DỐI [CỦA NÓ]

1 2 3 4

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

§ 116

[II. Sự tri giác đầy mâu thuẫn về sự vật:]

     Vậy, đó là phương cách mà bây giờ SỰ VẬT của tri giác được tạo nên; và ý thức được xác định như là đang ở cấp độ tri giác, trong chừng mực SỰ VẬT này là đối tượng của nó. | Ý thức chỉ đơn thuần “nắm lấy” đối tượng [nehmen, lat: capio à percipio à wahr-nehmen: nắm lấy cái đúng thật = tri giác] và hành xử như là sự lãnh hội thuần túy (reines Auffassen), và qua đó cái được mang lại cho ý thức là cái đúng thật (das Wahre). Nếu bản thân ý thức, trong hành vi “nắm lấy” này, lại làm thêm một việc gì khác, thì do việc thêm vào hay rút bớt đi điều gì, nó sẽ làm biến đổi sự thật. Nhưng, vì đối tượng là cái đúng thật và là cái phổ biến, cái ngang bằng với chính nó, còn ý thức, ngược lại, là cái khả biến và không-bản chất, nên điều có thể xảy ra cho ý thức là nó lãnh hội đối tượng không đúngtự lừa dối mình. Người tri giác có ý thức về khả năng xảy ra sự lừa dối [nhầm lẫn], vì ở trong tính phổ biến vốn là nguyên tắc của tri giác, bản thân cái tồn tại-khác [của cái phổ biến] cũng trực tiếp có mặt cho ý thức, nhưng có mặt như là cái hư vô, cái bị thủ tiêu. Tiêu chuẩn của người tri giác về tính chân lý, do đó, là sự ngang bằng-với-chính-mình của đối tượng (die Sichselbst-gleichheit), nên thái độ hành xử của người ấy là lãnh hội đối tượng như là cái ngang bằng [đồng nhất] với-chính-mình. [Nhưng] vì tính khác biệt cũng đồng thời có mặt một cách minh nhiên cho người tri giác, nên cách hành xử của người tri giác là mang các yếu tố khác biệt nhau ở trong sự lãnh hội vào mối quan hệ với nhau. | Nhưng nếu trong tiến trình so sánh này nảy sinh một sự không ngang bằng, thì đây không phải là một sự không đúng-sự thật (Unwahrheit) của đối tượng, – bởi đối tượng, đối với người tri giác, là cái ngang bằng với chính nó –, mà chỉ [có thể] là sự không-đúng sự thật của phía [người] tri giác(217).

 

§ 117

          Bây giờ ta hãy nhìn xem ý thức trải qua kinh nghiệm gì trong tiến trình tri giác hiện thực của nó. Cho ta [đối với ta, người quan sát], kinh nghiệm này đã được chứa đựng trong sự phát triển của đối tượng và của thái độ hành xử của ý thức trước đối tượng cho tới nay; và như thế, kinh nghiệm này chỉ là việc phát triển những mâu thuẫn đã hiện diện ở trong đó. [Sự phát triển này diễn ra như sau]:

          Đối tượng – được cái Tôi lãnh hội – tự trình diện ra một cách thuần túy như cái Một; còn tôi cũng tri giác trong đó một thuộc tính. | Thuộc tính là cái gì ở trong đối tượng có tính phổ biến, nên qua đó nó vượt ra khỏi tính cá biệt. Vậy, [hình thái] tồn tại đầu tiên của bản chất khách quan như là của cái Một đã không phải là sự tồn tại đúng thật của nó; song vì lẽ đối tượng là cái đúng thật (das Wahre), nên sự không-đúng-sự thật (Unwahrheit) là rơi vào nơi tôi [thuộc về phía tôi], và sự lãnh hội, như thế, đã là không đúng. Do phải tính đến tính phổ biến [này] của thuộc tính, tôi đúng ra phải nắm lấy cái bản chất khách quan trong tính toàn bộ như một cộng đồng nói chung (ein Gemeinschaft überhaupt). Thêm vào đó, bây giờ, tôi tri giác thuộc tính như là thuộc tính nhất định, đối lập và loại trừ thuộc tính khác. Vậy là, trong thực tế, tôi đã lãnh hội không đúng về bản chất khách quan, khi tôi đã xác định nó như là một cộng đồng với những cái khác hay như là sự liên tục; và – để tính tới tính quy định của thuộc tính – tôi lại phải phá vỡ tính liên tục và thiết định bản chất khách quan như là “cái Một” loại trừ [cái khác](218).

Nơi cái Một bị tách rời này, tôi tìm thấy nhiều thuộc tính có cùng đặc tính như thế, tức chúng không tác động mà dửng dưng với nhau; vậy, tôi cũng đã không tri giác đối tượng một cách đúng đắn khi tôi đã lãnh hội nó như một cái loại trừ, trái lại, nó, – như trước đó chỉ là sự liên tục nói chung –, thì bây giờ là một “môi trường” cộng đồng phổ biến, trong đó nhiều thuộc tính hiện diện, như là các tính phổ biến cảm tính, mỗi cái tồn tại cho-mình, và với tư cách là cái được quy định, loại trừ những cái khác. Nhưng, từ kết quả này, cái đơn giản và cái đúng thật mà tôi tri giác cũng không phải là một “môi trường” phổ biến, mà là thuộc tính cá biệt “cho-mình”; là cái, trong hình thái này, [một lần nữa] vừa không phải là một thuộc tính, vừa không phải là một sự tồn tại nhất định, vì nó không tồn tại nơi một cái Một lẫn không ở trong quan hệ với những cái khác. Chỉ khi thuộc về cái Một, thuộc tính mới là một thuộc tính, và chỉ trong quan hệ với những cái khác, nó mới được quy định [như một thuộc tính nhất định]. Còn với tư cách là cái quan hệ thuần túy này của chính mình với chính mình, nó vẫn chỉ là cái tồn tại cảm tính nói chung, vì nó không còn chứa đựng tính cách của tính phủ định nữa; và [hình thái] ý thức nắm lấy đối tượng của nó như là một cái tồn tại cảm tính thì chỉ [trở lại] là [hình thái] của việc “cho rằng” (Meinen) “của tôi”, nghĩa là, ý thức đã hoàn toàn đi ra khỏi việc tri giác và đã rút lui lại vào trong chính nó. Nhưng bản thân cái tồn tại cảm tính và sự “cho rằng” của tôi về “cái này” (trước đây) đều đã quá độ sang sự tri giác, còn tôi thì bị ném ngược lại điểm xuất phát và lại một lần nữa bị cuốn vào cùng cái vòng quay tròn tự thủ tiêu chính mình trong mọi yếu tố và [tự thủ tiêu chính mình] như là cái toàn bộ.

 

§ 118

          Vậy, ý thức tất yếu phải trải qua vòng quay tròn này một lần nữa, nhưng đồng thời không phải trải qua cùng một kiểu như nó đã làm trong lần thứ nhất. Lý do là vì, ý thức đã có kinh nghiệm trong việc tri giác rằng: kết quả và cái đúng thật của hành vi tri giác là sự giải thể (Auflưsung) của hành vi này, hay là sự phản tư của nó vào trong chính nó, thoát ly khỏi cái đúng thật(219). Bằng cách này, ý thức đi đến chỗ xác định rõ việc tri giác của nó có bản chất thực sự như thế nào, đó là: tri giác không phải là một sự lãnh hội thuần túyđơn giản, trái lại, trong sự lãnh hội của mình, ý thức đồng thời cũng được phản tư ra khỏi cái đúng thật và đi vào trong chính mình. Sự quay trở lại của ý thức vào trong chính mình được trộn lẫn trực tiếp với sự lãnh hội thuần túy [về đối tượng], – vì lẽ sự quay trở lại vào chính mình này đã tự cho thấy là có tính bản chất [cốt yếu] đối với việc tri giác – làm biến đổi cái đúng thật. Ý thức đồng thời nhận thức phương diện này [sự quay trở lại, sự phản tư vào chính mình] như là phương diện của riêng nó và chịu trách nhiệm về phương diện này; khi làm như thế, ý thức [hy vọng] sẽ đạt được đối tượng đúng thật trong tính thuần túy của nó.

          Như vậy bây giờ, trong trường hợp tri giác, cũng giống hệt như đã xảy ra trong trường hợp của sự xác tín cảm tính [trước đây], có mặt cái phương diện của ý thức bị đẩy trở ngược lại vào trong chính nó [xem lại: §100], nhưng trước hết, không có nghĩa giống như điều này đã xảy ra trong trường hợp xác tín cảm tính, tức không phải như thể tính chân lý [sự thật, Wahrheit] của tri giác là rơi vào bên trong ý thức, trái lại, ý thức nhận rõ rằng chính sự không phải-chân lý (Unwahrheit) xuất hiện trong tri giác mới là cái rơi vào bên trong nó. Nhưng, chính nhận thức này làm cho ý thức đồng thời có năng lực vượt bỏ (aufheben) sự không phải-chân lý này: ý thức phân biệt sự lãnh hội của nó về cái đúng thật với sự không phải-chân lý của sự tri giác của nó, sửa chữa sự không phải-chân lý này, và trong chừng mực ý thức tự mình ra tay sửa chữa, thì tính chân lý, với tư cách là tính chân lý của sự tri giác, lại đương nhiên rơi vào trong chính ý thức. Vậy, sự hành xử của ý thức được ta xem xét bây giờ đây, có đặc điểm là: ý thức không còn đơn thuần tri giác nữa, mà trái lại, cũng đã có ý thức về sự phản tư của nó vào trong chính nó, và tách rời sự phản tư này ra khỏi bản thân sự lãnh hội đơn giản(220). [Sự vận hành như sau]:

§ 119

          Trước tiên, tôi tri giác sự vật như một cái Một và phải bám giữ chặt sự vật trong sự quy định đúng thật này. | Nếu trong tiến trình vận động của tri giác có điều gì tỏ ra mâu thuẫn với quy định ấy, thì tôi nhận rằng đó là [do] sự phản tư của tôi. Bây giờ, trong tri giác, cũng có mặt nhiều thuộc tính khác nhau, có vẻ là các thuộc tính của [bản thân] sự vật; thế nhưng [vì] sự vật là cái Một, nên ta ý thức rằng tính dị biệt (Verschie-denheit) này – tính dị biệt qua đó sự vật sẽ ngừng không còn là cái Một nữa – là rơi vào trong ta [thuộc về phía ta]. Như vậy, trong thực tế, sự vật này chỉ có màu trắng cho mắt ta; chỉ có vị mặn cho lưỡi ta, và cũng chỉ có hình lập phương là cho xúc giác ta và v.v.. Toàn bộ tính dị biệt của các mặt này của sự vật không do ta rút ra từ sự vật, mà từ chính ta, và chúng hoàn toàn tách rời nhau bằng cách ấy cho ta, vì mắt là hoàn toàn khác với lưỡi v.v.. Như thế chính ta là cái môi trường phổ biến, trong đó các yếu tố như thế được tách rời nhau và mỗi cái tồn tại cho riêng mình (für sich). Vậy, qua việc ta xem tính quy định là một môi trường phổ biến như là đến từ sự phản tư của ta, ta bảo tồn (erhalten) tính ngang bằng với chính mình của sự vật và tính chân lý của sự vật như là một cái Một(221).

§ 120

          Tuy nhiên, các mặt dị biệt này – mỗi mặt được xem là tồn tại “cho-mình” ở trong môi trường phổ biến do ý thức chịu trách nhiệm – lại đều được xác định một cách đặc thù; trắng chỉ là trắng trong sự đối lập với đen, và v.v..; và sự vật là cái Một chính là vì nó đối lập với các sự vật khác. Nhưng nó không phải như là một cái Một loại trừ những cái khác, bởi cái Một là mối liên hệ phổ biến của mình với chính mình, và sự kiện nó là cái Một thực ra làm cho nó ngang bằng với mọi cái khác; [do đó] chính thông qua tính được quy định của nó mà sự vật mới loại trừ những sự vật khác(222). Cho nên bản thân những sự vật là được xác định tự mình và cho mình: chúng có các thuộc tính nhờ đó chúng tự phân biệt với những cái khác. Vì lẽ thuộc tính là thuộc tính riêng của sự vật, hay là, một tính quy định trong bản thân sự vật, nên sự vật có nhiều thuộc tính. Vì, thứ nhất, sự vật là cái đúng thật, nó tồn tại tự mình (an sich selbst); và cái gì tồn tại nơi nó (an ihm) thì tồn tại như là cái bản chất của riêng nó, không tính tới những sự vật khác(223). | Từ đó, thứ hai là, các thuộc tính nhất định [được xác định] không chỉ vì những sự vật khác hay cho những sự vật khác, mà là nơi bản thân sự vật (an ihm selbst). | Tuy nhiên, chúng chỉ là các thuộc tính nhất định nơi sự vật (an ihm) khi chúng là nhiều thuộc tính tự phân biệt với nhau. | Và, thứ ba, trong khi chúng tồn tại như thế trong cái vật-tính (Dingheit), chúng tồn tại tự mình và cho mình, dửng dưng với nhau. Do đó, trong tính chân lý, chính bản thân sự vật là trắng, và cũng là lập phương, và cũng là mặn v.v.., hay nói khác đi, sự vật là cái CŨNG hay cái “môi trường” phổ biến, trong đó nhiều thuộc tính tồn tại bên ngoài nhau, không đụng chạm và không thủ tiêu lẫn nhau; và nếu được “nắm lấy” như vậy, thì sự vật được nắm lấy như cái đúng thật.

 

§ 121

          Bây giờ, khi tri giác như thế, ý thức đồng thời cũng ý thức rằng nó cũng phản tư vào trong chính nó và rằng, trong việc tri giác, yếu tố đối lập với cái CŨNG xuất hiện ra. Nhưng yếu tố [đối lập] này là sự thống nhất [nhất thể] của sự vật với chính nó, một sự thống nhất loại trừ sự khác biệt ra khỏi nó. Do đó, chính sự thống nhất này là cái mà bây giờ ý thức nhận về phía mình, vì bản thân sự vật là sự cùng tồn tại của nhiều thuộc tính khác nhau và độc lập với nhau. Cho nên ta mới nói về sự vật rằng: nó là trắng, và cũng là lập phương và cũng là mặn và v.v.. Nhưng, trong chừng mực nó là trắng, thì nó không phải là lập phương, và trong chừng mực nó là lập phương và trắng, thì nó không phải là mặn và v.v.. Việc thiết định các thuộc tính này thành cái Một (Ineinsetzen)(224) chỉ là công việc của riêng ý thức nhằm để tránh việc chúng trở thành cái Một ở trong sự vật. Nhằm mục đích này, ý thức đưa ra [ý tưởng về] cái “trong chừng mực”, nhờ đó bảo tồn các thuộc tính như là tách rời nhau và duy trì sự vật [trong ý nghĩa] như là cái CŨNG. Đúng thực ra, chính ý thức thoạt đầu làm cho mình tự chịu trách nhiệm về cái “tồn tại như là Một” này bằng cách là: cái trước đây được gọi là thuộc tính thì nay được [ý thức] hình dung như là “chất liệu [vật chất] tự do” (freie Materie) [latinh: materia libera: thuật ngữ của vật lý học đương thời] [xem: §115]. Bằng cách như vậy, sự vật được nâng lên thành cái CŨNG đích thực, vì nó trở thành một tập hợp của các chất liệu [các yếu tố hợp thành], và thay vì tồn tại như cái Một, nó trở thành một mặt bằng bao bọc chung quanh các chất liệu ấy(225).

 

§ 122

          Nếu ta nhìn lại điều ý thức chịu trách nhiệm trong việc đã “nắm lấy” trước đây và rồi “nắm lấy” hiện nay, cũng như điều nó vừa gán cho sự vật trước đây và đang gán cho sự vật hiện nay, rõ ràng là ý thức đã luân phiên làm cho chính nó cũng như sự vật, cả hai khi thì trở thành một cái Một thuần túy, không có tính đa thể [“cái Một” kiểu “nguyên tử”], khi thì trở thành một cái Cũng tự giải thể thành nhiều “chất liệu” độc lập với nhau [nhiều yếu tố cấu thành độc lập]. Vậy, thông qua sự so sánh này, ý thức nhận ra rằng, không chỉ phương cách nắm lấy cái đúng thật của nó [tri giác] có chứa đựng sự dị biệt của việc lãnh hội và của việc quay trở về nơi chính nó, mà đúng hơn, cả bản thân cái đúng thật – tức sự vật – cũng tự bộc lộ trong phương cách nhị bội [nhân đôi] này.

          Như vậy, kinh nghiệm ở đây là: sự vật tự thể hiện ra cho ý thức đang lãnh hội nó bằng một phương cách nhất định, [đặc thù], nhưng đồng thời, sự vật cũng đi ra khỏi phương cách thể hiện nhất định ấy cho ý thức và đã phản tư vào trong chính nó; nói khác đi, sự vật chứa đựng nơi bản thân nó (an ihm selbst) một [tính] chân lý đối lập (eine entgegengesetzte Wahrheit) [với chính mình].

 



(217) Đây là thái độ đầu tiên của tri giác: thái độ “giáo điều ngây thơ”, khi khẳng định rằng đối tượng phải là cái gì ngang bằng với chính nó. Nhưng, cũng chính kinh nghiệm đầu tiên cho ý thức biết rằng ý thức có thể “tự lừa dối mình” (như nhan đề của Chương này). Kinh nghiệm đầu tiên này sẽ dẫn ý thức từ lập trường giáo điều đến lập trường phê phán (như của John Locke).

(218) Nghịch lý (Antinomie) của cái bản chất khách quan nói chung: tính liên tục và tính bất-liên tục.

(219) Tức là sự phản tư đi từ cái đúng thật (đối tượng) vào lại trong chính mình (Chủ thể). (Giống như bước kiểm tra thứ hai của sự xác tín cảm tính trước đây: ý thức “bị xua đuổi ra khỏi đối tượng” và “quay trở lại tìm sự thật ở trong chính mình”: §100). Nhưng, như sẽ thấy ở các giòng sau, chỗ khác với trước đây là tri giác không đi tìm cái đúng thật ở trong chính mình mà lại thấy chính mình phạm sai lầm.

(220) Đây là quan điểm phê phán tương ứng với quan điểm của John Locke. Ý thức-tri giác nhận trách nhiệm về mình những gì đã tạo ra sự mâu thuẫn ở trong sự vật. Ý thức ấy biết phân biệt sự phản tư (phê phán) của mình với sự lãnh hội (đơn giản) của mình; nhưng, nó chưa biết rằng, trong chừng mực nó tự tiến hành việc phê phán đối với tri giác của mình, thì sự thật hay chân lý “rơi vào bên trong nó” (chứ không phải sự thật khách quan).

(221) Như thế, những thuộc tính dị biệt của sự vật là chỉ thuộc về tôi và thuộc về cảm năng đa tạp của cái Tôi. Môi trường đúng thật, trong đó những thuộc tính ấy tự phân biệt nhau, là cái Tôi. Sự vật là cái Một, nhưng xuất hiện ra như là đa tạp (trắng, mặn, vuông...) là do sự phân tán của nó ở trong môi trường này.

(222) Trong chừng mực là sự vật, thì sự vật nào cũng như sự vật nào, không phân biệt với sự vật khác; do đó những tính quy định (những thuộc tính) phải thuộc về bản thân sự vật (chứ không phải thuộc về chủ thể). Những thuộc tính cũng phải dị biệt và đa tạp ngay trong sự vật, nếu không, sự vật sẽ không được xác định tự-mình và cho-mình.

(223) “An sich”“An ihm”: trong thuật ngữ của Hegel, ông phân biệt giữa cái tự-mình (an-sich), tức bản tính bên trong hay tiềm năng của sự vật với cái nơi nó (an ihm), tức cái thể hiện cái bản tính bên trong đối với những sự vật khác và cho phép nó tương tác với những sự vật khác. (Vd: con người tự mình là có bản tính suy tưởng (có những tư tưởng ở bên trong và có năng lực suy tưởng), theo nghĩa đó, năng lực suy tưởng là tự-mình, là tính quy định (Bestimmheit) của con người, phân biệt với những tạo vật khác. Còn khi cái “tự mình” này được hiểu như cái gì phải diễn ra hay phải “ở nơi nó” (an ihm), tức được thể hiện ra bằng lời nói và hành động có suy nghĩ, thì bấy giờ suy tưởng là sự quy định (Bestimmung) của con người. “Sự quy định” có thể “được thực hiện” hoặc không. Nếu được thực hiện (tức có hành vi hoàn toàn hợp lý tính) thì “sự quy định” ấy chính là “tính quy định”.

Một ví dụ khác: đứa bé tự-mình là có lý tính, nhưng chỉ mới là tiềm năng, chưa “hiện thực” (wirklich), chưa “cho cái khác” hay chưa “nơi nó” (an ihm). Trong trường hợp đó, cái “tự-mình” không khác gì cái “cho-ta” (für uns), tức cái gì mới là tiềm năng và chưa được bản thân nó biết đến, trái lại, chỉ mới được ta (triết gia hay người quan sát ở bên ngoài) biết mà thôi. (Xem: Hegel: Khoa học Lô-gíc, I, tr. 112). (Xem thêm: Chú giải dẫn nhập : 4.2).

(224) Trong tiến trình trước, ý thức là “môi trường” của những thuộc tính khác nhau, thì bây giờ nó là hành vi hợp nhất những thuộc tính này lại.

(225) Vậy chỉ còn những “chất liệu tự do” tương tác với nhau tại “một chỗ”. Chúng không được hợp nhất với nhau trong đối tượng; việc hợp nhất thành một sự vật cá biệt chỉ là công việc của chủ thể.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt