Thuyết Duy tâm Đức

Tri giác hay là sự vật và sự lừa dối [của nó]

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

(A)

Ý THỨC

 

II

TRI GIÁC

HAY LÀ

SỰ VẬT VÀ SỰ LỪA DỐI [CỦA NÓ]

1 2 3 4

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

§ 111

     Sự xác tín trực tiếp không chiếm lĩnh được cái đúng thật, vì sự thật của nó là cái phổ biến, trong khi nó lại muốn nắm lấy cái Này [cá biệt]. Ngược lại, tri giác nắm lấy cái đang tồn tại đối với nó, như là cái phổ biến. Cũng như tính phổ biến là nguyên tắc của tri giác nói chung, các yếu tố tự phân biệt trực tiếp trong chính nó cũng đều có tính phổ biến: cái Tôi như là một cái Tôi phổ biến; và đối tượng cũng là một đối tượng phổ biến(203). Nguyên tắc này là được hình thành nên (entstanden) cho ta [người theo dõi tiến trình kinh nghiệm], do đó, phương cách ta nắm lấy trong tri giác không còn là một cái gì đơn thuần diễn ra cho ta [một chuỗi bất tất các hành vi lãnh hội] như trong sự xác tín cảm tính nữa, mà là một sự tiếp thu tất yếu [một quá trình tất yếu có tính lô-gíc](204). Cùng với sự ra đời của nguyên tắc này, cả hai yếu tố cũng đồng thời trở thành tồn tại; chúng chỉ tách rời ra khỏi nhau ở trong sự xuất hiện ra của chúng như là hiện tượng (Erscheinung) [cho cái biết], đó là: một yếu tố tồn tại như là tiến trình vận động của việc chỉ ra; yếu tố kia cũng là cùng một tiến trình ấy nhưng như là một [sự kiện] đơn giản; yếu tố trước là hành vi tri giác, yếu tố sau là đối tượng [được tri giác]. Về bản chất, đối tượng là giống hệt như tiến trình, [chỉ có điều], tiến trình là sự triển khai [phô bày ra] và là sự phân biệt của hai yếu tố [tham gia vào tiến trình tri giác], còn đối tượng cũng chính là các yếu tố ấy nhưng được tập hợp chung lại [như một toàn bộ được lãnh hội]. Cho ta [người quan sát] hay là tự-mình, cái phổ biến, – với tư cách là nguyên tắc, – là cái bản chất của tri giác; và trái ngược với sự trừu tượng này, cả hai yếu tố được phân biệt trên – cái tri giác và cái được tri giác – lại là những cái không có tính bản chất [không cốt yếu](205). Nhưng, trong thực tế, vì bản thân hai yếu tố này đều là cái phổ biến hay cái bản chất cả, nên cả hai đều có tính bản chất; tuy nhiên trong khi chúng quan hệ với nhau như là giữa các cái đối lập, thì chỉ có một yếu tố là có thể có tính bản chất ở trong mối quan hệ [tạo nên tri giác] mà thôi, và việc phân biệt cái bản chất với cái không-bản chất phải được chia đều ra nơi chúng. Một bên được xác định như cái [sự kiện] đơn giản – tức đối tượng – là cái bản chất, bất kể nó có được tri giác hay không; còn hành vi tri giác – như là tiến trình vận động – là yếu tố bất ổn định, có thể có, có thể không, và là cái không-bản chất(206).

 

§ 112

     Bây giờ, đối tượng này cần được xác định rõ hơn, và sự xác định [định nghĩa] phải được phát triển ngắn gọn từ kết quả đã đạt được; một sự phát triển nhiều chi tiết hơn không thuộc về chỗ này. Vì lẽ nguyên tắc của đối tượng, tức cái phổ biến, – trong tính đơn giản của đối tượng – là một nguyên tắc được trung giới, nên đối tượng phải diễn tả cái bản tính tự nhiên [được trung giới] này nơi chính bản thân nó. | Bằng cách làm như vậy, đối tượng tự cho thấy mình là SỰ VẬT CÓ NHIỀU THUỘC TÍNH (DAS DING VON VIELEN EIGENSCHAFTEN). Sự phong phú của cái biết cảm tính là thuộc về tri giác chứ không phải thuộc về sự xác tín trực tiếp, là nơi sự phong phú chỉ đơn thuần là trò phụ diễn (Beiherspielen) [ngẫu nhiên bất tất], vì chỉ tri giác mới có sự phủ định, sự khác biệt, hay tính đa tạp bên trong bản chất của nó(207).

 

 


(203) Cái Tôi như là “cái Tôi suy tưởng”; đối tượng là “đối tượng có quảng tính”, chứ không còn là “con người này” và “cái này” cá biệt.

(204) Ta luôn ghi nhớ hai giác độ xem xét hiện tượng học: cho ta (für uns), tức đối với nhà hiện tượng học nhìn lại toàn bộ tiến trình đã qua, thì tri giác cũng chỉ là một tiến trình biện chứng: nó là kết quả của tiến trình xác tín cảm tính trước đây. Nói khác đi, “cho ta”, “cái này cá biệt” đã bị “vượt qua”, “thuộc về quá khứ”. Trong khi đó, đối với ý thức hiện tượng học đang chìm đắm trong diễn trình kinh nghiệm (tức: “tự mình”/“an sich”), thì cái này cá biệt “đã bị thủ tiêu, bị vượt bỏ” (aufgehoben) (mà nó không biết tại sao) và đối tượng bây giờ là đối tượng mới mẻ đối với nó. Do đó, Hegel rất thường dùng thuật ngữ “an sich oder für uns” (“tự-mình” hay “cho-ta”) để chỉ cái gì mới là tiềm năng và không-được bản thân cái ấy nhận biết nhưng lại được “ta” [triết gia hay người đứng ngoài quan sát tiến trình] nhận biết. (Xem: Chú giải dẫn nhập 4.2).

(205) “Cho ta” hay là “tự-mình” (tự nơi bản thân cấp độ nhận thức), cái phổ biến là Bản thể chung của sự vật lẫn của chủ thể tri giác; tuy nhiên, chủ thể tri giác là tiến trình vận động lãnh hội đối tượng, còn đối tượng cũng là tiến trình vận động này nhưng như là cái được lãnh hội.

(206) Cũng giống như trong kinh nghiệm của sự xác tín cảm tính trước đây, đối tượng trước hết được thiết định như là cái bản chất, còn ý thức như là cái không-bản chất. Tiến trình tự kiểm tra lại bắt đầu.

(207) Hegel dùng lại chữ “trò phụ diễn” (Beiherspielen): trong sự xác tín cảm tính, cái cá biệt chỉ là một “ví dụ”, một “trường hợp điển hình”, tách rời với cái bản chất phổ biến của nó. Trong tri giác, sự phong phú của cái biết có sự đối ứng ở cả hai phía: người tri giác và cái được tri giác.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt