Thuyết Duy tâm Đức

Trí tưởng tượng và lý tính thực hành

 

TRÍ TƯỞNG TƯỢNG VÀ LÝ TÍNH THỰC HÀNH

DANIEL TOURINHO PERES

 

Toát yếu: Mục đích của ghi chép này là chỉ ra, và phân tích sơ lược, một số đoạn trong bản văn phê phán thực hành của Kant, trong đó ta có thể tìm thấy một vai trò tích cực đối với trí tưởng tượng trong lĩnh vực thực hành của triết học.

Từ khóa: Kant, trí tưởng tượng, lý tính thực hành

 

Trong hệ thống triết học Kant, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập mối quan hệ tích cực giữa trí tưởng tượng và lý tính thực hành dường như tất phải thất bại, và trong bài viết ngắn này, một kết cục tương tự như thế sẽ khó lòng tránh khỏi đối với tôi. Đúng là trong quyển Phê phán thứ nhất[1]  và trong quyển Phê phán năng lực phán đoán trí tưởng tượng có một vai trò quan trọng – trong quyển Phê phán thứ ba[2] thậm chí chúng ta còn thấy một sự liên kết quan trọng giữa trí tưởng tượng với lĩnh vực thực hành của triết học, nhưng không phải là một vai trò trung tâm đối với những mục đích thực hành. Xúc cảm (Gefühl) về cái Đẹp, là xúc cảm đến từ trò chơi tự do giữa tưởng tượng và giác tính, có thể biểu trưng cho cái Thiện, và trong cái Cao cả, việc trí tưởng tượng không đủ năng lực trình bày một yêu cầu của lý tính có thể là một cơ hội để mở rộng những phương cách tư duy thường nghiệm của ta. Tuy nhiên trong Phê phán lý tính thực hành, Kant thẳng thừng từ chối việc gán bất cứ vai trò nào cho trí tưởng tượng. Trong mục “Điển hình luận” (Typik) chẳng hạn, là mục có cùng chức năng (trong lĩnh vực thực hành) như mục “Thuyết niệm thức” (trong lĩnh vực lý thuyết), Kant cho rằng đó là một chức năng của giác tính, chứ không phải của trí tưởng tượng, để làm trung giới giữa quy luật luân lý và ngữ cảnh thường nghiệm. Trong Các cơ sở (1786), ông nói rằng nếu có một lý tưởng của sự tưởng tượng thì đó là hạnh phúc chứ không phải đức hạnh.

Cho dù tình hình như vậy, tôi vẫn nghĩ rằng ta có thể tìm ra, trong các bản văn triết học lịch sử của ông, một sự nối kết chủ động tích cực giữa trí tưởng tượng và lý tính thực hành, và sự nối kết này có ý nghĩa không những cho triết học lịch sử của ông mà còn cho một thứ triết học có thể được chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn có tính thực hành mà tôi gọi là [triết học về] Đức hạnh và Pháp quyền. Những suy xét của tôi ở đây được giới hạn riêng trong triết học pháp quyền của ông. Đoạn văn sau tôi tin rằng sẽ ủng hộ cho sự lý giải của tôi:

Trong quyển Nhân loại học dưới giác độ thực tiễn (1798), trí tưởng tượng được trình bày, trong § 34 A, như là quan năng tạo nên sự hiện diện của thời quá khứ (ký ức) (Kant II, 182), tạo nên sự hiện diện của thời tương lai (quan năng tiên đoán và dự báo, 38) (Kant VII, 191), và nối kết cả thời quá khứ lẫn thời tương lai với thời hiện tại (quan năng chỉ định). Nó là quan năng tạo nên sự hiện diện của thời tương lai, không nghi ngờ gì nữa, hầu hết được gắn liền với triết học lịch sử, vì ngay cả việc “nhìn vào quá khứ cũng chỉ là nắm bắt được ý đồ của việc đưa ra sự tiên đoán về khả thể tương lai” (Kant VII, 186). Đây chính là viễn tượng, mà Kant thừa nhận trong quyển Phỏng đoán về lúc khởi đầu của lịch sử con người (1786), hướng đến một sự khởi đầu có thể có được của lịch sử con người. Ai cũng biết là nghiên cứu ấy chỉ mang tính phỏng đoán, tức một bài tập luyện đơn giản của trí tưởng tượng được đi kèm bởi lý tính (Kant VIII, 109). Nói đúng hơn là được hướng dẫn bởi lý tính, bởi ý niệm thuần túy về pháp quyền và về việc xác lập một hiến pháp cộng hòa. Như Kant bàn đến nó trong mục “Phản tư”, ý niệm về pháp quyền là cái duy nhất thường tồn mà ta có được trong mọi biến đổi lịch sử-xã hội.

Một đoạn văn quan trọng khác được tìm thấy trong quyển Sự tranh cãi giữa các phân khoa (1798), khi Kant phân tích những xúc cảm của quần chúng trước cuộc Cách mạng Pháp. Cuộc Cách mạng Pháp – và sự tác động của nó đối với những người quan sát, lòng nhiệt tình đối với việc khẳng định quyền con người – được xét – do lý tính tách ra khỏi một sự tổng hợp được trí tưởng tượng tạo ra – như là một dấu hiệu của sự hiện thực hóa của lý tưởng pháp quyền, vì nó cho phép ta thấy “ý tưởng về một hiến pháp hòa hợp với luật tự nhiên của con người (…) một cách rõ ràng hơn cái [ý niệm] nằm tận nền tảng của mọi hình thái chính trị (…) [và là] chuẩn mực vĩnh hằng cho mọi hiến pháp dân sự nói chung” (Kant VII, 90). Trước đó, Kant đã từng phân biệt các phương cách dự đoán khác nhau về tương lai, vốn cũng là một chức năng của trí tưởng tượng và phán đoán.

Nhưng giờ đây đối với tôi những đoạn văn quan trọng hơn được tìm thấy trong quyển Hướng đến một nền hòa bình vĩnh cửu, trong đó ta có thể tìm thấy nguyên tắc thực hành khi khảo sát về thời gian: “vì sự cấm đoán ở đây chỉ liên quan đến phương cách sở đắc, là phương cách mà từ giờ trở đi (tôi nhấn mạnh) không được xem là – mà đúng ra nó không phải là – thân cách sở hữu (status of possession), là thân cách mà trong thời đại của nó (tôi nhấn mạnh) được xem là hợp thức dựa theo công luận trong mỗi nhà nước thời đó (tôi nhấn mạnh) (Kant, VIII, 347); và đoạn thứ hai là “vì thế sự khôn ngoan chính trị, trong những điều kiện hiện thời (tôi nhấn mạnh), sẽ biến những cải cách phù hợp với lý tưởng của công quyền thành bổn phận của nó (Kant, VIII, 374).

Vì thế, trong phần trình bày này, vấn đề không phải là ta gán tính ưu tiên cho cái lịch sử có phương hại đến cái lý tính, bằng cách quy cái lý tính về cái lịch sử. Kant đã cảnh báo nhiều lần về sự không chính đáng của một cách làm như vậy rồi. Nó không có ý nói rằng lý tính thực hành được đo bằng lịch sử, hay nói rằng thời gian làm hạn chế lý tính thuần túy thực hành. Đương nhiên, đó là vấn đề của việc khẳng định lịch sử như là một điều kiện cho sự thừa nhận các khái niệm thực hành, nhưng theo nghĩa như sau: các khái niệm thực hành không nảy sinh trong lịch sử và tiếp tục được xét như là đã sở đắc một cách căn nguyên những khái niệm tiên nghiệm; nhưng chỉ trong lịch sử, thông qua lịch sử mà những khái niệm ấy mới có được sự rõ ràng và phân minh, bởi lẽ chúng được thừa nhận trong bối cảnh chúng được vận dụng. Nói khác đi, lịch sử cung cấp chất liệu cho sự phản tư, rồi sự phản tư này sẽ đi tìm hình thức tổ chức chất liệu, một hình thức có nguồn gốc trong những quan năng cao cấp của tâm thức, tức là trong lý tính thuần túy. Nói cách khác, lịch sử là một diễn ngôn mạch lạc có hệ thống về những hành động của con người, vốn là những hành động cho phép bản thân chúng được thâu gồm vào những nguyên tắc thực hành phổ quát. Vì thế, nếu ta chắc chắn rằng ý tưởng về một hiến pháp dân sự hoàn hảo chẳng hạn luôn là một quy phạm cho mọi pháp lệnh pháp lý, cho dù ta không bao giờ có được một hiến pháp gần như thế, thì ra cũng chắc chắn rằng về mặt chủ quan, nó cần phải được thuyết phục về khả thể – và hơn nữa là về ý nghĩa – của việc xác lập một lý tưởng như vậy trong thế giới. Do đó, cái mômen thứ hai này của phán đoán thực hành, theo nghĩa rộng nhất mà Kant nói đến trong quyển Tôn giáo, là bản thân hành vi niệm thức hóa, tức là “đưa ra một khái niệm có thể hiểu được (fasslich) bằng sự loại suy với cái mang lại trong cảm năng”.

Nói cách khác, triết học lịch sử của Kant là một viễn quan luân lý về thế giới (moralischen Weltanschauung), được cấu tạo một cách suy lý, thông qua việc lý giải những dữ kiện thường nghiệm, như những xúc cảm chẳng hạn, trong một khung khổ được quy định bởi các khái niệm thực hành. Trí tưởng tượng cung cấp cho ta một sự tổng hợp, nhưng là một sự tổng hợp theo sự hướng dẫn của lý tính. Vì là kết quả của trí tưởng tượng, nên mỗi một sự tổng hợp cũng đều mang giá trị tạm thời; nhưng để thừa nhận cơ sở của nó trong lý tính ta phải mang lại cho nó cái vị thế quy phạm. Điều này hàm ý một sự chuyển tiếp liên tục giữa viễn tượng nội tại và viễn tượng siêu việt trong lĩnh vực thực hành của triết học, và đó là lý do tại sao triết học lịch sử của Kant, bất chấp cả cái giọng điệu mạt thế luận của nó, khác xa với biện thần luận của Leibniz; đó cũng là lý do tại sao nó không phải là một sự biện minh về cái đang là, mà là một cách thức suy tưởng về sự công bằng trong khái niệm “tiến bộ”.

Chính sự chuyển tiếp giữa viễn tượng nội tại và viễn tượng siêu việt này mang lại ý nghĩa cho sự tiến bộ, một sự chuyển tiếp mà lý tính buộc trí tưởng tượng phải thực hiện, theo nghĩa lý tính không thừa nhận, theo bất cứ mệnh lệnh pháp lý thực định nào, một sự trình bày hoàn hảo về mô hình của nó. Và trong hình ảnh này về thế giới, các quyền thực định (positives Rechts) luôn là quyền tạm thời, vì nó bị quy định bởi các điều kiện xã hội-lịch sử. Nhưng ý niệm về pháp quyền, với nguồn gốc của nó chỉ ở riêng trong lý tính, là điều kiện duy nhất mà ta có thể bàn luận từ một kinh nghiệm về sự công bằng, bất luận nó có thể không hoàn hảo như thế nào chăng nữa; như Kant nói trong quyển Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu (1795): “Chắc chắn là ta có thể hy vọng trước đó rằng sẽ có những sự lệch chuẩn đáng kể trong kinh nghiệm thực tế với ý niệm lý thuyết nguyên thủy”. Điều này không có nghĩa là ta bị rơi vào lập trường tương đối luận trước các vấn đề về sự công bằng. Sự tiến bộ của quyền và của những định chế của nó phải diễn ra sát cánh với sự tiến bộ trong sự mở rộng của tư duy, tức của viễn tượng của lý tính – mọi cải cách trong chính trị, Kant luôn nói, phải được đi trước bởi một cuộc cách mạng trong tư tưởng. Nếu trở lại với phân tích pháp của Kant về cái cao cả, ta thấy rằng trí tưởng tượng giữ một vai trò quan trọng trong sự mở rộng của tư tưởng, theo nghĩa nó đưa ta ra khỏi trật tự tự nhiên để hướng tới một đích đến siêu cảm tính. Nhưng điều đó sẽ đưa ta đi xa hơn, và ta phải đi đến một mục đích.

Theo thiển ý của tôi, Hannah Arendt là người đầu tiên lưu ý đến sự liên kết giữa phán đoán thẩm mỹ và phán đoán chính trị. Nhưng bà chú trọng vào sự đòi hỏi của tính có thể thông báo được (communicability) và vào cảm quan chung (sensus communis). Ta phải đi tiếp một bước và đặt tiêu điểm vào mối quan hệ giữa các quan năng mà những phán đoán thẩm mỹ thể hiện, tức là mối quan hệ, trong trường hợp này, chỉ có những lý do chủ quan, chứ không thể trông đợi vào bất cứ những lý do khách quan nào khác. Ta nên gọi đó là mối quan hệ bấp bênh. Nhưng bấp bênh không kém gì một phán đoán chính trị, Kant ắt sẽ không chấp nhận rằng ta không thể trông đợi vào những lý do khách quan. Cho dù việc tổng hợp một phán đoán chính trị có khó khăn như thế nào chăng nữa, thì giá trị của nó sẽ không dựa vào lĩnh vực riêng tư của chủ thể phán đoán – ngay cả trong các phán đoán thẩm mỹ, thì lĩnh vực của chủ thể phán đoán cũng không phải là một lĩnh vực riêng tư. Nhưng các phán đoán chính trị, khác với các phán đoán thẩm mỹ, lại kết thúc trong một khái niệm, tức là kết thúc trong trong sự rõ ràng của một khái niệm mà ngay từ đầu nó điều hành sự tổng hợp của mình. Khái niệm này, dĩ nhiên, là khái niệm “hiến pháp cộng hòa”, khái niệm duy nhất hoàn toàn phù hợp với ý niệm về pháp quyền và với những gì mà cuộc Cách mạng Pháp đã làm sáng tỏ một cách đặc biệt, ít ra là trong mômen đầu tiên của nó, là ý nghĩa của sự đại diện chính trị được bao gồm trong nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc Cách mạng Pháp đã mang lại cho ta một kinh nghiệm mới về việc sự đại diện trong chính trị có thể là gì; và lần đầu tiên ta có thể nói, như Kant nói trong các công trình chuẩn bị cho quyển Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu, rằng nền Cộng hòa chân chính là một chế độ của nền dân chủ đại diện, một hình thức mới của tư duy về sự đại diện trong nền chính trị.

Để kết thúc bài viết ngắn này, tôi muốn điểm nhanh lại những đoạn văn trong quyển Hướng đến nền hòa bình vĩnh cửu mà tôi đã dẫn trên. Trong đó không có một lời bàn luận nào về sự thay đổi trong bản thân hành động, mà chỉ bàn về sự thay đổi trong phương cách tri giác một hành động: ở một lúc nào đó, nó trông giống như cái gì có thể chấp nhận được, và rồi nó đi ngược lại các quy luật của tự do làm quy tắc cho các hành động bên ngoài. Trong sự sử dụng lý thuyết của lý tính, cảm năng cưỡng chế ta theo cách sao cho những giới hạn của nó là không thể bị vượt qua. Trong các lĩnh vực thực hành, au contraire (t. Pháp: trái lại), thời gian là một giới hạn “ngẫu nhiên” cần phải được vượt qua, và có thể được vượt qua, bao lâu ta coi nó là một nhiệm vụ đối với nhân loại. Đây là viễn tượng được triển khai trong Ý tưởng về một lịch sử phổ quát (1784). Tuy được triển khai về mặt tu từ học, ta có thể nói, nhưng bất luận thế nào thì ngay từ đầu nó đã được dẫn dắt bởi lý tính; nhưng sự dẫn dắt ấy, với mục đích do nó đặt ra, tức mục đích của nhân loại, làm thay đổi cách mà ta vẫn thường đọc sự phê bình của Kant về môn tu từ học (rhetoric) trong quyển Phê phán năng lực phán đoán (1790). Dù thế nào đi nữa, việc hoài nghi về chính khả thể của nhiệm vụ đó, bằng cách cho rằng nó mang tính tu từ hơn mang tính lý thuyết, là phải quyết định chống lại tính hiện thực của bản thân lý tính thực hành, ít ra là theo lề lối tư duy của Kant. Tôi nhấn mạnh đến sự thừa nhận rằng nó có thể mang tính tu từ hơn mang tính lý thuyết, bởi lẽ việc thực hiện mục đích của nhân loại không thể nào là một đối tượng của sự chắc chắn, mà chỉ là sự giả định rằng ta có những lý do chính đáng để cố gắng đạt được nó, chứ không phải để tuyệt vọng. Cuối cùng, nếu ta muốn dành một chức năng tích cực cho trí tưởng tượng trong lĩnh vực thực hành của triết học, cùng với việc trí tưởng tượng mang lại cho ta một hình ảnh luân lý về thế giới, thì ta phải xét rằng hình ảnh này là một hình ảnh về một thế giới sẽ có hơn là một hình ảnh giam hãm thời gian quá khứ của ta như là một phương cách của việc hợp lệ hóa. Vì thừa nhận rằng bất cứ những câu trả lời nào mà ta tìm thấy cho các câu hỏi về sự công bằng cũng đều theo một phương cách bị điều kiện hóa về mặt lịch sử, nghĩa là thừa nhận rằng ta phải mở rộng cách nhìn của mình bao lâu ta còn là hữu thể có lý tính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

KANT, I. Kant’s Gesammelte Schriften. Berlin: Walter de Gruyter & Co. 1902-.

HOÀNG PHONG TUẤN dịch


Nguồn: Daniel Tourinho Peres. 2008. “Imagination and Practical Reason”. Kant e-Prints. Campinas, Série 2, v. 3, n. 2, tr. 193-296. ftp://ftp.cle.unicamp.br/pub/kant-e-prints/Vol-3-2-2008/Peres-2-3-2-2008.pdf.



[1] Phê phán lý tính thuần túy  (ND).

[2] Phê phán lý tính thực hành (ND).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt