Triết học Mỹ

Các thử nghiệm và các triết gia cộng đồng

 

CÁC THỬ NGHIỆM VÀ CÁC TRIẾT GIA CỘNG ĐỒNG

DONALD A. GALLAGHER[1]

Nguyễn Thị Minh dịch

 


Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.


 

Nước Mỹ đầu thế kỷ XIX, bất chấp sự dồn mây báo trước cơn bão của một cuộc nồi da xáo thịt, là một thời đại của thuyết duy tâm lạc quan. Ở đâu người ta cũng thấy niềm tin vô hạn vào khả năng hợp tác không vị kỉ với những đồng bang để xây dựng một cộng đồng lý tưởng, trong đó tất cả sẽ được hưởng hạnh phúc thực sự. Thái độ này, gợi nhớ đến niềm tin vào lí tính của thời Khai minh, còn nồng nhiệt hơn và tiết lộ ảnh hưởng của các trào lưu mới của Chủ nghĩa lãng mạn tràn vào từ châu Âu. Khả thể vô biên của một lục địa mênh mông và đang phát triển nhanh chóng làm dấy lên hy vọng về một đời sống mới và tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Các thử nghiệm của các nhà siêu việt luận (trancendentalist) về cộng đồng sống tại Brook Farm và Fruitlands là một phần của nỗ lực phổ biến “xây dựng Miền đất không tưởng (Utopia) ở chốn hoang sơ”.[2] Mặc dù đã có nhiều cộng đồng ở phía Đông, chẳng hạn như Phalanx Bắc Mỹ ở Red Bank, New Jersey, và một nhóm tại Amenia, New York, song hầu hết các nhóm đều di chuyển đến vùng đất còn nguyên sơ ở phía Tây.

Các thử nghiệm xã hội này nên được gọi là có tính “ công xã hay cộng đồng” (communitarian) , hay “ công xã/cộng đồng luận” (communalistic), đặc biệt từ khi từ “communism”, dù được áp dụng cho các hiệp hội tự nguyện, ngày nay đã mang hàm nghĩa không tốt.

Triết học xã hội truyền cảm hứng cho các cộng đồng này thì rất khác nhau. Có những người có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ, chẳng hạn như Rappites từ Würtemberg, người sáng lập Harmony, Pennsylvania, và New Harmony, Indiana; Ebenezer Society từ Đức, định cư tại Amana, Iowa; và cộng đồng Công giáo tại St.Nazianz, Wisconsin. Có những người có niềm tin vào chủ nghĩa xã hội không Marxist , như những người theo phái Fourier, tức các môn đồ của nhà tư tưởng xã hội Pháp, Charles Fourier, người ủng hộ kiểu cộng đồng không tưởng .

Một số trong những người này đã bị lên án vì sự ủng hộ của họ, thực sự hoặc người ta cho là thế, đối với tự do tư tưởng và tự do luyến ái. Tóm lại, hầu hết mọi nhãn mác của triết học cộng đồng có thể quan niệm được, thích hợp hay không thích hợp với danh nghĩa đó, đều được ủng hộ và thử nghiệm. Thật dễ dàng khi chỉ ra những thiếu sót trong tư tưởng xã hội của các nhà duy tâm hăng hái này và cười vào những thực hành phi lý của một vài trong số họ. Người ta nhớ lại một trình bày châm biếm nhẹ nhàng của Louisa May Alcott về cuộc phiêu lưu cộng đồng của cha cô, Bronson Alcott. Từ điểm nhìn nữ quyền luận của mình, cô miêu tả một cách đầy thông cảm những nỗ lực cuống cuồng của mẹ cô kiếm đủ bữa ăn cho gia đình trong khi “các triết gia” mải tranh luận về các nguyên tắc và quên làm vườn.[3] Dễ dàng cười vào những điều như vậy, nhưng có một cái gì đó hấp dẫn ở giai đoạn này mà người ta nhớ đến trong chấn thương nhục nhã của cuộc xung đột khủng khiếp sắp tới. Nó là một thứ chủ nghĩa lý tưởng đích thực, mặc dù thường sai lầm và nhầm lẫn, là lý tưởng của một thời đại khi nước Mỹ trẻ trung và nồng nhiệt là niềm hy vọng của cả thế giới.

 



[1] Giáo sư Triết học Đại học Villanova

[2] William A. Hinds, American Communities and Co-operative Collonies (Chicago, 1908).

[3] Louisa May Alcott, “Transcendental Wild Oát, a Chapter from an Unwritten Romance”, từ Silver Pitchers, 1876. Tuyển tập được tìm thấy trong G.F.Whicher chủ biên, The Transcendentalist Revolt Against Materialism (Boston: D. D. Health, 1949), tr.94-105. Tác phẩm của Whicher là một trong các chuỗi đó, Problems in American Civilization, các bài đọc được tuyển lựa bởi Khoa nghiên cứu Mỹ, Amherst College, dưới sự chỉ dẫn của George R. Taylor.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt