Triết học Mỹ

Phong trào triết học St. Louis

PHONG TRÀO TRIẾT HỌC ST. LOUIS

DONALD A. GALLAGHER(*)

Nguyễn Thị Minh dịch

 


Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.


 

Bắt nguồn từ thành phố bên bờ sông Mississippi, phong trào này lan sang các thành phố khác ở vùng Trung Tây có số lượng lớn những người Đức định cư. Giống như chủ nghĩa siêu việt, Phong trào St. Louis đã được ca ngợi là trường phái triết học thực sự đầu tiên của Mỹ và “phương Tây”, đồng thời, giống như chủ nghĩa siêu việt, nó mang ơn châu Âu sâu sắc. Nó xứng đáng được công nhận là sự phát triển đáng kể đầu tiên ở “trung tâm” của đất nước và là một trong những nhân tố quan trọng nhất dẫn đến sự xuất hiện của một nền triết học Mỹ độc lập hơn.[1]

Ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm Đức đối với tư tưởng Mỹ có từ đầu thế kỷ, và như chúng ta đã thấy, nó bắt đầu trở nên ngày càng nổi bật hơn trong giới học thuật. Tuy nhiên, với phong trào St. Louis, tư tưởng Đức trở nên có tầm quan trọng quyết định trong sự phát triển của triết học Mỹ. Như H. G. Townsend quan sát, nó mang lại cho chúng ta gia tài của Hegel giống như chủ nghĩa siêu việt đã mang lại cho chúng ta gia tài của Kant.[2]

Một nhóm người ở St. Louis đã thành lập Hội triết học St. Louis vào năm 1866. Một bộ phận của cộng đồng này, câu lạc bộ Kant, bắt đầu nghiêm túc đọc các nhà duy tâm Đức, đặc biệt là Hegel, từ bản gốc. Hai nhân vật nổi bật là Henry Brokmeyer, một người nhập cư Đức tự học với kiến ​​thức kiệt xuất về Hegel và người Đức, người sau này trở thành thống đốc của Missouri, và William Torrey Harris (1835-1909), “thầy giáo Yankee”. Hiệp hội của họ đã dẫn đến việc thành lập Tập san triết học tư biện (Journal of Speculative Philosophy), hoạt động từ năm 1867 đến 1893, tạp chí triết học chuyên nghiệp đầu tiên tại Hoa Kỳ. Nhiều học giả tham gia phong trào này và đóng góp cho Tập san, đặc biệt là George Holmes Howison (1834-1916), để sau đó trở thành những nhà triết học hàng đầu trong giai đoạn sau.

Harris, người trong những năm sau đó đã tổ chức Trường phái triết học Concord nổi tiếng cùng với Bronson Alcott và là người với tư cách là ủy viên trưởng phụ trách về giáo dục Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đáng kể đến triết lý và thực hành giáo dục, là một người viết sung mãn với nhiều mối quan tâm khác nhau. Mặc dù người ta khó có thể đồng tình với phán đoán của ông rằng tinh thần của Brokmeyer đi theo trật tự của tinh thần Hegel, và mặc dù người ta khó có thể đánh giá Harris là một triết gia hạng nhất, những người này cùng các cộng sự của họ đã mở đường cho thời kì vĩ đại đang đến. Harris đã đúng khi nhấn mạnh rằng trước khi Mỹ có thể phát triển một triết học của riêng mình, trước tiên nó phải học hỏi từ các bậc thầy của mọi thời đại, và các trang sách của Tập san đã cung cấp lượng thực phẩm đáng kể từ các triết gia lớn, cổ đại cũng như hiện đại.

 



(*) Giáo sư Triết học Đại học Villanova

[1] Về một miêu tả phong trào St. Louis, xem “The St. Louis Philosophical Movement”, trong William T. Harris, Schaub chủ biên (Chicago: Open Court, 1936).

[2] H.G.Townsend, Philosophical Ideas in the United States, tr. 128-129.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt