Triết học Mỹ

Thời Khai minh ở Mỹ

THỜI KHAI MINH Ở MỸ

DONALD A. GALLAGHER(*)

Nguyễn Thị Minh dịch

 


Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.


 

Các nhà “Bách khoa toàn thư” (encyclopédistes) và “các triết gia” (philosophes) Pháp tiêu biểu cho trí thức của Thời đại Lý tính, mở rộng vượt ra khỏi Châu Âu đến Mỹ. Đối với người châu Âu, thì “hiện thân sáng suốt và dí dỏm” của thời đại, Benjamin Franklin, triết gia đơn sơ, lại tiêu biểu cho thời đại khai minh ở Mỹ. Franklin và những người giống như ông có bề rộng hơn là bề sâu. Họ hiếm khi là những nhà tư tưởng có được sự thức nhận siêu hình học sâu sắc. Trên hết, họ là những nhà đạo đức học và nhà tư tưởng chính trị. Họ là những người duy lý, xác tín cuồng nhiệt rằng năng lực của lý tính có thể đạt được tri thức trong mọi lĩnh vực và mở đường cho sự tiến bộ vô hạn của nhân loại. Ta chỉ cần lật đổ mọi sự mê tín và chính giáo lỗi thời để giải phóng tư duy của con người.

Tên tuổi của các đại diện hàng đầu của thời Khai minh ở Mỹ rất quen thuộc với chúng ta từ thông sử của Hoa Kỳ. Có Thomas Jefferson (1743-1826), “vị Tổng thống triết gia”, mà phẩm chất trí tuệ của ông sẽ được đánh giá đúng hơn nếu ông được coi là một chính khách với những mối quan tâm triết học và văn hóa rộng lớn, hơn là một triết gia chính trị bước vào hoạt động chính trị. Có Thomas Paine (1737-1809), người đã cống hiến rất nhiều vì sự nghiệp độc lập của Mỹ, là nhà thần luận “cấp tiến” nhất. Ethan Allen (1737-1789), nhà ái quốc ở Núi Xanh (Green Mountain) (còn gọi là Cộng hòa Vermont từ 1777-1791 khi Vermont thành bang thứ 14 của Hoa kỳ. ND), tiêu biểu cho cuộc nổi dậy chống lại thuyết Calvin được rất nhiều các nhà thần luận trình bày. Trong số những người theo chủ nghĩa tự nhiên của thời kỳ này (đôi khi được miêu tả như là những người duy vật và vô thần, mặc dù họ thường có kiểu suy nghĩ của một nhà thần luận), có Cadwallader Colden và bác sĩ nổi tiếng, Benjamin Rush.

Tuy nhiên, chính Franklin (1706-1790) là người đại diện nổi bật nhất cho ưu và khuyết của thời Khai minh. Ông góp phần vào sự thành lập và phát triển của nhiều định chế văn hóa ở Philadelphia, lúc bấy giờ là thành phố lớn thứ hai trong thế giới Anh ngữ và là trung tâm trí tuệ hàng đầu của các thuộc địa. Ông được vinh danh là người sáng lập Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, và nơi đó, ông cùng các cộng sự đã thành lập Hội triết học vào năm 1743.

Tư tưởng chính trị của thời Khai minh. Các mối quan tâm và nghiên cứu của những nhân vật này đã chạm đến hầu hết mọi lĩnh vực của tri thức và nỗ lực của con người. Mối quan tâm chính đối với triết học là các ý niệm chính trị và triết học tôn giáo. Đối với tư tưởng chính trị,, xin nói ngay rằng mặc dù có những điểm yếu nhất định trong triết học chính trị của mình, họ đã tìm ra một công cụ chính trị hợp lý và khả thi trong bản Hiến pháp (Constitution), được xếp vào trong số những thành tựu nổi bật của nhân loại. Nhờ có truyền thống chính trị của Pháp cũng như của Anh, họ đặt vấn đề của mình không chỉ trên truyền thống lâu đời của những quyền tự do của người Anh mà còn trên các quyền tự nhiên cơ bản của con người. Tư tưởng của họ có một số chỗ tương đồng với lý thuyết chính trị của triết học kinh viện, nhưng đến nay vẫn chưa được làm rõ và đánh giá đúng.

Thần luận tự nhiên (Deism). Triết học tôn giáo của thời Khai minh, học thuyết của nó liên quan đến tôn giáo tự nhiên, được nói gọn lại trong từ “thần luận tự nhiên” (deism). Hầu hết mọi nhà tư tưởng thời Khai minh đều là các nhà thần luận, mặc dù một số tuyên bố ít nhiều chính thức rằng mình gắn với một tín điều tôn giáo nào đó. Quan điểm của họ về Thượng Đế và sáng tạo khác nhau nhiều đến mức khó mà định nghĩa được thần luận tự nhiên một cách rõ ràng, dứt khoát. Nói các nhà thần luận chống lại cái gì thì dễ hơn là nói họ ủng hộ cái gì. Tuy nhiên, nguyên tắc hướng dẫn họ thì được chỉ ra rõ ràng trong tiêu đề của Ethan Allen Lý tính, Sấm ngôn duy nhất của con người (“Reason the Only Oracle of Man”). Chính tựa đề đó là một thách thức đối với học thuyết của Jonathan Edwards, biểu hiện trong: “Lý tính không đủ làm cái thay thế cho sự mặc khải”, và đối với tinh thần của thần học Edward, được thể hiện trong bài giảng của ông “Thiên Chúa được tôn vinh trong sự phụ thuộc của con người”.

Nhà thần luận chống lại mọi sự mặc khải siêu nhiên và bất cứ quyền uy nào yêu sách sự chuẩn y của đấng thiêng liêng trong các vấn đề tôn giáo. Ít nhất ở Mỹ, nhà thần luận thường là người được lớn lên trong truyền thống Calvin và trong phản ứng dữ dội chống lại nó.[1] Tuy nhiên, hầu hết các nhà thần luận có cách suy nghĩ bảo thủ, trong các vấn đề có ý nghĩa thực hành. Ben Franklin viết cho Tom Paine can ngăn ông xuất bản một tác phẩm có xu hướng phi tôn giáo, trong đó nói rằng, “Người phun nước bọt ngược chiều gió sẽ phun vô chính mặt mình”.

Bản thân Franklin vào năm 1790 cũng biểu hiện tín điều của mình như sau: “Tôi tin vào một Thượng Đế, người tạo ra vũ trụ. Rằng ngài cai quản nó bằng sự quan phòng. Rằng ngài phải được thờ phượng. Rằng sự phụng sự được chấp nhận nhất ta dành cho ngài là làm điều tốt cho những đứa con khác của ngài. Rằng linh hồn của con người là bất tử, và sẽ được đối xử công bằng trong một đời sống khác tương ứng với hạnh kiểm trong đời này ”[2]. Ông nghi ngờ về thần tính của Chúa Giê su nhưng đánh giá hệ thống đạo đức và tôn giáo của Ngài là các hệ thống tốt nhất mà thế giới từng thấy.

Một ít nhà thần luận, đặc biệt là Paine, đã kịch liệt tấn công vào tôn giáo định chế và các yêu sách của nó về sự chuẩn y thiêng liêng. Paine đã cống hiến rất nhiều để giúp đất nước non trẻ này giành được độc lập thông qua các tác phẩm chính trị, nhưng những lời phê bình của ông đối với Kinh thánh trong Thời đại lý tính thì không chỉ báng bổ mà còn bất công và hời hợt đến mức người ta đã phản ứng chống lại ông. Trong tác phẩm này, ông nói, “Tôi tin vào một Thượng Đế, và không gì hơn nữa; và tôi hy vọng vào hạnh phúc bên kia đời sống này. Tôi không tin vào tín điều của giáo hội Do Thái , giáo hội La Mã, giáo hội Thổ Nhĩ Kỳ, giáo hội Tin lành, hay bất kỳ giáo hội nào mà tôi biết. Tinh thần của tôi chính là nhà thờ của riêng tôi”[3].

Thomas Jefferson, mặc dù thường bị chỉ trích là một người vô thần và là người tự do về tư tưởng, thì ôn hòa hơn trong biểu hiện thần luận tự nhiên của mình. Năm 1833, ông viết cho John Adams, "Những mong muốn được thể hiện trong bức thư cuối cùng của ngài, rằng tôi có thể tiếp tục sống và mạnh khỏe cho đến khi tôi trở thành một người theo phái Calvin. . . sẽ làm cho tôi bất tử. Tôi không bao giờ có thể đồng ý với Calvin trong việc tiếp cận Thượng Đế của ngài ấy. Ngài ấy thực sự là một người vô thần, còn tôi không bao giờ có thể là người vô thần; hay đúng hơn, tôn giáo của ngài ấy là thờ ma quỷ (daemonism). Nếu từng có người tôn thờ một Thượng Đế giả, thì đó chính là ngài ấy”[4].

Elihu Palmer (1764-1806), trong lời tựa của Principles of the Deistical Society of the State of New York, thể hiện tinh thần Khai minh và các ý niệm thực ra là của tất cả các nhà thần luận khi ông nêu “các đề xuất thành lập một xã hội để thúc đẩy khoa học đạo đức và tôn giáo của tự nhiên - có quan điểm phá hủy mê tín và cuồng tín – hướng về sự phát triển của các nguyên tắc của một đạo đức tự nhiên chân chính - thực hành một đức hạnh tinh khiết và không hủ bại - sự trau dồi của khoa học và triết học - sự hồi sinh của lý tính và sự đổi mới của thế giới trí tuệ”.

Nhà thần luận nào chắc chắn cũng sẽ đồng tình với các nguyên tắc sau đây, được lấy từ Principles of the Deistical Society of the State of New York của Palmer:

“Rằng vũ trụ tuyên bố sự hiện hữu của một Thượng Đế tối cao, xứng đáng với sự tôn thờ của các hữu thể có trí tuệ.

“Rằng con người sở hữu những quan năng trí tuệ và đạo đức đủ để cải thiện bản tính của mình, và đạt được hạnh phúc.

“Rằng tôn giáo của tự nhiên là tôn giáo phổ quát duy nhất; rằng nó phát triển từ các mối quan hệ đạo đức của những hữu thể có trí tuệ, và rằng nó kết nối với sự tiến bộ không ngừng và phúc lợi chung của loài người.

“Rằng một tôn giáo mà lẫn lộn với sự bắt bớ và ác tâm thì không thể có nguồn gốc thiêng liêng.

“Rằng khoa học và chân lý, đức hạnh và hạnh phúc, là những đối tượng lớn mà hoạt động và sức sống của các quan năng của con người phải hướng tới.”[5]

Trong triết học tôn giáo của họ, các nhà thần luận, ở một mức độ mà họ không mơ tới, đã lặp đi lặp lại, trong các hình thức làm giảm giá trị, các ý niệm lấy từ thần học về sự sáng tạo mà họ đã chối bỏ. Họ thậm chí hẳn đã không thể trình bày được triết học về sáng tạo có phần ngây thơ của mình như họ đã làm nếu không nhờ có thần học và triết học Kitô giáo của tổ tiên họ.[6]

Việc các nhà thần luận nhấn mạnh vào sự khoan dung tôn giáo, mặc dù dựa trên một triết học khiếm khuyết về sự khoan dung, về lâu dài là có ích trong chừng mực nó hỗ trợ sự phát triển của một xã hội đa nguyên ở đất nước chúng ta (Hoa kỳ). Tuy nhiên, sự đóng góp bền bỉ của những con người thời Khai minh lại nằm ở trong lĩnh vực tư tưởng và hành động chính trị. Ngay cả đối với tư tưởng chính trị của họ, ta cũng dễ thất vọng nếu ta tìm đến các công trình của họ với mong đợi tìm thấy một triết học chính trị sâu sắc. Họ là những triết gia theo nghĩa “khai minh” của từ này, nhấn mạnh vào thực hành hơn là lý thuyết, rộng hơn là sâu, bao quát hơn là tập trung, khá hời hợt theo nghĩa đen nhưng những mối quan tâm của họ thì đủ để đáp ứng mọi bộ phận của thế giới con người. Dù họ có nhiều điểm yếu, song họ đã làm cho nhiều chính khách của chúng ta ngày nay có vẻ giống như những người lùn trong tầm nhìn toàn cầu và sự nắm bắt các nguyên tắc thực hành hướng đạo cho đời sống hàng ngày. Nhà triết học có thể đồng tình với H. W. Schneider rằng kể từ thời Hy Lạp, triết học hiếm khi nào có cơ hội thực hiện trách nhiệm công cộng lớn hơn thế.[7]

 


(*) Giáo sư Triết học Đại học Villanova

[1] Tất nhiên, nhiều người vốn là những người theo Tân giáo. Về các tiền sử của thần luận tự nhiên Mỹ, xem S.G.Hefellbower, John Locke and English Deism (Chicago: University of Chicago Press, 1918).

[2] Xem Muelder và Sears, op. cit., tr. 74-75.

[3] Tlđd, tr.95.

[4] Tlđd. Tr. 79.

[5] Tlđd, tr. 82-83.

[6] Xem E.Gilson, God and Philosophy (New Haven: Yale University Press, 1943), Ch.III.

[7] Xem H.W. Schneider, op.cit., trang 35. “Họ không có các hệ thống tư duy…; là tài liệu nghèo nàn cho lớp học, tuy nhiên, họ vẫn là những nguồn lực sống động cũng như biểu trưng kinh điển trong triết học Mỹ”. Phần II của công trình của Schneider là một thảo luận khái quát xuất sắc về mọi giai đoạn của tưởng thời Khai Minh.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt