Triết học lịch sử

"Bút ký sử học" của Mác (IV)

“BÚT KÝ SỬ HỌC” CỦA MÁC:

NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NÓ

TRONG HỆ THỐNG LÝ LUẬN MÁC XÍT

 

IV. ĐẶC ĐIỂM XÁC ĐỊNH THỜI GIAN NGHIÊN CỨU TRONG TẬP THỨ BA

VÀ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NÓ

 

PHÙNG CẢNH NGUYÊN

TỪ CHU

 


Trang Phúc Linh (chủ biên). Lịch sử chủ nghĩa Mác, tập 1. Chương XV: “Bút ký sử học” của Mác: Nội dung cơ bản và vai trò quan trọng của nó trong hệ thống lý luận Mácxít”. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 1065-1132). | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Việt Anh gửi.


 

Mục lục

1. Niên đại viết, phương pháp nghiên cứu và thời kỳ lịch sử

2. "Bút ký sử học" - tập thứ nhất

3. "Bút ký sử học" - tập thứ hai

4. "Bút ký sử học" - tập thứ ba

5. "Bút ký sử học" - tập thứ tư

 

1. Đặc điểm xác định khởi điểm lịch sử trong tập thứ ba

Việc xác định thời kỳ lịch sử được nghiên cứu trong tập thứ ba có liên quan tới nội dung nghiên cứu trong tập thứ hai, tức là việc xác định này phải dựa vào nội dung và tính chất của tập thứ hai và ba. Phần thứ nhất của tập thứ ba được mở đầu bằng một tiêu đề như sau: “(1) Henri VI và Étuốt IV (tiếp theo bên trên)”[1]. Tiết cuối cùng của tập thứ nhất cũng có tiêu đề như thế. Tiêu đề như nhau, nhưng thời gian khác nhau. Khởi điểm của tập thứ ba là “Năm 1460”, thời Henri VI và Étuốt IV. Quan hệ giữa chúng là: “Risác dòng họ Yoóc muốn làm quốc vương, khi này dòng họ Lankêxtơ đã cầm quyền được 60 năm”[2]. “Năm 1470”, đặc biệt là năm 1471 làm năm có liên quan tới Henri và Étuốt.

Nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử trong tập thứ ba là thông qua việc phân tích lịch sử thế giới để tìm hiểu nhân tố tư bản chủ nghĩa nảy mầm và phát triển lên như thế nào trong chế độ phong kiến đang lung lay, suy sụp. Nếu khi nghiên cứu thời kỳ cực thịnh và suy tàn của chế độ phong kiến, Mác chủ yếu lấy đế quốc La Mã thần thánh, tức là chủ yếu lấy lịch sử nước Đức, Italia làm hình thái điển hình, thì nghiên cứu sự nảy mầm và phát triển của các nhân tố tư bản chủ nghĩa, sự nghiên cứu của Mác chuyển sang nước Anh. Sự liên quan giữa Henri VI và Étuốt IV ở là quan hệ giữa hai dòng họ phong kiến lơn nhất ở nước Anh. Chính từ cuộc đấu tranh giành giật vương quyền ở nước Anh giữa hai dòng họ này mà nhân tố tư bản chủ nghĩa nảy mầm và dần dần phát triển lên, chủ nghĩa tư bản từ những mầm móng ban đầu phát triển thành hình thái điển hình và trưởng thành.

Tại sao Mác lại phân chia lịch sử đấu tranh của hai dòng họ này làm hai thời kỳ lịch sử để nghiên cứu? Bởi vì cuộc đấu tranh giành giật vương quyền giữa hai dòng họ này diễn ra liên tục gần 30 năm. Trong 30 năm ấy, chiến tranh và chính sách của (hai) dòng họ này có vai trò khác nhau đối với sự phát triển lịch sử. Vì thế mà Mác chú trọng nghiên cứu lịch sử và cuộc đấu tranh của hai dòng họ này.

2. Dòng họ “Hoa tường vi đỏ”, dòng họ “Hoa tường vi trắng” và cuộc “Chiến tranh hoa tường vi” (1455 – 1485)

Trong Bút ký sử học, Mác nghiên cứu lịch sử “dòng họ Lankêxtơ” (Hoa tường vi đỏ) và “dòng họ Yoóc” (Hoa tường vi trắng). Đối với hai dòng họ này, Mác chủ yếu nghiên cứu lịch sử đấu tranh giành giật vương quyền “bắt đầu ăn miếng trả miếng giữa “Hoa tường vi trắng” tức dòng họ Yoóc và “Hoa tường vi đỏ” tức dòng họ Lankêxtơ”[3].

Dòng họ Lankêxtơ lấy hoa tường vi đỏ làm biểu tượng, dòng họ Yoóc lấy hoa tường vi trắng làm biểu tượng. Sử sách gọi là cuộc đấu tranh giữa họ là cuộc “Chiến tranh hoa tường vi” (còn gọi là “Chiến tranh Hai đoá hoa hồng”). Trong 30 năm “Chiến tranh hoa tường vi” cả hai dòng họ đều thay nhau chiếm ngôi vua, thi hành chính sách khác nhau.

Chương cuối cùng tập thứ hai Bút ký sử học ghi: “Risác dòng họ Yoóc muốn làm quốc vương, bấy giờ dòng họ Lankêxtơ đã cầm quyền được 60 năm”. Người cầm quyền trong thời kỳ này là Henri V và Henri VI. Chính sách của dòng họ này thời Henri V là kiên trì đấu tranh với Pháp để đánh lạc hướng mâu thuẫn trong nước. Năm 1415, họ đã giành được thắng lợi đối với Pháp. Sau đó, Pháp dấy lên phong trào cần vương cứu quốc, Anh thua liên tiếp. Henri VI lên kế vị, tiếp tục tiến hành chiến tranh với Pháp. Bị thất bại nặng nề về quân sự, trong nước thuế khoá tăng lên không ngừng. Chẳng những nông dân phản đối, tầng lớp quý tộc mới và thị dân cũng bất bình. Năm 1450, nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân nổi tiếng do Giắc Cađơ lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa làm tăng thêm khó khăn đối với sự thống trị của vương triều phong kiến, không thể tiếp tục chiến tranh với Pháp. Trong tình hình đó, tầng lớp quý tộc mới và thị dân gửi gắm hy vọng vào việc thay đổi triều đại. Người ta bất bình đối với chính sách của vương triều Lankêxtơ, ủng hộ dòng họ Yoóc giành chính quyền.

Về giai cấp và chính sách trong nước, dòng họ Lankêxtơ chủ yếu dựa vào những quý tộc lớn ở các vùng kinh tế lạc hậu; còn dòng họ Yoóc thì thi hành một chính sách khác, được chúa phong kiến, quý tộc mới và thị dân ở những vùng kinh tế phát triển hơn ủng hộ. Dòng họ “Hoa tường vi trắng” đang muốn giành vương quyền, cuộc “Chiến tranh hoa tường vi” nổ ra trong bối cảnh đó.

Cuộc “Chiến tranh hoa tường vi” nổ ra năm 1455, công tước Risác dòng họ “Hoa tường vi trắng” cất quân chống Henri VI của dòng họ “Hoa tường vi đỏ”. Năm 1460, Risác qua đời. Tháng 3 năm 1461, con của Risác là Étuốt chiếm được Luân Đôn, phế truất Henri VI, giành được ngôi vua, lấy tên là Étuốt IV, lạp ra vương triều Yoóc trị vì nước Anh.

Tại sao tập thứ ba không lấy năm 1461 là năm thiết lập vương triều Yoóc làm khởi điểm lịch sử? Thời điểm lịch sử không phải được xác định vào lúc vương triều nào đó ra đời mà tuỳ thuộc vào chính sách mà vương triều ấy thi hành, vào những tầng lớp xã hội mà vương triều đó dựa vào và xu thế phát triển của xã hội. Sau khi được thiết lập, vương triều Yoóc “Hoa tường vi trắng” chỉ phế truất Henri VI, còn tình hình chính trị, kinh tế trong nước chẳng có gì thay đổi. Những người ủng hộ Henri VI vẫn hoạt động ở các nơi trong nước. Nội chiến diễn ra càng quyết liệt. Henri VI bị giam cầm trong nhà tù ở Luân Đôn. Với cuộc nội chiến ngày 13 tháng 10 năm 1470, Henri VI “lại lên ngôi”. Do đó, sau năm 1470 – 1471 là năm mấu chốt của cuộc đấu tranh giữa hai dòng họ đối địch nhau này.

Tháng 4 năm 1471, trong một cuộc chiến đấu lớn, Étuốt IV đại thắng. “Tháng 5, Étuốt tiến vào Luân Đôn, Henri VI bị xử tử ngay trong nhà tù Luân Đôn[4]. Trong cuộc đấu tranh giữa hai dòng họ, đặc biệt là trong các chiến dịch vào những năm cuối cùng, “Étuốt kêu gọi thuộc hạ chỉ giết kỵ sĩ và nam tước, không động đến dân thường”[5]. Do vậy, Étuốt IV được nhân dân ủng hộ, khi tiến vào Luân Đôn được hoan nghênh. Sau khi giành được vương quyền, Étuốt thi hành một số chính sách mới, về chính trị thì chú trọng trị an, tiếp tục đánh vào tàn dư thế lực của Lankêxtơ. “Ông ta trừng trị thổ phỉ một cách tàn ác: Bấy giờ ở các nơi trong cả nước có một loạt thổ phỉ, chúng tập hợp với nhau thành từng tốp, đều là những tên lính già và những tên kỵ sĩ sống bằng cướp bóc”. Về kinh tế, Étuốt cho tịch thu lãnh địa của nhiều quý tộc, đồng thời, “nhiều vương công thường xuyên phải nộp “tiền phạt” cho ông ta; nghị viện bỏ phiếu thông qua đạo luật quy hoàn, dựa vào đạo luật này, hiện nay ông ta đã có thể thu hồi được của cải mà trước đây ông ta đem ban thưởng, tất nhiên là số lượng rất lớn”[6]. Đặc biệt chỉ cần chỉ ra rằng, thông qua công việc lập pháp, ông ta đã ban hành nhiều sắc lệnh bảo vệ công thương nghiệp. Tất cả những điều này chỉ được bắt đầu thực hiện từ năm 1471, sau khi Étuốt đã thực sự nắm được vương quyền. Do vậy, khởi điểm lịch sử trong tập thứ ba là vào năm 1470 – 1471, tức là vào thời gian quyết chiến trong hai năm này, khi Étuốt đã thực sự cầm quyền, thi hành một loạt chính sách mới.

3. Chính sách của Étuốt IV và Henri VII, cuộc “cách mạng xã hội” bắt nguồn từ những chính sách ấy

Cuộc “Chiến tranh hoa tường vi” bắt đầu từ năm 1455, kết thúc năm 1485. Khi cuộc chiến tranh diễn ra tới năm thứ 16, Étuốt mới thật sự nắm chắc được chính quyền, cuộc cách mạng xã hội mới thực sự bắt đầu. Những mâu thuẫn mới do chính sách của Étuốt gây ra lại đưa tới cuộc đấu tranh của dòng họ Lankêxtơ. Năm 1485, Étuốt bị lật đổ, dòng họ Lankêxtơ giành được ngôi báu, sử sách gọi là triều đại Henri VII. Tiếp thu bài học quá khứ, Henri VII thi hành chính sách cải cách xã hội. thời Étuốt và Henri VI kế tiếp nhau là thời kỳ chủ nghĩa tư bản manh nha và phát triển ở Anh, có vai trò lịch sử nhất định.

Khi tìm hiểu chủ nghĩa tư bản phát sinh, phát triển ở Anh, Mác đặt trọng tâm phân tích chính sách tiến bộ của dòng họ “Hoa tường vi trắng” và “Hoa tường vi đỏ” khi họ thay nhau lên cầm quyền. Khi phân tích chính sách của hai dòng họ này, Mác ghi đề mục nổi bật là “cách mạng xã hội”. Ở đây, cách viết không giống như cách viết trong Bút ký sử học. Cách viết đó ghi nổi bật ngày tháng ở bên trái mỗi trang bút ký, sau đó ghi tư liệu lịch sử hoặc lời bình. Còn khi nói về ý nghĩa xã hội cả chính sách của hai dòng họ hoa tường vi trắng và đỏ, thì phần lớn nêu bật vấn đề cần nghiên cứu, chứ không phải thời gian ở bên trái mỗi trang bút ký. Làm như thế giúp chúng ta thấy rõ được điểm nút chung về sự phát sinh và phát triển của các nhân tố tư bản chủ nghĩa ở Anh. Sự phân tích của Mác phản ánh những mặt sau đây:

Một là, về mầm mống của chủ nghĩa tư bản và chính sách của quốc vương, ông vạch ra rằng: “Trong thời kỳ nội chiến, có khoảng 1/5 ruộng đất dần thuộc về sở hữu của quốc vương. Kể từ thời Étuốt I, Étuốt IV và Henri VII là hai quốc vương có quyền thế nhất, không những thế, so với những tiền bối kể từ Henri II trở đi, họ càng giàu có hơn”[7]. Đặc biệt đối với Étuốt IV, Mác viết rằng: “Étuốt IV đã nhanh chóng – dùng các loại thuế quan để cung cấp cho quốc vương hưởng thụ suốt đời – mở ra nguồn thu của cải … sau đó, ông ta tích luỹ được của cải bằng cách tịch thubuôn bán lớn, những chiếc thuyền chở đầy những thỏi chì, lông cừunhung lụa đã làm cho vị quốc vương đi buôn này được mọi người ở các bến cảng Italia và Hy Lạp ai ai cũng biết tên. Henri VII cũng vậy, ông ta đích thân ghi vào sổ các khoản tiền trưng thu của các người định làm phản ở các quận miền Tây”. Trong đó, đặc biệt là Étuốt IV, ông ta coi trọng và nâng đỡ sự ra đời và phát triển của các công trường thủ công, mầm mống chủ nghĩa tư bản. “Mầm mống công trường thủ công cũng được phản ánh trong nhiều sắc lệnh bảo hộ do cơ quan lập pháp của Étuốt IV ban hành … số người thuộc giai cấp thực nghiệp rất đông”.

Hai quốc vương này có một đặc điểm chung là: thôn tính nhiều đất đai thông qua chinh chiến; dùng thuế quan để mở rộng nguồn của cải, khuyến khích công thương nghiệp, phát triển mậu dịch đối ngoại. Chính sách của họ có tác dụng “cách mạng xã hội”.

Hai là, “cách mạng xã hội” với mầm mống tư bản chủ nghĩa và với những thay đổi về giai cấp trong xã hội.

Trong Bút ký sử học dưới đề mục “cách mạng xã hội”, Mác viết: “Thời kỳ này, của cải và công nghiệp ở các nơi đều tăng. Số người và số của cải của các nghiệp chủ nhỏ ở các quận ngày càng nhiều; theo đà phát triển mậu dịch, tầng lớp thị dân cũng phát tài lớn … của cải nhiều hay ít quyết định địa vị quý tộc cao hay thấp”. Mác mượn lời người khác để chỉ ra rằng: “Những quý tộc có thu nhập dồi dào được kính trọng nhất, người người đều đi buôn, bán lông cừu và súc vật của mình, và không cho rằng làm nông nghiệp là việc thấp hèn”. Ông chỉ ra thêm rằng, nước Anh lúc đó là trung tâm đã là trung tâm mậu dịch đối ngoại quốc tế, “nền mậu dịch đối ngoại Anh vốn vẫn phải qua tay người Italia, thương nhân Hansa, người Gataluna và người Gallia*, nay đã dần dần trở về tay người Anh đang trú tại Phlorenxia và Vơnidơ. Có những thương thuyền đã có mặt tại biển Bantích”. Ở đây, Mác phân tích giai cấp đang lớn lên. Ông vạch ra rằng, thời kỳ này đã có những tầng lớp và giai cấp đang ở tình cảnh phá sản và mất đi. “Kỳ thực, những kẻ bị phá sản và biến mất chủ yếu là những tên quý tộc vinh hiển và bọn gia thần phong kiến của chúng”. Ở đây, thực tế là Bút ký sử học phân tích tình hình các giai cấp trong thời kỳ diễn ra cuộc “Chiến tranh hoa tường vi”. Những quý tộc có quyền thế tranh giành nhau quyền lực, những hầu tước có kiến thức chẳng những coi trọng quyền lực mà còn chú trọng sự nghiệp tiến bộ xã hội, như phát triển công thương nghiệp và mậu dịch đối ngoại. Trong quá trình đó, có giai cấp, tầng lớp, đã phát triển, có giai cấp và tầng lớp bị suy tàn đi. Mác còn chú ý phân tích tình hình của một số giai cấp. Trong cuộc chiến tranh lâu dài, những giai cấp này có thái độ khác, nó phát triển lên dần dần, đó là “giai cấp thực nghiệp và giai cấp địa chủ về cơ bản là bàng quan”[8]. Hai giai cấp này không có khả năng giành quyền lực chính trị, chỉ tìm cách sinh sống và phát triển trong hoàn cảnh loạn lạc ấy.

Ba là, những mầm mống chủ nghĩa tư bản với những phong trào “rầm rộ”. Trong bộ Tư bản, khi phân tích tích luỹ ban đầu tư bản ở Anh, Mác đặc biệt chú ý tới phong trào rầm rộ “cừu ăn thịt người”. Trong Bút ký sử học, Mác phân tích cụ thể nguyên nhân tích luỹ ban đầu tư bản chủ nghĩa. Mác cho rằng, ngành dệt ở Anh phát triển làm cho giá lông cừu tăng lên. “Giá lông cừu tăng lên lại thúc đẩy nông nghiệp biến đổi”. Sự “biến đổi này” là điều Mác muốn nói về phong trào “rầm rộ” tích luỹ ban đầu tư bản chủ nghĩa. Phong trào này do thương nhân dấy lên trước tiên, “sự biến đổi này là những mảnh đất nhỏ được gộp lại, nghề nuôi cừu quy mô lớn ra đời. Với của cải ngày càng tăng, giai cấp thương nhân đã thúc đẩy sự thay đổi này. Nhiều thương nhân bỏ vốn vào ruộng đất, những … người này không khư khư bảo thủ, cũng bất chấp thể diện cá nhân, họ thả sức đẩy những người Phécmiê chủ nông trại nhỏ ra khỏi ruộng đất của họ”. Cách xua đuổi là tăng địa tô. “Tăng địa tô buộc người ta phải rời bỏ ruộng đất, xua đuổi và bắt bớ[9]. Những con người bất hạnh bị mất ruộng đấy này “phải rời bỏ quê hương, thậm chí chẳng biết đi đâu. Họ buộc phải bán cái túp lều tranh đi rồi, kết quả là chẳng còn chốn nương thân, lang thang khắp nơi, bị tống vào nhà giam, sống bằng ăn xin hoặc trộm cắp”[10].

4. Những mầm mống tư bản chủ nghĩa và việc tìm ra châu lục mới của Côlômbô

Sự nảy sinh và phát triển của mầm mống tư bản chủ nghĩa ở châu Âu diễn ra trong tình hình mâu thuẫn sau: một mặt, sự xuất hiện của các mầm mống đó bị vương quyền phong kiến của các nước chủ yếu bóp nghẹt; nhưng mặt khác, sự bóp nghẹt này và cuộc xâu xé lẫn nhau giữa các vương quyền lại thúc đẩy mầm mống này phát triển. Trong Bút ký sử học, Mác đã chú trọng phân tích mâu thuẫn ấy khi lấy nước Cộng hoà Vơnidơ làm dẫn chứng. Những nhân tố tư bản chủ nghĩa xuất hiện sớm nhất không ra đời ở nước Anh, mà ở Italia, đặc biệt là Vơnidơ. Sự ra đời của nhân tố tư bản chủ nghĩa ở châu Âu đe doạ sự tồn tại của vương quyền phong kiến, đồng thời cũng là một thách thức đối với thế lực tôn giáo; vì vậy, nó bị vương quyền và thế lực tôn giáo cùng phối hợp tiến công. Mác phân tích: “Lâu nay, Vơnidơ, cáicường quốc châu Âunày có ảnh hưởng hơn nước Đức. Điều đó làm cho Mácxi (hoàng đế đế quốc Đức), và cả quốc vương Aragông, quốc vương Phrăngcơ và Giáo hoàng Giuliôxơ II vô cùng tức giận, đó là nguyên nhân ra đời Liên minh chống Vơnidơ**. Các nước quân chủ trong đại lụcvào đánh các nước cộng hoà buôn bán giỏi này[11]. Sự phân tích của Mác là điều dễ hiểu. Mác chỉ ra rằng, điều kiện chiến tranh liên miên và cát cứ phong kiến có lợi cho sự phát triển của nhân tố tư bản chủ nghĩa: “Thời gian nổ ra cuộc chiến tranh của các vương quyền chống thực lực tư bản mà Vơnidơ là đại biểu này trùng khớp với thời gian nhân tố mới đang công khai phát huy tác dụng (việc phát hiện ra mỏ vàng mỏ bạc ở thuộc địa, ở châu Mỹ; trong nước có nhu cầu cung cấp tiền để duy trì quân thường trực, v.v…). Mục đích của cuộc chiến tranh này là nhằm loại trừ tai nạn tư bản, tức là tai nạn của giai cấp tư sản, đè bẹp các nước quân chủ thoát thai từ nhà nước phong kiến, và vẫn còn tàn dư phong kiến này”[12].

Để làm rõ hơn nữa tác dụng của những nhân tố mới trong Bút ký sử học có một chi tiết nghiên cứu riêng: “Việc tìm ra châu Mỹ của Crixtôphơ Côlômbô”. Do nền kinh tế hàng hoá phát triển, việc chi tiêu của nhà nước và chỉ tiêu riêng của các vương công quý tộc tăng lên; do cần vàng bạc để đúc tiền, xã hội châu Âu lên cơn khát vàng cháy bỏng. Bởi vậy, việc vượt biển đi tìm vàng trở thành hoạt động mạo hiểm của thương nhân, của các nhà hàng hải, của các chua phong kiến ở châu Âu. Mác ghi chép chi tiết các tài liệu nói về những nơi mà Côlômbô bốn lần vượt biển đặt chân tới và những hoạt động của ông. Trước và sau Côlômbô đều có người vượt biển để tìm lục địa mới. Ở đây, cái mà chúng ta quan tâm là ý nghĩa xã hội của việc vượt biển này trong việc tìm ra châu Mỹ, chủ yếu có hai điểm như sau:

Một là, việc phát hiện ra đường biển mới đã làm cho con đường thương mại và trung tâm thương mại của châu Âu chuyển từ vùng Địa Trung Hải sang dọc bờ Đại Tây Dương. Vai trò thương mại của các thành phố ở Italia dần dần bị Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Luân Đôn của nước Anh thay thế, nhịp độ buôn bán quốc tế tăng lên mạnh mẽ.

Hai là, việc cướp vàng và sử dụng nhiều lao động không công ở châu Mỹ đã gây ra cuộc “cách mạng về giá cả” ở châu Âu. Kết quả của cuộc cách mạng này là thúc đẩy kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Bởi vì, vàng bạc giá rẻ không ngừng chảy vào thị trường châu Âu, sự tăng lên tương ứng của vật giá, đã tạo nên “cuộc cách mạng về giá cả”. Cuộc cách mạng này có tác động rất lớn đối với sự sụp đổ chế độ phong kiến và đối với cả địa vị các giai cấp trong xã hội. Giá cả tăng lên thì đời sống của công nhân làm thuê ở thành thị giảm xuống. Điều này giúp cho giai cấp mới vừa thuê được sức lao động giá rẻ, vừa bán được hàng hoá với giá không ngừng tăng lên, thu được lãi lớn. Giai cấp địa chủ phong kiến trong khi vẫn theo phương thức truyền thống thu địa tô tiền theo định mức, nhưng giá cả hàng hoá ngày càng tăng, thu không đủ chi, không đủ sức cạnh tranh với giai cấp tư sản. Cách mạng về giá cả là một trong những nhân tố tích luỹ ban đầu ban đầu tư bản chủ nghĩa đã đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ phong kiến và sự phát triển quan hệ tư bản chủ nghĩa ở châu Âu.

5. Cuộc đấu tranh của vương quyền chống thực lực tư bản và cuộc cải cách tôn giáo ở châu Âu

Khi phân tích việc các vương quyền liên minh tiến công “thế lực tư bản”, Mác đồng thời còn xem xét cuộc đấu tranh khác, tức là phản ánh cuộc cải cách tôn giáo trong nội bộ tôn giáo. Bút ký sử học chỉ rằng, vương quyền đấu tranh chống thế lực tư bản mới lên là “nhằm mục đích loại trừ tai hoạ tư bản, tức là giai cấp tư bản”; cuộc đấu tranh này, “được biểu hiện về mặt tôn giáo là cuộc đấu tranh trong toà thánh và cuộc cải cách tôn giáo”[13]. Để nghiên cứu quan hệ giữa cuộc cải cách tôn giáo với cuộc đấu tranh của vương quyền chống các mầm mống tư bản chủ nghĩa, Mác đã nghiên cứu chuyên về sự phát sinh, phát triển và hậu quả của cuộc cải cách tôn giáo ở châu Âu.

Phong trào cải cách này bắt đầu từ thời Máctin Luthe; nguyên nhân trực tiếp của cuộc cải cách là việc giáo hội La Mã “bán bùa xá tội ở các nơi tại Đức”[14]. Trước ngày lễ giáng sinh năm 1517, Luthe đã dán “Luận cương 95 điều[15] ở cửa chính giáo đường Víttenbéc mở màn cải cách tôn giáo ở Đức. “Luận cương này lập tức lan truyền khắp châu Âu”[16], từ đó cuộc cải cách tôn giáo toàn châu Âu bắt đầu. Sau khi Luthe khởi xướng cải cách tôn giáo, phong trào cải cách tôn giáo nổi lên cuồn cuộn tại các nước khác ở châu Âu.

Xét về mặt giáo lý, cuộc cải cách tôn giáo do Luthe khởi xướng không khác nhiều so với giáo lý Thiên chúa giáo, nó vẫn thừa nhận “Kinh thánh” là gốc và căn cứ duy nhất của giáo lý, nhưng chống lại tập quán truyền thống của Thiên chúa giáo. Về mặt tổ chức giáo hội, “Luthe phản đối sự thống trị của giáo hoàng La Mã, đòi trao giáo hội cho nhà nước (quân chủ thế tục) quản lý, đồng thời đòi đơn giản hoá các nghi thức tôn giáo, không bắt các tăng lữ sing sống (ở) các nhà thờ, tu viện, cho phép giáo sĩ kết hôn. Hiển nhiên các biện pháp cải cách đụng chạm đến giáo hoàng. Ông bị giáo hoàng lên án và bị khai trừ khỏi giáo hội”[17]. Nhưng các cải cách của Luthe phù hợp với lợi ích của nhà cầm quyền thế tục, đặc biệt là có lợi cho một số chư hầu của Đức lúc bấy giờ. Do đó, Luthe được nhà cầm quyền thế tục bảo vệ, hơn nữa “mọi chư hầu và quý tộc ở Đức đã sử dụng học thuyết của Luthe[18]. Cuộc cải cách  tôn giáo do Luthe khởi sướng từ Đức lan ra nước ngoài và thu được kết quả bước đầu. “Tháng 10 năm 1529, lần đầu tiên Luthe không mặc áo thụng mà mặc “áo pháp y của mục sư” để đi giảng đạo”[19]. Mác cho rằng: “Điều chủ yếu trong thành công của cuộc cải cách tôn giáo của Luthe do quốc hữu hoá tài sản của giáo hộimột số gia đình kỵ sĩ và dòng họ chư hầu được lợi[20].

Nói chung, cuộc cải cách tôn giáo của Luthe có tính chất bảo thủ, chỉ chống lại giáo hoàng và toà thánh, chứ không chống vương quyền phong kiến. Kết quả cải cách chỉ có thể là chuyển quyền lực và tài sản của giáo hội vào tay chính quyền thế tục, do đó tăng cường vương quyền phong kiến. Do vậy, Mác gọi Luthe là “nô tài của các chư hầu”. Nhưng cuộc cải cách của Luthe đã mở ra một cuộc cải cách tôn giáo có quy mô lớn hơn, sâu sắc hơn sau này. Sau cuộc cải cách của Luthe, toàn châu Âu đã dấy lên một làn sóng cải cách tôn giáo rộng lớn. Xét về diện rộng hay về mức độ sâu sắc, làn sóng cải cách này đều vượt xa cải cách của Luthe, khiến vơng quyền phong kiến thế tục run sợ.

Về mức độ sâu sắc, cuộc cải cách có tính chất bảo thủ của Luthe dần dần được thay thế bằng những hành động của phái cấp tiến. Giáo phái Luthe chia thành hai phái: cấp tiến và ôn hoà. Phái cấp tiến do Xvinhli làm đại biểu là chủ yếu, năm 1522, ông thực hiện cải cách tôn giáo tại Thuỵ Sĩ. “Những cải cách này cấp tiến hơn nhiều so với ở Đức”[21], không những cải cách nghi thức tôn giáo mà còn cải cách cả việc phân phối tài sản của giáo hội Thiên chúa giáo, những tài sản này “không giao cho kỵ sĩ và quý tộc như ở Đức, mà dùng làm nơi ở, bệnh viện, trường học, viện thần học cho bần nông[22].

Nhân vật có ảnh hưởng nhất, quan trọng nhất trong cuộc cải cách tôn giáo suốt cả thế kỷ XVI là Canvanh. Canvanh ngay từ đầu đã ủng hộ cuộc cải cách tôn giáo của Luthe, nhưng ông cho rằng giáo lý do Luthe khởi sướng không rõ ràng, do vậy, ông là người đầu tiên khởi sướng và chỉ đạo tư tưởng cải cách tôn giáo ở Pháp. Canvanh cho rằng, mọi tín đồ trong lòng ngưỡng mộ thượng đế đều là “những người dân được lựa chọn” của thượng đế, tín đồ phải gạt bỏ mọi trở ngại, chịu thương chịu khó phấn đấu, thực hiện sứ mệnh do thượng đế giao phó. Canvanh đề cao lối sống cần kiệm nghiêm túc, cho rằng tài sản tư hữu là thiêng liêng bất khả xâm phạm, rằng phát tài làm giàu là “thiên chức” (Calling) vẻ vang của tín đồ. Canvanh còn miệt thị những thứ quyền uy của giáo hội và đời thường. So với tư tưởng cải cách của Luthe, tư tưởng cái cách của Canvanh có tính cách mạng và tính chiến đấu hơn. Do vậy, Ăngghen từng nói: “Tín điều của Canvanh phù hợp với những kẻ dũng cảm nhất trong giai cấp tư sản bấy giờ”[23].

Ở Đức, sau 40 năm chiến tranh giữa tôn giáo cũ và tôn giáo mới, cuối cùng cái gọi là “Hoà ước tôn giáo Auxbuốc” được ký kết vào năm 1555. Hoà ước nay quy định: “các quan chức của đế quốc không được lợi dụng … tín ngưỡng tôn giáo, hoặc giáo lý và tôn giáo nói chung để can thiệp vào công việc của người khác; chẳng những các chư hầu, mà cả nam tước và kỵ sĩ của đế quốc, các thành thị tư do của đế quốc, các kỵ sĩ, các thành thị, các công xã của các chư hầu là tín đồ thiên chúa giáo, đều có quyền độc lập về tôn giáo”[24]. Trong hoà ước còn quy định các tín đồ mới và cũ nhất loạt bình đẳng về quyền lực chính trị.

Cải cách tôn giáo ở Anh có một số nét đặc thù. Trong thời kỳ cải cách tôn giáo, Chính phủ Anh áp dụng một chính sách từ trên xuống dưới. Như vậy, ở Anh đã lập ra giáo hội của các quốc gia độc lập do vương quốc Anh đứng đầu. Các tín đồ Thiên chúa giáo bị bức hại. Năm 1532, quốc vương nướcAnh, Henri VIII (1491 – 1547) “dùng thẩm phán toà án để đe doạ các chức sắc Thiên chúa giáo, nói rằng họ (phá hoại pháp quy “vương quyền”) … để khỏi bị đưa ra toà lần này, họ phải nộp cho Henri VIII 10 vạn bảng Anh, phải thừa nhận Henri VIII là người bảo vệ và đứng đầu giáo hội nước Anh”[25]. Elidabét (1558 – 1603) lên cầm quyền, tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tôn giáo của Henri VIII. Lúc này, “hầu như toàn bộ các cố đạo Thiên chúa giáo ở nước Anh đều bị tiêu diệt”[26]. Đồng thời, quốc vương nước Anh và giáo hội quốc giáo của họ còn dùng mọi thủ đoạn ngăn chặn và đàn áp Thanh Giáo từ Xcốtlen và Hà Lan truyền vào. Elidabét lại là “kẻ tử thù của tín đồ Thanh Giáo”[27]. Trong thời kỳ Elidabét cầm quyền, các tín đồ Thanh Giáo cũng bị chém giết đẫm máu. Những năm 60 thế kỷ XVI, Thanh Giáo xuất hiện với tư cách là quốc giáo, chủ trương dùng tôn giáo “Canvanh” để “làm thuần khiết” quốc giáo. Những năm 70 – 80 của thế kỷ XVI, số tín đồ Thanh Giáo tăng mạnh, họ tách khỏi quốc giáo, lập ra tổ chức tôn giáo riêng. Do tín đồ Thanh Giáo ở Anh phát triển, điều đặc biệt quan trọng là các tín đồ Thanh Giáo dần dần nắm được công thương nghiệp của nước Anh, họ đã bắt đầu chiếm được số ghế quan trọng trong nghị viện Anh.

 

 



[1] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.3, tr. 3.

[2] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.2, tr. 239.

[3] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.4, tr. 241.

[4] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.3, tr.4.

[5] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.4, tr.246.

[6] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.3, tr. 5.

[7] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.4, tr. 242.

* Galaluna và Gallia: các dân tộc sống ở vùng giữa sông Pô và dãy Anpơ thời cổ.

[8] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.4, tr.244.

[9] Bút ký sử học, tập 4, tr.244.

[10] Bút ký sử học, tập 4, tr.244.

** Liên minh này và cuộc chiến tranh chống Vơnidơ do giáo hoàng đứng ra tổ chức. Giáo hoàng khai trừ nước cộng hoà này ra khỏi giáo hội, còn mục đích của các quốc vương khác là dung chiến tranh để phân chia Vơnidơ.

[11] Bút ký sử học, t.3, tr. 60.

[12] Bút ký sử học, t.3, tr.60.

[13] Bút ký sử học, t.3, tr.60.

[14] Bút ký sử học, t.3, tr. 91.

[15] Bút ký sử học, t.3, tr. 91.

[16] Bút ký sử học, t.3, tr. 91.

[17] Bút ký sử học, t.3, tr. 94.

[18] Bút ký sử học, t.3, tr. 95.

[19] Bút ký sử học, t.3, tr.111.

[20] Bút ký sử học, t.3, tr. 111.

[21] Bút ký sử học, t.3, tr. 391.

[22] Bút ký sử học, t.3, tr. 391.

[23]  Ph.Ăngghen: Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, tiếng Trung Quốc, Nxb Nhân dân, 1992, tr.21.

[24] Bút ký sử học, t.3, tr. 169.

[25] Bút ký sử học, t.3, tr. 134.

[26] Bút ký sử học, t.3, tr. 239.

[27] Bút ký sử học, t.3, tr. 229.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt