Triết học lịch sử

Khái niệm "Sử luận" trong Sử học

 

KHÁI NIỆM SỬ HỌC

SỬ LUẬN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                               

 

HARRY RITTER(*)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Harry Ritter. 1986. “Historiography”. In Dictionary of concepts in history. New York: Greenwood Press, pp. 188-192.


 

SỬ LUẬN (Anh: Historiography). 1. Lịch sử thành văn; lối viết sử. 2. Ngành nghiên cứu sự phát triển của sử học; lịch sử sử học như là một ngành học thuật tổng quát, hay lịch sử của sự diễn giải lịch sử về các giai đoạn và các vấn đề cụ thể.

Sử luận được các nhà sử học nói tiếng Anh dùng theo hai nghĩa: nghĩa rộng, lịch sử thành văn nói chung hay hành vi của lịch sử thành văn (nhà sử luận cũng có nghĩa là nhà sử học, nhưng nay ít dùng); và nghĩa hẹp hơn, thuật ngữ dùng để chỉ bộ môn nghiên cứu về lịch sử lối viết, các phương pháp, sự diễn giải và tranh cãi trong sử học (Hexter, 1967: 3). Nghĩa thứ nhất có lâu đời hơn nghĩa thứ hai nhiều; trong tiếng Anh, cách dùng chữ sử luận theo nghĩa truyền thống là “lịch sử thành văn” xuất hiện ít nhất từ thế kỷ 16. Từ điển tiếng Anh Oxford, quả thực, chỉ đưa ra duy nhất mỗi định nghĩa này, với mốc thời gian được biết đến sớm nhất là năm 1569. Các nhà sử học tiếp tục dùng chữ sử luận theo nghĩa này một cách khá thường xuyên, mặc dù ở mức độ đáng kể nó phải được thay thế bằng chữ ngắn hơn, dù đầy tham vọng, là lịch sử[1] (chữ này có thể dùng để chỉ diễn trình của các sự biến của con người hoặc các nghiên cứu bằng chữ viết về diễn trình các sự biến). Nghĩa thứ hai, nghĩa kĩ thuật, đã trở nên thông dụng từ đầu thế kỷ 20, khi sự đánh giá cao lịch sử của nền sử học tăng lên (ví dụ, Flint, 1874; Robinson, 1912) và sự chuyên nghiệp hóa đã dẫn đến những lối diễn giải xung đột, đến lượt nó, dẫn đến nhu cầu cần có một thuật ngữ chuyên biệt để chỉ bộ môn nghiên cứu về sự tranh cãi trong sử học.

Mặc dù cách dùng kĩ thuật của từ này gần đây mới có, ý niệm về việc nghiên cứu nền học thuật lịch sử về mặt lịch sử thì chẳng có gì mới mẻ. Polybius (khoảng 203-khoảng 120 TCN), chẳng hạn, đã khảo sát và phê phán các công trình trước ông về lịch sử La Mã (Barnes, [1937] 1962: 399), và các nhà nhân văn thời Phục hưng đã nghiên cứu các nhà sử học cổ điển thời Hy Lạp và La Mã từ quan điểm lịch sử. Năm 1599, nhà bác học người Pháp là Lancelot Voisin de la Popelinière thậm chí đã cho xuất bản một “lịch sử các lịch sử” (Histoire des Histoires, avec l’idée de l’histoire accomplie) (Buttterfiel, 1955: 2). Tuy nhiên, trước thế kỷ 18 những nỗ lực như thế cũng chẳng hơn gì so với việc đưa ra các danh mục biên niên các nhan đề và các tác giả. Chủ yếu là trong số các nhà sử học Đức cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở trường Đại học Göttingen – J. G. Gatterer, August Ludwig Schözer, Friedrich Ruhs, Friedrich Creuzer, và Ludwid Wachler – mà ý niệm về lịch sử phân tích và phê phán của nền học thuật lịch sử được kết tinh. Ý niệm này đạt tới đỉnh điểm trong công trình Geschicte der historichen Forschung und Kunst seit der Wiederstellung der literärischen Cultur in Europa / Lịch sử Nghiên cứu sử học và Nghệ thuật kể từ thời Phục hồi văn hóa văn học ở châu Âu (1812-20) của Wachler, và sau này là công trình Geschite der deuschen Historiographie seit dem Auftreten des Humanimus  / Lịch sử Sử luận Đức từ khi xuất hiện chủ nghĩa nhân văn (1885) (Butterfield, 1955: 4-22).

Cách dùng chuyên môn của người Anh và Mỹ về từ này dường như bắt đầu khoảng năm 1900 như là một tác dụng phụ gián tiếp của cách dùng trong ngôn ngữ Đức. Thuật ngữ Historiographie thường được các nhà sử học nói tiếng Đức cuối thế kỷ 19 dùng để chỉ lịch sử (chẳng hạn Wegele, 1885; Wyss, 1895. Vào năm 1911, nhà sử học Thụy Sĩ là Eduard Fueter đã xuất bản một cuốn sách đầy ảnh hưởng là Geschichte der neueren Historiographie, ông gọi tác phẩm này là “lịch sử lối viết sử Âu châu” ([1911] 1968: v), Fueter và các học giả nói tiếng Đức khác tiếp tục dùng chữ sử luận theo nghĩa truyền thống (tức là đồng nghĩa với chữ lối viết sử, hay Geschichtsschreibung), nhưng ví dụ của họ lại xác lập một mối liên kết mật thiết giữa “sử luận” với sự phân tích về lối viết sử và các phương pháp. (Ngày nay, Historiographie chủ yếu hình như đã giữ lại nét nghĩa truyền thống của nó ở Đức, thậm chí ở một số các nhà sử học; trong cuốn từ điển các từ ngữ chuyên môn của mình, Bayer [1974], chẳng hạn, bàn luận chữ Historiographie trong mục từ Dasterllung [Biểu tượng], ông định nghĩa là nó “thường đồng nghĩa với Geschichtsschreibung, Historiographie”). Cách dùng của tiếng Đức đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến các nhà sử học Anh như G. P. Gooch chẳng hạn, vị học giả này, ít ra phần nào có đi theo tiền lệ của người Đức, đã dùng cụm từ “sự phát triển của sử luận hiện đại” vào năm 1913 làm lời tựa cho cuốn Lịch sử và các nhà sử học ở thế kỷ 19 ([1913] 1959: vi). Từ ngữ tiếng Anh chuyên môn này có lẽ là từ viết tắt của cụm từ “lịch sử sử luận”, cụm từ đã xuất hiện trong hay ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và sau đó trở thành từ vựng chuyên môn của các nhà sử học Anh, đặc biệt là Mỹ, trong những năm 1920 và 1930.

Nhà sử học Carl Becker giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định nghĩa và phổ biến thuật ngữ này ở Bắc Mỹ. Trong một bài báo năm 1926, Becker ([1955] 1959: 132) định nghĩa sử luận là “lịch sử sử học: lịch sử, nghĩa là, của cái mà các thế hệ nối tiếp nhau đã mường tượng ra quá khứ giống như thế.” Vào cuối thập niêm 1930, ông có một bài tiểu luận bàn riêng về cách hiểu sử luận như là “nghiên cứu về lịch sử của việc nghiên cứu lịch sử,” cách hiểu mà ông mô tả bằng ngôn ngữ khinh khi là “chẳng khác gì sự ghi chú vắn tắt các công trình sử học kể từ thời Hy Lạp, cùng với sự chỉ dẫn nào đó về mục đích và quan điểm của các tác giả, các nguồn tài liệu do họ sử dụng, và tính chính xác và độ tin cậy của bản thân các công trình. Mục đích chính của những công việc như thế … là đánh giá, theo các tiêu chuẩn hiện đại, giá trị của các công trình lịch sử đối với chúng ta. Ở cấp độ này, sử luận mang lại cho ta những cuốn sách hướng dẫn hay thông tin về các lịch sử và các nhà sử học, cung cấp cho ta, có thể nói như vậy, một bảng kết toán gọn gàng về “các đóng góp” của từng nhà sử học góp cho toàn bộ khối tri thức lịch sử được kiểm chứng giờ ta đang có sẵn trên tay,” (1938: 20)

Nhưng Becker tin rằng sử luận phải là cái gì đó nhiều hơn; “theo nghĩa nào đó, [nó phải là] một pha trong lịch sử trí tuệ, pha lịch sử ấy ghi chép những gì con người đã biết và tin ở các thời khác nhau về quá khứ, cách họ sử dụng để phục vụ cho các lợi ích và khát vọng của họ, cho nhận thức và lòng tin của họ, và các tiền giả định nền tảng làm cho tri thức của họ trở nên xác đáng và lòng tin của họ trở nên đúng đối với họ. (1938: 22)

Những người khác cũng tham gia xác lập ý nghĩa kĩ thuật của thuật ngữ này là các nhà sử học Mỹ Harry Elmer Barnes, James Westfall Thompson, và Charles Beard. Barnes đã minh nhiên viết cuốn Lịch sử lối viết sử ([1932] 1962) của mình rập theo khuôn của Fueter. Dù không coi sử luận là một thuật ngữ chuyên môn, nhưng ông cho rằng “cũng giống như các hình thái khác của văn hóa, [lối viết sử] thực sự là một sản phẩm lịch sử và phải được xem xét dựa trên bối cảnh của nền văn minh đã sản sinh ra nó. Cho nên, lịch sử lối viết sử, nhìn rộng ra, nhất thiết phải là một pha của lịch sử trí tuệ của con người. (tr. ix)

Thompson (1942: viii) cũng đã viết cuốn Lịch sử lối viết sử của mình để khuyến khích việc xây dựng các giáo trình trong lĩnh vực sử luận tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Beard (Beard và Vagts, 1937: 464) từng than phiền rằng chỉ vài trường là có những lớp “lịch sử sử luận” và ông đã dùng ảnh hưởng của mình để phổ biến việc biên soạn các giáo trình ấy. Ông thường sử dụng thuật ngữ sử luận cả theo nghĩa truyền thống lẫn theo nghĩa chuyên môn (Beard, [1935] 1972: 327, 328; Beard và Vagt, 1937: 467, 477), và tấm gương của ông giữ một vai trò quan trọng một cách không thể nghi ngờ.

Với tính cách là một thể loại, sử luận đã nhanh chóng trở nên phổ biến kể từ năm 1945. Theo John Highham, các nhà sử học Mỹ, cho dù “vẫn còn thấy khó chịu ở các lĩnh vực triết học lịch sử đã được cải tiến ... đã trở nên say mê một loại thuyết giải cụ thể hơn mà chúng ta gọi là sử luận... Với tư cách là người trung gian trong diễn ngôn học thuật, nhà sử luận tiến hành xem xét những chỗ nào mà người phê bình sách bỏ qua. Ông bảo vệ sự học thuật về quá khứ mà như hiện nay tỏ ra xác đáng. Ông chú ý đến các phương diện hội tụ của nền học thuật hiện nay, bằng cách trợ giúp cá nhân các nhà sử học phát hiện ra mối quan hệ giữa những sự quan tâm riêng của họ với những trào lưu tư tưởng rộng lớn hơn. (1965: 89)

Highham nói thêm rằng sử luận cũng có thể trở thành một “vũ khí phê phán” vì, trong chừng mực nó “pha trộn sự giải thích lịch sử với sự đánh giá phê phán”, nó cung cấp một “phương tiện giải phóng ra khỏi các ý niệm và các lối diễn giải mà người ta muốn thay” (tr. 89)

Ở mặt tiêu cực, một số nhà sử học biểu lộ một sự ác cảm nào đó với ý niệm về lối viết sử của công việc riêng của họ, như thể đây là một hoạt động không tương xứng với sự chú ý có trọng điểm của các học giả thuộc lớp đầu tiên, là những người quan tâm tới “Lịch sử, chứ không phải các nhà viết sử” (Bloch, [1939-40] 1961: xxi). Từ viễn tượng này, sử luận theo nghĩa kĩ thuật thường được xem xét với sự giễu cợt nhẹ nhàng: một “nhánh – hay có lẽ là một nhánh con – của xã hội học nhận thức” (Hexter, 1967: 3) hay một “hình thức ái kỷ chủ nghĩa của ngành học này” (Berkhofer, [1972] 1973: 77).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Barnes, Harry Elmer. [1973] 1962. A History of Historical Writing. New York.
  2. Bayer, Erich, ed. 1974. Wörterbuch zur Geschichte: Begriffe und Fachausdrücke. 4th ed. Stuttgart.
  3. Beard, Charles A. [1935] 1972. “That Noble Dream”. In Stern: 315-28.
  4. Beard, Charles A. Và Vagts, Alfred. 1937. “Currents of Thought in Historiography”. The American Historian Review 42: 460-83.
  5. Becker, Carl L. 1938. “What is Historiography”. The American Historian Review 44: 20-28.
  6. Berkhofer, Robert F., Jr. [1972] 1973. “Clio ang the Cultural Concept: Some Impressions of a Changing Relationship in Amarican Historiography”. In Louis Scheider and Charles M. Bonjean, eds., The Idea of Culture in the Social Sciences. Cambridge.
  7. Bloch, Marc. [1939-40] 1961. Feudal Society. London.
  8. Butterfield, Herbert. 1955. Man on His Past: The Study of the History of Historical Scholarship. Cambridge.
  9. Flint, Robert. 1874. The Philosophy of History in Europe: France and Germany. Edinburgh.
  10. Fueter, Eduard. [1911] 1968. Geschichte der neueren Historiographie. New York.
  11. Gooch, G. P. [1913] 1959. History and Historians in the Nineteenth Century. Boston.
  12. Hexter, J. H. 1967. “The Rhetoric of History.” History and Theory 6: 3-13.
  13. Higham, John, và ngk. 1965. History. Englewood Cliffs, N.J.
  14. Robinson, James Harvey. 1912. “The History of History.” In James Harvey Robinson, The New History: Essays Illustrating the Modern Historical Outlook. New York: 26 và tiếp theo.
  15. Thompson, James Westfall. 1942. A History of Historical Writing. 2 vols. New York.

 



(*) Giáo sư sử học, Trường Đại học Western Washington.

[1] Trong tiếng Anh, chữ “history” có ký tự ít hơn chữ “historiography”, do đó độ dài mặt chữ ngắn hơn (ND).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt