Triết học lịch sử

Khái niệm "Văn minh"

 

KHÁI NIỆM SỬ HỌC:

 

VĂN MINH

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                                 

HARRY RITTER(*)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Harry Ritter. 1986. “Civilization”. In Dictionary of concepts in history. New York: Greenwood Press, pp. 39-43.


 

VĂN MINH (t.Anh: civilization). 1. Một giai đoạn cao của sự phát triển xã hội, được đặc trưng bởi cấu trúc xã hội phức tạp, mức độ tinh vi về công nghệ và quản lý cao, và trình độ thành tựu trí tuệ và thẩm mỹ cao. 2. Quá trình qua đó một xã hội đạt được trình độ phát triển cao về xã hội, công nghệ, quản lý, trí tuệ và thẩm mỹ. 3. Theo nghĩa nhân học, nó là từ đồng nghĩa với thuật ngữ ‘văn hóa’, nghĩa là, toàn bộ lối sống vật chất và tinh thần của một xã hội.

Văn minh (t.Pháp: civilisation), một chữ được đề xuất ở Pháp giữa thế kỷ 18, được sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau suốt hai trăm năm qua. Lịch sử của thuật ngữ này cho thấy nó đi sóng đôi cùng với lịch sử của khái niệm văn hóa, mà ý niệm về “văn minh”, theo quan điểm truyền thống, được gắn chặt với nó.

Theo nghĩa từ nguyên, văn minh có gốc từ chữ civis (công dân), civitas (thành quốc) và civilitas (“quyền công dân”, hay chữ khác là “lịch sự”, nhất là theo nghĩa sự tôn trọng) trong tiếng La tinh cổ. Trong ngôn ngữ La tinh thời trung đại, civilitas có được những hàm nghĩa xã hội rộng hơn. Trong De monarchia, chẳng hạn, Dante, nói về humana civilitas theo nghĩa “thực tại xã hội rộng nhất và toàn diện nhất” (Kroeber và Kluckhohn, 1952: 15; Brinkman, 1930: 525-26).

Sự xuất hiện khái niệm hiện đại về văn minh có trước bản thân chữ này ít nhất hai thế kỷ. Trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, các chữ “khai hóa” [hay “truyền bá văn minh”] (civilize) và “được khai hóa” (civilized) được dùng phổ biến ở thế kỷ 16 và 17 (Febvre, [1930] 1973: 224); chúng là một phần của lĩnh vực các biểu hiện liên quan đến các cấp độ hành vi ứng xử của con người và sự phát triển tương đối của xã hội – từ sự hoang dã hay man rợ ở cấp độ thấp đến sự lịch sự (sự tao nhã đã được vun bồi) và chính trị (sự tao nhã trong luật pháp, quản lý hành chính và chính quyền) ở cấp độ cao. Ngay từ năm 1560 (Huppert, 1971: 765-69) các học giả Pháp, khi tìm từ trái nghĩa với hoang dã và một khái niệm toàn diện hơn chữ “trật tự an ninh” (“police”), đã dùng chữ civilisé theo một trong những nghĩa hiện đại của chữ “văn minh”, nghĩa là một quá trình tiến hóa dẫn đến sự tinh vi hóa trong các phong tục tập quán, pháp luật và chính quyền. Sự du nhập hiện nay của từ văn minh ở Pháp giữa thế kỷ 18 phục vụ cho một mục đích lịch sử đặc biệt: nhu cầu cần có một thuật ngữ để “biểu thị … sự chiến thắng và lan tỏa của lý tính không chỉ trong lĩnh vực thể chế chính trị và quản lý [police] mà còn trong lĩnh vực đạo đức và trí tuệ” (Febvre, [1930] 1973: 228).

Febvre ([1930] 1973: 222), trong công trình nghiên cứu tiên phong của mình, đã lần theo vết tích chữ này đến Antiquité dévoilée par ses usages / Khám phá thời cổ đại qua các tập quán của nó (1766) của Boulander, trong đó nó được dùng để biểu thị quá trình qua đó một dân tộc “hoang dã” có thể nâng lên một cấp độ sống cao hơn. Moras (1930) và Benveniste (1953) đẩy lùi niên đại này đến L’ami des Hommes ou Traité de la population (1757) của Marquis de Mirabeau, ở đó chữ này có hai nghĩa: một hoạt động hay quá trình, cụ thể là sự tinh lọc của đời sống xã hội; và điều kiện đạt được như là kết quả của quá trình này (Rauhut, 1953: 84). Từ Pháp, chữ này nhanh chóng chuyển sang các ngôn ngữ Anh và Đức.

Ban đầu, có sự đồng thuận rộng rãi về nghĩa của thuật ngữ này. Nó quy chiếu đến ý niệm về một quá trình phổ quát và không thể cưỡng lại của sự hoàn thiện đạo đức và xã hội trong đó các tầng lớp được giáo dục của Tây Âu đã khá phát triển và giống loài người đang đều đặn tiến đến nó. Vì thế, nó là một phương diện then chốt của ý niệm khai minh về sự tiến bộ (Gilbert, 1960: 41). Lý tưởng đạo đức đã là cơ sở triết học rộng lớn cho các ý niệm về lịch sử văn hóa và lịch sử phổ quát (hay “lịch sử thế giới”) ở cuối thế kỷ 18 và là một khung khái niệm phổ biến cho sử luận ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (Masur, 1962).

Văn minh được hiểu một cách tiêu biểu về mặt tộc người trung tâm, tương ứng nghiêm ngặt với các chuẩn mực châu Âu (Liebel, 1967-68: 457). Triết gia Đức Hegel biểu lộ sự tin tưởng không thể lay chuyển của giới trí thức châu Âu vào sức mạnh của các truyền thống châu Âu, ông viết: “Người châu Âu đã dong buồm đi khắp thế giới và đối với họ, thế giới là một quả cầu”. “Bất cứ chỗ nào còn chưa nằm trong sự thống trị  của nó hoặc là không đáng để nhắc tới hoặc là cũng sẽ rơi vào sự thống trị của nó” (trích theo Masur, 1962: 607). Trong tập bài giảng La civilization en Europe / Nền văn minh châu Âu  (1828), nhà sử học François Guizot diễn tả quan niệm mà sử luận Âu châu trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã củng cố: “Về phần tôi, tôi được thuyết phục rằng có điều gì đó như số phận chung của con người, và sự chuyển trao tài sản của nhân loại và, do đó, một lịch sử văn minh phổ quát cần được ghi chép lại và viết… Ý niệm về sự tiến bộ và phát triển đối với tôi xem ra là một ý niệm nền tảng được chứa trong văn minh thế giới (trích theo Febvre, [1930] 1973: 241).

Ngay sau bước ngoặt sang thế kỷ 19, thuật ngữ này được sử dụng theo nghĩa thứ hai, nghĩa “dân tộc học”: điểm đến cho các truyền thống xã hội và trí tuệ đặc thù, chẳng hạn như: “văn minh Pháp”, “văn minh Trung Hoa”. Nghĩa này báo hiệu cho cuối thế kỷ 19 sự ra đời của khái niệm khảo cổ học và nhân học hiện đại là “văn hóa”. Bộ Từ điển tiếng Anh Oxford, chẳng hạn, đã trích dẫn một quy chiếu năm 1814 trong Hạ Nghị viện Anh đến “văn minh … Hindu”; cũng trong năm ấy, nhà thám hiểm người Đức Alexander von Humboldt đã nói tới “hơn 5 thế kỷ văn minh” ở người Malays đảo Sumatra, và triết gia người Pháp Pierre-Simon Ballanche ám chỉ đến “các nền văn minh cổ đại” và “di sản của toàn bộ các nền văn minh trước đây” trong cuốn Les Vieillar et le jeune home / Người già và người trẻ (1819) (Febvre, [1930] 1973: 235-36). Cách dùng ấy hàm ý rằng bất cứ nhóm người nào, dù mức độ phát triển vật chất và trí tuệ của nó có phức tạp như thế nào, có thể có nhánh văn minh riêng của nó (Febvre, [1930]1973: 247). Hơn nữa, ở đây nảy sinh xu hướng kết hợp các khái niệm “đạo đức” và “dân tộc học” và nối kết thuật ngữ này với sự đóng góp về chính trị, văn hóa và đạo đức của một quốc gia cụ thể cho lịch sử nhân loại – tài sản thừa kế, di sản, hay những “của cải” hiếm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như Febvre lưu ý, quan điểm “khẳng định sự tồn tại của từng dân tộc cá biệt và từng nền văn minh cá biệt không ngăn được khái niệm cũ về nền văn minh tổng quát của con người vẫn còn sống trong tâm thức của mọi người” (fp. 248). Cả hai có thể tồn tại bên cạnh nhau (và thường là như thế) như là một phần của giả định rằng “các nền văn minh” dân tộc nuôi dưỡng sự sinh trưởng của nền văn minh nhân loại, giống như các nhánh sông nuôi dưỡng con sông cái (Brinkmann, 1930: 528). Theo nghĩa này, nền văn minh được coi là một “thành quả tích cực, cái gì đó mà chỉ có một vài xã hội tìm cách đạt được” (Bierstedt, 1966: 485). Cách sử dụng thuật ngữ này theo kiểu dân tộc chủ nghĩa vẫn còn tồn tại trong các công trình khảo cứ có tính giáo khoa về “văn minh Hoa Kỳ”, “văn minh Pháp”, “văn minh Anh”, v.v., cho dù ngày nay nó thường được gọi là [thuật ngữ] dân tộc học theo nghĩa hẹp (Scheider, 1968: 188)

Ở châu Âu nói tiếng Đức, văn minh ban đầu được dùng theo nghĩa gốc của Mirabeau; nhưng trong sự phát triển quan trọng thứ ba, nó dính vào mối quan hệ phức tạp với từ “văn hóa” (Cultur, Kultur) (Gilbert, 1960: 40-41). Suốt thế kỷ 19, nhiều tác gia Đức chấp nhận thói quen phân biệt rõ nét giữa hai khái niệm văn minh và văn hóa. Vì thế, văn minh biểu thị cho các phương diện vật chất, máy móc do con người làm ra của đời sống xã hội, những cái tinh vi này được phát triển qua việc rèn luyện lý tính của ý thức như viết lách, cách thức làm ăn và các kĩ thuật nông nghiệp. Văn hóa biểu thị “các phương diện mang tính chủ quan hơn của đời sống con người không lũy tiến về mặt xã hội và không thể được vay mượn hay học hỏi bởi người ngoài”, như “các ý niệm hay các lý tưởng, nghệ thuật và văn chương, luân lý và đạo đức, triết học và tôn giáo” (Schneider, 1968: 187). Sự phân biệt này cũng được một số tác gia nói tiếng Anh chấp nhận, mặc dù nó chưa phổ biến ở Pháp. Từ năm 1945, nhiều người có thẩm quyền đã khẳng định rằng văn hóavăn minh đã trở thành những từ ngầm đồng nghĩa với nhau trong diễn ngôn học thuật (Gilbert, 1960: 41, 52). Điều này đặc biệt đúng trong khảo cổ học, nhân học, và xã hội học. Tuy nhiên, trong sử học hai thuật ngữ này hiếm khi được coi là hoàn toàn đồng nghĩa; thường thì văn minh biểu thị một giai đoạn đặc thù của văn hóa, nghĩa là giai đoạn tiến hóa xã hội cao hơn (xem Poliśenský, 1980: 62).

Sự ra đời của các môn khảo cổ học, xã hội học và nhân học vào cuối thế kỷ 19 cùng với những nỗ lực định nghĩa văn minh như là một đối tượng của nghiên cứu khoa học; kết quả là cả một danh sách các định nghĩa thường là vô định hình và chập chồng nhau (xem Armillas, 1968; Bierstedt, 1966; Chile, 1951). Nỗ lực này, được thôi thúc bởi mối quan tâm đến sự tiến hóa trong lĩnh vực học thuật sau Nguồn gốc các loài (1859) của Charles Darwin, được minh họa trong công trình của Herbert Spencer (1820-1903), một tác gia tiên phong người Anh của xã hội học lý thuyết, và các tác phẩm của nhà nhân học Mỹ thời kỳ đầu là Lewis Henry Morgan (1818-81). Spencer, Morgan, và các nhà lý thuyết có cùng khunh hướng tin rằng các truyền thống xã hội của thế giới có thể được phân loại theo các trình độ phát triển cùng với quy mô phát triển chuẩn mực: từ cấp bậc thấp “hoang dã” và “man dã” đến cấp bậc cao nhất là “văn minh”. Niềm tin này trở thành một phương cách phân biệt chủng tộc giữa các nhóm dân tộc “tiên tiến” (“văn minh) và “lạc hậu”. Rất nhiều chỉ báo được gợi ý – biết chữ, nông nghiệp được tổ chức thành nghiệp đoàn, tiền tệ, sự hiện hữu của các thành phố lớn, v.v. Xã hội cổ đại (1877) của Morgan nhấn mạnh đến sự quá độ từ các cơ cấu xã hội dựa trên dòng dõi sang các cơ cấu xã hội dựa trên chức năng xã hội (Armillas, 1968: 219). Sự kết hợp của “văn minh” với sự ra đời của các thành phố lớn và các lối ứng xử đô thị có ảnh hưởng đặc biệt trong thế kỷ 19, được minh họa trong ý tưởng về “cuộc cách mạng đô thị” do nhà khảo cổ học Anh là V. Gordon Childe đưa ra (1936; 1942). (Điều thú vị là, bộ Bách khoa toàn thư quốc tế về Khoa học xã hội / International Encyclopedia of the Social Sciences năm 1968 xem văn minh như là một phạm trù con của “cách mạng đô thị”). Vì thế nảy sinh quy ước nhận biết khá phổ biến khái niệm văn minh bằng “các giá trị, các định chế và các tập quán … phù hợp với đời sống đô thị” (Schneider, 1968: 186). Đối với các học giả, quy tắc này mang lại một cách thức phân biệt có tính quy ước giữa “văn minh” và “văn hóa”: bất cứ xã hội nào, dù trình độ phát triển về vật chất và trí tuệ của nó có như thế nào, cũng đều có văn hóa; “văn minh”, tuy nhiên, đòi hỏi phải có trình độ đô thị hóa cao, cùng với tính phức tạp xã hội được kết hợp và trình độ phát triển của kĩ thuật được phát triển.

Trong sử học, lịch sử nghệ thuật, và xã hội học, ý niệm về nền văn minh – thường được định nghĩa lỏng lẻo hay chẳng hề được định nghĩa – được sử dụng một cách rộng rãi ở nửa đầu thế kỷ 20 như là cơ sở lý thuyết cho lịch sử thế giới tư biện của các nhân vật như Spencer ([1918-22] 1932) và Toynbee (1934-61) và rất nhiều những người viết phổ cập tri thức (như Durant, 1935-75; Clar, 1970), họ hiểu khái niệm này theo nghĩa là “một đơn vị làm việc toàn diện nhất có thể nhận biết được trong sử học” (Gilbert, 1960: 54). Mối tâm lớn ở đầu thế kỷ 20 đến sự ra đời và suy tàn của “các nền văn minh” có quan hệ trực tiếp với “sự khủng khoảng” được nhận thấy trong “nền văn minh Tây phương”, vốn là nền văn minh được người ta hiểu một cách khác nhau là di sản Hy-La/Kitô hay “sự chinh phục đời sống tốt đẹp” (Marcell, 1969: 74). Trong các trường đại học Mỹ, các lớp “nền văn minh Tây phương” được giới thiệu ở đầu thế kỷ 20 như là một phương tiện đồng hóa những người nhập cư từ các vùng ngoài Tây Âu và Bắc Âu. Cùng với việc ngày càng có nhiều sự đánh giá cao các truyền thống lịch sử ngoài châu Âu ở nửa đầu thế kỷ 20, văn minh – cùng với gánh nặng nhét đầy giá trị (value-charge burden) của nó là những cách kết hợp mục đích luận với chủ nghĩa dân tộc trung tâm (Masur, 1962: 607-8) – trong chừng mực nào đó đã nhường chỗ cho những thuật ngữ và khái niệm mới hơn (ví dụ: khái niệm “hiện đại hóa”) để biểu thị sự đạt được tính phức tạp và cấu trúc tinh vi của xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Armillas, Pedro. 1968. “The Concept of Civilization.” International Encyclopedia of the Social Sciences 16: 218-21.

Benceniste, E.1953. “Civilisation: Contribution à l’histoire du mot.” In Hommage à Lucien Febvre, Paris: 47-54.

Bierstedt, Robert. 1966. “Indices of Civilization.” The American Journal of Sociology 71: 483-90.

Brinkmann, Carl. 1930. “Civilization.” Encyclopedia of the Social Sciences 3: 525-29.

Childe, V. Gordon. 1936. Man Makes Himself. London.

_________. 1942. What Happened in History. Harmondsworth, Eng.

_________. 1951. Social Evolution. New York.

Clark, Kenneth. 1970. Civilization. New York.

Durant, Will. 1935-75. The Story of Civilization. New York.

Febvre, Lucien. [1930] 1973: “Civilization: Evolution of a Word and a Group of Ideas.” In Peter Burke, ed., A New Kind of History: From the Writings of Fevbre. New York: 219-57.

Gilbert, Felix.1960. “Cultural History and Its Problems.” Comité International des Sicences Historiques, Rapports 1: 40-58.

Huppert, George. 1971. “The Idea of Civilization in the Sixteenth Century.” In Anthony Molho and John A. Tedeschi, eds., Renaissance Studies in Honor of Hans Baron. Dekalb, I11.: 757-69.

Kroeber, A. L., and Kluckholn, Clyde, 1952. Culture: A Critical Review of Concepts and Definitions. New York.

Liebel, Helen P. 1967-68. “The Historian and the Idea of World Civilization.” The Dalhousie Review 47: 455-66.

Marcell, David W. 1969. “Charles Beard: Civilization and the Revolt Again Empiricism.” American Quarterly 21: 65-86.

Massur, Gerhard. 1962. “Distinctive Traits of Western Civilization: Through the Eyes of Western Historians.” AHR 67: 592-608.

Moras, Joachim. 1930. Ursprung und Entwicklung des Begriffs der Zivilisation in Franreich, 1756-1830. Hamburg.

Poliśenský, Josef. 1980. Aristocrats and the Crowd in the Revolutionary Year 1848: A Contribution to the History of Revolution and Counter-Revolution in Austria. Albany, N.Y.

Rauhut, Franz. 1953. “Die Herkunft der Worte un Begriffe ‘Kultur’, ‘Civilisation’, und ‘Bildung’.” Germanisch-Romanischer Monatsschrift, N.S., 3: 81-91.

Scheider, Carl J. 1968. “Civilization.” In Joseph Dunner, ed., Handbook of World History. London: 186-98.

Spencer, Oswald. [1918-22] 1932. The Decline of the West. London.

Toynbee, Arnold J. 1934-61. A Study of History. Oxford.



(*) Giáo sư sử học, Trường Đại học Western Washington.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt