Triết học lịch sử

Khái niệm "Phân kỳ lịch sử"

KHÁI NIỆM SỬ HỌC:

 

PHÂN KỲ LỊCH SỬ

 

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50
                                                 

HARRY RITTER(*)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Harry Ritter. 1986. “Periodization”. In Dictionary of concepts in history. New York: Greenwood Press, pp. 313-318.


 

PHÂN KỲ LỊCH SỬ (Anh: periodization). Sự phân chia quá khứ thành các phân đoạn thời gian – các thời kỳ, các kỷ nguyên, các giai đoạn, và cứ thế.

Phân kỳ lịch sử là cách giải đáp tổng quát của sử học cho vấn đề thời gian và là “một trong những vấn đề trung tâm trong lối viết sử” (Barraclough, 1964: 4); việc thực hành nhìn chung được coi là một hành vi “trừu tượng” hay “giả tạo” nhưng, do mục đích phân tích, ta không thể tránh được (Gergard, 1956: 900; 1973: 476; Besson, 1961: 246; Barzun và Graff, 1970: 46).

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường cảm nhận sự trôi chuyển của thời gian như là một “dòng chảy”, hay một dòng trôi không ngừng nghỉ (Smart, 1949), và các học giả thường nhấn mạnh tầm quan trọng của “tính liên tục” như là một yếu tố trong sự biến đổi xã hội (Starr, 1966: 32-33). Ở thế kỷ 19, người ta thường vật thể hóa thời gian như là “môi trường đồng dạng trong đó xảy ra các sự biến [hay biến cố] lịch sử hay tồn tại các hiện tượng lịch sử có sự tồn tại của chúng, và sự tồn tại ấy tự nó xác lập tính liên tục trong các hiện tượng khác nhau này” (Gossman, 1978: 25). Nhà sử học E. A. Freeman (1823-92) của trường Oxford, chẳng hạn, đã bảo vệ học thuyết về “tính thống nhất của lịch sử” dựa trên ý niệm rằng không có sự gián đoạn triệt để nào giữa lịch sử cổ đại, trung đại và hiện đại (Gooch [1913] 1959: 328); cũng trong tinh thần đó, một học giả khác của thời Victoria là F. W. Maitland (1850-1906) tuyên bố lịch sử là một “mạng lưới không có điểm nối” (Fischer, 1970: 145). Gần đây hơn, nhà sử học Pháp Fernand Braudel đã diễn giải lịch sử Âu châu hiện đại thời kỳ đầu như là một sự “dài hạn” (la long durée) có tính liên tục, và ở Tây Đức, Kontinuität trở thành khẩu hiệu của phong trào sử luận xét lại vào thập niên 1960 và 1970 (Röhl, 1970).

Thế nhưng ngay cả khi lối phản tư nhân quả về bản tính của sự biến đổi đòi hỏi thời gian phải được phân chia thành các đơn vị thuộc loại nào đó. Theo triết gia Ý Benedetto Croce, sự phân kỳ lịch sử là nguyên tắc nội tại của tư tưởng, và các giai đoạn là “[những] cái nâng đỡ và trợ giúp” cơ bản “cho ký ức và trí tưởng tượng.” Ý niệm về thời gian như là một thể liên tục có thể dễ trở thành một thứ bái vật; quả thực, chúng ta thường cảm nhận thời gian bằng tính gián đoạn và thậm chí dòng chảy. Giả định rằng thời gian là một “môi trường đồng dạng” trên thực tế đã ngày càng nhường chỗ, vào thế kỷ 20, cho ý niệm rằng thời gian là “đa dạng” và được “cấu tạo một cách khác bởi các hiện tượng được đặt theo chuỗi” (Gossman, 1978: 25; xem thêm: Kuzminski, 1979: 344). Quả thực, lịch sử có thể có nguồn gốc trong “ý thức của con người về tính liên tục. Nhưng ý niệm này vừa được cải biến bởi ý niệm về tính riêng biệt – của các thời điểm, các ngày, các năm, các giờ, các thế kỷ. Các ý niệm và các đối tượng tìm thấy vị trí của chúng trong Thời gian, hay chính xác hơn là trong Thời gian được ghi chép lại (thời gian ấy là Lịch sử), với sự trợ giúp của cái Trước và cái Sau.” (Barzun và Graff, 1970: 46)

Hơn nữa, “điều quan trọng cho nghiên cứu lịch sử không phải ở chỗ các sự biến của chúng có quan hệ với nhau do vị trí của chúng trong thời gian, – đúng ra cái chỉ là sự phát biểu với nghĩa đại khái rằng các sự biến đã diễn ra ở một thời điểm cụ thể nào đó chứ không phải tại một thời điểm nào khác –, mà ở chỗ ta có thể vạch ra các giai đoạn thời gian trong đó các sự biến của con người có một cấu trúc mà ở những mặt nào đó khác với cấu trúc của chúng ở các giai đoạn trước đó hay sau đó trong diễn trình thời gian.” (Joynt và Rescher, 1961-62: 1959-60)

Vì thế, sự kết hợp – sự giải thích rõ ràng các sự biến bằng cách đặt chúng vào trong mạng lưới các hoàn cảnh riêng biệt trong đó chúng xảy ra – bao hàm quá trình phân kỳ hóa vì nó đòi hỏi các học giả phải xác định tên phân loại cho các khung cảnh thời gian mà họ nghiên cứu – chẳng hạn, thời Phục hưng hay thời Khai minh[1]. Hơn nữa, “tính thống nhất của lịch sử” ở Freeman tự nó là một hình thức phân kỳ hóa gói ghém thời gian thành một đơn vị lớn (xem thêm: Gerschenkron, 1968: 38), và “thời kỳ dài hạn” của Braudel giả định có một sự phân biệt giữa thời kỳ “truyền thống” và thời kỳ “hiện đại”. Thậm chí một bản biên niên đơn giản nhất cũng đã cho thấy có sự phân kỳ lịch sử, nếu chỉ bằng cách phân chia thời gian một cách máy móc thành những sự gia tăng liên tiếp của ngày, tuần, năm, v.v. (Besson, 1961: 245).

Dietrich Gerhard (1973: 476), một nhà nghiên cứu có thẩm quyền hàng đầu, nhận diện ba cách thức chung trong đó thời gian được tổ chức thành các sơ đồ phân kỳ: (1) bảng niên đại đơn giản, chẳng hạn, “sự liệt kê các thế kỷ và các năm”; (2) các lý thuyết giai đoạn về tiến trình xã hội, là các lý thuyết mô tả các thời kỳ như là các pha phát triển rộng lớn hơn như tiến bộ hay suy tàn; và (3) các sơ đồ “tóm lược bản chất của một thời đại.”

Sự phân kỳ lịch sử có từ lâu đời, hơn cả sử luận. Trong thần thoại và tôn giáo, chúng ta bắt gặp nhiều kiểu hình phân kỳ lịch sử, chẳng hạn, sự phân đôi theo lối hoài cổ chia thời gian thành các thời đại vàng son và các thời kỳ suy tàn sau đó, các sơ đồ tuần hoàn của sự nảy sinh và lụi tàn, và các sơ đồ bộ bốn dựa trên sự loại suy về bốn mùa, các giai đoạn của đời người, và v.v. (Nisbet, 1969); tác phẩm thơ bằng tiếng Hy Lạp Công việc với tháng ngày (khoảng 650 TCN?) của Hesiod chẳng hạn, nói về các thời đại theo trình tự giảm dần: vàng, bạc, đồng và sắt. Từ lâu người ta đã cho rằng người Hy Lạp và La Mã cổ xưa quan niệm thời gian theo chu kỳ tuần hoàn, và rằng học thuyết Kitô-Do Thái đã du nhập ý niệm về thời gian như là một loạt các giai đoạn tiến triển theo đường thẳng hướng đến một mục đích xác định (ví dụ, Besson, 1961: 245); thế nhưng, sự đối lập này không đứng vững trước việc nghiên cứu học thuật cặn kẽ gần đây, và giờ đây hóa ra là các quan điểm vòng tuần hoàn hay đường thẳng đều thấy có ở “hầu hết bất cứ kỷ nguyên nào” (Eisenstein, 1966: 40; xem thêm Momigliano, 1966: 5, 8, 10, 13; Starn, 1975: 18; Trompf, 1979; Press, 1982).

Phân kỳ lịch sử theo các thế hệ, các triều đại chính trị, hay các vương triều là một trong cách xác lập các chuỗi tiếp diễn khả niệm xưa cũ nhất và đơn giản nhất, và các sách giáo khoa hiện đại của Mỹ vẫn thỉnh thoảng xếp lịch sử nước Mỹ - nhưng phi logic – theo các chính quyền tổng thống (Fischer, 1970: 146). Một phương pháp ưa thích có từ thế kỷ 17 (Gerhard, 1973: 477) là phân chia thời gian thành những phân đoạn một trăm năm (“thế kỷ 13”, “thế kỷ 18”, và v.v.) dựa trên giả định rằng các đơn vị như thế có những bản sắc riêng (Fischer, 1970: 145). Một số sơ đồ phân kỳ lịch sử có ý nghĩa xã hội đặc biệt vì chúng làm điều kiện cho các giả định về toàn bộ các nền văn hóa xét trên phương diện thời gian; cảm thức Tây phương hiện nay về thời gian, chẳng hạn, dựa trên chuỗi ba thời: “cổ đại”, “trung đại”, “hiện đại”, một truyền thống nảy sinh vào thế kỷ 14 và được chấp nhận rộng rãi vào thế kỷ 17 (Besson, 1961: 245; Spitzberger và Kernig, 1972: 280).

Cho dù người ta thường nhất trí rằng ta không thể né tránh việc phân kỳ lịch sử, các sử gia hết sức thận trọng và thường châm biếm khi ngẫm nghĩ về thực tế này. Croce ([1919] 1960: 110) chỉ là một trong những nhà lý thuyết được biết đến nhiều hơn khi nhấn mạnh rằng các giai đoạn đều là những sự hư cấu không tồn tại biệt lập với đầu óc của các nhà sử học; sự phân kỳ lịch sử về cơ bản là “công việc của trí tưởng tượng”, của từ vựng, và của tu từ học, chẳng làm thay đổi bản chất của sự việc.” Mối đe dọa thực thể hóa này là rất lớn; sự quy ước dễ dẫn dụ tính bất cẩn vào việc phân kỳ lịch sử một cách ngây thơ các ý niệm mù mờ trong tinh thần cùng với các sự biến hay biến cố mà người ta muốn phân tích; vì thế, các khái niệm như “thời cổ đại”, “thời trung đại”, hay “thời Phục hưng” thường được gán cho một vị thế nhận thức mà chúng không xứng với điều đó. Chính Croce đã minh họa vấn đề này bằng cách trích dẫn câu nói của một người thầy cũ của ông: “Bức màn sân khấu của lịch sử cổ đại đã hạ xuống vào năm 476 để rồi lại lập tức sau đó mở ra thời Trung đại” (Croce, [1919] 1960: 114).

Những điều nguy hiểm khác cũng thường được lưu ý. R. G. Collingwood ([1946] 1956: 265) dặn ta đề phòng bản tính giả tạo của “các sơ đồ xếp theo ngăn kéo” vốn thường là các sản phẩm của “tính thất thường”: “Người ta thường trình bày cho ta quan niệm xem lịch sử cốt yếu là các giai đoạn tốt và tồi, các giai đoạn lịch sử tồi được chia thành giai đoạn nguyên thủy và suy tàn, tùy theo việc chúng xuất hiện trước hay sau các giai đoạn tốt. Đây ... không và không thể nào đúng về mặt lịch sử. Nó nói cho ta biết nhiều về các sử gia nghiên cứu các sự kiện, chứ chẳng nói gì về các sự kiện mà họ nghiên cứu.” (tr. 327)

Một trong những sai lầm được trích dẫn phổ biến nhất là sự thổi phồng một đặc điểm nào đó – một phong cách nghệ thuật, có lẽ, hay một triết lý chính trị - thành “bản chất” riêng biệt hay đặc điểm xác định của toàn bộ giai đoạn. Sự thực hành xuất hiện, ở bình diện rộng nhất, trong các cuốn sách viết về “Thời đại Ba-rốc”, “Thời đại của chủ nghĩa tự do”, và v.v. Đấy là một loại ẩn dụ; từ ngữ “Thời đại Ba-rốc” chẳng hạn xoay quanh một thuật ngữ được tạo ra để xác định đặc trưng của trí tưởng tượng thẩm mĩ ở thời điểm nào đó trong lịch sử Âu châu (cuối thế kỷ 17); nó hàm ý rằng toàn bộ đời sống có thể được so sánh với cách hiểu của các nhà nghệ sĩ hàng đầu ở thời ấy về nghệ thuật. Mandelbaum ([1938] 1967: 280) coi điều này như là một lối tiếp cận “hiện tượng học”, đó là lối tiếp cận “cho rằng bản tính cụ thể của một thời kỳ là một tính chất ẩn ngự không thể phân tích được, một bản chất thâm nhập khắp các hiện tượng thuộc về nó.” Nói đơn giản hơn, đó là “ý tưởng xưa cũ cho rằng vạn vật đều có cái gì đó ẩn sâu bên trong nó được gọi là bản chất, một cái cốt lõi sâu kín của thực tại” (Fischer, 1970: 68). Nét quyến rũ của “nghịch luận về các bản chất” này có thể được đánh giá trong ánh sáng của sự hài lòng về mặt tâm lý mà nó có thể mang lại: “nó cung cấp một cảm thức về sự toàn vẹn và khuyến khích cảm thức về sự xác tín” (Fischer, 1970: 68).

Nhiều nhà phê phán (ví dụ: Fischer, 1970: 65-66; Spitzberger và Kernig, 1972: 286) chỉ ra những khó khăn về lôgic trong các lý thuyết giai đoạn về lịch sử, tức các lý thuyết muốn nhận diện các pha trong diễn trình phát triển của con người (như lý thuyết của Hegel và Marx). Các sơ đồ như thế giả định rằng lịch sử là một thực thể duy nhất mà mô hình toàn bộ của chúng là có thể hiểu được. Rồi cái toàn bộ được giả định này được so sánh với cái toàn bộ trần tục nào đó mà ta biết qua việc làm quen trực tiếp (ví dụ chu kỳ của đời người, chu kỳ của các mùa, v.v.). Vấn đề - ngoài ẩn dụ đơn giản ra – đó là “tính toàn bộ của lịch sử ... không thể dẫn đến bất cứ luận chứng nào về tính toàn bộ của nó, bất cứ ... lịch sử nào, xét như là một nhất thể và toàn bộ, đều nằm ngoài khả năng hiểu của ta” (Spitzlberger và Kernig, 1972: 286). Những lối xem xét như thế đe dọa không những các học thuyết triết học về lịch sử như của Hegel và Marx mà còn có thể làm xói mòn “nguyên tắc cốt yếu” của mọi sự phân kỳ lịch sử, cụ thể là “yêu sách phân chia ‘cái toàn bộ’.” Spitzlberger và Kernig viết: “Nhiều cuộc bàn luận tập trung vào sự phân kỳ lịch sử, về mặt hình thức, có thể được quy ... về một câu hỏi đơn giản. Nếu định thức ngắn gọn của nhà khoa học, rằng “cái có thể đo lường được thì tồn tại”, có thể được phát biểu theo cách phủ định (“cái không tồn tại không thể đo lường được”) thì ta hoàn toàn suy ra một cách chặt chẽ rằng tính toàn bộ của lịch sử, mà con người không thể với tới được và do đó đối với anh ta là không tồn tại, không thể đo lường được và vì thế không thể phân kỳ lịch sử được. (1972: 288)

Tuy nhiên, những lối xem xét ấy không làm cho việc sử dụng sự phân kỳ lịch sử trở thành “sai lầm” hay thậm chí tùy tiện cần thiết. “Phản đối các nhãn hiệu hay thời kỳ và nói rằng “các sử gia chế ra chúng, cho nên chúng sai lầm” chỉ là một câu nói sáo rỗng, tự nó đã sai so với cách thức diễn biến của sự việc, ngoài việc chung quy vẫn là sự thất bại của trí tưởng tượng. Nếu không có những sự phân chia thời gian, sự hợp thành nhóm của con người, tập hợp hỗn tạp các ý niệm thì sử gia ắt sẽ oằn mình xuống với lối viết biên niên không thể hiểu và nhớ lại được.” (Barzun và Graff, 1970: 177; Fischer, 1970: 145)

Maurice Mandelbaum ([1938] 1967: 280) nhất trí, bằng cách cho rằng “sự phân định [có trách nhiệm] các thời đại không dựa trên tính bốc đồng, mà dựa trên cái gì đó được mang lại trong bản tính của các chất liệu lịch sử.” Ông viết: “một thời đại được xác định bằng sự biến nào đó tương đối kéo dài diễn ra bên trong một khu vực nào đó và liên quan tới một loại hiện tượng lịch sử nào đó. Vì thế, thời đại Cách mạng Công nghiệp ... là một thời đại bởi lẽ trong một khu vực nào đó và trong một diện trường các hiện tượng lịch sử có một sự biến kéo dài mà ta gọi là sự xuất hiện của một sự biến nào đó tương đối dài, và thời đại tự nó không là gì cả ngoài sự biến này. (tr. 282)

Điều ta nên thừa nhận, sự phân kỳ lịch sử cũng cần thiết như thế, đó là các hình thức đặc thù của nó sẽ phụ thuộc vào các viễn tượng của các nhà sử học và các lý thuyết xã hội mà họ ủng hộ. Nói như Gerschenkron là “bao giờ cũng vậy, chính bàn tay sắp đặt của nhà sử học đã tạo nên những sự liên tục và gián đoạn.... Chính các nhà sử học là người định đoạt việc chuỗi nhân quả nên lần ngược về trước tới đâu và là người, qua sự thừa nhận của mình, tạo ra “sự khởi đầu” của nó khi ông ta tạo ra các sự biến nội sinh và ngoại sinh. Và đó là mô hình của chính nhà sử học mà những sự biến đổi theo độ biến thiên lịch sử liên quan tới mô hình đó được xác định.”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Barraclough, Geoffrey. 1964. An Introduction to Contemporary History. New York.
  2. Barzun, Jacques & Graff, Henry F. 1970. The Modern Researcher. New York.
  3. Besson, Waldemar, ed. 1961. Geschichte. Das Fischer Lexikon. Frankfurt.
  4. Collingwood, R. G. [1946] 1956. The Idea of History. New York.
  5. Croce, Benedetto. [1919] 1960. History: Its Theory and Practice. New York.
  6. Fischer, David Hackett. 1970. Historians’ Fallacies: Toward a Logic of Historical Thought. New York.
  7. Gehard, Dietrich. 1973. “Periodization in History.” Dictionary of the History of Ideas 3: 476-81.
  8. Gerschenkron, Alexander. 1968. “On Concept of Continuity in History.” In Alexander Gerschenkron, Continuity in History and Other Essays. Cambridge, Mass.: 11-39.
  9. Gooch, G. P. [1913] 1959. History and Historians in the Nineteenth Century. Boston.
  10. Gossman, Lionel. 1978. “History and Litterature: Reproduction or Signification.” In Canary and Kozicki: 3-39.
  11. Joyn, Carey B., and Rescher, Nicholas. 1961-62. “The Problem of Uniqueness in History.” History and Theory 1: 150-62.
  12. Kuzminski, Adrian. 1979. “Defending Historical Realism.” History and Theory 18: 316-49.
  13. Mandelbaum, Maurice. [1938] 1967. The Problem of Historical Knowledge: An Answer to Relativism. New York.
  14. Nisbet, Robert A. 1969. Social Change and History: Aspects of the Western Theory of Development. New York.
  15. Röhl, J.C.G. 1970. From Bismarck to Hitler: The Problem on Continuity in German History. New York.
  16. Smart, J.J.C. 1949. “The River of Time.” Mind, N. S., 58: 483-94.
  17. Spitzlberger, Georg, and Kernig, Claus D. 1972. “Periodization.” Marxism, Communism, and Western Society: A Comparative Encyclopedia 6: 278-83.
  18. Starr, Chester G. 1966. “Historical and Philosophical Time.” History and Theory Beih. 6: 24-35.

 



(*) Giáo sư sử học, Trường Đại học Western Washington.

[1] Englightenment thường được dịch là thời Khai sáng. Tuy nhiên, chữ “khai sáng” trong tiếng Việt không tương ứng với chữ “enlightenment” vì nó có nghĩa là:  “Bắt đầu mở dựng lên” (Đào Duy Anh. [1931] 2005. Từ điển Hán Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 396; Hội Khai Trí Tiến Đức. 1931. Việt Nam Tự điển. Hà Nội: Nxb. Văn Mới, tr. 271.), còn “enlightenment” là thuật ngữ chỉ việc con người ta sử dụng năng lực lý tính của mình để soi sáng mọi vấn đề hiện hữu của mình, và bằng nghĩa này, người ta dùng nó để gọi tên cho một phong trào trí tuệ ở châu Âu thế kỷ 18. Chúng tôi theo bộ Anh-Hán Quốc tế Đại từ điển do Trương Phương Kiệt chủ biên (Nxb. Hoa văn đồ thư, 1978, tr. 893), dùng chữ “khai minh” để dịch thuật ngữ tiếng Anh này. (ND)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt