BUỒN NÔN, TẠI SAO ?
ANDRÉ NIEL TÔN THẤT HOÀNG dịch
André Niel. Jean-Paul Sartre anh hùng và nạn nhân của "ý thức khốn khổ". Tôn Thất Hoàng dịch. Nxb. Ca Dao, Sài Gòn, 1968.
Chìa khóa của Triết học Sartre là sự phân tích tâm-bệnh-lý-học về hiện tượng "buồn nôn”, hiện tượng Sartre cho là phát sinh do cảm thức về « tính chất bất tất, ngẫu nhiên của thế giới ».
THEO một số tôn giáo, nơi một vài chủ trương thần bí, sở dĩ ta thể nhập được vào trạng thái minh triết và tri thức tối thượng là nhờ một sự liễu ngộ. Do đấy, ta được đưa vào nơi thâm sâu của tư tưởng Sartre bằng một trạng thái liễu ngộ mang chất đau khổ và tiêu cực là cơn buồn nôn, Chẳng có niềm vui xuất thần, nhưng chỉ có một sự nhờm tởm, một chứng đau tim. Ta đọc thấy trong Buồn Nôn: « Mọi sự đều vô-cố, nhưng-không, khu vườn nầy, thành phố nầy và cả tôi nữa. Khi hiểu được thế tim ta đau nhói... »[1] Trong ngành thần kinh bịnh học, buồn nôn, nôn mửa phần lớn là những triệu chứng của một cuộc tranh chấp trong cõi vô thức (hay nói rõ hơn, đó là những triệu chứng của một tình trạng lưởng giá, nhị phân). Sự tranh chấp này cản trở tiến trình tự nhiên của mối tương quan giữa Bản Ngã và thế giới, do đấy mới phát sinh ra triệu chứng trong cơ thể là bị đau nhói ở tim (trong đó ta nhận ra dư vang của sự tắt nghẽn của dòng kỳ gian tâm lý). Chẳng hạn, một thiếu nữ bị hãm hiếp (khoái lạc tính dục) bởi một người đàn ông mà cô khôngyêu thương (khước từ tình cảm) ; hay một thiếu phụ lập gia đình nhưng không được chồng hiểu biết (do đó bà mang tâm hồn nồi loạn), dồn ép lòng thù hận của mình đối với chồng (do đó, có sự nhẫn nhục) cả hai người nói trên đều có thể không biết đến hoặc quên đi tình trạng lưởng giá, nhị phân đó, nhưng nơi họ vẫn còn lại sự gớm guốc những cơn nôn mửa. Trong hai thí dụ trên, sự « tranh chấp » đã đem đối kháng một bên là khát vọng nồng nhiệt (khát vọng tính dục hay khát vọng tranh chấp), một bên là những sức mạnh ẩn ức, dồn nén. Nơi Sartre, tranh chấp ấy nằm ở đâu ? Sự tranh chấp đó mang bản tính siêu hình : những sự vật hiện hữu « cho tôi », vì thế tôi thấy chúng được biện chính ( do việc tôi có thề sử dụng chúng, vân vân...); thế nhưng tôi lại cảm thức được tính chất ngẫu nhiên, vô cổ của chúng; tôi nhận thức rằng sự vật chưa phát sinh từ bất cứ một tất-yếu tính tuyệt đối nào cả (vì vậy, tôi không còn thấy chúng được hoàn toàn biện chính nữa). Một đàng, là mối liên lạc trinh nguyên, phóng khoáng của cá nhân với thế giới, khát vọng tìm hiều thế giới, tương giao với thế giới; và đàng khác, là cảm thức rằng chính thế giới đó là điều không thể biện chính được, và đã bị cắt đứt khỏi mọi tất-yếu tính. Sartre viết: “Những vật thể để cho ta gặp gỡ, nhưng ta không thể nào suy diễn ra được chúng... Có những người.. đã... cố gắng vượt thắng được tính chất ngẫu nhiên trên bằng cách tạo ra một thực thể tất yếu và tự làm nguyên nhân cho chính mình. Thế mà, bất cứ thực thể tất yếu nào cũng chẳng thể giải thích được hiện hữu... trạng thái ngẫu nhiên, bất tất... là tuyệt đối, do đó, nó chính là tính cách nhưng không, vô cố toàn hảo"[2] Ta cũng nhận thấy một tình trạng lưởng giá in hệt như thế nơi người con gái bị cưởng hiếp mà sau cùng cứ bị chứng nôn mửa : một đàng là khát vọng được trao đổi trên bình diện sự sống, khát vọng cảm thông trên phương diện sinh vật học. (Những vật thể để cho ta gặp gỡ). và đàng khác là sự đoạn tuyệt, khước từ đối với một đối tượng mang những tính chất gớm guốc, ghê tởm (...nhưng ta không thể nào suy diễn ra được chúng). Buồn Nôn là bản trần thuật một kinh nghiệm kỳ lạ: Roquentin khám phá ra rằng những vật thể và người đời là "dư thừa", một thứ phẩm tính siêu hình học đã khoác lên chúng một vẻ xa lạ buồn rầu, nhưng huyền bí. (Những vật thể là dư thừa vì không có nguyên nhân biện chính cho chúng, chẳng hạn một đấng Thượng Đế sáng tạo). "Đấy là điều mà những tên Chó đẻ cổ gắng che dấu với ý tưởng về quyền lợi của chúng.... Nhưng chúng là ngẫu nhiên, nhưng không, cũng y như tất cả những người khác"[3]. Ta vừa thấy Sartre làm cách nào để khỏi phải cầu viện đến một đấng Thượng Đế sáng tạo, nguyên nhân của thế giới. Theo cùng cách đó, Sartre thoát khỏi sự cầu viện đến ý tưởng về “quyền lợi", xét trên lãnh vực tinh thần: quyền của con người đối với sự sống, đối với danh dự, đối với của tư hữu, vân vân... Ở đây ta thấy xuất hiện hết sức rõ ràng sự khước từ tất cả những giá trị sinh tồn cũ xưa, trong phạm vi tôn giáo và thể tục, sự khước từ tất cả những Tuyệt Đối thể cũ xưa. Hiển nhiên là những Giá Trị cũ xưa ấy đều trở thành èo ọt trong tâm hồn con người, nhưng Sartre lại muốn ban cho chúng một phát súng ân huệ: Thế giới trong nguyên thể, (tel quel) thế giới đang hiện hữu, không thể nào được biện chính bởi bất cứ cái gì, không thể nào được móc nối vào bất cứ cái gì, thế giới hiện thể, thế thôi... Ở đây, ta đứng trước một hình thức nào đó của sự giải phóng: không còn Nguyên Nhân tối thượng, không còn động cơ bất động, đấng Sáng Tạo linh thánh vô cùng nữa, không còn Quyền Lợi đối với sự sống hay danh dự nữa. Như vậy là con người đang khám phá được khả năng có thể tương giao một cách độc đáo và kiến tạo đối với thế giới hiện thực, đối với những hữu thể hiện thực. Ta thấy xuất hiện một khả năng kỳ diệu để thực hiện những sự giao hoán mới mẻ, những mối tương giao vô hạn mang đầy thiện cảm sống động giữa người với vật, giữa người với người, vượt lên trên những biên giới đã tàn rã của những tôn giáo khép kín và những ý hệ có tính cách biện chính giả tạo cho thế giới ; ta thấy xuất hiện một sự biện chính sống động cho thể giới, trong những mối tương giao sáng tạo và kiến tạo có thể có giữa con người và thế giới. Nhưng cả Sartre lẫn nhân vật chính trong Buồn Nôn là Roquentin đều bất lực trong việc khai phá những tiềm năng đầy tính chất kiến tạo, xây dựng đó. Ta hãy nhớ lại người con gái bị cưỡng hiếp trên kia: cơn phấn khích của tình yêu mà đáng lẽ phải tiếp liền theo sau sự hòa hợp của hai thân thể được giải thoát khỏi những cấm điều và đạo đức, lại bị thay thế bằng chứng đau tim. Đối với người thiếu nữ đó, cuộc tranh chấp nguồn gốc của bế tắc tâm lý xảy ra giữa thèm khát nhục dục và sự khước từ không muốn bị thống trị, cưỡng bách, đè bẹp, bị xem như một vật thể bởi một người đàn ông mà nàng không yêu thương. Còn nơi Roquentin-Sartre, cuộc tranh chấp xảy ra giữa nhu cầu hợp nhất nhờ tri thức, giữa sự khao khát xây dựng đứng trước một thế giới đã được giải phóng khỏi mọi tuyệt đối thể cổ xưa, và cái nhu cầu bệnh hoạn khát khao một Tuyệt Đối; nhu cầu còn mãi trói buộc ý thức. Rốt cuộc, Sartre lại sa vào bẫy của cái ý thức muốn tuyệt đối hóa, ông tự tạo ra một tuyệt đối mới trong tính chất ngẫu nhiên, bất tất của vạn sự vạn vật, trong hiện thể vô căn-vô-cố của chúng; Sartre phóng chiếu nên một tuyệt đối ngẫu nhiên nhưng-không-vô cố thay thế cho tuyệt đối tất yếu mà ngày nay chúng ta không còn tin tưởng nữa. Ông viết : « Tình trạng ngẫu nhiên, vô căn, vô cố không phải là một bản in giả, một vọng ảnh mà ta có thể giải trừ được, nhưng nó chính là Tuyệt đối... là tính cách nhưng không, vô cố toàn hảo »[4] Điều kỳ lạ ở đây là thay vì một thế giới được giải phóng khỏi mọi Tuyệt Đối, đối tượng của những tương giao tự do với con người, thì chính thế giới lại trở nên một Tuyệt đối thể. Hiển nhiên là vào thời cổ sơ, ý thức con người đã khởi sự bằng cách phóng chiếu nên những thần linh, rồi đến một Hữu thể tuyệt đối độc nhất, đấng sáng tạo ra thế giới. Sartre vạch cho ta một giai đoạn thứ ba của ý thức con người : ý thức đạt đến chỗ tự giải thoát khỏi Thượng-Đế tuyệt-đối, nhưng vì vẫn còn vong thân, ý thức lại tái dựng Tuyệt đối thể dưới một hình thức khác. Nơi Roquentin- Sartre, Tuyệt đối thể mới được dựng nên là tính chất bất tất, ngẫu nhiên của thế giới”, đã được giải thoát khỏi một Nguyên nhân ngoại tại với nó. Nhưng những đặc điểm khác nhau nêu ra ở trên, như tính bất tất, ngẫu nhiên, sự hoàn hảo, tính chất tuyệt đối, thực ra lại làm cho thế giới thành xa lạ với con người cũng bằng với sự xa lạ có thể có khi thế giới còn là sản phẩm của Thượng đế. Quả vậy, làm thể nào hiện hữu của thế giới lại có thể mang tính cách “nhưng-không” "vô căn vô cố” "ngẫu nhiên” đối với chúng ta ? Chẳng phải chúng ta đã được gắn liền với thế giới bằng những mối giây liên lạc thực tiễn bất tận: ăn, mặc, ở, vân vân ? Làm thế nào mà thế giới lại có thể bắt ta chấp nhận, nó như một Tuyệt đối thể tự khép kín, trong khi mà chúng ta vẫn tri giác một cách đột phát, tự nhiên về những đối tượng trong thế giới, một hiện tượng giả thiết phải có một tổng hợp thường xuyên giữa con người với môi trường (hình I) ? Hẳn nhiên là thế giới không có một tất yếu tính do một đăng thượng để nào đó, hay một Tự Thể nào xa lạ với nó quy định sẵn, nhưng thế giới cũng chẳng có tính chất bất tất, ngẫu nhiên tuyệt đối, vì lẽ thực tại của thế giới đối với tôi là kết quả của một tổng hợp sinh động, có tính chất cơ năng, thích ứng, giữa một đằng là tôi và thế giới, và đằng khác, tôi và những ý thức khác.
Sartre đã tự giải thoát vô ích khỏi đấng Thượng đế tuyệt đối và sáng tạo vì điều bất hạnh là ông không tự giải thoát khỏi phản xạ tuyệt đối hóa : ông thủ tiêu đấng sáng tạo, nhưng lại duy trì Tuyệt đối thể, mà người ta gặp lại trong hiện hữu "hoàn toàn ngẫu nhiên vô căn vô cố ”. Tính chất ngẫu nhiên vô căn vô cố này chỉ là một huyền thoại, cũng y như tính chất tất yếu quy định do một đấng thượng đế : tính ngẫu nhiên hay tính tất yếu của hiện hữu đều là những sản phẩm của cùng một ý thức luôn tuyệt đối hóa mọi sự, một ý thức hay phóng chiếu và bị vong thân : thay vì mối tương quan sáng tạo và sống động chủ thể thế giới (hình I), thì chủ thể bị vong thân lại phóng chiếu nên hoặc là thế-giới tất-yếu, hoặc là một thế giới-ngẫu-nhiên. Chúng tôi nghĩ rằng, thực ra, hiện hữu của thế giới không tất yếu mà cũng chẳng ngẫu nhiên, hiện hữu ấy phát sinh từ sự vận chuyển của mối tương giao hiện sinh nối liền con người với môi trường đang sinh hoạt và với những người khác, trên bình diện cơ năng: hiện hữu của tha nhân chẳng hạn, chính là mối tương quan bằng hữu hay thù hận của tôi đối với họ, nhưng trước tất cả, đó chính là mối liên lạc hỗ tương, xây dựng của tri giác và ngôn ngữ (hình I), mà nếu không có nó thì chẳng thể có được tình thân hữu lẫn lòng thù hận và ngay cả khái niệm con người. Dường như Sartre không chấp nhận sự kiện có một mối liên lạc sáng tạo và cơ năng, ràng buộc cá nhân với thế giới (hình I). Quan niệm về hiện hữu của Sartre đã thu giảm hiện hữu thành một thứ Tuyệt đối thể ù lì bất động và vĩ đại, do đó mới phát sinh hiện tượng "buồn nôn", hậu quả của cuộc tranh chấp giữa một dòng lưu chuyển những tương giao thực sự với thế giới, và một khái niệm bị tuyệt đối hóa về thế giới, khước từ mọi trao đổi, giao hoán, mọi tương thoại. Cuốn Buồn Nôn mô tả một cách chính xác tình trạng giả tạo chi phối những tương quan giữa Roquentin Sartre và hiện hữu: một đàng, những tương quan có tính chất cơ năng, tự nhiên, “chủ thể thế giới”, và khát vọng của ý thức, muốn tự do phát triển những mối tương quan nói trên trong tất cả mọi lãnh vực, và đằng khác, một sự tuyệt đối hóa thế giới, khước từ thông giao, tổng hợp trên. Nói cách khác, vị thế hiện hữu của Roquentin-Sartre đưa đến một sự ẩn ức thật sự những sức mạnh sống động và sáng tạo của tâm thể, do đấy mới phát sinh triệu chứng vừa tâm lý vừa thân xác là “buồn nôn”. Tuy vậy, do đâu truyện kể của Sartre lại thành công rực rỡ đến thế ? Chính vì từ câu chuyện Buồn Nôn ta thấy toát ra một thứ gì thần bí, ở chỗ Sartre đã sáng tạo nên từ hư không (ex nihilo) một Tuyệt đối thể mới, một Huyền thoại mới trong khi vào đúng lúc nầy, ý thức của con người thời đại đang từ bỏ những Tuyệt đối thể cổ truyền và cần phải có những Tuyệt đối thể mới mẻ đề thay thế. Tuyệt đối thể được bồi dưỡng trong cuốn Buồn nôn không còn phải là Tình yêu, Tôn Giáo, Con Người, hay Tổ Quốc, nhưng chính là Hiện Hữu, chính là thế giới khả giác xét như là ngẫu nhiên, kiện tính, như thế là như thế. Tuyệt đối của một thế giới không căn cớ, lý do” thế chân cho Tuyệt đối-Thượng đế, Tuyệt đối-Tổ quốc, vân vân... Nhưng làm sao Tuyệt đối thể này lại làm ta kinh tởm, hãi sợ ? Bầu không khí trong Buồn Nôn đặc biệt làm nổi bật cái khía cạnh gớm guốc, kinh tởm của cái hiện hữu tuyệt đối nói trên, làm độc giả sợ hãi cũng y như đứa bé bị ông ba bị trong chuyện ngụ ngôn làm khủng khiếp, tuy thế họ vẫn đọc lại để cảm nghiệm một lần nữa nỗi sợ hãi đang quyến hút họ. Roquentin viết trong nhật ký : « Tràn ngập những hiện hữu gió, cơn xào xạc của những ngọn cây, vân vân...) ... Hiện hữu ở khắp mọi nơi, vô hạn dư thừa, vĩnh viễn và khắp nơi... Tôi thả người trên ghế dài cả da thịt tôi cũng máy động... phó mình cho sự đâm chồi nảy lộc khắp cùng thế giới, quả là kinh tởm”[5]. Ta nghĩ đến nhà thơ Baudelaire "quỷ mị”, thờ phụng quỷ dử Lucifer thay vì Thượng Đế, ca ngợi những gái giang hồ, rượu nồng, tội ác. Tôn Giáo và Đạo Đức bị đảo lộn : người ta không còn ngưỡng vọng tôn thờ một giấc mộng rực rỡ, một thực thể siêu việt nữa, nhưng ngưỡng vọng một mặt trời đen. Thật dễ tự tạo cho mình một vẻ nồi loạn như vậy, nhưng không vì thế mà người ta thôi là một tín đồ nhiệt thành của Tuyệt Đối, tiếp tục sống để phụng sự Mộng Ảo. Đấy là trường hợp Roquentin. Đám đông hỗn độn những vật thể lôi kéo, mê hoặc chàng ta như một Siêu Việt thể linh thánh, nhưng vị Thượng Đế mới này là một Thượng Đế quỷ mị, một mặt trời đen làm chàng ta kinh hãi.. Trong công viên Bouville, đúng là Roquetin bị một chiếc rễ cây dẻ thôi miên thực sự: « Sự mê hoặc ấy kéo dài trong bao lâu rồi ? Tôi đã là chiếc rễ cây... Thời gian đã ngừng lại... Tôi muốn rứt mình ra khỏi cơn khoái lạc tàn bạo này..."[6]. Cơn khoái lạc ấy có bản tính huyền bí. Ở trang trước cuốn sách, Sartre đã nói đến một « trạng thái xuất thần khủng khiếp» Cơn khoái lạc và trạng thái xuất thần nói trên có nghĩa là có một sự thể nhập làm một với Tuyệt Đối thể, ở đây là vật thể ù lì bất động. Nhưng tại sao sự thể nhập làm một này lại mang tính cách tàn bạo, khủng khiếp ? Bởi vì thực ra thì ý thức, bản ngã của cá thể và của con người đang vươn đến chỗ mất tăm tích, đến chỗ tan loãng ra, trong cái tuyệt đối thể của hiện hữu ù lì, bất động và ngẫu nhiên. Nếu sự thể nhập, tan hòa làm một với Vật Thể đã gây ra sự kinh hãi và khủng khiếp, thì đó là vì Vật thể là một tự-thể (en-soi), một tuyệt đối thể trọn vẹn, liên lỉ, bóp nghẹt hữu thể tự quy (pour-soi) của ý thức. (Các triết gia bảo rằng ý thức là một “hữu thể tự quy, hay tự quy thể: chẳng hạn khi tự nhìn mình trong gương, tôi có ý thức về thân thể của tôi như một đối tượng, tôi nhìn thấy tôi; vậy hiển nhiên lúc ấy tôi đang hiện hữu vừa như một chủ thể vừa như một đối tượng: tôi có một hiện hữu của đối tượng đối với chính tôi—xét như tôi là chủ thể. Cũng y như thế, mọi ý thức đều là một hữu thể tự quy, nghĩa là ý thức là khoảng cách giữa một tôi đối tượng. Nhưng khi tôi ngủ thì ý thức tôi tắt lịm; lúc ấy tôi biến thành một vật tự nội hay tự-thể (en-soi), tương tự một hòn đá, bởi vì mọi khoảng cách giữa chủ thể và đối tượng đã bị thủ tiêu). Người ta thấy rằng, thực ra, đứng trên quan điểm của Sartre, thì Vật thể hay vật tự thể, vốn là một thứ Tuyệt Đối thể tiêu cực, xấu xa, nguy hiểm đối với ý-thức về-mình, nhưng lại xuất hiện như một mặt trời đích thực, một Thần Linh thực sự. Buồn Nôn là một thiên truyện kể độc đáo có bản chất huyền bí, gián tiếp khai mở cho chúng ta thấy vị Thượng Đế đích thực của người theo chủ thuyết hiện sinh. (Đối nghịch lại với cái vật tự thể quỷ mị), vị Thượng Đế ấy chính là ý thức hay là hữu thể tự quy. Rốt cuộc, Đấng Sáng Tạo bị Sartre truất phế khỏi vai trò kẻ biện chính cho thế giới, và chính thế giới lại thu gặt được cái đặc tính tuyệt đối của vị chủ cũ của mình là Thượng Đế nhưng đặc tính ấy đã bị xoay chiều thành ra tiêu cực. Theo Sartre vị Thượng Đế chân thực không phải là cái thế giới tự sinh (incréé) và ù lì bất động, nhưng chính là ý thức về thế giới, tức hữu thể tự quy ; hữu thề này rốt cuộc lại khoác lấy bề ngoài của Tuyệt đối thể tích cực, nơi mà vị thượng Đế siêu việt trước đây đã bị gạt ra ngoài. Jacques Maritain có lý khi bảo rằng “ học thuyết hiện sinh vô thần vẫn còn phụ thuộc... vào một thứ "thần học đi ngược đầu". Nhà huyền học Ky tô giáo cảm nghiệm một nỗi thất vọng dữ dội khi ông đánh mất trạng thái hợp nhất với đấng thượng Đế của mình. Còn Sartre thì lại cảm nghiệm một nỗi kinh hãi khi ông tự thấy mình biến mất tăm dạng trong trạng thái ngẫu nhiên tuyệt đối của thế giới. Hiển nhiên là ở đây, sự thể nhập, tan hòa làm một, không xảy ra với một đấng Thượng Đế, nhưng là với hữu thể vô thức : những cây cối, những hòn đá... Roquentin - Sartre khước từ sự thủ tiêu có tính cách huyền bí cái bản ngã của mình vì lẽ như thế chỉ làm lợi cho tình trạng vô thức của các vật thể. Tuy nhiên, ý thức lại cảm thấy bị hấp dẫn, bị thu hút về phía vật thể đang ra sức dung hóa ý thức (sau này chúng ta xét xem vì lý do gì). Dầu sao đi nữa, chúng ta cũng bước vào một đấu trường trong đó đang diễn ra cuộc tranh đấu giữa một đằng là cái thể giới "ù lì, bất động" và "nhầy nhụa", nhưng lại có được sự toàn hảo của Tuyệt Đối Thể, và đằng khác là cái ý thức, cái bản ngã đang ra sức bảo vệ tính cách nguyên vẹn đã bị tách rời của mình. Đứng ra đương đầu với Vật Thể và thế giới của những vật thể trong một trận chiến tuyệt vọng để bảo trì và cứu vãn cái cảm thức sắc bén về chính mình, là cái ý thức về mình của cá thể. Kierkegaard người Ky tô giáo khai sáng ra thuyết hiện sinh đương thời đã thể nghiệm một cuộc chiến đấu tương tự, giữa đấng Thượng Để toàn năng, vô hạn và hiện sinh hữu hạn của ông. Làm thế nào giải thích được những sự tương đồng như thế, nếu không căn cứ vào sự kiện là : cuộc chiến đấu và cuộc tranh chấp luôn luôn đem lại cùng một sự thỏa mãn có tính cách vô thức cho cái ý thức chưa trưởng thành, cái ý thức bị tước đoạt mất mối liên lạc tự nhiên với thế giới ? Về phần ông, Albert Camus đã chẳng luôn đem đối nghịch ý thức con người với sự khinh bỉ của vũ trụ thù nghịch ? Luôn luôn ta thấy cùng một cuộc tranh chấp, cùng một nỗi đam mê cạnh tranh, những đặc trưng của mối tương giao xã hội đã bị vong thân. Bấy giờ người ta nhận ra rằng Sartre chẳng mang đến điều chi mới lạ sau những vũ trụ quan có tính chất tương tranh chấp chiến xuất hiện trước ông. Triết học của Sartre chỉ trình bày một khía cạnh bất ngờ và làm mới lại những gì từ lâu đã tạo thành tấn bi kịch của con người: bị tách biệt khỏi thế giới và tha nhân do ý thức của chính mình thay vì kết hợp với thế giới và tha nhân nhờ vào đức tính sáng tạo của chính ý thức ấy - con người lạc vào trong sự vong thân vì tranh đấu: thay vì sống sự hòa hợp và hợp nhất, thì con người lại phóng chiếu sự hợp nhất ấy trong huyền thoại về một Tuyệt Đối Thể mà sự biện chính duy nhất là Tuyệt Đối Thể ấy hiện hữu bằng cách đối nghịch với một Phản Tuyệt Đối Thể (do đó phát sinh những cặp tương tranh mâu thuẫn không thể hòa giải được như là: Thượng Đế và Ác Quỷ, Sống và chết, Thiện và Ác, Hữu Thể và Vô Thể, Chúng Tôi và Các Anh, Ngã Thể và Tha Thể, Tha Quy-Thể và Tự-Nội-Thể). Sự phóng chiếu nên một Tuyệt Đối Thể nào bất cứ, dầu có tính chất thể tục hay tôn giáo, như vậy là có một nguồn gốc xã hội: chính vì con người không sống một cách hồn nhiên, đột phát, mối hợp nhất đối với tha nhân trong một tổng hợp xã hội toàn vẹn (như là trong cần lao, trong tình yêu, trong công cuộc khảo cứu) cho nên con người mới phóng chiếu nên huyền thoại về một Tuyệt Đối Thể đứng ra biện chính cho con người và thế giới. Ta thoáng thấy rằng sự biện chính đích thực của thế giới chỉ có thể xuất hiện trong hành vi hợp nhất với tha nhân và với vô hạn thể. Nguyên Nhân của những nguyên nhân, Tất yếu Tính tuyệt đối, Sự Biện Chính tuyệt đối không thể bài bác được, sẽ là sự tương giao có tính chất xây dựng giữa những chủ thể của ý thức, giữa ý thức và thế giới. Một khi cái Nguyên Nhân sinh động, sự Biện chính chủ động, mỗi hợp nhất sống động này không được thể hiện, thì người ta lại đem phóng chiếu nó thành một Tuyệt Đối Thể và Tuyệt Đối thể này lập tức gây nên đối nghịch thể của mình và cùng với nó, là cuộc chiến tranh giữa những đối nghịch thể. Tình trạng vong thân xuất sinh : Cuộc chiến đấu của con người với Quỷ dữ, chống Thiên nhiên, chống sự chết, chống lại vật Tự Thể và cuộc đấu tranh giữa con người với nhau - tất cả diễn ra liên miên không ngừng. Trong triết học của ông, Sartre chỉ đưa ra một hình thức mới mẻ cho cái tiến trình cổ điển về sự vong thân của con người; nhưng khi làm thế, ông hiến cho ta một cơ hội nữa để truy nhận và phân tích tiến trình này. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC