Chủ nghĩa hiện sinh

Nhân bản trong học thuyết Heidegger

NHÂN BẢN TRONG HỌC THUYẾT HEIDEGGER

 

LÊ THÀNH TRỊ

 


Bài văn này trích từ chương 10 có nhan đề “Diễn tiến tư tưởng của Heidegger” trong tác phẩm Hiện tượng luận hiện sinh của GS. Lê Thành Trị (Trung tâm Học liệu và Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974)


 

Định nghĩa đầu mối tư tưởng của mọi cuộc thảo luận. Khi đặt vấn đề nhân bản trong học thuyết Heidegger, ta phải tự hỏi tại sao lại đặt vấn đề ấy, Heidegger có quan niệm nhân bản như những người đi trước ông không? Nói khác đi, cái gọi là nhân bản theo nghĩa có cổ điển phải chăng là nguồn gốc của vấn đề đã được đặt ra, và do đó có gì khác trong quan niệm Heidegger về ý nghĩa nhân bản không? Đọc Heidegger ta không thể không nghĩ đến vấn đề đó như Beaufret đã từng nghĩ đến và đặt ra cho chính triết gia chúng ta.

 

Thói thường hai chữ nhân bản có nghĩa là bản chất của người, bản chất ấy mang hai yếu tố: lý tính và bẩm sinh. Người được định nghĩa là sinh vật có lý tính nghĩa là biết suy luận, biết phân biệt thực hư, phải trái, của những lời phán đoán. Lý tính ấy chính là căn bản của một cuộc sống tinh thần không có nơi các sinh vật khác. Thứ đến, lý tính hay bản chất ấy vốn là một cái gì con người mang theo từ khi lọt lòng mẹ, một cái gì đã cho một lần khi mới sinh ra và đã triển diễn theo những quy luận đã được trời đất phú bẩm cho. Đó là quan điểm của Aristoteles và những người đứng vào hàng ngũ của ông. Nhưng gần đây, có những ý kiến đổi ngược cho rằng không làm gì có một nhân bản hiểu theo nghĩa trên. Đặc biệt, đó là ý kiến của một số triết gia hiện sinh như J. P. Sartre, hoặc của những người Mác xít. Heidegger đã tỏ ra tha thiết với vai trò của người, trong việc tìm hiểu vấn đề hữu, đã đề cao người như là một sinh vật tự tạo trong thời gian và theo thúc đẩy của sử tính như ta đã biết. Vậy thì Heidegger có phủ nhận nhân bản không, và có những điểm dị đồng nào trong quan điểm của ông về vấn đề ấy đối với quan điểm cổ điển?

 

Chúng ta sẽ tìm hiểu ông theo hai phương diện tiêu cực và tích cực của ông.

 

Quan điểm tiêu cực

 

Heidegger đồng ý rằng có một nhân bản và nhân bản ấy là cái phân biệt người với thú vật, là cái đem người lên trên thú vật, nhưng, cái đó là cái gì? Chính là sự lo lắng, ưu tư (souci) mà ta đã nói: “Chủ nghĩa nhân bản ở tại điều này: suy nghĩ và lo liệu cho con người có nhân và khỏi phi-nhân, khỏi man rợ, nghĩa là khỏi đi ra ngoài thực chất của nó. Vậy mà nhân đạo của con người là gì? Nhân đạo nằm trong thực chất của con người[1].

 

Học thuyết hữu thể luận căn bản đã cho ta thấy thế nào là nhân tính; là nhân bản. Nhưng ở đây ta cần nhắc lại, theo Heidegger, rằng nhân bản ấy không thể tìm trong những quan niệm nhiên hóa con người, dầu quan điểm ấy là của K. Marx hay là của Thiên Chúa giáo đi nữa. Thực vậy, người xưa đã nhìn người như một cái gì đã hình thành, hay ít ra, như một đối tượng cần tìm hiểu bản chất. Đó là quan điểm của tất cả những triết lý nhìn người như một hiện hữu cùng loại với bất cứ một hiện hữu nào. Đó là quan điểm của siêu hình. Người ta chỉ tìm biết và đánh giá người qua những đặc tính vật chất hoặc tinh thần của con người, bởi vì người được nhìn xem như là một sự vật với tất cả những đặc tính ấy. Người không khác một hiện hữu nào khác.

 

Con người nhân bản không phải là con người La Mã, như Cicéro quan niệm, một con người có giáo hóa, có học vấn, biết thưởng thức hoặc sáng tạo những công trình nghệ thuật, biết tôn trọng luật pháp… đó là con người thành thị, con người công dân, con người văn minh, khác hẳn với con người “man rợ”, dữ tợn, thuần nhiên, ăn lông ở lỗ chốn rừng xanh núi thẳm ngoài đế quốc La Mã. Con người nhân bản cũng không phải là con người “phục hưng” biết học Hy ngữ hay biết thưởng thức những áng văn chương thời thượng cổ, như các thế kỷ 15, 16 đã quan niệm. Cũng không phải là con người xã hội của K. Marx chỉ biết tìm mình trong cuộc sống kinh tế và vật chất. Cũng không phải là con người tìm cứu rỗi trong sự trung thành với hình ảnh của Thượng Đế. Sau hết, con người nhân bản không phải là thành quả của những quyết định tối hậu của tự do cá nhân như thuyết hiện sinh Sartre chủ trương.

 

Với những quan điểm đó, con người đã tự biến thành nạn nhân của thế lực ngoại lai sử dụng người như một đồ vật vô hồn, của sức mạnh kinh tế, của kỹ thuật, khoa học, của ý thức hệ dưới mọi hình thức. Đặc biệt những người như Sartre đã lầm tưởng khi định nghĩa nhân bản bằng tự do hiện sinh. Dĩ nhiên tự do là cái gì đặc loại của người, là cái gì cấu tạo nên ý nghĩa người. Nhưng tự do tự nó không thể là một cái gì khả tri. Tự do cần tự vượt để vươn lên một cái gì khác khả dĩ giải thích cho tự do và bản chất tự do. Nietzsche đã sớm thấy điều đó khi ông liên kết tự do với ý chí sức mạnh, và ý chí sức mạnh với hồi quy vĩnh cửu. Nói khác đi, con người nhân bản của Nietzsche đã sớm thấy mình chơi vơi giữa cuộc đời vô nghĩa, thiếu nền tảng, trong cảnh trơ trọi, trống rỗng của chủ nghĩa hư vô lúc ban đầu, và nhờ ý thức ấy, đã cố gắng tìm một sự móc nối với loại người siêu nhân, và siêu nhân lại được móc nối với bạo lực của vũ trụ. Con người của Nietzsche quan niệm như là bà hiền mẫu sáng tạo. Trong khi đó, con người hiện sinh của Sartre, vì quá tuyệt đối, quá độc lập trong ý thức nhân bản của mình, nên đã vô tình rơi vào cái mà Sartre không muốn là bạo lực của tập thể. Thực vậy, khi mỗi người sống như một hải đảo trong xã hội, khi mỗi người là một tự do tuyệt đối, thì nhân loại này chỉ là chỗ chen lấn của những thế lực tuyệt đối, mạnh ai nấy được. Số phận nhân loại bỏ mặc cho chủ quan của mọi người, và của tất cả. Chủ quan của một người sẽ không là gì cả, nhưng chủ quan của tập thể thì sẽ vô cùng độc tài và tàn bạo. Vì thế mà Heidegger đã ghi nhận: “Le collectivisme est la subjectivité l’homme sur le plan de la totalité”[2].

 

Người sẽ không còn giá trị, hay nói đúng hơn, giá trị của người sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào nhận định hoặc thẩm định của cá nhân chủ quan. Giá trị là một cái gì không phải thiếu khách tính. Cần phải có một ý niệm chắc chắn về thế nào là giá trị thì nhiên hậu vấn đề nhân bản mới giải quyết được phần nào. Heidegger đã nhắc lại quan điểm ấy của Nietzsche: “la question des valeurs est plus fondamentale que la question de la certitude: cette dernière n acquiert son instance qu’à condition que soit résolue la question de la valeur”[3]. Vậy thì, một khi tự do là tiếng nói sau cùng của mọi hành động nhân sinh, một khi người là nền tảng của mọi đánh giá, thì sự đánh giá tự nó cũng sẽ vô nghĩa và phi lý. Đánh giá là đặt một liên hệ, một so sánh. So sánh đòi một hơn kém nào đó giữa các thành phần được so sánh. Do đó, ý niệm so sánh không thể tự người tuyệt đối tạo ra. Tự nó vốn là một ân huệ như chính Dasein, ý thức giá trị, một khi đã được ban phát cho người, thì cùng người chịu những cảnh vong thân, lệch lạc. Đặc biệt nhất, sự lệch lạc đó bắt nguồn ở lệch lạc căn bản cho rằng người là thước đo mọi sự, người trước hết là chủ thể tính và chủ thể tính ấy tạo ra khách tính của vạn vật. Đó là ý nghĩa câu: “Toute valorisation, là méme on elle valorise positivement est une subjectivation”[4].

 

Không phải rằng Heidegger không công nhận những gì là sáng tạo văn nghệ, văn hóa, khoa học, của con người. Không phải ông sống ngoài cương lệnh của đạo đức, luân lý. Không phải ông là người vô thần như một số dư luận đã lầm tưởng. Như Descartes đã sống đầy đủ nền nhân bản thời đại ông trong khi thực hiện phương pháp hoài nghi của ông, cũng vậy, Heidegger không quên tôn trọng tư tưởng và khám phá của người khác, của xã hội trong mọi lãnh vực văn chương, khoa học, luân lý, tôn giáo. Nhưng trên bình diện lý thuyết và triết lý, nền nhân bản cũ với tất cả mọi hình thức của nó đã tỏ ra thiếu nền tảng, càng ngày càng xa vời nguồn gốc của nó, khiến cho nhân loại chia rẽ, mâu thuẫn với nhau đến độ trầm trọng như ta thấy ngày nay. Vì thiếu nền tảng, vì quan niệm người như một hiện hữu giữa các hiện hữu khác, nên người ta đã phải nghĩ đến việc đề cao lý trí, cho người là một sinh vật lý tính. Thậm chí, người ta đã không buồn tìm hiểu thế nào là sinh vật tính nơi người, hoặc chỉ biết có sinh vật tính ấy để rồi giản lược lý tính vào sinh vật tính ấy. Đó là lý do tại sao người ta bị bế tắc mãi trong nhị nguyên tính, tinh thần và vật chất, hồn và xác… bên trọng bên khinh. Vì thiếu nền tảng cho nên, ngay đối với ý nghĩa luân lý, nhân loại đã không nắm chắc được: mỗi triết phái quan niệm mỗi đường. Đạo là đường, nhưng không có đường nào là chính đạo cả. Heidegger đã không ngần ngại cho rằng tất cả những con đường người ta tạo ra sẽ không đưa tới đâu. Người ta đã vô tình hạ thấp nhân bản trong khi đề cao luân lý truyền thống. Lý do là sự đề cao ấy là một khích lệ xa rời nguồn gốc của luân lý. Ngay cả những ý niệm mà người ta cho rằng Thánh kinh, như ý niệm về Thượng đế, Thượng đế cao cả, Thượng đế tình thương, Thượng đế vô thủy vô chung…, nói cho cùng ra, chỉ là những xuyên tạc, vu cáo, hoặc khôi hài hình ảnh chân thực của Thượng đế. “Proclamer Dieu” “la plus haute valeur”, “c’est dégrader l’essence de Dieu”[5].

 

Heidegger không phải là người vô thần. Hay ông chỉ là vô thần khi Thượng đế được quan niệm như là một hiện hữu tối thượng, khi người ta gán cho Thượng đế những đặc tính của một sự vật, của người. Ông nói rằng, thực ra vô thần đã xuất phát từ quan niệm siêu hình cổ điển, vì quan niệm ấy đã dựa vào lý luận luận lý, mà luận lý lại là con đẻ của một hữu thể luận chỉ biết có hiện hữu. Và do đó không làm gì có một nhân bản, nếu được hiểu theo cổ truyền. Theo ý ông, có thể giữ lại danh từ nhân bản (humanisme) với điều kiện là mặc cho danh từ một ý nghĩa triết lý hơn, sâu xa hơn. Ý nghĩa ấy sẽ được tìm trong liên hệ giữa Người và Hữu. Nhưng liên hệ ấy được soi sáng bởi những gì đã trình bày trong cuốn Sein und Zeit về hữu thể luận căn bản của người. Hữu thể luận căn bản ấy chính là những ánh sáng xuất phát từ hiện sinh (hiểu theo nghĩa Heidegger).

 

Trên con đường của Hữu, bắt đầu khởi điểm là hữu tại thế của người, thì cái gọi là nhân bản chân thực mới quan niệm được. Nhân bản là cái phân biệt người với vật, là cái làm cho người thành một hiện hữu đặc ân. Nhân bản là khả thể của người, nói lên tiếng nói của Hữu, là giõi ánh sáng của Hữu. Như vậy, nhân bản được vượt lên trên mọi mô tả tâm lý hay luân lý. Nhân bản không phải là sản phẩm tuyệt đối của tự do cá nhân. Nhân bản do sức truyền thông sáng tạo của Hữu mà có, và vì theo nghĩa ấy, cho nên nhân bản là cái gì có như một cởi mở, một hướng về Hữu. Khi con người đã được đặt đúng vào vị trí hữu thể luận của nó, khi con người đã ý thức được tất cả những gì, chân thực và không chân thực, cho nên thân phận nó trong thời gian, nghĩa là khi nó tự ý thức được cái làm cho nó thành người, thì lúc ấy, mới mong xây dựng được một nền nhân bản chính hiệu. Nền nhân bản ấy không phủ nhận tự do, công lý, xã hội… nhưng công nhận những đức tính như là những tất yếu của một hiện hữu mà sứ mệnh là làm sáng tỏ Hữu bằng những đức tính ấy.

 

Đối với Thượng đế, thì nền nhân bản mới này có thể là một bảo đảm, cho những người có tín ngưỡng tin vào Thượng đế[6]. Heidegger không đặt vấn đề Thượng đế, “cette philosophie ne se décide ni pour ni contre l’existence de Dieu”[7]. Nhưng, mối liên hệ mà ông quan niệm giữa Hữu của Dasein và Hữu xét theo là Hữu, cho thấy ông đã dùng những kiểu nói tương tự với những kiểu nói của Thánh Thomas trong lãnh vực thần học. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ hơn khi ta đề cập đến tương liên giữa tư tưởng và Hữu.

 

Nhân bản gợi lên những ý niệm đạo đức. Nói nhân bản là nói đến những nghĩa vụ, những bổn phận của con người, cũng như những quyền lợi của con người. Một nền nhân bản hướng về Hữu, tất nhiên cần được sử dụng những phương tiện để hoàn tất số mệnh của mình, điều đó không cần bàn tới. Điều mà Heidegger muốn nhấn mạnh là: hiện sinh của người, hiểu theo nghĩa là ánh sáng của Hữu, thì hiện sinh ấy không thể giản lược thành một đồ vật, một con số, mặc cho kỹ thuật hoặc tàn bạo vô trách nhiệm nào tha hồ sử dụng bất chấp đến số mạng của con người. Người cần được trọng kính, vì trước hết, ý nghĩa canh gác Hữu của nó. Ý nghĩa ấy, sứ mệnh ấy, do Hữu giao phó và điều động, không một thế lực nào khác có quyền cướp lấy cho mình.

 

Tuy nhiên, ở bình diện này cũng như ở nhiều luận đề khác, Heidegger không quên trở về nguồn: tư tưởng tiền Socrate. Theo ông, từ đầu người Hy Lạp suy tư không bằng danh từ. Thuyết chính danh chỉ xuất hiện sau Socrate và trong trường Platon. Cái gọi là đạo đức học cũng là do trường ấy tạo ra, và bắt nguồn từ danh từ Ethos.

 

Theo Heidegger, Ethos nguyên nghĩa Hy ngữ là nơi cư ngụ, chỗ ở, bốn bề mở rộng đón tiếp khách thập phương. Đặc biệt Ethos, chỗ ở của người, là nơi đón tiếp sự hiện diện của thần linh. Đó là ý nghĩa của câu nói Heraclite: ethos antropos daimon. Nói khác đi, người được định nghĩa bằng chỗ ở của mình. Chỗ ở ấy là thế giới, trong đó người sinh ra. Do đó, người được Heidegger đặt tên là Hữu tại thế. Hữu tại thế là Hữu do Hữu mà có, và luôn luôn hướng về Hữu, được hướng dẫn bởi Hữu. Con người, theo nghĩa ấy, có trách nhiệm nghe theo tiếng gọi của Hữu. Tiếng gọi ấy chính là cái làm nên lề luật hoặc phép tắc con người phải tuân giữ, để khỏi phản bội với ý nghĩa làm người của mình. Tất cả mọi nền luân lý, đạo đức phải được quan niệm dưới ánh sáng tương quan căn bản ấy của con người với Hữu. Có hiểu như vậy thì ta mới giải thích được sự đồng nhất giữa đạo đức học và hữu thể luận. Có hiểu như vậy, thì Hữu mới thấy được là nguồn gốc của nhân bản.

 

Jaspers đã không quan niệm khác khi nói rằng: “Pas de véritable image de l’homme sans Dieu” hoặc “Je ne suis pas d’abord homme, puis en outre ordonné à Dieu: mais je suis homme par ma référence à Dieu”. Chúng ta thấy một sự trùng hợp giữa hai triết gia trong quan niệm nhân bản. Nhưng trong khi Jaspers tỏ ra hữu thần hơn, thì Heidegger có vẻ triết lý hơn. Một Feuerbach, một K. Marx, hoặc một Sartre đã phủ nhận liên hệ giữa người với Thượng đế vì sự hiện hữu của Thượng đế sẽ là một phủ nhận tự do con người, và do đó là phủ nhận nhân bản. Cho nên những triết gia ấy đòi cho người một tự do tuyệt đối trong sự quyết định lấy vận mạng của người, vì theo họ, có như vậy thì người mới thật là người. Chúng tôi nghĩ rằng con người không thể giản lược như vậy được. Dầu muốn dầu không, con người khi sinh ra đã thấy mình ràng buộc trong một vũ trụ. Tìm hiểu người không thể không đồng thời đặt nó vào viễn ảnh tìm hiểu vũ trụ trong đó người sống. Trong viễn tượng học thuyết của Heidegger, không phải người tự định đoạt lấy liên hệ giữa người và hữu. Liên hệ ấy đã có trước khi có người và trước khi người nghĩ đến việc phủ nhận dây liên hệ ấy. Hơn nữa, chính mối liên hệ ấy là nguồn gốc giải thích khả thể phủ nhận ấy, không có Hữu không có người. Heidegger chỉ làm công việc nói lên một sự thực đã có, thế thôi. Tuy nhiên, ông đã vấp phải sự khó khăn này: một đàng, ông không bao giờ có can đảm bỏ rơi những ý niệm của người xưa, nói khác đi, ý kiến người xưa là chất liệu cần thiết cho suy tư của ông, đàng khác, ông chỉ xem đó như là những lệch lạc hay ít ra như những cố gắng xa xa trong sự vươn lên với Hữu vậy thì nếu không có những ý niệm đi trước về nhân bản như lịch sử tư tưởng nhân loại đã ghi nhận, thì liệu rằng thuyết nhân bản của Heidegger có hình thành được không, dầu là trong trứng nước? Nói khác đi, nếu nhân loại đã không dừng lại ở hiện hữu, và khai thác hiện hữu, thì liệu rằng có thể có những ý niệm về tình thương, công bình, bác ái, về đạo, đức, về thiện ác không? Chúng tôi đã nói rằng Heidegger không từ chối những đòi hỏi thực hành của nền đạo đức học truyền thống, nhưng ông muốn vươn lên với nền tảng của những đòi hỏi ấy. Công việc ấy thực đáng khích lệ. Nhưng dầu sao ông không có quyền nghi ngờ nhân bản tính của những học thuyết vốn dĩ đề cao con người về những phương diện nào đó. Dĩ nhiên có những bực thang trong các nền nhân bản, nhưng theo ý chúng tôi, tất cả là nhân bản, khi con người hành động và suy tư. Các nền nhân bản chỉ khác nhau ở mức độ cao thấp hoàn bị hoặc thiếu sót. Bởi vì tất cả những gì người làm, dầu làm theo nhân tính, đều vì nhân tính mà làm. Khi một nền nhân bản khích lệ con người hướng thượng và đến gần với hạnh phúc, thì đó là một nền nhân bản chính danh, trái lại, là một nền nhân bản suy đồi. Có người tốt kẻ xấu, thì cũng có nhân bản hay, nhân bản dở.

 

 



[1] L. H. trang 45: “… l’humanisme consiste en ceci: réfléchir et veiller à ce que l’homme soit  humain et non in-humain, “barbare”, c’est-à-dire hors de son essence. Or en quoi consiste l’humanité de l’homme? Elle reppose dans son essence.

[2] L.H, trang 107.

[3] Chemins…, trang 197.

[4] L. H, trang 129.

[5] Xin so sánh với quan điểm Heidegger trang 316.

[6] L. H. trang 135: “Ce n’est qu’à partir de la vérité de l’être que se laisse penser l’essence du sacré. Ce n’est qu’à partir de l’essence du sacré qu’est à penser l’essence de la divinité. Ce n’est que dans la lumière de l’essence de la divinité que peut être pensé et dit ce que doit nommer le mot “dieu”.

[7] L. H, trang 135.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt