Chủ nghĩa hiện sinh

Sự bất tất của hiện hữu

GIAO LƯU VỚI  S A R T R E :

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11  
                       

 

 

S Ự BẤT TẤT CỦA HIỆN HỮU

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

Bản thể học truyền thống hướng theo mô hình của một "thuyết sáng tạo": hình ảnh nguyên mẫu có trong tâm trí người sáng tạo, và, vì thế, mọi hiện hữu đều có thể hiểu được, giải thích được, vì chúng tham dự vào nguyên mẫu hay mô phỏng cái bản chất mẫu mực ấy. Bây giờ, Roquentin lại nhận ra một sự thật khác, có vẻ nghịch lý: "cái bản chất hay cái cốt yếu là sự bất tất" ("l'essentiel est la contingence") ! Cảm thức ấy như thế nào?

 

Jean-Paul Sartre (J.P.S):

"Giây phút ấy thật phi thường. Tôi ngồi đấy, bất động và lạnh giá, đắm mình trong một trạng thái xuất thần khủng khiếp. Nhưng, ngay giữa lòng trạng thái xuất thần, có một nỗi gì mới mẻ vừa phát hiện: tôi đã hiểu thấu cơn Buồn Nôn; tôi đã sở đắc được nó. Thật ra, tôi không tự đúc kết thành lời những khám phá của tôi. Song tôi tin rằng, hiện tại tôi đã dễ dàng lồng chúng vào trong những từ ngữ. Điều cốt yếu [bản chất] là sự bất tất. Tôi muốn nói rằng, từ định nghĩa, hiện hữu không phải là tất yếu. Hiện hữu là hiện thể ra đó, chỉ vậy thôi; những vật thể xuất hiện, để cho ta gặp gỡ chúng, nhưng chẳng bao giờ ta có thể suy diễn, diễn dịch chúng được" (tr. 326).

Nghĩa là, ta không thể giải thích hiện hữu bằng cách suy ra hay dẫn xuất từ một bản chất có trước. Hiện hữu là hiện tượng, nhưng không phải là hiện tượng của một bản chất. Nếu trước đây Kant và Schopenhauer đã đủ can đảm cho rằng tư duy khái niệm không thể vươn đến được bản chất của thực tại, đi ngược với tinh thần duy lý truyền thống, thì bước đi lần này kết liễu lòng tin vào siêu hình học kiểu Platon, theo đó bản chất là cái tất yếu, còn hiện tượng là bất tất. Bây giờ Roquentin nhận ra rằng bản chất là sự bất tất, trong khi cái tất yếu thì không có sự hiện hữu. Có thể có hai thế giới như Platon quan niệm. Một thế giới tất yếu, nghiêm mật của hình thức như hình tròn và nhạc khúc, nhưng từ đó không thể giải thích sự hiện hữu, bởi "bản chất" của hiện hữu là ngẫu nhiên, không thể giải thích, là bất tất, tức có thể...không hiện hữu!

 

Và Roquentin "tức giận đến nghẹt thở" trước sự đầy ứ vô nghĩa của hiện hữu...

 

J.P.S: Lý do vì:

 "Người ta chẳng có thể tự hỏi cái đó nảy sinh từ đâu, tất cả những cái đó cũng chẳng tự hỏi tại sao thế giới lại hiện hữu, thay vì không có gì cả. Điều ấy chẳng có ý nghĩa gì; thế giới đã hiện diện khắp nơi, đàng trước, đàng sau. Tuyệt chẳng có gì trước khi thế giới hiện hữu. Chẳng có gì. Chẳng có giây phút nào mà thế giới đã có thể không hiện hữu. Chính điều này làm tôi giận dữ: hiển nhiên là chẳng có bất cứ lý do nào cho nó hiện hữu, cái loài côn trùng mềm nhão này. Nhưng không thể nào nó lại không hiện hữu." (tr. 334)

 

Sự hiện hữu tràn ngập, phi lý, lỳ lợm càng tỏ ra kinh khiếp hơn sau lớp màng bị "mã hóa" thành một trật tự tự nhiên được xác lập. Dầu vậy, nó vẫn bộc lộ là sự bất tất, như Ông sẽ vạch rõ sau này trong "Tồn tại và Hư vô":

 

"Da thịt là sự bất tất thuần túy của sự hiện diện. Thông thường nó được ngụy trang bằng áo quần, trang điểm, râu tóc, phong thái v.v. Nhưng, giao du lâu với một ai đó luôn sẽ có giây phút mọi mặt nạ đều rơi xuống, và tôi đối diện với sự bất tất thuần túy của sự hiện diện của người ấy. Trong trường hợp này, tôi chỉ có trực quan thuần túy về da thịt nơi một bộ mặt hay nơi những bộ phận khác của thân thế. Trực quan này không chỉ là nhận thức ; nó là tri giác mạnh mẽ về một sự bất tất tuyệt đối, và tri giác này là một loại hình đặc biệt của sự buồn nôn" (Tồn tại và Hư vô/L'Être et le Néant, tr.393)...

 

J.P.S: Sự bất tất là ở chỗ: da thịt được "mã hóa" - bằng các phương tiện ngụy trang "văn minh" như áo quần, trang điểm - không phải là thực tại mà chỉ là mặt nạ. "Buồn nôn" là tiến trình trải nghiệm của Roquentin trong việc phá hủy chân dung có sẵn, bị "mã hóa", để đột nhập vào "trực quan thuần túy về da thịt" ("intuition pure de la chair"). Mã hóa cũng là dấu hiệu của sự thống trị, áp bức như cảm nhận của Roquentin khi viếng thăm bảo tàng và nhìn ngắm những chân dung oai vệ, trịnh trọng của những nhân vật đầy quyền lực. Chỉ cần chút ít tưởng tượng của "trực quan thuần túy về da thịt" (tr.223 và tiếp), sự trần trụi của xác thịt sẽ chiếm lĩnh không gian; và sự hiện hữu sẽ thoát ly khỏi những khuôn mẫu cố hữu về ý nghĩa và cấu trúc: "...toàn thể cái khối thịt da kia đã lộ diện, không chống cự, căng phồng ra, nhẩu nhòe nước bọt, thoáng vẻ bỉ ổi, tà dâm" (tr. 223), mất đi vẻ cao cả, vĩnh hằng, thiêng liêng để nhận lời chào chia tay của Roquentin: "Adieu salauds!" ("Vĩnh biệt, những đồ chó đẻ!") (tr.235).

 

Và, ngay cả trong sự hình dung về chính mình?

 

J.P.S: Roquentin nhìn vào gương và phá vỡ cả "nhận thức" quen thuộc về chính mình:

"Tôi chẳng hiểu gì, cái khuôn mặt đó. Khuôn mặt của những người khác có một ý nghĩa. Còn của tôi thì không. Tôi cũng không thể quả quyết nó đẹp hay xấu. Tôi nghĩ rằng nó xấu, vì lẽ người ta bảo tôi thế. Nhưng điều đó không làm tôi xúc động. Thực ra tôi còn tức bực vì người ta lại có thể gán cho khuôn mặt những phẩm tính loại này, như thể người ta gọi một mẫu đất hoặc một khối đá là đẹp hay xấu (tr.46) (...) Cái nhìn của tôi hạ xuống chầm chậm, buồn bã, trên vầng trán, trên đôi gò má: tôi không gặp chi vững chãi cả, cái nhìn của tôi bị mắc cạn. Khi tôi còn nhỏ, bà dì Bigeois bảo tôi: "Nếu nhìn mặt mày quá lâu trong gương, mày sẽ thấy một con khỉ". Có lẽ tôi đã nhìn còn hơn quá lâu đó nữa: điều tôi thấy lại còn thua cả một con khỉ, ở biên giới của loài thảo mộc, ở mức độ những giống san hô" (tr. 46).

Sự phi lý tăng dần đến mức Roquentin không còn phân biệt được mình (ý thức) với hiện hữu tràn ngập (thấy mình như chiếc rễ cây dẽ, như một sự vật) (tr.327) là sự quy giản và tổn thương chủ thể đến mức cùng kiệt!

Sự bất bình, phẫn nộ ấy đang kêu đòi lối thoát: "để làm người".

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt