Tiểu sử triết gia

Ở Béclin. Những bước đi đầu tiên đến chủ nghĩa duy vật

 

FRIEĐRICH ENGEN TIỂU SỬ

 

CHƯƠNG MỘT

 

SỰ HÌNH THÀNH NHÀ TƯ TƯỞNG 

VÀ NGƯỜI CHIẾN SĨ VÔ SẢN

 


L.F. Ilísốp (chủ biên). Frieđrich Engen tiểu sử. Đỗ Trần Đại, Đặng Lê Minh dịch. Trần Việt Tú hiệu đính. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1977.


 

Ở Béclin. Những bước đi đầu tiên đến chủ nghĩa duy vật

Cuối tháng Ba 1841, sau khi mãn hạn làm việc ở Bremen, Engen trở về Bácmen. Nhưng cuộc sống trong ngôi nhà của bố rất xa lạ với điều anh mong muốn và mơ ước. Những cuộc gặp gỡ với các bạn học cũ, những buổi dạo chơi ở ngoại ô, những buổi chơi thể thao, v.v. – tất cả những điều đó không thể thỏa mãn Engen toàn vẹn. Suốt ngày anh đọc, suy nghĩ và viết. Vấn đề con đường đời sắp tới lại đặt ra trước Engen – có phục tùng ý chí của bố, trở thành thương gia không, hay là vẫn trung thành với những nhu cầu tinh thần đang ngày càng phát triển của mình, tiếp tục học tập và hiến mình cho một hoạt động khác, cao cả hơn.

Không hy vọng sự ủng hộ của bố, Engen quyết định đến Béclin để làm nghĩa vụ quân sự với tư cách lính tình nguyện. Giống như những đứa con trai của các bố mẹ giàu có, Engen có thể nộp một số tiền để khỏi phải làm nghĩa vụ quân sự, nhưng anh không muốn như vậy. Engen hy vọng rằng việc ở trong quân đội không cản trở anh nghiên cứu khoa học và văn học, mà Béclin với trường đại học tổng hợp nổi tiếng của nó, là địa điểm thích hợp nhất cho mục đích này.

Nhưng trước đó ông đi Thụy sĩ và Bắc Ý. Sự hùng vĩ và vẻ đẹp của cảnh núi rừng đã đặc biệt làm xao xuyến Engen, một người đã trải qua một tình cảm yêu thương không thể chia xẻ được. “... Tôi đứng ở đây... với trái tim cách đây một tháng đã vô cùng hạnh phúc, nhưng giờ đây nó cảm thấy trống rỗng và tan nát. Và nỗi đau buồn nào có quyền nhiều hơn trong việc bày giải tấm lòng trước giới tự nhiên tuyệt đẹp, nếu đó không phải là sự đau khổ cao quý nhất, cao cả nhất trong tất cả những đau khổ cá nhân – đau khổ của tình yêu ? »[1]

Tháng Chín 1841, Engen đến Béclin và gia nhập binh đoàn pháo binh. Doanh trại của binh đoàn đóng ở Cupfograben, gần trường đại học Béclin. Trong thời gian phục vụ ở binh đoàn, ông được phong cấp hạ sĩ pháo binh, được huấn luyện về quân sự mà trong những năm sau này ông rất cần đến. Engen lợi dụng rộng rãi việc đến ở Béclin để lập những lỗ hổng trong học vấn của mình. Với tính cách sinh viên dự thính tự do, anh đã lui tới trường đại học tổng hợp Béclin, anh nghe các bài giảng về triết học và làm việc trong nhóm hội thảo của giáo sư Bênari về lịch sử tôn giáo.

Sự phân liệt trong các học trò của Hegen đã làm cho thủ đô nước Phổ trở thành vũ đài đấu tranh của các trào lưu triết học khác nhau. Phái Hêgen cánh hữu G. Khinricxơ, G. Hablo, K. Hiôsen và những người khác, giải thích các quan điểm của vị thầy theo tinh thần của tư tưởng chính thống Cơ đốc giáo, đã thể hiện ra là những kẻ tích cực bảo vệ tôn giáo và hoàn toàn bào chữa cho các trật tự chính trị hiện tổn. Trào lưu triết học cấp tiến nhất là cánh tả của trường phái Hêgen, cái gọi là phái Hegen trẻ

Đ. Stơrauxơ, anh em Brunô và Etga Bauơ, A. Rugo, K. Coppen, L. Bulơ, M. Stiếcnơ, v.v. Có một thời, Các Mác cũng đã đóng một vai trò nổi bật trong phái này, nhưng ông đã rời Béclin không lâu trước khi Engen đến.

Dựa vào triết học của Hegen, phái Hêgen trẻ đã nêu ra những kết luận vô thần và cấp tiến. “Cánh cấp tiến hơn trong số những môn đệ của Hêgen, – Engen về sau đã viết, — một mặt nghiêm khắc phê phán mọi tín ngưỡng tôn giáo, một sự phê phán đã làm rung chuyển đến tận nền móng cái tòa nhà cổ của đạo Cơ đốc ; nhưng mặt khác phái đó đã nêu ra những nguyên lý chính trị dũng cảm hơn so với những nguyên lý mà cho đến lúc đó lỗ tại người Đức được nghe...» [2]

Điểm xuất phát đối với phái Hêgen trẻ là luận điểm biện chứng của Hêgen nói rằng mọi cái trong thế giới đều nằm trong quá trình biến đổi không ngừng; do sự phát triển bên trong, mọi hình thái hiện tồn, kể cả hình thái xã hội, đều nhất định bị thay thế bằng một hình thái mới, hợp lý tính hơn. Từ đó họ rút ra kết luận về sự tất yếu phải xóa bỏ những trật tự lỗi thời đã thống trị ở Đức, về tính chất không hợp lý tính và nhất thời của các trật tự ấy. Trong các tác phẩm chủ yếu được đăng trên «Hallische Jahrbücher » và trên tạp chí « Athenäum », phái Hêgen trẻ đã chứng minh quyền của lý trí con người phê phán chế độ nhà nước và giáo hội. Bọn họ chỉ thừa nhận quyền tồn tại đối với những trật tự và những thiết chế có thể được biện hộ trước tòa án của lý trí.

Bước đi của phái Hêgen trẻ từ chỗ phê phán tôn giáo chuyển sang phê phán chính trị và hệ tư tưởng của chế độ chuyên chế Phổ đã quyết định vị trí của phái đó trong lịch sử triết học với tính chất là những người thể hiện các quan điểm của giai cấp tư sản cấp tiến Đức. Nhưng các quan điểm của phái Hêgen trẻ cũng có những mặt yếu, hạn chế khả năng tác động của họ đến quần chúng đã đứng lên hoạt động độc lập : đó là quan điểm duy tâm đối với lịch sử, việc đánh giá thấp ý nghĩa của hoạt động thực tiễn của con người, vai trò của quần chúng trong lịch sử.

Sự dũng cảm mà phái Hegen trẻ thể hiện ra khi phê phán các tín điều tôn giáo và triết học, những chính kiến cấp tiến của nhiều đại biểu của trường phái này đã thu hút sự chú ý của Engen và làm cho ông có cảm tình với họ. Ông đã gia nhập nhóm Hêgen trẻ ở Béclin và tích cực tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng nổ ra hồi đó.

Từ mùa thu năm 1841, Engen nghe những bài giảng của Fridrich Selinh tại trường Đại học tổng hợp Béclin. Theo ý kiến của các giới phản động, việc mời đến khoa Triết học nhà triết học nổi tiếng ấy – một người trước kia đồng tư tưởng với Hêgen, nhưng vào lúc ấy đã trở thành kẻ kiên quyết chống lại tất cả những gì tiến bộ trong triết học Hegen ắt sẽ chống lại được việc tăng uy tín của phái Hêgen trẻ. Engen thấy rằng “triết học khải thị do Selinh tuyên bố – đó là sự từ bỏ những nguyên lý của lý trí và khoa học, là ước vọng biện hộ về mặt triết học những trật tự phản động đã tồn tại ở Đức, là đặt xiềng xích lên tư tưởng tự do và thay vào đó sự phục tùng mù quáng, sự phục vụ nô lệ đối với nhà nước quân chủ. Triết học Selinh, Engen nói, được sản xuất ra để phục vụ cho « các nhu cầu của vua Phổ » [3] . Coi việc chống lại sự xâm phạm mới nhất đó của phái phản động vào triết học là cần thiết về mặt tự do » [4]- như Engen đánh giá chính trị, vào cuối năm 1841 — đầu năm 1842, Engen viết bài « Selinh bàn về Hegen » và những tập sách mỏng « Selinh và khải thị », « Selinh - nhà triết học trong chúa Giêsu » , trong đó ông đã công khai tuyên chiến với tín đồ nổi tiếng ấy của phái phản động triết học,

Trong các tác phẩm này, về cơ bản vẫn đứng trên lập trường của Hêgen, Engen bảo vệ mặt tiến bộ của triết học Hegen khỏi sự phê phán của Selinh từ phía hữu.

Ví dụ, ông bảo vệ luận điểm của Hegen nói rằng mọi cái hợp lý là hiện thực và mọi cái hiện thực là hợp lý, chống lại lời khẳng định của Selinh nói rằng cái hợp lý chỉ là có thể có, là có tính chất tiềm năng. Engen viết : từ luận điểm của Hegen, cần phải rút ra kết luận về tính hợp lý của thế giới và tính hợp lý của triết học, nghĩa là về tính chất có quy luật của hiện thực. Và về ý nghĩa hết sức lớn lao của triết học đối với hoạt động thực tiễn của con người. « Cho đến nay mọi triết học đều đặt cho mình nhiệm vụ tìm hiểu thế giới như một cái gì đó hợp lý. Tất cả cái gì hợp lý thì tất nhiên cũng là tất yếu; tất cả những cái gì tất yếu đều phải tồn tại hay ít ra cũng phải trở thành hiện thực. Đó là chiếc cầu dẫn tới những kết quả thực tiễn vĩ đại của nền triết học cận đại ».[5] Còn Selinh, bằng toàn bộ nội dung của “khoa học thuần túy của lý trí» của ông, thì lại chứng minh việc thiếu những mối liên hệ có tính quy luật và do đó chứng minh sự bất lực của lý trí con người, của toàn bộ hoạt động có ý thức của con người nói chung.

Ngược lại với Selinh, Engen phát triển và bảo vệ tư tưởng về sự thống nhất của thế giới, tư tưởng về yếu nội tại sâu sắc và tính quy luật. Engen chứng minh rằng sự tất yếu thống trị trong thế giới, không loại trừ tự do của con người. Ông phê phán Selinh vì ông này đồng nhất tự do với sự tùy tiện không hạn chế. Tự do chân chính, Engen viết, đó hoàn toàn không phải là sự tùy tiện, mà là hoạt động có ý thức xuất phát từ sự hiểu biết sự tất yếu tồn tại trong thế giới. Đánh giá đúng mức phép biện chứng của Hegen, Engen nêu lên một luận điểm quan trọng : “Chỉ có tự do nào chứa đựng sự tất yếu mới là tự do chân chính. »[6]

Khi bảo vệ tư tưởng về sự thống nhất của thế giới, Engen đi đến kết luận nói rằng giữa tư duy và tồn tại, giữa lý trí và các vật có một mối liên hệ sâu sắc. Khác với Selinh là người tách lý trí khỏi cảm giác, khỏi kinh nghiệm, Engen phát triển luận điểm về mối liên hệ khăng khít của chúng, nhấn mạnh rằng lý trí và kinh nghiệm bổ sung lẫn nhau, rằng chỉ dựa vào kinh nghiệm thì lý trí mới có thể hiểu được “sự tất yếu của cái hiện tồn».

Các tác phẩm của Engen chống Selinh chỉ ra rằng ông đã nắm vững phép biện chứng của Hêgen, mà ông gọi là động lực hùng mạnh, vĩnh viễn hoạt động của tư tưởng [7].

Engen đã nêu lên thái độ của mình đối với Hêgen và phái Hêgen trẻ. Ông để cập triết học của Hegen, từ lập trường của chủ nghĩa dân chủ cách mạng; coi nguyên nhân của sự mâu thuẫn trong các quan điểm của Hegen tức là của tình trạng không nhất trí giữa tư tưởng triết học cơ bản với những kết luận ôn hòa, thủ cựu – là ở “ những giới hạn mà bản thân Hêgen đã đặt ra như những cái đập chắn dòng thác mạnh mẽ, sôi sục của những kết luận rút ra từ học thuyết của ông »[8], Engen nhận xét rằng các nguyên lý triết học của Hegen đã bị hy sinh cho những quan điểm chính trị xã hội của ông. « Ví dụ, triết học tôn giáo của ông và triết học pháp quyền của ông nhất định sẽ có chiều hướng hoàn toàn khác, nếu như ông trừu tượng hóa nhiều hơn nữa khỏi các yếu tố thực chứng thấm đầy con người ông dưới ảnh hưởng không khí tinh thần của thời đại ông, nhưng vì thế mà sẽ rút ra nhiều kết luận từ tư tưởng thuần túy hơn. Từ đó nảy sinh tất cả những sự không nhất quán, tất cả những mâu thuẫn ở Hegen. Tất cả những gì trong triết học tôn giáo của ông quá ư chính thống, tất cả những gì trong triết học pháp quyền của ông có cái mùi vị chủ nghĩa lịch sử giả hiệu rất mạnh, đều phải được xét dưới góc độ ấy. Các nguyên lý bao giờ cũng mang dấu vết của tính độc lập và tự do tư tưởng, còn các kết luận — điều này không một ai phủ nhận — thì nhiều lúc thận trọng, thậm chí không tự do nữa. »  [9] Các quan điểm chính trị của ông, – Engen viết, — học thuyết của ông về nhà nước, hình thành dưới ảnh hưởng của các thiết chế của Anh, mang dấu vết rõ rệt của thời kỳ Phục tích, điều đó cũng đã được phản ánh trong việc ông không hiểu cuộc cách mạng tháng Bảy trong tính tất yếu lịch sử toàn thế giới của nó »[10]. Đối với Engen, điều quan trọng trước tiên trong triết học Hegen là ta có thể sử dụng nó trong cuộc đấu tranh với hiện thực hiện tồn và với tôn giáo.

Các tác phẩm của Engen chống Selinh mang dấu vết rõ rệt của ảnh hưởng các quan điểm duy vật của Lutvích Foiơbắc. Như về sau Engen đã viết, hồi bấy giờ ông chịu « sự tác động có tính chất giải phóng » của cuốn sách « Bản chất đạo Cơ đốc» của Foiobắc [11].

Mặc dầu Engen coi Foiơbắc là đại biểu của phái Hegen trẻ, mặc dầu lúc đó ông chưa thấy sự khác biệt về nguyên tắc giữa Foiơbắc và Hêgen và coi những từ tưởng của Foiơbắc là sự bổ sung những nguyên lý triết học của Hêgen, nhưng dưới ảnh hưởng của Foiơbắc, trong các tác phẩm của mình viết về Selinh, Engen đã thực hiện một bước đầu tiên tiến đến việc đặt vấn đề một cách duy vật về bản tính của ý thức, về quan hệ giữa lý trí, tinh thần và giới tự nhiên. Theo tinh thần của các quan điểm của Foiơbắc, Engen viết : « Kết luận của triết học cận đại... mà chỉ có Foiơbắc mới làm cho người ta nhận thức được với tất cả tính chất gay gắt của nó, là ở chỗ lý trí chỉ có thể tồn tại với tính cách là tinh thần, còn tinh thần thì chỉ tồn tại ở bền trong và cùng với giới tự nhiên, chứ không phải là nó sống một cuộc sống cô lập nào đó – trong sự tách rời hoàn toàn chỉ có trời mới biết ở đâu với toàn bộ giới tự nhiên »[12]. Ông nhấn mạnh rằng Selinh đem lại cho lý trí một cách lý giải trừu tượng, không đúng, khi coi lý trí là một cái gì đó có thể tồn tại ngay cả bên ngoài “cơ thể thế giới »  .

Sự phê phán hết sức gay gắt, trên lập trường duy vật, của Foiobắc đối với tôn giáo trong cuốn “Bản chất đạo Cơ đốc »   cũng ảnh hưởng đến Engen. Trong những cuốn sách nhỏ chống Selinh, Engen là một trong những người đầu tiên của phái Hêgen trẻ công khai phát biểu bảo vệ chủ nghĩa vô thần.

Kết hợp những tư tưởng triết học cấp tiến của phải Hêgen trẻ với cách đặt những vấn đề chính trị xã hội trên lập trường dân chủ cách mạng, trong các tác phẩm của ông viết về Selinh, Engen đã kêu gọi đấu tranh nhằm thực hiện những tư tưởng tiền tiến và đã bày tỏ niềm tin nồng nhiệt vào thắng lợi của các lực lượng của tiến bộ đối với các thế lực phản động : “Chúng ta sẽ đấu tranh và đổ máu của mình, sẽ dũng cảm nhìn thẳng vào cặp mắt độc ác của kẻ thù và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng !... Ngày quyết định vĩ đại, ngày chiến đấu của các dân tộc đang đến gần, và chiến thắng sẽ về với chúng ta ! »  [13] Engen đã kết thúc cuốn sách “Selinh và khải thị » bằng những lời như vậy.

Các tác phẩm của Engen viết về Selinh đã gây ra một tiếng vang lớn. Báo chí phản động, bảo thủ chờ đón sự xuất hiện của các tác phẩm ấy với thái độ hết sức bực bội. Các báo «Elberfelder Zeitung », «Allgemeine Zeitung » ở Auxbuốc, v.v. đã điên cuồng công kích tác giả khuyết danh cuốn « Selinh — nhà triết học trong chúa Giêsu »

Trái lại, các cơ quan báo chí tiến bộ của nước Đức thì hoan nghênh tác giả của những tác phẩm chống Selinh. Đặc biệt, các báo « Rheinische Zeitung », « Hamburger Neue Zeitung » đã viết bài ủng hộ Engen.

Tác phẩm “Selinh và khải thị »   của Engen được đánh giá cao trên tờ tạp chí « Deutsche Jahrbücher » của phái Hêgen trẻ do A. Rugơ xuất bản. Một bài riêng được dành cho tác phẩm đó. Sau khi biết tác phẩm đó là của Engen, Rugơ đã viết cho ông một bức thư, gọi ông là « tiến sĩ triết học» và tỏ ý tiếc rằng Engen không đăng tác phẩm có giá trị ấy trên tạp chí của ông ta. Trong thư trả lời để ngày 15 tháng Sáu 1842 Engen viết : “ Nhân tiện, xin nói rằng tôi hoàn toàn không phải là tiến sĩ và không bao giờ có thể trở thành tiến sĩ ; tôi vẻn vẹn chỉ là nhà buôn và là lính pháo thủ của vua Phổ. Vì thế xin hãy tránh cho tôi cái học vị ấy ».[14]

Engen đòi hỏi rất cao đối với các bài phát biểu công khai của mình về các vấn đề khoa học. Trong bức thư gửi cho Rugơ ngày 26 tháng Bảy 1842, khi báo tin rằng ông « đã quyết định hoàn toàn từ bỏ hoạt động khoa học trong một thời gian », ông nêu lý do như sau : « Tôi còn trẻ và là người tự học về triết học. Tôi có đủ kiến thức để xây dựng cho bản thân một niềm tin nhất định và, trong trường hợp cần thiết, bảo vệ niềm tin đó, nhưng không đủ kiến thức để làm điều đó thực sự thành công. Người ta sẽ càng đề ra cho tôi những đòi hỏi to lớn, bởi vì tôi là “nhân viên chào hàng triết học »   và chưa có quyền triết lý do chưa có bằng tiến sĩ. Khi nào tôi sẽ lại viết một cái gì đó, — lần này thì ký tên tuổi của tôi – tôi hy vọng thỏa mãn những yêu cầu ấy».[15]

Những lời phát biểu dũng cảm của Engen cũng đã gây ra sự quan tâm ở ngoài biên giới nước Đức. Năm 1843, trên tờ “Ký sự nước nhà» số tháng Giêng, ấn hành ở Pêtécbua, đã đăng bài viết của V.P. Bốtkin «Văn học Đức» trong đó tác giả đã trình bày nội dung một cách chi tiết và đôi đoạn thì dịch hẳn nguyên văn cuốn « Selinh và khải thị». Nhà dân chủ Ba-lan Etvac Đembốpxki đã cho đăng trên tờ tạp chí « Przeglad naukowy» do ông chủ biên, số tháng Mười năm 1842, bài « Những bài giảng của Selinh ở Béclin », trong đó ca ngợi cuốn sách của Engen. Trong các số 15 – 17 năm 1844 của tạp chí đó đã đăng một bài dài khuyết danh dưới đầu để « Triết học ». Dưới dạng bình phẩm, đó thực tế là bản lược dịch tác phẩm của Engen, còn tác giả của tác phẩm đó thì được đánh giá là một trong những nhà triết học đương thời xuất sắc [16].

 


[1] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 155.

[2] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t, 8, tr. 16 - 17

[3] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 180.

[4] Sdd, tr. 173

[5] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 181.

[6] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 222.

[7] Xem: Sđd, tr. 222.

[8] Sđd, tr. 176.

[9] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 176.

[10] Sđd.

[11] Xem: C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 21, tr. 281.

[12] 2. C. Mác và F, Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 191 - 192.

[13] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr, 226,

[14] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 27, tr. 363.

[15] Sad, tr. 365-366.

[16] Xem: I.X. Narơxki. Thế giới quan của E. Đembôpxki. Từ lịch sử của triết học Ba-lan thế kỷ XIX. M., 1954, tr. 185.


Đoạn tuyệt với nhóm « Nước Đức trẻ ». Engen và « Những người tự do »
Những kết luận dân chủ-cách mạng rút ra từ triết hoc Hegen

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt