Tiểu sử triết gia

Thời thơ ấu và niên thiếu

 

FRIEĐRICH ENGEN TIỂU SỬ

 

CHƯƠNG MỘT

 

SỰ HÌNH THÀNH NHÀ TƯ TƯỞNG

VÀ NGƯỜI CHIẾN SĨ VÔ SẢN

 


L.F. Ilísốp (chủ biên). Frieđrich Engen tiểu sử. Đỗ Trần Đại, Đặng Lê Minh dịch. Trần Việt Tú hiệu đính. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1977.


 

Chúng ta sẽ... đầu tranh cho tự do khi chúng ta còn trẻ và tràn đầy sinh lực...

F. Engen

 

Thời thơ ấu và niên thiếu

 

Friđrich Engen sinh ngày 28 tháng Mười một năm 1820 ở thành phố Bacmen[1] (tỉnh Ranh thuộc Phổ) trong một gia đình chủ xưởng dệt. Thân sinh của ông, Friđrich Engen, một người có nghị lực, kiên quyết và tháo vát, và cũng như các chủ xưởng khác ở Bácmen, là một người bảo thủ trong những tín niệm chính trị của mình và rất sùng đạo.

Mẹ Engen, bà Êlidabét Engen, họ là Van Haarơ, xuất thân từ môi trường trí thức. Bà là một phụ nữ có tấm lòng nhạy cảm và đôn hậu, hoạt bát, vui vẻ, rất thích hài hước và yêu thích văn học nghệ thuật. Bà đã có ảnh hưởng lớn đến Fridrich - đứa con đầu lòng mà có lẽ bà yêu quý hơn tất cả những đứa con khác và đặt những hy vọng lớn ở cậu ta. Đáp lại, Engen cũng tha thiết gắn bó với mẹ.

Ông ngoại Engen, Gechat Bechat van Haarơ, một nhà ngữ ngôn học, trước đây là hiệu trưởng trường trung học ở Hammơ, cũng có ảnh hưởng lớn tới Engen. Ông đã kể cho đứa cháu ngoại ham hiểu biết về các anh hùng trong thần thoại Hy-lạp cổ đại và trong các truyền thuyết dân gian Đức. Do ông ngoại, cậu bé đã biết về Têdê và Acguýt trăm mắt, về Arian và Minôta đáng sợ, về bộ lông cừu vàng và những tráng sĩ Acgônốt, về Hêraclôt vô địch. Những nhân vật trong anh hùng ca Đức cũng gây một ấn tượng to lớn đến cậu bé. Nhân vật mà Friđrich thích thú nhất là Dicfrit trong «Bài ca về những người Nibelung”. Cậu bé coi nhân vật ấy là tượng trưng cho chiến tích và cuộc đấu tranh dũng cảm của thanh niên Đức chống lại thói cổ hủ, tinh thần filixtanh và thế lực phản động[2].

Friđrich có tám anh chị em, trong số ấy ông gắn bó với cô em gái Maria hơn cả. Các em trai đi theo con đường đã vạch sẵn của cụ thân sinh, trở thành những chủ xưởng. Các cô em gái thì lấy những người cùng giới. Duy chỉ có Engen là chọn một con đường khác. « Có lẽ chưa bao giờ trong một gia đình như vậy, Elêôno, con gái Mác, viết năm 1890, - lại sinh ra một người con trai mà con đường đời lại trái ngược đến như thế với tinh thần chung của gia đình. Trong gia đình này Fridrich ắt phải là « một chủ vịt con xấu xí». Có thể là những người thân thuộc cho đến nay cũng vẫn chưa hiểu được rằng “con vịt con" ấy lại là một “con thiên nga ».[3]

Môi trường trong đó Engen sống đã cung cấp cho ông những tài liệu phong phú để quan sát và suy nghĩ nghiêm túc. Quê hương Engen – tỉnh Ranh thuộc Phổ là một bộ phận phát triển nhất về kinh tế và chính trị của nước Đức. Trong những năm 1795 – 1815, khi các tỉnh thuộc tả ngạn sông Ranh bị sáp nhập vào lãnh thổ nước Pháp (theo quyết nghị của Đại hội Viên năm 1815, phần lớn các tỉnh ấy lại trở về với Phổ), thì những xu hướng tự do dân chủ lan tràn rộng rãi trong dân cư các tỉnh ấy ; ở đây, ảnh hưởng của cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII thể hiện rõ hơn so với những vùng khác của Đức. Nếu xét về toàn bộ, những quan hệ nửa phong kiến, nền thủ công phường hội và công nghiệp gia đình là những nét đặc trưng đối với nền kinh tế nước Đức trong những năm 20-40, thì ở tỉnh Ranh đã có nền sản xuất công xưởng. Sự tồn tại một tuyến đường thủy lớn, tức là sông Ranh, những trữ lượng lớn về quặng sắt và than đá, việc duy trì một pháp chế tiến bộ hơn, tư sản, được thiết lập dưới thời Pháp thống trị (« Bộ luật Napôlêông ») — tất cả những điều đó đã tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Ranh theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Song sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã đem lại cho người lao động những sự thiếu thốn nghiêm trọng, một sự bóc lột tàn khốc. Cùng với việc đưa máy móc vào công xưởng, lao động rẻ mạt của phụ nữ và trẻ em bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Ngày lao động mệt nhọc quá sức, đồng lương cực kỳ thấp, điều kiện nhà ở khủng khiếp – đó là số phận của công nhân.

Sống ở một trong những trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh Ranh, Engen ngay từ thời thơ ấu đã nhìn thấy trước mắt mình những bức tranh về sự bần cùng không lối thoát của nhân dân lao động. Để đứng vững được trước sự cạnh tranh của công xưởng, những người thợ thủ công và tiều công nghiệp buộc phải làm việc từ sớm tinh mơ cho đến đêm khuya. Nhiều người đã đi tìm sự lãng quên trong rượu mạnh. “Tôi còn nhớ rất rõ, Engen viết năm 1876, — vào cuối những năm 20 giá rượu đột nhiên trở nên rẻ đi ở vùng công nghiệp hạ lưu sông Ranh. Nhật là ở khu Bécgơ và đặc biệt ở Enbecfenđơ - Bácmen, đông đảo công nhân đã lao vào rượu chè. Từng đoàn một, tay nắm tay, dàn hàng ngang trên đường phố, gào thét và làm ầm ĩ, «những người đàn ông say rượu» đi lang thang từ 9 giờ tối từ quán rượu này sang quán rượu khác...)[4].

Tôn giáo cũng làm mê muội dân Vuppơtan không ít. Trên phần đất này của nước Phổ, khuynh hướng cuồng tín nhất của giáo hội Luthe – đạo Kiền thành có một thế lực hết sức mạnh. Những môn đồ của đạo đó tỏ ra cực kỳ cố chấp và đạo đức giả, họ tuyên bố việc đọc sách báo không phải của tôn giáo, rạp hát và mọi trò giải trí đều "có tội".

Khắp nơi ở Vippơtan trong gia đình, ở nhà trường. ở trường trung học, trong “xã hội đáng kính" — đâu đâu Engen cũng chạm trán với bức tường đen tối của đạo Kiền thành. Đạo đức tôn giáo giả dối của bọn chủ xưởng và những lời giáo huấn giả nhân giả nghĩa của chúng đã gây nên ở Engen một sự phản kháng bên trong sâu sắc.

Từ nhỏ, Engen đã có một tính cách độc lập. Những lời dạy bảo nghiêm khắc của cha và những sự đe dọa trừng phạt không thể làm cho ông quen được sự phục tùng mù quáng.

Cho đến năm 14 tuổi Engen học ở trường của thành phố Bácmen. Ngự trị ở đây là tinh thần tôn giáo và thói thủ cựu. Ví dụ, Engen kể lại rằng đáp lại câu hỏi của một học sinh : « Gớt là ai ? », thầy giáo trả lời không hề suy nghĩ : “Một kẻ vô thần ». Trường học nằm trong tay một hội đồng bảo trợ hạn chế và keo kiệt, hội đồng lựa chọn giáo viên chủ yếu trong số những kẻ cuồng tín sùng đạo. Nhưng dẫu sao Engen cũng đã thu nhận được ở trường những kiến thức tốt về các nguyên lý của vật lý học và hóa học. Cũng ở đó lần đầu tiên Engen đã bộc lộ những năng khiếu tuyệt diệu về ngoại ngữ.

Tháng Mười 1834, Engen chuyển sang học ở trường trung học Enbécfenđơ. Trường này thuộc một hội cải cách tôn giáo và được coi là một trong những trường tốt nhất ở Phổ. Ở đây việc lựa chọn giáo viên cũng do hội đồng bảo trợ phụ trách. Các thành viên của hội đồng, như sau này Engen viết, biết ghi rất chính xác các khoản thu chỉ vào số cái kế toán, nhưng không hề có một khái niệm nào về tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh hay về toán học. Họ ít quan tâm đến những nhu cầu thực tế của trường và của học sinh. Ở trường trung học này cũng như ở trường Bácmen tinh thần cổ chấp tôn giáo ngự trị.

Hiệu trưởng trường trung học, đồng thời cũng là người bảo trợ học xá của Hội phúc âm ở Hạ Bácmen, đã đề nghị với cụ thân sinh của Engen gửi Engen vào học xá. Cha cậu vui lòng tiếp nhận đề nghị ấy. Ông dự tính rằng “cuộc sống cô độc » mà con trai ông sẽ sống trong học xá dưới sự trông coi của một vị hiệu trưởng sùng đạo sẽ rèn cho cậu tính tự lập, sẽ giúp cậu bỏ được “sự đãng trí và thiếu tính cách »[5], mà theo ông, là những cái vốn có ở Engen.

Trong số các bạn cùng lứa tuổi, cậu thanh niên Engen nổi bật lên bởi những tài năng trác tuyệt. Cậu say mê nghiên cứu sử học, cổ ngữ, văn học cổ điển Đức. Hiện còn giữ được quyển vở của cậu hỏi học ở trung học ghi về lịch sử cổ đại. Trong vở ta thấy những bức tranh tô màu về các vùng ngoại ô Cáctagiơ, Giêrugialem, Đenfơ, Tecmôpin, những kim tự tháp, con quái vật đầu người mình sư tử khổng lồ ở gần Cairô, cổng sư tử ở Mixen, vẽ bằng mực, Ở lề cuốn vở người ta thấy hình những chiến binh Babilon, những hàng cột kiểu Ấn-độ và Hy-lạp. Về sau này Engen đã tỏ lòng biết ơn khi nhớ tới thầy giáo dạy sử Clauden.

Engen đã đạt được những thành tích to lớn trong việc nghiên cứu các cổ ngữ. Cậu đọc thành thạo nguyên bản và dịch lưu loát những tác phẩm của các nhà thơ và nhà văn cổ Hy-lạp và La-mã— Hôme và Cripit, Vecgilo và Hôraxơ, Liviux và Xixêrôn. Cậu nắm vững ngôn ngữ cổ Hy-lạp đến mức đã viết bài thơ « Trận đấu sống mái giữa Eteôclơ và Pôlinic » bằng thứ tiếng ấy và đọc nó trong ngày hội trường tháng Chín 1837. Trong chứng chỉ tốt nghiệp trường trung học mà người ta cấp cho Engen có nhận xét rằng cậu tỏ ra rất thích thú môn lịch sử văn học Đức, các tác phẩm của các nhà văn cổ điển Đức; có kiến thức tốt về toán học và vật lý học, tỏ ra khiêm tốn, chân thành và nhiệt tình, bộc lộ một ước vọng đáng khen là muốn có một nền học vấn rộng rãi[6].

Trong những năm ở trường trung học, hứng thú của Engen rất rộng và nhiều về. Cậu tham gia tích cực vào một nhóm trong đó các học sinh đọc thơ và truyện ngắn của mình, trình diễn những tác phẩm âm nhạc do mình sáng tác. Hiện còn giữ được một vài bài thơ do Engen làm, cũng như « Câu chuyện về những tên cướp biển của ông, đầy lòng thông cảm đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của người Hy-lạp. Engen đã sáng tác những bản nhạc ngắn. Vẽ giỏi, ông đã đem lại cho bạn bè không in những phút thích thú với những bức họa châm biếm rất đạt về các bạn cùng tuổi và các thầy giáo.

Tinh thần cố chấp và cuồng tín tôn giáo thống trị ở trường trung học, kỷ luật khắc nghiệt, hầu như bằng roi vọt đã gây ra ở người thanh niên sôi nổi đầy nghị lực ấy sự bất bình và phản kháng. Cậu đã gọi các trường học của Đức thời bấy giờ là "các nhà tù"[7].

Phản đối tính chuyên chế của cha và các giáo viên ở trường trung học, chống lại những giáo lý đòi hỏi phải vâng lời tuyệt đối và giữ thể diện tôn giáo bề ngoài, Engen có lúc đã gắng đi tìm sự "giải thoát" ở niềm tin trẻ em ngây thơ, ở "sự giao tiếp trực tiếp với thượng đế". Cậu đã cố thay thế tôn giáo giáo điều bằng tôn giáo tình cảm. Song những tâm trạng như vậy không ngự trị lâu ở Engen, chúng có tính chất nhất thời, bởi vì chúng rất mâu thuẫn với bản tính yêu đời và ham hiểu biết của Engen.

Trong những năm niên thiếu, Engen đã tỏ ra hết sức thông cảm với các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngay hồi bấy giờ Engen cũng đã biết căm thù chế độ chuyên chế, chế độ quan lại Phố. « Ngay khi còn là học sinh trung học — V.I. Lênin viết, ông đã căm thù chế độ chuyên chế và sự chuyên quyền của bọn quan lại »[8]. Những tâm trạng đối lập với chế độ chuyên chế Phổ, hồi bấy giờ rất phổ biến ở tỉnh Ranh, trên một mức độ nào đó đã góp phần thức tỉnh rất sớm ý thức chính trị của người thanh niên Engen.

 

 


[1] Bácmen là một trung tâm công nghiệp dệt nằm trên bờ sông Vuppơ. Một phần của lưu vực sông này, gồm Bácmen và thành phố lân cận, Enbécfenđơ, được gọi là Vuppơtan. Năm 1930, cả hai thành phò đã được hợp nhất lại dưới tên gọi là Vuppơtan.

[2] Xem : C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 115. 2.

[3] Hồi ức về C. Mác và F. Engen. M., 1956, tr. 182.

[4] C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 19, tr. 42.

[5] Xem; C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. 528.

[6] Xem : V.I. Lênin. Toàn tập, t. 2, tr. 500 - 531.

[7] Xem: C. Mác và F. Engen. Toàn tập, t. 41, tr. II5.

[8] V.I. Lênin. Toàn tập, t. 2, tr. 7.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt