Triết học lịch sử

Chủ nghĩa tự do: Lịch sử và thời đại (phần 1)

 

CHỦ NGHĨA TỰ DO: LỊCH SỬ VÀ THỜI ĐẠI

GADZHIEV K.S

 

GADZHIEV K.S. Liberalizm : istorija I sovre-mennost. //Novaja I novejshaja istorija, No6, 1995, tr.15 – 31

 

Chủ nghĩa tự do có nhiều bản chất cả trong các khía cạnh lịch sử, lẫn trong các khía cạnh văn hóa-dân tộc và chính trị-tư tưởng. Trong việc giải thích các vấn đề then chốt có liên quan tới các mối quan hệ qua lại của xã hội, nhà nước và từng cá nhân. Chủ nghĩa tự do là một hiện tượng phức tạp và đa phương án biểu hiện trong các mô hình khác nhau, ở trong từng nước riêng lẻ, và cả ở trên cấp độ giữa các nước. Nó liên hệ với các khái niệm và các phạm trù đã rất quen đối với từ điển chính trị-xã hội hiện nay, như tư tưởng về giá trị tự thân của cá nhân và trách nhiệm của cá nhân về những hành động của mình: tư tưởng sở hữu tư nhân cũng như điều kiện cần thiết của tự do cá nhân; các nguyên tắc về thị trường tự do; cạnh tranh tự do và kinh doanh tự do, sự ngang nhau của các khả năng; hệ thống phân chia quyền lực, kiềm chế và đối trọng tư tưởng nhà nước pháp luật với các nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; sự khoan dung và bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số; việc đảm bảo những quyền cơ bản và sự tự do của cá nhân (tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do thành lập các hiệp hội và các đảng phái); quyền phổ thông đầu phiếu.

Chủ nghĩa tự do – đây là toàn bộ các nguyên tắc và các phương châm, nó có thể làm cơ sở cho các cương lĩnh của xã hội, làm cơ sở cho chiến lược của một chính phủ này hay một chính phủ khác, hay của một liên minh chính phủ. Chủ nghĩa tự do thông thường được ngầm hiểu là các tư tưởng và các nguyên tắc của thị trường tự do hay của sự cạnh tranh tự do trong lĩnh vực kinh tế. Do vậy chủ nghĩa tự do là cái gì đó lớn hơn là học thuyết kinh tế hay chính trị nào đó, cương lĩnh đảng hay hệ tư tưởng. Như một trong những người đại diện chủ đạo của chủ nghĩa tự do ở thế kỷ XX là B. Crove đã nhấn mạnh: “quan điểm tự do chủ nghĩa siêu chính trị, nó vượt ra khỏi các phạm vi của lý thuyết chính trị hình thức, cũng như ở nghĩa nhất định của đạo đức và nó phù hợp với quan niệm chung của thế giới và của hiện thực”.[1] Đây là hệ thống các quan điểm và các khái niệm đối với thế giới xung quanh, một loại hình của ý thức, của những định hướng chính trị-tư tưởng và của những thể chế, nó không phải bao giờ cũng liên hệ với các đảng phái chính trị hay với đường lối chính trị cụ thể. Đây đồng thời là lý thuyết, học thuyết chương trình hành động và thực tiễn chính trị. Chủ nghĩa tự do là hệ thống mềm dẻo và đặc biệt năng động, là sự ảnh hưởng công khai từ phía các trào lưu khác, hệ thống này phản ứng rất nhanh nhạy đối với những thay đổi trong đời sống xã hội và nó được biến tướng cho phù hợp với những hiện thực mới. Chứng minh cho điều này là tất cả những biến động và những mốc cơ bản của sự hình thành và tiến hóa của chủ nghĩa tự do.

Trong tất cả sự đa dạng về phướng án của mình, chủ nghĩa tự do có những cội nguồn chung và có sự tổng hợp các quan niệm, những tư tưởng, những nguyên tắc và những lý tưởng, tổng hợp những cái làm cho nó trở thành kiểu hình đặc biệt của nội dung chính trị-xã hội. Do tính chất rộng lớn của vấn đề và khả năng đưa vào khuôn khổ của một bài báo tất cả sự khác nhau và các sắc thái của sự biến tướng và các mức độ chuyển tiếp, ở đây sự chú ý cơ bản được tập trung vào các quan niệm, những tư tưởng và những nguyên tắc chung đối với toàn bộ các phương án mô hình của chủ nghĩa tự do.

Những nguồn gốc của chủ nghĩa tự do

Chính khái niệm “chủ nghĩa tự do” đã đi vào từ điển chính trị-xã hội châu Âu vào đầu thế kỷ XIX. Thoạt đầu khái niệm này được sử dụng ở Tây Ban Nha, nơi đó vào năm 1812 người ta đã gọi một nhóm các đại biểu – những người theo chủ nghĩa dân tộc ở nghị viện Tây Ban Nha là “những người theo chủ nghĩa tự do”, họ đã họp hội nghị ở Cadisa. Sau đó khái niệm này có trong các ngôn ngữ của Anh và Pháp, tiếp sau các ngôn ngữ này là có trong tất cả các ngôn ngữ lớn ở châu Âu.

Bằng những cội nguồn của mình thế giới quan tự do chủ nghĩa bắt nguồn từ Thời đại Phục hưng, cải cách ôn giáo, cuộc cách mạng khoa học của Newton. Những cá nhân khác nhau như J. Locke, Montesquieu, I. Kant, A. Smith, V. Humboldt; I. Jefferson, J. Medison, B. Konstan vv… đã bảo vệ những nguồn gốc của chủ nghĩa tự do. Trong toàn bộ thế kỷ XIX những tư tưởng này đã tiếp tục và chúng được I. Bentam, J.S. Mill, T.H. Grin, L. Khobk-hauz, B. Bozantet và những người đại diện của tư tưởng chính trị-xã hội phương Tây phát triển tiếp. Trong sự hình thành thế giới quan tự do chủ nghĩa có sự tham gia của những đại diện Nền giáo dục châu Âu và Mỹ, những người theo chủ nghĩa trọng nông, những người ủng hộ trường phái Manchester của Anh, những người đại diện cho triết học cổ điển Đức và chính trị kinh tế học cổ điển châu Âu.

Trong tất cả những khác biệt, cái chung giữa các nhà tư tưởng khác nhau này, giữa các khuynh hướng tư tưởng và những sự vận động là ở chỗ, mỗi người trong số họ theo cách riêng của mình, để phù hợp với những hiện thực của thời đại của mình, đã ủng hộ việc xem xét lại những giá trị và những cách tiếp cận đã có trước nhưng đã lỗi thời đối với việc giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội và chính trị quan trọng, ủng hộ việc cải tổ những thiết chế chính trị-xã hội và những thiết chế nhà nước đã bị mất hiệu quả, bảo vệ việc kiểm tra sự biến dạng và hiện đại hóa những luận điểm, các học thuyết và những quan niệm cho phù hợp với những khuynh hướng phát triển chính trị-xã hội mới. Những người tham gia cuộc cách mạng tư sản Anh giữa thế kỷ XVII, Cuộc cách mạng vẻ vang năm 1688, cuộc đấu tranh vì nên độc lập của nước Mỹ, đã tuân theo nhiều những tư tưởng và những nguyên tắc trong số những tư tưởng và những nguyên tắc mà sau này đã trở thành một bộ phận hợp thành thế giới quan tự do chủ nghĩa. “Bản tuyên ngôn độc lập nước Mỹ” năm 1776 là văn kiện đầu tiên; trong đó những tư tưởng này đã được thể hiện một cách chính thức và đã được thừa nhận chính thức ở cấp nhà nước. “Chúng ta xem, - các tác giả của Bản tuyên ngôn đã tuyên bố với toàn thế giới, - chân lý là tự chúng đã tỏa sáng: rằng tất cả mọi người được tạo ra bởi các quyền như nhau và được tạo vật ban cho những quyền nhất định, không thể tách rời nhau, trong số các quyền đó – có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”.[2]

Dẫu sao cần phải xem bước ngoặt trong sự hình thành chủ nghĩa tự do và trong sự định rõ giới hạn những trào lưu cơ bản cửa tư tưởng chính trị-xã hội phương Tây của thời cận đại và hiện đại là cuộc Đại cách mạng Pháp, đặc biệt, một trong những tài liệu chính trị-tư tưởng chính của cuộc Đại cách mạng Pháp – “Bản tuyên ngôn về các quyền con người và quyền công dân” năm 1789 – đã pháp lý hóa những giá trị này, và về sau  này chúng đã trở thành những giá trị quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do cổ điển. Điều khoản thứ hai của bản tuyên ngôn đã tuyên bố: “Mục đích của bất kì liên minh chính trị nào cũng là duy trì bảo vệ các quyền tự nhiên không thể tách tời của con người. Tát cả những quyền này là sự tự do, sự sở hữu, sự an toàn và chống lại sự áp bức”.[3]

Những nguyên tắc tự do chủ nghĩa ở mức độ nhất định đã được thực hiện hạn chế trong chế độ quân chủ lập hiến, mà chế độ này được thiết lập ở Pháp sau cuộc cách mạng tháng Bảy năm 1830 cũng như ở nền Cộng hòa thứ ba vào năm 1870. Những thành tích dễ nhận thấy àm những người theo chủ nghĩa tự do đã đạt được ở Thụy Sĩ, Hà Lan, ở các nước Xcăngđinavơ. Họ đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh vì sự thống nhất của nước Ý và nước Đức và vào việc hình thành hệ thống nhà nước của các nước này. Nước Anh và nước Mỹ đã trở thành một thao trường rất độc đáo, ở đó những tư tưởng tự do chủ nghĩa đã được kiểm tra và thử nghiệm. Ở nước Nga, thế giới quan của chủ nghĩa tự do bám rễ muộn hơn – vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Những người đại diện cho tư tưởng chính trị - xã hội đã góp phần của mình vào việc nhận thức và nghiên cứu chủ nghĩa tự do. Trong số họ trước hết cần phải kể đến T. Granovskij, P. Struv, B. Chicherin, P. Miljukov, họ là những người đã mưu toan phát triển và áp dụng những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do vào thực tế nước Nga. Đặc biệt, họ đã đặt những cơ sở của chủ nghĩa lập hiến Nga, những tư tưởng của nhà nước pháp quyền và của xã hội công dân. Công lao của họ là ở việc nêu ra các vấn đề trên bình diện thực tiễn: các quyền và sự tự do của cá nhân, buộc chính quyền nhà nước phải phục tùng luật pháp, buộc giới chóp bu phải tuân theo pháp luật.

Chủ nghĩa tự do đã hình thành, được khẳng định trong những điều kiện lịch sử-xã hội và trong những điều kiện văn hóa-dân tộc. Thông thường, truyền thống chủ nghĩa tự do đã hình thành về mặt lịch sử, chúng chia thành hai: truyền thống tự do chủ nghĩa Anh, và truyền thống châu Âu-lục địa. Ở thế kỷ XIX thì truyền thống thứ nhất liên hệ với thương mại tự do, với chủ nghĩa quốc tế, với việc phát triển các chuẩn mực lập hiến và với việc củng cố những gia trị dân chủ. Trên vũ đài chính trị, những người đại diện cho truyền thống này là đảng Tự do của nước Anh. Ngay từ khi mới xuất hiện, đảng này đã được sự ủng hộ từ phía những cử tri của mình và có ảnh hưởng nhất định trong xã hội vào nửa cuối thế kỷ XIX, là cơ sở của sự hình thành của một trong hai đảng chính trị chủ đạo của đất nước. Tán thành một cách triệt để nền kinh tế thị trường tự do và cuộc cải cách hệ thống chính trị, trong đó mở rộng các quyền bầu cử đã chiếm vị trí trọng tâm, những phái theo chủ nghĩa tự do đã đạt được những thành tích căn bản từ khi thông qua các quyền bầu cử năm 1867 và năm 1884 và đặc biệt từ khi thông qua đạo luật về quyền phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, trên vũ đài chính trị trong mười năm đầu của thế kỷ XX, cùng với việc xuất hiện Công đảng đã lôi cuốn về phía mình giai cấp công nhân, các phái tự do chủ nghĩa đã dần mất đi vị thế của mình. Vào những năm 1940-1945, các phái tự do chủ nghĩa đã tham gia lần cuối cùng vào khối liên minh chính phủ. Còn về truyền thống châu Âu-lục địa thì ở đó nhấn mạnh tới quá trình tăng cường đoàn kết dân tộc và từ chối mọi hình thức của chủ nghĩa quyền uy kinh tế, chính trị và tinh thần. Do tính đa dạng lớn của những điều kiện lịch sử trong từng nước một mà chủ nghĩa tự do có màu sắc riêng của mình. Dần dần trong nó hai trào lưu đang cạnh tranh nhau đã được phân chia thành trào lưu của những người theo phái tự do ôn hòa và trào lưu của những người tiến bộ. Những người tiến bộ được đặc trưng bởi sự đa dạng của lập trường hệ tư tưởng, vốn biểu hiện trong tên gọi của các đảng của họ - từ những người theo phái tự do chủ nghĩa đến những đảng viên đảng cấp tiến.

Một thực tế phụ quyết định sự khác biệt về màu sắc hệ tư tưởng của các đảng tự do ở các nước riêng lẻ là vấn đề phục hưng và liên kết dân tộc, như điều này đã diễn ra ở Ý và ở Đức. Ở đây chủ nghĩa tự do đã trở thành một trong những lực lượng khích lệ của sự liên kết nhà nước-dân tộc.

Chủ nghĩa tự do cổ điển

 Nói chung, thế giới quan tự do chủ nghĩa ngay từ buổi đầu đã hướng tới việc thừa nhận lý tưởng tự do cá nhân với tính cách là mục tiêu vạn năng. Chủ nghĩa cá nhân được phát triển từ người này sang người khác với chủ nghĩa nhân đạo, với những tư tưởng về giá trị vốn có của con người và sự tự do của con người, của thuyết đa nguyên luận những kiến giải và những quan điểm, chủ nghĩa cá nhân đã kích thích chúng, đã trở thành cơ sở và là trụ đỡ của chúng. Nếu đối với Aristotle giấy bảo hiểm là giá trị tự thân, thì đối với Bjerk Je “con người như những bóng câu qua cửa sổ, nhưng lại là của cải chung vĩnh hằng”, thì ở J. Locke, một trong những trụ cột của chủ nghĩa tự do xem từng cá nhân riêng lẻ đối lập với xã hội và nhà nước, “là chủ nhân của chính bản thân mình” J.S. Mill đã xây dựng tư tưởng “con người tự bản thân mình hiểu rõ cái mà họ cần hơn cả chính phủ”.[4] Lý tưởng như vậy đã báo trước những khả năng phát triển nhanh chóng những nấc thang xã hội, báo trước thành tích trong cuộc đấu tranh vì chỗ đứng dưới ánh sáng mặt trời đã kích thích óc sáng kiến, tính kiên trì trong các tìm kiếm những con đường mới để đạt được thành tích, kích thích lòng say mê lao động, sự đổi mới và những giá trị khác, những định hướng, chúng tổng hợp lại đã làm cho chủ nghĩa tư bản trở thành một hệ thống năng động.

Tự do được những môn đệ của chủ nghĩa tự do hiểu trong nghĩa tự do thoát khỏi sự kiểm tra của chính trị, của nhà thờ và xã hội từ phía nhà nước phong kiến. Bởi vậy, chủ nghĩa tự do cổ điển đã tuyên bố tất cả các hình thức về quyền thừa kế và sự ưu tiên về đẳng cấp là các hình thức không có hiệu lực, chủ nghĩa tự do cổ điển đã đặt lên vị trí hàng đầu sự tự do và những khả năng tự nhiên của từng cá thể với tính cách như là một sinh vật có lý trí độc lập, đơn vị độc lập của hành vi xã hội.

Chính chủ nghĩa cá nhân có cơ sở là nguyên tắc đồng nhất hóa sự tự do và sở hữu tư nhân, chúng gộp lại đã trở thành động lực kích thích to lớn sự phát triển các lực lượng sản xuất, sự phát triển lịch sử xã hội, sự hình thành và khẳng định nền dân chủ chính trị. Ở đây sở hữu tư nhân được xem xét với tính cách là người bảo đảm và là những mức độ của tự do. V.Fon. Humboldt đã viết “Tư tưởng tự do được phát triển chỉ cùng với chính hoạt động tích cực nhất, chúng ta phải chịu ơn chính tình cảm sở hữu”.[5] Đồng thời những người bắt nguồn từ định đề cho rằng thành quả của hoạt động không thể nào tách rời khỏi chính chủ thể của hoạt động. Chính từ sự tự do kinh tế mà những tự do chính trị và tự do công dân đã bị biến mất. Dường như sự hiện thân của chủ nghĩa cá nhân và quyền về sở hữu tư nhân trong lĩnh vực kinh tế là những nguyên tắc của thị trường tự do và của sự cạnh tranh tự do, thúc đẩy việc hiện thực hóa chúng là những nhịp độ chưa từng có của việc đẩy mạnh theo chiều sâu các lực lượng sản xuất.

Cùng với việc hình thành và khẳng định tư tưởng tự do cá nhân thì vấn đề các mối quan hệ của nhà nước và của từng con người đã được phân ra khá rõ và phù hợp, cả vấn đề về giới hạn can thiệp của nhà nước vào công việc của cá nhân. Phạm vi tính tích cực cá nhân của con người không chịu sự can thiệp từ phía các lực bên ngoài, nó được xem như là phạm vi để thực hiện tự do cá nhân và quyền tự nhiên. Bởi vì quyền này thừa nhận bảo vệ từng con người khỏi sự can thiệp không có thẩm quyền vào cuộc sóng riêng tư của họ từ phía nhà nước hay nhà thờ, sự can thiệp đó, theo nhận xét của nhà nghiên cứu người Ý ở thế kỷ XIX G. Ruggiero, là hình thức của “chế độ Cơ đốc giáo pháp lý”. Những môn đệ của quyền tự nhiên xuất phát từ tư tưởng rằng con người xuất hiện trên thế giới sớm hơn xã hội và nhà nước. Ngay cả trong tình trạng “tự nhiên” trước khi có xã hội, trước khi có nhà nước, con người đã được thừa hưởng những quyền thiết thân, mỗi người có quyên nhận được cái mà anh ta đáng được.

Xuất phát từ định đề này mà hệ thống chính trị, pháp luật – quyền lực và quan niệm nhà nước-chính trị đã được hình thành, trong đó pháp luật đã biến thành công cụ bảo đảm cho từng cá nhân sự tự do lựa chọn những giá trị đạo đức – luân lý, tự do lựa chọn các hình thức hoạt động và hình thành những điều kiện biến việc lựa chọn này thành hiện thực. Trong phạm vi chính trị chúng được phản ánh trong các tư tương “nhà nước-người canh gác” và trong tư tưởng của nhà nước pháp luật, của nền dân chủ và chế độ nghị viện.

Bản chất của tư tưởng “nhà nước-người canh gác” là ở lập luận về tính đầy đủ của cái gọi là nhà nước tối thiểu, được thừa hưởng có giới hạn những chức năng cần thiết nhất về việc bảo vệ trật tự và bảo vệ đất nước khỏi sự nguy hiểm bên ngoài. Ở đây quyền ưu tiên đã phải đầu hàng xã hội công dân trước nhà nước, nhà nước được xem xét như là một điều ác cần thiết. Từ quan điểm của J. Locke có thể rút ra kết luận: cơ quan nhà nước tối cao có thể được so sánh không phải với cái đầu đang làm nổi danh xã hội, mà có thể so sánh với cái mũ, nó có thể thay thế một cách dễ dàng. Nói cách khác, xã hội – nền tảng, còn nhà nước được sản sinh từ nó.

Nhưng chủ nghĩa tự do dù trong trường hợp nào cũng không nên đồng nhất với sự biện hộ về quyền tự do không hạn chế của từng cá thể được hiểu một cách vô chính phủ, cá thể đó muốn làm gì thì làm, đồng thời xem thường những chuẩn mực và những nguyên tắc trò chơi được mọi người thừa nhận trong xã hội đó. Một bộ phận hợp thành không thể tách rời được của tư tưởng tự do chủ nghĩa về tự do của cá nhân là nguyên tắc không kém phần quan trọng về trách nhiệm của nhân đó trước xã hội về những hành động của mình.

Những người đại diện của chủ nghĩa tự do, đặc biệt của phái ôn hòa không từ bỏ những chức năng thực chứng của nhà nước. Đối với những người theo chủ nghĩa tự do thì tư tưởng về trách nhiệm của nhà nước phải ôn hòa không từ bỏ những chức năng thực chứng của nhà nước. Đối với những người theo chủ nghĩa tự do thì tư tưởng về trách nhiệm của nhà nước phải bảo vệ các quyền và những sự tự do của từng con người và đang là một nguyên tắc. Chiếm vị trí quan trọng trong chủ nghĩa tự do là định đề đã được A. Smith và I. Kant hình thành theo các cách khác nhau. A. Smith nói rằng tài sản cho những quyền, nhưng những quyền hạn này cần phải được sử dụng bằng cách như thế nào để không phá vỡ các quyền của các thành viên khác của xã hội. Kant đã khẳng định “sự tự do của tôi được kết thúc ở nơi nào, mà ở đó sự tự do của người khác được bắt đầu”. Trong cả hai trường hợp có hàm ý nói đến những hoạt động của nhà nước về việc bảo vệ các quyền và sự tự do của con người.

Nhưng ở những người theo chủ nghĩa tự do đã nói đến không chỉ về những quyền hạn mà nhà nước vốn có như việc đảm bảo trật tự pháp luật trong nước và bảo vệ chủ quyền dân tộc và quyền bất khả xâm phạm về lãnh thổ khỏi những tham vọng từ phía ngoài. Những người sáng lập ra chủ nghĩa tự do đã đặt ra cho nhà nước trách nhiệm bảo đảm vật chất cho các tầng lớp dân nghèo khổ. Chẳng hạn, khi xem xét với tính cách là trách nhiệm chính của nhà nước “phải đứng về phía người bảo vệ” những quyền cho cá nhân, Kant đã viết về sự cần thiết nhà nước phải giúp đỡ những người nghèo và với mục đích này phải bắt những người giàu đóng thuế đặc biệt nhằm ủng hộ tất cả các thành viên nghèo của xã hội, những người không đủ sức sống bằng các phương tiện của mình và do đó phải giúp họ thực hiện được các quyền hạn của mình.

Chủ nghĩa tự do đã nghiên cứu và soạn thảo các nguyên tắc của chủ nghĩa lập hiến, của chế độ đại nghị và của nhà nước pháp quyền. Nguyên tắc phân chia các quyền lực thành ba nhánh chính: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp do Montesquieu tạo dựng có ý nghĩa cơ bản. Theo tư tưởng của ông, trong trường hợp liên kết các nhánh lập pháp và hành pháp không tránh khỏi việc đàn áp tự do, có sự chuyên quyền và bạo lực. Chính điều đó cũng sẽ xảy ra cả trong trường hợp liên kết một trong những nhánh này với quyền tư pháp. Còn việc liên kết tất cả ba nhánh vào một nhân vật hay vào một cơ quan thì sẽ tạo ra nét đặc trưng của chế độ chuyên quyền. Thuộc về ông tổ - những người sáng lập ra thế giới tự do chủ nghĩa là tư tưởng cho rằng trong nhà nước luật pháp phải là thống trị chứ không phải là các cá nhân riêng lẻ. Nhiệm vụ của nhà nước là ở chỗ điều hành các quan hệ giữa các công dân tự do trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các luật pháp, mà các luật pháp này thừa nhận đảm bảo sự tự do của cá nhân, bất khả xâm phạm về tài sản và các quyền khác của con người và công dân.

Chủ nghĩa tự do và nên dân chủ đã chế định lẫn nhau, không nên đồng nhất chúng với nhau. Nền dân chủ được hiểu là hình thức của quyền lực. Nền dân chủ là học thuyết về sự luật pháp hóa quyền lực của đa số. Chủ nghĩa tự do ngầm hiểu là các ranh giới của quyền lực. Có quan điểm cho rằng nền dân chủ chỉ có thể là độc tài hay độc đoán và trên căn cứ này họ nói về tình trạng căng thẳng giữa nền dân chủ và chủ nghĩa tự do. Nhưng sự hiểu không đúng này dựa vào việc đánh tráo các khái niệm. Dựa vào tất cả sự giống nhau bên ngoài của các bản tính riêng lẻ – nguyên tắc bầu cử bằng cách bỏ phiếu phổ thông, nguyên tắc này trong hệ thống cực quyền là quá trình hình thức, những kết quả của nó đã được định trước – chế độ cực quyền (hay chủ nghĩa quyền uy) và nền dân chủ xét theo đa số các nguyên tắc hình thành hệ thống đại diện trực tiếp cho các hình thức trái ngược nhau của việc tổ chức và thực hiện quyền lực.

Lý tưởng tự do chủ nghĩa được hình thành nổi bật nhất ở nước Anh và đặc biệt là ở Mỹ. Ở đây, chủ nghĩa cá nhân được khẳng định trong ý thức xã hội, nó đã được tiếp thu với tính cách là nguyên tắc chính và thậm chí là nguyên tắc duy nhất của xã hội Mỹ. Ý nghĩa độc lập đã được gán cho lý tưởng cá nhân chủ nghĩa, trong khi xem xét nó không đơn thuần là một trong nhiều nhân tố của hệ thống các giá trị và các nguyên tắc hoạt động của xã hội tư sản, và như là mục đích chính của bất kỳ xã hội đúng đắn nói chung. Tính độc lập và điểm tựa vào các lực lượng của riêng mình, chủ nghĩa cá nhân và sự cạnh tranh tự do đã được nâng thành mức độ tiêu chuẩn lối sống đối với một bộ phận đáng kể của dân Mỹ. Ở các hình thức cực đoan khuynh hướng này đã bị biến thái thành các mô hình khác nhau của chủ nghĩa vô chính phủ tuyên bố sự tự do vô hạn của cá nhân với nhà nước, và những biến tướng khác nhau của chủ nghĩa cấp tiến cá nhân chủ nghĩa. Đồng thời chủ nghĩa cấp tiến và thế giới quan cách mạng thật ra hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa tự do. G. Ruggiero đã nhấn mạnh “trong sự biểu hiện của mình chủ nghĩa tự do đã trở thành chủ nghĩa cấp tiến, nhưng nó không bao giờ tiến hành đến cùng, trong khi giữ vững thế cân bằng nhờ có tính kế thừa và tuần tự có tính lịch sử”.[6] Và thực tế, nhân sinh quan tự do chủ nghĩa nói chúng vừa đồng thời là tác nhân kích thích, vừa là kết quả của cuộc cách mạng cuối thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX, và kết cục đã có nội dung phản cách mạng và có tính khuynh hướng.

Sự hình thành chủ nghĩa tự do mới

Trong từng bước ngoặt lịch sử, trước những người ủng hộ chủ nghĩa tự do luôn nảy sinh vấn đề thiêng liêng, mà R. Darendorf đã đặt ra chẳng hạn: “Chủ nghĩa tự do trong thế giới đã thay đổi có nghĩa là gì?”. Nói chung, chủ nghĩa tự do đưa ra tư tưởng đối lập với chủ nghĩa giáo điều, với chủ nghĩa công thức, tính chất một mức độ và tính không khoan dung. Như nhà kinh tế của trường phái Chicago là F. Fon đã viết, “ở đây không có các tiêu chuẩn và các nguyên tắc cùng nghĩa được quy định một cách dứt khoát. Nguyên tắc cơ bản là ở chỗ trong khi thành lập một phạm vi nhất định cho hoạt động sống, chúng ta cần phải dựa một cách tối ưu vào các lực lượng bên trong của xã hội và cũng có thể dùng tới sự cưỡng chế chút ít”.[7]

Đa số những người đại diện của chủ nghĩa tự do hướng vào việc tìm kiếm những con đường làm cho di sản kinh điển thích nghi với những điều kiện đang thường xuyên được thay đổi. Phẩm chất này đã được phát hiện đặc biệt rõ vào cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, khi đó những ranh giới mới trong các bộ phận của chủ nghĩa tự do được xác định rõ ràng. Đồng thời cả những mặt mạnh lẫn mặt yếu kém của nó cũng được phát hiện một cách rõ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Chẳng hạn, việc thực hiện các nguyên tắc cạnh tranh tự do phục vụ cho việc đàn áp và lôi cuốn những người yếu hơn bằng các đối thủ mạnh hơn, đã dẫn tới việc tập trung và quy tụ về sản xuất, dẫn tới việc gia tăng dữ dội uy tín và ảnh hưởng của các trùm tư bản công nghiệp và tài chính.

Vì thế mà có sự đảo các chức năng tư tưởng của thị trường tự do. Nếu như trong các điều kiện của cuộc đấu tranh với chế độ phong kiến và hình thành các quan hệ tư bản chủ nghĩa của tư tưởng thị trường tự do, của nhà nước với tính cách “là người gác” đóng vai trờ tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống sự hạn chế khắt khe của chủ nghĩa phường hội thời trung cổ, chống tư duy công xã và các thiết chế của việc cưỡng chế phi kinh tế, thì trong điều kiện của các quan hệ thị trường-tự do đã được thiết lập, các tư tưởng này đã biến thành sự đòi hỏi phải có tự do cạnh tranh không giới hạn. Những luận điểm quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do này có chức năng bảo vệ những lợi ích của các tầng lớp cư dân có đặc quyền đặc lợi. Thấy rằng trò chơi tự do của các lực lượng thị trường không bị hạn chế vởi cái gì cả, tuyệt nhiên không đảm bào được sự hài hòa có tính chất xã hội và tính công bằng như người ta đã đề ra. Một trong những người ủng hộ chủ nghĩa tự do của thời đại đó là Samuell đã viết: “Nhân dân trong kinh nghiệm cay đắng đã tin rằng” trò chơi tự do về lợi ích riêng dễ thấy, mà trường phái Manchester đã đặt tất cả những hy vọng của mình vào, trò chơi này không đủ để đạt được sự tiến bộ; rằng “sự độc lập tinh thần sáng tạo” của giai cấp công nhân đang gặp phải những trở ngại rất to lớn, mà những trở ngại này không thể khắc phục được vì thiếu sự giúp đỡ của người khác; rằng thiếu sự giúp đỡ và sự nghèo khổ, những điều kiện xấu của lao động làm thuê, mức thấp của những nhu cầu sống còn đang từng bước gặp phải”[8]

Nổi bật lên là lớp người kiệt xuất, các nhà chính trị kinh tế học, các nhà xã hội học, các nhà chính trị học và nhà hoạt động chính trị, họ yêu cầu phải xem xét lại những luận điểm quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do cổ điển và việc thực hiện các cuộc cải cách, mà chúng thừa nhận hạn chế sự độc đoán của các nghiệp đoàn và giảm nhẹ tình cảnh của các tầng lớp cư dân cùng cực nhất. Ở đây giữ vai trò to lớn là các nhà tư tưởng chính trị Anh J.Hobson, I. Grin, linh mục đạo Tin lành và chính luận gia F. Nauman, các nhà kinh tế V. Rjepke, V. Ojken ở Đức, B. Crocle ở Ý, L. Word, J. Kronli, Ch. Bird ở Mỹ đã xây dựng hàng loạt các nguyên tắc mới quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do, có tên gọi là “chủ nghĩa tự do mới” hay “chủ nghĩa tự do xã hội”.

Thực chất của chủ nghĩa tự do mới là ở chỗ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx và của nền dân chủ-xã hội ngày càng gia tăng, đã thừa nhận vai trò tích cực của nhà nước trong đời sống xã hội và kinh tế, các nguyên tắc cơ sở riêng lẻ của chủ nghĩa tự do cổ điển được xem xét lại. Điều này đặc biệt được phản ánh ở sự vay mượn của những người tự do chủ nghĩa từ chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa dân chủ-xã hội tư tưởng về sự công bằng xã hội, sự bình đẳng xã hội, sự giúp đỡ lẫn nhau và sự ủng hộ của nhà nước cho các tầng lớp cư dân khốn khổ nhất.

Trong lĩnh vực chính trị, những khuynh hướng mới này được thể hiện một cách tập trung nhất trong các phong trào cải lương như chủ nghĩa cấp tiến ở Mỹ, chủ nghĩa Loi ở Anh, chủ nghĩa Joliti ở Ý. Công lao có tính chất lịch sử của chủ nghĩa tự do và của đảng có khuynh hướng tự do chủ nghĩa là nó đã đóng một vai trò then chốt trong việc hình thành và thiết chế hóa các nguyên tắc và các thiết chế cơ bản của hệ thống chính trị hiện đại vào cuối thế kỷ XIX và mười năm đầu của thế kỷ XX, như chế độ đại nghị, việc phân chia các quyền lực, nhà nước pháp luật, nhưng điều trên kết cục đã được tất cả các lực lượng chính trị cơ bản thừa nhận.

Những nguyên tắc được hình thành và thực hiện, chúng đã mở rộng vai trò điều chỉnh của nhà nước nhằm thực hiện các giá trị tự do chủ nghĩa ban đầu, nhằm bảo vệ các quyền và sự tự do của con người. Chẳng hạn, thông qua hàng loạt các đạo luật và các biện pháp đẩy mạnh sự can thiệp của nhà nước vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chính phủ tự do chủ nghĩa của nước Anh vào năm 1892-1895 đã xa rời những phương châm của chủ nghĩa tự do cổ điển. Đặc biệt đã thông qua các đạo luật về quyền tự trị địa phương; mở rộng đáng kể các quyền đặc biệt của các cơ quan tự quản địa phương; về nhân viên thuộc bộ thương nghiệp phải xem xét lại những khiếu nại của họ; về việc cấm cha mẹ bắt con cái phải kiếm sống nuôi bản thân khi chúng ở độ tuổi 11; về các biện pháp hướng vào việc cải thiện tốt các điều kiện lao động của công nhân. Những biện pháp đó đã mở rộng các quyền đặc biệt của nhà nước, chúng được thực hiện trong những năm tiếp theo cả ở Anh, lẫn ở nhiều nước khác.[9]

Sự hình thành chủ nghĩa tự do mới hay chủ nghĩa tự do xã hội với tính chất là một trong những trào lưu cải lương quan trọng nhất của tư tưởng chính trị-xã hội nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 30 của thế kỷ XX, đã thể hiện rõ sự cần thiết phải suy xét lại một số định đề quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do cổ điển về tự do không hạn chế của cá nhân, về sự cạnh tranh tự do. Có ý nghĩa cơ bản trong những năm đó là học thuyết Keyn, học thuyết này rất nổi tiếng, nó được xây dựng trên cơ sở thừa nhận tính chất cần thiết phải bổ sung các nguyên tắc truyền thống của chủ nghĩa cá nhân, sự cạnh tranh tự do và thị trường tự do đối với chủ nghĩa tự do bằng các nguyên tắc điều chỉnh có tính chất nhà nước các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Có được xung lượng mạnh mẽ nhất trước tiên là ở Mỹ, nơi đây vị tổng thống – nhà cải cách F.D. Roosevel đã tuyên bố và bắt đầu thực hiện chương trình có quy mô rộng lớn “đường lối mới”, quá trình này trong các hình thức và trong các quy mô khác nhay đã thu hút hầy như tất cả các nước công nghiệp phát triển. Ý nghĩa của việc biến đổi nội dung đã được đưa vào khái niệm “chủ nghĩa tự do”. Cựu thượng nghị sĩ Mỹ M.J. Klark đã trình bày hết sức rõ ràng, ông đã viết vào năm 1953: “Ở đây người theo chủ nghĩa tự do được xác định là người, mà người đó tin vào việc sử dụng tất cả sức mạnh của chính phủ để tiến tới sự công bằng xã hội, chính trị và kinh tế trên các cấp độ hành chính, dân tộc và giữa các dân tộc… Người theo chủ nghĩa tự do tin tưởng rằng chính phủ là công cụ thích hợp nhất để sử dụng trong quá trình phát triển xã hội, mà xã hội này muốn các nguyên tắc cơ đốc giáo về hành vi được thực hiện trên thực tế.[10]

Rõ ràng rằng, ở đây chúng ta có, nếu không phải là trào lưu tư tưởng chính trị-xã hội hoàn toàn mới, thì là mô hình được xem xét lại một cách căn bản của chủ nghĩa tự do. Những người đại diện của các khoa học xã hội và nhân văn, họ đã trung thành với các nguyên tắc ban đầu, kiên quyết bác bỏ mô hình mới này để đoạn tuyệt với nó, họ bắt đầu sử dụng các khái niệm “chủ nghĩa tự do”, “chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX” và cuối cùng, “chủ nghĩa tự do cổ điển” cho phù hợp với các tư tưởng và các quan điểm riêng. Do đó điều khá thú vị là nhà kinh tế thuộc trường phái Chicago đã gọi tác phẩm của mình “chủ nghĩa tự do”, được công bố lần đầu tiên vào năm 1927 bằng tiếng Đức, được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1962 là: “sự cộng đồng tự do và phồn thịnh”. Như đã nêu ở trên, người đại diện của chủ nghĩa tự do truyền thống Fon. F. Khajek đã viết một cuốn sách đặc biệt, trong đó chủ nghĩa tự do mới được gọi là “con đường dẫn tới chế độ nô lệ”. Kết cục, trong chục năm sau chiến tranh, chủ nghĩa tự do cổ điển ở dạng này, hay ở dạng nào đi nữa cũng có một số biến dạng đã được các trường phái Áo và Chicago quan tâm, nó đã trở thành trào lưu kinh tế độc lập và ảnh hưởng tới trào lưu chính trị-xã hội, xét theo các lập trường và các phương châm quan trọng nhất của nó đối lập với chủ nghĩa tự do mới. Nhiều trong số các tư tưởng được những người đại diện của các trường phái này tuyên truyền, vào những năm 70-80 của thế kỷ này, chúng đã được những người lãnh đạo của các lực lượng bảo thủ dùng làm vũ khí ở các nước công nghiệp, phát triển hàng đầu. Phần lớn các nước ở châu Âu, các đảng tự do chủ nghĩa ở mức độ nhất định đã buộc phải nhường vị thế của mình cho các lực lượng chính trị-xã hội khác, và ở hàng loạt nước thậm chí đã xa rời đời sống chính trị-xã hội.

Tấn thảm kịch của chủ nghĩa tự do Đức và Ý là ở chỗ những người đại diện của nó hoàn toàn không hiểu những chuyển biến sâu xa từ bên trong, diễn ra trong đời sống xã hội và chính trị ở các nước của họ vào đầu thế kỷ XX, và đặc biệt kết thúc ở cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Họ không hề lo lắng khi gặp sự gia tăng của các lực lượng phát xít, kết cục các lực lượng này đã giáng đòn mạnh nhất vào các đảng tự do chủ nghĩa. Ở ý thậm chí những người nhìn xa trông rộng như J. Jolitti và B. Crock cũng đoán rằng chủ nghĩa phát xít là cần thiết để khôi phục trật tự và củng cố nhà nước tự do chủ nghĩa, Những ảo ảnh như vậy trong các đảng chính trị tự do chủ nghĩa đã được giữ trong cái gọi là “cuộc hành quân vào thành Rôm” của phát xít. Những người đại diện của chủ nghĩa tự do đã tham gia vào chính phủ đầu tiên của Musolini. Các nhóm riêng biệt những người theo chủ nghĩa tự do cả ở Ý, lẫn ở Đức đã hợp tác với bọn phát xít, những nhóm khác đã xuất ngoại, còn các nhóm thứ ba thì tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.

Sự tan rã trong phong trào tự do chủ nghĩa, đặc biệt sau chiến tranh thế giới lần thứ hai được chế định về nhiều điều bởi những thành tích trong việc thực hiện các lý tưởng, tư tưởng và các quan niệm tự do chủ nghĩa cơ bản đạt được trong suốt thế kỷ XIX và những năm đầu của thế kỷ XX. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ XX, ở hàng loạt các nước châu Âu và ở Bắc Mỹ, phong trào vì các cuộc cải cách lập hiến đã thắng lợi, sự thế tục hóa của nhà nước đã trở thành hiện thực. Do có điều này mà thuyết chống giáo quyền của những người theo chủ nghĩa tự do đã bị mất đi tính cấp bách đối với những người quan tâm, trước hết là đối với các cử tri. Việc khẳng định và thiết chế hóa các chuẩn mực và các nguyên tắc dân chủ ở phần đông các nước tiên tiến đã ấp ủ niềm tin vào việc kết thúc nào đó của chương trình do những người tự do chủ nghĩa đề ra, và chính họ đã thiên về việc xem nhiệm vụ của mình không phải ở chỗ đạt được cái gì mới, mà ở việc giữ được cái đã đạt được.

Đến lúc đó cảnh quan chính trị-xã hội của các nước phương Tây đã thay đổi một cách căn bản. Các đảng bảo thủ về thực tế đã tiếp thu cái mới trong hệ thống chính trị-nhà nước, họ đã được một bộ phận lớn thực hiện theo sáng kiến của những người theo chủ nghĩa tự do. Bước lên trước sân khấu là các đảng xã hội-dân chủ, các đảng này đã nhận về mình việc phát triển hơn nữa các sự nghiệp mà chúng đã được những người theo chủ nghĩa tự do thực hiện.

Hàng loạt nguyên tắc quan trọng nhất của chủ nghĩa tự do đã bị những người bảo thủ cực hữu và các nhà dân chủ-xã hội cực tả lấy mất. Điều này đã dân tới việc làm xói mòn cơ sở lựa chọn của các đảng tự do chủ nghĩa.

Kết cục, chiến tranh thế giới thứ hai, sự chủ động chính và người đưa đường của các cuộc cải cách xã hội ở châu Âu là nền dân chủ-xã hội, nền dân chủ-xã hội đã liên kết trong nó hàng loạt những luận điểm chính của chủ nghĩa tự do thế kỷ XX. Ở Mỹ, ngược lại, Đảng dân chủ đã nhận về mình vai trò này, ngay từ lúc “có đường lối mới”, đảng này đã liên kết với chủ nghĩa tự do và với chủ nghĩa cải lương. Vào cuối những năm 40-50, ở các nước phương tây đã hình thành được sự hòa hợp tự do chủ nghĩa-bảo thủ giữa cánh ôn hòa của phe bảo thủ và các lực lượng cải lương khác nhau, kể cả những người theo chủ nghĩa tự do. Nếu như ở Mỹ thỏa thuận tự do chủ nghĩa-bảo thủ có được vị trí nhất định, thì ở phần lớn các nước châu Âu sự thỏa thuận giữa các nhà dân chủ-xã hội, những người theo chủ nghĩa tự do và những người bảo thủ cũng đã được thiết lập.

Điểm này được phản ánh trong quy chế của chủ nghĩa tự do và của các đảng tự do, trong tình cảnh lúc đó, chúng đã có sẵn giữa các phái dân chủ-xã hội và phái bảo thủ, mà các phải này đã đưa ra những đường lối chính trị lựa chọn giải pháp rất rõ, so sánh với những người tự do chủ nghĩa. Những năm 50-60 ở phần lớn các nước phương Tây là thời kỳ khải hoàn của chủ nghĩa tự do mới hay của chủ nghĩa cải lương tự do-xã hội. Khi đó những tư tưởng quan trọng nhất, các nguyên tắc và các chỉ thị đã được những người tự do chủ nghĩa mới đề ra cũng như cả những người dân chủ-xã hội và các đảng phái của phe bảo thủ, chúng đã được thực hiện trong khuôn khổ của mô hình Keyn về việc điều chỉnh của nhà nước đối với nền kinh tế và các mô hình dân tộc khác nhau của nhà nước phúc lợi chung.

Không phải ngẫu nhiên, ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, các đảng tự do chủ nghĩa đã muốn đoàn kết và phối hợp hoạt động của mình ở cấp độ quốc tế.Với mục đích này tại Đại hội ở Oxford (Anh) vào tháng tư năm 1947 Quốc tế tự do chủ nghĩa đã được thành lập, nó xem mình với tính cách là liên đoàn các đảng tự do, dân chủ và tiến bộ. Tổ chức này đã tuân theo các văn kiện có tính chất cương lĩnh: Tuyên ngôn tự do chủ nghĩa Oxford năm 1947: Tuyên ngôn tự do chủ nghĩa Oxford năm 1967, lời hiệu triệu tự do chủ nghĩa năm 1981. Hiện nay tham gia vào tổ chức này có 52 đảng chính trị từ 52 nước của châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Với tính chất là các thành viên tập thể của Quốc tế tự do chủ nghĩa gồm có các nhón của những người tự do chủ nghĩa trong nghị viện châu Âu và trong Hội đồng của châu Âu, còn có cả Liên đoàn thanh niên Quốc tế tự do và cấp tiến. Các thành viên có đủ quyền hạn phải đóng hội phí, mức độ của hội phí phụ thuộc vào thành phần số lượng của đảng. Các cơ quan lãnh đạo Hội Quốc tế tự do chủ nghĩa là đại hội, ban chấp hành, ban thường vị, hội nghị của các thủ lĩnh. Trụ sở của Quốc tế năm ở London.

Bắt đầu từ năm 1964 hội nghị hàng năm của những người đứng đầu các đảng tự do chủ nghĩa đã hoạt động, trong tiến trình của các hội nghị trong khung cảnh không chính thức những vấn đề chính trị phức tạp được thảo luận.

Dưới sự bảo trợ của Quốc tế tự do chủ nghĩa, các cuộc hội thảo và các cuộc gặp gỡ quốc tế được tiến hành, tại đó, người ta thừa nhận phải kích thích việc trao đổi tư tưởng, thúc đẩy việc làm phong phú nội dung chính trị và tư tưởng của chủ nghĩa tự do hiện đại.

(còn tiếp)

 


Nguồn: Viện TTKH-XH. Sử học trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI. Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 143-190.


[1] Croce B. Aspetti morali della vita politica – Elementi di politica. Bari, 1966, p. 47-48.

[2] JEFFERSON T. Tự thuật. Những tin vắn về bang Virginia, M., 1990, tr. 34.

[3] Les déclarations franҫaise des droits de l’homme. Paris, 1928.

[4] Trích theo: ARBLASTER A. The rise and decline of western liberalism. Oxford, 1984, tr. 22, 27, 30.

[5] HUMBOLDT V. FON. Ngôn ngữ và triết học văn hóa. M., 195, 50tr.

[6] RUGGIERO G. Liberalism. – Encyclopedia of the Social sciences. V. 9. N. Y., 1993, p. 435.

[7] KHAJEK F. A. Con đường dẫn tới chế độ nô lệ. – Những vấn đề triết học, 1990, No 10, tr. 123.

[8] SAMUELL G. Chủ nghĩa tự do. M., 1906, tr. 34.

[9] Sách đã dẫn, tr. 28-30.

[10] Atlantic, 1993, July, p. 27.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt