Triết học lịch sử

Sử luận Đông-Tây

 

SỬ LUẬN ĐÔNG-TÂY

TS. DƯƠNG NGỌC DŨNG

 

Có thể nói sử luận (historiography) là lịch sử của lịch sử, một phương pháp nghiên cứu cách viết sử của các quốc gia. Các nhà sử luận sẽ tập trung vào nghiên cứu cách viết sử của người khác. Điều đó giúp chúng ta phân biệt được cách viết sử của Ngô Sĩ Liên khác với cách viết sử của Lê Văn Hưu hay khác với cách viết sử của Lê Quý Đôn sau này như thế nào. Sử luận nghiên cứu những phương pháp viết sử, đánh giá phương pháp sử dụng những nguồn lịch sử (nguồn về văn bản, nguồn về khảo cổ học, các chứng cứ lịch sử, các nguồn sơ cấp, nguồn thứ cấp, đến các nguồn về phụ bản, các bản viết tay, gia phả của gia đình, dòng họ, thậm chí là văn bia, v.v…) dưới góc độ phê phán – để xem sử dụng những nguồn như vậy có chính xác chưa?

Các phương pháp viết sử ở Việt Nam

Cách viết sử của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc với hai mô hình chính là mô hình Hán thư (của sử gia Ban Cố đời Hán) và mô hình dựa theo lối viết của Tư Mã Thiên (lối này đến thời Lê Quý Đôn hay được áp dụng). Song những mô hình này bộc lộ rất nhiều nhược điểm, trong đó nhược điểm chính có thể thấy là: đưa vấn đề luân lý và triết học vào viết sử một cách trực tiếp. Điều này xuất phát từ ảnh hưởng của Khổng Tử, tức là viết sử làm sao để người đời đọc lấy đó làm khuôn mẫu đạo đức, đặt ra những mối quan hệ nhân quả về đạo đức, phải để người đọc rút ra được những bài học về đạo đức, lấy đó là mục đích chính chứ không nhằm tìm hiểu về lịch sử khách quan như quan điểm hiện đại – hay tương đối hiện đại.
Như ta hiểu hiện nay, lịch sử là đi tìm sự khách quan nằm sau những biến cố, nhưng các sử gia Việt Nam chịu ảnh hưởng của truyền thồng Trung Quốc thì lại đạo đức hóa lịch sử. Vấn đề ở đây là bản thân đạo đức này không phải đạo đức của nhân loại mà là chỉ là loại đạo đức rất cụ thể – Khổng giáo – thể hiện khi ta đọc những đoạn văn của Lê Văn Hưu hoặc Ngô Sĩ Liên phê bình nhà Trần. Họ giải thích sự suy sụp của nhà Trần là do mối quan hệ loạn luân. Vì nhà Trần chủ trương kết hôn nội tộc, ngay cả vị anh hùng dân tộc là Trần Hưng Đạo cũng kết hôn với cô của mình. Những quan hệ như vậy đứng dưới góc độ những người tuân thủ đạo đức Nho giáo như Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên là không thể chấp nhận được. Họ kết luận rằng một phần trong sự suy sụp của nhà Trần là do không giữ được đạo đức, vi phạm những nguyên tắc cấm kỵ thiêng liêng của Nho giáo. Những quan điểm này bị những người viết sử đời sau phê phán rất nhiều, vì cho rằng bản thân các sử gia đã không khách quan ngay từ đầu khi đưa những giáo điều về mặt luân lý vào lịch sử khách quan, đó chỉ là chủ quan của họ mà thôi, chủ quan trong vấn đề đạo đức và không chính xác về mặt khoa học lịch sử.

Một ví dụ khác về cách viết sử ở Việt Nam là trong một thời gian khá dài ta không sử dụng nguồn tư liệu văn bia và khảo cổ mà mãi cho đến thời gian gần đây, do ảnh hưởng của người Pháp, khi họ lập ra viện Viễn Đông Bác Cổ với mục đích nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Tuy phục vụ cho mục đích riêng nhiều hơn là mục đích khoa học, nhưng dù sao họ cũng có những công trình khoa học rất tốt, và những công trình khoa học đó của các sử gia Pháp đã để lại một dấu ấn cho các sử gia Việt Nam. Các thế hệ sử gia Việt Nam ngày nay như Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng và thế hệ đàn anh như Trần Văn Giáp, Trần Huy Liệu, v.v… đã theo học tập tinh thần khoa học của người Pháp để viết sử tương đối khách quan hơn thế hệ đi trước. Và về sau ta thấy rõ vai trò của Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng trong việc đưa những vấn đề văn bia, khảo cổ vào trong cách viết sử của mình, tức là đã bổ sung thêm nguồn tư liệu mà trước đây các sử gia không hề ngó ngàng đến, mà theo truyền thống nghiên cứu viết sử chủ yếu dựa trên sách vở bằng thư tịch.

Triết học lịch sử và sử luận

Xin giới thiệu rằng bản thân tôi không phải là một sử gia chuyên nghiệp, mà tôi nhìn dưới góc độ triết học nhiều hơn, tức là triết học lịch sử (philosophy of history). Triết học lịch sử có mối quan hệ với sử luận nhưng không đi sâu vào vấn đề phương pháp luận như sử luận mà đi sâu vào vấn đề triết học, tìm hiểu tại sao vấn đề đó lại diễn ra như vậy? Có một mô hình nào trong lịch sử hay không? Diễn biến như vậy có ý nghĩa gì không?

Triết gia lịch sử lớn nhất có lẽ là Hegel, sau đó Marx đã kế thừa quan điểm của Hegel nhưng ông đi theo chiều hướng ngược lại hoàn toàn. Hegel cho rằng lịch sử nhân loại phát triển có lý tính của nó, nói khác là có lý do của nó, có một mô hình nhất định, diễn biến qua từng giai đoạn, từ chế độ độc tài phương Đông cổ đại cho đến chính phủ nhà nước hiện đại. Lịch sử có một quy trình, đó là “tinh thần” đi tìm một sự thể hiện của chính nó (tinh thần ở đây là một khái niệm của Hegel). Tinh thần tìm cách tự ý thức về bản thân mình thông qua những diễn biến của lịch sử và chỉ khi nào tinh thần đạt đến tinh thần tuyệt đối thì sẽ tự biết nó là ai, nó như thế nào. Tinh thần này tiến lên trong quá trình ý thức con người càng mở rộng lĩnh vực tự do. Lịch sử là bước tiến của tự do, của ý thức. Ở đây không chỉ là ý thức của cá nhân, mà còn là ý thức chung của nhân loại.

Theo Hegel và cũng là cái nhìn chung của các sử gia phương Tây thế kỷ XIX thì lịch sử tiến bộ đi lên là nhằm giải phóng dần dần cá nhân đi đến sự tự do hoàn toàn, thoát khỏi mọi sự ràng buộc. Quan điểm của Hegel cho rằng con người tìm được tự do trong pháp luật với một chế độ chính trị nhất định và người ta đã chọn chế độ của Phổ lúc bấy giờ, một chế độ con người thể hiện được sự tự do trong pháp luật. Đó là đỉnh cao của nhà nước hiện đại khi sự tự do được thể hiện hoàn toàn rồi đi đến kết thúc, tức là nhìn theo quan điểm của Hegel thì sau đó sẽ không còn lịch sử nữa. Một khi con người đã đạt đến đỉnh cao của sự tự do, do một chế độ nhà nước hiện đại, thì lịch sử không còn phát triển nữa. Và điều này được phản ánh trong tư tưởng của Marx, lịch sử phát triển qua nhiều giai đoạn và nó kết thúc ở Chủ nghĩa Cộng sản. Khi mọi người trở thành huynh đệ, anh em, làm theo năng lực hưởng thụ theo nhu cầu của mình, trong một chế độ không còn giai cấp, thì cũng là lúc mà triết học của Marx ngừng lại, vì đây là đỉnh cao của lịch sử và không còn gì để phát triển nữa.

Quan điểm này của Marx chính là kế thừa từ Hegel. Triết học lịch sử không quan tâm đến những sự kiện rời rạc của một quốc gia, của một thời đại, cái mà họ quan tâm là lịch sử của cả thế giới của cả trái đất, tìm hiểu xem sự tiến triển theo từng giai đoạn của lịch sử có ý nhĩa triết học gì không. Thậm chí một số sử gia hiện đại cho rằng lịch sử tiến lên là do sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người, lịch sử tiến bộ là những thử thách Thiên Chúa đặt ra với con người. Thiên Chúa muốn con người tiến bộ, những khó khăn trong các tiến trình lịch sử đều hướng tới sự tiến bộ, và con người phải thể hiện bản lĩnh của mình khi đấu tranh chống lại những thử thách, phát huy được lòng ái quốc, phát huy được những thể chế chính trị để đáp ứng được các nhu cầu của mình và làm cho lịch sử tiến bộ. Tất cả những điều đó đều nằm dưới bàn tay vô hình của Thiên Chúa.

Như vậy ta thấy rằng nhóm những nhà triết học lịch sử đã triết học hóa lịch sử. Họ cố gắng tìm trong sự phát triển của lịch sử nhân loại một ý nghĩa triết học nào đó. Khuyết điểm của phương pháp này hết sức rõ ràng, chính là các sử gia có xu hướng loại bỏ các chi tiết không phù hợp với triết học của mình, cho đó là những chi tiết không đáng kể, không đáng quan tâm, vì đó là những điểm không quan trọng và phải nhìn một cách tổng thể, hệ thống, phát triển chung chứ không cần vào chi tiết. Những chi tiết chỉ là những lệch lạc, những sự cố mà có thể loại bỏ trong hệ thống. Khuyết điểm này rất rõ ràng, nó khiến người đi sau chỉ trích rất nhiều, cho rằng nếu nói như vậy thì lịch sử chính là triết học, hội nhập triết học vào lịch sử thì có lẽ rất sai lầm. Khi loại bỏ những chi tiết mà đôi khi chính những chi tiết đó lại làm nên lịch sử. Ngược lại các sử gia rất chú trọng chi tiết và tập trung nghiên cứu chúng, thậm chí nghiên cứu rất sâu và họ chê bai hầu hết các triết gia là không hiểu rõ những chi tiết trong lịch sử và có xu hướng là tổng quát hóa lịch sử quá nhanh, quên đi những chi tiết. Những chi tiết đó có thể làm cả lâu đài triết học mà họ xây dựng sụp đổ. Các sử gia phê phán rằng hầu hết các triết gia đều không có nền móng vững trong sử học, vì được xây dựng trên nền móng không vững chắc như vậy nên hầu hết các tư duy của họ là “tư biện” thuần túy chứ không dựa trên sự kiện chắc chắn, không dựa trên thống kê.

Nói đến thống kê, đây là một môn học bắt nguồn từ ngành xã hội học nhưng được các sử gia sử dụng rất nhiều, bởi nếu không dựa trên một con số thông kế tương đối có ý nghĩa thì rất khó kết luận về một vấn đề gì. Ví dụ: một số sử gia tuyên bố một cách chung chung là “Việt Nam là một đất nước của Phật giáo” thậm chí người ta còn dùng chữ “quốc giáo” khi nó đến Phật giáo. Nhưng đứng trên góc độ thống kê thì ta thấy một số vấn đề như sau: theo thống kê của chính Giáo hội Phật giáo trung ương thực hiện cho kết luận có khoảng 12 triệu tín đồ trên tổng dân số lúc bấy giờ là khoảng 83 – 84 triệu người. Và khi so sánh con số thống kê với các tôn giáo khác thì thấy rằng Thiên Chúa giáo khoảng 6 triệu, và các tôn giáo khác như Tin Lành, Islam, Cao Đài, v.v… thì không đáng kể, khoảng vài trăm ngàn. Dựa vào con số thống kê cho thấy tỷ lệ tín đồ Phật giáo là không đông lắm, không thể gọi là quốc giáo của Việt Nam được nếu dựa trên con số chính thức.

Vì vậy một số nhà sử học đã đưa phương pháp thống kê vào lịch sử, họ cho rằng nếu không có con số chính thức thì rất khó kết luận. Tiếp đó dần dần các sử gia hiện đại có xu hướng định lượng hóa những khẳng định của mình bằng cách cố gắng đưa những con số vào kết luận của mình, chẳng hạn dân số Bắc Kỳ dưới thời Pháp thuộc là bao nhiêu người. Việc đưa những con số cụ thể để cho thấy tính khách quan và dựa trên những con số khách quan đó mới có thể đưa ra những kết luận tương đối khách quan, chứ không hoàn toàn chủ quan theo kiểu triết học lịch sử. Một số sử gia đã kết luận rằng các triết gia có những hiểu biết rất chung chung về lịch sử và vì không hiểu biết nên những kết luận của họ thường mang tính võ đoán, hàm hồ, và nói chung là không chính xác.

Về phương pháp luận sử học và sử luận

Phương pháp luận (Methodology) là một cái chuyên ngành mà bất kỳ ngành khoa học xã hội nhân văn nào cũng có. Chẳng hạn như phương pháp nghiên cứu sử học, phương pháp nghiên cứu triết học, xã hội học, tâm lý học, v.v… Phương pháp luận đặt ra các yêu cầu mà người nghiên cứu phải thực hiện. Ví dụ phương pháp nghiên cứu định tính đòi hỏi phải đi điền dã, thu nhập thông tin, phỏng vấn người trong cuộc, chụp hình chụp ảnh, thu thập thư từ tài liệu. Phương pháp luận mang tính hẹp hơn là sử luận, sử luận đi sâu và phê phán chính bản thân các phương pháp đó. Nghĩa là ngoài việc liệt kê các phương pháp thì sử luận còn đánh giá từng phương pháp, tìm hiểu xem phương pháp này có những hạn chế gì, ưu điểm gì hơn các phương pháp khác.

Ngoài ra, nếu xét ở mức độ chung hơn, bao quát hơn thì nó thuộc lĩnh vực triết học lịch sử. Các triết gia lịch sử không tự hạn chế mình trong một giai đoạn lịch sử hoặc một vấn đề cụ thể của sử học mà chỉ đưa ra cái nhìn chung. Điển hình về triết học lịch sử là cuốn sử rất nổi tiếng viết bằng tiếng Đức của Oswald Spenglernhan tựa là Sự suy tàn của phương Tây. Trong đó ông giải thích sự suy tàn của phương Tây bằng sự suy tàn của tôn giáo. Quan điểm của ông là tôn giáo suy tàn thì văn minh suy tàn và tôn giáo là tột đỉnh của văn minh.

Xu hướng này chúng ta sẽ bắt gặp lại ở một số sử gia Việt Nam, điển hình là giáo sư Trần Văn Giàu. Trong một hội nghị về sử học, ông đã khẳng định rằng: “Lịch sử Việt Nam là lịch sử của kháng chiến chống ngoại xâm”. Câu nói này không lạ, không phải sản phẩm riêng của giáo sư Trần Văn Giàu, rất nhiều người phát biểu như vậy và sau này các sử gia Marxist càng khẳng định điều này hơn nữa. Tôi cho rằng nhận định này là nhận định triết học chủ quan của riêng giáo sư Trần Văn Giàu hơn là thực tế lịch sử. Khi nói rằng “lịch sử Việt Nam là lịch sử của kháng chiến chống ngoại xâm” có nghĩa là đã gạt bỏ ra ngoài tất cả những vấn đề khác, như nỗ lực xây dựng đất nước trong hòa bình, về làng xã, văn minh, văn hóa, ẩm thực,…. Và như ta thấy trong cuốn lịch sử Việt Nam do giáo sư Trương Hữu Quýnh chủ biên, chủ yếu là những trang sử về chiết tranh, sợi chỉ đỏ xuyết xuốt lịch sử hiện đại là kháng chiến, theo cùng hướng của giáo sư Trần Văn Giàu đã vạch ra. Những vấn đề khác được đưa vào “hậu trường” và để chúng lại cho chuyên khảo riêng, còn lịch sử Việt Nam thì chỉ là kháng chiến và đặc biệt dừng lại ở cuộc kháng chiến của Đảng Cộng sản. Rõ ràng ẩn sau đó có một tuyên ngôn khác, rằng: “Đây là đỉnh cao của lịch sử Việt Nam”, quan điểm này tương tự với quan điểm của Marx, của Hegel về lịch sử.

Một ví dụ khác là bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, khi đọc ta thấy hầu như đây là bộ sử của chúa Trịnh, và một điều rất đặc biệt là trong bộ sử lớn lao đó không hề nhắc tới vai trò của Nguyễn Trãi. Có lẽ bối cảnh khi đó nhà Lê đang bị chúa Trịnh thâu tóm quyền hành mà Lê Quý Đôn lại là người trực tiếp “ăn lương” chúa Trịnh nên có lẽ ông phải lờ đi những vinh quang của dòng họ Lê mà chủ yếu nhấn mạnh đến chúa Trịnh. Chắc rằng Lê Quý Đôn không thể không biết Nguyễn Trãi – một nhân vật lẫy lừng – nhưng trong toàn bộ bộ sử không hề thấy hình bóng Nguyễn Trãi. Tóm lại khi viết sử một số triết gia đã có định hướng trước còn một số thì khi viết sử đã bị hướng dẫn bởi giả định ngầm nào đấy trong cách viết sử của họ.

Khi đọc những tài liệu lịch sử có thể ta sẽ bắt gặp những vấn đề tương tự như: Phải chăng Ngọc Hân công chúa kết hôn với vua Gia Long? Ta đều biết Ngọc Hân công chúa là vợ vua Quang Trung, mặc dầu là vợ thứ, nhưng sau khi vua Quang Trung chết thì thân phận Ngọc Hân đi về đâu? Có một số người cho rằng sau khi Quang Trung chết thì Ngọc Hân kết hôn với vua Gia Long, số khác lại bác bỏ điều này. Hoặc gốc gác của vua Quang Trung là ở đâu? một số người cho rằng vua Quang Trung là họ Hồ tên Phi Diễn, gốc Nghệ An mặc dù Quang Trung ở Bình Định?, v.v… Khi gặp những vấn đề như vậy lập tức nổ ra cuộc tranh luận rằng đâu là sự thật. Dựa trên những tiêu chí nào mà chúng ta có thể xác nhận sự thật lịch sử? Dựa vào đâu? Dựa vào ký ức, vào trí nhớ, vào tư liệu hay dựa vào bằng chứng?

Vấn đề đi tìm sự thật lịch sử

Nhưng dù bằng cách nào cũng khó mà xác định đâu là sự thật lịch sử, và vấn đề sẽ còn được đem ra tranh cãi. Trong thực tế khi ta đọc lịch sử thì ta có xu hướng chấp nhận những điều sử gia nói như là chân lý vì có thể đó là những khẳng định rất hay, táo bạo nhưng ta không thể dừng ở đó, mà phải tiến thêm một bước nữa là phải đặt câu hỏi về phương pháp, bằng cách nào mà sử gia viết được cuốn sử đó? Đánh giá xem phương pháp đó có đảm bảo tính chân lý của mệnh đề lịch sử hay không? Và nó có thực sự khách quan không? Nó có đúng hay không? Đúng ở mức độ nào? Sai ở mức độ nào? Chắc chắn rằng mỗi phương pháp viết sử đều có khuyết điểm và ta phải tìm ra mặt mạnh và mặt yếu của nó, những điểm khiến ta phải nghi ngờ, phải đặt lại vấn đề. Chính nhờ điều đó sử học mới tiến bộ được.

Sự phán xét như quan tòa của lịch sử

Thái độ của các sử gia Việt Nam cũng như Trung Quốc là yến hạnh. Một thời gian dài người ta không nghiên cứu triều Nguyễn vì cho rằng Gia Long là kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, không ai nghiên cứu một tên phản quốc như vậy. Tương tự, đối với nhân vật Phan Thanh Giản bị coi là phản quốc phải uống thuốc độc tự tử, một số người chê thì bảo là bán nước, khen thì bảo là người có khí tiết, người có liêm sỉ, mấy ai hiện nay có liêm sỉ như vậy, mấy ai làm sai mà có thể tự sát như vậy. Tôi cho rằng cả hai ý kiến này đều chưa đúng, cả khen lẫn chê, bởi vì nó dựa trên thành kiến của cả nhân về một người sĩ phu, đó quan điểm của cá nhân thôi. Theo tôi phải nhìn nhận từ chính quan điểm của Phan Thanh Giản, phải nghiên cứu bức thư tuyệt mệnh và đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ. Đó là vài việc mà ít nhất một sử gia nên làm để tránh thành kiến về chính trị.
Đôi khi sử gia phải chọn lựa giữa sự thật lịch sử và chính trị, yêu cầu của chính trị bắt buộc họ phải hy sinh, phải cắt xén và cuối cùng đề cao chiến thắng dân tộc. Và điều này không có gì lạ trong truyền thống sử học Việt Nam khi phân biệt rạch ròi sai – đúng. Như đã nói ở trên, quan niềm này bắt nguồn từ Khổng Tử, từ Tư Mã Thiên, rằng lịch sử là phải răn dạy, học sử để phân biệt thế nào là “tà đạo”, thế nào là “chính giáo”, khẳng định đường lối quan điểm. Như vậy chúng ta thấy từ lâu đã xuất hiện một kiểu sử gia như quan tòa, làm sử là phải biết khen chê, theo quan điểm chính thống thì khen, còn đi ngược lại thì phải chê, thậm chí không nhắc đến.

Một điểm nữa chi phối sử học đó là quan điểm của Mạnh Tử khi ông cho rằng không phải thành thânthành nhân mới quan trọng, phải lưu danh hậu thế mới quan trọng và quan điểm này một phần đã chi phối toàn bộ lịch sử Trung Quốc, một đấng anh hùng phải lưu danh hậu thế. Quan điểm này cũng chú trọng đến đạo đức, nếu có quan điểm đạo đức tốt thì việc thất bại cũng không sao. Trở lại lịch sử Việt Nam, người có công chấm dứt thời kỳ nội chiến liên miên là Gia Long, nhưng công trạng đó của ông bị những tội ác che mờ đi. Như vậy những người viết sử vẫn dựa trên thành khiến cá nhân, với những nhân vật được cho là có những hành vi xấu thì không thể có vị trí cao trong lịch sử, thậm chí những đóng góp của nhân vật đó không đáng được nhắc tới. Đây là thái độ viết sử chủ yếu của chúng ta, cách phân biệt đúng – sai quá rạch ròi. Đúng thì tô hồng lên một chút cũng không sao, sai thì phải loại trừ triệt để. Chúng ta luôn bị quan điểm này chi phối, và ngay đến cả định nghĩa đúng sai cũng rất là chung chung, giản đơn, mơ hồ, khiến cho sử luận đi lùi, không thể tiến lên được khi chỉ loanh quanh ở quan niệm đúng sai, quan điểm đó cản trở cách viết sử của chúng ta.

Vấn đề “chân” và “ngụy” trong nghiên cứu lịch sử

Đây là vấn đề khi sử dụng tài liệu. Có hai loại tài liệu là thứ cấp và sơ cấp. Đối với tài liệu thứ cấp, tức là tài liệu đươc viết lại, thì cần phải xem xét và phải có cái nhìn phê phán, dù đó là tác phẩm của những sử gia nổi tiếng đi chăng nữa. Còn đối với tài liệu sơ cấp thì đơn giản đó là tài liệu và đều có tầm quan trong ngang nhau, không đặt vấn đề đúng sai mà vấn đề đặt ra là đó có phải là tài liệu của nhân vật đó hay không. Tức là vấn đề “chân-ngụy” được đặt ra, “ngụy” đây có nghĩa người nghiên cứu đã nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai, hoặc cố tình gán cho tài liệu đó một ý nghĩa khác. Một ví dụ, trước đây ở miền Bắc có xảy ra một sự kiện, đó là các sử gia Việt Nam nghiên cứu một bia công đức tán dương công đức của Lý Thường Kiệt. Khi một sử gia người Đức đến làm việc dựa trên hướng dẫn của Hoàng Xuân Hãn, thì ông ta đã chứng minh rằng bia đó không phải nói về Lý Thường Kiệt mà bia về Đỗ Anh Vũ. Như vậy là sai theo kiểu là nhận thức sai, bia đó là để thờ Đỗ Anh Vũ mà chúng ta hiểu lầm là nói về Lý Thường Kiệt, còn bản thân cái bia đó không sai.

Còn có cái sai thứ hai là cố tình gán một ý nghĩa cho nó. Có thể người trong cuộc biết bia đó của Đỗ Anh Vũ nhưng vì cho rằng nhân vật này tư cách quá xấu xa, nên cố tình gán nó cho một người khác. Nhưng vấn đề phân biệt đúng sai lại không hề dễ dàng, dựa theo tiêu chí nào mà ta biết được đó là sự thật lịch sử? Có những bài văn, bài thơ, tác phẩm tiểu thuyết lớn hơn cả tác phẩm lịch sử, nó miêu tả linh hồn của sự kiện. Ví dụ khi đọc tác phẩm Chiến tranh và hòa bình bạn sẽ thấy hay hơn bất kỳ tác phẩm lịch sử nào. Thật ra đó là tác phẩm lịch sử “trá hình” dưới dạng tiểu thuyết nói về chiến tranh Pháp-Nga. Sự thật tức là cái gì đang diễn ra, mà khi ta nhận thức về nó thì nó đã diễn ra xong, ta chỉ còn trí nhớ về nó thôi, và trí nhớ lại không hoàn toàn khách quan, mà chịu ảnh hưởng của học vấn, quan điểm, v.v… chứ không đơn thuần như nó diễn ra.
Theo tôi, phải hết sức thận trọng trong việc dùng chữ “chân lý lịch sử” hay “thực tại lịch sử”, vì chúng ta phải hiểu chân lý rất đa dạng cả về mặt tinh thần và vật chất. Xin kể ra đây một giai thoại về một sử gia kiêm Thủ tướng nước Anh, một ngày kia ông ta phạm tội chính trị và và bị giam trong một phòng giam đặc biệt với nhiều điều kiện ưu đãi và ông ta tiếp tục viết bộ sử của mình trong tù. Một hôm ông thấy trong góc tù bên cạnh có hai tù nhân cãi nhau và ông ta đoán nguyên nhân của cuộc cãi nhau khi nghe loáng thoáng câu chuyện của họ. Khi người cai ngục đến ông ta mới hỏi nguyên nhân cuộc cãi vã giữa hai người tù và rất sửng sốt vì biết rằng suy đoán lúc nãy của mình hoàn toàn sai. Cho rằng sự kiện mà mình thấy ngay trước mắt còn hiểu sai, huống hồ viết sử cả ngàn năm trước thì căn cứ vào đâu, nên ông ta đã xé luôn bộ sử của mình, và bỏ ý định làm sử gia. Đây là một giai thoại mà tôi cho rằng nói lên rất đúng về vấn đề chân lý lịch sử. Rất khó lòng nắm được chân lý lịch sử vì tư liệu có thể mâu thuẫn nhau, mỗi tài liệu nói một cách và ta phải tổng hợp nó. Vậy thì dựa vào đâu? Dựa vào triết lý riêng của mỗi người, ta không thể sao chép tài liệu đơn thuần được mà phải để vào một khung nào đó rồi kể lại sao cho có đầu có đuôi. Tại sao có sự kiện đó? Câu chuyện diễn biến như thế nào? Và khi ráp những dữ kiện lại thì bạn phải dùng trí tưởng tượng. Vì sử gia bắt buộc phải đưa ra ước đoán để điền vào những khoảng trống lịch sử và hầu hết các sử gia đều phải làm việc với các khoảng trống lịch sử vì ta không thể có đầy đủ tư liệu một cách rõ ràng và không có gì để bàn cãi.

Chủ quan và khách quan trong nghiên cứu lịch sử

Thật ra chữ khách quan và chủ quan không phải là chữ có nguồn gốc từ Việt và nó không tồn tại trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Nó chỉ bắt đầu du nhập vào khi trí thức Việt Nam biết đến những kiến thức phương tây và khoa học, triết học của phương Tây. Trước đây chúng ta chưa đặt ra một cách rạch ròi, mà chỉ nói chung chung như kiểu “nói có sách mách có chứng”. Ngay ở phương Tây cũng vậy, đây là một cuộc tranh luận kéo dài trong lịch sử triết học. Trong tiếng Anh từ “object” nghĩa là “đồ vật”, “khách thể”, còn “subject” về ngữ pháp có vai trò làm chủ ngữ. Object/subject nghĩa là khách/chủ.


Khái niệm khách-chủ xuất hiện trong quan niệm triết học Trung Quốc theo nghĩa khách là phụ, chủ là nhân vật chính. Quan điểm xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc thì “chủ” luôn luôn là quân vương, là triều đình, là nhân vật trung tâm, mọi diễn biến đều xoay quanh nhân vật trung tâm này. Kể từ sau cuộc cách mạng triết học của Descartes vào thế kỷ XVII bắt đầu mới có sự phân ra nội giới và ngoại giới. Ngoại giới là sự kiện khách quan, tức là đồ vật (object), đó là sông, núi, nhà cửa, cây cối xung quanh chúng ta, và nó có sự tồn tại độc lập. Thế giới của chủ thể được gom hết vào bên trong của nội tâm. Đây là mục tiêu của tâm lý học, nghiên cứu diễn biến bên trong con người. Xã hội học ngược lại nghiên cứu những diễn biến bên ngoài. Đối với xã hội học thì con người là “số không” to lớn mà thôi. Mọi việc ta làm là do giai cấp của các ta quy định, do cha mẹ ta làm như vậy, do những người xung quanh làm như vậy, ta không có gì độc lập tự chủ cả. Nhưng đứng về góc độ tâm lý học thì hoàn toàn ngược lại, thế giới bên trong mới quyết định, động cơ đến từ bên trong. Từ đó người ta phân biệt bên trong và bên ngoài. Nếu ai nghiên cứu cái gì bên ngoài như vật lý học, vật chất thì được gọi là khách quan, ai nghiên cứu về nhân văn, triết học thì được xem là chủ quan.

Dần dần người ta chia thành hai nội dung, những gì thuộc về bên trong chúng ta là những gì tùy tiện, võ đoán, không chính xác, còn những thứ bên ngoài thì mãi là như thế, sông vẫn là sông, núi vẫn là núi, chúng đo lường được và không có ý chí riêng để tùy tiện thay đổi. Do đó từ “khách quan” càng ngày càng mang tính tích cực còn chủ quan thì lại tiêu cực dần dần. Ví dụ, khi ta nói “anh chủ quan quá” có nghĩa là anh sai rồi! Trong khi bản thân từ chủ quan và khách quan không bao hàm ý nghĩa đó. Khách quan, chủ quan không hề có nghĩa là đảm bảo anh đúng hay sai mà chỉ đảm bảo là đối tượng nghiên cứu là gì.

Trong nghiên cứu lịch sử, đối với những bộ sử theo dạng biên niên sử từ thời Hồng Bàng kéo dài đến nay, người ta cho rằng đó là lịch sử khách quan, là một mớ ráp nối các sự kiện thôi, mà điều đó ai cũng làm được. Phải có lịch sử chủ quan đi vào linh hồn dân tộc chứ không quan trọng liệt kê kiểu đời này tiếp nối đời kia mà quan trọng là dân tộc Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh qua những thời đại đó khác nhau như thế nào. Phải có một linh hồn chung của dân tộc, trình tự dân tộc, tâm tình người dân, cảm xúc như thế nào mới là quan trọng. Nhưng vấn đề là nếu viết kiểu như vậy thì ta lại cho là lịch sử chủ quan. Anh dựa vào đâu để biết đó là linh hồn dân tộc? Cho nên vẫn tồn tại một cuộc tranh luận liên tục giữa hai điểm này.

Nhưng tóm lại không bao giờ có khái niệm khách quan toàn diện hay chủ quan toàn diện. Hai cái đều sai lầm. Ta có chủ quan cách mấy đi nữa ta vẫn phải khách quan, vì ta là sản phẩm của khách quan, ta muốn chủ quan cũng không được. Liệu ta có thể phát biểu một câu nói hoàn toàn chủ quan? Ngược lại ta muốn khách quan cách mấy cũng không được vì bất kỳ câu nói nào cũng mang một lý luận trong đó. Cho nên tất cả những phát biểu của chúng ta về lịch sử thường là một dạng nhập nhằng giữa những thành kiến của bản thân – thành kiến này là ý kiến được xác lâp trước do một quá trình học hỏi, rèn luyện và đã được chọn lọc, đòi hỏi một sự cân nhắc trong đầu của sử gia và đưa ra riêng một quyết định. Tôi nghĩ sử gia không nên kết luận một cách tuyệt đối, đúng 100%, như thế thì không còn là lịch sử vì không có cơ sở nào để khẳng định được.

Chọn phương pháp nào để nghiên cứu lịch sử? Vấn đề tính giáo dục của lịch sử?

Về việc chọn lựa phương pháp nghiên cứu lịch sử, tôi cho rằng đối với vấn đề sử học chúng ta nên để một trí tuệ mở, không nên đặt vấn đề chọn lựa, một người có trí tuệ sử học là một người sẵn sàng tiếp nhận quan điểm mới và sẵn sàng đọc lại nguồn sử liệu dưới ánh sáng mới. Tôi nhận thấy sử học trải qua ba giai đoạn. Trước hết có một lối sử cả Đông-Tây đều giống nhau đó là lối cổ điển, lối thứ hai là lối hiện đại và lối thứ ba hiện nay là lối hậu hiện đại. Lối cổ điển là lối ghi chép biên niên sử, chép lại và nghĩ rằng đó là khách quan hoàn toàn.

Lối sử hiện đại là du nhập phương pháp của khoa học hiện đại mà như chúng ta chúng ta đã bàn, đánh giá tài liệu sơ cấp, tài liệu thứ cấp, văn bia, v.v… Có nhiều trường phái, nghiên cứu lịch sử gia đình, nhân vật, thời đại, v.v… Nhưng nói chung là sử dụng tài liệu đã kiểm chứng và biết phân biệt “chân-ngụy”. Thế nào là dã sử, biệt sử, thông sử? Đây là giai đoạn bùng phát của sử học, hầu hết mọi người biết đến sử học là thông qua giai đoạn hai, là giai đoạn đã có kiến thức về khoa học hiện đại, đại đa số các sử gia hiện nay vẫn quen thuộc với giai đoạn này.

Giai đoạn ba thì tương đối mới hơn là giai đoạn hậu hiện đại. Muốn đánh giá chính tham vọng của sử gia khi nói tới chân lý khách quan hay chủ quan, tức là một cái nhìn lại đánh giá lại những phương pháp trước đó. Trước đây các sử gia hiện đại hoàn toàn tin tưởng rằng các phương pháp của họ là tuyệt đối khách quan 100% khi nhận định về số liệu, thống kê, định lượng. Họ cho rằng họ tiếp cận được chân lý. Nhưng sang giai đoạn thứ ba người ta đã đặt lại chính gốc gác của sử họ. Thế nào là khách quan? Thế nào là chân lý? Theo tôi đánh giá ta vẫn chưa có tác phẩm nào viết theo phong cách hậu hiện đại.

Tóm lại nếu muốn học sử nên hãy để cho trí tuệ được cởi mở, đừng nên chọn lựa duy nhất bất cứ quan điểm nào vì khi chỉ chọn lựa một quan điểm, phần nào chúng ta đã tự làm mù lòa chính mình trước những quan điểm khác. Ta càng nhiều quan điểm, càng nhiều sử gia thì trí tuệ sẽ rộng mở hơn và không tự hạn chế mình vào một quan điểm của bất kỳ nào.

Còn về giáo dục thì tôi cho rằng lịch sử có vai trò giáo dục rất tốt nhưng hiện nay nó chưa phát huy được vai trò đó, phải có những công trình độc lập chấp nhận tính phản biện và tranh luận trong sử học hơn nữa. Hãy xem sử học là tòa nhà có hàng nghìn cửa sổ, người ngồi trong tòa nhà có nhiều quan điểm khác nhau. Một điều quan trọng nữa là xây dựng ngành lịch sử thế giới một cách đúng nghĩa, bởi đó là công cụ giáo dục. Vì tôi cho rằng mục đích của sử học là giúp con người hiểu được những quy luật sống nói chung từ xưa đến nay chứ không phải dùng sử học để ca ngợi riêng dân tộc mình, mang tính tự kỷ dân tộc, đề cao dân tộc mình một cách không đúng. Nên thế giới sử phải thực sự được xây dựng trên sự tương tác giữa Việt Nam và khu vực, sự tương tác Việt Nam và thế giới. Một quyết định rất ngu xuẩn của một ông vua nào đó biết đâu chịu sự tác động của lực lượng nào đó bên ngoài, vì vậy không nên cô lập để rồi khẳng định. Vai trò của sử học là làm sao tạo ra trong con người một trí tuệ ở đẳng cấp toàn cầu, phải thấy được có những dân tộc cũng như chúng ta, cũng có những nguyện vọng, đau thương, những mất mát, tham vọng, sai lầm và từ đó chúng ta sẽ hiểu thêm về con người chứ không phải học lịch sử là để chúng ta ôm chầm lấy những bài học lịch sử đã được “tái chế”. Tôi cho rằng đó mới là mục tiêu thực sự của lịch sử, là chức năng giáo dục của lịch sử.

 


Nguồn: Bút ký Café Học thuật. Phiên bản điện tử của http://sociallife.vn/


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt