Triết học lịch sử

Triết học về lịch sử

 

TRIẾT HỌC VỀ LỊCH SỬ

GEORGI V. PLEKHANOV (1856-1918)

 


Georgi Valentinovich Plekhanov. “Triết học về lịch sử.” Trong Các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Marx, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1963, tr. 169-206. Phiên bản điện tử do Lê Quang Hồ đánh máy và biên tập.


 

Chú dẫn của Biên tập viên

Đây là các bài giảng cho hội công nhân ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ vào năm 1904. Sau đó được đăng tải lại trên tờ Nouvelle Revue Socialiste từ ngày 15 tháng 04 cho đến ngày 15 tháng 08 năm 1926. Theo nguồn thông tin trên quyển Pages Socialistes, xuất bản năm 1946.

Nguyên gốc tựa tiếng Pháp là La conception matérialiste de l'histoire / Quan niệm duy vật về lịch sử. Nhưng khi xuất bản bản dịch tiếng Anh gồm hợp tuyển các luận văn quan trọng của Plekhanov có nhan đề Fundamental Problems of Marxism / Các vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Marx, do David Riazanov biên tập, bài này được đổi tên thành Triết học về Lịch sử, có khả năng là để không trùng tên với một luận văn quan trọng khác cũng mang nhan đề Quan niệm Duy vật Lịch sử.

Các lần xuất bản bản tiếng Anh gần đây do người khác biên tập cuối thế kỷ 20, của quyển hợp tuyển này, luận văn này hầu như không thấy được in lại. Chỉ có thể tìm thấy trong những lần xuất bản trước năm 1941, do David Riazanov biên tập mà thôi. Trong bộ tuyển tập 5 quyển của Georgi V. Plekhanov bằng tiếng Anh do Liên Xô xuất bản những năm 1970-1980, luận văn này cũng không được cho vào.

Tên gọi và địa danh được biên tập lại theo chuẩn tiếng Anh đầu thế kỷ 21, để tiện tra cứu, nhưng có bảo lưu đầy đủ cách dịch phiên âm cũ từ bản dịch tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt dịch theo bản tiếng Pháp của Nhà xuất bản Xã Hội Paris, 1947, có đối chiếu với bản tiếng Anh của Nhà xuất bản Ngoại văn Moscow, 1962, và bản tiếng Trung của Nhà xuất bản Nhân dân, Bắc Kinh, 1957. Cả ba bản dịch đều dựa trên bản do David Riazanov biên tập. Bản dịch tiếng Việt được xuất bản vào tháng 04 năm 1963 do Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội in.

Được biên tập

Trong bản gốc

Guyau, Jean-Marie

Guy-ô

Saint Augustine

Xanh Ô-guy-stanh

Hippo

Hi-pô-nơ

Bossuet, Jacques-Bénigne

Bô-xuy-ê

Meaux

Emile Saisset

Ê-min Xéc-xê

Garnier

Gác-ni-ê

Constantine

Công-stăng-tin

Logic

Lô-gích

Assyria

At-xi-ri

Babylon

Ba-bi-lon

Alexander

A-lec-xan-đơ-rơ

Antiochus

An-ti-ô-quyt

Syria

Xi-ri

Jesus Christ

Giê-su Cơ-rit

John

Giăng

Apocalypse

A-pô-ca-lip-xơ

Domitian

Đô-mi-ni-xiêng

Patmos

Pat-mô-xơ

Midian

Mét-đơ

Voltaire

Von-te

Ferney

Phec-nay

Paris

Pa-ri

Beuchot

Bơ-sô

Marius

Ma-ri-uýt

Cimbri

Xim-bơ-rơ

Scipio Africanus

Xi-pi-ông

Hortensius

Hóoc-tăng-xi-uýt

Cicero

Xi-xê-rông

Cyril

Xi-ri-ơ

Gregory

Gơ-rê-goa

Ambrose

Am-bơ-roa-dơ

Constantine

Công-stăng-tin

Jean-Baptiste-Antoine Suard

Xuy-a

Baron d'Holbach

Hôn-bách

Claude Adrien Helvétius

Hen-vê-chi-uýt

Saurin

Xô-ranh

Montesquieu

Mông-te-ski-ơ

John Locke

Giôn Lốc-cơ

Logic

Lô-gích

Germaine de Staël

Stan

Saint-Simon

Xanh Xi-Mông

Augustin Thierry

Ô-guy-stanh Chi-e-ri

François Mignet

Mi-nhê

Moses

Mô-i-dơ (Moïse)

Normans

Noóc-măng

Stuart

Stuy-a

François Guizot

Ghi-dô

Armand Carrel

Ác-măng Ca-ren

Alexis de Tocqueville

Tốc-cơ-vin

F.W.J. Schelling

Sen-linh

Johann Gottlieb Fichte

Phích-te

G.W.F. Hegel

Hê-ghen

Anaxagoras

A-na-xa-go-rơ

Sparta

Spác-tơ

Marxist

Mác-Xít

Karl Marx

Các Mác

Laura Lafargue

Lê-ông Rê-my

Charles Darwin

Đác-uyn

Eskimo

E-ski-mô

 

 

Khi nhà sử học, - tôi muốn nói một trong số những nhà sử học có năng khiếu khái quát, - bao quát trong tư tưởng cả quá khứ và hiện tại của loài người, họ sẽ thấy diễn ra một cảnh tượng vĩ đại và kỳ diệu. Thật vậy, chắc các bạn biết rằng khoa học hiện đại cho rằng loài người đã xuất hiện trên trái đất từ đệ tứ kỷ sơ kỳ, nghĩa là ít nhất đã hai mươi vạn năm. Nhưng nếu chúng ta bỏ qua những con tính luôn luôn có tính chất giả thuyết đó, nếu chúng ta thừa nhận, như thời xưa kia, rằng loài người đã xuất hiện trên trái đất từ khoảng 4000 năm trước công nguyên, thì chúng ta cũng có chừng 200 thế hệ nối tiếp nhau xuất hiện để rồi biến đi như những chiếc lá rừng khi mùa thu tới. Mỗi thế hệ đó, không, tôi muốn nói hầu như mỗi người thuộc mỗi thế hệ đó, đều đã theo đuổi những mục đích riêng của mình: mỗi người đều đã đấu tranh cho sự sinh tồn của bản thân mình hay của bà con thân thích mình; thế mà vẫn có một sự vận động chung, vẫn có cái mà chúng ta gọi là lịch sử loài người. Nếu chúng ta nhớ lại tình trạng của tổ tiên chúng ta, nếu, chẳng hạn, chúng ta hình dung đời sống của những người thuộc chủng tộc đã từng cư trú trong những nhà dựng trên mặt nước, và nếu chúng ta đem so sánh đời sống ấy với đời sống của nhân dân Thụy-sĩ hiện nay thì chúng ta sẽ thấy khác nhau nhiều lắm. Khoảng cách giữa loài người với tổ tiên của họ ít nhiều giống hình dáng người, đã kéo dài ra; quyền lực của con người đối với thiên nhiên đã tăng lên. Như vậy tất nhiên, và hơn nữa không thể tránh được là người ta phải tự hỏi rằng những nguyên nhân của sự vận động đó và sự tiến bộ đó là gì.

Vấn đề này, - một vấn đề lớn về những nguyên nhân của sự vận động lịch sử và của tiến bộ của loài người, - chính là đối tượng của cái mà trước kia người ta gọi là triết học về lịch sử, và theo ý tôi, có lẽ nên gọi là quan niệm về lịch sử thì hơn; tức là về lịch sử được coi như một khoa học, không phải chỉ tìm hiểu xem sự vật đã diễn biến như thế nào mà còn tìm hiểu xem tại sao sự vật lại diễn biến như thế này mà không diễn biến như thế khác.

Cũng như mọi sự vật, triết học về lịch sử cũng có lịch sử riêng của mình; tôi muốn nói rằng ở những thời đại khác nhau, những người nghiên cứu về nguyên nhân của sự vận động lịch sử đã có những giải đáp khác nhau về vấn đề lớn ấy. Mỗi thời đại đều có một triết học lịch sử riêng của mình. Có lẽ các bạn sẽ cãi lại rằng nhiều khi cùng một thời đại lịch sử không những chỉ có một mà lại có nhiều trường phái triết học về lịch sử. Tôi đồng ý, nhưng tôi đề nghị các bạn hãy nhìn nhận rằng những trường phái triết học khác nhau của một thời kỳ lịch sử nhất định bao giờ cũng vẫn có một cái gì chung cho phép ta coi những trường phái đó như những chủng khác nhau trong cùng một loại. Đương nhiên cũng vẫn còn có những tàn tích của các trường phái cũ. Vậy để đơn giản hóa vấn đề, chúng ta có thể nói rằng mỗi một thời kỳ lịch sử đều có một triết học lịch sử riêng của nó. Chúng ta sẽ nghiên cứu một vài loại triết học đó. Tôi sẽ bắt đầu bằng triết học hay quan niệm thần học về lịch sử.

I. QUAN NIỆM THẦN HỌC VỀ LỊCH SỬ

Triết học hay quan niệm thần học về lịch sử là gì? Quan niệm ấy là một quan niệm nguyên thủy nhất, nó mật thiết gắn liền với những cố gắng đầu tiên của tư duy con người để tìm hiểu thế giới bên ngoài.

Thực vậy, quan niệm đơn giản nhất của con người về tự nhiên là không phải coi nó như những hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau và chịu sự chi phối của những quy luật bất di bất dịch, mà là những sự kiện phát sinh ra do sự tác động của một hay nhiều ý chí giống như ý chí của con người. Nhà triết học Pháp Guyau có nói trong một cuốn sách của ông rằng trước mặt ông một em bé đã bảo mặt trăng là “độc ác” vì mặt trăng không chịu mọc; em bé đó coi mặt trăng như một vật có linh hồn và cũng như em bé đó, người nguyên thủy coi tất cả giới tự nhiên là có linh hồn. Thuyết vạn vật hữu linh là giai đoạn phát triển đầu tiên của tư tưởng tôn giáo, và bước đầu tiên của khoa học là gạt bỏ lối giải thích những hiện tượng trong giới tự nhiên theo thuyết vạn vật hữu linh và phải quan niệm chúng như những hiện tượng chịu sự chi phối của những quy luật. Khi một em bé nghĩ rằng mặt trăng không hiện ra vì nó ác thì nhà thiên văn học giải thích cho ta biết toàn bộ những điều kiện thiên nhiên trong một thời gian nhất định đã cho phép chúng ta có thể nhìn thấy hoặc không nhìn thấy một thiên thể này hay một thiên thể khác. Song trong khi khoa học tiến bộ tương đối nhanh trong việc giải thích giới tự nhiên thì khoa học về xã hội loài người và lịch sử của nó lại tiến chậm hơn nhiều. Người ta thừa nhận việc giải thích những sự biến lịch sử theo thuyết vạn vật hữu linh ở những thời đại mà người ta đã nhạo bang sự giải thích hiện tượng tự nhiên theo thuyết đó.

Trong những xã hội thường đã rất văn minh, người ta vẫn có thể giải thích sự vận động lịch sử của nhân loại như là sự thể hiện ý chí của một hay nhiều thần linh. Sự giải thích lịch sử bằng tác động thần thánh chính là cái mà ta gọi là quan niệm thần học về lịch sử.

Để cung cấp cho các bạn hai thí dụ về quan niệm này, tôi xin nêu lên ở đây triết học lịch sử của hai nhân vật nổi tiếng là Saint Augustine, giám mục địa phận Hippo và Bossuet, giám mục địa phận Meaux.

Saint Augustine coi những sự biến lịch sử là do Thượng đế định đoạt, và hơn nữa ông tin chắc rằng người ta không thể nào nghĩ khác thế được. Ông nói:

Hãy nhìn vị Thượng đế tối cao và chân chính đó, vị Thượng đế duy nhất và toàn năng ấy, đấng tạo hóa của mọi linh hồn và mọi thể xác… đã làm cho con người thành một sinh vật có lý trí gồm cả thể xác lẫn linh hồn, vị Thượng đế, nguồn gốc của mọi quy tắc, mọi cái đẹp, mọi trật tự, đã đem lại cho mọi sự vật số lượng, trọng lượng và kích thước, vị Thượng đế do đó mà có mọi sản vật thiên nhiên, dù sản vật đó thuộc loại nào và có giá trị như thế nào, - tôi xin hỏi có thể tin được rằng vị Thượng đế đó lại chịu để cho các Đế quốc trên trái đất này cùng với nền thống trị và sự lệ thuộc của chúng đứng ngoài vòng quy luật của Thiên mệnh được chăng. (Thiên cung, do Emile Saisset dịch, Paris, 1855, quyển V, chương XI, tr. 292-293.)

Không lúc nào Saint Augustine xa rời quan điểm tổng quát đó khi ông giải thích lịch sử.

Muốn giải thích sự hùng cường của dân tộc La-mã, giám mục ở Hippo kể cho chúng ta rất nhiều chi tiết chứng tỏ rằng sự hùng cường đó cũng phù hợp với ý định của Thượng đế.

Sau khi những vương quốc phương Đông đã lừng lẫy một thời gian dài trên trái đất, Thượng đế muốn rằng Đế quốc phương Tây, đế quốc cuối cùng, theo thứ tự thời gian, trở thành đế quốc hùng cường và rộng lớn nhất, và Thượng đế muốn dùng Đế quốc ấy để trừng phạt một số lớn dân tộc, nên Thượng đế đã đặt Đế quốc ấy vào tay những người ham thích danh vọng, những người đặt vinh quang của mình trong vinh quang của tổ quốc, luôn luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ quốc, và như vậy đã khắc phục được lòng tham lam của họ và mọi thói xấu khác bằng thói xấu duy nhất này: tính hiếu danh. Vì, chẳng cần phải giấu giếm, tính hiếu danh cũng là một thói xấu v.v. (Như trên, tr. 301.)

Nếu cần giải thích sự phồn vinh của vị hoàng đế thiên chúa giáo đầu tiên, Constantine, thì ý chí của Thượng đế sẽ gỡ hết mọi khó khăn. Saint Augustine nói:

Vì chẳng muốn cho những kẻ sùng bái mình tin rằng chỉ có nhờ vào thế lực vạn năng của quỷ thì mới có được đất nước và danh vọng trên trái đất, nên đức Thượng đế nhân từ đã nâng đỡ hoàng đế Constantine, - một ông vua không cần viện đến những thần linh giả hiệu, mà chỉ một niềm tôn sùng vị thần chân chính, - và đã ban cho hoàng đế rất nhiều của cải mà người khác không bao giờ dám mơ ước. (Như trên, quyển I, tr. 328-329.)

Sau hết, nếu muốn biết tại sao cuộc chiến tranh này lại dài hơn cuộc chiến tranh khác, thì Saint Augustine cho chúng ta biết đó là do ý muốn của Thượng đế:

Cũng như Thượng đế muốn loài người phải đau khổ hay được an ủi, tùy theo sự chỉ bảo của công lý hay của lòng từ bi của Người, chính Thượng đế cũng quyết định thời gian của các cuộc chiến tranh, rút ngắn nó lại hay kéo dài ra là tùy theo ý thích của Người. (Như trên, quyển I, tr. 323.)

Các bạn xem đó, Saint Augustine lúc nào cũng vẫn trung thành với nguyên lý cơ bản của ông. Nhưng khốn thay, muốn giải thích đúng đắn các hiện tượng thì không phải chỉ cần tỏ ra trung thành với một nguyên lý nhất định là đủ. Nhà triết học về lịch sử trước hết phải nghiên cứu kỹ mọi sự kiện xảy ra trước và sau cái hiện tượng mà mình muốn giải thích. Nguyên lý cơ bản chỉ có thể và chỉ được dùng làm sợi dây hướng dẫn trong việc phân tích thực tế lịch sử. Thế mà về cả hai mặt đó, lý thuyết của Saint Augustine đều tỏ ra thiếu sót cả. Về mặt phương pháp phân tích thực tế lịch sử, lý thuyết đó tỏ ra vô giá trị. Còn về nguyên lý cơ bản của nó thì tôi đề nghị các bạn chú ý điểm sau đây. Saint Augustine đã nói về cái mà ông gọi là quy luật của Thiên mệnh với biết bao tin tưởng và biết bao chi tiết đến nỗi khi đọc người ta phải tự hỏi phải chăng ông ta là người tâm phúc của Thượng đế của ông. Thế mà chính tác giả ấy, với niềm tin ấy, với lòng trung thành ấy đối với nguyên lý cơ bản của mình, và cũng trong quyển sách ấy, đã nói với chúng ta rằng những con đường của Thượng đế không thể dò được. Nhưng nếu thế, thì tại sao lại đi làm cái việc thăm dò tốn công vô ích ấy? Và tại sao lại vạch cho chúng ta những con đường mù mịt ấy để giải thích những biến cố trong đời sống con người? Mâu thuẫn đã rành rành, và chính vì nó đã rành rành nên người ta dù có một niềm tin nhiệt thành và sắt đá đến đâu, người ta cũng buộc phải từ bỏ lối giải thích lịch sử theo quan điểm thần học, nếu người ta còn coi trọng chút ít logic học và nếu người ta không muốn thừa nhận rằng cái không thăm dò được nghĩa là cái không thể giải thích được, có thể giải thích và làm cho mọi người hiểu được mọi sự vật.

Ta hãy chuyển sang Bossuet. Cũng như Saint Augustine, quan niệm về lịch sử của Bossuet cũng đứng trên quan điểm thần học. Ông tin chắc rằng vận mệnh lịch sử của các dân tộc, hay theo lời ông nói, những cuộc biến chuyển ở các đế quốc là do Thượng đế định đoạt.

Trong cuốn Luận về lịch sử thế giới, ông nói:

Những Đế quốc đó có một mối liên hệ tất yếu với lịch sử của dân tộc của Thượng đế. Thượng đế dùng người Assyria và Babylon để trừng phạt dân tộc đó; dùng người Ba-tư để khôi phục họ; dùng Alexander và những người kế ngôi đầu tiên của ông ta để che chở họ; dùng Antiochus trứ danh và những người kế ngôi ông ta để huấn luyện họ; dùng người La-mã để bênh vực quyền tự do của họ chống lại các vua Syria chỉ lăm le tiêu diệt họ. Những người Do-thái mà tồn tại mãi đến thời Jesus Christ thì cũng là nhờ vào uy lực của những người La-mã ấy. Nhưng khi những người Do-thái không thừa nhận Jesus Christ và đóng đanh Người vào câu rút thì cũng lại chính những người La-mã ấy đã vô tình giúp Thượng đế trả thù và tiêu diệt dân tộc bội bạc kia. (Luận về lịch sử thế giới, Nhà xuất bản Garnier, 1883, phần 3, chương 1, tr. 334.)

Tóm lại, tất cả các dân tộc và tất cả các Đế quốc lớn lần lượt xuất hiện trên vũ đài lịch sử, đều đi đến một mục đích chung bằng những phương tiện khác nhau: phục vụ đạo Thiên chúa và sự vinh quang của Thượng đế. Bossuet vạch cho học trò của ông biết những phán quyết bí mật của Thượng đế đối với Đế quốc La-mã và ngay cả đối với thành La-mã, căn cứ vào thiên khải mà chúa Thánh Thần đã cho Thánh John biết, và Thánh John đã đem giải thích trong quyển Apocalypse[1]. Bossuet cũng nói tuồng như những con đường của Thượng đế không còn là không thể thăm dò được, và điều đáng chú ý là cảnh tượng của sự vận động lịch sử chỉ làm cho ông cảm thấy tính chất phù phiếm của mọi sự vật trần gian. Ông nói:

Như vậy, khi các bạn thấy diễu qua trong chốc lát trước mắt các bạn, tôi không nói là những vua chúa và những hoàng đế, mà là những Đế quốc lớn đã từng làm rung chuyển vũ trụ; khi các bạn thấy những người Assyria cũ và mới, những người Midian, những người Ba-tư, những người Hy-lạp, những người La-mã lần lượt xuất hiện trước mắt các bạn và có thể nói là nhảy xô vào nhau, sự náo động khủng khiếp đó sẽ làm cho các bạn cảm thấy rằng không có gì là vững chắc giữa loài người, rằng tính chất phù phiếm và biến động là đặc trưng của sự vật thế gian. (Luận về lịch sử thế giới, tr. 339.)

Chủ nghĩa bi quan đó là một trong những đặc điểm nổi bật của triết học lịch sử của Bossuet. Và xét cho kỹ thì phải thừa nhận rằng đặc điểm này thể hiện trung thành bản chất chủ yếu của đạo Thiên chúa. Đạo Thiên chúa hứa hẹn với tín đồ niềm an ủi, rất nhiều an ủi! Nhưng đạo ấy an ủi tín đồ như thế nào? Nó an ủi bằng cách tách họ ra khỏi mọi sự vật trên đời, bằng cách làm cho họ tin rằng dưới cõi tục này, tất cả chỉ là hư ảo và hạnh phúc chỉ có thể có sau khi con người đã chết. Tôi đề nghị các bạn hãy nhớ kỹ điểm này; sau đây nó sẽ là một điểm để cho chúng ta so sánh.

Một đặc điểm nổi bật khác trong triết học lịch sử của Bossuet là trong việc giải thích những sự kiện lịch sử, ông không thỏa mãn ở chỗ viện đến ý chí của Thượng đế như Saint Augustine, mà đã chú ý tới cái mà ông gọi là những nguyên nhân riêng biệt của những cuộc biến chuyển của các Đế quốc. Ông nói:

Vì chính đức Thượng đế ấy, người đã tạo ra mối liên quan trong vũ trụ, người mà chính bản thân là vạn năng, Người muốn rằng, để xây dựng trật tự, các bộ phận của cái chỉnh thể to lớn ấy phải phụ thuộc lẫn nhau, chính đức Thượng đế ấy cũng muốn rằng cái dòng luân chuyển của những sự vật thế gian phải có cái liên tục và mức độ của nó; tôi muốn nói rằng con người và các dân tộc đều có những đức tính tương xứng với địa vị dành cho họ; và trừ phi một số biến cố phi thường do Thượng đế độc quyền định đoạt, thì không có một biến đổi lớn lao nào mà không có nguyên nhân trong những thế kỷ trước. Và cũng bởi trong mọi việc đều có cái chuẩn bị trước, cái quyết định việc tiến hành và cái làm cho nó thành công, khoa học lịch sử chân chính phải nhìn thấy trong mỗi lúc, những điều kiện bí ẩn chuẩn bị những biến đổi lớn lao và những dự tính quan trọng dẫn tới những biến đổi đó. (Như trên, tr. 339-340.)

Như vậy, theo Bossuet, trong lịch sử đã có những biến cố do Thượng đế độc quyền định đoạt, hay nói một cách khác, trong đó Thượng đế hành động một cách trực tiếp. Có thể nói rằng những biến cố đó là những phép màu lịch sử. Nhưng trong nhiều trường hợp và trong tiến trình bình thường của sự vật những biến đổi xảy ra trong một thời kỳ nhất định đều có những nguyên nhân ở các thời kỳ trước. Nhiệm vụ của khoa học chân chính là nghiên cứu những nguyên nhân đó, những nguyên nhân không có gì là phi thường cả, vì những nguyên nhân ấy nằm trong bản chất của con người và của các dân tộc.

Trong quan niệm thần học của ông về lịch sử, như vậy Bossuet đã dành một địa vị rộng lớn cho việc giải thích các biến cố lịch sử theo quan điểm tự nhiên. Đành rằng cách giải thích tự nhiên ấy ở ông gắn chặt với tư tưởng thần học; lúc nào cũng chỉ là đấng Thượng đế nhân từ đã cho con người và các dân tộc những đức tính tương xứng với địa vị dành cho họ. Nhưng một khi đã có, thì những đức tính đó tác động độc lập, và chừng nào mà nó tác động thì Bossuet nói một cách quả quyết rằng chúng ta không những có quyền mà còn có nghĩa vụ tìm cách giải thích lịch sử theo quan điểm tự nhiên.

Triết học lịch sử của Bossuet so với triết học của Augustine đã có ưu điểm lớn ở chỗ nó nhấn mạnh về sự cần thiết phải nghiên cứu những nguyên nhân riêng biệt của các biến cố. Nhưng, xét cho cùng thì đó chỉ là lời thú nhận, chắc chắn là vô ý thức và không tự nguyện, về sự bất lực và về hiệu quả của quan niệm thần học chính tông, tức là phương pháp giải thích các hiện tượng bằng tác động của một hay nhiều động lực phi thường.

Vào thế kỷ sau, những người thù địch của thần học đã biết lợi dụng lời thú nhận đó.

Trong số những người thù địch nói trên thì Voltaire, vị kỳ lão ở Ferney, là người đáng sợ nhất, ông đã nói một cách rất hóm hỉnh trong quyển sách nổi tiếng của ông nhan đề Tiểu luận về phong tục của các dân tộc:

Không có cái gì xứng đáng với sự hiếu kỳ của chúng ta hơn là việc mà Thượng đế muốn rằng Giáo hội được thiết lập bằng cách đưa những nguyên nhân bậc thứ hỗ trợ cho những quyết định vĩnh cửu của mình. Ta hãy cung kính để cái gì là thần linh cho những người được Thượng đế ủy thác, và ta chỉ nên quan tâm đến cái gì là lịch sử thôi. (Toàn tập, Nhà xuất bản Beuchot, tập I, tr. 346, Paris, 1817-1821.)

II. QUAN NIỆM DUY TÂM VỀ LỊCH SỬ

Như vậy là quan niệm thần học về lịch sử đã được cung kính gạt ra một bên. Voltaire quan tâm đến cái gì là lịch sử, và cố gắng giải thích những hiện tượng bằng những nguyên nhân bậc thứ, nghĩa là những nguyên nhân tự nhiên. Nhưng khoa học là gì, nếu không phải là sự giải thích các hiện tượng theo quan điểm tự nhiên?

Triết học lịch sử của Voltaire là một sự thử giải thích lịch sử theo khoa học.

Chúng ta hãy xét kỹ hơn chút nữa sự thí nghiệm ấy. Ví dụ chúng ta hãy xem theo Voltaire thì những nguyên nhân của sự sụp đổ của đế quốc La-mã là gì.

Sự suy tàn của đế quốc La-mã kéo dài và chậm rãi, nhưng trong những tai họa đã gây nên sự sụp đổ của đế quốc khổng lồ ấy, Voltaire làm nổi bật hai tai họa sau này: một là những man tộc, hai là những cuộc tranh biện về tôn giáo.

Các man tộc đã phá hoại đế quốc La-mã. Nhưng Voltaire tự hỏi, tại sao người La-mã không tiêu diệt họ như Marius đã tiêu diệt những người Cimbri? Vì không có Marius nữa. Nhưng tại sao lại không có Marius nữa? Vì phong tục của người La-mã đã thay đổi. Triệu chứng rõ rệt nhất của sự thay đổi trong phong tục chính là đế quốc La-mã bấy giờ có nhiều tu sĩ hơn quân lính. “Những tu sĩ ấy chạy hàng đoàn từ thành thị này sang thành thị khác để ủng hộ hoặc phá hoại tính đồng thể của ngôi thứ hai…” (Như trên, quyển I, tr. 377).

“Vì con cháu của Scipio đã thành những nhà giáo luận, vì sự sùng bái đã chuyển từ Hortensius và Cicero sang Cyril, Gregory, Ambrose cho nên tất cả đều mất hết; nếu có cái gì phải ngạc nhiên thì chính là việc đế quốc La-mã còn tồn tại được một thời gian ngắn nữa.” (Như trên, quyển I, tr. 377).

Ở đây bạn đã thấy rõ theo Voltaire thì nguyên nhân chính khiến đế quốc La-mã sụp đổ là gì. Nguyên nhân chính ấy là sự thắng lợi của thiên chúa giáo. Vả chăng chính Voltaire cũng đã nói với lối châm biếm chua cay của ông rằng: “Thiên chúa giáo đã mở cửa thiên đường, nhưng nó đã làm mất đế quốc” (Như trên, quyển I, tr. 337).

Ông sai hay đúng? Hiện giờ cái đó chưa quan hệ. Điều quan trọng đối với chúng ta là cần biết đúng những tư tưởng lịch sử của Voltaire. Sự phê phán những tư tưởng ấy sau này sẽ hay.

Chúng ta thấy rằng theo Voltaire, thì thiên chúa giáo đã làm mất đế quốc La-mã. Đứng về phương diện con người mà nói thì hẳn là có thể hỏi tại sao thiên chúa giáo lại thắng lợi ở La-mã?

Đối với Voltaire, công cụ chính khiến những người thiên chúa giáo thắng lợi là Constantine mà Voltaire đã mô tả đúng sự thực lịch sử. Nhưng một người, dù là hoàng đế chăng nữa, dù là rất độc ác và rất mê tín chăng nữa, liệu có bao giờ có đủ sức làm cho một tôn giáo toàn thắng được không?

Voltaire tin rằng có. Và trong thời ông, không phải chỉ mình ông tin như vậy. Tất cả những nhà triết học cũng đều tin thế. Tôi xin trích dẫn những ý kiến của một nhà văn khác về nguồn gốc của dân tộc Do-thái và về thiên chúa giáo để làm thí dụ.

Nếu như quan niệm thần học về lịch sử nhằm giải thích sự tiến triển lịch sử bằng ý chí và hành động trực tiếp hoặc gián tiếp của một hoặc nhiều động lực siêu nhiên thì quan niệm duy tâm – mà Voltaire và các bạn của ông là những người ủng hộ kiên quyết, - lại nhằm mục đích giải thích sự tiến triển ấy bằng sự tiến triển của phong tục và quan niệm, hoặc của tư tưởng, như người ta thường nói ở thế kỷ XVIII.

Suard nói:

“Tôi hiểu tư tưởng là kết quả của một mớ chân lý và sai lầm phổ biến trong một dân tộc; kết quả ấy quyết định những phán đoán trọng hay khinh, yêu hay ghét, tạo nên những thị hiếu và tập quán, những tư tưởng và đức tính, tóm lại là phong tục của dân tộc ấy.” (Suard, Những văn học tạp lục, III, tr. 400, Paris, 1803-1804).

Vì tư tưởng thống trị thế giới, cho nên hiển nhiên nó là nguyên nhân căn bản, nguyên nhân sâu xa nhất của sự vận động lịch sử, và không lấy gì làm lạ thấy một nhà sử học lại viện đến tư tưởng như một lực lượng cuối cùng sinh ra những biến cố của thời đại này hay thời đại khác.

Và nếu tư tưởng nói chung giải thích những biến cố lịch sử, thì rất tự nhiên là phải tìm trong tư tưởng tôn giáo (ví dụ trong thiên chúa giáo) cái nguyên nhân sâu xa nhất của cuộc hung suy của một đế quốc (ví dụ đế quốc La-mã). Voltaire như vậy là vẫn trung thành với triết học lịch sử của thời đại ông, khi ông nói rằng thiên chúa giáo đã gây nên sự sụp đổ của đế quốc La-mã.

Nhưng, trong những nhà triết học của thế kỷ XVIII có nhiều người được xem là nhà duy vật luận. Ví dụ như Holbach, tác giả cuốn Hệ thống giới tự nhiên nổi tiếng, và Helvétius, tác giả cuốn không kém nổi tiếng Bàn về tinh thần. Rất dĩ nhiên là có thể giả định rằng ít ra những nhà triết học ấy không tán thành quan niệm duy tâm lịch sử.

Vậy mà sự giả định có vẻ rất tự nhiên ấy lại sai lầm: Holbach và Helvétius là duy vật trong quan niệm về giới tự nhiên, lại là duy tâm về lịch sử. Như tất cả mọi nhà triết học của thế kỷ XVIII, như toàn bộ “phái bách khoa”, các nhà duy vật thời ấy đều cho rằng tư tưởng thống trị thế giới và sự tiến triển của tư tưởng, xét cho đến cùng, giải thích sự tiến triển lịch sử.

“Ngu dốt, sai lầm, thành kiến, thiếu kinh nghiệm, thiếu suy nghĩ, thiếu nhìn xa, đó là những nguồn gốc thực của bệnh hoạn tinh thần. Người ta chỉ tự hại mình và làm hại người hợp tác với mình, vì người ta không có ý thức về lợi ích chân chính của mình.” (Hệ thống xã hội, hoặc những nguyên lý tự nhiên về đạo đức và chính trị, quyển II, chương I, tr. 5, Paris, 1822).

Ở một đoạn khác cùng một tác phẩm ấy, chúng ta còn đọc thấy:

“Lịch sử chứng minh cho chúng ta rằng về mặt chính quyền, các dân tộc bao giờ cũng là đồ chơi của cái ngu dốt, cái dại dột, tính nhẹ dạ, tính hoảng hốt của họ và nhất là của những dục vọng của những kẻ nào đã giành được uy tín trong quần chúng. Giống như những người ốm trằn trọc không ngừng trên giường mà không tìm được chiều nằm thích đáng, các dân tộc đã luôn luôn thay đổi hình thức chính quyền của họ, nhưng chưa bao giờ họ có quyền lực và khả năng để cải tạo cái căn bản, để tìm ra nguồn gốc chân chính của bệnh hoạn của mình. Họ luôn luôn tự thấy bị xô đi đẩy lại bởi những dục vọng mù quáng.” (Như trên, quyển II, tr. 27).

Những đoạn trích dẫn trên cho các bạn thấy rằng, theo nhà duy vật Holbach thì sự ngu dốt là nguyên nhân của bệnh hoạn tinh thần và chính trị. Nếu các dân tộc mà độc ác, chính là vì ngu dốt; nếu các chính thể của họ mà phi lý, đó là vì họ không biết tìm ra những nguyên tắc chân chính của tổ chức xã hội và chính trị; nếu những cuộc cách mạng của các dân tộc chưa trừ được tận gốc bệnh hoạn tinh thần và xã hội, đó là vì họ không đủ tri thức. Nhưng ngu dốt là gì? Sai lầm là gì? Thành kiến là gì? Ngu dốt, sai lầm, thành kiến, tất cả những cái ấy chỉ là tư tưởng sai lầm. Nếu ngu dốt, sai lầm và thành kiến đã ngăn trở không cho người ta khám phá ra những nền tảng chân chính của tổ chức chính trị và xã hội, thì rõ ràng là chính tư tưởng sai lầm đã thống trị thế giới. Như vậy là Holbach ở chỗ này cũng cùng một ý kiến với đa số những nhà triết học của thế kỷ XVIII.

Còn về Helvétius, tôi chỉ dẫn ra ý kiến của ông về chế độ phong kiến. Trong một bức thư gửi Saurin nói về quyển Tinh thần luật pháp của Montesquieu, Helvétius nói:

“Ông ta định dạy chúng ta cái quái gì ở cuốn Luận về lãnh địa phong kiến thế? Phải chăng đó là đề tài để cho một khối óc thông minh và hiểu biết như vậy phải tìm tòi giải quyết? Có thể rút ra được pháp chế gì từ các luật pháp hỗn độn và man rợ kia, mà sức mạnh đã thiết lập, mà ngu muội đã tôn trọng, cái mớ luật pháp lúc nào cũng đối lập với một nền trật tự tốt đẹp?” (Toàn tập, Paris, Đi-đô, 1795, quyển XIV, tr. 74).

Ở một chỗ khác, ông viết: “Montesquieu quá nặng về lập trường phong kiến, và chính quyền phong kiến là kiệt tác của sự phi lý”. (Tư tưởng và suy nghĩ, như trên, tr. 176).

Như vậy, Helvétius cho rằng chế độ phong kiến tức là cả một hệ thống chế độ xã hội và chính trị, là một kiệt tác của sự phi lý, và do đó tất bắt nguồn ở sự ngu muội, hay nói một cách khác, ở tư tưởng sai lầm. Vậy thì bao giờ cũng chính tư tưởng, dù hay dù dở, đã thống trị thế giới.

Tôi đã nói rằng điều quan trọng đối với chúng ta không phải là phê bình lý thuyết ấy, mà là nhận thức nó cho rõ và để nắm được bản chất của nó. Bây giờ chúng ta đã biết nó rồi thì không những có thể mà còn cần thiết phải phân tích nó.

Vậy lý thuyết ấy đúng hay sai?

Có thật đúng rằng khi người ta không hiểu quyền lợi của mình ở đâu thì cũng không thể phục vụ quyền lợi ấy một cách đúng đắn được không? Cái đó đúng quá, không chối cãi được.

Có thật đúng rằng cái ngu muội đã gây nên nhiều tai hại cho nhân loại, và một chế độ xã hội và chính trị xây dựng trên sự phục tùng và sự bóc lột của con người đối với con người, như chế độ phong kiến, chỉ có thể có ở trong một thời đại của ngu muội, thành kiến thâm căn cố đế không?

Cái đó rất đúng, và tôi không thấy người ta làm thế nào mà phản đối được một chân lý vững chắc như vậy.

Tóm lại, ý kiến cho rằng tư tưởng, theo định nghĩa của Suard, đã có một ảnh hưởng lớn đối với hành động của con người, điều đó đúng hay sai? Bất cứ ai đã hiểu biết con người cũng nói rằng điều đó nữa cũng đã hiển nhiên và không thể chối cãi được.

Vậy quan niệm duy tâm về lịch sử có dựa trên chân lý chăng?

Tôi trả lời rằng vừa có vừa không. Và đây là nhận thức của tôi về điểm đó.

Quan niệm duy tâm về lịch sử là đúng theo ý nghĩa là nó cũng có cái đúng. Đúng, nó cũng có cái đúng. Tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với người. Như vậy chúng ta có quyền cho rằng tư tưởng thống trị thế giới. Nhưng chúng ta cũng rất có quyền tự hỏi chúng ta rằng: cái tư tưởng thống trị thế giới đó lại không bị cái gì thống trị hay sao? Nói cách khác, chúng ta có thể và phải tự hỏi có phải tư tưởng và tình cảm của con người là do ngẫu nhiên mà có không. Đặt vấn đề ấy cũng chính là giải quyết nó tức khắc theo hướng phủ định. Không, tư tưởng và tình cảm của con người không phải do ngẫu nhiên. Sự phát sinh và phát triển của chúng đều chịu sự chi phối của những quy luật mà chúng ta phải nghiên cứu. Một khi các bạn đã thừa nhận điều đó – và có cách nào để không thừa nhận nó? – các bạn sẽ bắt buộc phải thừa nhận rằng, nếu tư tưởng thống trị thế giới, thì nó không thống trị như một chúa tể tuyệt đối, mà chính nó cũng bi thống trị, do đó, người nào viện đến tư tưởng sẽ không chỉ ra được cho chúng ta cái nguyên nhân căn bản, cái nguyên nhân sâu xa nhất của sự vận động lịch sử.

Như vậy là có chân lý ở trong quan niệm duy tâm về lịch sử. Nhưng không có toàn bộ chân lý.

Để nhận thức được toàn bộ chân lý, chúng ta phải tiếp tục việc nghiên cứu ở chính chỗ mà quan niệm duy tâm bỏ dở. Ta phải cố gắng để nhận thức đúng đắn những nguyên nhân của sự phát sinh và sự tiến triển của tư tưởng của con người sống trong xã hội.

Muốn làm việc đó được dễ dàng, chúng ta phải tiến hành có phương pháp. Và trước hết chúng ta hãy xem tư tưởng, nghĩa là, theo định nghĩa của Suard, cái mớ chân lý và sai lầm lan tràn trong mọi người có phải là bẩm sinh không, có phải nó sinh ra và mất đi cùng với họ không. Thế nghĩa là chúng ta tự hỏi liệu có những tư tưởng bẩm sinh không.

Đã có một thời người ta tin chắc rằng những tư tưởng, ít ra là một phần, là bẩm sinh. Khi thừa nhận có những tư tưởng bẩm sinh, người ta cũng đồng thời thừa nhận rằng những tư tưởng ấy làm thành một cái vốn chung cho toàn nhân loại, một cái vốn không bao giờ thay đổi, dù ở thời nào hay nơi nào cũng vậy.

Quan niệm ấy, trước kia rất phổ biến, đã bị một nhà triết học đại tài Anh là John Locke đánh bại. Trong cuốn sách nổi tiếng của ông nhan đề là Tiểu luận về trí năng của người, ông đã chứng minh rằng không hề có những tư tưởng, nguyên lý hoặc khái niệm bẩm sinh trong trí óc con người.

Những tư tưởng hoặc nguyên lý của người ta đều từ kinh nghiệm mà có, và điều đó cũng đúng đối với cả những nguyên lý tư biện, cũng như những nguyên lý thực tiễn hoặc nguyên lý đạo đức. Những nguyên lý đạo đức thay đổi theo thời gian và địa điểm. Khi người ta lên án một hành động, đó là bởi hành động ấy có hại cho họ. Khi người ta khen ngợi một hành động, đó là bởi hành động ấy có ích cho họ. Vậy thì lợi ích (không phải lợi ích cá nhân mà là lợi ích xã hội) quyết định những phán đoán của con người trong lĩnh vực đời sống xã hội. Đó là học thuyết của Locke, mà các nhà triết học Pháp ở thế kỷ XVIII là những người ủng hộ triệt để. Vậy thì chúng ta có quyền lấy học thuyết ấy làm xuất phát điểm cho việc phê phán quan điểm về lịch sử của họ.

Không hề có những tư tưởng bẩm sinh trong trí óc người ta. Chính kinh nghiệm quyết định những ý niệm thuần lý và lợi ích xã hội quyết định những ý niệm “thực tiễn”. Ta hãy thừa nhận nguyên lý ấy và hãy xem nguyên lý ấy dẫn đến những hậu quả gì.

III. PHẢN ỨNG SAU CÁCH MẠNG PHÁP

Một sự kiện lịch sử to lớn đã chia cách thế kỷ XVIII với thế kỷ XIX: cuộc Cách mạng Pháp, nó như một cơn lốc đã tràn khắp nước Pháp, phá hủy chế độ cũ và quét sạch những tàn tích của nó. Nó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và tinh thần, không những ở Pháp mà ở toàn châu Âu. Nó không thể không có ảnh hưởng đến triết học lịch sử.

Vậy ảnh hưởng ấy thế nào?

Đây, kết quả trực tiếp nhất của nó là một cảm giác vô cùng mệt mỏi.

Sự cố gắng lớn của những người thời ấy đã gây nên một nhu cầu khẩn cấp phải nghỉ ngơi.

Bên cạnh cảm giác mệt mỏi ấy, không thể tránh khỏi sau khi tiêu phí nhiều tinh lực, cũng có một thứ hoài nghi nào đó. Thế kỷ XVIII tin chắc ở sự thắng lợi của lý tính. Voltaire nói: Lý tính rút cục bao giờ cũng có lý. Những biến cố của Cách mạng đã làm tan vỡ niềm tin ấy. Người ta đã thấy bao nhiêu biến cố bất ngờ, người ta đã thấy sự thắng lợi của biết bao nhiêu điều trước đây tưởng chừng như không thể có được và hoàn toàn vô lý; người ta đã thấy bao nhiêu những tính toán khôn ngoan nhất cũng bị lật nhào bởi cái logic tàn nhẫn của sự thực, người ta tự bảo rằng có lẽ lý tính không bao giờ có lý. Ở đây chúng ta tìm thấy một bằng chứng quý báu ở một người đàn bà thông minh biết nhận xét sự việc xảy ra xung quanh mình. Bà Staël nói:

“Nhiều người vì hoảng sợ trước những thăng trầm kinh khủng mà những sự biến chính trị đã nêu gương, đã mất hết hứng thú về sự tự tu và đã bị uy lực của ngẫu nhiên đập mạnh đến nỗi không còn tin ở tính ưu việt của những năng khiếu tinh thần nữa.” (Về văn học, nhìn trong quan hệ với những thiết chế xã hội, xuất bản lần thứ hai Paris, IX, tập I, Lời nói đầu, tr. 43-44).

Như vậy là người ta đã bị uy lực của ngẫu nhiên làm cho hoảng sợ. Những ngẫu nhiên là gì? Ngẫu nhiên trong đời sống các xã hội là gì? Ở đây có đề tài để tranh luận về triết học. Nhưng chẳng đi vào cuộc tranh luận đó, chúng ta có thể nói rằng con người thường gán cho ngẫu nhiên những cái gì mà họ còn chưa biết rõ nguyên nhân. Bởi vậy khi họ cảm thấy uy lực của ngẫu nhiên đè nặng lên họ quá nhiều và quá lâu thì rốt cuộc họ phải gắng giải thích và khám phá ra những nguyên nhân của những hiện tượng mà trước kia họ đã xem là ngẫu nhiên. Và chính đó là điều mà chúng ta sẽ nhận thấy ở lĩnh vực khoa học lịch sử khi thế kỷ XIX bắt đầu.

IV. TRIẾT HỌC LỊCH SỬ CỦA SAINT-SIMON

Saint-Simon, một trong những đầu óc quảng bác nhất và cũng kém phương pháp nhất của nửa đầu thế kỷ này, đã cố gắng đặt nền tảng cho một khoa học xã hội. Khoa học xã hội, khoa học về xã hội loài người, vật lý học về xã hội, như đôi lần ông còn gọi, có thể và phải trở thành một khoa học cũng chính xác như những khoa học tự nhiên. Chúng ta phải nghiên cứu những sự kiện liên quan đến đời sống quá khứ của nhân loại để khám phá những quy luật của sự tiến bộ của nó. Chúng ta chỉ có thể dự đoán tương lai, khi chúng ta đã hiểu rõ quá khứ. Và để hiểu, để giải thích quá khứ, Saint-Simon chú trọng nghiên cứu lịch sử Tây Âu từ thời suy vong của đế quốc La-mã.

Ông nhìn thấy trong lịch sử ấy, sự đấu tranh của những nhà công nghiệp (hoặc của đẳng cấp thứ ba, theo lối nói ở thế kỷ trước) chống lớp quý tộc. Những nhà công nghiệp liên minh với nhà vua và nhờ vào sự ủng hộ của họ, nhà vua đã chiếm được quyền lực chính trị trước kia ở trong tay bọn lãnh chúa phong kiến. Để đền bù những công lao đó, nhà vua đã che chở họ, nhờ thế mà họ đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng đối với kẻ thù. Dần dần, nhờ lao động và tổ chức, những nhà công nghiệp đã có được một lực lượng xã hội hùng hậu hơn hẳn lực lượng của tầng lớp quý tộc.

Đối với Saint-Simon, cuộc cách mạng Pháp chỉ là một giai đoạn trong cuộc đấu tranh vĩ đại và trường kỳ giữa những nhà công nghiệp và những nhà quý tộc. Và tất cả những đề nghị thực tiễn của ông rút lại chỉ là những dự án về phương sách mà theo ông cần phải thi hành để hoàn thành và củng cố thắng lợi của những nhà công nghiệp và thất bại của những nhà quý tộc. Mà cuộc đấu tranh giữa nhà công nghiệp chống tầng lớp quý tộc là cuộc đấu tranh giữa hai lợi ích đối lập. Và, như Saint-Simon nói, nếu như cuộc đấu tranh ấy đã choán cả lịch sử Tây Âu từ thế kỷ XV, thì chúng ta có thể nói rằng chính sự đấu tranh giữa những lợi ích xã hội lớn là nguyên nhân của sự vận động lịch sử trong thời kỳ ấy. Ở đây chúng ta đã vượt khá xa quan niệm về lịch sử của thế kỷ XVIII: không phải là mà chính là lợi ích xã hội hay, nói cho đúng hơn, lợi ích của những thành phần cấu tạo lớn của xã hội, lợi ích của các giai cấp và cuộc đấu tranh xã hội do sự đối lập giữa những lợi ích ấy gây nên, đã thống trị thế giới và quyết định bước đường của lịch sử.

Do những tư tưởng về lịch sử của ông, Saint-Simon đã có một ảnh hưởng quyết định đối với một trong những nhà sử học lớn của nước Pháp: Augustin Thierry. Và vì Augustin Thierry đã thực sự làm một cuộc cách mạng trong khoa học lịch sử của nước ông, nên phân tích những tư tưởng của ông sẽ rất có ích cho chúng ta.

V. NHỮNG QUAN NIỆM CỦA AUGUSTIN THIERRY VÀ MIGNET

Có lẽ các bạn vẫn nhớ tôi đã nói gì về Holbach. Theo Holbach thì lịch sử của dân tộc Do-thái, chẳng hạn, là sự nghiệp của độc một người là Moses, là người đã rèn luyện tính cách của người Do-thái và đã đem lại cho họ sự tổ chức xã hội và chính trị cũng như là tôn giáo của họ. Holbach nói thêm rằng mỗi dân tộc có Moses của mình. Triết học lịch sử của thế kỷ XVIII chỉ biết có cá nhân, tức những vĩ nhân. Còn quần chúng, với tư cách là nhân dân, thì hầu như không có đối với nó. Về điểm này, thì triết học lịch sử của Augustin Thierry chính ngược hẳn với triết học lịch sử của thế kỷ XVIII. Trong Những bức thư về lịch sử nước Pháp, ông nói: “Việc các nhà sử học khăng khăng không bao giờ thừa nhận ở quần chúng một chút tự động nào, một chút ý thức nào, là một điều rất đơn giản. Nếu cả một dân tộc di cư và định một nơi cư trú mới thì, theo lời nói của các nhà sử học và các thi sĩ, đó chính là do một vị anh hùng nào muốn dựng nên một đế quốc để được rạng danh; nếu những phong tục mới được tạo nên, thì đó chính là do một nhà lập pháp nào nghĩ ra và bắt phải theo; nếu một đô thị được tổ chức thì đó là do một vị vua chúa nào cho nó ra đời; bao giờ nhân dân và những công dân cũng chỉ là tư liệu cho tư tưởng của một cá nhân mà thôi.” (Toàn tập, quyển III, Paris, 1859; Mười năm nghiên cứu lịch sử, tr. 346).

Cuộc Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và cuộc cách mạng ấy, mà hình ảnh còn tươi thắm ở thời Phục tích, không còn cho phép người ta xem sự vận động lịch sử như sự nghiệp của những cá nhân ít nhiều thông minh và ít nhiều đạo đức. Không còn quan tâm đến những hành động và cử chỉ của những vĩ nhân, các nhà sử học từ nay muốn quan tâm đến lịch sử các dân tộc. Như thế đã là rất quan trọng và đáng nên ghi nhớ.

Chúng ta hãy đi xa hơn. Chính là quần chúng quảng đại tạo nên lịch sử. Đồng ý. Nhưng tại sao họ lại tạo nên lịch sử? Nói cách khác, khi quần chúng hành động thì họ nhằm mục đích gì? Augustin Thierry trả lời rằng họ nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của họ. Ông nói: “Các bạn có muốn biết đúng là ai đã sáng tạo ra một chế độ, ai đã nghĩ ra một sự nghiệp xã hội không? Các bạn hãy tìm xem những ai là người thực sự cần đến những thứ ấy, thì chính những người này phải có ý niệm đầu tiên, ý chí hành động và ít nhất là gánh một phần lớn trong sự thực hiện, is fecit cui prodest (người làm là người có lợi): định lý ấy trong lịch sử cũng có giá trị như trong pháp luật.” (Mười năm nghiên cứu lịch sử, tr. 348).

Quần chúng hành động cho lợi ích của họ; lợi ích là nguồn gốc, động cơ của mọi sáng tạo xã hội. Rất dễ hiểu là khi một chế độ trở thành đối lập với lợi ích quần chúng, thì quần chúng bắt đầu đấu tranh chống chế độ ấy. Và bởi một chế độ có hại cho quần chúng nhân dân, lại thường thường có lợi cho giai cấp đặc quyền, cuộc đấu tranh chống chế độ ấy trở thành cuộc đấu tranh chống giai cấp đặc quyền. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa những người và những lợi ích đối lập đóng một vai trò lớn trong triết học lịch sử của Augustin Thierry. Ví dụ cuộc đấu tranh ấy đã choán cả lịch sử nước Anh, từ cuộc chinh phục của người Normans cho đến cuộc cách mạng lật đổ triều đại Stuart. Cuộc cách mạng Anh ở thế kỷ XVII là cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp: những kẻ chiến thắng (giai cấp quý tộc) và những kẻ chiến bại (quần chúng nhân dân, kể cả giai cấp tư sản). Nhà sử học của chúng ta nói rằng: “Mỗi nhân vật mà tổ tiên đã sung vào đạo quân xâm lược trước kia, đều rời bỏ lâu đài để vào doanh trại nhà vua nắm lấy quyền chỉ huy mà chức tước đã dành cho họ. Nhân dân các thành thị và các bến tàu kéo nhau lũ lượt đến doanh trại đối lập. Người ta có thể nói rằng khẩu hiệu tập hợp của hai đạo quân ấy là một bên thì ở rỗi và quyền lực và bên kia thì lao động và tự do; vì những kẻ ăn không ngồi rồi, những kẻ không muốn làm việc gì khác trong đời là hưởng thụ mà không phải nặng nhọc, những kẻ ấy dù xuất thân từ đẳng cấp nào đều gia nhập đội quân của nhà vua, để đi bảo vệ những lợi ích phù hợp với lợi ích của chúng; còn những gia đình thuộc về đẳng cấp những người chiến thắng cũ đã đi theo con đường công nghiệp, thì lại đoàn kết với phe Công xã.” (Mười năm nghiên cứu lịch sử, tr. 543).

Cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp ấy không phải chỉ quyết định sự vận động trong lĩnh vực xã hội và chính trị, người ta thấy ảnh hưởng của nó cả ở trong lĩnh vực tư tưởng. Những tư tưởng tôn giáo của người Anh ở thế kỷ XVII, theo Thierry, đã được đào tạo bởi địa vị xã hội của họ. “Chính vì những lợi ích thiết thực mà chiến tranh được duy trì ở hai phe. Cái khác chỉ là bề ngoài hoặc cớ viện ra. Những người tham gia phe thần dân phần lớn là những tín đồ trưởng lão, nghĩa là ngay cả trong tôn giáo, họ cũng không muốn có một ách áp bức nào. Những người ủng hộ phe đối lập đều là những tín đồ chủ giáo hoặc phái giáo hoàng, vì họ thích, ngay cả trong những hình thức tế tự, cũng có quyền lực để thi hành và thuế má để đánh vào người khác.” (Như trên tr. 544, Paris, 1822).

Ở đây, chúng ta lại xa triết học lịch sử của thế kỷ XVIII hơn nữa. Ở thế kỷ XVIII thì tư tưởng thống trị thế giới. Ở đây thì tư tưởng trong lĩnh vực tôn giáo, lại bị cuộc đấu tranh giai cấp quyết định và thống trị.

Các bạn nên nhớ rằng không phải chỉ một mình nhà sử học mà tôi nói đến đó tin như vậy. Triết học lịch sử của ông cũng là của tất cả những nhà sử học nổi tiếng ở thời phục tích. Một nhà sử học cùng thời với Augustin Thierry là Mignet cũng đứng trên quan điểm ấy. Trong tác phẩm đặc sắc của ông nhan đề là Bàn về chế độ phong kiến, ông quan niệm sự tiến hóa của xã hội như sau: “Những lợi ích có ưu thế quyết định sự vận động của xã hội. Sự vận động ấy trải qua những mâu thuẫn mà đi đến mục đích và dừng lại khi đã đạt mục đích, được thay thế bằng một sự vận động khác, sự vận động mới này khi bắt đầu thì người ta chưa nhận thấy, và chỉ được nhận thấy khi nó mạnh nhất. Đó là bước đường của chế độ phong kiến. Chế độ ấy là một nhu cầu trước khi trở thành sự thực, đó là thời kỳ thứ nhất; rồi nó trở thành sự thực mà thôi không còn là nhu cầu nữa, đó là giai đoạn thứ hai; điều ấy rốt cuộc đã làm cho nó phải ra ngoài sự thực.” (Bàn về chế độ phong kiến, tr. 77-78).

Ở đây chúng ta lại càng vượt rất xa triết học của thế kỷ XVIII. Helvétius trách Montesquieu nghiên cứu quá kỹ những pháp luật phong kiến. Chế độ phong kiến đối với ông là một kiệt tác của sự phi lý, và như thế nó không đáng được nghiên cứu. Trái lại Mignet thừa nhận rằng đã có một thời, thời trung cổ, chế độ phong kiến ở trong nhu cầu, như vậy là có ích cho xã hội, Mignet nói rằng chính sự có ích ấy đã khiến nó nảy sinh. Mignet nhắc lại nhiều lần rằng không phải con người chỉ huy sự vật mà là sự vật chỉ huy con người. Và chính theo quan điểm ấy mà ông nhận xét sự biến trong cuốn Lịch sử Cách mạng Pháp của ông. Khi nói về Nghị viện lập hiến, ông viết: “Những giai cấp quý tộc có quyền lợi đối lập với quyền lợi của đảng quốc dân. Vì vậy quý tộc và tăng lữ cao cấp họp thành cánh hữu của Nghị viện và đối lập luôn luôn với đảng quốc dân, trừ ra một đôi lúc bị lôi cuốn. Những kẻ bất mãn với Cách mạng ấy không ngăn cản nổi Cách mạng bằng những hy sinh của chúng, cũng không chặn đứng được Cách mạng bằng sự gia nhập của chúng, đã chống lại một cách có hệ thống mọi cải cách của Nghị viện.” (Lịch sử Cách mạng Pháp, Paris, 1880, quyển I, tr. 105).

Như vậy là những nhóm chính trị đều do lợi ích giai cấp quyết định. Cũng chính những lợi ích ấy đã đẻ ra những nhận định về chính trị. Mignet bảo ta rằng Hiến pháp năm 1791 “là sự nghiệp của giai cấp trung lưu bấy giờ là giai cấp mạnh nhất, bởi vì như ta đã biết, lực lượng nào chiếm ưu thế bao giờ cũng chiếm được các thiết chế… Ngày 10 tháng Tám là ngày khởi nghĩa của quần chúng chống giai cấp trung lưu và chống vương quyền lập hiến, cũng như ngày 14-7 là ngày khởi nghĩa của giai cấp trung lưu chống các giai cấp đặc quyền và chống chính quyền chuyên chế của ngai vàng.” (Như trên, tr. 210 và 290).

Cũng như Thierry, Mignet là đại biểu đầy tin tưởng của giai cấp trung lưu. Khi cần phán đoán hành động chính trị của giai cấp ấy, Mignet đi tới chỗ chủ trương những phương sách bạo lực: “Người ta chỉ có thể giành được quyền bằng sức mạnh”.

Ở Guizot, chúng ta cũng lại thấy những khuynh hướng tương tự, cảm tình tương tự và quan điểm tương tự. Nhưng ở Guizot, ta thấy những khuynh hướng và cảm tình ấy dứt khoát hơn và quan điểm ấy cũng rõ ràng hơn. Ngay trong cuốn Luận về lịch sử nước Pháp xuất bản năm 1821 ông đã nói rất rõ là theo ý ông thì cơ sở của kiến trúc xã hội phải như thế nào. “Chính do sự nghiên cứu những chế độ chính trị, mà đa số những nhà văn, nhà học giả, nhà sử học hoặc nhà chính luận, đã tìm hiểu tình trạng của xã hội, trình độ hay loại văn minh của nó. Tốt hơn hết có lẽ trước hết hãy nghiên cứu chính bản thân xã hội để hiểu biết những chế độ chính trị của nó. Trước khi trở thành nguyên nhân thì chế độ là kết quả; xã hội đã sản sinh ra chúng, trước khi vì chúng mà thay đổi, và đừng nên tìm ở chế độ hoặc ở những hình thức chính quyền xem tình trạng của nhân dân là thế nào, mà chính là trước hết phải xem xét tình trạng của nhân dân để hiểu được chính quyền đã phải và đã có thể như thế nào”. (Luận về lịch sử nước Pháp, xuất bản lần thứ 12, tr. 73, Paris, 1868.)

Ta có thể tìm thấy những đoạn văn cùng một ý nghĩa trong những tác phẩm của Guizot, của Armand Carrel và của Tocqueville. Vì vậy tôi tưởng có quyền nói rằng hồi đầu thế kỷ XIX các nhà xã hội học, nhà sử học và nhà phê bình đều bảo chúng ta là tình trạng xã hội là cơ sở sâu xa nhất của những hiện tượng của xã hội loài người. Chúng ta đã biết tình trạng đó là gì, là “tình trạng những con người” như Guizot nói, là tình trạng chiếm hữu. Nhưng từ đâu ra cái tình trạng ấy mà tất cả mọi điều trong xã hội đều phụ thuộc vào nó? Khi nào chúng ta có câu trả lời rõ ràng và chính xác về vấn đề ấy, thì chúng ta có thể hiểu được sự vận động lịch sử và sự tiến bộ của loài người. Nhưng vấn đề lớn đó, cái vấn đề của các vấn đề ấy, các nhà sử học hãy còn chưa giải đáp được.

Như vậy, chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn này: các ý niệm, các tình cảm, tư kiến (opinion) bị quy định bởi tình trạng xã hội, và tình trạng xã hội  bị quy định bởi tư kiến. A là nguyên nhân của B, và B là nguyên nhân của A.[2]

Cho đến bây giờ, khi nói về sự tiến triển của triết học lịch sử, tôi chỉ chú trọng vào nước Pháp. Ngoài Saint Augustine và Holbach ra, tất cả các tác giả mà tôi đã trình bày những tư tưởng về lịch sử của họ đều là người Pháp. Bây giờ chúng ta hãy vượt qua biên giới để đặt chân vào đất Đức.

VI. TRIẾT HỌC LỊCH SỬ CỦA SCHELLING

Nước Đức ở nửa đầu thế kỷ XIX là nước cổ điển về triết học, Fichte, Schelling, Hegel và bao nhiêu người khác, tuy kém nổi danh nhưng không kém quan tâm tìm chân lý, đều đã đào sâu thêm những vấn đề triết học, những vấn đề đáng sợ ấy, tuy đã rất cũ nhưng vẫn luôn luôn là mới.

Trong những vấn đề lớn ấy, triết học lịch sử chiếm một địa vị quan trọng bậc nhất. Vậy xét xem các nhà triết học Đức đã trả lời thế nào cái câu hỏi về những nguyên nhân của sự vận động lịch sử và sự tiến bộ của loài người, cũng không phải là điều vô ích. Nhưng vì chúng ta không có thì giờ để phân tích tỉ mỉ triết học lịch sử của từng người một, chúng ta bắt buộc phải đành lòng tìm hiểu hai người chính: Schelling và Hegel, và chúng ta cũng chỉ có thể lướt qua ý niệm lịch sử của họ thôi. Vậy về Schelling, chúng ta chỉ nói đến khái niệm tự do của ông.

Sự tiến hóa lịch sử là một chuỗi hiện tượng do quy luật chi phối. Những hiện tượng do quy luật chi phối là những hiện tượng tất yếu. Ví dụ: mưa. Mưa là một hiện tượng do quy luật chi phối. Như thế nghĩa là trong những điều kiện nhất định tất yếu những giọt nước phải rơi xuống mặt đất. Điều đó rất dễ hiểu khi nói về những giọt nước không có ý thức và ý chí.

Nhưng trong những hiện tượng lịch sử, thì không phải là vật vô tri, mà chính là những con người hoạt động, mà người thì có ý thức và ý chí. Người ta có thể tự hỏi một cách chính đáng rằng phải chăng khái niệm tất yếu – ngoài khái niệm đó ra thì không còn có quan niệm khoa học – về những hiện tượng, trong lịch sử cũng như trong khoa học tự nhiên, có gạt bỏ cái khái niệm tự do của con người không? Nói một cách khác, vấn đề đặt ra như sau: Có cách nào điều hòa hoạt động tự do của con người với tính tất yếu lịch sử không?

Mới thoạt đầu, hình như không thể được, tất yếu gạt bỏ tự do và ngược lại cũng thế. Nhưng cái đó chỉ như vậy đối với người nào chỉ nhìn ở mặt ngoài sự vật, ở ngoài vỏ những hiện tượng. Thực ra, không có cái mâu thuẫn trứ danh ấy, cái gọi là mâu thuẫn giữa tự do và tất yếu ấy. Tất yếu không hề loại trừ tự do, mà chính là điều kiện và cơ sở của tự do. Đó chính là điều mà Schelling cố gắng chứng minh trong một chương của cuốn Phương pháp duy tâm chủ nghĩa tiên nghiệm (Schelling: Toàn tập, Stút-ga và Au-sbua, 1858, tập III. Bản dịch của Gơ-rim-bơ-lô, Paris, 1842).

Theo Schelling, tự do không thể có nếu không có tất yếu. Nếu trong khi hoạt động, tôi chỉ có thể trông cậy vào cái tự do của người khác, thì tôi sẽ không thể dự đoán được hậu quả của những hành động của tôi, bởi vì mỗi lúc, sự tính toán hoàn thiện nhất của tôi cũng có thể hoàn toàn bị cái tự do của người khác làm sai lạc đi, và do đó những hành động của tôi có thể đem lại những kết quả khác hẳn với điều tôi dự kiến.

Tự do của tôi sẽ không còn gì, đời tôi sẽ bị ngẫu nhiên chi phối. Tôi chỉ có thể nắm chắc hậu quả hành động của tôi, trong trường hợp mà tôi có thể dự đoán được hành động của đồng bào tôi; và muốn cho tôi có thể dự đoán được những hành động ấy thì những hành động ấy phải chịu quy luật chi phối, nghĩa là nó phải được quy định, nó phải là tất yếu. Vậy thì tính tất yếu của hành động của những người khác là điều kiện đầu tiên của tự do hành động của tôi. Nhưng mặt khác trong khi hành động một cách tất yếu người ta có thể vẫn giữ được tự do hoàn toàn cho hành động của mình.

Thế nào là một hành động tất yếu? Đó là hành động mà một cá nhân nhất định không thể không làm trong những trường hợp nhất định. Và do đâu mà không thể không làm việc ấy? Do bản chất của người ấy, bản chất do di truyền và sự tiến hóa trước đây của họ tạo thành. Bản chất của người ấy là cái khiến người ấy không thể không hành động một cách nhất định trong những trường hợp nhất định. Thế là rõ ràng, có phải không? Các bạn hãy nói thêm rằng bản chất của người ấy là cái khiến người ấy không thể không có những ý định nào đó, và các bạn sẽ dung hòa được quan niệm tự do và khái niệm tất yếu. Tôi tự do khi tôi có thể hành động như ý tôi muốn. Và hành động tự do của tôi đồng thời cũng là tất yếu, bởi vì ý định của tôi đã được quyết định bởi cơ thể của tôi và bởi những trường hợp nhất định. Vậy tất yếu không loại trừ tự do. Tất yếu chính là tự do, nhưng chỉ là tự do nhìn theo một khía khác hay từ một quan điểm khác.

Sau khi đã lưu ý các bạn vào câu trả lời của Schelling đối với vấn đề lớn là vấn đề tất yếu và tự do, tôi chuyển sang một người đồng thời với ông, người bạn và địch thủ của ông là Hegel.

VII. TRIẾT HỌC LỊCH SỬ CỦA HEGEL

Cũng như triết học của Schelling, triết học của Hegel là triết học duy tâm. Đối với ông, chính tinh thần hay ý niệm là bản chất và là linh hồn của mọi sự vật. Bản thân vật chất chỉ là một hình thức tồn tại của tinh thần hay ý niệm. Có thể như thế không? Vật chất có thật chỉ là một hình thức tồn tại của tinh thần hay không?

Đó là một vấn đề có một tầm quan trọng bậc nhất về mặt triết học, nhưng bây giờ chúng ta chưa đề cập đến. Điều chúng ta cần là nghiên cứu những tư tưởng lịch sử dựa trên cơ sở duy tâm ấy trong học thuyết của Hegel.

Theo nhà tư tưởng vĩ đại này, lịch sử chỉ là sự phát triển của tinh thần phổ biến trong thời gian. Triết học lịch sử là lịch sử được nhận xét bằng lý trí. Triết học lịch sử xem sự việc đúng như nó đã xảy ra, và tư tưởng duy nhất nó đưa vào đó chính là cái tư tưởng cho rằng lý tính thống trị thế giới. Điều ấy có lẽ khiến các bạn nhớ đến triết học Pháp ở thế kỷ XVIII, theo triết học ấy thì chính tư tưởng hay lý tính thống trị thế giới. Nhưng Hegel hiểu tư tưởng ấy một cách đặc biệt. Ông nói trong những bài giảng về triết học lịch sử rằng Anaxagoras là người đầu tiên về mặt triết học thừa nhận rằng lý tính thống trị thế giới, mà hiểu lý tính không phải là một thứ trí tuệ có ý thức, không phải là một tinh thần đúng như tinh thần, mà là những quy luật phổ biến. Sự vận động của hệ thống hành tinh thực hiện theo những quy luật bất di bất dịch và những quy luật ấy là lý tính của sự vận động ấy, nhưng mặt trời cũng như các hành tinh vận động theo những quy luật ấy, đều không có ý thức về chúng. Vậy cái lý tính thống trị lịch sử đó theo Hegel, là một lý tính vô ý thức, đó chỉ là toàn bộ những quy luật quyết định sự vận động lịch sử thôi.

Còn như tư tưởng của con người, tư tưởng mà những nhà triết học Pháp ở thế kỷ XVIII xem là động cơ chính của sự vận động lịch sử, thì Hegel, trong nhiều trường hợp, xem nó như bị quyết định bởi lối sống, hoặc nói cách khác, bởi tình trạng xã hội. Ví dụ trong triết học lịch sử của ông, ông nói rằng nguyên nhân suy tàn của thành Sparta là sự cách biệt quá chừng về tài sản. Ông cũng nói rằng Nhà nước với tư cách là tổ chức chính trị, bắt nguồn ở sự bất bình đẳng về tài sản và ở cuộc đấu tranh của người nghèo chống người giàu.

Và không phải chỉ thế thôi. Theo ông, nguồn gốc của gia đình có liên hệ mật thiết với sự tiến hóa kinh tế của những dân tộc nguyên thủy. Tóm lại, mặc dầu là duy tâm, Hegel cũng như những nhà sử học Pháp trên kia đã viện đến tình trạng xã hội, cho là cơ sở sâu xa nhất của đời sống các dân tộc. Ở điểm đó, ông không lạc hậu với thời đại của ông, nhưng ông cũng không vượt trước được nó. Ông vẫn bất lực không giải thích được những nguồn gốc của tình trạng xã hội, vì, như ông nói, ở một thời kỳ nhất định, tình trạng xã hội của của một dân tộc, cũng như tình trạng chính trị, tôn giáo, thẩm mỹ, đạo đức và trí tuệ của dân tộc ấy đều tùy thuộc ở tinh thần của thời đại, thì như vậy là chẳng giải thích được gì.

Với tư cách là một nhà duy tâm, Hegel viện đến tinh thần, như là động lực cuối cùng của sự vận động lịch sử. Khi một dân tộc từ một trình độ phát triển này sang một trình độ khác, chính là tinh thần tuyệt đối (hay phổ biến) mà dân tộc ấy chỉ là kẻ thừa hành, đã tiến lên một giai đoạn phát triển cao hơn. Vì những giải thích như vậy không giải thích gì hết, nên Hegel cũng ở trong vòng luẩn quẩn giống như những nhà sử học và xã hội học Pháp: họ giải thích tình trạng xã hội bằng tình trạng tư tưởng và giải thích tình trạng tư tưởng bằng tình trạng xã hội.

Chúng ta thấy rằng về mọi mặt, về mặt triết học cũng như về mặt lịch sử chính thức và về mặt văn học, sự tiến triển của khoa học xã hội trong những ngành khác nhau đều dẫn tới cùng một vấn đề: giải thích nguồn gốc của tình trạng xã hội. Chừng nào mà vấn đề này còn chưa được giải quyết thì khoa học vẫn còn xoay quanh trong vòng luẩn quẩn, bằng cách tuyên bố rằng B là nguyên nhân của A, rồi lại chỉ định A là nguyên nhân của B. Trái lại, một khi giải quyết được vấn đề nguồn gốc của tình trạng xã hội thì mọi vấn đề đều có hy vọng được sáng tỏ.

VIII. QUAN NIỆM MARXIST VỀ LỊCH SỬ

Chính Marx đã theo đuổi sự giải quyết vấn đề ấy trong khi ông xây dựng quan niệm duy vật của ông. Trong bài tựa của một tác phẩm của ông: Phê phán chính trị kinh tế học, Marx tự mình thuật lại công trình nghiên cứu đã dẫn ông đến quan niệm ấy như thế nào:

Công cuộc nghiên cứu của tôi đã dẫn đến kết quả sau đây: những quan hệ pháp lý cũng như những hình thức Nhà nước không thể giải thích được bằng bản thân chúng, cũng như bằng cái gọi là sự tiến hóa chung của tinh thần con người, trái lại chúng bắt rễ tự trong những điều kiện sinh hoạt vật chất mà Hegel theo gương người Anh và người Pháp hồi thế kỷ XVIII, gọi là “xã hội công dân”. (Phê phán chính trị kinh tế học, của Karl Marx, bản dịch tiếng Pháp của Laura Lafargue, tr. 3-6).

Như các bạn đã thấy, đó cũng là kết quả mà các nhà sử học, các nhà xã hội học và các nhà phê bình Pháp, cũng như các nhà triết học duy tâm Đức đã đạt tới. Nhưng Marx đi xa hơn. Ông hỏi xem những nguyên nhân quyết định cái xã hội công dân ấy là gì và ông trả lời rằng phải tìm sự giải phẫu xã hội công dân ấy trong chính trị kinh tế học. Như vậy chính tình trạng kinh tế của một dân tộc quyết định tình trạng xã hội của nó, và tình trạng xã hội của một dân tộc lại quyết định tình trạng chính trị, tôn giáo của nó, và vân vân. Nhưng, các bạn sẽ hỏi, tình trạng kinh tế lại không có nguyên nhân sao? Chắc chắn là, như tất cả mọi sự vật trên thế gian, nó cũng có nguyên nhân của nó, và nguyên nhân ấy, nguyên nhân căn bản của tất cả sự tiến hóa xã hội và tức cũng là của mọi vận động lịch sử, chính là cuộc đấu tranh của con người chống với thiên nhiên để sinh tồn.

Tôi muốn đọc cho các bạn nghe đoạn Marx viết về vấn đề ấy: “Trong sự sản xuất xã hội để sống, con người có những mối quan hệ nhất định, tất yếu, độc lập với ý chí của nó; những quan hệ sản xuất ấy tương đương với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất vật chất. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cơ sở thực tế trên đó được xây dựng một kiến trúc thượng tầng về pháp luật và chính trị, và thích ứng với kiến trúc thượng tầng là những hình thức nhất định của ý thức xã hội. Phương thức sản xuất của sinh hoạt vật chất quyết định quá trình sinh hoạt về xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của người quyết định thực tại, trái lại chính thực tại xã hội quyết định ý thức của người. Lực lượng sản xuất vật chất của xã hội phát triển đến một trình độ nhất định thì sẽ mâu thuẫn với quan hệ sản xuất hiện đang tồn tại, hay với cái biểu hiện về mặt pháp lý của những quan hệ sản xuất ấy, tức là với những quan hệ sở hữu trong đó những lực lượng sản xuất đã vận động từ trước đến nay. Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ sản xuất ấy đã trở thành trở lực cho lực lượng sản xuất. Thế là mở đầu một thời đại cách mạng xã hội. Sự biến đổi xảy ra ở cơ sở kinh tế sẽ làm đảo lộn chậm hay nhanh toàn bộ kiến trúc thượng tầng đồ sộ. Khi xem xét những cuộc đảo lộn như vậy, cần luôn luôn phân biệt sự đảo lộn vật chất của những điều kiện sản xuất kinh tế – mà người ta phải nhận định một cách chính xác bằng những khoa học vật lý và tự nhiên – với những hình thức pháp lý, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật hay triết học, tóm lại là những hình thức tư tưởng do đó người ta nhận thức cuộc xung đột ấy và đẩy nó đến cùng. Cũng như người ta không thể nhận xét một người dựa vào ý kiến của người ấy đối với bản thân họ, người ta không thể nhận xét một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của nó. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa những lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất. Bất kỳ một xã hội nào cũng không diệt vọng trước khi đã được phát triển tất cả những lực lượng sản xuất mà xã hội ấy còn đủ chỗ để chứa được, và không bao giờ những quan hệ sản xuất mới và cao hơn lại thay thế cho nó trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ ấy chưa được ấp ủ chính trong lòng của xã hội cũ. Vì vậy nên loài người bao giờ cũng chỉ đề ra những vấn đề mà mình có thể giải quyết, vì, nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy bản thân vấn đề chỉ xuất hiện khi những điều kiện vật chất để giải quyết nó đã có, hay ít ra cũng đang hình thành.” (Như trên, tr. 4, 5, 6, 7).

Tôi hiểu rằng cách nói trên đây, mặc dầu rất rõ ràng và chính xác, vẫn có vẻ khá tối nghĩa. Bởi vậy, tôi xin chú giải ngay cái tư tưởng căn bản của quan niệm duy vật về lịch sử.

Tư tưởng căn bản của Marx có thể tóm lại như sau: Quan hệ sản xuất quyết định tất cả những quan hệ khác tồn tại giữa người và người trong đời sống xã hội của họ. Quan hệ sản xuất đến lượt chúng lại do tình trạng của lực lượng sản xuất quyết định.

Nhưng trước hết lực lượng sản xuất là gì?

Như tất cả mọi loài vật, người ta bắt buộc phải đấu tranh để sinh tồn. Mỗi cuộc đấu tranh đòi hỏi một sự tiêu hao sức lực. Tình hình sức lực quyết định kết quả cuộc đấu tranh. Ở loài vật, sức lực phụ thuộc ngay theo cơ cấu của cơ thể: sức của một con ngựa rừng khác hẳn sức của một con sư tử, và nguyên nhân của sự khác nhau đó là ở trong sự khác nhau về cấu tạo cơ thể. Cấu tạo cơ thể của con người đương nhiên cũng có ảnh hưởng quyết định đối với cách đấu tranh để sinh tồn và kết quả cuộc đấu tranh ấy của con người. Chẳng hạn như con người có bàn tay. Đành rằng những loài vật gần gũi với người, loài thú bốn tay (loài khỉ) cũng có tay, nhưng tay của loài khỉ không hoàn toàn thích ứng với nhiều công việc bằng tay người. Bàn tay là công cụ thứ nhất mà con người sử dụng trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, như Darwin đã chứng minh.

Bàn tay với cánh tay là dụng cụ đầu tiên, là công cụ đầu tiên mà loài người xử dụng. Bắp thịt tay dùng làm lò xo để đánh hay để ném. Nhưng dần dần máy móc xuất hiện. Trước hết hòn đá được xử dụng nhờ trọng lượng và khối lượng của nó. Sau đó khối lượng này được cắm vào một cái cán, và chúng ta đã có rìu và búa. Bàn tay là công cụ đầu tiên của con người, đã giúp cho người sản sinh ra những công cụ khác, chế biến vật chất để đấu tranh với thiên nhiên, nghĩa là đấu tranh với phần còn lại của vật chất độc lập.

Thứ vật chất được chinh phục ấy càng cải tiến, thì việc sử dụng những công cụ, dụng cụ càng phát triển và sức lực của con người chống lại thiên nhiên cũng càng tăng, cũng như càng tăng quyền lực của họ đối với thiên nhiên. Người ta đã định nghĩa con người là: một động vật biết chế công cụ. Định nghĩa ấy sâu sắc hơn là người ta tưởng ban đầu. Thật vậy, khi loài người đã có năng lực chinh phục và chế biến một phần vật chất để đấu tranh chống phần còn lại của vật chất thì sự đào thải tự nhiên và những nguyên nhân tương tự chỉ còn có một ảnh hưởng rất thứ yếu đối với những biến đổi về cơ thể của con người.

Không phải những khí quan thay đổi nữa, mà là những công cụ và những vật mà loài người đem sử dụng nhờ có công cụ đó, phải thay đổi: không phải da người ta thay đổi theo với sự thay đổi của khí hậu, mà chính là quần áo của họ thay đổi. Sự biến đổi về cơ thể của con người chấm dứt (hoặc không còn đáng kể) để nhường chỗ cho sự tiến hóa về kỹ thuật của họ; và sự tiến hóa về kỹ thuật tức là sự phát triển của lực lượng sản xuất; và sự phát triển của lực lượng sản xuất có một ảnh hưởng quyết định đối với sự tập hợp của loài người, đối với trạng thái văn hóa của họ. Khoa học ngày nay phân biệt nhiều loại hình thái xã hội: 1. loại săn bắn; 2. loại chăn nuôi; 3. loại nông nghiệp định cư; 4. Loại công nghiệp và thương nghiệp. Mỗi một loại hình thái xã hội ấy đều có một số quan hệ đặc trưng giữa người và người, những quan hệ ấy không tùy thuộc vào ý chí của người mà lại quyết định bởi tình trạng của lực lượng sản xuất.

Ta hãy lấy những quan hệ sở hữu làm thí dụ. Chế độ tư hữu tùy thuộc phương thức sản xuất, bởi vì sự phân phối và sự tiêu dùng của cải đều gắn chặt với cách sản xuất ra nó. Ở những dân tộc săn bắn nguyên thủy, người ta bắt buộc phải họp nhiều người để săn thú lớn như người Úc [Australian] đi từng đoàn hàng mấy chục người để săn đại thử [chuột lớn – tức Kangaroo]; người Eskimo tập hợp cả một đội xuồng để săn cá voi. Những con đại thử bắt được, những con cá voi đưa được vào bờ đều xem là của chung; mỗi người được ăn tùy thích. Đất đai của mỗi bộ lạc, ở người Úc cũng như ở mọi dân tộc săn bắn, được xem như tài sản chung; mỗi người đều được săn bắn ở đó tùy theo sở thích, miễn là đừng lấn sang đất đai của các bộ lạc láng giềng.

Nhưng giữa tài sản công cộng ấy có một số đồ vật chỉ dùng riêng cho cá nhân; như quần áo, võ khí, thì được xem là sở hữu cá nhân, còn như lều và đồ đạc trong ấy là của gia đình. Cũng như thế, cái xuồng dùng cho những nhóm từ năm đến sáu người là của chung của số người ấy. Cái quyết định chế độ sở hữu, chính là phương thức lao động, phương thức sản xuất.

Tôi đã đẽo một cái búa đá bằng bàn tay tôi thì nó là của tôi; tôi đã dựng túp lều cùng với vợ con tôi thì túp lều ấy là của gia đình tôi; tôi đã săn với người cùng bộ lạc với tôi thì những động vật săn được là của chung của chúng tôi. Những động vật mà một mình tôi săn được trên đất của bộ lạc tôi thì là của tôi, và nếu ngẫu nhiên mà một con động vật do tôi bắn bị thương lại được người khác kết liễu thì nó là của hai người chúng tôi, và da nó thuộc về người nào đã kết liễu nó. Nhằm mục đích ấy, mỗi cái tên đều mang dấu hiệu của người chủ nó.

Một điều này thật đáng chú ý: ở người Da đỏ Bắc Mỹ, trước khi chưa có súng thì việc săn bò rừng được quy định rất chặt chẽ: nếu nhiều mũi tên cắm vào thân bò rừng, thì vị trí của mỗi mũi tên quyết định phần nào của con vật săn được là thuộc về người nào; cái da thì thuộc về người nào có phát tên bắn vào gần tim nhất. Nhưng từ khi dùng súng, vì viên đạn không mang được dấu hiệu riêng, nên những con bò rừng bắn được, được phân chia đều, tức được xem là của chung. Thí dụ ấy đã chứng minh hiển nhiên mối liên hệ chặt chẽ giữa sự sản xuất và chế độ sở hữu.

Như vậy, mối quan hệ giữa người và người trong sản xuất quyết định những quan hệ sở hữu, tình trạng sở hữu, như Guizot nói. Nhưng một khi tình trạng sở hữu đã được quy định thì rất dễ hiểu cơ cấu của xã hội, cơ cấu của xã hội dập khuôn theo cơ cấu sở hữu. Lý thuyết của Marx đã giải quyết như vậy cái vấn đề mà các nhà sử học và triết học nửa đầu thế kỷ XIX đã không giải quyết nổi.

 



[1] Apocalypse là cuốn sách mà Thánh John đã viết ở cù lao Patmos dưới thời vua Domitian. Cuốn đó gồm bảy thiên khải, và Thánh John đã dùng cuốn đó để nói về tương lai của đạo Thiên chúa. (N. D.)

[2] Đoạn văn này không có trong bản dịch của Nxb. Sự thật, chúng tôi dịch, theo bản Pháp văn, bổ sung vào (triethoc.edu.vn)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt